QÚA TRÌNH TỰ HỌC VÀ PHƯƠNG PHÁP DẠY TỰ HỌC<br />
CHO SINH VIÊN<br />
Th.S Dương Thị Thanh Huyền<br />
Bộ môn Khoa học Xã hội & Nhân văn<br />
<br />
1. MỞ ĐẦU<br />
Trong thời đại mà khoa học kĩ thuật phát triển nhanh chóng như hiện nay, nhà <br />
trường dù tốt đến mấy cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu học tập của người học <br />
cũng như đòi hỏi ngày càng cao của đời sống xã hội. Vì vậy, bồi dưỡng năng lực tự <br />
học cho sinh viên (SV) là một công việc có vị trí cực kì quan trọng trong các nhà <br />
trường đại học. Chỉ có tự học, tự bồi đắp tri thức bằng nhiều con đường, nhiều cách <br />
thức khác nhau mỗi SV mới có thể bù đắp được những thiếu khuyết về tri thức khoa <br />
học về đời sống xã hội. Từ đó có được sự tự tin trong cuộc sống, công việc bởi năng <br />
lực toàn diện của mình.<br />
Vấn đề tự học tự đào tạo của người học đã được Đảng, Nhà nước quan tâm <br />
quán triệt sâu sắc từ nhiều năm qua. Nghị quyết Trung ương V khóa 8 từng nêu rõ: <br />
“ Tập trung sức nâng cao chất lượng dạy và học, tạo ra năng lực tự học, tự sáng tạo <br />
của học sinh, Bảo đảm mọi điều kiện và thời gian tự học cho học sinh, phát triển <br />
mạnh mẽ phong trao tự học, tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp trong toàn dân”.<br />
Trên tinh thần ấy, rõ ràng Đảng ta đã coi tự học, tự đào tạo là vấn đề mấu chốt có <br />
vị trí cực kì quan trọng trong chiến lược giáo dục đào tạo của đất nước. Trong khuôn <br />
khổ báo cáo này chúng tôi muốn tập trung đề cập những vấn đề liên quan đến khái <br />
niệm tự học, nội dung hoạt động tự học, các hình thức dạy tự học, đặc biệt là quan <br />
tâm đến các biện pháp rèn luyện kĩ năng tự học cho SV. Để từ đó thúc đẩy quá trình <br />
rèn luyện kĩ năng tự học cho SV, góp phần vào công cuộc đổi mới phương pháp dạy <br />
học, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. <br />
<br />
2. NỘI DUNG<br />
Trước hết cần xác định rõ khái niệm tự học là gì? Vị trí của hoạt động tự học đối <br />
với quá trình học tập nghiên cứu của mỗi người ra sao? Nội dung phương pháp tự học <br />
bao gồm những vấn đề nào?... Đây là những vấn đề mà các nhà nghiên cứu giáo dục <br />
đã dày công nghiên cứu từ lâu. Tuy nhiên, cần nhận thức một điều rằng: do sự chi <br />
phối của điều kiện lịch sử mà việc vận dụng những tri thức cũng như phương pháp <br />
dạy tự học trong từng giai đoạn cần có sự khác nhau. Nhất là ở xã hội hiện tại, khi mà <br />
thông tin tri thức khoa học bùng nổ tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng, <br />
người học rất khó định hướng trong việc lựa chọn tiếp cận tri thức thì vai trò hướng <br />
dẫn của người thầy là rất cần thiết.<br />
2.1. KHÁI NIỆM TỰ HỌC<br />
a. Tự học là gì? <br />
Trong tập bài giảng chuyên đề Dạy tự học cho SV trong các nhà trường trung học <br />
chuyên nghiệp và Cao đẳng, Đại học GS – TSKH Thái Duy Tuyên viết: “Tự học là <br />
hoạt động độc lập chiếm lĩnh kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo, là tự mình động não, suy <br />
nghĩ, sử dụng các năng lực trí tuệ (quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp…)cùng các <br />
phẩm chất động cơ, tình cảm để chiếm lĩnh tri thức một lĩnh vực hiểu biết nào đó hay <br />
những kinh nghiệm lịch sử, xã hội của nhân loại, biến nó thành sở hữu của chính bản <br />
thân người học”.<br />
Tác giả Nguyễn Kỳ ở Tạp chí Nghiên cứu giáo dục số 7/ 1998 cũng bàn về khái <br />
niệm tự học: “Tự học là người học tích cực chủ động, tự mình tìm ra tri thức kinh <br />
nghiệm bằng hành động của mình, tự thể hiện mình. Tự học là tự đặt mình vào tình <br />
huống học, vào vị trí nghiên cứu, xử lí các tình huống, giải quyết các vấn đề, thử <br />
nghiệm các giải pháp…Tự học thuộc quá trình cá nhân hóa việc học”. <br />
Trong bài phát biểu tại hội thảo Nâng cao chất lượng dạy học tổ chức vào tháng <br />
11 năm 2005 tại Đại học Huế, GS Trần Phương cho rằng: “ Học bao giờ và lúc nào <br />
cũng chủ yếu là tự học, tức là biến kiến thức khoa học tích lũy từ nhiều thế hệ của <br />
nhân loại thành kiến thức của mình, tự cải tạo tư duy của mình và rèn luyện cho mình <br />
kĩ năng thực hành những tri thức ấy”. <br />
Từ những quan niệm trên đây có thể nhận thấy rằng, khái niệm tự học luôn đi cùng, <br />
gắn bó chặt chẽ với khái niệm tự thân. Tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng của mỗi cá <br />
nhân chỉ được hình thành bền vững và phát huy hiệu quả thông qua các hoạt động tự <br />
thân ấy. Để có được, đạt tới sự hoàn thiện thì mỗi SV phải tự thân tiếp nhận tri thức <br />
từ nhiều nguồn; Tự thân rèn luyện các kĩ năng; Tự thân bồi dưỡng tâm hồn của mình <br />
ở mọi nơi mọi lúc.<br />
b. Vị trí vai trò của tự học<br />
Tự học là mục tiêu cơ bản của quá trình dạy học. <br />
Từ lâu các nhà sư phạm đã nhận thức rõ ý nghĩa của phương pháp dạy tự học. <br />
Trong quá trình hoạt động dạy học (DH) giảng viên (GV) không chỉ dừng lại ở việc <br />
truyền thụ những tri thức có sẵn, chỉ cần yêu cầu SV ghi nhớ mà quan trọng hơn là <br />
phải định hướng, tổ chức cho SV tự mình khám phá ra những qui luật, thuộc tính mới <br />
của các vấn đề khoa học. Giúp SV không chỉ nắm bắt được tri thức mà còn biết cách <br />
tìm đến những tri thức ấy. Thực tiễn cũng như phương pháp dạy học hiện đại còn xác <br />
định rõ: càng học lên cao thì tự học càng cần được coi trọng, nói tới phương pháp dạy <br />
học thì cốt lõi chính là dạy tự học. Phương pháp tự học là cầu nối giữa học tập và <br />
nghiên cứu khoa học. Bởi vì SV đại học không phải là những học sinh cấp bốn. Họ <br />
cần có thói quen nghiên cứu khoa học, mà để có được thói quen ấy thì không thể <br />
không thông qua con đường tự học. Muốn thành công trên bước đường học tập và <br />
nghiên cứu thì phải có khả năng phát hiện và tự giải quyết những vấn đề mà cuộc <br />
sống, khoa học đặt ra.<br />
Bồi dưỡng năng lực tự học là phương cách tốt nhất để tạo ra động lực mạnh mẽ <br />
cho quá trình học tập.<br />
Một trong những phẩm chất quan trọng của mỗi cá nhân là tính tích cực, sự chủ <br />
động sáng tạo trong mọi hoàn cảnh.Và, một trong những nhiệm vụ quan trọng của <br />
giáo dục là hình thành phẩm chất đó cho người học. Bởi từ đó nền giáo dục mới mong <br />
đào tạo ra những lớp người năng động, sáng tạo, thích ứng với mọi thị trường lao <br />
động, góp phần phát triển cộng đồng. Có thể xem tính tích cực (hình thành từ năng lực <br />
tự học) như một điều kiện, kết quả của sự phát triển nhân cách thế hệ trẻ trong xã <br />
hội hiện đại. Trong đó hoạt động tự học là những biểu hiện sự gắng sức cao về nhiều <br />
mặt của từng cá nhân người học trong quá trình nhận thức thông qua sự hưng phấn <br />
tích cực. Mà hưng phấn chính là tiền đề cho mọi hứng thú trong học tập. Có hứng thú <br />
người học mới có được sự tự giác say mê tìm tòi nghiên cứu khám phá. Hứng thú là <br />
động lực dẫn tới tự giác. Tính tích cực của con người chỉ được hình thành trên cơ sở <br />
sự phối hợp ngẫu nhiên giữa hứng thú với tự giác. Nó bảo đảm cho sự định hình tính <br />
độc lập trong học tập.<br />
Tự học giúp cho mọi người có thể chủ động học tập suốt đời, học tập để khẳng <br />
định năng lực phẩm chất và để cống hiến. Tự học giúp con người thích ứng với mọi <br />
biến cố của sự phát triển kinh tế xã hội. Bằng con đường tự học mỗi cá nhân sẽ <br />
không cảm thấy bị lạc hậu so với thời cuộc, thích ứng và bắt nhịp nhanh với những <br />
tình huống mới lạ mà cuộc sống hiện đại mang đến, kể cả những thách thức to lớn từ <br />
môi trường nghề nghiệp. Nếu rèn luyện cho người học có được phương pháp, kĩ năng <br />
tự học, biết linh hoạt vận dụng những điều đã học vào thực tiễn thì sẽ tạo cho họ <br />
lòng ham học, nhờ đó kết quả học tập sẽ ngày càng được nâng cao.<br />
Với những lí do nêu trên có thể nhận thấy, nếu xây dựng được phương pháp tự <br />
học, đặc biệt là sự tự giác, ý chí tích cực chủ động sáng tạo sẽ khơi dậy năng lực <br />
tiềm tàng, tạo ra động lực nội sinh to lớn cho người học.<br />
<br />
2.2. NỘI DUNG CỦA TỰ HỌC VÀ PHƯƠNG PHÁP DẠY TỰ HỌC CHO SINH VIÊN <br />
2.2.1. Nội dung của quá trình tự học<br />
Bàn về hoạt động tự học và phương pháp tổ chức cho SV tự học như thế nào để có <br />
hiệu quả thiết thực là một vấn đề hoàn toàn không đơn giản. Ngoài việc tìm hiểu khái <br />
niệm, những vấn đề liên quan đến động cơ, thói quen học tập của SV thì mỗi GV rất <br />
cần đến quá trình nghiên cứu nhằm tìm ra nội dung cơ bản, các phương cách tối ưu rèn <br />
luyện phương pháp tự học cho SV. Đặc biệt là việc nhận diện xem những phương pháp <br />
đó ngoài sự thích ứng chung cho mọi SV có đáp ứng được cho từng nhóm đối tượng <br />
trong những giai đoạn và điều kiện, hoàn cảnh khác nhau trong suốt quá trình đào tạo <br />
hay không.<br />
Để đáp ứng yêu cầu nêu trên cần xác định rõ những yêu cầu cơ bản của hoạt <br />
động tự học như: nội dung của hoạt động tự học gồm mấy vấn đề, để tiếp cận nó <br />
phải tuân thủ theo qui trình nào, điều kiện để áp dụng có hiệu quả các yêu cầu ra <br />
sao… từ đó xây dựng những biện pháp dạy tự học tích cực tương ứng.<br />
Với tất cả các lĩnh vực khoa học, việc dạy tự học có những điểm chung, thống <br />
nhất về cách thức cũng như phương pháp. Đó là những vấn đề được xác định như sau:<br />
a/ Xây dựng động cơ học tập<br />
Khơi gợi hứng thú học tập để trên cơ sở đó ý thức tốt về nhu cầu học tập. Người <br />
học tự xây dựng cho mình động cơ học tập đúng đắn là việc cần làm đầu tiên. Bởi vì, <br />
thành công không bao giờ là kết quả của một quá trình ngẫu hứng tùy tiện thiếu tính <br />
toán, kể cả trong học tập lẫn nghiên cứu. Nhu cầu xã hội và thị trường lao động hiện <br />
tại đặt ra cho mỗi người những tố chất cần thiết chứ không phải là những điểm số <br />
đẹp, những chứng chỉ như vật trang sức vào đời mà không có thực lực vì động cơ học <br />
tập lệch lạc. Có động cơ học tập tốt khiến cho người ta luôn tự giác say mê, học tập <br />
với những mục tiêu cụ thể rõ ràng với một niềm vui sáng tạo bất tận. <br />
Trong rất nhiều động cơ học tập của SV, có thể khuôn tách thành hai nhóm cơ bản:<br />
Các động cơ hứng thú nhận thức.<br />
Các động cơ trách nhiệm trong học tập.<br />
Thông thường các động cơ hứng thú nhận thức hình thành và đến được với người <br />
học một cách tự nhiên khi bài học có nội dung mới lạ, thú vị, bất ngờ, động và chứa <br />
nhiều những yếu tố nghịch lí, gợi sự tò mò. Động cơ này sẽ xuất hiện thường xuyên <br />
khi GV biết tăng cường tổ chức các trò chơi nhận thức, các cuộc thảo luận hay các <br />
biện pháp kích thích tính tự giác tích cực từ người học.<br />
Động cơ nhiệm vụ và trách nhiệm thì bắt buộc người học phải liên hệ với ý thức <br />
về ý nghĩa xã hội của sự học. Giống như nghĩa vụ đối với Tổ quốc, trách nhiệm đối <br />
với gia đình, thầy cô, uy tín danh dự trước bạn bè…Từ đó các em mới có ý thức kỉ luật <br />
trong học tập, nghiêm túc tự giác thực hiện mọi nhiệm vụ học tập, những yêu cầu từ <br />
GV, phụ huynh, tôn trọng mọi chế định của xã hội và sự điều chỉnh của dư luận.<br />
Cả hai động cơ trên không phải là một quá trình hình thành tự phát, cũng chẳng <br />
được đem lại từ bên ngoài mà nó hình thành và phát triển một cách tự giác thầm lặng <br />
từ bên trong. Do vậy người GV phải tùy đặc điểm môn học, tùy đặc điểm tâm sinh lí <br />
lứa tuổi của đối tượng để tìm ra những biện pháp thích hợp nhằm khơi dây hứng thú <br />
học tập và năng lực tiềm tàng nơi SV. Và, điều quan trọng hơn là tạo mọi điều kiện <br />
để các em tự kích thích động cơ học tập của mình.<br />
Đối với phần đông những người trẻ, việc tạm gác những thú vui, những trò giải trí <br />
hấp dẫn nhất thời để toàn tâm toàn sức cho việc học là hai điều có ranh giới vô cùng <br />
mỏng manh. Nó đòi hỏi sự quyết tâm cao và một ý chí mạnh mẽ cùng nghi lực đủ để <br />
chiến thắng chính bản thân mình. Đối với người trưởng thành, khi mục đích cuộc đời đã <br />
rõ, ý thức trách nhiệm đối với công việc đã được xác định và sự học đã trở thành niềm <br />
vui thì việc xác định động cơ thái độ học tập nói chung không khó khăn như thế hệ trẻ. <br />
Tuy nhiên không phải là hoàn toàn không có. Vì suy cho cùng ai cũng có những nhu cầu <br />
riêng và từ đó có những hứng thú khác nhau. Vấn đề là phải biết kết hợp biện chứng <br />
giữa nội sinh và ngoại sinh, tức là hứng thú nhận thức, hứng thú trách nhiệm được đánh <br />
thức, khơi dậy trên cơ sở những điều kiện tốt từ bên ngoài. Trong đó người thầy đóng <br />
vai trò chủ đạo.<br />
b/ Xây dựng kế hoạch học tập <br />
Đối với bất kì ai muốn việc học thật sự có hiệu quả thì mục đích, nhiệm vụ và kế <br />
hoạch học tập phải được xây dựng cụ thể, rõ ràng. Trong đó kế hoạch phải được xác <br />
định với tính hướng đích cao. Tức là kế hoạch ngắn hạn, dài hơi thậm chí từng môn, <br />
từng phần phải được tạo lập thật rõ ràng, nhất quán cho từng thời điểm từng giai <br />
đoạn cụ thể sao cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình. Vấn đề kế tiếp là <br />
phải chọn đúng trọng tâm, cái gì là cốt lõi là quan trọng để ưu tiên tác động trực tiếp <br />
và dành thời gian công sức cho nó. Nếu việc học dàn trải thiếu tập trung thì chắc chắn <br />
hiệu quả sẽ không cao. Sau khi đã xác định được trọng tâm, phải sắp xếp các phần <br />
việc một cách hợp lí logic về cả nội dung lẫn thời gian, đặc biệt cần tập trung hoàn <br />
thành dứt điểm từng phần, từng hạng mục theo thứ tự được thể hiện chi tiết trong kế <br />
hoạch. Điều đó sẽ giúp quá trình tiến hành việc học được trôi chảy thuận lợi.<br />
c/ Tự mình nắm vững nội dung tri thức <br />
Đây là giai đoạn quyết định và chiếm nhiều thời gian công sức nhất. Khối lượng <br />
kiến thức và các kĩ năng được hình thành nhanh hay chậm, nắm bắt vấn đề nông hay <br />
sâu, rộng hay hẹp, có bề vững không… tùy thuộc vào nội lực của chính bản thân <br />
người học trong bước mang tính đột phá này. Nó bao gồm các hoạt động:<br />
Tiếp cận thông tin: Lựa chọn và chủ động tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn <br />
khác nhau và từ những hoạt động đã được xác định như đọc sách, nghe giảng, xem <br />
truyền hình, tra cứu từ Internet, cemine, hội thảo, làm thí nghiệm, quan sát, điều tra… <br />
Trong hoạt động này rất cần có sự tỉnh táo để chọn lọc thông tin một cách thông minh <br />
và linh hoạt. Xã hội hiện đại đang khiến phần lớn SV rời xa sách và chỉ quan tâm đến <br />
các phương tiện nghe nhìn khác. Đơn giản vì nó thỏa mãn trí tò mò, giúp cho tai nghe <br />
mắt thấy tức thời. Đó là chưa kể đến sự nhiễu loạn thông tin mà nếu không vững <br />
vàng thì giới trẻ sẽ rất dễ sa vào những cạm bẫy thiếu lành mạnh, ảnh hưởng trực <br />
tiếp đến sự phát triển nhân cách, tâm hồn. Trong lúc từ cổ chí kim, muốn làm chủ tri <br />
thức nhân loại thì con đường tốt nhất của mọi người là đọc sách. Đọc sách là phương <br />
pháp tự học rẻ tiền và hiệu quả nhất. Khi làm việc với sách ta phải sử dụng năng lực <br />
tổng hợp toàn diện và có sự xuất hiện của hoạt động của trí não, một hoạt động tối <br />
ưu trong quá trình tự học. Do vậy, rèn luyện thói quen đọc sách là một công việc <br />
không thể tách rời trong yêu cầu tự học. Ngoài việc tiếp nhận tri thức còn phải biết <br />
đối thoại, gợi mở, thắc mắc hay đề xuất những vấn đề cần lưu ý sau khi đọc sách, <br />
hoặc chí ít là học cách viết, lối diễn đạt từ những cuốn sách hay. Đó là cách đọc sáng <br />
tạo. Khác với sự giải trí đơn giản hay cảm nhận thông thường.<br />
Xử lí thông tin: Việc xử lí thông tin trong quá trình tự học không bao giờ diễn ra <br />
trong vô thức mà cần có sự gia công, xử lí mới có thể sử dụng được. Quá trình này có <br />
thể được tiến hành thông qua việc phân tích, đánh giá, tóm lược, tổng hợp, so sánh… <br />
Vận dụng tri thức, thông tin: Trong việc vận dụng thông tin tri thức khoa học để <br />
giải quyết các vấn đề liên quan như thực hành bài tập, thảo luận, xử lí các tình huống, <br />
viết bài thu hoạch, báo cáo khoa học, tổng thuật… SV thường gặp rất nhiều khó khăn. <br />
Có lúc tìm được một khối lượng lớn tư liệu nhưng việc tập hợp phân loại nội dung <br />
để kiến giải một vấn đề lại không thực hiện được. Trong trường hợp này cần khoanh <br />
vùng vấn đề trong một giới hạn đừng quá rộng. Chỉ cần tập trung đào sâu một vấn đề <br />
nào đó nhằm phát hiện ra cái mới có giá trị thực tiễn là đáp ứng yêu cầu. Trong khâu <br />
này việc lựa chọn và thay đổi hình thức tư duy để tìm ra cách thức tối ưu nhất cho đối <br />
tượng nghiên cứu cũng rất cần thiết.<br />
Trao đổi, phổ biến thông tin: Việc trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin tri thức <br />
hay diển ngôn theo yêu cầu thông qua các hình thức: hội thảo, báo cáo khoa học, thảo <br />
luận, thuyết trình, tranh luận… là công việc cuối cùng của quá trình tiếp nhận tri thức. <br />
Hoạt động này giúp người học có thể hình thành và phát triển kĩ năng trình bày (bằng <br />
lời nói hay văn bản) cho người học. Giúp người học chủ động, tự tin trong giao tiếp <br />
ứng xử, phát triển năng lực hợp tác và làm việc nhóm tốt. <br />
d/ Tự kiểm tra đánh giá kết quả học tập: <br />
Việc nhìn nhận kết quả học tập được thực hiện bằng nhiều hình thức: Dùng các <br />
thang đo mức độ đáp ứng yêu cầu của GV, bản thân tự đánh giá, sự đánh giá nhận xét <br />
của tập thể thông qua thảo luận, tự đối chiếu so sánh với mục tiêu đặt ra ban đầu… <br />
Tất cả đều mang một ý nghĩa tích cực, cần được quan tâm thường xuyên. Thông qua <br />
nó người học tự đối thoại để thẩm định mình, hiểu được cái gì làm được, điều gì <br />
chưa thỏa mãn nhu cầu học tập nghiên cứu để từ đó có hướng khắc phục hay phát <br />
huy.<br />
Vấn đề tự học rõ ràng không hề đơn giản. Muốn hoạt động học tập có hiệu quả <br />
nhất thiết SV phải chủ động tự giác học tập bất cứ lúc nào có thể bằng chính nội lực <br />
của bản thân. Vì nội lực mới chính là nhân tố quyết định cho sự phát triển. Ngoài ra, <br />
rất cần tới vai trò của người thầy với tư cách là ngoại lực trong việc trang bị cho SV <br />
một hệ thống tri thức, kĩ năng, thái độ cùng với phương pháp tự học cụ thể, khoa học. <br />
Nhờ đó hoạt động tự học tự đào tạo của SV mới đi vào chiều sâu thực chất.<br />
<br />
2.2.2. Dạy phương pháp tự học cho sinh viên<br />
Ngoài những nội dung và phương pháp chung được trình bày ở trên mỗi môn học, <br />
mỗi đối tượng đều có những đặc thù riêng. Và, với GV cũng vậy, cũng với những <br />
phương pháp giống nhau nhưng cách sử dụng của mỗi người ở những thời điểm cũng <br />
có sự khác nhau. Do vậy, việc tìm ra những cách thức dạy tự học cụ thể cho từng lĩnh <br />
vực là công việc rất có ý nghĩa. Tâm lí chung với đối tượng SV các chuyên ngành <br />
thuộc khối Tự nhiên – Kĩ thuật thường ngại các môn KHXH – NV có nhiều chữ, một <br />
phần do không thuộc sở trường một phần quĩ thời gian ngày càng eo hẹp, việc học các <br />
học phần này thường chiếm nhiều thời gian. Do vậy trong báo cáo này, việc xác định <br />
các phương pháp dạy cho SV tự học các môn thuộc KHXH –NV được chúng tôi quan <br />
tâm nhiều hơn. <br />
Dạy phương pháp tự học cho SV ở các môn Khoa học tự nhiên – Kĩ thuật đã được <br />
định hình từ lâu bằng những yêu cầu cụ thể rõ ràng như thực hành bài tập, vẽ sơ đồ…<br />
Việc kiểm tra SV có thực hiện yêu cầu học tập mà GV giao hay không cũng vì thế mà <br />
dễ xác định và đỡ mất thời gian hơn. Còn đối với các môn thuộc lĩnh vực Xã hội Nhân <br />
văn không hề dễ dàng. Từ đặc thù của lĩnh vực chuyên ngành xã hội, qua nghiên cứu <br />
các tài liệu về phương pháp dạy học và thực tế giảng dạy nhiều năm chúng tôi đã rút <br />
ra bốn vấn đề cốt lõi có thể áp dụng trong quá trình dạy tự học cho SV. Đó là:<br />
a/ Dạy cách lập kế hoạch học tập<br />
Trên cơ sở đề cương môn học, vào đầu mỗi học phần GV cần hướng dẫn SV lập <br />
kế hoạch học tập sao cho kế hoạch đó phải ở trong tầm với của mình, phù hợp với <br />
điều kiện của mình. Tất nhiên có thể điều chỉnh khi điều kiện thay đổi. Quán triệt để <br />
SV hiểu rõ: mọi kế hoạch phải được xây dựng trên những mục tiêu cụ thể và hoàn <br />
toàn phấn đấu thực hiện được. Trong đó có sự phân biệt rõ việc chính việc phụ, việc <br />
làm ngay và việc làm sau. Có như thế mới từng bước góp nhặt tri thức tích lũy kết quả <br />
học tập một cách bền vững. Việc sử dụng và tận dụng tốt quĩ thời gian cũng cần <br />
được đặt ra để không phải bị động trước khối lượng các môn học cũng như áp lực <br />
công việc.<br />
b/ Dạy cách nghe giảng và ghi chép theo tinh thần tự học. <br />
Nghe giảng và ghi chép là những kĩ năng mà ai cũng phải sử dụng trong quá trình <br />
học tập. Trình độ nghe và ghi chép của người học không giống nhau ở những môn học <br />
khác nhau. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập. Tuy nhiên đây là vấn đề mà <br />
xưa nay chưa có ai nghiên cứu. Mỗi người đều phải tự mình rèn luyện thói quen ghi <br />
chép để có thể có được những thông tin cần thiết về môn học. Điều quan trọng trước <br />
tiên là GV cần truyền đạt cho SV những nguyên tắc chính của hoạt động nghe – ghi <br />
chép. Với các môn KHXH – NV thường có dung lượng câu chữ nhiều, việc vừa chú ý <br />
theo dõi để tri nhận thông tin vừa mong muốn ghi chép thật đầy đủ khiến đôi lúc trở <br />
thành một thách đố lớn. Các em thường mang lối học thụ động, quen tách việc nghe và <br />
ghi chép ra khỏi nhau, thậm chí nhiều SV chỉ chờ GV đọc mới có thể ghi chép được <br />
nội dung bài học nếu ngược lại thì đành bỏ trống vở khiến tâm lí bị ức chế ảnh <br />
hưởng đến quá trình tiếp nhận kiến thức. Thực tế đó đòi hỏi người học phải tập trung <br />
tư tưởng cao độ để có khả năng lĩnh hội vấn đề một cách khoa học nhất. Phải rèn <br />
luyện để có khả năng huy động vốn từ, sử dụng tốc độ ghi chép nhanh bằng các hình <br />
thức viết tắt, gạch chân, tóm lược bằng sơ đồ hình vẽ những ý chính, các luận điểm <br />
quan trọng mà GV nhấn mạnh, lặp lại nhiều lần là điều vô cùng cần thiết. Ngoài ra, <br />
trong quá trình học tập trên lớp, nếu có vấn đề nào không hiểu cần đánh dấu để hỏi <br />
ngay sau khi GV ngừng giảng nhằm đào sâu kiến thức và tiết kiệm thời gian. Rất tiếc, <br />
trên thực tế đây là điểm yếu mà phần lớn SV không quan tâm rèn luyện để có được.<br />
Muốn tạo điều kiện cho SV nghe giảng và ghi chép tốt, GV cần lưu ý:<br />
Nội dung bài giảng phải mới mẻ, thiết thực, cần thiết có thể tạo ra những tình <br />
huống giả định yêu cầu SV suy nghĩ phản biện (d/c).<br />
Các câu hỏi, vấn đề đặt ra trong giờ giảng phải có sự chọn lọc kĩ lưỡng, tập <br />
trung vào trọng tâm bài học như một cách phát tín hiệu cho SV xác định nội dung <br />
chính.<br />
Đưa vào bài giảng những tình huống lí thú, những mẫu chuyện sinh động lấy từ <br />
thực tế có liên quan trực tiếp đến đời sống hay lĩnh vực chuyên ngành của từng đối <br />
tượng SV để gây sự chú ý cũng như tạo cảm giác hứng thú cho người học. (d/c)<br />
Sau hoặc trong khi giảng bài có thể yêu cầu SV tự đặt ra những câu hỏi, tình <br />
huống sát với nội dung bài học để thay đổi không khí, tăng cường sự chú ý của cả lớp.<br />
Sự truyền cảm, mạch lạc trong lời giảng cũng là điều có ý nghĩa thu hút sự chú ý <br />
của người học.<br />
Tất cả những công việc này muốn thực hiện tốt phải có sự phối hợp nhịp nhàng <br />
ăn ý của cả thầy và trò. Trong đó thầy đóng vai trò chủ đạo trong việc hướng dẫn tổ <br />
chức còn trò với tư cách là chủ thể tích cực chủ động sáng tạo cả trong lĩnh hội tri <br />
thức lẫn rèn luyện kĩ năng và bộc lộ quan điểm, thái độ. <br />
c/ Dạy cách học bài<br />
Vấn đề mấu chốt theo quan điểm của chúng tôi chính là dạy cách học bài. GV cần <br />
giới thiệu và hướng dẫn cho SV tự học theo mô hình các nấc thang nhận thức của <br />
Bloom. Tức là học cách phân tích, tổng hợp, học vận dụng tri thức vào từng tình <br />
huống thực tiễn, học nhận xét đánh giá, so sánh đối chiếu các kiến thức… Bên cạnh <br />
đó còn phải rèn luyện năng lực tư duy logic, tư duy trừu tượng, tư duy sáng tạo để tìm <br />
ra những hướng tiếp cận mới các vấn đề khoa học. <br />
Việc đưa ra các tình huống vấn đề gắn với thực tiễn đời sống xã hội là ưu thế của <br />
các học phần thuộc lĩnh vực XHNV. GV cần cho những tình huống sau mỗi bài/ <br />
chương/ mục và yêu cầu SV chuẩn bị trước. Sau đó tùy tình hình để cho từng cá nhân <br />
hay từng nhóm (cả lớp) thảo luận, giải quyết.<br />
Một trong những hình thức giúp SV làm việc nhóm tốt nhất là tạo cơ hội cho các em <br />
diễn ngôn trực tiếp. Từ cách lấy dẫn chứng để chứng minh một vấn đề, giải thích, <br />
phản biện, nêu quan điểm ý tưởng hay thuyết trình, giới thiệu, tổng thuật một sự kiện, <br />
một vấn đề khoa học hoặc đơn giản chỉ là sự bày tỏ chính kiến trước một hiện tượng. <br />
Thông qua đó người dạy cũng có thể nắm được mức độ nhận thức của SV để có sự bổ <br />
sung điều chỉnh hợp lí, kịp thời. Đảm bảo chất lượng giờ giảng luôn được cải thiện <br />
theo hướng tích cực.<br />
d/ Dạy cách nghiên cứu<br />
Trước hết là dạy cách xác định đề tài, chủ đề nghiên cứu sao cho phù hợp với sở <br />
trường năng lực của mình và yêu cầu của chuyên ngành đào tạo. Tiếp đến là dạy cách <br />
lựa chọn và tập hợp, phân loại thông tin và cách xử lí thông tin trong khuôn khổ thời <br />
gian cho phép. Cơ sở lí luận của các môn KHXH&NV thường mang tính hàn lâm, tính <br />
kế thừa cao. Trong lúc trên thực tế các vấn đề xã hội lại thay đổi từng giây. Vì thế <br />
việc xác định nguồn tài liệu, điều tra, thực nghiệm cũng đòi hỏi mỗi người phấn đấu <br />
nắm bắt kịp thời những vấn đề mang tính thời sự nóng hổi cũng là một thách thức lớn. <br />
Tài liệu sẽ lấy từ nguồn nào, giới hạn phạm vi bao nhiêu, cách viện dẫn những thông <br />
tin ra sao cho chính xác, trích dẫn những vấn đề điển hình nào cho có tính thuyết <br />
phục… là những vấn đề cần được hướng dẫn kĩ lưỡng chu đáo từ phía GV. Một đề <br />
cương nghiên cứu chuẩn mực, khoa học trong cấu trúc chung từ tổng quan của vấn đề <br />
nghiên cứu, các cấp độ nội dung cần triển khai và cách xác định phương pháp nghiên <br />
cứu phản ánh rất rõ năng lực của mỗi SV. Cần hình thành và rèn luyện cho các em <br />
sớm có được kĩ năng ấy. Ngoài ra, việc tự kiểm tra đánh giá kết quả nghiên cứu trên <br />
cơ sở tranh thủ ý kiến của bạn bè thầy cô cũng đem lại lợi ích thiết dụng cho người <br />
nghiên cứu, nhất là những SV bước đầu làm quen với khoa học.<br />
Bốn vấn đề cốt lõi nêu trên chỉ là những chỉ dẫn cần thiết, mang tính định hướng. <br />
Còn việc vận dụng ra sao còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố: Sự cố gắng đầy ý chí nghị <br />
lực của người học, sự mẫn cán tận tâm và chu toàn của người dạy cùng những điều <br />
kiện tiên quyết khác. Duy có một điều không cần bàn cãi là phương pháp dạy học ở <br />
bậc học đại học hiện nay không thể thiếu việc dạy cách học.<br />
<br />
3. KẾT LUẬN<br />
Hiện nay, trong các trường đại học, một bộ phận khá lớn SV còn thụ động trong <br />
việc tiếp nhận tri thức. Phương pháp học tập, nhất là phương pháp tự học luôn là bài <br />
toán khó cho không ít SV kể cả SV năm cuối. Thế nhưng vấn đề này vẫn chưa được <br />
quan tâm đúng mức. Do áp lực của khối lượng công việc luôn quá tải nên GV chỉ mãi <br />
lo thực hiện chức năng của mình mà ít quan tâm đến rèn luyện kĩ năng toàn diện trong <br />
đó tự học cho SV trong đó kĩ năng tự học. Vì vậy, mỗi trường đại học hiện đại cần <br />
đưa phương pháp tự học vào mục tiêu đào tạo. Bởi lẽ, nó không chỉ cần thiết cho SV <br />
khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà cả khi ra trường hòa nhập với xã hội, trong suốt <br />
cuộc đời. Khi tự học, mỗi SV hoàn toàn có điều kiện để tự nghiền ngẫm những vấn <br />
đề nảy sinh trong học tập theo một phong cách riêng với những yêu cầu và điều kiện <br />
thích hợp. Điều đó không chỉ giúp bản thân SV nắm được vấn đề một cách chắc chắn <br />
và bền vững; chủ động bồi dưỡng phương pháp học tập và kĩ năng vận dụng tri thức <br />
mà còn là dịp tốt để rèn luyện ý chí và năng lực hoạt động độc lập sáng tạo. Đó là <br />
những phẩm chất mà chỉ có chính bản thân SV tự rèn luyện kiên trì mới có được, <br />
không một ai có thể cung cấp hay làm thay cho mình. Thực tế cũng đã chứng minh, <br />
mỗi thành công của SV trên con đường học tập nghiên cứu không bao giờ là kết quả <br />
của lối học tập thụ động, đối phó, chờ thời. <br />
Từ đó, dễ nhận thấy rằng: cùng với đòi hỏi của xu thế hội nhập toàn cầu trên tất <br />
cả các lĩnh vực và với một xã hội đầy biến động như xã hội nước ta về sử dụng lao <br />
động, tiền lương, sự đãi ngộ và quá trình đào tạo ngày càng đi vào chiều sâu thực chất <br />
thì hoạt động dạy học, đặc biệt là dạy cách học chắc chắn sẽ tìm được sự đồng <br />
thuận cao của cộng đồng và là mảnh đất tốt cho bất kì ai có khát vọng học tập suốt <br />
đời.<br />
<br />
<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
1. Trần Bá Hoành, Tháng 7/1998, Vị trí của tự học tự đào tạo trong quá trình dạy <br />
học giáo dục và đào tạo, Tạp chí Nghiên cứu giáo dục.<br />
2. Lưu Xuân Mới, 2001, Phương pháp dạy học đại học, Nxb Giáo dục.<br />
3. Lê Đức Ngọc, Tháng 8/2004, Dạy cách học một trong những giải pháp nâng <br />
cao chất lượng đào tạo đại học, Tạp chí Dạy và học ngày nay.<br />
4. Vũ văn Tảo, Tháng 4/2001, Học và dạy cách học, Tạp chí Tự học.<br />
5. Thái Duy Tuyên, 2003, Dạy tự học cho sinh viên trong các nhà trường Cao <br />
đẳng Đại học chuyên nghiệp, Chuyên đề Phương pháp dạy học cho học viên <br />
Cao học, ĐH Huế.<br />