intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

TẠP CHÍ TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC SỐ THÁNG 3 NĂM 2009

Chia sẻ: Lê Cao | Ngày: | Loại File: DOC | Số trang:64

467
lượt xem
81
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong nhiều năm qua, để tăng cường năng lực quản lý của nhà nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng ta chủ trương cải cách hành chính một cách mạnh mẽ, toàn diện với mục tiêu góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực và hiệu quả, tạo điều kiện cho nền kinh tế nhiều thành phần phát triển, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: TẠP CHÍ TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC SỐ THÁNG 3 NĂM 2009

  1. TẠP CHÍ TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC SỐ THÁNG 3 NĂM 2009 1. Đoàn thanh niên xung kích thực hiện cải cách hành chính nhà nước. 2. Cơ sở lý luận tổ chức hợp lý chính quyền địa phương (không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường) ở nước ta hiện nay. 3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ thanh niên cho cách mạng. 4. Tác phẩm “sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với phương pháp sử dụng đúng cán bộ. 5. Về tính khoa học và thời sự của Luật cán bộ, công chức. 6. Đổi mới và tăng cường quản lý nhà nước về công tác thanh niên trong giai đoạn hiện nay. 7. Bồi dưỡng theo nhu cầu công việc - giải pháp cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. 8. Vai trò của nhà nước trong phát triển kinh tế. 9. Xây dựng chế độ trách nhiệm công chức trong thực thi công vụ. 10. Một số kết quả trong công tác cải cách hành chính tại thành phố Đà Nẵng. 11. Cải cách hành chính cần có bộ máy vận hành khoa học. 12. Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức ở một số nước.
  2. ĐOÀN THANH NIÊN XUNG KÍCH THỰC HIỆN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC NGUYỄN HOÀNG HIỆP Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh T rong nhiều năm qua, để tăng cường năng lực quản lý của nhà nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng ta chủ trương cải cách hành chính một cách mạnh mẽ, toàn diện với mục tiêu góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực và hiệu quả, tạo điều kiện cho nền kinh tế nhiều thành phần phát triển, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể hóa mục tiêu trên, Chính phủ đã xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 với 4 nội dung chính: cải cách về thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách tài chính công. Trong những năm qua, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước đã đạt được những thành tựu quan trọng: hệ thống thể chế pháp luật từng bước được đổi mới và hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước được điều chỉnh từng bước phù hợp với yêu cầu quản lý của nhà nước trong kinh tế thị trường; cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được điều chỉnh, sắp xếp tinh gọn, hợp lý hơn; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước được nâng lên; phương thức hoạt động của Chính phủ, các bộ ngành trung ương và ủy ban nhân dân các cấp có bước đổi mới... Những kết quả đó đã góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế thì tiến trình cải cách hành chính còn chậm, hiệu quả thấp. Hệ thống thể chế pháp luật còn chưa đồng bộ, tổ chức bộ máy còn cồng
  3. kềnh, chưa phân cấp rõ ràng về chức năng nhiệm vụ giữa các ngành, các địa phương; chế độ công vụ mới chậm hình thành và chất lượng đội ngũ cán bộ công chức chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của quá trình đổi mới. Thủ tục hành chính còn nặng nề, rườm rà, gây khó khăn cho nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp… Những vấn đề trên cho thấy cải cách hành chính ở nước ta hiện nay không chỉ đơn thuần là cải cách thủ tục hành chính mà còn là công việc của bộ máy hành chính, là đội ngũ công chức hành chính, là xây dựng nền hành chính công... liên quan đến toàn bộ các hoạt động của hệ thống chính trị. Tiến hành các hoạt động cải cách hành chính một cách căn bản, hệ thống, đồng bộ, không chắp vá, làm tăng tính năng động sáng tạo của các cơ quan trong bộ máy hành chính, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch bộ máy nhà nước, xây dựng nhà nước thực sự là Nhà nước xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đứng trước yêu cầu và thực trạng trên, với vai trò là tổ chức chính trị xã hội, đội quân xung kích cách mạng, Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh đã cổ vũ, động viên đoàn viên, thanh niên tham gia công cuộc cải cách hành chính nhà nước thông qua phong trào “Thanh niên xung kích tham gia công cuộc cải cách hành chính nhà nước, xây dựng công sở văn minh, sạch đẹp”. Phong trào đã được các cấp bộ đoàn tích cực triển khai, với nhiều cách làm phong phú, sáng tạo, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia và đạt được một số kết quả bước đầu: 1. Tổ chức các phong trào hành động cách mạng để tập hợp thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên, công chức, viên chức trẻ xung kích thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn - Tổ chức tuyên truyền về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 với nhiều hình thức như: thông qua hệ thống báo chí, phát thanh của đoàn; tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ đoàn chủ chốt hiện đang là công chức, viên chức; tổ chức hội thi “Thanh niên với cải cách hành chính”; tổ chức diễn đàn, hội thảo chuyên đề về cải cách hành chính nhà nước “Ngày hội hiến kế các giải
  4. pháp hữu ích”, “Công chức trẻ với cải cách hành chính”; phát động và chấm giải cuộc thi viết “Những ý tưởng về cải cách hành chính”. - Tham gia đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên, đề xuất các ý tưởng, giải pháp góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng công sở văn minh, sạch đẹp như: đảm nhận bộ phận “một cửa”, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính, tình nguyện làm thêm giờ, thêm ngày giải quyết các hồ sơ, tài liệu tồn đọng ở các lĩnh vực hành chính với thời gian nhanh nhất, hiệu quả nhất phục vụ nhân dân. Tiêu biểu là Đoàn thanh niên Quận I, thành phố Hồ Chí Minh đảm nhận thực hiện ISO 9001:2000 “Quản lý hành chính trên mạng điện tử”; Đoàn thanh niên công ty Dược Hậu Giang “Xây dựng mô hình cải cách hành chính hợp lý, hiệu quả”; Đoàn thanh niên Phú Yên thực hiện “đổi mới phong cách làm việc của cán bộ, công chức trẻ” với phương châm “2 giảm, 3 đúng, 4 tăng” (giảm sai sót thủ tục hành chính, chi tiêu lãng phí; đúng chủ trương, chính sách pháp luật, quy trình kỷ luật lao động, lương tâm trách nhiệm; tăng sức khoẻ, tăng năng suất, chất lượng, tăng sáng kiến, tăng kiến thức tay nghề)… 2. Tham gia cải cách hành chính thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đoàn Xác định công tác cán bộ là yếu tố quyết định trong mọi công việc, đặc biệt chất lượng đội ngũ cán bộ là công chức, viên chức. Các cấp bộ đoàn đã tích cực phối hợp với các trung tâm chính trị hoặc chủ động mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ đoàn khối viên chức từ bí thư chi đoàn trở lên và thực hiện phương pháp giáo dục chủ động, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên. 3. Tham gia xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy, cán bộ - Công tác quy hoạch, đánh giá cán bộ đoàn được các cấp bộ chủ động từ việc lựa chọn, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hoá đội ngũ cán bộ theo tiêu chuẩn quy định chung. Một số địa phương phối hợp với cấp uỷ xây dựng được kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cử cán bộ biệt
  5. phái xuống cơ sở, từng bước hình thành lớp cán bộ đoàn năng động, nhiệt tình, có chuyên môn nghiệp vụ cao. - Chế độ chính sách cho cán bộ đoàn cơ sở được quan tâm thiết thực, cụ thể hơn. Nhiều cơ sở, đơn vị đã tham mưu để chính quyền, chuyên môn tạo điều kiện, giải quyết chế độ chính sách, phụ cấp trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ đoàn với các mức độ khác nhau. - Về tổ chức bộ máy: được kiện toàn theo hướng tinh, gọn, rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, khắc phục dần tình trạng chồng chéo và hành chính hoá. Có thể nói, thông qua các hoạt động trên, nhận thức của cán bộ, công chức trẻ về công cuộc cải cách hành chính nhà nước đã được nâng lên một bước, tổ chức đoàn và đoàn viên thanh niên đã xác định được vai trò, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, hoạt động tham gia cải cách hành chính của thanh niên còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Một số đoàn viên, thanh niên và đội ngũ cán bộ đoàn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ tham gia cải cách hành chính, còn tư tưởng coi cải cách hành chính không phải là việc của thanh niên. Tinh thần, trách nhiệm của thanh niên, của tổ chức đoàn tham gia cải cách hành chính chưa thực sự chủ động, còn né tránh, ngại đề xuất góp ý. Kết quả các hoạt động tham gia cải cách hành chính còn dừng lại ở mức độ nhất định. Một bộ phận cán bộ công chức trẻ chưa thực sự chủ động vươn lên học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học… Đặc biệt vấn đề cải cách hành chính ngay trong nội bộ tổ chức đoàn còn hạn chế. Trước yêu cầu đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nền hành chính nhà nước cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn với nhận thức cải cách hành chính không tách biệt, gói gọn trong phạm vi nhà nước mà là một chương trình tổng thể của cả hệ thống chính trị. Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX đã phát động phong trào “5 xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc”, trong đó xác định nội dung “Xung kích tham gia cải cách hành chính”. Triển khai Nghị quyết của Đại hội Đoàn, các tổ chức đoàn tiếp tục đi đầu tham gia vào công cuộc cải cách hành chính, phát huy mạnh mẽ tiềm năng của thanh niên xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới, cụ thể là:
  6. Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các nội dung cải cách hành chính tới đông đảo đoàn viên thanh niên thông qua việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh với tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”; xây dựng đạo đức người cán bộ “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; học tập và thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, luật pháp của Nhà nước, quy chế dân chủ ở cở sở, quy chế làm việc của từng cơ quan, đơn vị; tuyên truyền trên các phương tiện báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình của Đoàn thanh niên nhằm giới thiệu, phản ánh các hoạt động, phong trào, mô hình cá nhân, tập thể điển hình ở cơ sở hoạt động có hiệu quả trong công tác cải cách hành chính… với mục tiêu phấn đấu mỗi cán bộ công chức trẻ là một tuyên truyền viên về cải cách hành chính. Thứ hai, phát động phong trào “3 trách nhiệm” (trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với nhân dân, trách nhiệm với chính mình) trong cán bộ, công chức trẻ và cuộc vận động “Văn hoá doanh nghiệp” trong các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp; tổ chức “Ngày hội hiến kế các giải pháp hữu ích”, ngày hội đăng ký “Sáng kiến cải tiến quy trình chuyên môn, nghiệp vụ”; xây dựng các tổ, đội, nhóm thanh niên xung kích, tình nguyện tham gia làm thêm giờ để giải quyết các hồ sơ, công việc tồn đọng; các nhóm tư vấn trẻ xuống cơ sở để giải thích, hướng dẫn, giúp người dân nâng cao kiến thức, hiểu thêm về các quy trình, thủ tục hành chính; phát động các đợt thi đua cao điểm gắn với việc thực hiện một hoặc nhiều nhiệm vụ của đơn vị như: “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”… Thứ ba, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Đổi mới phương pháp công tác của Đoàn: đổi mới từ tư duy công tác thanh niên đến nhận thức đúng và đầy đủ về thanh niên; đổi mới phương pháp tiếp cận, vận động, tư vấn và hướng dẫn thanh niên; đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động của thanh niên. - Đổi mới phong cách cán bộ đoàn: trong các hoạt động thanh niên, đội ngũ cán bộ đoàn tác động đến thanh niên với vai trò là người hướng dẫn, người tổ chức,
  7. người tư vấn, người đối thoại của thanh niên; bản thân họ không hoạt động thay cho thanh niên và càng không phải là “biểu diễn” cho thanh niên xem. - Đổi mới cách thức chỉ đạo: điều này được thực hiện trước hết ở việc xác định rõ thẩm quyền, cách thức chỉ đạo của mỗi cấp bộ đoàn, của mỗi cơ quan trong cùng một cấp, cần tăng cường hơn tính định hướng, hướng dẫn, kiểm tra của cấp trung ương, năng lực vận dụng và tính chủ động, linh hoạt của cơ sở; tăng cường chỉ đạo trực tuyến, chỉ đạo theo chuyên đề, giảm bớt các hoạt động phô trương kém hiệu quả… - Đổi mới cách thức, quy trình xử lý công việc: đây là quá trình khó khăn, phức tạp, vừa đảm bảo tính hành chính cần thiết của tổ chức đoàn phù hợp với những khuôn mẫu, quy định chung của thể chế hành chính ở Việt Nam, vừa phải đảm bảo tính quần chúng, tính tiên tiến của tổ chức đoàn với tư cách là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên, do thanh niên và vì thanh niên. - Đổi mới tổ chức bộ máy và công tác cán bộ: đảm bảo tinh, gọn, rõ chức năng, nhiệm vụ, linh hoạt và thích ứng nhanh với hoàn cảnh, không chồng chéo, không làm thay, “lấn sân” các cơ quan, ngành khác. Yêu cầu đối với cán bộ đoàn là phải hiểu thanh niên, nắm bắt được các nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp thanh niên trong các lĩnh vực, khu vực, đối tượng cụ thể để đưa ra giải pháp thích hợp; phải gắn bó với cơ sở, bám sát đối tượng với tinh thần quần chúng rộng rãi và phương pháp dân vận đặc thù phù hợp với đối tượng; phải biết kết hợp hoạt động vận động thanh niên với tham mưu cho cấp uỷ đảng và vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức (kể cả các cơ quan nhà nước), tạo tính cộng đồng trách nhiệm của xã hội đối với công tác thanh niên./.
  8. XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG CƠ SỞ LÝ LUẬN TỔ CHỨC HỢP LÝ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG (KHÔNG TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN, QUẬN, PHƯỜNG) Ở NƯỚC TA HIỆN NAY TS. VĂN TẤT THU Thứ trưởng Bộ Nội vụ 1. Phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ thành nhiều cấp tạo nên tầng nấc trung gian trong bộ máy chính quyền địa phương Tổ chức các cấp chính quyền, các đơn vị hành chính lãnh thổ của một quốc gia là vấn đề có tính chất cơ bản, nguyên tắc và hệ trọng. Ở nước ta, việc phân chia dân cư theo lãnh thổ định ra các đơn vị hành chính theo nguyên tắc “nước chia thành tỉnh, tỉnh chia thành huyện, huyện chia thành xã” và quá trình triển khai quyền hành pháp tập quyền đã tạo ra một hệ thống tổ chức và quyền hạn của nó “lồng chứa bao hàm nhau”. Theo cách phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ ở nước ta như vậy hình thành nên ba cấp hành chính địa phương: tỉnh, huyện, xã. Trong ba cấp hành chính đó cấp huyện là cấp trung gian và trên từng cấp hành chính lại phân chia thành các đơn vị hành chính lãnh thổ khác nhau. Trên cơ sở các đơn vị hành chính lãnh thổ, chính quyền địa phương được thành lập bao gồm hội đồng nhân dân (HĐND) và ủy ban nhân dân (UBND). Như vậy, chính quyền địa phương ở nước ta được thành lập trên cả ba cấp: tỉnh, huyện, xã. Việc tổ chức bộ máy chính quyền địa phương ở cả ba cấp tạo ra một tầng nấc trung gian ở cấp huyện làm ảnh hưởng đến tính thống nhất, thông suốt trong quản lý điều hành của chính quyền địa phương. HĐND với
  9. hai tính chất là cơ quan quyền lực và là cơ quan đại diện cho nhân dân địa phương suy đến cùng là thiết chế đại diện cho cộng đồng dân cư ở địa phương, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương theo phân cấp của Chính phủ và điều kiện cụ thể của địa phương, giám sát hoạt động của cơ quan hành chính địa phương. UBND do HĐND bầu ra là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. UBND các cấp tạo thành một hệ thống, UBND cấp dưới chịu sự chỉ đạo của UBND cấp trên, UBND cấp tỉnh chịu sự chỉ đạo của Chính phủ. Như vậy, UBND là cơ quan song trùng trực thuộc, vừa trực thuộc Chính phủ, vừa trực thuộc HĐND cùng cấp. Tính song trùng trực thuộc này gây cách bức, ảnh hưởng đến tính thống nhất, thông suốt trong quản lý, điều hành của bộ máy hành chính. Cách phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ thành các cấp và việc tổ chức chính quyền địa phương đầy đủ (cả HĐND và UBND) ở tất cả các đơn vị hành chính lãnh thổ và các cấp hành chính không phù hợp với các nguyên tắc tổ chức quyền lực trong nhà nước đơn nhất. Vì vậy, không tổ chức HĐND ở cấp huyện là tinh giản một số cơ quan đại diện bao hàm trong chính quyền cấp tỉnh, tồn tại trên một cấp hành chính trung gian sẽ đảm bảo cho bộ máy hành chính nhà nước thêm thông suốt, gần dân, sát dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn. Chính quyền địa phương ở nước ta được tổ chức trên cơ sở các đơn vị hành chính lãnh thổ mà việc phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ ở nước ta thành nhiều tầng nấc trung gian, lồng chứa bao hàm nhau trong bộ máy. Do đó, để tổ chức hợp lý chính quyền địa phương cần phải đổi mới phân chia lại đơn vị hành chính, lãnh thổ ở nước ta một cách hợp lý. Đây là vấn đề cơ bản, tiên quyết để tổ chức hợp lý chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay. 2. Lý do không tổ chức HĐND huyện, quận Trong các cấp hành chính địa phương, cấp huyện là cấp trung gian, cấp hành chính nhân tạo. Trên cấp hành chính này trong lịch sử có lúc có HĐND, có lúc không có HĐND chỉ có ủy ban hành chính (UBHC) hoặc UBND. Trong lịch sử ra đời và hoạt động của chính quyền địa phương ở nước ta, cấp huyện là cấp trung gian nhưng nó được hình thành trong điều kiện lịch sử - kinh tế - chính trị nhất định, phụ thuộc vào các yếu tố khách quan và ý trí chính trị của đảng cầm quyền. Trong điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội chưa phát triển, còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng, điều kiện vật chất, kỹ thuật kém phát triển, trình độ, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế, hệ thống pháp luật không đầy đủ và đồng bộ, quyền làm chủ của người dân chưa được phát huy đầy đủ, trình độ dân trí thấp… nhất là khi đất nước có chiến tranh thì việc thiết lập các đơn vị hành chính cấp huyện là cần thiết; thậm chí có thời chúng ta coi mỗi đơn vị hành chính cấp huyện là một pháo đài, cả nước có trên 500 pháo đài. Song sự hình thành cấp hành chính trung
  10. gian này lại là cơ sở hình thành lên một cấp chính quyền không đầy đủ có tính chất trung gian. Nói đó là cấp chính quyền không đầy đủ vì có lúc nó bao gồm HĐND và UBHC, có lúc chỉ có UBHC. Đồng thời chính sự hình thành cấp chính quyền trung gian này dẫn đến việc tổ chức bộ máy hành chính cấp huyện là cấp trung gian để quản lý các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn huyện, quận, phải có đội ngũ cán bộ chính quyền, đảng, đoàn thể làm việc trong các cơ quan, tổ chức của bộ máy cấp huyện và do đó, phải bố trí tài chính, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, duy trì tổ chức và hoạt động của bộ máy cấp huyện. Với quy mô tổ chức bộ máy của 696 huyện, quận hiện nay chi phí cho đội ngũ cán bộ, công chức, cho hoạt động của bộ máy cấp huyện là đáng kể. Song, chi phí cho bộ máy cấp huyện không phải là lý do chính để tinh giản cấp hành chính trung gian này. Lý do chủ yếu là, nếu để tồn tại HĐND cấp huyện và bộ máy hành chính cấp huyện, tức là để tồn tại một tầng nấc trung gian trong bộ máy chính quyền địa phương, rộng hơn trong bộ máy hành chính nhà nước, làm cho bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, hiệu lực, hiệu quả thấp, gây khó khăn, ách tắc cho quản lý điều hành công việc của các cơ quan nhà nước, tạo ra một rào cản hữu hình gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế. Trong quá trình xây dựng và vận hành nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, chính quyền địa phương và bộ máy hành chính địa phương phải đối mặt với những cơ hội và thách thức phức tạp diễn ra nhanh chóng, cần có sự tập trung thống nhất, đủ sức mạnh và sáng suốt của chính quyền địa phương để có những quyết sách nhanh nhạy, chính xác mới chớp được thời cơ, tạo điều kiện cho nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Để tồn tại một cấp chính quyền hoạt động có tính chất hình thức, một bộ máy hành chính địa phương trung gian hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả với những thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp sẽ trở thành rào cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, gây khó khăn và ảnh hưởng đến đời sống của người dân. HĐND là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân, chịu trách nhiệm trước người dân mà hoạt động hình thức, kém hiệu lực, hiệu quả, gây khó khăn cho người dân thì không cần thiết để tồn tại. 3. Lý do chỉ bỏ HĐND ở phường, không bỏ HĐND ở xã Về cấp hành chính, phường và xã tương đương nhau, nhưng thực ra hai đơn vị hành chính này khác ở nhiều mặt. Phường ở địa bàn đô thị, xã trên địa bàn nông thôn. Hai địa bàn đô thị và nông thôn khác nhau ở đặc điểm địa lý và dân cư, ở nếp sống văn hoá và thuần phong mỹ tục. Đời sống kinh tế và các hoạt động có tính chất cộng đồng dân cư ở xã khác ở phường. Xét về đặc điểm hình thành tự nhiên, xã mới là
  11. cấp cơ sở, ở xã quan hệ cộng đồng dân cư rất rõ nét. Còn ở đô thị, phường là cánh tay nối dài của chính quyền thành phố, là cơ quan hành chính trong một chính quyền đô thị chứ không phải là chính quyền cơ sở của cộng đồng dân cư cố kết chặt chẽ với nhau như ở làng xã. Đứng về góc độ quản lý, xã là cơ quan quản lý toàn diện hơn. Cụ thể, tư liệu sản xuất quan trọng nhất ở nông thôn là đất đai do xã đứng ra quản lý, ở đô thị chức năng này thuộc cấp quận và thành phố, chức năng của phường chủ yếu là quản lý đô thị. Chính quyền ở xã liên quan toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Còn chính quyền ở phường không liên quan nhiều đến đời sống kinh tế xã hội của phường, chính quyền phường không có chức năng quản lý nhà nước về kinh tế. HĐND phường, như trên đã phân tích, hoạt động rất hình thức, không có thực quyền vì chỉ có thể quyết định lại các vấn đề HĐND quận và thành phố đã quyết định. Do vậy, việc không tổ chức HĐND phường là hợp lý và cần thiết và theo xu hướng phát triển, trong các đô thị lớn hiện nay có thể chỉ còn hai cấp hành chính: một cấp thành phố và cấp dưới thành phố, trong đó cấp dưới thành phố là cấp giúp việc cho chính quyền thành phố. Còn xã là tổ chức cơ sở, tiến tới tổ chức hoạt động theo nguyên tắc chính quyền tự quản, việc duy trì HĐND với tư cách là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của người dân ở cơ sở xã là cần thiết. 4. Lý do không bỏ HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và HĐND xã Không nên bỏ HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và HĐND xã do vị trí tất yếu của nó trong hệ thống chính quyền ở nước ta: Như trên đã phân tích, HĐND và UBND (chính quyền địa phương) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được hình thành trên các đơn vị hành chính lãnh thổ cấp tỉnh. Xét ở góc độ phân loại đơn vị hành chính lãnh thổ thì tỉnh là đơn vị hành chính lãnh thổ đầu tiên, đơn vị hành chính lãnh thổ lớn nhất; xã là đơn vị hành chính lãnh thổ cuối cùng, là đơn vị hành chính lãnh thổ nhỏ nhất. Trong mối quan hệ giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương, giữa cơ quan hành chính trung ương và cơ quan hành chính địa phương thì chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bộ máy hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có mối quan hệ trực tiếp với chính quyền trung ương và bộ máy hành chính trung ương. Ranh giới giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương được xác định từ cấp tỉnh. Mọi sự chỉ đạo và điều hành của trung ương đến chính quyền cấp huyện và cấp xã đều phải thông qua cấp tỉnh. Trung ương không thể bỏ qua cấp tỉnh để chỉ đạo hay triển khai trực tiếp đến cấp huyện và cấp xã. Chính quyền trung ương không thể tổ chức và điều hành công việc của nhà nước đến cấp cơ sở mà phải thông qua cấp hành chính dưới mình là chính quyền hay cấp
  12. hành chính tỉnh. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là nơi bắt đầu của chế độ tự chủ địa phương. Việc phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trước tiên và trực tiếp cho chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Những vấn đề tự chủ chung cho một tỉnh được xác định và giải quyết ở HĐND cấp tỉnh. Do đó sự tồn tại đơn vị hành chính lãnh thổ cấp tỉnh - chính quyền cấp tỉnh là cần thiết. Hiện nay HĐND tỉnh, chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn những hạn chế, bất cập thì phải kiện toàn, hoàn thiện, không tinh giảm hay cắt bỏ. Còn đối với HĐND xã được hình thành trên cơ sở tên đơn vị hành chính lãnh thổ xã - là đơn vị hành chính cuối cùng, nhỏ nhất trong các đơn vị hành chính lãnh thổ ở nước ta hiện nay. Đó là các đơn vị hành chính lãnh thổ tự nhiên, gắn kết chặt chẽ với dân cư ở cơ sở, là cầu nối giữa nhà nước với nhân dân, là nơi nhân dân trực tiếp thực hiện quyền tự quản của mình. HĐND xã là cơ quan đại diện trực tiếp cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của người dân trong xã, chịu trách nhiệm trực tiếp với người dân trong xã. HĐND xã là cấp chính quyền xã, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều do HĐND xã tổ chức triển khai thực hiện đến từng người dân. Vị trí, vai trò của cấp chính quyền cơ sở là rất quan trọng. Tổ chức và hoạt động của HĐND xã hiện nay còn nhiều yếu kém, bất cập, hạn chế cần thiết được kiện toàn để HĐND xã thực sự là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Thí điểm mô hình tổ chức hợp lý chính quyền địa phương (không tổ chức HĐND huyện, quận, phường) là để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương nhằm phục vụ tốt hơn, có trách nhiệm hơn với người dân địa phương. Đây là chủ trương đúng và sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta trong tiến trình cải cách, kiện toàn bộ máy nhà nước, kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương, chính quyền của nhân dân. Trên cơ sở đó xem xét cơ quan, tổ chức hay bộ phận cấu thành nào của bộ máy cần tinh giản hay cần phải hoàn thiện. Tinh giản hay hoàn thiện đều là các giải pháp cần thiết trong kiện toàn tổ chức bộ máy, lựa chọn giải pháp nào đều phải tính toán, cân nhắc cẩn trọng và phải dựa trên những nguyên tắc, cơ sở khoa học. Cơ quan, tổ chức hay bộ phận nào của bộ máy cần thiết và sự tồn tại của chúng là tất yếu khách quan, thiếu chúng bộ máy sẽ không hoạt động được thì tuyệt nhiên không được tinh giản hay cắt bỏ. Nếu chúng yếu và còn hạn chế, bất cập thì phải hoàn thiện. Ngược lại, cơ quan, tổ chức hay bộ phận nào của bộ máy nếu thấy không cần thiết, tinh giản hay cắt bỏ mà không ảnh hưởng gì đến hoạt động và chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy thì mạnh dạn tinh giản hay cắt bỏ; nếu không sẽ trở thành vật cản gây ách tắc cho hoạt động của bộ máy và gây tốn kém, lãng phí không cần thiết. Từ quan điểm nhận thức như vậy, trong kiện toàn tổ
  13. chức hợp lý chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay, việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là cần thiết và việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh và xã là bắt buộc, là sự tính toán cân nhắc có cơ sở khoa học của Trung ương Đảng và sự tính toán cân nhắc cẩn trọng đó không ngoài mục đích đảm bảo cho chính quyền của địa phương ở nước ta thực sự là chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. 5. Tổ chức hợp lý chính quyền địa phương (không tổ chức HĐND huyện, quận, phường) không làm mất quyền đại diện, quyền dân chủ của nhân dân HĐND ở nước ta được hình thành trên cơ sở các đơn vị hành chính, các cấp hành chính lãnh thổ, dẫn đến có nhiều cơ quan và nhiều đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Thế nhưng vẫn còn nhiều vấn đề nhân dân bức xúc, nhân dân đòi hỏi, nhiều đơn thư, kiến nghị của nhân dân chưa được giải quyết kịp thời. Do có nhiều đại biểu nên nhiều khi nhân dân không rõ từng đại biểu đại diện cho mình đến đâu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chịu trách nhiệm trước mình như thế nào?. Do có nhiều cơ quan, đại biểu đại diện cho nhân dân, nhiệm vụ, quyền hạn chồng chéo, không rõ ràng nên dẫn đến tình trạng cùng một việc có nhiều cơ quan giám sát, nhiều đại biểu giám sát, cùng một việc nhiều người nói mà hiệu quả giải quyết lại thấp. Chúng ta cần một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Nhưng chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt không phải ở chỗ có bộ máy đồ sộ, có nhiều người đại diện cho dân, mà ở chỗ có bộ máy tổ chức có thực quyền, tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả và phục vụ đắc lực nhân dân. Không tổ chức HĐND huyện, quận, phường cũng không sợ người dân mất quyền dân chủ, mất người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình, bởi vì người dân vẫn có ít nhất hai người đại biểu là: đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đại biểu HĐND thành phố, thị xã thuộc tỉnh, đại biểu HĐND xã và thị trấn đại diện cho mình, giám sát và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là tinh giản một bộ phận, tổ chức trong bộ máy chính quyền địa phương, tuyệt nhiên không làm mất đi quyền dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, không làm yếu đi chính quyền của nhân dân, mà ngược lại sẽ làm cho chính quyền mạnh hơn, bộ máy chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn. 6. Xây dựng nền kinh tế thị trường yêu cầu giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước và của chính quyền địa phương vào thị trường Trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước tôn trọng các qui luật khách quan của thị trường, nhà nước không làm thay thị trường, nhà nước không can thiệp thô bạo vào các hoạt động của thị trường. Nhà
  14. nước xây dựng thể chế, các chính sách, công cụ quản lý vĩ mô, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho thị trường phát triển, đồng thời kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các thể chế, chính sách của nhà nước để kinh tế thị trường XHCN phát triển theo định hướng của nhà nước. Trong điều kiện thực hiện chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của HĐND các cấp cũng phải thay đổi, đổi mới cho phù hợp. Nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế thuộc chính quyền trung ương là chủ yếu, các cấp chính quyền địa phương làm nhiệm vụ chỉ đạo, thực hiện; chức năng hoạch định chính sách có mức độ và chủ yếu tập trung ở HĐND cấp tỉnh, cấp huyện vai trò rất mờ nhạt, cũng chỉ là cấp trung gian. Nếu vẫn để tồn tại HĐND cấp huyện, quận chỉ thêm một tầng nấc trung gian, cản trở sự phát triển của kinh tế thị trường. 7. Xây dựng nhà nước pháp quyền và phát triển của khoa học công nghệ tạo điều kiện để không tổ chức HĐND huyện, quận, phường Trong nhà nước pháp quyền mọi người dân và tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước quản lý bằng pháp luật tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; tất cả cán bộ, công chức làm việc trong bộ máy nhà nước và tất cả người dân đều sống và làm việc theo pháp luật, tôn trọng pháp luật thì cũng không cần nhiều tổ chức bộ máy để giám sát, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, bộ máy quản lý của nhà nước sẽ gọn nhẹ đi, chức năng giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước sẽ giảm và chuyển giao cho các tổ chức xã hội dân sự. Đồng thời, nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc chuyển từ hình thức dân chủ gián tiếp, dân chủ đại diện sang dân chủ trực tiếp. Người dân trực tiếp lựa chọn và bầu ra những người và các cơ quan nhà nước đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình. Vai trò của các cơ quan dân cử như HĐND các cấp cũng đã có sự thay đổi để đáp ứng với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền. Hơn thế nữa, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển nhanh như vũ bão, nhất là công nghệ thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng phát triển theo hướng hiện đại, người dân có thể đối thoại trực tiếp với chính phủ, với chính quyền địa phương các cấp, có thể phản ánh mọi tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị, đề xuất của mình qua các phương tiện thông tin đại chúng như: báo, đài truyền hình, đài phát thanh, báo điện tử, mạng internet; trao đổi, đối thoại, giao lưu trực tuyến giữa các cấp chính quyền với người dân được thực hiện nhanh chóng nhờ các công cụ và phương tiện thông tin hiện đại. Trong những điều kiện như vậy không nhất thiết phải có nhiều cấp HĐND như hiện nay. Việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với tình hình và thời đại.
  15. 8. Tổ chức hợp lý chính quyền địa phương (không tổ chức HĐND huyện, quận, phường) sẽ tinh giản bộ máy, biên chế và giảm chi phí cho hoạt động của chính quyền địa phương Cả nước ta cho đến nay (tính đến 31/12/2008) có 11.804 đơn vị hành chính lãnh thổ, nghĩa là có tổng số 11.804 HĐND các cấp, với tổng số 306.262 đại biểu HĐND các cấp (trong đó cấp tỉnh 3.852 đại biểu; cấp huyện 23.450 đại biểu; cấp xã 278.960 đại biểu). Nếu thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường thành công và triển khai thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường thì giảm được 553 HĐND huyện, 46 HĐND quận và 1.326 HĐND phường; tổng số giảm được 1.925 HĐND. Tính trung bình mỗi HĐND quận có 38 đại biểu, mỗi HĐND huyện 35 đại biểu, mỗi HĐND phường 28 đại biểu, nếu không tổ chức HĐND huyện, quận, phường sẽ giảm được tổng số là (46 x 38) + (553 x 35) + (1.326 x 28) = 58.231 đại biểu; đồng thời giảm được đáng kể bộ máy và cán bộ, công chức của chính quyền huyện, quận, phường. Về kinh phí cho hoạt động của HĐND, hàng năm nhà nước cấp bình quân cho mỗi HĐND huyện khoảng 350 triệu đồng, HĐND quận khoảng 300 triệu đồng và HĐND phường khoảng 50 triệu đồng. Nếu không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, hàng năm nhà nước sẽ tiết kiệm khoảng 553 x 350 = 193.550 triệu đồng chi cho hoạt động của 553 HĐND huyện, 46 x 300 = 13.800 triệu đồng chi cho hoạt động của 46 HĐND quận và 1.326 x 50 = 66.300 triệu đồng chi cho hoạt động của 1.326 HĐND phường. Tổng kinh phí tiết kiệm cho ngân sách nhà nước gần 273.650 triệu đồng, một khoản kinh phí khá lớn, chưa kể kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở, xăng xe phục vụ cho các hoạt động của HĐND huyện, quận, phường. Ngoài ra còn phải kể đến việc tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế và kinh phí chi cho đầu tư trang thiết bị và các hoạt động của UBND huyện, quận, phường khi không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Như vậy, nếu không tổ chức HĐND huyện, quận, phường rõ ràng sẽ tinh giảm được biên chế và tiết kiệm được một nguồn đáng kể kinh phí, ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta không đặt mục tiêu tinh giản bộ máy, biên chế và tiết kiệm chi tiêu từ ngân sách nhà nước lên hàng đầu, mà mục tiêu lớn hơn cả là đổi mới, tổ chức hợp lý bộ máy của chính quyền địa phương để đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả các hoạt động của bộ máy, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp./. Ghi chú:
  16. Tham khảo thêm các bài viết: -Văn Tất Thu, “Chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về tổ chức hợp lý chính quyền địa phương ở nước ta”, Tạp chí Tổ chức nhà nước số 12/2008, trang 9. - Văn Tất Thu, ”Đổi mới mô hình tổ chức chính quyền ở đô thị đáp ứng yêu cầu cải cách nền hành chính”, Tạp chí Tổ chức nhà nước số 1/2009, trang 13. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHĂM LO, BỒI DƯỠNG THẾ HỆ THANH NIÊN CHO CÁCH MẠNG VÕ VĂN HẢI Học viện Chính trị Quân sự S inh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt việc bồi dưỡng, giáo dục thế hệ thanh niên cho cách mạng. Theo Người, thanh niên không chỉ là lực lượng trực tiếp gánh vác và giải quyết những nhiệm vụ hiện tại, mà còn là đội ngũ kế cận, nguồn bổ sung để tiếp tục phát triển sự nghiệp cách mạng của các thế hệ đi trước. Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta: “Đoàn viên, thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ
  17. nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”(1). Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhìn nhận, đánh giá đúng vị trí, vai trò của thanh niên trong tiến trình lịch sử và trong từng thời kỳ cách mạng. Đánh giá rất cao vai trò của thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”(2). Người coi vận mệnh của nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên. Người chỉ rõ: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(3). Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành công sức và trí tuệ đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ cho cách mạng. Từ khi còn là thầy giáo dạy học ở Trường Dục Thanh, Người đã chú trọng truyền thụ tinh thần yêu nước, kiến thức lịch sử, văn hoá dân tộc, rèn luyện thể chất cho học sinh. Năm 1925, trong Thư gửi thanh niên An Nam, Người viết: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất nếu đám thanh niên già cỗi của người không sớm hồi sinh”(4). Sau khi tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc, việc đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện trong chiến lược cách mạng Việt Nam là vận động, tổ chức và huấn luyện Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Đó là cái nôi đào luyện những thanh niên ưu tú của nước ta lúc đó trở thành những lãnh tụ cách mạng kiệt xuất sau này. Với kinh nghiệm thực tiễn phong phú kết hợp với lý luận cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rõ: một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu mới thành lập chính quyền cách mạng, Người coi việc xoá mù chữ, tiêu diệt giặc dốt, nâng cao dân trí là nhiệm vụ thứ hai sau nhiệm vụ cấp bách của đất nước lúc bấy giờ. Người chỉ rõ: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí”(5); “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”(6). Người đã đưa ra quan điểm chỉ đạo mang tính chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”(7). Tư tưởng “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta thấy rõ sự quan tâm đặc biệt của Người đối với việc đào tạo thế hệ trẻ cho cách mạng. Đó là kế sách lâu bền để xây dựng và bảo vệ đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của thanh niên không phải vì họ là lực lượng đông nhất, mà chủ yếu là vì bản chất nhân lực con người theo lứa tuổi. Người nhìn nhận rõ sức mạnh cả về thể chất, tâm hồn và trí tuệ của lứa tuổi thanh niên. Người coi thanh niên là lực lượng xung kích đi đầu trên các mặt trận: đánh giặc, giữ nước, xây dựng kinh tế, văn hoá, khoa học, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội… Người nói: “Thanh niên ta ngày nay đã trở thành một đội quân to lớn, hăng
  18. hái tiến lên, quyết tâm phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc thân yêu, vì tiến bộ xã hội”(8). Trong tư tưởng và tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên là cánh tay đắc lực và đội hậu bị tin cậy của Đảng; là những người giữ vai trò quyết định trong việc kế thừa, bảo vệ và phát triển truyền thống yêu nước vẻ vang, bản sắc văn hoá dân tộc mà các thế hệ cha anh đi trước để lại. Trong thư gửi các chiến sỹ cảm tử quân, Người viết: “Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại”(9). Với tầm nhìn xa, trông rộng về lực lượng kế cận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian giáo dục, đào tạo, vận động, tập hợp, quan tâm theo dõi, chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ để thanh niên từng bước tiến bộ, trưởng thành. Người thường nhắc nhở nhiệm vụ của các thế hệ đi trước là phải thường xuyên chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ đi sau, làm sao để họ tiến bộ hơn mình, có tiến bộ hơn thì xã hội mới phát triển. Chính vì vậy, Người đã căn dặn: phải đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Có như vậy họ mới hội tụ đủ các phẩm chất, năng lực cần thiết cả về nhân lực, trí tuệ lẫn bản lĩnh chính trị, cả về nhân cách, đạo đức lẫn sức khoẻ để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc bồi dưỡng thế hệ trẻ cần phải: “Chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, khoa học kỹ thuật, lao động và sản xuất”(10). Trong đó, Người coi việc giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thanh niên là nội dung quan trọng hàng đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở thanh niên: “Chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta”(11). Theo Người: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là lý tưởng cao đẹp mà mỗi người thanh niên Việt Nam phải luôn thấm nhuần và phấn đấu vươn tới. Đối với việc bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thanh niên ta cần phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức của người cách mạng”(12). Đạo đức cách mạng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là đạo đức mới, là phẩm chất không thể thiếu và là cái gốc của con người xã hội chủ nghĩa. Nội dung cốt lõi nhất của đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính. Người khuyên nhủ thanh niên: “Phải giữ vững đạo đức cách mạng. Phải khiêm tốn, cần cù, hăng hái, dũng cảm. Phải tránh tư tưởng kiêu ngạo, công thần, tự tư tự lợi. Phải xung phong trong mọi công tác”(13). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chú trọng bồi dưỡng tri thức lý luận, văn hoá, khoa học kỹ thuật cho thanh niên. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên phải vừa có đức, vừa có tài. Người coi đây là điều kiện cần và đủ để thanh niên cống hiến ngày càng nhiều cho đất nước. Người chỉ rõ: “Ngày nay Đảng yêu cầu cán bộ chẳng những thạo về chính trị mà còn
  19. phải giỏi về chuyên môn”(14). Vì vậy, để có trình độ trí tuệ cao, có tri thức về mọi mặt, bên cạnh việc trau dồi đạo đức cách mạng, thanh niên cần phải hăng hái học tập, trong đó học tập lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự… sử dụng các tri thức đó để xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Người viết: “Phải cố gắng học tập chính trị, văn hoá, nghề nghiệp để tiến bộ mãi để sẵn sàng trở thành cán bộ tốt, đảng viên tốt”(15). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn coi trọng việc bồi dưỡng thể chất cho thế hệ trẻ thanh niên. Theo Người, việc xây dựng nước nhà, thực hiện đời sống mới… tất thảy đều phải có sức khoẻ thì mới thành công. Người dạy: “Phải rèn luyện thân thể cho khoẻ mạnh. Khoẻ mạnh thì mới có sức để tham gia một cách dẻo dai bền bỉ những công việc ích nước, lợi dân”(16). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra phương châm, phương pháp bồi dưỡng, giáo dục thanh niên, đó là học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội. Giáo dục thanh niên phải liên hệ với những cuộc đấu tranh xã hội, nhằm giúp họ tránh những cái độc hại, tiêu cực và tiếp thu, học hỏi những cái hay, tiến bộ trong cuộc sống. Chú trọng giúp thanh niên tự giáo dục, lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau. Để xứng đáng là thế hệ cách mạng cho đời sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi thanh niên phải ra sức học tập, học tập trong nhà trường, trong gia đình và ngoài xã hội; học tập qua sách vở và từ chính thực tiễn cuộc sống. Người còn yêu cầu thế hệ trẻ phải luôn tự rèn luyện, tu dưỡng trong thực tiễn nhằm xây dựng, phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết để sau này có thể cống hiến được nhiều nhất cho quê hương, cộng đồng và xã hội. Học không phải để làm quan như trong xã hội cũ, mà là “để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ nước nhà”(17). Người nói với thanh niên: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà?”. Người yêu cầu thanh niên phải có tinh thần sẵn sàng: “đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, phải đoàn kết chặt chẽ, kiên trì phấn đấu, vượt mọi khó khăn, thi đua học tập và lao động sản xuất, góp sức vào xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Thấm nhuần và thực hiện những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ cho cách mạng, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã nhanh chóng trưởng thành, đóng góp công sức vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Thanh niên chính là lực lượng nòng cốt đi đầu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đưa
  20. đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội; đã và đang tích cực xây dựng lại đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như mong ước cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay, sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra yêu cầu rất cao đối với thế hệ thanh niên. Tiếp nối truyền thống cách mạng, trong những năm qua, thế hệ trẻ thanh niên Việt Nam đã chứng tỏ được bản lĩnh cách mạng, sức trẻ và sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Nhiều phong trào thi đua do Trung ương Đoàn phát động như: Thanh niên tình nguyện, Tuổi trẻ rèn đức - luyện tài, Thanh niên lập nghiệp… đã mang lại hiệu quả xã hội to lớn, chứng minh rõ tính xung kích, đi đầu của thế hệ trẻ thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đóng góp công sức xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Mặc dù vậy, tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường đã làm cho một bộ phận thanh niên phai nhạt mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, sống buông thả, lười học tập và tu dưỡng đạo đức, thích hưởng thụ, ngại lao động, chạy theo lối “sống gấp”; tư tưởng ích kỷ, tính toán thiệt hơn, chạy theo lợi ích vật chất tầm thường đã xuất hiện trong một bộ phận không nhỏ thanh niên hiện nay. Hơn nữa, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá sự nghiệp đổi mới và phát triển của nước ta. Chúng tập trung tuyên truyền các giá trị tư sản, xuyên tạc, bác bỏ các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đề cao chủ nghĩa tư bản, lối sống tự do, thực dụng… nhằm gây rối loạn, hoang mang, dao động, mơ hồ, mất niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, việc quán triệt và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ thanh hiên hiện nay càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hơn bao giờ hết, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải quan tâm chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng, bồi dưỡng thế hệ trẻ thanh niên có đủ đức và tài, “hồng” và “chuyên” để thực sự là người chủ tương lai của nước nhà. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy (khoá X) ra Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. Điều đó thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với vai trò thanh niên trong thời kỳ mới và việc thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ thanh niên cho cách mạng./. Ghi chú: (1) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, Tr.510. (2), (5), (6) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 4, tr.167, 36, 451.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2