Sinh kế và vấn đề nghèo tại cộng đồng dân cư ven biển Việt Nam
lượt xem 2
download
Trên cơ sở phân tích mối quan hệ giữa các điều kiện địa lí với phát triển sinh kế, báo cáo tập trung vào việc phân tích các đặc điểm nổi bật của các sinh kế vùng ven biển Việt Nam trong mối tương quan với các khu vực địa lí khác. Đồng thời, báo cáo phát hiện những đặc trưng của nghèo vùng ven biển làm cơ sở đề xuất những giải pháp giảm nghèo ở khu vực này.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Sinh kế và vấn đề nghèo tại cộng đồng dân cư ven biển Việt Nam
- JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE 2014, Vol. 59, No. 6BC, pp. 28-36 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn SINH KẾ VÀ VẤN ĐỀ NGHÈO TẠI CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ VEN BIỂN VIỆT NAM Trần Thị Hồng Nhung Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Dựa trên nguồn tài nguyên phong phú, sinh kế của người dân vùng ven biển Việt Nam khá đa dạng và do đó họ có nhiều cơ hội để giảm nghèo. Tuy nhiên, sự thất thường, tính đa dạng và phức tạp của các sinh kế cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề trong quản lí và phát triển bền vững. Điều này đã trở thành thách thức cho quá trình giảm nghèo của cộng đồng dân cư ven biển, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm môi trường gia tăng và nguồn tài nguyên biển ngày càng cạn kiệt. Trên cơ sở phân tích mối quan hệ giữa các điều kiện địa lí với phát triển sinh kế, báo cáo tập trung vào việc phân tích các đặc điểm nổi bật của các sinh kế vùng ven biển Việt Nam trong mối tương quan với các khu vực địa lí khác. Đồng thời, báo cáo phát hiện những đặc trưng của nghèo vùng ven biển làm cơ sở đề xuất những giải pháp giảm nghèo ở khu vực này. Từ khóa: Kinh tế biển, sinh kế, nghèo, tài nguyên, phát triển bền vững. 1. Mở đầu Sinh kế là một khái niệm rộng và có thể được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, một cách chung nhất, theo cách hiểu đơn giản nhất, sinh kế là phương tiện để kiếm sống. Scoones (1998) định nghĩa sinh kế “bao gồm khả năng, nguồn lực (bao gồm các nguồn lực vật chất và nguồn lực xã hội) và các hoạt động cần thiết làm phương tiện sống của con người. Một sinh kế được coi là bền vững khi nó có thể giải quyết hoặc có khả năng phục hồi từ những căng thẳng; duy trì và tăng cường khả năng và nguồn lực hiện tại mà không làm tổn hại đến cơ sở tài nguyên thiên nhiên” [12]. Theo IUCN (1986), vùng ven bờ được định nghĩa là vùng đất ở đó biển và đất tương tác với nhau, trong đó ranh giới về đất liền được giới hạn bởi các ảnh hưởng của biển đến đất và ranh giới của biển được xác định bởi giới hạn các ảnh hưởng của đất và nước ngọt đến biển. Vùng ven biển về mặt địa lí được giới hạn rộng hơn vùng ven bờ, và thường được mở rộng hơn về phía đất liền [3]. Vùng ven biển Việt Nam có tài nguyên phong phú và hoạt động kinh tế sôi động. Các ngành kinh tế tại khu vực này có nhiều điều kiện để phát triển. Trên cơ sở đó, sinh kế của cư dân nơi đây khá đa dạng và tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, những năm gần đây, sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển đang có nhiều biến chuyển mạnh mẽ và chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đối khí hậu. Bên cạnh đó, cơ hội tiếp cận với các nguồn lực sinh kế của các cộng đồng dân cư là rất khác nhau. Điều này tác động đến đặc điểm và quá trình giảm nghèo tại vùng ven biển. Liên hệ: Trần Thị Hồng Nhung, e-mail: trannhungvnh@gmail.com 28
- Sinh kế và vấn đề nghèo tại cộng đồng dân cư ven biển Việt Nam Báo cáo này đề cập đến sinh kế và vấn đề nghèo tại cộng đồng dân cư ven biển Việt Nam. Trong khuôn khổ báo cáo này, vùng ven biển được quan niệm theo ranh giới cấp tỉnh. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Khái quát về vùng ven biển Việt Nam Vùng biển Việt Nam là một phần biển Đông với đường bờ biển dài 3.260 km, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang và diện tích trên 1 triệu km2 (gấp 3 diện tích đất liền). Đây là vùng biển có vị trí chiến lược quan trọng: nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, châu Á với châu Âu, châu Úc với Trung Đông. Vùng biển và ven biển Việt Nam có nhiều tài nguyên. Ven biển có nhiều loại khoáng sản và vật liệu xây dựng: thiếc, ti tan, đi-ri-con, thạch anh, nhôm, sắt, măng gan, đồng, kền và các loại đất hiếm. Tổng trữ lượng dầu khí dự báo địa chất của toàn thềm lục địa khoảng 10 tỉ tấn dầu qui đổi, trữ lượng khai thác 4 – 5 tỉ tấn; trữ lượng khí đồng hành 250 – 300 tỉ m3 . Muối ăn chứa trong nước biển bình quân 3.500gr/m3 . Có hơn 6 vạn héc ta ruộng muối biển. Về thủy sản, vùng biển nước ta có khoảng 2.040 loài cá (trữ lượng khoảng 3 triệu tấn/năm), trên 600 loài rong biển. Trữ lượng hải sản khoảng 3 – 3,5 triệu tấn, cơ cấu phong phú, có giá trị kinh tế cao. Bờ biển có nhiều cảng, vịnh. . . rất thuận tiện cho đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Các ngành kinh tế dịch vụ trên biển (đóng tàu, sửa chữa tàu, tìm kiếm cứu trợ, thông tin dẫn dắt...) cũng có nhiều tiềm năng phát triển. Dọc bờ biển Việt Nam có 90 cảng biển lớn nhỏ và gần 100 địa điểm có thể xây dựng cảng (gồm cả cảng trung chuyển quốc tế), 125 bãi biển có cảnh quan đẹp, trong đó có 20 bãi biển đạt tiêu chuẩn quốc tế để phát triển du lịch biển [3]. Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố giáp biển với diện tích tự nhiên là 134.777,3 km2, chiếm 40,7% diện tích cả nước và dân số trung bình của các tỉnh ven biển năm 2012 là 44,6 triệu người, chiếm 50,2% dân số cả nước [10]. Diện tích và dân số của các tỉnh, thành phố ven biển phân bố không đều và tập trung chủ yếu ở vùng ven biển Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (chiếm 71,1% diện tích và 43,0% dân số của 28 tỉnh, thành). Mật độ dân số trung bình của các tỉnh, thành phố ven biển là 331 người/km2 , cao hơn mật độ trung bình của cả nước (268 người/km2 ). Nếu chỉ tính riêng các huyện, thị xã thì Việt Nam có 110 huyện và 14 thị xã ven biển, chiếm khoảng 14,3% diện tích cả nước và là nơi sinh sống của trên 21,0 triệu dân, chiếm 19,1% dân số cả nước. Vùng ven biển Việt Nam hiện nay đang tập trung khoảng 50% các đô thị lớn với kết cấu hạ tầng ngày càng hiện đại và nhiều khu công nghiệp, khu du lịch, trung tâm du lịch lớn đang phát triển mạnh, trong đó có ba vùng kinh tế trọng điểm quốc gia. Các khu kinh tế ven biển (KKT) cũng được chú ý đầu tư phát triển với 18 KKT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư. Vùng ven biển được xem là vùng kinh tế động lực, có khả năng phát triển nhiều ngành, nghề khác nhau (du lịch, cảng biển, thủy sản, khai khoáng,. . . ), đầu tư vào khu vực này một cách hiệu quả sẽ tạo ảnh hưởng lan toả hỗ trợ cho phát triển vùng nội địa (khu vực trung du - miền núi), đồng thời tạo cơ sở cho phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả lâu dài. Vùng ven biển còn là “bàn đạp” tiến ra biển, là hậu phương hỗ trợ các hoạt động ở các vùng biển xa bờ thông qua các trung tâm kinh tế trên các hải đảo [5]. 29
- Trần Thị Hồng Nhung 2.2. Kinh tế và sinh kế vùng ven biển Việt Nam 2.2.1. Sự phát triển kinh tế vùng ven biển của Việt Nam Hiện nay, ở Việt Nam, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên; cơ cấu ngành, nghề thay đổi cùng với sự xuất hiện các ngành kinh tế - dịch vụ mới như khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn,... Do đó, vùng biển và ven biển có đóng góp lớn vào xuất khẩu, thu ngoại tệ (chủ yếu là dầu khí và thuỷ sản). Các ngành vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển, xuất khẩu thuyền viên,... bước đầu đã đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Về mặt lãnh thổ, trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng mở, bước đầu đã hình thành 18 khu kinh tế ven biển - là các trung tâm phát triển kinh tế hướng biển. Đây là những khu vực phát triển tổng hợp các ngành, nghề biển như hậu cần nghề cá, công nghiệp gắn với cảng biển và vận tải biển, du lịch biển, đô thị hóa và nghiên cứu khoa học về biển,... Kinh tế biển Việt Nam những năm đổi mới vừa qua đã tăng trưởng đáng kể về qui mô và thay đổi rõ rệt về ngành nghề, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng nền kinh tế. GDP của các tỉnh ven biển (theo giá thực tế) liên tục tăng qua các năm, từ mức 243,4 nghìn tỉ đồng (năm 2000) lên 548,4 nghìn tỉ đồng (năm 2005), 1.254,9 nghìn tỉ đồng (năm 2010) và 1928,5 nghìn tỉ đồng năm 2012, đóng góp 59,4% GDP cả nước [10]. Hình 1. GDP của cả nước và các tỉnh ven biển [10] Hình 2. Tốc độ tăng trưởng của cả nước và vùng ven biển [10] Không chỉ có mức đóng góp lớn vào GDP của cả nước, vùng ven biển còn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức trung bình của cả nước. Giai đoạn 2000- 2012, tốc độ tăng trưởng 30
- Sinh kế và vấn đề nghèo tại cộng đồng dân cư ven biển Việt Nam kinh tế trung bình năm của cả nước đạt mức khoảng 7,0%/năm trong khi đó của vùng ven biển là khoảng gần 11% [10]. Tuy nhiên nếu so sánh với một số nước có biển trong khu vực thì giá trị hoạt động của kinh tế biển Việt Nam còn rất nhỏ bé, chỉ bằng 24% của Trung Quốc, 14% của Hàn Quốc và 1% của Nhật Bản [8]. Bên cạnh sự phát triển năng động và những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, vùng ven biển cũng đang phải đối mặt với các vấn đề kinh niên liên quan đến những áp lực về phát triển (xung đột lợi ích giữa các ngành trong bối cảnh gia tăng các hoạt động kinh tế ở vùng ven biển, nghèo , và gia tăng dân số) và sự yếu kém trong quản lí (cơ chế quản lí theo ngành, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và suy thoái môi trường). 2.2.2. Sinh kế của dân cư khu vực ven biển Việt Nam Khu vực ven biển tập trung dân cư đông đúc. Đây là địa bàn của những đô thị, những làng chài - những hình thức cư trú có mật độ dân số cao. Chính bởi vậy đặc điểm phát triển kinh tế tại khu vực ven biển ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận dân cư đáng kể. Và cũng do đó vấn đề phát triển sinh kế của dân cư ở khu vực này cần được chú ý. - Đặc điểm thứ nhất của khu vực ven biển là tính đa dạng và phức tạp trong các lựa chọn sinh kế. Ở khu vực ven biển có cả những ngành kinh tế biển như là thuỷ sản, du lịch, cảng biển. . . , và những ngành không thuộc kinh tế biển như nông lâm nghiệp, công nghiệp khai thác và chế biến... Bởi vậy cư dân ở đây có khả năng tiếp cận với nhiều sinh kế khác nhau. Điều này tạo thuận lợi hơn hẳn vùng nội địa và vùng núi, có hoạt động kinh tế của cư dân tương đối hạn chế và khép kín. Tuy nhiên, đối với khu vực ven biển, vấn đề đặt ra là đảm bảo cho sự phát triển đồng bộ và hoà nhập lẫn nhau giữa các ngành, các lĩnh vực kinh tế. Bởi sự phát triển các ngành này có khi ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn lợi để phát triển các ngành khác. Nếu không có biện pháp quản lí hiệu quả, ngành công nghiệp và thuỷ sản sẽ gây ra ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến khả năng thu hút của khách của ngành du lịch. Ngược lại, sự phát triển du lịch lại hạn chế khả năng phát triển của ngành thuỷ sản. Sự lựa chọn các chiến lược sinh kế của hộ gia đình thường phụ thuộc vào những nguồn lực sinh kế mà hộ gia đình nắm giữ và các yếu tố tác động từ bên ngoài như yếu tố mùa vụ, thời tiết, chính sách và thể chế tại địa phương [11]. Tại hầu hết các cộng đồng ven biển, với nguồn lợi hải sản phong phú, nghề cá là một sinh kế chính. Theo nghiên cứu mà tác giả tiến hành tại huyện Ninh Hòa, thành phố Nha Trang (tỉnh khánh Hòa) và huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) giai đoạn 2004 – 2008, có khoảng 55% lao động trong khu vực điều tra có nghề nghiệp chính hoặc phụ là đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, các sinh kế khác cũng phụ thuộc vào đánh bắt như dịch vụ nghề cá, chế biến thủy hải sản và thương mại nghề cá. Do đó, nguồn lợi thủy sản là một nguồn lực sinh kế quan trọng đối với cộng đồng ven biển. Sinh kế bền vững cho các cộng đồng ven biển phụ thuộc nhiều vào việc bảo vệ và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành ngư nghiệp nhìn chung đang bị suy thoái do tình trạng đánh bắt quá mức gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường biển. Trong bối cảnh đó, nuôi trồng thủy sản đang dần dần trở thành một sinh kế thay thế mặc dù hoạt động nuôi trồng thủy sản thiếu kiểm soát thường gây ra các tác động môi trường và không khả thi đối với các hộ nghèo. Nông nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm và đảm bảo an ninh lương thực ở nông thôn, nhưng trong một số trường hợp, người dân không có khả năng tiếp cận với việc sử dụng đất, đặc biệt đối với các đảo nhỏ vùng ven biển. Một số ngành dịch vụ như buôn bán nhỏ, du 31
- Trần Thị Hồng Nhung lịch (sinh thái, văn hóa),... cũng từng bước được hình thành và phát triển ở các cộng đồng ven biển. Trên thực tế, hầu hết các hộ gia đình đều có một vài nguồn thu nhập khác nhau và có nhiều người cùng tạo ra thu nhập. Để duy trì sản lượng khai thác trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm, người dân có xu hướng khai thác xa bờ và đi biển dài ngày [2]. Những thay đổi trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cũng tạo ra những vận hội mới, song không phải hộ gia đình nào cũng có đầy đủ vốn, kiến thức, kĩ năng hay các mối quan hệ xã hội để có thể nắm bắt và tận dụng. Với xu hướng tiếp tục dựa vào việc khai thác các nguồn lực sẵn có ở địa phương để thực hiện các hoạt động sinh kế, nhìn chung, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các cộng đồng ven biển vẫn còn diễn ra một cách chậm chạp [7]. - Đặc điểm thứ hai là các sinh kế của cư dân ở đây có định hướng tài nguyên rõ rệt là nguồn tài nguyên biển và ven biển. Do vậy sự phát triển kinh tế gắn kết với bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên là vấn đề sống còn trong phát triển bền vững sinh kế vùng ven biển. Chỉ cần những biến đổi rất nhỏ theo hướng bất lợi của tự nhiên cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều dân cư. Bởi hệ sinh thái và môi trường biển rất dễ bị tổn thương và những tổn thương này có thể lan toả sang phạm vi rộng do ảnh hưởng của sóng và hải lưu. Nhưng hiện nay, chính hoạt động kinh tế của người dân ven biển lại đang làm tổn hại nghiêm trọng nguồn tài nguyên quý giá này. Nhiều loài sinh vật biển hiện đang giảm về số lượng, có loài đã tuyệt chủng cục bộ. Có đến 236 loài thủy sinh quý hiếm bị đe dọa ở cấp độ khác nhau, trong đó có hơn 70 loài sinh vật biển đã bị liệt kê trong sách đỏ Việt Nam [6]. Sự suy giảm đa dạng sinh học kéo theo sự suy giảm số lượng loài sinh vật có giá trị kinh tế. Nguyên nhân chính yếu là do sự gia tăng trong xuất khẩu thủy sản, dẫn đến sản lượng đánh bắt hàng năm vượt quá nguồn dự trữ có sẵn. Mặt khác các biện pháp đánh bắt bất hợp pháp và mang tính hủy diệt như sử dụng chất nổ, xyanua, xung điện, mắt lưới nhỏ...vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, không chỉ làm suy giảm các tài nguyên biển, mà còn gây tổn hại cho môi trường sống của các loài hải sản. Các nguồn cá dự trữ bị suy giảm từ 4 triệu tấn vào năm 1990 xuống còn 3 triệu tấn như hiện nay. Kích thước trung bình của cá và tính đa dạng loài cũng giảm đáng kể; độ phủ của rạn san hô và độ đa dạng loài cũng có chiều hướng suy giảm trong những năm gần đây, ở một số vùng hơn 30%. Tương tự như đối với rạn san hô, thảm cỏ biển cũng đang bị thu hẹp dần do tai biến thiên nhiên, lấn biển để xây dựng ao nuôi thủy sản, các công trình ven biển và do ô nhiễm. Các điểm “nóng” về suy giảm thảm cỏ biển là Vịnh Hạ Long, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đảo Phú Quốc đồng thời, diện tích rừng ngập mặn suy giảm một cách rõ rệt, từ 408.500 ha vào năm 1943, đến năm 2000 chỉ còn 155.290 ha [8], Và rõ ràng, khi nguồn tài nguyên bị suy giảm thì sinh kế nghề cá của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng - Thứ ba, do vùng ven biển chịu nhiều thiên tai: nạn cát bay, bão lụt, triều cường. . . nên sản xuất có tính chất rủi ro cao, nhất là sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản. Vùng ven biển miền Trung, đặc biệt là Bắc Trung Bộ từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi là nơi tập trung của rất nhiều cơn bão xuất phát từ phía tây Thái Bình Dương. Những khu vực khác ít bão hơn nhưng sự xuất hiện bất thường lại gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Ví dụ như cơn bão Linda năm 1997 đã khiến cho hơn 3000 ngư dân của tỉnh Cà Mau lâm vào tình cảnh khốn cùng. Sự suy giảm các chức năng sinh thái của các hệ sinh thái biển sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, các hoạt động kinh tế- xã hội và phúc lợi của hàng triệu người dân ven biển sống phụ thuộc nhiều vào các hàng hóa và dịch vụ mà các hệ sinh thái này cung cấp. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, việc gia tăng các rủi ro từ khí hậu là một trong những áp lực làm gia tăng khả năng bị tổn thương của những sinh kế dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên của các cộng đồng ven biển. Nhìn chung, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến sinh kế của người 32
- Sinh kế và vấn đề nghèo tại cộng đồng dân cư ven biển Việt Nam dân nông thôn nói chung và vùng ven biển nói riêng trên một số sinh kế chính như sản xuất nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản – những sinh kế mà người nghèo chủ yếu dựa vào các nguồn lực tự nhiên để thực hiện các chiến lược sinh kế [2]. Những ảnh hưởng cụ thể đối với sản xuất nông nghiệp bao gồm: mất diện tích đất nông nghiệp do nước biển dâng, mặn hóa các vùng đất canh tác do sự xâm nhập của nước biển, tăng cường lũ lụt và hạn hán, gia tăng dịch bệnh do sự thay đổi của nhiệt độ và lượng mưa, từ đó ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng nông nghiệp, làm giảm cơ hội việc làm, đẩy giá lương thực lên cao và đe dọa đến vấn đề an ninh lương thực [4]. Đối với hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, mực nước biển dâng, nhiệt độ tăng, bão lũ, sóng lớn, triều cường và các hiện tượng thời tiết cực đoan... sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến các hệ sinh thái quan trọng và nghề cá ven bờ (như hệ sinh thái rừng ngập mặn, đất ngập nước, hệ sinh thái san hô), từ đó làm thu hẹp và hủy hoại chất lượng môi trường sống của các loài thủy hải sản, làm giảm chất lượng và trữ lượng thủy sản nuôi trồng và đánh bắt ven bờ. Mặt khác, do những thay đổi theo mùa của thời tiết và khí hậu đã dẫn tới tính chất mùa của sản xuất. Đối với ngành thuỷ sản có hai mùa chính: mùa Nam (từ tháng V đến tháng X ở miền Bắc và từ tháng VII đến tháng XII ở miền Nam) và mùa Bắc (từ tháng XI đến tháng IV ở miền Bắc và từ tháng I đến tháng V ở miền Nam) phù hợp với hai mùa gió Đông Nam và tây Bắc. Hoạt động du lịch biển thường chỉ diễn ra trong khoảng từ tháng IV đến tháng X hàng năm. Tính mùa vụ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động đánh bắt, dịch vụ ngư nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và du lịch, từ đó ảnh hưởng tới công ăn việc làm, thu nhập và sự sẵn có của thực phẩm tại địa phương. Nhiều hộ gia đình thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu ăn và thu nhập thấp vào một số thời điểm nhất định trong năm (thường là khi thời tiết xấu không thể thực hiện hoạt động đánh bắt). Giá cả hàng hóa và dịch vụ cũng thay đổi theo mùa. - Thứ tư, do những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, khu vực ven biển gặp nhiều trở ngại trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Phát triển hạ tầng ở những xã ven biển cần tính toán để khắc phục những khó khăn về môi trường và kĩ thuật cũng như đảm bảo độ bền của công trình. Nhiều công trình khi xây dựng xong phải đối mặt với nhiều nguy cơ như sự xâm nhập mặn ngày càng tăng, mức độ bồi lắng cao, sự hạ thấp mực nước và hiện tượng ngập úng. Với những khó khăn như vậy, hầu hết khu vực ven biển, trừ các đô thị, còn các xã, huyện nông thôn đều có cơ sở hạ tầng nghèo nàn. - Một đặc điểm nữa cần nhấn mạnh về tình hình kinh tế – xã hội khu vực ven biển là tình trạng bất bình đẳng diễn ra phổ biến và sâu sắc hơn so với những khu vực khác. Trong khu vực có nhiều ngành kinh tế cùng phát triển, nhưng cơ hội tiếp cận với những nguồn thu nhập đa dạng này không như nhau đối với các nhóm dân cư. Những ngành có khả năng tạo thu nhập cao như du lịch, nuôi trồng các loại thuỷ sản có giá trị chỉ dành cho những người giàu. Bởi đây là những ngành đòi hỏi vốn đầu tư lớn và trình độ khoa học kĩ thuật cao. Những người nghèo do thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất kinh doanh nên hoạt động kinh tế thường thu hẹp trong những ngành có tính chất rủi ro cao và thu nhập thấp như đánh bắt hải sản, làm thuê. . . Như vậy, sinh kế của người dân ven biển Việt Nam có nhiều đặc điểm đáng chú ý. Bên cạnh tính đa dạng là một ưu thế nổi bật, các sinh kế và việc lựa chọn sinh kế đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là tính thất thường và dễ bị tổn thương. Những tổn thương này càng gia tăng trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong bối cảnh dân số ngày càng tăng, tình trạng khai thác quá mức đất đai và tài nguyên (rừng và thủy sản) phổ biến, trình độ giáo dục và kĩ năng nghề nghiệp ở vùng ven biển còn thấp, những áp lực này đang gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân ven biển, từ đó đặt thêm nhiều gánh nặng hơn nữa lên sự an toàn và đời sống của người dân ven biển. 33
- Trần Thị Hồng Nhung 2.3. Đặc điểm nghèo và giải pháp giảm nghèo tại cộng đồng dân cư ven biển Nghèo chịu ảnh hưởng lớn của điều kiện kinh tế – xã hội. Do vậy có thể thấy, nghèo ở khu vực ven biển có những đặc trưng chính như sau: - Hiện nay trong xu thế phát triển của nền kinh tế người dân ven biển có sinh kế đa dạng nhờ cơ cấu ngành kinh tế phong phú. Người dân có nhiều điều kiện hơn để tiếp cận với các ngành nghề khác nhau như đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản, làm thuê, làm công nhân trong các nhà máy hay những cơ sở chế biến và dịch vụ, làm nông nghiệp. . . Do vậy tỉ lệ người nghèo ở khu vực ven biển nhìn chung thấp hơn so với khu vực miền núi, nơi mà do đặc điểm tự nhiên và kinh tế, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Tuy nhiên, do dân số tập trung ở vùng ven biển rất đông nên vùng ven biển lại là nơi tập trung nhiều người nghèo nhất ở nước ta hiện nay. Sự chồng chéo và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các ngành kinh tế trong quá trình phát triển nhiều khi lại gây ra những tác động tiêu cực và người nghèo chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngoài ra, tính phức tạp của nền kinh tế đã làm gia tăng sự đa dạng của người nghèo. Những người nghèo tại khu vực này không phải là nhóm đồng nhất mà bao gồm nhiều nhóm với những đặc điểm khác nhau. Họ có khả năng khác nhau trong phát triển kinh tế và thoát nghèo. Họ cũng có nhu cầu khác nhau đối với các nguồn lực cho sự tăng trưởng. Nguyên nhân khiến họ nghèo cũng rất khác nhau. Điều đó gây nên khó khăn và phức tạp trong những chính sách giảm nghèo. Những nhóm người nghèo với quyền lợi có khi đối kháng nhau sẽ đòi hỏi những biện pháp rất khác nhau trong giảm nghèo. Đây là một thách thức với những người hoạch định chính sách giảm nghèo nói chung và chính quyền địa phương nói riêng. - Một trong những đặc điểm của người nghèo ở khu vực ven biển là sinh kế phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Khu vực ven biển thường chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và người nghèo là nhóm dễ bị tổn thương nhất. Người nghèo không có cơ hội tạo thu nhập trong những ngành có hiệu quả kinh tế cao và ổn định như nuôi trồng thuỷ sản có giá trị và du lịch. Nguồn thu nhập chính của họ là từ nông nghiệp, nghề cá quy mô nhỏ và làm thuê [1]. Đối với sản xuất nông nghiệp, vùng ven biển không phải là khu vực phát triển thuận lợi. Điều kiện đất đai và nước tưới khiến cho khả năng tăng năng suất trong nông nghiệp hạn chế. Nghề thứ hai có tầm quan trọng lớn đối với người nghèo là thuỷ sản (cả nuôi trồng và đánh bắt). Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của mình, người nghèo chỉ có thể tiến hành những hoạt động này ở quy mô nhỏ, thu nhập thấp và tính rủi ro cao. Khi phải đi làm thuê, thu nhập của người nghèo rất thấp và phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thành công của người chủ. Nếu có vốn đóng góp cùng chủ, họ sẽ có thu nhập khá hơn nhưng phải chấp nhận gánh chịu rủi ro cùng chủ. Còn nếu chỉ làm thuê đơn thuần, giá công chỉ giúp họ trang trải được nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống hàng ngày mà không thể có tích luỹ. Trong hoàn cảnh nền kinh tế mới hiện nay, những cơ hội sinh kế cho người dân vùng ven biển đang thay đổi nhanh chóng. Ở nhiều vùng ven biển, sự thay đổi đó đồng nghĩa với việc tăng lên đáng kể những cơ hội đổi đời, song năng lực của các nhóm dân cư lại rất khác nhau trong việc tận dụng các cơ hội đó. Trong khi những hộ khá giả hơn có thể dễ dàng hưởng lợi thì người nghèo ven biển lại có ít điều kiện để tiếp cận với các công nghệ mới vì họ thiếu kĩ năng, tri thức, sự tự tin hoặc trình độ văn hóa để sử dụng. Họ không có nhiều thời gian để đầu tư phát triển sản xuất và có quá ít nguồn dự trữ để đương đầu với những rủi ro đi kèm với sự lựa chọn của họ. Tình trạng phổ biến là họ thiếu những mạng lưới giúp họ tiếp cận với tri thức, kinh nghiệm, kĩ thuật mới, các nguồn tài chính và thị trường có thể tận dụng để làm thay đổi cuộc sống [9]. Tiếp cận tài chính được coi là chìa khóa để nắm bắt các cơ hội đổi đời. Sinh kế vùng ven biển sẽ tiếp tục thay đổi do tác động của một môi trường năng động. Do đó, các chương trình hỗ trợ sinh kế cần phải chú ý 34
- Sinh kế và vấn đề nghèo tại cộng đồng dân cư ven biển Việt Nam đến bối cảnh này cũng như yêu cầu về tính linh hoạt khi lựa chọn và thiết kế các hoạt động hỗ trợ. - Trong điều kiện sản xuất nhỏ, với những phương tiện thô sơ và kĩ thuật lạc hậu, những hoạt động kinh tế của người nghèo thường gây ảnh hưởng đến môi trường, dẫn đến ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên. Vì vậy, sự phát triển gắn với tài nguyên đòi hỏi các phương thức hoạt động kinh tế phải phù hợp với mục tiêu bảo tồn tài nguyên để đảm bảo cho việc phát triển bền vững. Các giải pháp giảm nghèo phải có sự cân nhắc giữa các yếu tố tăng trưởng, rủi ro và tác động đến môi trường. Không được phép vì mục tiêu phát triển kinh tế và tạo thu nhập mà chấp nhận các phương thức huỷ hoại tài nguyên và môi trường. - Một khó khăn cho những người nghèo là tình trạng thiếu việc làm theo mùa vụ. Từ đó dẫn đến một hiện trạng phổ biến là di cư lao động. Khi mùa vụ làm ăn tại địa phương đã hết, cuộc sống khó khăn, rất nhiều lao động phải di chuyển đến vùng khác, tỉnh khác để tìm kiếm việc làm. Đặc biệt với những người nghèo, do thu nhập tại chỗ không đủ đảm bảo cuộc sống cho họ nên việc đi làm ăn xa là một giải pháp quan trọng. Hiện trạng này rất phổ biến ở khu vực Bắc Trung Bộ. Do không có những ngư trường lớn, nguồn thuỷ sản ít, không đủ cung cấp việc làm và thu nhập, ngư dân buộc phải di chuyển vào các vùng biển phía Nam như Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long để tìm kiếm việc làm. Hiện nay, hình thức đi làm ăn xa có những chuyển đổi quan trọng và không chỉ bị chi phối bởi tính chất mùa vụ nữa mà là các yếu tố khác như nhu cầu việc làm và thu nhập cao tại các khu công nghiệp, các vùng đô thị. . . Những lao động di cư này chủ yếu là nam giới, những người có khả năng lao động nhất trong gia đình. Việc di chuyển lao động giúp cho người dân có khả năng thích ứng cao với cuộc sống thay đổi và tiếp cận với những cơ hội mới. Tuy nhiên việc làm này cũng tiềm ẩn những yếu tố rủi ro, tạo nên những tổn thương cho người nghèo. Người đi làm ăn xa thường làm việc trong những điều kiện tiêu chuẩn kém và ít được hưởng những phúc lợi xã hội. Họ ít có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh cũng như giáo dục tại nơi làm việc, như việc khám sức khoẻ định kì, tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề. . . Di chuyển lao động cũng gây nhiều xáo trộn, mất ổn định ở cả những vùng xuất cư cũng như nhập cư [7]. Hiện tượng di chuyển của các lao động ở vùng ven biển đã tác động đến những giải pháp giảm nghèo của khu vực. Cần chú ý nhiều đến việc hỗ trợ cho những người di cư làm giảm khó khăn và tăng số tiền gửi về nhà. Đối với những nơi chuyển đến cần có những giải pháp giảm sức ép của những người nhập cư lên cơ sở hạ tầng và kinh tế địa phương. Những trong những chương trình kinh tế – xã hội, hiện trạng của những người di cư không được kiểm soát. Bởi vậy, giải pháp cho những người di cư vẫn là một khoảng trống trong chính sách cho người nghèo. 3. Kết luận Sinh kế và vấn đề nghèo ở khu vực ven biển có những đặc trưng riêng rất khác biệt so với tình trạng nghèo chung toàn quốc. Vấn đề nghèo và phát triển sinh kế không chỉ cần được xem xét dưới góc độ kinh tế và thu nhập mà rất cần hướng tới những khía cạnh khác của phát triển bền vững. Đặc biệt trong điều kiện những biến đổi mạnh mẽ của điều kiện tự nhiên cũng như nền kinh tế quốc gia hiện nay, những đặc điểm này càng cần được chú ý để tránh những tác động tiêu cực, tránh làm gia tăng những thách thức của tăng trưởng . Những giải pháp cho vấn đề sinh kế và nghèo tại khu vực này cần được nghiên cứu một cách toàn diện để không chỉ phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân (đặc biệt là người nghèo), mà còn bảo vệ nguồn tài nguyên cũng như bảo đảm sự tăng trưởng nói chung của khu vực. 35
- Trần Thị Hồng Nhung TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trần Thọ Đạt và Vũ Thị Hoài Thu, 2011. Sự thích ứng của sinh kế ven biển trước tác động của biến đổi khí hậu: Nghiên cứu điển hình tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 171, tháng 9/2011. [2] Trần Thọ Đạt và Vũ Thị Hoài Thu, 2012. Biến đổi khí hậu và sinh kế ven biển. Nxb Giao thông Vận tải. [3] Nguyễn Mộng, 2012. Giáo trình quản lí tổng hợp vùng ven bờ. Khoa môi trường, Trường Đại học khoa học, Đại học Huế. [4] Lưu Bích Ngọc và cộng sự, 2012. Tác động của biến đổi khí hậu đến biến đổi sử dụng đất và thay đổi sinh kế cộng đồng ở đồng bằng sông Hồng. Báo cáo nghiên cứu của Dự án ClimLandLive-Delta - Hợp phần xã hội học. [5] Bùi Tất Thắng, 2007. Chiến lược kinh tế biển: Cách tiếp cận và Những nội dung chính, trong Hội thảo Tầm nhìn kinh tế biển và Phát triển thủy sản Việt Nam (Marine Economic Vision and Fisheries Development in Vietnam). Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 12/2007. [6] ADB, 2009. Tác động kinh tế của Biến đổi khí hậu tại Đông Nam Á: Báo cáo khu vực - Những điểm nổi bật. Ngân hàng Phát triển Châu Á . [7] MARD, 2008. Sinh kế bền vững cho các Khu bảo tồn biển Việt Nam. Báo cáo dự án, Hà Nội. [8] MONRE, DFID và UNDP, 2010. Xây dựng khả năng phục hồi: Các chiến lược thích ứng cho sinh kế ven biển chịu nhiều rủi ro nhất do tác động của biến đổi khí hậu ở miền Trung Việt Nam. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Hà Nội. [9] Oxfam, 2008. Việt Nam: Biến đổi khí hậu, sự thích ứng và người nghèo. Báo cáo của Oxfam. [10] Tổng cục thống kê Việt Nam 2013. Niên giám thống kê Việt Nam 2012. [11] DFID, 2001. Sustainable livelihoods guidance sheets. Department of International Development [12] Scoones, 1998. Sustainable Rural Livelihoods: A Framework for Analysis. IDS working paper 72 ABSTRACT Livelihood and poverty in Vietnam’s coastal communities Due to an abundant natural resources, the livelihoods of people living along Vietnam’s coastal areas are diverse and they are told that they have many opportunities to escape poverty. In fact, the livelihoods of coastal people is fraught with instability, diversity and complexity, and this has the strongest impact on the poor. This is a great problem for government managers who are to oversee sustainable development. At the same time, ‘poverty alleviation’ is the goal in the coastal communities, even in this time of rapid climate change, increasing environmental pollution and a catastrophic dwindling of marine resources. After analyzing the relationship between geographical conditions and livelihood development, this report looks at the peculiarities of coastal livelihoods in Vietnam, comparing it to livelihoods of people living in other geographical areas. At the same time, this artical also raises the poverty characteristic of coastal areas as a basis for the solution for poverty reduction in the region. 36
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Phương cách sống dung hòa - Tuyệt học vô ưu: Phần 2
221 p | 206 | 76
-
Tiếp cận lý thuyết khung sinh kế bền vững DFID trong nghiên cứu sinh kế của người Mạ ở vườn quốc gia Cát Tiên
12 p | 233 | 16
-
Nghiên cứu nghèo đa chiều và sinh kế dân nghèo ở tỉnh Bình Dương – Những hướng tiếp cận lý thuyết
11 p | 103 | 11
-
Tiếp cận lý thuyết khung sinh kế bền vững DFID trong nghiên cứu sinh kế của người dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La
8 p | 51 | 7
-
Phân tích việc trao quyền trong thực tế
458 p | 44 | 7
-
Nghèo dưới chiều kích thu nhập – chi tiêu và chính sách hỗ trợ tài chính trong thực hiện công tác giảm nghèo của tỉnh Bình Dương
8 p | 68 | 4
-
Tạo dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hoà nhập: Yếu tố rào cản và phương hướng khắc phục
7 p | 39 | 4
-
Vai trò của giáo dục trong công tác giảm nghèo ở tỉnh Bình Dương
11 p | 105 | 3
-
Chính sách giảm nghèo bền vững ở Việt Nam
3 p | 25 | 3
-
Giải pháp cải thiện sinh kế của hộ nông dân nghèo huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn
10 p | 53 | 2
-
Tác động của di cư đến phát triển kinh tế - xã hội từ tổng quan nghiên cứu và hàm ý chính sách giải quyết vấn đề di cư ở đồng bằng sông Cửu Long
10 p | 18 | 2
-
Tác động của các chương trình, dự án quốc tế đến đời sống kinh tế - xã hội các tộc người ở khu vực Tây Nguyên từ năm 1990 đến nay
12 p | 31 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn