TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, Số 68, 2011<br />
QUAN NIỆM CỦA ALBERT EINSTEIN<br />
VỀ CON NGƯỜI VÀ Ý NGHĨA CUỘC SỐNG<br />
Trần Lăng, Trường Đại học Phú Yên<br />
<br />
TÓM TẮT<br />
Với tính cách giản dị và hành động dũng cảm trong khoa học cũng như đời sống,<br />
Einstein là hình mẫu của trí thức dám đối diện với những thách thức của xã hội đầy biến loạn<br />
gắn liền với hai cuộc đại chiến thế giới. Nếu như Thuyết tương đối có ý nghĩa về mặt bản thể<br />
luận và nhận thức luận triết học thì cuộc đời và hoạt động xã hội của ông là chuẩn mực đẹp đẽ,<br />
thể hiện tính nhân văn cao cả. Dưới ánh sáng phương Đông, ông là một hiền triết đích thực. Có<br />
những nhà nghiên cứu đã so sánh tư tưởng của ông dưới góc độ nhân văn với tư tưởng của Đức<br />
Phật, Khổng Tử hay Gandhi… Quan điểm của ông về con người và ý nghĩa cuộc sống là khía<br />
cạnh đáng suy ngẫm trong triết lý nhân văn như ông hằng tư duy và hành động.<br />
<br />
Albert Einstein (1879-1955) là nhà vật lý, nhà triết học khoa học người Đức gốc<br />
Do Thái. Năm 1905 khi ông cho đăng bốn bài báo khoa học gắn liền với Thuyết tương<br />
đối và Hiệu ứng quang điện - được gọi là “Năm kỳ diệu” vì những công trình ấy đã làm<br />
thay đổi số phận của chính ông và tạo ra một bước ngoặt trong sự phát triển của khoa<br />
học. Năm 1921, ông được nhận giải thưởng Nobel về vật lý học. Năm 1933, khi A.<br />
Hitler lên cầm quyền ở Đức, ông đã di cư sang Mỹ; từ đó, ông giảng dạy và nghiên cứu<br />
tại Viện Đại học Princeton cho đến cuối đời.<br />
Thông qua những tác phẩm được xuất bản khi ông còn sống như:“Albert<br />
Einstein: The World as I See It” (Thế giới như tôi thấy) (Philosophical Library, New<br />
York, 1949); “Albert Einstein: Ideas and Opinions” (Tư tưởng và quan điểm) (Crown<br />
Publishers, Inc., New York, 1954); “Albert Einstein: Out of My Later Years” (Những<br />
năm cuối của đời tôi) (New York, Philosophical Library, 1950), tư tưởng về con người<br />
và ý nghĩa cuộc sống của ông được thể hiện với một lối suy nghĩ khác biệt. Với tính<br />
cách giản dị và hành động dũng cảm trong khoa học cũng như đời sống, Einstein là hình<br />
mẫu của người tri thức dám đối diện với những thách thức của xã hội đầy biến loạn gắn<br />
liền với hai cuộc đại chiến thế giới.<br />
Nếu như lý thuyết tương đối có ý nghĩa về mặt bản thể luận và nhận thức luận<br />
triết học thì cuộc đời và hoạt động xã hội của ông là chuẩn mực đẹp đẽ, thể hiện tính<br />
nhân văn cao cả. Dưới ánh sáng phương Đông, ông là một hiền triết đích thực. Có<br />
những nhà nghiên cứu đã so sánh tư tưởng của ông dưới góc độ nhân văn với tư tưởng<br />
của Đức Phật, Khổng Tử hay Gandhi… Quan điểm của ông về con người và ý nghĩa<br />
61<br />
<br />
cuộc sống là khía cạnh đáng suy ngẫm trong triết lý nhân văn như ông hằng tư duy và<br />
hành động.<br />
1. Quan niệm về con người của Albert Einstein<br />
Trong vật lý học, nghiên cứu về sự hài hòa của vũ trụ, Einstein tìm thấy trong đó<br />
vẻ đẹp của tự nhiên với quy luật vốn có, đã tạo nên trong ông những xúc cảm tuyệt diệu.<br />
Ở khía cạnh nhân văn, Einstein cho rằng con người có nguồn gốc tự nhiên và giữ một vị<br />
trí quan trọng trong tự nhiên. Từ những phát biểu của ông khi đề cập về nguồn gốc của<br />
con người, Einstein bác bỏ quan niệm của các tôn giáo, về sự liên quan của thần thánh<br />
đến số phận, hành vi và ý thức con người. Ông nói: “Đối với tôi ý tưởng về Đức Chúa<br />
trời cá nhân là khái niệm nhân chủng học mà tôi không chấp nhận một cách nghiêm túc.<br />
Tôi cảm thấy cũng không thể tưởng tượng một số mục đích ở bên ngoài trái đất. Quan<br />
điểm của tôi gần giống như của Spinoza: thán phục vẻ đẹp và niềm tin vào tính đơn giản<br />
hợp lý của một trật tự mà chúng ta có thể nắm bắt một cách khiêm tốn và không hoàn<br />
hảo” [1]. Trong một dịp khác, ông lại nói: “Tôi tin vào Thượng đế của Spinoza, được<br />
biểu lộ trong sự hài hòa có quy luật của sự tồn tại, chứ không tin vào một Thượng đế<br />
bận tâm đến số phận và hành động của con người” [2].<br />
Là một nhà khoa học nổi tiếng và một người can đảm dấn thân trong xã hội, các<br />
hoạt động của Einstein thể hiện rõ quan niệm mục đích của con người trong cuộc sống<br />
hiện thực. Chính vì vậy, khi một dân tộc gặp biến cố (dân tộc Do Thái), một nhà khoa<br />
học bị xúc phạm, một giảng viên bị bôi nhọ, một học sinh gặp khó khăn trong học tập…,<br />
ông đã góp phần giải quyết, lên tiếng phản đối, giải bày… như công việc của chính<br />
mình. Tất cả những hành động của con người dù cao cả hay bé nhỏ, theo ông đều xuất<br />
phát từ mệnh lệnh của cuộc sống, hướng đến sự giải quyết những khó khăn, làm vơi đi<br />
những đau khổ của kiếp người, ông viết: “Mọi điều mà loài người đã làm và đã nghĩ ra<br />
đều có liên quan đến việc thỏa mãn những nhu cầu và làm dịu bớt sự đau khổ. Xúc cảm<br />
và sự mong muốn là động lực ở đằng sau sự nỗ lực và sáng tạo của con người, dù cho<br />
chúng có hiện ra trước chúng ta dưới một cái lốt cao siêu như thế nào chăng nữa” [3].<br />
Trong tiểu luận “Thế giới như tôi thấy” được Einstein viết tại Berlin năm 1930,<br />
đã thể hiện rất rõ quan niệm của ông về mục đích và động cơ của con người “Từ góc<br />
nhìn khách quan, câu hỏi về ý nghĩa hoặc mục đích tồn tại của mình cũng như của các<br />
sinh thể nói chung luôn có vẻ vô nghĩa đối với tôi. Nhưng mặt khác, mỗi người đều có<br />
những lý tưởng nhất định làm kim chỉ nam cho nỗ lực và sự phán xét của mình. Theo<br />
nghĩa này, sự thỏa mãn và yên ấm chưa bao giờ là mục đích tự thân của tôi”[4].<br />
Đối với con người, những hoạt động ngoài yếu tố bản năng còn có những xúc<br />
cảm xã hội, những yếu tố đó được Einstein xem là những bản năng sơ đẳng. Ông nói:<br />
“những thực thể xã hội chúng ta hướng tới quan hệ với đồng loại bằng những xúc cảm<br />
như sự thương cảm, lòng kiêu hãnh, sự thù ghét, lòng trắc ẩn, nhu cầu quyền lực, vv...<br />
tất cả những xung lực sơ đẳng này tuy khó có thể diễn đạt bằng từ ngữ, nhưng chúng là<br />
62<br />
<br />
cội nguồn của hành vi con người” [5]. Đề cao sự sáng tạo của cá nhân, Einstein cho<br />
rằng trong hoạt động của con người chính động cơ hoàn thiện nhân cách, sự cống hiến<br />
của cá nhân tạo ra những giá trị tiềm năng, cao quý và đích thực: “Cái mà tôi cho là có<br />
giá trị đích thực trong các hoạt động của con người không phải là nhà nước, mà là cá thể<br />
sáng tạo và cá thể cảm nhận, là cá nhân: Chỉ cá nhân mới bứt lên tạo dựng được những<br />
giá trị chân quý và cao cả, trong khi bầy đàn, xét như bầy đàn, cứ mãi vẫn là trì độn<br />
trong tư duy và trì độn trong cảm xúc” [6].<br />
Mặt khác, Einstein cũng thấy được con người với tư cách cá nhân và những xúc<br />
cảm chỉ tìm thấy được giá trị của đời sống khi động cơ hoạt động gắn với xã hội, hướng<br />
đến lợi ích của cộng đồng thì lúc đó mới tìm thấy hạnh phúc trong một xã hội tốt đẹp.<br />
Ông viết: “Nếu cá nhân con người mà đầu hàng và làm theo tiếng gọi của những bản<br />
năng sơ đẳng, lẩn tránh sự đau khổ và tìm kiếm sự thỏa mãn cho riêng mình thì hậu quả<br />
rốt cục sẽ là một tình trạng không an toàn, lo sợ và khốn khổ. Ngoài ra, nếu họ dùng trí<br />
thông minh của một kẻ cá nhân chủ nghĩa, nghĩa là một lập trường ích kỷ, xây dựng<br />
cuộc sống của mình dựa trên ảo tưởng về sự tồn tại hạnh phúc cá nhân tách rời xã hội<br />
thì sự vật cũng khó tốt đẹp hơn” [7].<br />
Con người và những hoạt động, cá nhân và xã hội suy cho cùng là sự khẳng định<br />
về phẩm giá con người. Trong tiểu luận tốt nghiệp, K.Marx đã từng viết, chỉ có những<br />
người phấn đấu và cống hiến trọn đời mình cho hạnh phúc của nhân loại thì khi nằm<br />
xuống, những bông hồng tươi đẹp sẽ nở trên mộ của người đó. Einstein cũng có quan<br />
điểm tương đồng như thế. Từ những suy tư về động cơ hoạt động của con người, ông đã<br />
đi đến kết luận: “Những cá nhân có đóng góp nhiều nhất vào việc nâng cao phẩm giá<br />
con người và cuộc sống con người thường được yêu mến nhiều nhất, và điều đó về<br />
nguyên tắc là đúng” [8].<br />
Trong triết học, nhất là thần học, sự bất tử và hạnh phúc vĩnh cửu của con người<br />
ở kiếp sau (thiên đường) là một động cơ, là hướng đến của con người; động cơ đó<br />
“chính là yếu điểm của con người đang được các tôn giáo lợi dụng. Là người phát minh<br />
ra thuyết tương đối, Einstein bác bỏ quan niệm về sự bất tử tuyệt đối của cá nhân, tức<br />
cuộc sống vĩnh cửu ở kiếp sau. Theo ông, chỉ có sự bất tử duy nhất chân chính là sự bất<br />
tử của vũ trụ. Còn sự bất tử của cá nhân chỉ có thể là một sự tương đối. Einstein quan<br />
niệm rằng: “Sự bất tử ư? Có hai loại. Loại thứ nhất nằm trong trí tưởng tượng của con<br />
người và do vậy chỉ là ảo tưởng. Có một sự bất tử tương đối, đó là sự duy trì hình ảnh<br />
của một con người trong ký ức của một số thế hệ. Nhưng chỉ có một sự bất tử chân<br />
chính duy nhất trên phạm vi vũ trụ, đó là sự bất tử của chính vũ trụ. Không có sự bất tử<br />
nào khác” [9].<br />
2. Ý nghĩa cuộc sống theo quan điểm Albert Einstein<br />
Bàn về ý nghĩa của cuộc sống, ông cho rằng đời người là ngắn ngủi nhưng trong<br />
chuyến du hành của những đứa con trái đất, suy cho cùng đó là gắn bó hạnh phúc của<br />
63<br />
<br />
mình với hạnh phúc của đồng loại. Với sự đồng cảm sâu sắc đó, ông đã viết: “nhìn từ<br />
cuộc sống thường nhật mà không đi sâu hơn, ta biết rằng: ta đến đây vì người khác trước hết vì những người mà hạnh phúc của riêng ta phụ thuộc hoàn toàn vào nụ cười và<br />
sự yên ấm của họ, kế đến là vì bao người không quen mà số phận của họ nối với ta bằng<br />
sợi dây của lòng cảm thông.” [10].<br />
Cuộc sống của mỗi một người trong xã hội luôn có sự gắn bó mật thiết với cộng<br />
đồng. Einstein đã thể hiện điều đó một cách sống động bằng chính cuộc đời ông. Việc<br />
ông rời bỏ nước Đức, rời bỏ Viện hàn lâm Phổ ở đỉnh cao của vinh quang, cũng chính vì<br />
ông không muốn có một cuộc sống đầy đủ cho riêng mình vì chỉ phục vụ lợi ích cho<br />
một nhóm người vị kỷ. Trong loạt bài về vấn đề Do Thái ông đã viết: “Cuộc sống của cá<br />
nhân chỉ có ý nghĩa chừng nào nó giúp cho việc làm cuộc sống của mọi sinh thể trở nên<br />
cao thượng hơn, đẹp hơn. Cuộc sống là thiêng liêng - có nghĩa, nó là giá trị tối thượng,<br />
mà mọi giá trị khác đều phụ thuộc vào.” [11]. Cũng với quan điểm đó, trong một lần trả<br />
lời phỏng vấn vào ngày 20 tháng 6 năm 1932, trên tờ The New York Times, ông đã nói:<br />
cuộc sống vì người khác là một cuộc sống có giá trị. Khi những quả bom nguyên tử<br />
được chế tạo trên cơ sở phương trình nổi tiếng của ông E = mc2, được thả xuống Nhật<br />
Bản làm hơn 200.000 thường dân thiệt mạng, làm nhói đau lương tâm nhân loại, đã làm<br />
ông vô vọng về giá trị của sự vĩ đại của một nhà khoa học. Tâm trạng ấy được Robert<br />
Oppenheimer nhắc lại trong một bài giảng của mình khi nói về Einstein tại Nhà<br />
UNESCO (UNESCO House) ở Paris ngày 13/12/1965: “Nếu bây giờ được làm lại cuộc<br />
đời, tôi sẽ không muốn là một nhân vật quan trọng, không muốn làm bác sĩ hay thầy<br />
giáo mà chỉ muốn làm ông thợ hàn hay thợ sửa ống nước để được hưởng sự tự do ít ỏi<br />
mà con người còn có được trong xã hội hiện nay” [12].<br />
Ý nghĩa cuộc sống từ góc độ đó, theo quan niệm của ông không chỉ xuất phát từ<br />
những việc làm vĩ đại mà nó tồn tại cùng với sự tồn tại của mỗi con người trong tự do,<br />
niềm vui sống, sự cống hiến vô tư không gây ra một sự tổn thương hay chiếm đoạt. Ở<br />
khía cạnh tích cực này, Einstein phản đối một số quan điểm triết học coi cuộc sống là vô<br />
nghĩa. Ông nói: “Kẻ nào thấy cuộc sống của mình và của đồng loại là vô nghĩa, kẻ đó<br />
không chỉ bất hạnh mà còn hầu như không thể sống được” [13].<br />
Ở Trung Hoa cổ đại, phái Đạo gia đề xuất “vô vi” để mong tìm thấy hạnh phúc<br />
nhàn hạ từ trong cuộc sống đơn sơ, giản tiện như thời nguyên thủy. Thực chất của sự<br />
“quay ngược bánh xe lịch sử” đó là một kiểu “trọng kỷ, quý sinh”. Trong cuộc sống với<br />
vô số các mối quan hệ, như ông thường đề cập, mà mỗi con người được hưởng thành<br />
quả từ quá khứ và các giá trị hiện tại, Einstein phê phán việc tìm kiếm sự nhàn hạ và sự<br />
sung sướng như là mục đích tự thân và ông cho điều đó nếu có, là lý tưởng của một đàn<br />
lợn. Là một con người, theo Einstein: “Không có cảm nhận về sự đồng điệu với những<br />
người cùng chí hướng, không có sự đau đáu với cái khách quan, với cái mãi mãi không<br />
vươn tới được trong lĩnh vực nghệ thuật và nghiên cứu khoa học, thì cuộc sống với tôi<br />
thật trống rỗng. Những mục đích tầm thường mà người đời theo đuổi như của cải, thành<br />
đạt bề ngoài, sự xa xỉ, với tôi từ thời trẻ đã luôn đáng khinh” [14].<br />
Trong xã hội hiện đại, thời Einstein đang sống, sự phát triển của chủ nghĩa tư<br />
64<br />
<br />
bản đã làm cho đời sống kinh tế phát triển cả về mặt tích cực và tiêu cực. Sự đam mê<br />
vật chất, chạy theo đồng tiền, coi đó là hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc sống cần phải đạt<br />
được là tâm lý và hành động căn bản của số đông người. Thế nhưng Einstein luôn coi<br />
rằng, tiền bạc chỉ kích thích sự ích kỷ và không tránh khỏi dẫn đến sự bất lương. Với<br />
ông, ba điều trong số những cố gắng của con người: của cải, sự thành đạt bề ngoài, sự<br />
xa hoa luôn đáng khinh bỉ. Trả lời phỏng vấn trên tờ Ladies Homel tháng 12 năm 1946,<br />
Einstein nói rằng: “"Những điều quý giá nhất trong cuộc sống không phải là những thứ<br />
bạn có được nhờ đồng tiền” [15]. Một cuộc sống quí giá và có ý nghĩa không phụ thuộc<br />
quá nhiều vào vật chất, như một lần khác ông đã nói: “Tôi tin rằng một cuộc sống giản<br />
dị và khiêm tốn là tốt cho tất cả mọi người về thể chất lẫn tinh thần” [16].<br />
Là một nhà khoa học nổi tiếng, ông thường nói rằng, khoa học thật là tuyệt vời<br />
nếu ta không phải kiếm sống bằng nó. Ông cũng bị thuyết phục bởi lý lẽ cho rằng con<br />
người chỉ có được niềm vui thuần khiết nhất từ những việc làm thiêng liêng chỉ khi nào<br />
họ không bị ràng buộc bởi phương kế sinh nhai. Albert Einstein đã từ chối và coi khinh<br />
phần lớn những nhu cầu và ham muốn thường nhật. Ông quan niệm rằng cuộc sống của<br />
mỗi một con người chỉ có ý nghĩa khi ta nỗ lực làm cho cuộc sống của những người<br />
xung quanh trở nên cao quí và đẹp đẽ hơn. Do đó đối với ông, ý nghĩa cao cả nhất, sự<br />
đam mê mạnh mẽ suốt đời ông là sự nghiệp khoa học để phục vụ nhân loại, được ông<br />
coi là thiên đường của mình, ông gọi đó là “Thiên đường khoa học”. Ông nói: “Con<br />
đường dẫn đến thiên đường này không thoải mái, không quyến rũ bằng con đường dẫn<br />
đến thiên đường tôn giáo; nhưng nó đã tự chứng tỏ sự đáng tin cậy của nó, và tôi không<br />
bao giờ hối tiếc đã chọn con đường đó” [17].<br />
Con đường đến với khoa học để đạt được ý nghĩa cuộc sống cao đẹp là một con<br />
đường khó khăn, đầy chông gai và thử thách. Điều mà Einstein luôn quan tâm để cho<br />
khoa học phát huy giá trị tiềm tàng của nó là văn hóa đạo đức. Văn hóa ấy được thể hiện<br />
trong suy nghĩ, tư tưởng và cơ bản nhất là trong hành động của con người, của nhà khoa<br />
học, như ông đã nói: “Nỗ lực quan trọng nhất là ta phải tranh đấu cho đạo đức hành động.<br />
Trạng thái cân bằng nội tâm và ngay cả sự tồn tại của chúng ta đều lệ thuộc vào điều này.<br />
Chỉ có đạo đức hành động mới mang lại vẻ đẹp và phẩm giá cho đời người.” [18].<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
[1]. Banesh Hoffmann, Albert Einstein Creator and Rebel, New York: New American<br />
Library, 1972, tr. 95.<br />
[2]. Alice Calaprice, ed, The Expanded Quotable Einstein, Princeton, New Jersey:<br />
Princeton University Press, 2000, tr. 204.<br />
[3]. Albert Einstein, Ideas and Opinions, Based on Mein Weltbild, edited by Carl Seelig,<br />
New Yord, Bonzana Books, 1954, tr. 36.<br />
[4]. Albert Einstein, Thế giới như tôi thấy (Tái bản lần thứ hai, có sửa chữa), Đinh Bá Anh,<br />
65<br />
<br />