Xã hội học số 3 (119), 2012 35<br />
<br />
<br />
<br />
QUAN HỆ XÃ HỘI VÀ VỐN XÃ HỘI:<br />
NGHIÊN CỨU SO SÁNH VIỆT NAM VÀ HÀN QUỐC<br />
<br />
NGUYỄN QUÝ THANH*<br />
CAO THỊ HẢI BẮC**<br />
<br />
1. Đặt vấn đề<br />
Hàn Quốc là một quốc gia đã trải qua một quá trình công nghiệp hóa dồn nén<br />
(compressed industrialization) cao độ. Trước những năm 60, kinh tế Hàn Quốc rơi vào<br />
tình trạng trì trệ do phụ thuộc chủ yếu vào sự viện trợ của Mỹ. Từ năm 1961, một chính<br />
sách kinh tế mới đã được đưa ra theo hướng “chính phủ chủ đạo” nhằm thực hiện ba mục<br />
tiêu: phát triển công nghiệp nặng tập trung cho xuất khẩu (hướng ngoại, mở cửa), ổn định<br />
kinh tế vĩ mô lấy các tập đoàn kinh tế lớn trong nước làm nòng cốt, đầu tư vốn con người<br />
và vốn xã hội. Đặc biệt, phong trào làng mới được phát động ở nông thôn theo phương<br />
thức chính phủ chỉ đạo đường lối, phát huy tinh thần nội lực, hợp tác và thi đua giữa các<br />
làng, đào tạo và cử cán bộ chủ chốt đi học ở trung ương và nước ngoài, phát triển mô<br />
hình nông hội (hợp tác xã) ở nông thôn đã tạo nên những thành tựu kinh tế đáng kinh<br />
ngạc ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nền kinh tế Hàn Quốc<br />
cũng tồn tại nhiều vấn đề. Những mối quan hệ thiếu minh bạch giữa chính phủ, ngân<br />
hàng và công ty đã tạo điều kiện cho các công ty đầu tư thoải mái mà không hề nghĩ đến<br />
những gánh nặng nợ khổng lồ. Đây chính là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng<br />
kinh tế năm 1997. Sau cuộc khủng hoảng, Hàn Quốc đã bắt đầu xem xét lại phương thức<br />
kinh doanh và toàn bộ nền kinh tế để đưa ra một chính sách kinh tế mới theo định hướng<br />
thị trường từ thời tổng thống Kim Dae Jung đến nay. Cũng từ sau khủng hoảng năm<br />
1997, nhiều nhà doanh nghiệp và giới nghiên cứu quan tâm hơn đến vấn đề vốn xã hội<br />
đối với sự phát triển bền vững. Trong đó chú trọng đến tính minh bạch trong quản lý,<br />
giảm bớt sự cố kết, thiếu minh bạch giữa chính phủ và doanh nghiệp.<br />
Bối cảnh phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam hiện nay có nhiều điểm tương đồng<br />
với Hàn Quốc trước kia. Sau năm 1986, chính phủ Việt Nam cũng thực hiện chính sách<br />
đổi mới nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển cơ cấu kinh tế<br />
nhiều thành phần và tăng cường mở cửa với bên ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh những thành<br />
tựu bước đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam phải đối mặt với<br />
nhiều hệ quả tiêu cực, đe dọa tính bền vững của sự phát triển. Do đó, Việt Nam cần học<br />
hỏi kinh nghiệm của những quốc gia có nhiều nét tương đồng về văn hóa như Hàn Quốc<br />
trong việc xây dựng và huy động hiệu quả vốn xã hội vào phát triển bền vững.<br />
Có thể phân chia các nghiên cứu về vốn xã hội và quan hệ xã hội ở Việt Nam và<br />
Hàn Quốc thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất chuyên nghiên cứu về các quan hệ xã hội,<br />
mạng lưới xã hội và vốn xã hội của người Hàn như Lee Jae Yeol (2000), Kim Yong Hak<br />
<br />
*<br />
PGS.TS, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.<br />
**<br />
ThS, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 3 (119), 2012 36<br />
<br />
<br />
<br />
(1996), Cha Jae Ho (1994), Lee Jae Hyeok (2005), Na Eun Young, Min Kyeong Hwan<br />
(1998), Yu Jae Won (2000), Lee Seon Mi (2004), Cheon Hyun Sook (2004), Han Do<br />
Hyun (2007, 2010) v.v... Nhóm thứ hai chuyên nghiên cứu về các quan hệ xã hội, mạng<br />
lưới xã hội và vốn xã hội của người Việt như Regina Abrami (1997), Lê Ngọc Hùng<br />
(2008), Hoàng Bá Thịnh (2009), Nguyễn Ngọc Bích (2006), Nguyễn Vạn Phú (2006),<br />
Nguyễn Quang A (2006), Phan Chánh Dưỡng (2006), Phan Đình Diệu (2006), Trần Hữu<br />
Quang (2006), Trần Hữu Dũng (2003, 2006), Nguyễn Duy Thắng (2007), Nguyễn Tuấn<br />
Anh (2010) v.v...Nhóm thứ ba là nhóm nghiên cứu so sánh các khía cạnh liên quan đến<br />
vốn xã hội và quan hệ xã hội của Việt Nam và Hàn Quốc như Nguyễn Quý Thanh<br />
(2005), v.v...<br />
Do có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, Việt<br />
Nam có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm từ sự phát triển kinh tế - xã hội của Hàn Quốc,<br />
trong đó có kinh nghiệm xây dựng và phát huy hiệu quả vốn xã hội. Bởi vậy, những<br />
nghiên cứu so sánh về quan hệ xã hội, mạng lưới xã hội và vốn xã hội giữa Việt Nam và<br />
Hàn Quốc là rất cần thiết. Nhưng, các nghiên cứu về chủ đề này ở cả Việt Nam và Hàn<br />
Quốc còn tương đối ít. Tác giả Nguyễn Quý Thanh (2005) đã so sánh vai trò của nguồn<br />
lực gia đình trong việc hỗ trợ các giao dịch kinh tế của các doanh nghiệp nhỏ của Việt<br />
Nam và Hàn Quốc. Tuy nhiên, nghiên cứu này mới chỉ đề cập đến một loại hình của vốn<br />
xã hội là vốn có được từ các quan hệ gia đình và chỉ dừng lại ở việc phân tích vai trò của<br />
vốn gia đình trong khía cạnh kinh tế. Những nghiên cứu so sánh khai thác các khía cạnh<br />
khác nhau về vốn xã hội, quan hệ xã hội của người Việt Nam và người Hàn Quốc còn ít<br />
và đang cần thiết cho Việt Nam trong quá trình học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế -<br />
xã hội của nước bạn.<br />
Như vậy, việc nghiên cứu so sánh về những chủ đề khác nhau giữa Việt Nam và<br />
Hàn Quốc để tìm ra những bài học là cần thiết. Bài báo này sẽ so sánh tổng quát về qui<br />
mô và đặc tính quan hệ xã hội và vốn xã hội của người Việt Nam và người Hàn Quốc.<br />
Câu hỏi nghiên cứu đặt ra là qui mô mạng lưới quan hệ xã hội của người Việt Nam và<br />
người Hàn Quốc thế nào? Các quan hệ xã hội và vốn xã hội của người Việt và người Hàn<br />
có đặc tính ra sao? Bằng việc khảo sát, phân tích một số nghiên cứu đi trước so sánh với<br />
những kết quả nghiên cứu mới nhất, các tác giả sẽ trả lời các câu hỏi nêu trên.<br />
2. Mạng quan hệ xã hội của người Việt Nam và người Hàn Quốc<br />
Ở phần này chúng tôi sẽ khái quát đặc trưng về qui mô và đặc tính các mạng quan<br />
hệ xã hội của người Việt Nam và người Hàn Quốc thông qua một số kết quả khảo sát của<br />
một số nghiên cứu liên quan đến vấn đề này.<br />
2.1. Qui mô mạng quan hệ xã hội<br />
Trong bài viết này qui mô mạng quan hệ xã hội (network size) được hiểu là số<br />
người mà đối tượng được phỏng vấn có thể tìm đến như nguồn hỗ trợ đầu tiên khi cần<br />
giúp đỡ các vấn đề trong cuộc sống. Trong các nghiên cứu xã hội học về mạng quan<br />
hệ xã hội, qui mô thường được khảo sát cùng với biến số mật độ (network density).<br />
Qui mô là nói đến độ rộng hay hẹp còn mật độ là nói đến độ đậm đặc của mạng quan<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 3 (119), 2012 37<br />
<br />
<br />
<br />
hệ xã hội. Mật độ là tỷ lệ những trường hợp có mối quan hệ thực tế trong toàn bộ<br />
những mối quan hệ có khả năng xảy ra. Theo Lee Jae Yeol (2000: 4), qui mô mạng<br />
quan hệ xã hội trung bình của người Hàn là 3,74 người 1. Con số này được phân bố từ<br />
0 đến 35 người. Mật độ trung bình các mạng quan hệ xã hội là 50 và hệ số tương quan<br />
giữa mật độ và qui mô là -0,211 (mức ý nghĩa thống kê là 0,001). Điều này có nghĩa<br />
là khác với lý luận về mạng quan hệ xã hội thường dự đoán rằng qui mô thường tỷ lệ<br />
nghịch với tần số do thời gian và khả năng đầu tư để duy trì các mối quan hệ của mỗi<br />
cá nhân là có hạn. Nhưng, kết quả nghiên cứu của Lee Jae Yeol trong cuộc điều tra<br />
nói trên cho thấy một kết quả ngược lại rằng mật độ và qui mô mạng quan hệ xã hội<br />
của người Hàn tương đối cân bằng. Điều này cho thấy trung bình người Hàn đầu tư<br />
khá nhiều thời gian và nguồn lực để duy trì các mối quan hệ cá nhân của họ. Nghiên<br />
cứu này cũng cho biết rằng người Hàn có mạng quan hệ xã hội tương đối rộng và đậm<br />
đặc hơn người Mỹ.<br />
Một nghiên cứu tương tự về qui mô mạng quan hệ xã hội của người Việt của tác giả<br />
Nguyễn Quý Thanh (2012) cho biết qui mô trung bình mạng quan hệ xã hội của người<br />
Việt là 5,9 (độ lệch chuẩn là 6)2. Tức là trung bình một người Việt có khoảng 6 người bạn<br />
được coi là bạn thân3 với khoảng dao động sau khi loại bỏ các giá trị ngoại lai là từ 0-50.<br />
Nhìn chung, những người được hỏi ở nông thôn có số người bạn thân nhiều hơn các đối<br />
tượng được hỏi khác.<br />
Từ kết quả khảo sát nêu trên có thể thấy rằng người Việt có qui mô mạng quan hệ<br />
xã hội rộng hơn người Hàn. Điều này phản ánh một thực tế là người Việt Nam sống trong<br />
một môi trường đa văn hóa hơn, do đó, dễ tiếp nhận và kết bạn với người khác hơn.<br />
2.2. Đặc tính mạng quan hệ xã hội<br />
Để nghiên cứu xem mạng quan hệ xã hội của người Hàn và người Việt có những<br />
đặc tính cơ bản nào, chúng ta cần xem xét các biến số về tính thứ bậc, tính đồng nhất<br />
(Homogeneity) hay không đồng nhất (Heterogeneity) của các quan hệ xã hội về giới tính,<br />
độ tuổi, trình độ giáo dục, quê quán, nghề nghiệp v.v...<br />
<br />
Bảng 1: Đặc tính những người bạn thân<br />
trong mạng quan hệ xã hội của người Việt và người Hàn<br />
<br />
<br />
1<br />
Số liệu dựa trên kết quả điều tra 800 người Hàn cả nam và nữ thuộc các giai tầng khác nhau từ 20 tuổi<br />
trở lên trên toàn quốc của Viện Nghiên cứu khoa học xã hội, Đại học Seoul tháng 8 năm 1998, trích theo<br />
Lee Jae Yeol. 2000. Social networks oF Koreans, a draft of a paper to be presented at the panel on „Too<br />
modern too soon?: Dualism in civil society, everyday life, and social relations in contemporary Korea‟,<br />
the 52nd Annual Meeting of the Association for Asian Studies, San Diego, March 9-12, 2000, 0-24.<br />
2<br />
Số liệu dựa trên kết quả điều tra 1430 người Việt Nam tại Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng, Thành phố Hồ<br />
Chí Minh, Bình Dương trong khuôn khổ đề tài “Sự hình thành và phát triển của vốn xã hội ở Việt Nam”<br />
do quỹ Nafosted tài trợ 2011-2013.<br />
3<br />
Chúng tôi định nghĩa “bạn thân đó là người chia sẻ về tình cảm hoặc giúp đỡ tiền bạc, công sức, hoặc<br />
thông tin quan trọng khi ông/bà cần và ngược lại. Tuy nhiên, không tính bố mẹ, con cái và anh chị em<br />
ruột trong trường hợp này”.<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 3 (119), 2012 38<br />
<br />
<br />
<br />
Người Việt Nam4 Người Hàn Quốc5<br />
<br />
Họ hàng 9% 10,1%<br />
<br />
Tính Đồng môn (cùng học) 52% 17,5%<br />
đồng<br />
Đồng nghiệp 31% 9,8%<br />
nhất<br />
Đồng hương 69% 2,2%<br />
<br />
Tính thứ bậc Không chặt chẽ Chặt chẽ<br />
<br />
<br />
<br />
Về tính đồng nhất của mạng lưới quan hệ xã hội, Lee Jae Yeol (2000: 5) chỉ ra<br />
rằng người Hàn có khuynh hướng lựa chọn những người đồng nhất với mình về giới tính<br />
hay độ tuổi để hình thành quan hệ xã hội với họ. Trong xã hội truyền thống, tôn ty thứ<br />
bậc và giới tính là những yếu tố quan trọng trong mọi quan hệ xã hội và là thước đo cho<br />
sự thăng tiến và chế độ khen thưởng trong các công ty Hàn Quốc. Nhưng kết quả nghiên<br />
cứu của Lee Jae Yeol cho thấy khoảng cách xã hội giữa các thế hệ và khoảng cách về<br />
giới tính đang có chiều hướng giảm song chưa đáng kể trong đời sống xã hội hiện đại.<br />
Trung bình khoảng cách độ tuổi trong một mạng quan hệ xã hội của người Hàn chỉ là<br />
7.78 tuổi. Tính đa dạng về trình độ giáo dục trong các mạng quan hệ xã hội của người<br />
Hàn là 57.14% so với tính không đồng nhất của toàn bộ dân số Hàn. Điều này cho phép<br />
kết luận rằng người Hàn có khuynh hướng kết bạn với những người đồng nhất với mình<br />
về một yếu tố nào đó.<br />
Lee Jae Yeol đã chia quan hệ xã hội của người Hàn thành bốn loại hình như sau:6<br />
Loại hình 1(mối quan hệ lâu dài và chắc chắn – strong and long ties): mối quan hệ<br />
được duy trì trong thời gian dài và tần số tiếp xúc thường xuyên. Các quan hệ gia đình<br />
thuộc vào loại này.<br />
Loại hình 2 (mối quan hệ lâu dài nhưng lỏng lẻo – weak but long ties): mối quan hệ<br />
được duy trì trong thời gian dài nhưng tần số tiếp xúc không thường xuyên. Nó ứng với<br />
các quan hệ như họ hàng, đồng hương, đồng học v.v...<br />
Loại hình 3 (mối quan hệ lâu ngắn nhưng chắc chắn – strong but short ties): mối<br />
quan hệ được hình thành tương đối mới nhưng tần số tiếp xúc thường xuyên. Quan hệ<br />
hàng xóm, đồng nghiệp v.v... thuộc vào loại hình này.<br />
Loại hình 4 (mối quan hệ ngắn và lỏng lẻo – weak and short ties): mối quan hệ mới<br />
hình thành và số lần tiếp xúc cũng ít. Các mối quan hệ như hội cùng sở thích, nhân viên<br />
<br />
4<br />
Số liệu khảo sát 2011-2012 của đề tài “Sự hình thành và phát triển của vốn xã hội ở Việt Nam” do<br />
Nguyễn Quý Thanh chủ trì.<br />
5<br />
Lee Jae Yeol. 2008. Quan hệ xã hội của người Hàn Quốc. Trong sách Xã hội Hàn Quốc hiện đại, NXB<br />
Đại học Quốc Gia Hà Nội, 250.<br />
6<br />
Lee Jae Yeol. 2000. Social networks oF Koreans, a presented at the panel on „Too modern too soon?:<br />
Dualism in civil society, everyday life, and social relations in contemporary Korea‟, the 52 nd Annual<br />
Meeting of the Association for Asian Studies, San Diego, March 9-12, 2000.<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 3 (119), 2012 39<br />
<br />
<br />
<br />
công sở nhà nước, đoàn thể xã hội và các quan hệ khác thuộc về loại hình này.<br />
Theo kết quả nghiên cứu của Lee Jae Yeol, loại hình 4 chiếm tỷ lệ nhỏ nhất. Bảng 1<br />
cho thấy 10,1% số người được hỏi trả lời có quan hệ họ hàng với những người bạn thân.<br />
Nếu tính cả quan hệ gia đình vào phạm trù này thì tỷ lệ phần trăm lên đến là 46,5%. Như<br />
vậy, loại hình 1 chiếm tỷ lệ cao nhất và tiếp ngay sau đó là quan hệ đồng học thuộc loại<br />
hình 2 chiếm tỷ lệ 17%. Quan hệ đồng nghiệp và quan hệ đồng hương chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ<br />
tương ứng là 9,8% và 2,2%. Ngoài số liệu trong bảng 1, Lee Jae Yeol còn chỉ ra rằng các<br />
mối quan hệ mở và mới hình thành như quan hệ nhân viên công sở (1,5%), đoàn thể xã<br />
hội(1,6%) của người Hàn còn tương đối hạn chế. Hầu hết người Hàn vẫn tin vào các mối<br />
quan hệ truyền thống lâu dài như gia đình, họ hàng để giải quyết các vấn đề của mình.<br />
Mặc dù tính khép kín trong các gia đình Hàn Quốc ở đô thị hiện đại ngày càng rõ nét hơn<br />
do cuộc sống công nghiệp bận rộn, nhưng một điều đáng ngạc nhiên là sợi dây liên hệ<br />
bền chắc bao quanh người dân đô thị vẫn giữ nguyên những thuộc tính cơ bản của sinh<br />
hoạt gia đình, họ hàng truyền thống. Lee Jae Yeol (2008: 214) trong bài viết về “Quan hệ<br />
xã hội của người Hàn Quốc” đã trích dẫn một đoạn viết trên báo về hình ảnh một người<br />
đàn ông sinh sống ở đô thị nhưng hàng ngày, hàng tuần vẫn luôn bận rộn với việc tham<br />
gia tiệc cưới hay đám tang của gia đình, bạn bè hay họ hàng. Những chuẩn mực đạo đức<br />
truyền thống vẫn được duy trì tương đối vững chắc trong gia đình Hàn Quốc hiện đại. Và<br />
đây cũng là điểm tương đồng với các gia đình hiện đại ở Việt Nam.<br />
Tuy nhiên, càng ngày số lượng các tổ chức dân sự càng tăng lên trong xã hội Hàn<br />
Quốc. Theo thống kê của trung tâm hoạt động tình nguyện thành phố Seongnam của Hàn<br />
Quốc cho thấy năm 2001 ở thành phố Seongnam, số đoàn thể hoạt động tình nguyện là<br />
thanh niên gồm 60 tổ chức và số đoàn thể hoạt động tình nguyện là người dân thường<br />
gồm 63 tổ chức thì đến năm 2005, số tổ chức của 2 loại hình này lần lượt là 67 và 162<br />
(Han Do Hyun, 2007: 50-56). Đặc biệt đáng chú ý là trong 4 năm số đoàn thể hoạt động<br />
tình nguyện là người dân thường đã tăng 2,57 lần. Một thống kê khác trên phạm vi cả<br />
nước cho thấy năm 2003 có 11.180 tổ chức dân sự tại Hàn Quốc thì đến năm 2005 con số<br />
này là 23.517 tổ chức, tăng hơn 2 lần trong 2 năm (Jung Keun Sik. 2008: 152-153). Số tổ<br />
chức dân sự tăng lên cũng đồng nghĩa với việc số người tham gia vào các tổ chức này<br />
ngày càng nhiều hơn hay nói cách khác các quan hệ đoàn thể xã hội thuộc loại hình 4<br />
đang tăng lên nhanh chóng trong xã hội Hàn Quốc.<br />
Các thuộc tính cá nhân cũng khiến cho qui mô mạng quan hệ xã hội của các đối<br />
tượng được hỏi khác nhau. Những người có trình độ giáo dục cao hơn thì qui mô mạng<br />
quan hệ xã hội rộng hơn và những người càng cao tuổi thì qui mô mạng quan hệ xã hội<br />
càng nhỏ. Không có sự khác biệt đáng kể về qui mô mạng quan hệ xã hội theo yếu tố giới<br />
tính là nam hay nữ. Những người có trình độ giáo dục thấp hơn tin tưởng nhiều hơn vào<br />
gia đình và họ hàng và ngược lại.<br />
Tóm lại, người Hàn có khuynh hướng kết bạn với những người đồng nhất với mình<br />
đặc biệt là quan hệ gia đình, họ hàng và bạn đồng học. Nhìn vào kết quả nghiên cứu so<br />
sánh ở bảng 1 có thể thấy tính đồng nhất về quan hệ gia đình, họ hàng của người Việt<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 3 (119), 2012 40<br />
<br />
<br />
<br />
thấp hơn người Hàn với 9%. Trong khi đó, tính đồng nhất về các quan hệ xã hội khác như<br />
đồng học (52%), đồng nghiệp (31%), đồng hương (69%) tương đối cao và cao hơn tính<br />
đồng nhất trong các mối quan hệ xã hội của người Hàn. Bên cạnh số liệu trong bảng 1,<br />
nghiên cứu của Nguyễn Quý Thanh (2012) còn cho thấy 86,9% những người bạn thân có<br />
vị trí công việc và chức vụ ngang bằng với người được hỏi, 86% những người bạn thân<br />
có cùng giới tính với người trả lời.<br />
Có thể giải thích về sự khác nhau về tính đồng nhất trong mạng quan hệ xã hội của<br />
người Việt và người Hàn như sau. Như chúng ta đều biết, Hàn Quốc là một quốc gia đơn dân<br />
tộc chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Nho giáo. Do vậy yếu tố thuần Hàn và tính khép kín<br />
của hệ tư tưởng Nho giáo trong người Hàn khá mạnh. Ngược lại, Việt Nam là một quốc gia<br />
đa dân tộc nên bản thân người Việt đã sẵn có tính đa dạng và cởi mở trong việc giao lưu, mở<br />
rộng các quan hệ xã hội. Mặt khác, trong thời đại công nghiệp hóa, toàn cầu hóa đang diễn ra<br />
mạnh mẽ ở Việt Nam thì xu hướng di cư trong nước và sang nước ngoài của người Việt<br />
tương đối cao. Xu hướng này phản ánh phần nào lý do người Việt thích hình thành các quan<br />
hệ xã hội đa dạng hơn là chỉ gắn chặt với các quan hệ gia đình, họ hàng như người Hàn<br />
Quốc.<br />
Về tính thứ bậc, người Hàn duy trì tính tôn ty thứ bậc chặt chẽ trong mọi mối quan<br />
hệ xã hội. Trong quan hệ gia đình, mặc dù vai trò người phụ nữ đã được đề cao nhưng tư<br />
tưởng Nho giáo đề cao hơn vai trò của nam giới vẫn còn ít nhiều tồn tại. Trong các quan<br />
hệ đồng nghiệp, đồng hương, đồng học v.v...tính thứ bậc vẫn được nhấn mạnh. Ví dụ<br />
trong quan hệ đồng nghiệp nhấn mạnh sự phục tùng của cấp dưới đối với cấp trên hay<br />
trong quan hệ đồng học, khóa dưới luôn phải giữ thái độ kính trọng lễ phép với khóa trên<br />
từ lời nói đến hành động. Tục ngữ Hàn Quốc có câu: “Ngay cả khi uống nước lạnh cũng<br />
phải có trên có dưới”7 hay “Nhiều người ngồi ở vị trí cao thì nồi vỡ”8 đã phản ánh rõ nét<br />
tính tôn ty và thứ bậc này trong mọi mối quan hệ xã hội (Trần Ngọc Thêm, 2005: 340).<br />
Quan hệ xã hội của người Việt cũng duy trì tính thứ bậc nhưng đó là một thứ tôn ty<br />
kiểu dân chủ, không chặt chẽ như tính tôn ty của người Hàn Quốc. Trong quan hệ gia<br />
đình, phụ nữ Việt Nam dường như được đề cao hơn phụ nữ Hàn Quốc. Vai trò của người<br />
vợ, người mẹ trong các gia đình Việt Nam không bao giờ bị tách khỏi nền sản xuất, là<br />
“tay hòm chìa khóa” của gia đình, là “nội tướng” nên có một vị trí ẩn tàng nhưng vững<br />
chắc (Trần Thúy Anh, 2004: 43-44).<br />
Trong xã hội Việt Nam hiện đại cũng xuất hiện nhiều quan hệ hội đoàn như hội<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
7<br />
Chanmuldo wi arae itda, 찬 물도 위 아래 있다, trích theo Trần Ngọc Thêm. 2006. Vai trò của chủ<br />
nghĩa gia đình ở Korea: Từ truyền thống đến hội nhập. Trong sách Văn hóa phương Đông – truyền<br />
thống và hội nhập, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội, 340.<br />
8<br />
Sangjoaga maneulmyeon gamasoteul ggaeteurinta, 상좌가 많으면 가마솥을 깨드린다, trích theo<br />
Trần Ngọc Thêm. 2006. Vai trò của chủ nghĩa gia đình ở Korea: Từ truyền thống đến hội nhập. Trong<br />
sách Văn hóa phương Đông – truyền thống và hội nhập, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội, 340.<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 3 (119), 2012 41<br />
<br />
<br />
<br />
đồng hương, hội đồng học, các NGO,1 v.v... nhưng so với các quan hệ hội đoàn của<br />
người Hàn thì khác nhiều về chất lượng. Ví dụ, quan hệ giữa học sinh khóa trên với khóa<br />
dưới ở Hàn Quốc đã được đúc kết thành văn hóa Seonbe – Hube2 phổ biến rộng rãi trên<br />
các sách báo, phim ảnh và trong đời sống thường nhật. Trong khi ở Việt Nam, mối quan<br />
hệ này chưa được phổ biến đến mức thành một hiện tượng văn hóa. Hay như về số lượng<br />
các tổ chức phi chính phủ, theo thống kê của Hàn Quốc năm 2005, năm này có 5.556 tổ<br />
chức phi chính phủ được thành lập hoạt động ở các lĩnh vực đa dạng như môi trường, xóa<br />
đói giảm nghèo, hỗ trợ người lao động nước ngoài v.v...(Jung Keun Sik, 2008: 154).<br />
Theo kết quả khảo sát của Nguyễn Quý Thanh (2012), tỷ lệ số người được hỏi tham<br />
gia các quan hệ đoàn thể xã hội khác không cao bằng tỷ lệ tham gia vào các quan hệ đồng<br />
học, đồng hương nói trên. Các tỷ lệ tham gia vào các đoàn thể xã hội khác lần lượt tương<br />
ứng như sau: đoàn thành niên (10,8%), hội nông dân (14,4%), hội khuyến học (8,5%),<br />
câu lạc bộ văn nghệ (0,1%), công tác từ thiện (0,1%) v.v...<br />
Tóm lại, về qui mô mạng quan hệ xã hội, người Việt đang duy trì một qui mô rộng<br />
hơn người Hàn. Về đặc tính mạng quan hệ xã hội, cả người Hàn và người Việt đều thích<br />
hơn việc duy trì các mối quan hệ đồng nhất. Trong đó, người Hàn đặc biệt thích lựa chọn<br />
mạng quan hệ xã hội đồng nhất như gia đình, họ hàng, còn người Việt có xu hướng tiếp<br />
xúc thường xuyên hơn với các quan hệ đa dạng khác ngoài gia đình, họ hàng như đồng<br />
học, đồng nghiệp, đồng hương. Một đặc tính chung nữa trong mạng quan hệ xã hội giữa<br />
người Việt và người Hàn là tính thứ bậc. Tuy nhiên, tính thứ bậc được thể hiện chặt chẽ<br />
hơn trong các mạng quan hệ xã hội của người Hàn so với người Việt.<br />
3. Vốn xã hội của người Việt và người Hàn<br />
Khi chúng ta huy động các nguồn lực từ các mạng quan hệ xã hội có được để đạt<br />
được mục đích của mình có nghĩa là vốn xã hội đang được sử dụng. Vốn xã hội phát huy<br />
vai trò rõ nét nhất khi người sở hữu vốn lâm vào tình trạng khủng hoảng hay cần giúp đỡ<br />
về tìm việc làm, phát triển kinh doanh, chăm sóc sức khỏe, hiếu hỉ, làm nhà v.v...Bài viết<br />
này chỉ đề cập đến vai trò của vốn xã hội trong một số trường hợp then chốt của cuộc<br />
sống như làm ăn kinh doanh, tìm kiếm việc làm, chia sẻ tâm sự.<br />
Về hoạt động làm ăn kinh doanh, nghiên cứu của tác giả Nguyễn Quý Thanh<br />
(2005) về “sự giao thoa giữa vốn xã hội với các giao dịch kinh tế trong gia đình” đã<br />
khẳng định rằng gia đình đang đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các chủ doanh<br />
nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc vay vốn khởi sự kinh doanh, vay vốn luân chuyển, vận<br />
hành kinh doanh hàng ngày và đảm bảo lao động. Kết quả nghiên cứu cho thấy 37%<br />
người Việt Nam được hỏi cho biết họ nhận được sự giúp đỡ vay vốn khởi sự kinh doanh<br />
từ gia đình họ và ngoài ra không còn nguồn nào khác, 41% chủ doanh nghiệp Việt Nam<br />
dựa hoàn toàn vào vốn tự tích lũy, 55% doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát được cung<br />
<br />
1<br />
Không có một thống kê chính thức và đầy đủ về các hiệp hội, tổ chức, nhóm phi chính phủ ở Việt Nam.<br />
Tuy nhiên, theo một số ước tính thì con số này lên đến vài chục ngàn (xem<br />
http://www.ngohandbook.org/index.php?title=Vietnam_NGO_Sector)<br />
2<br />
Trong tiếng Hàn, Seonbe nghĩa là đàn anh(đàn chị), Hube nghĩa là đàn em.<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 3 (119), 2012 42<br />
<br />
<br />
<br />
cấp vốn lưu động từ nguồn lực của gia đình, chỉ khoảng 4% dựa vào nguồn bên ngoài<br />
(Nguyễn Quý Thanh, 2005: 110 – 113). Các doanh nghiệp nhỏ của cả Việt Nam và Hàn<br />
Quốc nếu sống gần gia đình, họ hàng thì đều có thể nhận được sự giúp đỡ của họ trong<br />
quản lý công việc nội bộ, đối ngoại hay đảm bảo lao động phụ giúp các công việc kinh<br />
doanh. Không những thế, bạn bè thân thiết cũng là nguồn mà các cá nhân tìm đến khi họ<br />
rơi vào những tình huống cần sự trợ giúp như khi mua, xây dựng nhà cửa, tổ chức các<br />
nghi lễ như tang ma, hiếu hỉ, ốm đau v.v. Kết quả khảo sát của Nguyễn Quý Thanh<br />
(2012) cho thấy 97,6% người được hỏi cho biết họ có nhận được ít nhất một sự giúp đỡ<br />
nào đó từ bạn thân khi họ cần đến. Ngược lại, 96,9% người được hỏi cũng cho biết là họ<br />
có giúp đỡ lại bạn họ khi những người này cần. Như vậy, sự giúp đỡ về cơ bản mang tính<br />
đối xứng – có đi có lại.3<br />
Như vậy, trong thời hiện đại, gia đình tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự<br />
phát triển kinh doanh nhỏ ở Việt Nam và Hàn Quốc. Hơn thế, tại Hàn Quốc những quan<br />
hệ gia đình là rất quan trọng đối với các tập đoàn lớn như Chaebol. Một doanh nhân Hàn<br />
Quốc có thể kì vọng nhiều hơn so với các đồng nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm vốn<br />
khởi nghiệp và vốn lưu động từ các thành viên trong gia đình họ, trong khi doanh nhân<br />
Việt Nam có thể dựa vào gia đình như là nguồn lao động (Nguyễn Quý Thanh, 2005:<br />
119)<br />
Về lĩnh vực tìm kiếm việc làm, tác giả Lê Ngọc Hùng (2003) đã nghiên cứu về<br />
mạng lưới xã hội trong tìm kiếm việc làm của sinh viên. Nghiên cứu này đã cho thấy<br />
trong xã hội truyền thống, việc tìm kiếm các thông tin về việc làm chủ yếu dựa vào hai<br />
kiểu mạng lưới xã hội là mạng lưới kiểu truyền thống đặc trưng bởi các mối quan hệ gia<br />
đình, họ hàng và mạng lưới kiểu hiện đại đặc trưng bởi quan hệ chức năng của cá nhân<br />
với các cơ quan, tổ chức, thiết chế chính thức. Nhưng trong điều kiện quá độ sang kinh tế<br />
thị trường hiện nay, nhiều người trong đó có sinh viên chủ yếu phải dựa vào mạng lưới xã<br />
hội hỗn hợp của hai kiểu loại trên bao gồm các quan hệ gia đình, quan hệ thân quen và<br />
quan hệ chức năng với các tổ chức chuyên môn để đạt được những mục đích nhất định<br />
trong đó có tìm kiếm việc làm.<br />
Một nghiên cứu khác của Đặng Nguyên Anh (1998) về mạng lưới xã hội của người<br />
di cư cho thấy người di cư chủ yếu sử dụng mạng lưới quan hệ xã hội truyền thống gồm<br />
người nhà, người thân quen, bạn bè để giao dịch kinh tế như tìm việc làm, vay tiền, gửi<br />
tiền về nhà. Có thể giới thiệu khái quát thêm một số nghiên cứu như Báo cáo phát triển<br />
Việt Nam năm 2000 về vai trò của các loại vốn trong xóa đói giảm nghèo, Lê Ngọc Hùng<br />
(2003) về mạng lưới xã hội trong tìm kiếm việc làm của sinh viên, Nguyễn Duy Thắng<br />
(2007) về sử dụng vốn xã hội của nông dân ven đô dưới tác động của đô thị hóa.<br />
Tiêu biểu cho nhóm thứ hai nghiên cứu về quan hệ xã hội và vốn xã hội ở Việt<br />
Nam có thể kể đến nghiên cứu của Regina Abrami (1997). Tác giả nghiên cứu về mối<br />
quan hệ xã hội và chiến lược sống của những người bán hàng rong và người lao động lưu<br />
động ở Hà Nội. Nghiên cứu này đã phát hiện ra sự biến đổi mạng lưới xã hội của người<br />
<br />
3<br />
Tuy nhiên, phân tích sâu cho thấy sự đối xứng này không có ở tất cả các loại hình giúp đỡ.<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 3 (119), 2012 43<br />
<br />
<br />
<br />
lao động từ mô hình thủ công sang mô hình đồng nghiệp và mô hình thứ bậc. Nghiên cứu<br />
này cũng cho thấy vốn xã hội có thể chứa đựng những rủi ro tức là “phản chức năng”<br />
trong những điều kiện nhất định.<br />
Ở Hàn Quốc, theo nghiên cứu của Lee Jae Yeol (2008), khi cần tìm kiếm việc làm<br />
người Hàn thường tìm đến sự giúp đỡ của các quan hệ như họ hàng, đồng hương, đồng<br />
học, đồng nghiệp v.v...Từ cuối những năm 1990 trở lại đây, với sự gia tăng nhanh chóng<br />
của số lượng các đoàn thể, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ tình nguyện người lao động trong<br />
nước và nước ngoài, người lao động làm việc ở Hàn Quốc lại có thêm một mạng quan hệ<br />
xã hội mới vô cùng hữu ích trong việc tìm kiếm thông tin việc làm. Nghiên cứu của Han<br />
Do Hyun (2010: 120) về hoạt động của trung tâm hỗ trợ người lao động ở Seongnam cho<br />
biết chỉ tính riêng năm 2008, vấn đề tìm kiếm việc làm đã chiếm 15% trong số danh mục<br />
các vấn đề cần tư vấn của người lao động tương ứng với 281 vụ, chỉ xếp sau lĩnh vực tư<br />
vấn về vấn đề chậm tiền lương(20% tương ứng với 398 vụ).<br />
Về lĩnh vực chia sẻ tâm sự, nghiên cứu của Lee Jae Yeol (2008: 254) cho biết<br />
trong quan hệ gia đình, nội dung chia sẻ tâm sự chuyện vui buồn chiếm tỷ lệ cao nhất<br />
46%. Trong quan hệ với bạn cùng học, nội dung tâm sự chia sẻ chuyện vui buồn cũng<br />
chiếm tỷ lệ áp đảo là 66, 3%. Tỷ lệ của nội dung này cũng tương đối cao trong quan hệ<br />
với hàng xóm và đồng nghiệp. Điều này chứng tỏ gia đình, bạn cùng học, hàng xóm,<br />
đồng nghiệp được sử dụng như một kênh quan trọng để chia sẻ tâm sự những chuyện vui<br />
buồn của người Hàn Quốc.<br />
Tóm lại, vốn xã hội có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội<br />
của cả người Việt Nam và người Hàn Quốc. Vốn xã hội phát huy những hiệu quả khác<br />
nhau trong các hoàn cảnh khác nhau. Gia đình, họ hàng vẫn luôn là nguồn vốn xã hội<br />
quan trọng nhất trong việc giúp đỡ giải quyết những khủng hoảng về tinh thần, tình cảm.<br />
Bên cạnh đó gia đình còn hỗ trợ hiệu quả trong các hoạt động kinh doanh quy mô nhỏ ở<br />
Việt Nam và các tập đoàn kinh tế lớn ở Hàn Quốc. Các quan hệ hội đoàn đa dạng như<br />
đồng học, đồng hương, đồng nghiệp, tổ chức tình nguyện... ngày càng tỏ rõ ưu thế trong<br />
việc đem lại những giúp đỡ về tìm kiếm việc làm, làm nhà, hiếu hỉ v.v...Tuy nhiên, vai<br />
trò của các quan hệ hội đoàn như các tổ chức tình nguyện, tổ chức phi chính phủ nêu trên<br />
dường như được thể hiện rõ nét hơn trong xã hội Hàn Quốc.<br />
4. Kết luận<br />
Có thể tổng kết một số đặc trưng cơ bản về mạng quan hệ xã hội của người Việt và<br />
người Hàn như sau:<br />
Về qui mô mạng quan hệ xã hội, người Việt có qui mô rộng hơn người Hàn. Tuy<br />
nhiên, khuynh hướng giữ vững qui mô quan hệ xã hội với những quan hệ truyền thống<br />
lâu đời như gia đình, họ hàng của người Hàn rõ nét hơn người Việt.<br />
Về đặc tính mạng quan hệ xã hội, cả người Việt và người Hàn đều mang 2 đặc<br />
trưng cơ bản: tính đồng nhất và tính thứ bậc trong quan hệ. Tuy nhiên, tính thứ bậc được<br />
biểu hiện chặt chẽ hơn trong quan hệ xã hội của người Hàn so với người Việt.<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 3 (119), 2012 44<br />
<br />
<br />
<br />
Từ những đặc trưng giống và khác về mạng quan hệ xã hội nêu trên, Việt Nam và<br />
Hàn Quốc có những phương thức khai thác vốn xã hội riêng của mình. Vốn xã hội từ<br />
quan hệ gia đình, họ hàng vẫn luôn đóng vai trò quan trọng và được khai thác triệt để<br />
trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội của cả người Hàn và người Việt. Song tính cố kết và<br />
tính tôn ty quá chặt chẽ trong mối quan hệ gia đình của người Hàn Quốc đôi khi lại tạo ra<br />
những phản chức năng. Sự móc ngoặc trong nội bộ các tập đoàn kinh tế và sự kết nối<br />
giữa chính phủ với các tập đoàn lớn đã tạo ra tính không minh bạch trong kinh doanh và<br />
cản trở việc tiếp nhận những tiến bộ từ bên ngoài gây nên cuộc khủng hoảng kinh tế năm<br />
1997. Bên cạnh những thành tựu kinh tế xã hội đáng nể phục từ việc huy động hiệu quả<br />
vốn xã hội, những sai lầm của Hàn Quốc trong lĩnh vực này cũng luôn là bài học kinh<br />
nghiệm quí báu cho Việt Nam trong giai đoạn quá độ sang nền kinh tế thị trường.<br />
<br />
Tài liệu trích dẫn<br />
<br />
Han Do Hyun. 2007. Phân bố đoàn thể xã hội và mạng lưới xã hội trong cộng đồng địa<br />
phương. Trong sách Đoàn thể địa phương và cộng đồng, NXB Paeksanseodang,<br />
Seoul.<br />
Han Do Hyun. 2010. Người lao động nước ngoài và hoạt động hỗ trợ người lao động<br />
nước ngoài của nhà người lao động nước ngoài ở Seongnam. Trong sách Quyền<br />
lợi của người lao động nước ngoài và cộng đồng. NXB Paeksanseodang, Seoul,<br />
101-156.<br />
Jung Keun Sik. 2008. Xã hội dân sự Hàn Quốc và NGO. Trong sách Xã hội Hàn Quốc<br />
hiện đại, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội.<br />
Lee Jae Yeol. 2000. Social networks oF Koreans, a draft of a paper to be presented at the<br />
panel on „Too modern too soon?: Dualism in civil society, everyday life, and<br />
social relations in contemporary Korea‟, the 52nd Annual Meeting of the<br />
Association for Asian Studies, San Diego, March 9-12, 2000, 0-24.<br />
Lee Jae Yeol. 2008. Quan hệ xã hội của người Hàn Quốc. Trong sách Xã hội Hàn Quốc<br />
hiện đại, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội, 213-259.<br />
Nguyễn Quý Thanh. 2005. Sự giao thoa giữa vốn xã hội với các giao dịch kinh tế trong<br />
gia đình: so sánh gia đình Việt Nam và gia đình Hàn Quốc. Tạp chí Xã hội học,<br />
số 2(90), 108-121.<br />
Nguyễn Quý Thanh. 2012. Sự hình thành và phát triển của vốn xã hội ở Việt Nam. Quỹ<br />
Nafosted tài trợ 2011-2013.<br />
Trần Ngọc Thêm. 2006. Vai trò của chủ nghĩa gia đình ở Korea: Từ truyền thống đến hội<br />
nhập. Trong sách Văn hóa phương Đông – truyền thống và hội nhập, NXB Đại<br />
học Quốc Gia Hà Nội, 335-349.<br />
Trần Thúy Anh. 2004. Thế ứng xử xã hội cổ truyền của người Việt châu thổ Bắc bộ qua<br />
một số ca dao – tục ngữ. NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội, 43-44.<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 3 (119), 2012 45<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />