JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE<br />
Educational Sci., 2017, Vol. 62, No. 1, pp. 163-170<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1075.2017-0018<br />
<br />
TÁC ĐỘNG TOÀN CẦU HÓA ĐỐI VỚI GIÁO DỤC<br />
VÀ CƠ HỘI CHO GIÁO DỤC VIỆT NAM<br />
Phạm Việt Thắng<br />
Khoa Lí luận Chính trị - Giáo dục công dân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
Tóm tắt. Trong những năm gần đây, chúng ta đang ngày càng thấy rõ những ảnh hưởng của<br />
toàn cầu hóa (TCH) đến đời sống xã hội. Bài viết muốn tiếp cận từ góc độ TCH để phân<br />
tích và nhìn nhận những cơ hội và thách thức của TCH đối với lĩnh vực giáo dục, một lĩnh<br />
vực nhạy cảm liên quan đến con người, đề có thể nhận thức đúng đắn hơn về sự phát triển<br />
giáo dục của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.<br />
Từ khóa: Toàn cầu hóa, giáo dục, cơ hội và thách thức của TCH đối với giáo dục, cải cách<br />
giáo dục.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Toàn cầu hóa (TCH) là quá trình làm tăng lên mạnh mẽ sự tác động, sự phụ thuộc lẫn nhau<br />
của tất cả các quốc gia trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, trước hết và chủ yếu là<br />
trong lĩnh vực kinh tế, sau là các lĩnh vực chính trị, văn hóa, giáo dục.v.v.. tạo ra những biến đổi<br />
và những mối liên hệ phổ biến trên phạm vi toàn cầu.<br />
Trong những năm gần đây, chúng ta đang ngày càng thấy rõ những ảnh hưởng của TCH đến<br />
đời sống xã hội, đặc biệt là đối với văn hóa, giáo dục. Martin Carnoy trong cuốn “Toàn cầu hóa và<br />
Cải cách giáo dục” từng nói: “Nếu nói tri thức là một yếu tố cơ bản của TCH thì ngược lại TCH<br />
cũng có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phổ biến tri thức” [2; 14]. Trong một thời đại như hiện nay,<br />
lĩnh vực giáo dục cũng đang diễn ra quá trình TCH. Người ta cho rằng hệ thống giáo dục sau chiến<br />
tranh của Nhật đã được thiết kế theo hệ thống giáo dục của Mỹ, nhưng hiện nay lại đang diễn ra<br />
theo mô hình của Anh [6]. Hay với trường hợp của Singapore, quốc gia này trong những năm 80<br />
của thế kỉ trước đã tham khảo mô hình hoạt động giáo dục của top 25 trường đại học tốt nhất ở<br />
Anh và Mỹ để áp dụng vào giáo dục Singapore một cách linh hoạt và mềm dẻo [8]. Nhưng hiện<br />
nay, Singapore đã vươn lên trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về giáo dục và nhiều quốc gia<br />
phát triển lại đang cố gắng học theo mô hình giáo dục của Singapore. Gần đây nhất, Anh tuyên bố<br />
khoảng 50 % các trường trung học của nước này sẽ áp dụng mô hình dạy toán theo Singapore với<br />
kinh phí đầu tư khoảng 41 triệu Bảng Anh trong 4 năm nhằm đào tạo giáo viên cũng như đổi<br />
sách giáo khoa [11].<br />
Chính vì vậy, trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa TCH<br />
và giáo dục ở các góc độ tiếp cận khác nhau. Có thể kể đến một số công trình như: Andy Green<br />
(1997), Education, Globalization and the Nation State [5]; Martin Carnoy (1999), Globalization<br />
and Educational Reform: What Planners Need to Know [2]; Carnoy M, Rhoten D (2002), What<br />
does globalization mean for educational change? a comparative approach [3]; Diane E. Oliver<br />
Ngày nhận bài: 28/10/2016. Ngày nhận đăng: 10/1/2017.<br />
Liên hệ: Phạm Việt Thắng, e-mail: vietthang271077@yahoo.com.vn<br />
<br />
163<br />
<br />
Phạm Việt Thắng<br />
<br />
(2013), Higher Education and Globalization [9]; Ikuo Isozaki (2016), Ảnh hưởng của toàn cầu<br />
hoá đến giáo dục Nhật Bản [6]...<br />
Ở trong nước, những nghiên cứu về TCH nói chung thì nhiều, nhưng nghiên cứu về tác động<br />
của TCH đối với giáo dục nói riêng thì chưa nhiều và có hệ thống. Có thể nêu một số công trình<br />
tiêu biểu như: Phạm Văn Đức (2006), Toàn cầu hóa và sự tác động của nó đối với Việt Nam [4];<br />
Lê Ngọc Trà, (2009), Một số vấn đề của giáo dục Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa [13]; Trần<br />
Lê Bảo (2010), Đối thoại giữa các nền văn hóa trong xu thế toàn cầu hóa [1]; Lê Sơn (2011), Nhà<br />
trường đi về đâu [10]; Phan Thanh Long (2015), Giáo dục đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập và<br />
toàn cầu hóa [7]. . .<br />
Tất nhiên, do tính phức tạp của vấn đề nên trên nhiều vấn đề lí luận quan trọng vẫn còn<br />
nhiều điều phải bàn. Do vậy, bất luận từ góc độ nào thì việc tiếp tục nghiên cứu TCH giáo dục vẫn<br />
là có ý nghĩa quan trọng cả về lí luận và thực tiễn. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi muốn tiếp cận<br />
từ góc độ TCH để phân tích và nhìn nhận những cơ hội và thách thức của TCH, đặc biệt là từ kinh<br />
tế, đối với lĩnh vực giáo dục, một lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến con người, để có thể nhận thức<br />
đúng đắn hơn về sự phát triển giáo dục của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.<br />
<br />
2.<br />
2.1.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
Tác động tích cực của toàn cầu hóa đối với giáo dục Việt Nam<br />
<br />
Kinh tế là một trong những lĩnh vực TCH sớm nhất. Trong lĩnh vực này, chúng ta có thể<br />
nhìn thấy thành quả thực tế nhất của TCH, cũng có thể nhìn thấy động lực trực tiếp nhất của TCH.<br />
Một trong những nhận thức quan trọng về TCH là nhận thức mối quan hệ giữa TCH kinh tế và<br />
giáo dục. Dưới sự thúc đẩy của TCH kinh tế, nền giáo dục của Việt Nam sẽ tiếp tục có những biến<br />
đổi sâu sắc. Nó diễn ra trước hết trong sự biến đổi của thể chế giáo dục và sau là hệ thống giáo<br />
dục. Đây là quá trình phủ định của phủ định trong sự phát triển, điều này phù hợp với bản chất của<br />
giáo dục và tính logic bên trong nó.<br />
TCH kinh tế khiến cho tri thức sinh ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Tri thức được tạo<br />
ra đang từ quy mô nhỏ bước đến quy mô đa quốc gia, sự di chuyển chất xám xuyên biên giới thông<br />
qua sự hợp tác đa quốc gia. Chính trong quá trình này, hệ thống phân loại kiến thức và hệ thống<br />
khái niệm khoa học sẽ phải hướng đến thống nhất với toàn cầu. Tài liệu học tập, giáo trình ở các<br />
cấp học trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam sẽ có xu hướng đạt đến sự thống nhất với toàn cầu.<br />
Tiếng Anh cũng trở thành ngôn ngữ được sử dụng ngày càng phổ biến trong các nhà trường ở Việt<br />
Nam, trở thành công cụ chung cho việc sản sinh tri thức toàn cầu, các tạp chí học thuật xuất bản<br />
bằng tiếng Anh cũng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống khoa học ở Việt Nam.<br />
Trong quá trình TCH, sự cạnh tranh kinh tế giữa các quốc gia ở những mức độ khác nhau<br />
thúc đẩy sự lan rộng của cuộc sống xã hội trong nguyên tắc tự do thương mại. Giáo dục và tri thức<br />
của loài người cũng không thể tránh khỏi điều này. Chủ nghĩa tự do mới trong quá trình TCH (neo<br />
- liberelism) về bản chất có mối quan hệ mật thiết với tư duy thị trường hóa. Nguyên tắc kinh tế,<br />
đặc biệt là nguyên tắc của kinh tế thị trường đã trở thành nguyên tắc cơ bản diễn giải các lĩnh vực<br />
khác nhau của xã hội con người. Khi đó, TCH kinh tế, thông qua TCH phân công lao động xã hội,<br />
TCH nguồn nhân lực, trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy giáo dục và tri thức phát triển, khiến<br />
cho giáo dục và tri thức cũng được hòa nhập với quỹ đạo thị trường. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho<br />
sự hình thành và phát triển thị trường giáo dục ở Việt Nam. Sự xuất hiện của các trường học quốc<br />
tế (từ giáo dục phổ thông cho đến giáo dục đại học) sẽ tạo ra sự cạnh tranh cần thiết, tạo cơ hội<br />
cho các trường học nội địa của Việt Nam thay đổi mạnh mẽ. Mặt khác, sự xuất hiện của thị trường<br />
lao động chất lượng cao mang tính quốc tế trong lĩnh vực giáo dục sẽ tạo nên những áp lực phải<br />
nâng cao năng lực chuyên môn và ngoại ngữ đối với các nhà giáo nội địa, trong đó trước hết diễn<br />
164<br />
<br />
Tác động toàn cầu hóa đối với giáo dục và cơ hội cho giáo dục Việt Nam<br />
<br />
ra ở các thành phố lớn.<br />
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và giảng dạy cũng diễn ra sự chuyển dần sang cung<br />
cấp tri thức theo nhu cầu của thị trường, công việc và địa vị của người học cũng trở thành nhân tố<br />
quan trọng mà giáo dục không thể không suy nghĩ đến. Các trường đại học, cao đẳng, trong quá<br />
trình tìm kiếm người học, nguồn quỹ nghiên cứu, sẽ dần dần trở thành một loại công ti giáo dục<br />
nhờ thông qua việc cung cấp các dịch vụ tri thức và đào tạo kĩ năng. Điều này sẽ đưa đến quá trình<br />
tái cấu trúc lại các trường đại học và định hướng giáo dục phổ thông ở Việt Nam nhằm phục vụ<br />
nhu cầu của xã hội và nhu cầu đào tạo nhân lực cho sự phát triển. Giống như ở Nhật Bản hiện nay,<br />
do kinh tế đòi hỏi sự phát triển nguồn nhân lực để hỗ trợ sự cạnh tranh toàn cầu, đã tiếp sức cho<br />
các tranh luận về việc đào tạo nguồn nhân lực tinh hoa và những tranh cãi về việc suy giảm năng<br />
lực khoa học. Điều này cũng đem lại các thay đổi trong việc chuyển các trường đại học thành các<br />
Trung tâm chất lượng cao và chuyển các đại học quốc gia thành các tập đoàn quản trị độc lập. Cho<br />
nên không quá khi nói rằng, thế kỉ XX trở thành thế kỉ của vốn nhân lực (human capital) mà Mỹ<br />
là quốc gia dẫn đầu. Con đường đi tới thành công cho quốc gia và cá nhân cuối cùng chính là sự<br />
đầu tư vào vốn nhân lực. Trình độ giáo dục thấp sẽ ngăn cản một quốc gia tiếp cận công nghệ và<br />
hưởng lợi đầy đủ từ nền kinh tế toàn cầu.<br />
TCH kinh tế khiến giáo dục Việt Nam có nhiều cơ hội để cải cách, nhất là khi kinh tế tri<br />
thức đã xuất hiện, tri thức trở thành “hàng hóa”. Điều này cũng làm thay đổi thái độ của xã hội đối<br />
với sự nghiệp giáo dục. Chính phủ có thể sẽ cắt giảm được sự chi tiêu ngân sách cho giáo dục, để<br />
chuyển sang tìm kiếm các nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ việc mở rộng hệ thống giáo dục trong<br />
tương lai. Bởi vì, một mặt, do TCH thị trường lao động, sự đầu tư lớn của nhà nước cho giáo dục sẽ<br />
phải đối mặt với nhiều bất ổn do cạnh tranh lao động toàn cầu. Mặt khác, giáo dục trở thành một<br />
dịch vụ có thể mua bán và có thể mang lại một lợi nhuận rất lớn, điều này khiến cho các nhà đầu<br />
tư có tiềm lực sẽ đầu tư vào dịch vụ giáo dục, tạo thành động lực để đưa giáo dục, đặc biệt là giáo<br />
dục ở bậc đại học được mở rộng ra thị trường quốc tế, nhất là ở các ngành học mang tính đặc thù<br />
(giống như Mỹ, Anh, Úc.v.v.. đang làm). Vì vậy, chúng ta càng dễ ràng nhận thấy, lĩnh vực giáo<br />
dục quốc dân của một quốc gia càng được xã hội hóa và thị trường hóa mạnh mẽ sẽ càng tận dụng<br />
được các nguồn lực tài chính của xã hội, đồng thời giảm chi tiêu ngân sách. Thậm chí hiện nay,<br />
một số nước phát triển đã đưa ra chủ trương cải cách giáo dục từ việc cắt giảm vốn cho các lĩnh<br />
vực giáo dục đại học và khuyến khích các trường cao đẳng và đại học khai thác thị trường nước<br />
ngoài. Đối với một số quốc gia phương Tây, khi các trường đại học thiếu đi năng lực khai thác thị<br />
trường trong nước, những trường này sẽ hướng đến khai thác thị trường hải ngoại. Ông R. Levin,<br />
Chủ tịch Đại học Yale, từng tự hào khi nói: Chúng tôi tự hào vì đã đào tạo không chỉ bốn trong<br />
sáu vị Tổng thống vừa qua của Hoa Kì, mà còn một vị Tổng thống Đức, hai Thủ tướng Hàn Quốc<br />
và một Tổng thống Mexico. Chúng tôi muốn thấy con số này tăng thêm.<br />
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa chính trị và giáo dục trong TCH cũng không thể xem nhẹ,<br />
bất luận là xem xét dưới góc độ nào, giống như việc TCH kinh tế trực tiếp tác động đến chính trị<br />
các quốc gia. Bản chất sự ra đời của hệ thống giáo dục quốc gia, ở một mức độ rất lớn, là một sự<br />
kiện lịch sử mang tính chất chính trị. Giống như lời Andy Green, một học giả người Anh từng nói:<br />
“Hệ thống giáo dục quốc gia ban đầu được sáng lập là với tư cách một bộ phận của tiến trình hình<br />
thành quốc gia dân tộc hiện đại” [5; 131], “Nói một cách đơn giản, nó thiết lập hoặc cố gắng thiết<br />
lập bản sắc công dân và ý thức quốc gia - hai điều này phối hợp lẫn nhau và liên hệ mật thiết với<br />
quốc gia - Nó bồi dưỡng những con người sinh ra ở đó hoặc những người được nhận nuôi theo quy<br />
định của pháp luật thành những công dân thực sự” [5; 134]. Trong quá trình TCH, đặc biệt là sau<br />
khi chiến tranh lạnh kết thúc, ý thức về một trật tự thế giới trong phạm vi toàn cầu đang dần dần<br />
thấm sâu và ảnh hưởng đến sự phát triển của giáo dục. Nó khiến cho ngày càng nhiều người đứng<br />
từ góc độ của nhân loại chứ không phải đứng từ góc độ của quốc gia để xem xét vấn đề giáo dục.<br />
Ảnh hưởng của UNESCO và các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ đến sự phát triển giáo<br />
165<br />
<br />
Phạm Việt Thắng<br />
<br />
dục thế giới càng ngày càng không thể xem nhẹ. Tất cả các thay đổi này đều xuất phát từ những<br />
phương diện không giống nhau, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa nhà nước và hệ thống giáo dục<br />
của các nước đó. Trong một ý nghĩa nhất định, nó đã khiến giáo dục bắt buộc từ một loại nghĩa vụ<br />
của công dân đối với quốc gia chuyển sang nghĩa vụ chung của xã hội đối với cá nhân, thúc đẩy<br />
giáo dục quốc gia hướng đến các giá trị nhân loại. Những đề xuất về nhiệm vụ của giáo dục mang<br />
tính chất toàn cầu như giáo dục hiểu biết quốc tế, giáo dục môi trường và giáo dục hòa bình,. . .<br />
cũng yêu cầu giáo dục vừa phải phục vụ cho quốc gia đồng thời cũng phải phục vụ cho sự phát<br />
triển của con người. Chức năng chính trị truyền thống của hệ thống giáo dục quốc gia không hề<br />
mất đi, nhưng bên cạnh đó là sự phát sinh thêm chức năng chính trị toàn cầu trên bình diện toàn<br />
nhân loại.<br />
<br />
2.2.<br />
<br />
Những thách thức từ TCH đối với giáo dục Việt Nam<br />
<br />
Trong bối cảnh TCH, giáo dục đặc biệt là giáo dục bậc cao đang có những thay đổi sâu sắc.<br />
Các loại liên kết và giao lưu đa quốc gia đang ngày càng tác động mạnh đến chức năng xã hội của<br />
văn hóa dân tộc trong lĩnh vực giáo dục. Để đẩy mạnh hội nhập với thế giới, hiện nay ở nhiều quốc<br />
gia mà tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính trong đó có Việt Nam, tiếng Anh không chỉ được<br />
dạy với tư cách là một môn học, mà còn là ngôn ngữ được sử dụng để truyền tải kiến thức môn học<br />
cũng đang cạnh tranh gay gắt với ngôn ngữ dân tộc. Loại ý thức thế giới này đang lặng lẽ đi vào<br />
các trường học và thách thức địa vị chủ đạo của ý thức dân tộc. So với sự tương thích giữa văn hóa<br />
và tri thức, sự nghiệp giáo dục đang đứng trước những thách thức rất lớn trong việc giải quyết mối<br />
quan hệ giữa tính quốc tế và tính dân tộc.<br />
Mặt khác, tính thị trường toàn cầu lại mang đến cho giáo dục và tri thức tính đại chúng.<br />
Điều này đã khiến cho số lượng dễ khỏa lấp cho những hạn chế về chất lượng, thậm chí có thể trở<br />
thành thước đo quan trọng nhất của giá trị sản phẩm văn hóa, sự bán chạy dường như đã trở thành<br />
tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá sự thành bại của một tác phẩm. Việt Nam dường như cũng không<br />
ngoại lệ. Sáng tạo kĩ thuật nhất định phải dựa vào thị trường để đưa ra giá trị của nó, nó không<br />
giống như công cuộc sản xuất của loài người trong xã hội truyền thống mà chuyển thành sự kết<br />
hợp đầu tư nguồn vốn, sau đó mới đi vào xã hội. Nghiên cứu cơ bản phải nhằm mục đích đạt được<br />
sự kết hợp mật thiết giữa nguồn vốn được tài trợ, tính giá trị và tính ứng dụng. Đối với Việt Nam,<br />
điều này tuy chưa thể hiện một cách rõ rệt, nhưng tình hình như vậy đang tạo ra một thách thức<br />
thực sự đối với nghiên cứu và truyền đạt tri thức ở đào tạo bậc cao.<br />
Bên cạnh đó, chúng ta rất dễ để thấy rằng, trong quá trình TCH, tác dụng của thị trường<br />
trong lĩnh vực giáo dục tại các quốc gia làm xuất hiện những mâu thuẫn giữa quan điểm giáo dục<br />
vị kinh tế (chủ nghĩa kinh tế giáo dục) và quan điểm giáo dục thuần túy. Khi giáo dục trở thành<br />
một loại hàng hóa dịch vụ có thể mua bán được trên thị trường trong phạm vi toàn cầu, mục đích<br />
giáo dục đào tạo con người sẽ bị thu hẹp lại, những người được giáo dục đào tạo cũng đang trở<br />
thành một loại công cụ kinh tế (đặc biệt khi họ được các nhà sử dụng lao động đặt hàng trực tiếp<br />
từ các cơ sở đào tạo). Cải cách giáo dục, ngoài mục tiêu là sự phát triển con người, ngày càng có<br />
mối quan hệ chặt chẽ với hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với nền<br />
giáo dục của Việt Nam vốn vẫn nặng tính bao cấp.<br />
Cũng trong quá trình TCH, xung đột giữa chủ nghĩa tự do mới và chủ nghĩa kinh tế giáo<br />
dục với sự đầu tư của nhà nước cho giáo dục cũng khiến cho lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là lĩnh<br />
vực giáo dục bậc cao dẫn đến nhiều hệ lụy. Một trong số những hệ lụy trực tiếp của nó là học phí<br />
của các trường đại học, cao đẳng tăng lên theo từng năm. Đây là thách thức lớn cho thị trường giáo<br />
dục Việt Nam, vì nhu cầu học tập thì lớn nhưng khả năng chi trả thì thấp. Những năm gần đây,<br />
tại các nước phương Tây người ta bắt đầu thấy các sinh viên đại học biểu tình để phản đối vấn đề<br />
tăng học phí và vấn nạn việc làm trong quá trình TCH. Đây chỉ là một trong những mâu thuẫn xã<br />
166<br />
<br />
Tác động toàn cầu hóa đối với giáo dục và cơ hội cho giáo dục Việt Nam<br />
<br />
hội được tạo ra do mâu thuẫn nói trên trong TCH. Năm 2004 Liên hợp quốc đã đưa ra một nhận<br />
định về thách thức của toàn cầu hóa như sau: Nhà nước không còn là phương diện duy nhất cung<br />
cấp giáo dục bậc cao, giới học thuật cũng không còn quyền quyết sách lũng đoạn giáo dục. Những<br />
thách thức này không chỉ liên quan đến việc có được cơ hội, sự bình đẳng, tài chính và vấn đề chất<br />
lượng của giáo dục bậc cao, mà còn liên quan đến chủ quyền quốc gia, tính đa dạng văn hóa, đói<br />
nghèo và các vấn đề phát triển bền vững [14; 5].<br />
Từ nửa cuối thế kỉ XX, đặc biệt là cùng với sự kết thúc của chiến tranh lạnh, sự phát triển<br />
của chính sách giáo dục quốc gia càng mở rộng ra toàn cầu. Trong thời đại của TCH, các chính<br />
sách giáo dục của các nước bên cạnh việc phát huy nội lực, còn hướng tới kết hợp tiếp thu chính<br />
sách và kinh nghiệm phát triển giáo dục của nước ngoài. Một mặt, chính sách giáo dục quốc gia<br />
không chỉ nhằm mục đích phát triển trong nước và sự cạnh tranh giữa các quốc gia mà còn phải<br />
đối diện với rất nhiều nhiệm vụ chung của toàn cầu. Một mặt khác, chúng ta không thể không tính<br />
đến sự ảnh hưởng đến từ bối cảnh quốc tế và các nước khác. Việt Nam cũng đang trong quá trình<br />
cải cách nền giáo dục, những ảnh hưởng từ bên ngoài là không thể xem nhẹ, đặc biệt là những ảnh<br />
hưởng từ UNESCO và các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ xuyên quốc gia .v.v.. Hoạt<br />
động của những tổ chức này trực tiếp ảnh hưởng đến các hoạt động giáo dục mang tính chất toàn<br />
cầu, đặc biệt là một loạt các quan niệm giáo dục mới của thời đại và ảnh hưởng của nó trong sự<br />
phát triển giáo dục ngày càng lớn mạnh.<br />
Những năm gần đây, một số hoạt động thực tế của UNESCO ở một mức độ tương đối đã trở<br />
thành tổ chức đứng đầu trong việc phát triển giáo dục toàn cầu. Những biến đổi này không chỉ làm<br />
tăng lên những thách thức của ý thức công dân thế giới đối với ý thức công dân quốc gia trong lĩnh<br />
vực giáo dục, mà trong một mức độ nhất định cũng hình thành nên thách thức đối với hệ thống<br />
hành chính quốc gia. Năm 2004, một báo cáo về giáo dục của UNESCO cũng cho rằng: Sự xuất<br />
hiện của giáo dục bậc cao thiết lập xuyên quốc gia và thương mại giáo dục khiến cho giáo dục bắt<br />
đầu gắn với thị trường. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực của nhà nước<br />
trong việc sử dụng chính sách công để quản lí giáo dục bậc cao [14; 5]. Để đối mặt với những thách<br />
thức này, những năm qua rất nhiều quốc gia đã đẩy mạnh cải cách giáo dục. Kinh nghiệm của Mỹ<br />
cho thấy, từ những năm 90 của thế kỉ XX trở đi chính sách giáo dục phân quyền đã không ngừng<br />
nâng cao vai trò chủ đạo của các bang trong phát triển giáo dục. Nhà nước tăng cường quan tâm<br />
đến giáo dục nhưng không có nghĩa là chống lại TCH, thúc đẩy quá trình “quốc gia hóa”. Nhưng<br />
về tổng thể mà nói, điều này chỉ là một phần trong tiến trình lịch sử TCH.<br />
Tác động của chính trị trong TCH không chỉ làm thay đổi thái độ và chức năng của chính<br />
phủ trong quá trình cải cách và phát triển giáo dục mà còn đưa giáo dục phát triển hòa nhập với<br />
guồng quay đa dạng của chính trị toàn cầu. Trong quá trình này, trọng tâm của quan hệ chính trị<br />
quốc tế dần dần chuyển hướng và mở rộng sang kinh tế và văn hóa, phá vỡ đi rào cản thương mại<br />
và trở thành những chủ đề quan trọng trên các tọa đàm quốc tế. Những xung đột về văn hóa trở<br />
thành một trong những tiêu điểm được quan tâm bởi các chính trị gia và học giả quốc tế. Trong bối<br />
cảnh các công ti xuyên quốc gia dựa vào các nguyên tắc tự do hóa thị trường không ngừng chinh<br />
phục thế giới, các nước đang phát triển như Việt Nam, nếu không bắt kịp hoặc không thúc đẩy<br />
việc phát triển của TCH giáo dục sẽ phải chịu những tổn thất về kinh tế và văn hóa, mất cơ hội<br />
thu hẹp khoảng cách. Kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singaore là những minh chứng đầy<br />
thuyết phục. Ví dụ như Nhật Bản, quốc gia đang phải đối mặt với nhiều thách thức của TCH như:<br />
vấn đề già hóa dân số và sự gia tăng số luợng công nhân tạm thời, làm việc bán thời gian đến từ<br />
nước ngoài; sự phổ biến của chủ nghĩa ích kỉ và đa dạng cảm nhận về giá trị Nhật Bản.v.v.. khiến<br />
cho các chính sách của Nhật Bản ngày càng coi trọng vai trò của công chúng. Trong bối cảnh này,<br />
chính phủ Nhật Bản đặt ra yêu cầu phát triển học sinh, sinh viên tài năng. Vòng quay kinh tế đòi<br />
hỏi sự phát triển của nguồn nhân lực để hỗ trợ cho việc thích ứng và cạnh tranh toàn cầu. Và cuộc<br />
cải cách giáo dục của Nhật Bản đã được xây dựng bắt đầu từ những thách thức như vậy.<br />
167<br />
<br />