THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC DOANH NGHIỆP<br />
KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO Ở VIỆT NAM HIỆN NAY<br />
<br />
TS. Bùi Thanh Tuấn<br />
Bộ Công an<br />
ThS. Nguyễn Cảnh Dương<br />
Bộ Công an<br />
<br />
<br />
Tóm tắt<br />
Thời gian qua, Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA)<br />
thế hệ mới, đã đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức<br />
cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Vì<br />
vậy, việc nghiên cứu, đánh giá về thực trạng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp<br />
sáng tạo là cần thiết, từ đó, bài viết bước đầu đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy<br />
sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, góp phần tạo ra động lực<br />
phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế Việt Nam thời gian tới.<br />
Từ khóa: Doanh nghiệp; khởi nghiệp; sáng tạo.<br />
<br />
1. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và sự hỗ trợ của nhà nước<br />
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up) là khởi nghiệp để thực hiện ý<br />
tưởng mới, thực hiện kết quả nghiên cứu; có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên<br />
việc triệt để sử dụng, khai thác kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý mới hay mô<br />
hình kinh doanh mới để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm hay tạo sản phẩm mới.<br />
Doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là<br />
cơ sở tạo nên lực lượng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, góp phần tạo công ăn việc<br />
làm, làm năng động nền kinh tế trong cơ chế thị trường hay thúc đẩy nhanh quá trình<br />
chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sau khi thành công<br />
sẽ phát triển nhanh chóng trở thành các doanh nghiệp lớn đem lại những nguồn lợi<br />
nhuận khổng lồ. Các start-up thường hoạt động dựa trên mô hình kinh doanh có thể<br />
“lặp lại hoặc mở rộng nhanh chóng”, hoặc còn gọi là “có tiềm năng tăng trưởng<br />
nhanh” về quy mô người dùng, khách hàng hoặc doanh thu, lợi nhuận. Với những<br />
doanh nghiệp thành công, quy mô của doanh nghiệp sẽ được mở rộng, dần trở thành<br />
các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn xuyên quốc gia, đóng góp vào tăng trưởng nhanh<br />
và bền vững của bất cứ nền kinh tế nào. Do đó, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát<br />
triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là con đường để<br />
một quốc gia phát triển kinh tế nhanh và bền vững.<br />
<br />
<br />
374<br />
Với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường cạnh tranh, khuyến<br />
khích sáng tạo và phát triển khoa học - công nghệ, tạo thêm công ăn việc làm và tăng<br />
nguồn thu cho ngân sách, từ nhiều thập kỷ trước, chính phủ nhiều nước trên thế giới<br />
đã đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo,<br />
tập trung ưu tiên cho các hoạt động đầu tư - kinh doanh có yếu tố sáng tạo, sử dụng<br />
công nghệ, có hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc<br />
cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự định hướng tương lai kinh tế số và nhu cầu đổi<br />
mới, tái cơ cấu nền kinh tế…; đồng thời yêu cầu cải thiện năng lực cạnh tranh trong<br />
bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chính phủ các nước trên thế giới đưa<br />
ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp<br />
sáng tạo nhằm tạo ra làn sóng khởi nghiệp, xây dựng quốc gia khởi nghiệp.<br />
Cùng với xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, hoạt<br />
động khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã bắt đầu từ hơn 10 năm nay, với việc hình<br />
thành một số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử,<br />
dạy học trực tuyến… Theo đó, cùng với quá trình hình thành và phát triển của cộng<br />
đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp và mạng lưới<br />
nhà đầu tư cho công ty khởi nghiệp (bao gồm không chỉ các nhà đầu tư trong nước<br />
mà còn các nhà đầu tư nước ngoài) cũng hình thành và phát triển, hoạt động ngày<br />
càng hiệu quả, trong đó, nổi bật là vai trò của các cố vấn khởi nghiệp (vốn có từ lâu<br />
ở nước ngoài), hoạt động ngày càng chuyên nghiệp ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam<br />
xác định, doanh nghiệp trong đó gồm cả doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là đối<br />
tượng quan trọng của nền kinh tế, là động lực cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền<br />
vững. Việt Nam đang lỗ lực phấn đấu đạt mốc 1 triệu doanh nghiệp khởi nghiệp sáng<br />
tạo vào năm 2020 - điều không hề dễ dàng đòi hỏi sự quyết tâm mạnh mẽ từ phía Nhà<br />
nước, doanh nghiệp và người dân. Thời gian qua, Chính phủ đã dành ngày càng nhiều<br />
sự quan tâm hơn đến phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Năm 2016 được xem là năm<br />
Khởi nghiệp Quốc gia, mang tính bản lề cho các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp lớn<br />
hơn trong tương lai. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển,<br />
thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, điển hình như:<br />
(i) Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh<br />
thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) nhằm tạo lập<br />
môi trường thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, bao<br />
gồm các giải pháp, hoạt động nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc<br />
gia. Đề án được xem như dấu ấn quan trọng trong chủ trương tạo lập môi trường kinh<br />
doanh thuận lợi để thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi<br />
nghiệp sáng tạo ở Việt Nam.<br />
(ii) Để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư<br />
khởi nghiệp sáng tạo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã được ban<br />
<br />
375<br />
hành. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018<br />
đã quy định các nội dung chính về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo bao gồm miễn,<br />
giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và có cơ<br />
chế cho phép địa phương đối ứng đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp<br />
sáng tạo với các quỹ đầu tư tư nhân. Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi năm 2017<br />
cũng đã quy định nội dung cho phép sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ<br />
tại doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho khởi nghiệp<br />
sáng tạo và các văn bản hướng dẫn liên quan về việc đăng ký, thành lập, hoạt động,<br />
ưu đãi thuế của quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, quy định về các hoạt động hỗ<br />
trợ từ phía Nhà nước cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…<br />
(iii) Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định như: Nghị định số 34/2018/NĐ-<br />
CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh<br />
nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho<br />
doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định số 39/2018/NĐ-CP hướng<br />
dẫn quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…<br />
Ngoài ra, Chính phủ còn đưa ra các chính sách, thực hiện nhiều chương trình<br />
và giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như: Chương trình<br />
đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan; Dự án đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo<br />
thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ; Dự án xây dựng chính sách đổi mới<br />
và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…; tổ chức thường<br />
xuyên các sự kiện cho khởi nghiệp Techfest, Demoday, HatchFair.<br />
2. Một số nét cơ bản về thực trạng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp<br />
sáng tạo ở Việt Nam hiện nay<br />
Thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia ở Việt Nam đã có sự gia tăng<br />
cả về chất và lượng; trong đó số lượng vốn đầu tư cho các start-up đã có sự phát triển<br />
liên tục, năm 2016 là 205 triệu USD, tăng 46% so với năm 2015 (137 triệu USD) [3];<br />
năm 2018 đạt 890 triệu USD (gấp 3 lần so với năm 2017). Sự phát triển này cho thấy,<br />
hệ sinh thái, môi trường khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam có sức hút mạnh mẽ với<br />
các nhà đầu tư trong nước, khu vực và trên thế giới, hiện có khoảng hơn 40 quỹ đầu<br />
tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam. Các “gã khổng lồ” khởi nghiệp sáng tạo<br />
thế giới đều lần lượt tham gia hoặc đang nghiên cứu để tham gia vào thị trường Việt<br />
Nam. Điều này đã tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của các sản phẩm, dịch vụ mới,<br />
kéo theo sự đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp trong nước như: đổi mới về dịch<br />
vụ của các doanh nghiệp taxi truyền thống, sự ra đời của các sản phẩm nội địa cạnh<br />
tranh: GoViet, FastGo… Số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng<br />
tạo ngày càng tăng, cả nước; theo thống kê của tạp chí Echelon (Singapore) Việt Nam<br />
hiện có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (phần đông doanh<br />
<br />
376<br />
nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và có<br />
công nghệ mới); gần 70 khu không gian làm việc chung; khoảng 50 cơ sở ươm tạo<br />
và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, đã hình thành thêm một số quỹ đầu tư mạo hiểm<br />
như Quỹ đầu tư mạo hiểm của Tập đoàn Vingroup, Startup Viet Partner… Nhiều<br />
vườn ươm tiêu biểu đã được hình thành như Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ<br />
cao Hòa Lạc, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh,<br />
Vườn ươm Đà Nẵng (DNES), Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC),<br />
Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội… Theo đó,<br />
trong số các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã có nhiều<br />
doanh nghiệp có những thành công ban đầu, dần có kinh nghiệm trong các dự án<br />
lớn, phát triển cả trong và ngoài nước. Một số doanh nhân từng làm việc tại các<br />
hãng như: FPT, CMC, VSW, Microsoft Vietnam… sau khi tích lũy được kinh<br />
nghiệm, có nguồn lực đã tách ra, mở công ty, hoạt động có kết quả. Ở nhiều đại<br />
học đã hình thành việc hợp tác với doanh nghiệp để phát triển hoạt động khởi<br />
nghiệp, như BKHoldings - một công ty thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội hợp tác<br />
với UP - Coworking Space để phát triển không gian làm việc chung… Về lý thuyết,<br />
tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thành công tăng<br />
trưởng nhanh gấp nhiều lần so với doanh nghiệp truyền thống khác. Theo đó, đây<br />
sẽ là lực lượng doanh nghiệp tiên phong, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh<br />
tế - xã hội của đất nước.<br />
Tuy nhiên, sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt<br />
Nam còn gặp nhiều khó khăn do một số yếu tố:<br />
- Nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam vẫn<br />
tương đối khiêm tốn so với khu vực và trên thế giới. Theo Tech in Asia3, năm 2017,<br />
khu vực Đông Nam Á đã thu hút 7,86 tỷ USD đầu tư vào khởi nghiệp, như vậy số<br />
vốn đầu tư Việt Nam thu hút được chiếm tỷ phần rất nhỏ, chưa đến 5%. Tỷ lệ doanh<br />
nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thấp, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho<br />
doanh nghiệp nhỏ và vừa kém hiệu quả. Theo thống kê, có khoảng 90% dự án khởi<br />
nghiệp thất bại trong những giai đoạn đầu tiên, sau khi hoàn thành nghiên cứu về<br />
công nghệ và có những sản phẩm demo (thử nghiệm), do không đủ vốn để tiếp tục<br />
phát triển sản phẩm hoàn chỉnh đưa ra thị trường. Các start-up rất khó gọi vốn vì<br />
không có tài sản đảm bảo, chưa có sản phẩm…<br />
- Đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam trong những năm qua không ổn định, thiếu bền<br />
vững và phụ thuộc vào nguồn tài trợ nước ngoài; khung pháp lý và chính sách cho<br />
việc thành lập cũng như cơ chế vận hành của các vườm ươm vẫn còn những bất cập<br />
về nguồn tài chính, phương thức quản lý, các dịch vụ tư vấn hay khó khăn trong tiếp<br />
cận đất đai…<br />
<br />
377<br />
- Các start-up thường có rất ít các kinh nghiệm trong thực hiện các thủ tục<br />
hành chính liên quan tới gia nhập thị trường (đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép<br />
kinh doanh…), bảo hộ sở hữu trí tuệ, thương mại hóa sản phẩm (đăng ký tiêu chuẩn,<br />
đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật), tài chính (tiêu chuẩn kế toán, hóa đơn, kê khai thuế, ưu<br />
đãi thuế)… [3].<br />
- Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thiếu tính đồng<br />
bộ và hệ thống, đan xen trong các chính sách chung hoặc chính sách đối với doanh<br />
nghiệp nhỏ và vừa. Ngay cả với hoạt động hỗ trợ, triển khai Đề án 844 thì cũng chỉ<br />
đang vận dụng theo những quy định hỗ trợ với nội dung và định mức chi còn khoảng<br />
cách khá lớn so với thực tiễn triển khai. Nhiều chính sách mới hiện nay chỉ mang tính<br />
khuyến khích chung chung.<br />
3. Giải pháp góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khởi<br />
nghiệp sáng tạo ở Việt Nam thời gian tới<br />
Thời gian tới, để bắt nhịp với sự chuyển biến nhanh chóng của cuộc cách mạng<br />
Công nghiệp lần thứ tư, cũng như khắc phục những hạn chế, vượt qua những trở ngại<br />
nhằm tiếp tục tạo môi trường phát triển hơn nữa hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, nhất<br />
là xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời thực hiện đường lối<br />
công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo<br />
hướng hiện đại, Việt Nam cần phải có lực lượng doanh nghiệp đông và mạnh hơn<br />
nữa, phải thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, xây dựng quốc gia khởi nghiệp; tạo<br />
thêm nội dung và động lực mới cho công cuộc đổi mới đất nước. Trong đó, nhiệm vụ<br />
trọng tâm là tập trung thúc đẩy, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và tài chính cho<br />
các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, góp phần tạo ra động lực phát triển nhanh và<br />
bền vững nền kinh tế Việt Nam. Trước hết, cần tập trung vào một số giải pháp sau:<br />
Thứ nhất, triển khai có hiệu quả chiến lược khởi nghiệp doanh nghiệp ở cấp<br />
quốc gia, cấp ngành và từng địa phương. Đồng thời xây dựng khuôn khổ pháp lý hỗ<br />
trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tập trung về các thủ tục hành chính liên quan<br />
đến hoạt động kinh doanh; thông tin thị trường trong và ngoài nước; cập nhật chính<br />
sách pháp luật; đào tạo người quản trị, điều hành theo các chuẩn mực quốc tế; hỗ trợ<br />
về chính sách thuế, chính sách đất đai… Cụ thể hóa chính sách ưu đãi sản xuất đầu<br />
tư sản xuất kinh doanh theo ngành, địa phương phù hợp với chiến lược phát triển<br />
quốc gia. Các chính sách phải thể hiện rõ những ưu đãi cao với lĩnh vực sản xuất, với<br />
đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa công nghệ, với hình thành chuỗi giá trị sản xuất -<br />
chế biến - tiêu thụ các nông sản chủ lực, với hình thành các cụm liên kết công nghiệp<br />
và phát triển công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.<br />
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách tạo ra môi trường thuận lợi cho<br />
sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp<br />
<br />
<br />
378<br />
đổi mới sáng tạo. Trong đó, đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản bất cập,<br />
không còn phù hợp; xây dựng bộ máy quản lý nhà nước trong sạch, có trách nhiệm<br />
phục vụ, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển. Tạo môi<br />
trường để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo liên kết, xây dựng nền tảng cho việc<br />
tìm kiếm đối tác, nền tảng giao kết và các sự kiện, cổng thông tin ảo… Nhà nước tăng<br />
cường xúc tiến thương mại và quản lý thị trường; tiếp tục chú trọng hoàn thiện cơ chế<br />
đẩy mạnh việc xuất khẩu hàng hoá dịch vụ và đầu tư vào các nước đã ký các hiệp<br />
định thương mại. Từng bước hạn chế, loại bỏ những rào cản gây ảnh hưởng tiêu cực<br />
đến sự tham gia hiệu quả các chuỗi giá trị toàn cầu, kể cả việc xuất khẩu lao động của<br />
các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.<br />
Thứ ba, đảm bảo duy trì thường xuyên nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp<br />
khởi nghiệp sáng tạo. Xây dựng cơ chế kết hợp tài chính từ các ngân hàng với tài<br />
chính từ các quỹ đầu tư mạo hiểm có phần góp vốn từ ngân sách nhà nước; hay thành<br />
lập các quỹ hỗ trợ thuộc sở hữu của Nhà nước cho giai đoạn đầu khởi nghiệp, vì giai<br />
đoạn này mang tính rủi ro cao, các nhà đầu tư bên ngoài ít đầu tư. Phát triển thêm các<br />
kênh huy động vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, chú trọng huy động vốn thông qua<br />
thị trường chứng khoán.<br />
Xây dựng các biện pháp hỗ trợ mang tính miễn trừ, tài trợ bên cạnh biện<br />
pháp trợ cấp nhằm cân bằng tài chính, tạo ra nguồn lực dài hạn tiến đến hỗ trợ bền<br />
vững cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Miễn thuế thu nhập từ 3 - 5 năm<br />
đầu kể từ khi thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sau đó áp dụng mức<br />
thuế suất ưu đãi thấp hơn mức thuế suất phổ thông hiện hành đang áp dụng đối<br />
doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thúc đẩy vườn ươm doanh nghiệp hoạt động có hiệu<br />
quả, tăng tính độc lập và tự chủ tài chính cho các vườn ươm. Phát triển các cơ sở<br />
hỗ trợ bằng việc ưu đãi vốn, mặt bằng, cơ sở hạ tầng, thuế, công nghệ cho các<br />
vườn ươm, khu làm việc chung.<br />
Thứ tư, quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp<br />
sáng tạo. Những mô hình tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới hoặc phương thức mới không<br />
dựa trên giá rẻ mà dựa trên tính sáng tạo, tài sản trí tuệ, công nghệ mới. Do đó, cần<br />
quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo bảo<br />
đảm khả năng phát triển bền vững. Bài học từ Israel, Singapore và các nước khác<br />
cho thấy, chính phủ đều quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp<br />
khởi nghiệp sáng tạo với mức độ phạm vi bảo hộ mang tính toàn cầu.<br />
Thứ năm, chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo<br />
và khởi nghiệp. Với việc xây dựng, hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo,<br />
nhu cầu tuyển dụng lao động đối với các ngành thuộc nhóm công nghệ, kỹ thuật, cơ<br />
khí và các ngành liên quan đến toán học (STEM) ngày càng lớn. Theo đó, cần thực<br />
<br />
379<br />
hiện tổng thể các biện pháp để đổi mới căn bản hệ thống giáo dục và đào tạo, trong<br />
đó gắn giáo dục và đào tạo với hoạt động thực tiễn, đề cao tinh thần làm chủ, thúc<br />
đẩy văn hóa khởi nghiệp; có định hướng rõ rệt ưu tiên về chính sách và các nguồn<br />
lực cho các ngành thuộc nhóm công nghệ, kỹ thuật, cơ khí và STEM. Kinh nghiệm<br />
của các quốc gia, nhất là Israel, Singapore cho thấy, cần tạo dựng văn hóa sáng tạo<br />
và tinh thần khởi nghiệp cho giới trẻ ngày từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hình<br />
thành, hun đúc ý chí tự thân lập nghiệp, xây dựng tương lai cho chính mình và vì<br />
quốc gia hùng cường./.<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
1. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 (số 04/2017/QH14).<br />
2. Chính phủ (2016), Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về<br />
Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.<br />
3. Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam,<br />
Báo cáo Nghiên cứu cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Hà Nội.<br />
4. Võ Trí Thành (2015), Tư duy mới về phát triển kinh tế xã hội Việt Nam trong<br />
bối cảnh mới, sách tham khảo, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.<br />
5. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2017), Báo cáo Kinh tế thế giới và<br />
Việt Nam 2016 - 2017, Hà Nội.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
380<br />