intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tạo động lực cho đội ngũ giảng viên trong bối cảnh tự chủ đại học ở Việt Nam

Chia sẻ: Phó Cửu Vân | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

5
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Tạo động lực cho đội ngũ giảng viên trong bối cảnh tự chủ đại học ở Việt Nam" nghiên cứu và đề xuất các biện pháp, giải pháp mà các trường đại học cần quan tâm liên quan đến hệ thống quản lý và điều hành chất lượng; lương, động lực giữ chân đội ngũ giảng viên và khuyến khích họ đóng góp vào sự phát triển của nhà trường. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tạo động lực cho đội ngũ giảng viên trong bối cảnh tự chủ đại học ở Việt Nam

  1. TẠO ĐỘNG LỰC CHO ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRONG BỐI CẢNH TỰ CHỦ ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM Nguyễn Thị Thanh Thương1 Học viện Quản lý giáo dục Nguyễn Thị Lan Hương Trường Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm Abstract Motivating the teaching staff is one of the key factors determining the success of the autonomy process at universities in Vietnam. This paper studies and recommends measures and solutions that universities need to consider relating to quality management and administration system; salary, motivations to retain the teaching staff and encourage them to contribute to the development of the school. Keywords: Lecturers, quality management, motivational method, motivation, university autonomy. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Tự chủ đại học (TCĐH) là một xu hướng phổ biến trên thế giới và được hiểu ngắn gọn là khả năng của trường đại học được hoạt động theo cách thức mình lựa chọn để đạt được sứ mạng và mục tiêu do trường đặt ra. Ở nhiều quốc gia khác nhau, các cấp độ tự chủ của trường đại học có những điểm khác nhau phụ thuộc vào chính sách của từng nước. Mặc dù còn không ít cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện tự chủ, song một điều không thể phủ nhận là tự chủ đã và đang giúp cho các CSGDĐH thực hiện tốt hơn vai trò, sứ mệnh của mình, đồng thời cũng đa dạng hóa hoạt động giáo dục, tăng tính cạnh tranh lành mạnh cho mỗi trường. Ở nước ta, từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 153/2003/QĐ- TTg về việc ban hành “Điều lệ trường đại học”, ở Điều 10 đã nêu rõ “trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học, công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự” [1]. Tại hội nghị TCĐH năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, hơn 900 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, đại diện các hiệp hội, tổ chức quốc tế, chủ tịch hội đồng trường, giám đốc, hiệu trưởng của các CSGDĐH trong cả nước đã tham dự và thảo luận về ba chủ đề: chiến lược phát triển và hội nhập quốc tế, đổi mới quản trị đại học và quản lý nhà nước; nguồn lực cho phát triển GDĐH. Nhiều vấn đề xoay xung quanh ba chủ đề đã được bàn tới, trong đó có vấn đề tạo động lực cho đội ngũ giảng viên (GV) trong bối cảnh TCĐH ở Việt Nam - một trong những chìa khóa quyết định sự thành công của quá trình tự chủ tại các trường đại học. 1 brightside195@yahoo.com 262
  2. 2. THỰC TRẠNG THỰC HIỆN TCĐH VÀ TẠO ĐỘNG LỰC CHO GV Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRONG BỐI CẢNH TỰ CHỦ Ở VIỆT NAM Từ khi ban hành “Điều lệ trường đại học” theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg, hàng loạt văn bản chỉ đạo đã tiếp tục được ban hành nhằm đưa TCĐH thành xu hướng chủ yếu của các CSGDĐH ở nước ta. Các văn bản có liên quan đến triển khai TCĐH gồm có: Luật Giáo dục năm 2005 (đề cập đến việc thực hiện phân công, phân cấp quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục); Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 2/11/2005 (về đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 chủ trương đổi mới cơ chế quản lý, chuyển các CSGDĐH công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ…); Thông tư liên tịch 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV tháng 4/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ (hướng dẫn quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo); Nghị quyết 05-NQ/BCSĐ của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới GDĐH giai đoạn 2010-2012 (chỉ đạo tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và kiểm soát bên trong của trường đại học phù hợp với các quy định của Nhà nước); Chỉ thị 296/CT-TTg ngày 27/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ (đổi mới quản lý giáo dục trong giai đoạn 2010- 2012); Luật GDĐH (sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014, 2015, 2018) đặc biệt quan tâm đến vấn đề tự chủ của CSGDĐH; trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng cũng đã đề cập đến TCĐH… Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ, ngành liên quan, các trường đại học đã từng bước tiến hành tự chủ, từ toàn thể hệ thống GDĐH như một trường đại học lớn, chịu sự quản lý nhà nước về mọi mặt thông qua cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo thì đến giai đoạn hiện nay các trường đại học đã và đang dần được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thể hiện qua các văn bản pháp quy của Nhà nước. Cụ thể, hiện nay “Cả nước có 154/170 CSGDĐH công lập đã thành lập hội đồng trường theo Luật số 34 và Nghị định 99 (đạt 90,6%). Việc thành lập hội đồng trường tại các trường trực thuộc các bộ, ngành, địa phương đạt tỉ lệ 91,18%. Đại đa số các trường thực hiện tự chủ ở mức độ toàn diện và sâu rộng đều đã mang lại hiệu quả tích cực (trên 77%)”; “Hiện nay, đã có 142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật GDĐH” [2]. Về cơ bản, TCĐH ở nước ta được thể hiện rõ nét trên ba mặt: - Tự chủ về chuyên môn học thuật; - Tự chủ về tài chính; - Tự chủ về tổ chức, nhân sự. Trên từng mặt cụ thể của quá trình thực hiện tự chủ, các kết quả đạt được đã cho thấy những hiệu quả tích cực: “Theo kết quả khảo sát, trên 80% các trường trả lời khảo sát triển khai tự chủ toàn diện, sâu rộng về tuyển sinh và đào tạo dẫn đến kết quả đạt được tích cực (trên 85%). Trên 65% các trường trả lời khảo sát triển khai tự chủ toàn diện, sâu rộng về hoạt động khoa học và công nghệ, kết quả đạt được tích cực (trên 80%)”; “Các trường có chính sách cạnh tranh, thu hút GV giỏi chuyên môn và khả năng nghiên cứu khoa học. Tỉ lệ GV có trình độ tiến sĩ ngày một tăng, từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021”; “Từ năm 2018 đến năm 2021, tổng thu của các CSGDĐH tự chủ đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách Nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng; thu nhập bình quân tăng 20,8% đối với GV và 18,7% đối với cán bộ quản lý. GV thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu đồng trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97% sau 3 năm thực hiện tự chủ” [2] … Những con số trên phần nhiều thể hiện vai trò của đội ngũ GV trong việc đóng góp vào những thành tựu của quá trình TCĐH. 263
  3. Những thành tựu đã đạt được của quá trình TCĐH ở nước ta đã tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra những thách thức đối với quản lý và phát triển đội ngũ GV. - Nguồn thu từ ngân sách giảm khiến cho các trường đại học thuộc nhóm “mạnh” có thể tự chủ thu, chi, tăng tiền lương với GV nhưng ở nhóm ngược lại có thể gây nên những suy giảm về thu nhập hoặc thu nhập thấp hơn so với các trường khác. Ví dụ: Trường Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thu nhập bình quân hàng tháng của GV khoảng 50 triệu (số liệu năm 2020), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có thu nhập GV xấp xỉ 20 triệu/tháng (số liệu năm 2020) [3]. Nếu tính theo hệ số lương như hiện nay, GV đại học nếu ở bậc lương cao nhất, tính theo hệ số lương hiện tại là xấp xỉ 7,5 triệu/tháng (chưa kể phụ cấp), mức lương bậc cao nhất của GV chính là 10,1 triệu/tháng (chưa kể phụ cấp). Đối với GV làm việc tại các thành phố lớn với mức chi tiêu đắt đỏ thì tiền công danh nghĩa không đủ cho tiền công thực tế. Điều này đã dẫn đến tình trạng các CSGDĐH có mức chi trả lương cao sẽ thu hút được nhiều GV giỏi, còn những trường có mức chi trả lương thấp sẽ rơi vào nguy cơ “chảy máu chất xám”, thiếu hụt nhân sự và dẫn đến hệ quả về không đủ chỉ tiêu mở mã ngành hoặc duy trì ngành học, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy khác ảnh hưởng đến mọi hoạt động của CSGDĐH. - Trong những năm qua, nhiều thành tựu về tự chủ học thuật, nghiên cứu khoa học và công tác chuyên môn đã được ghi nhận, song những thách thức đặt ra với đội ngũ GV vẫn còn rất lớn. Số lượng trường đại học ở Việt Nam được thế giới công nhận và xếp hạng vẫn là con số khiêm tốn. “Năm 2022, Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) công bố Bảng xếp hạng các trường đại học theo lĩnh vực. Ở lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, Việt Nam có 5 đại học được xếp hạng cao trong tốp 500 thế giới; lĩnh vực kinh doanh và kinh tế theo Bảng xếp hạng Times Higher Education, Việt Nam có 2 đại diện; lĩnh vực khoa học xã hội, Việt Nam có 3 đại diện” [2]. Số lượng bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí uy tín có tăng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra và có sự phân bố không đều trên các lĩnh vực nghiên cứu: “Các lĩnh vực đóng góp chủ đạo vào công bố quốc tế của Việt Nam là Khoa học tự nhiên (49%), Khoa học y dược (20,8%), Khoa học kỹ thuật và công nghệ (19,5%). Lĩnh vực Khoa học nông nghiệp, Khoa học xã hội và nhân văn chiếm khoảng 10% số lượng công bố, trong đó Khoa học nhân văn đóng góp số công bố ít nhất” [4]. Các công bố này ảnh hưởng trực tiếp tới việc đánh giá thành tích nghiên cứu khoa học của GV và là điều kiện để phong học hàm, học vị. Chi phí phản biện cho mỗi bài báo đăng trên tạp chí quốc tế uy tín cũng là con số không nhỏ nhưng chính sách đãi ngộ đối với GV có công bố quốc tế lại ở nhiều mức khác nhau. Đối với đội ngũ GV thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn thì những khó khăn lại tăng lên gấp nhiều lần trong thực hiện các công bố quốc tế đúng chuyên ngành, nhất là ngành Chính trị học, Triết học… GV gặp phải nhiều thách thức trong việc khẳng định năng lực căn cứ trên những tiêu chuẩn quốc tế đã làm nảy sinh tiêu cực trong nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, các trường đại học có những chuyên ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội cũng bị giảm tính cạnh tranh trong tuyển sinh do ngành nghề không hấp dẫn. Đây là những rào cản không nhỏ trong phát triển đội ngũ GV, gây ảnh hưởng chung đến thực hiện TCĐH ở nước ta. 264
  4. 3. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT TẠO ĐỘNG LỰC CHO ĐỘI NGŨ GV TRONG BỐI CẢNH TCĐH Ở VIỆT NAM Thực trạng những thành tựu và hạn chế của TCĐH đã chỉ ra những vấn đề về tạo động lực cho đội ngũ GV phát triển, gắn bó và cống hiến với cơ sở đào tạo trong bối cảnh TCĐH. Các nhà quản lý phải đưa ra được những phương án vừa giúp GV có được thu nhập tăng thêm để họ yên tâm cống hiến; có những cơ chế, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, động viên kịp thời (cả bằng vật chất và tinh thần) để họ có thể gắn bó với đơn vị, sẵn sàng chia sẻ khó khăn và vượt qua thách thức, cùng hướng đến những mục tiêu chung. Vì vậy, để hướng tới những mục tiêu đó, chúng tôi đưa ra một số đề xuất như sau: 3.1. Hoàn thiện hệ thống quản trị, quản lý chất lượng tổng thể trong thực hiện TCĐH Quản trị nhà trường là hoạt động xây dựng kế hoạch, định hướng, quy định trong nhà trường mà chủ thể quản trị ở đây chính là hội đồng trường. TCĐH gồm có: tự chủ nguồn nhân lực; tự chủ trong các hoạt động học thuật và các chương trình giáo dục; tự chủ trong tuyển sinh và quản lý sinh viên; tự chủ trong nghiên cứu và xuất bản, giảng dạy và hướng dẫn học viên; tự chủ trong quản lý hành chính và tài chính… Quản trị nhà trường trong bối cảnh tự chủ là một trong những chiến lược quan trọng của các trường đại học bởi quản trị tốt là nền tảng cơ bản để các trường đại học có thể điều hành, quản lý nguồn nhân lực, quản lý hoạt động chuyên môn, hoạt động nghiên cứu khoa học, quản lý hành chính, quản lý cơ sở vật chất… tiến tới nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Để hoàn thiện hệ thống quản trị, quản lý chất lượng tổng thể của nhà trường trong bối cảnh tự chủ, mỗi CSGDĐH cần phải xây dựng lộ trình tự chủ với sứ mạng, tầm nhìn, giá trị đặc trưng cho mỗi đơn vị. Trong chiến lược phát triển đơn vị của mỗi CSGDĐH cần được thể hiện rõ vị trí, vai trò của từng thành viên với những yêu cầu về vị trí việc làm. Chất lượng đào tạo của một CSGDĐH được minh chứng qua năng lực có việc làm của người học sau khi kết thúc chương trình đào tạo và các nhà tuyển dụng đánh giá cao đối với những nhân sự được đào tạo tại cơ sở đó. Muốn hướng tới mục tiêu này, các CSGDĐH cần có chiến lược phát triển đội ngũ GV, trong đó đảm bảo đội ngũ GV đủ về số lượng và mạnh về chất lượng nhằm thực hiện tốt các kế hoạch đào tạo của nhà trường; xây dựng chiến lược trước mắt và lâu dài về đội ngũ GV kế cận và có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; có kế hoạch kiểm tra đánh giá, qui hoạch, tuyển chọn, sử dụng, sắp xếp vị trí việc làm phù hợp để tạo động lực phấn đấu cho đội ngũ GV… Với những định hướng rõ ràng, các CSGDĐH sẽ thực sự chủ động trong các hoạt động quản trị của mình, và sẽ đưa ra được những giải pháp phù hợp với cơ sở về quản trị nhân lực cũng như các lĩnh vực khác, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của xã hội. 3.2. Nhà trường cần đặc biệt quan tâm đến việc tăng thu nhập cho đội ngũ GV Theo lộ trình tăng mức lương cơ sở năm 2023 sẽ được thực hiện vào 1/7/2023, tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng. Như vậy, lương mức cao nhất của GV (hệ số 4,32) sẽ là xấp xỉ 7,8 triệu đồng/tháng (chưa kể phụ cấp); lương của GV chính (hệ số 6,44) sẽ là xấp xỉ 11,6 triệu đồng/tháng (chưa kể phụ cấp). Như đã nêu ở thực trạng, mức lương này so với một số trường có thu nhập từ 30-50 triệu đồng/tháng vẫn là một khoảng cách xa và cũng chưa thể đáp ứng mức chi tiêu tại các thành phố lớn. Tiền lương của GV phải đủ cho những sinh hoạt vật chất tối thiểu (bao gồm giá trị tư liệu sinh hoạt tái sản xuất 265
  5. sức lao động của GV, của con cái người GV) và bù đắp phí tổn đào tạo chuyên môn (tiền lương của GV đại học cần phải phản ánh đúng đắn vị trí, chất lượng, hiệu quả công việc có tính đặc thù gắn với chuyên môn cao). Khi mức lương đáp ứng được nhu cầu và góp phần khẳng định vị trí của người GV trong xã hội, thì bản thân nó trở thành một động lực thúc đẩy GV lao động, cống hiến xứng đáng. Một trong những nội dung của TCĐH là tự chủ về tài chính, vì vậy, muốn tăng thu nhập cho cán bộ, GV, mỗi trường đại học cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài để tăng nguồn thu cho đơn vị. Thu nhập cao chính là nguồn động lực cơ bản thúc đẩy GV làm việc, cống hiến. Các giải pháp để tăng nguồn tài chính của trường đại học có thể thực hiện gồm có: tăng mức học phí của người học; xây dựng chiến lược tuyển sinh nhiều mã ngành đào tạo hơn phù hợp với những điều kiện của đơn vị; hội đồng trường đề xuất được trao quyền tự chủ trong chi trả lương của GV theo vị trí việc làm, đề xuất hỗ trợ của Nhà nước đối với những chuyên ngành đào tạo thiết yếu cho sự phát triển chung nhưng số lượng lao động trên lĩnh vực đó không nhiều; xây dựng kế hoạch hợp tác trong đào tạo… Mỗi CSGDĐH cần xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ với những điều chỉnh chi tiêu được bổ sung, thay đổi định kỳ nhằm đảm bảo quyền lợi cho GV như các khoản hỗ trợ về chi phí đào tạo khi tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm, đáp ứng chiến lược phát triển đội ngũ GV của CSGDĐH; được miễn hoặc giảm định mức giờ chuẩn, định mức nghiên cứu khoa học đối với giảng viên được cử đi đào tạo hoặc bồi dưỡng nước ngoài, hoặc làm công tác kiêm nhiệm; được thưởng đối với giảng viên hoàn thành chương trình đào tạo đúng hạn; được thưởng khi có các công trình nghiên cứu khoa học có chỉ số khoa học được đăng trên các tạp chí uy tín hoặc các hội thảo quốc tế; xây dựng các biểu mẫu tính giờ lao động, các cách quy đổi đầu việc thành giờ lao động nhằm đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ GV. Các hoạt động tài chính càng rõ ràng và minh bạch càng là động lực làm việc cho đội ngũ GV bởi họ đã xác định rõ những mục tiêu về nghĩa vụ cũng như các quyền lợi của mình khi thực hiện đúng theo những quy chế đó. 3.3. Tạo động lực cho đội ngũ GV bằng những giải pháp phi vật chất Vấn đề thu nhập có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình tự chủ của các trường đại học, bởi nó không những là yếu tố cạnh tranh giúp nhà trường có lợi thế về thu hút nhân sự mà đồng thời cũng là yếu tố để mỗi GV có quyền tự hào về những giá trị do sức lao động mình tạo ra được trả công xứng đáng. Tuy nhiên, TCĐH là con đường nhiều khó khăn và năng lực tài chính của không ít trường thực sự chưa thể là vấn đề được giải quyết trong thời gian ngắn. Trong lúc này, những giải pháp khác cần sử dụng ít tài chính hoặc không cần tài chính cần được tích cực phát huy. Xây dựng trường học hạnh phúc, văn minh, chuyên nghiệp chính là chiến lược lâu dài của mỗi trường đại học để mỗi GV đều có thể gắn bó với trường như ngôi nhà thứ hai của mình. Các giải pháp trước mắt có thể thực hiện như: trường đại học có thể tạo động lực cho GV bằng cách ghi nhận sự đóng góp của đội ngũ GV trong các hoạt động chung của đơn vị (chủ tịch hội đồng trường, giám đốc/hiệu trưởng có thể luôn nhấn mạnh sự đóng góp này trong các cuộc họp các cấp); khen thưởng, nêu gương kịp thời đối với các GV có những thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học (có thể trao giấy khen hoặc khen thưởng trước toàn thể đơn vị, vinh danh trên trang web của trường); tạo cơ chế để GV phản hồi và đóng góp ý kiến vào sự phát triển chung của đơn vị (có thể xây dựng hòm 266
  6. thư góp ý qua mạng nội bộ của đơn vị hoặc thực hiện chế độ tiếp cán bộ, giảng viên của chủ tịch công đoàn hoặc hiệu trưởng/ giám đốc của CSGDĐH); tạo cơ hội để GV nâng cao trình độ chuyên môn và trao đổi học thuật (khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để GV có thể thực hiện các hoạt động chuyên môn) ; trao cho GV quyền tự chủ học thuật (tôn trọng các đề xuất của giảng viên trong nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện điều chỉnh các nội dung học thuật (hình thức, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá…). Các cách thức cụ thể để triển khai các giải pháp trên sẽ phụ thuộc vào điều kiện, tình hình cụ thể của từng CSGDĐH. Các CSGDĐH cũng có thể tổ chức các hoạt động lấy ý kiến của cán bộ GV về vấn đề tạo động lực làm việc nhằm lắng nghe ý kiến của họ, đồng thời tranh thủ những sáng tạo của chính đội ngũ trong thực hiện tạo động lực. 4. KẾT LUẬN Thực hiện TCĐH là một xu hướng khách quan, phù hợp với sự phát triển của nền GDĐH quốc tế và đáp ứng ngày một tốt hơn những đòi hỏi về nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực hiện tự chủ thành công không chỉ đòi hỏi năng lực của hội đồng trường và các thành viên cốt cán mà đội ngũ GV cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên chất lượng trường đại học bởi họ là những người trực tiếp quyết định đến chất lượng đào tạo của trường đại học. Trong quá trình thực hiện TCĐH, xây dựng và phát triển đội ngũ GV đáp ứng những đòi hỏi ngày càng lớn của xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các trường đại học. Vì vậy, tạo động lực cho đội ngũ GV cả về vật chất và tinh thần thông qua những giải pháp tổng thể và những giải pháp gắn liền với hoàn cảnh cụ thể của từng cơ sở đào tạo đại học là vấn đề cần được quan tâm, đầu tư để trường đại học có thể tăng tính cạnh tranh, tăng thương hiệu của mình trong bối cảnh hiện nay. Để thực hiện được những giải pháp tạo động lực cho giảng viên, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của chính các CSGDĐH, thì sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, các Bộ ban ngành liên quan với các chủ trương, chính sách, quyết định đúng đắn và kịp thời cũng sẽ là nhân tố quyết định sự thành công của TCĐH ở nước ta. ________________ Tài liệu tham khảo [1] Thủ tướng Chính phủ (2003), Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 về việc ban hành “Điều lệ trường đại học”. [2] Minh Giảng (2021), Ba thách thức lớn với tự chủ đại học. Nguồn: https://tuoitre.vn, ngày 13/11/2021. [3] Phương Liên (2022), Tự chủ đại học: Cuộc cách mạng đổi mới giáo dục đại học. Nguồn: https://baochinhphu.vn, ngày 04/08/2022. [4] Nguyễn Minh Quân và nhiều tác giả (2020), Công bố khoa học quốc tế của Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị. Nguồn: https://vjst.vn/vn, ngày 28/9/2020. [5] Nguyễn Thị Thúy Dung (2019), Tạo động lực lao động cho giảng viên đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục đại học, Tạp chí Giáo dục, số 452 kỳ 02 tháng 4, tr. 10-14. 267
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
6=>0