intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả “Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

48
lượt xem
10
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu phân tích thực trạng về Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La bao gồm quan điểm, mục tiêu cần đạt đến năm 2030; Năm 2019, Hội đồng đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh các sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La đã phê duyệt 28 sản phẩm đạt 3 - 4 sao của 14 HTX, 1 doanh nghiệp, 2 Tổ hợp tác và 3 hộ kinh doanh trên địa bàn 11 huyện, thành phố. Trong đó 9 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 19 sản phẩm xếp hạng 3 sao cấp tỉnh.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả “Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”

  1. Hội thảo khoa học Quốc gia Quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Việt Nam THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ “CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP)” TỈNH SƠN LA Đặng Huyền Trang Khoa Kinh tế - Trường Đại học Tây Bắc Email: danghuyentrangkt@utb.edu.vn Tóm tắt: Nghiên cứu phân tích thực trạng về Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La bao gồm quan điểm, mục tiêu cần đạt đến năm 2030; Năm 2019, Hội đồng đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh các sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La đã phê duyệt 28 sản phẩm đạt 3 - 4 sao của 14 HTX, 1 doanh nghiệp, 2 Tổ hợp tác và 3 hộ kinh doanh trên địa bàn 11 huyện, thành phố. Trong đó 9 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 19 sản phẩm xếp hạng 3 sao cấp tỉnh. Từ phân tích những tồn tại, hạn chế về chương trình OCOP tỉnh Sơn La từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Sơn La bao gồm nhóm giải pháp về nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và nhóm giải pháp hỗ trợ như: Hỗ trợ về quảng bá, xúc tiến thương mại; Hỗ trợ về tín dụng; Hỗ trợ, tư vấn lựa chọn sản phẩm,… Từ khoá: OCOP, nông nghiệp Sơn La, nông sản đặc sản Sơn La. 1. GIỚI THIỆU Sơn La là tỉnh miền núi Tây Bắc có diện tích tự nhiên đứng thứ 3 cả nước, bằng 4,27 % tổng diện tích tự nhiên toàn quốc. Năm 2019, tổng diện tích nông sản, cây ăn quả chính của tỉnh đạt 147.272 ha, với sản lượng trên 1,488 triệu tấn [8]. Trong đó, diện tích trồng cây ăn quả chính 57.765 ha với sản lượng trên 216.843 tấn [1]. Khối lượng hàng nông sản, nông sản chế biến phục vụ xuất khẩu đạt 147.166 tấn. Tỉnh Sơn La hiện có 200 sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc hữu vùng miền của Sơn La, trong đó có 18 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ [8]. Đây là lợi thế để phát triển thị trường nông sản của tỉnh Sơn La theo hướng phát triển mỗi xã một sản phẩm. Với quan điểm chung phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, chương trình OCOP tỉnh Sơn La tập trung vào phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của tỉnh theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện, hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Sản phẩm tham gia chương trình là các sản phẩm có nguồn gốc từ địa phương hoặc được thuần hóa, đặc biệt là những sản phẩm mang tính đặc sản của vùng dựa trên các lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa,… của địa phương. Chủ thể thực hiện không giới hạn bao gồm các Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hợp tác xã, Tổ hợp tác và Hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Sơn La. Từ đó, chương trình OCOP tỉnh Sơn La đặt ra mục tiêu đến năm 2030 tỉnh có 100 - 120 sản phẩm đạt sản phẩm xếp hạng 3 - 5 sao cấp tỉnh; 20 - 25 sản phẩm đạt 3 - 5 sao cấp quốc gia [7]. Toàn tỉnh Sơn La có 452 doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (không tính đến các đơn vị dịch vụ nông nghiệp), chương trình dự kiến hỗ trợ 25 - 30 doanh nghiệp giai đoạn 2019 - 2020 và 80 - 85 tổ chức đến năm 2030 [7]. Nhìn nhận những cơ hội do chất lượng nông sản của tỉnh Sơn La mang lại, cũng như những thách thức cần đổi mới sáng tạo trong đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới việc phát triển sản phẩm đặc trưng, đặc sản theo từng địa phương tận dụng lợi thế cạnh tranh đặc biệt này tạo ra bước phát triển đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La nói chung, phát triển kinh tế khu vực nông thôn nói riêng. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Phương pháp thu thập dữ liệu: Các dữ liệu thứ cấp được sử dụng trong nghiên cứu được lấy từ các báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, Cục Thống kê Sơn La, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La,… về: Diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh Sơn La, Các bản đề án, kế hoạch thực hiện và công nhận kết quả về sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La năm 2019,…
  2. 598 Đặng Huyền Trang Phương pháp xử lý dữ liệu: Các dữ liệu thu thập được tác giả sử dụng phần mềm Microsorf Excel để tổng hợp, tính toán,… làm cơ sở phân tích hiện trạng về chương trình OCOP tỉnh Sơn La. Phương pháp thống kê mô tả: Tiến hành sắp xếp các số liệu thu thập theo phương pháp phân tổ thống kê theo nhóm sản phẩm, theo địa phương,... để thấy rõ hiện trạng chương trình OCOP tỉnh Sơn La. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 3.1. Quan điểm và mục tiêu chương trình OCOP của tỉnh Sơn La Quan điểm và mục tiêu về chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Sơn La được thể hiện rõ tại “Đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” được phê duyệt theo Quyết định số 1288/QĐ- UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La ngày 05/6/2019. Cụ thể như sau: * Về quan điểm: Thứ nhất, Phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Thứ hai, Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của tỉnh theo chuỗi giá trị; Các sản phẩm có sự khác biệt, mang đặc thù gắn với những nét truyền thống, văn hóa và điều kiện tự nhiên của tỉnh Sơn La. Thứ ba, “Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện, hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm”. Thứ tư, Chủ thể thực hiện là các tổ chức, cá nhân có năng lực sản xuất kinh doanh. Từ quan điểm trên cho thấy tỉnh Sơn La nhấn mạnh phát triển theo từng địa phương những sản phẩm mang tính đặc sản của vùng dựa trên các lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa,… của địa phương. Chủ thể thực hiện không giới hạn bao gồm các Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hợp tác xã, Tổ hợp tác và Hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Sơn La. * Về mục tiêu Mục tiêu cụ thể chương trình OCOP tỉnh Sơn La giai đoạn 2018 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được thể hiện qua Bảng 1: Bảng 1. Mục tiêu cụ thể Chương trình OCOP tỉnh Sơn La giai đoạn 2018 - 2020 và tầm nhìn đến 2030 Giai đoạn TT Mục tiêu ĐVT 2019 - 2020 2021 - 2030 1 Phát triển sản phẩm 1.1 Nâng cấp sản phẩm 3 - 5 sao quốc gia Sản phẩm - 3 - 5 sao cấp tỉnh Sản phẩm 52 - 1.2 Phát triển mới sản phẩm đạt 3 - 5 sao quốc gia Sản phẩm 20 - 25 3 - 5 sao cấp tỉnh Sản phẩm 30 100 - 120 2 Phát triển, củng cố tổ chức kinh tế 2.1 Tư vấn, hỗ trợ tái cơ cấu bộ máy Tổ chức 25-30 80 - 85 2.2 Số tổ chức kinh tế tham gia Tổ chức ≥ 12 Nguồn: [2] Mục tiêu của chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Sơn La được thể hiện rõ ràng gồm số lượng sản phẩm phát triển, số lượng các tổ chức được hỗ trợ, phát triển. Trong đó, phát triển 30 sản phẩm mới đạt xếp hạng 3 - 5 sao cấp tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, đến năm 2030 tương ứng đạt 100 -120 sản phẩm mới. Mục tiêu hướng tới đến năm 2030 tỉnh Sơn La có 20 - 25 sản phẩm đạt xếp hạng
  3. Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả 599 “Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” tỉnh Sơn La 3 - 5 sao cấp quốc gia. Tương ứng với số lượng sản phẩm, số lượng các đơn vị được tư vấn, hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức lên tới 25 - 30 tổ chức năm 2020 và 80 - 85 tổ chức năm 2030. 3.2. Thực trạng chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Sơn La Chương trình OCOP được thực hiện từ năm 2018 mặc dù tỉnh Sơn La đã đạt được một số kết quả nhất định được thể hiện cụ thể qua các mảng như sau: * Quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh Các chủ thể có sản phẩm tham gia OCOP có thể đăng ký để được đánh giá, phân hạng, nâng hạng sản phẩm thường xuyên căn cứ vào kế hoạch của địa phương. UBND cấp huyện đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện chuyển hồ sơ và mẫu sản phẩm đối với các sản phẩm đạt từ 50 đến 100 điểm để UBND cấp tỉnh thực hiện quy trình đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh theo quy trình rất chặt chẽ gồm 2 bước đánh giá: sản phẩm được thông qua Đánh giá lần 1 được gửi mẫu kiểm nghiệm và kiểm tra cơ sở để tiến hành đánh giá lần 2. Sản phẩm đạt sau Đánh giá lần 2 được công nhận kết quả và cấp giấy chứng nhận, tuỳ theo số điểm đạt được xếp hạng tương ứng. Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 - 5 sao có giá trị trong vòng 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành. * Về công tác chỉ đạo, điều hành Tỉnh Sơn La đã tổ chức 02 hội nghị triển khai chương trình OCOP cấp tỉnh với hơn 250 đại biểu tham gia là đại diện của các cấp, ngành, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh,… Đồng thời tổ chức 12 hội nghị OCOP cấp huyện, 6 lớp tập huấn về đăng ký sản phẩm, ý tưởng sản xuất kinh doanh,… có hơn 1400 đại biểu tham gia [8]. Tỉnh Sơn La đã ban hành các chính sách, cơ chế hỗ trợ triển khai chương trình OCOP như: Kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực; Phương án hỗ trợ cho các HTX, doanh nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ,… Đặc biệt, ký hợp đồng với đơn vị tư vấn, Công ty TNHH Đầu tư Hoàng Anh triển khai thực hiện hỗ trợ chuẩn hóa 20 sản phẩm làm điểm của tỉnh Sơn La. Đây là những nền tảng quan trọng giúp tỉnh Sơn La đạt được những thành công ban đầu trong chương trình mỗi xã một sản phẩm. * Về số lượng sản phẩm tham gia OCOP tỉnh Sơn La Năm 2019, tỉnh Sơn La có 20 sản phẩm điểm cấp tỉnh và 10 sản phẩm cấp huyện đủ điều kiện dự thi đánh giá cấp tỉnh. Kết quả xếp loại cụ thể: Trong 30 sản phẩm được đánh giá cấp tỉnh Sơn La năm 2019, có 28 sản phẩm của các Doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, Hộ kinh doanh được Hội đồng đánh giá chấm hạng đạt từ 50 điểm trở lên; 9 sản phẩm được xếp hạng 4 sao chiếm 30 % với số điểm trung bình 72,125 điểm; 19 sản phẩm được xếp hạng 3 sao đạt 63 % với số điểm trung bình 64,816 điểm; 2 sản phẩm chưa đạt chiếm 7 % với số điểm 45 điểm, các sản phẩm này được tiếp tục nâng cấp để được đánh giá ở mức độ cao hơn vào năm sau. Như vậy, đến hết năm 2019 tỉnh Sơn La có 28 sản phẩm đạt xếp hạng 3 - 5 sao cấp tỉnh là nền tảng đạt mục tiêu giai đoạn 2018 - 2020 với 52 sản phẩm. Nguồn: [7] và tính toán của tác giả
  4. 600 Đặng Huyền Trang * Về chủng loại sản phẩm tham gia OCOP tỉnh Sơn La Trong 28 sản phẩm được xếp hạng 3 - 4 sao cấp tỉnh Sơn La năm 2019 có 24 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm thực phẩm chiếm 85,7 %, 3 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống chiếm 10,7 % và 1 sản phẩm thuộc ngành thảo dược chiếm 3,6 % và chưa có sản phẩm thuộc các nhóm ngành thủ công nghĩ nghệ, vải - may mặc, dịch vụ nông thôn và bán hàng. Trong nhóm sản phẩm thực phẩm chủ yếu là các sản phẩm chế biến 16/24 (tỷ trọng 67,7 %): trong đó, chế biến từ rau, củ quả, hạt chiếm tới 87,4 % (14/16 sản phẩm) và 1 sản phẩm chế biến từ thịt, trứng sữa; 1 sản phẩm chế biến từ thuỷ, hải sản; 5 sản phẩm thuộc nhóm chè chiếm 20,8 % trong đó chè tươi, chè chế biến chiếm tới 4 sản phẩm. *Về chủ thể tham gia OCOP tỉnh Sơn La Các chủ thể tham gia OCOP tại tỉnh Sơn La đa dạng với 19 chủ thể gồm: các HTX, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tổ hợp tác. Số lượng các chủ thể được thể hiện qua Bảng sau: Nguồn: [7] và tính toán của tác giả Qua biểu đồ 2 ta thấy, 23/30 sản phẩm tham gia đánh giá xếp hạng cấp tỉnh Sơn La năm 2019 đến từ 12 Hợp tác xã chiếm 76,67 % tổng số sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La năm 2019, trung bình 1 HTX có 2 sản phẩm tham gia: 8 sản phẩm xếp hạng 4 sao chiếm 34,7 % trung bình 72,125 điểm, 14 sản phẩm xếp hạng 3 sao chiếm 60,9 % với trung bình 64,816 điểm và 01 sản phẩm chưa đạt. Bên cạnh đó, đã có 01 sản phẩm của doanh nghiệp đạt xếp hạng sản phẩm 4 sao với điểm 71,375. Đã có 03 sản phẩm đến từ 03 hộ kinh doanh và 3 sản phẩm đến từ 2 tổ hợp tác đạt xếp hạng sản phẩm 3 sao cấp tỉnh. Từ kết quả trên cho thấy các chủ thể tham gia OCOP tỉnh Sơn La tương đối đa dạng tuy nhiên mới chỉ tập trung vào các hợp tác xã. *Về địa phương tham gia OCOP Chương trình mỗi xã một sản phẩm được thực hiện tại 11/11 huyện và thành phố của tỉnh Sơn La với 30 sản phẩm đạt ≥ 50 điểm do hội đồng cấp huyện đánh giá được đánh giá tại hội đồng cấp Tỉnh. Cơ bản mỗi huyện có tối thiểu 01 sản phẩm OCOP đạt xếp hạng 3 - 4 sao cấp tỉnh. Đặc biệt, huyện mộc châu với 03 chủ thể tham gia có 12/28 sản phẩm (chiếm 42,85 %) gồm 4 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 8 sản phẩm được xếp hạng 3 sao; thành phố Sơn La với 03 chủ thể gồm 01 HTX và 02 hộ kinh doanh tham gia 04 sản phẩm trong đó 02 đạt 4 sao và 02 đạt 3 sao [8]. *Về hoạt động hỗ trợ của tỉnh Sơn La đối với các sản phẩm OCOP Nhằm hỗ trợ các tổ chức, sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La, công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết nối thị trường cụ thể như: Thứ nhất, tham gia gian hàng tại các hội chợ tại: Vĩnh Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh,… Thứ hai, tham gia trưng bày giới thiệu các mặt hàng phát triển OCOP tại Hội nghị tổng kết các tỉnh miền núi phía Bắc tại tỉnh Hòa Bình; Tham gia gian hàng tại Hội nghị tổng kết 10 năm nông thôn mới toàn quốc tại tỉnh Nam Định,… Thứ ba, hỗ trợ truyền thông, quảng bá tạo fanpage các sản phẩm OCOP, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bao bì, đóng gói trong nhận diện thương hiệu. Từ kinh phí sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng
  5. Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả 601 “Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” tỉnh Sơn La nông thôn mới đã xây dựng 20 website cho 20 sản phẩm điểm và ấn phẩm được phát hành định kỳ 12 chuyên san trên báo Sơn La về sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La. 3.3. Đánh giá về chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Sơn La * Về kết quả đạt được Chương trình mỗi xã một sản phẩm là chương trình phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương nhằm tạo ra sản phẩm phát huy được lợi thế so sánh của địa phương. Chương trình OCOP được thực hiện từ năm 2018 mặc dù tỉnh Sơn La đã đạt được một số kết quả nhất định như hoạt động được thực hiện đồng bộ trên địa bàn các huyện, thành phố. Mỗi địa phương có tối thiểu 01 sản phẩm đạt xếp hạng cấp tỉnh; hỗ trợ 19 đơn vị tham gia gồm các HTX, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hộ kinh doanh với 28 sản phẩm trong đó 9 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 19 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Chương trình OCOP tỉnh Sơn La đã đạt được một số kết quả cụ thể sau: Một là, đã ban hành được “Đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Đồng thời công tác chỉ đạo, điều hành đã được thực hiện đồng bộ theo các cấp trên địa bàn tỉnh. Hai là, Đã có 20 sản phẩm điểm cấp tỉnh và 10 sản phẩm cấp huyện đủ điều kiện đánh giá cấp tỉnh trong đó 28/30 sản phẩm đạt xếp hạng 3 - 4 sao cấp tỉnh. Ba là, chủng loại sản phẩm được hỗ trợ làm cấp tỉnh đa dạng, được trải rộng trên các địa bàn huyện trong tỉnh. Do đó đã lan toả được chương trình mỗi xã một sản phẩm đến các địa phương trên toàn tỉnh. Thứ tư, đã thu hút được sự tham gia của đa dạng các chủ thể với 19 chủ thể gồm: các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hộ kinh doanh. Thứ năm, đã có bước đi đúng đắn khi thuê đơn vị tư vấn hỗ trợ làm điểm các sản phẩm thay vì tự làm như 1 số địa phương khác trong cả nước. * Về khó khăn, hạn chế Mặc dù chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Sơn La đã đạt được những kết quả nhất định song vẫn còn những khó khăn, hạn chế, có thể chia thành 02 nhóm hạn chế: Nhóm 1: Năng lực của các tổ chức, cá nhân có các sản phẩm tham gia chương trình OCOP còn thấp thể hiện: Một là, Các tổ chức, cá nhân còn lúng túng, chưa hiểu đầy đủ các hồ sơ, thủ tục nên một số sản phẩm đã đăng ký nhưng không hoàn thiện đủ các minh chứng theo yêu cầu của bộ tiêu chí đánh giá. Hai là, Số lượng sản phẩm tham gia còn ít, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở sản phẩm được cấp kinh phí làm điểm cấp tỉnh, cấp huyện chưa có các sản phẩm do các chủ thể sản xuất kinh doanh chủ động đề xuất thực hiện. 28/28 sản phẩm được đánh giá xếp hạng năm 2019 là các sản phẩm làm điểm cấp huyện (8 sản phẩm) và 20 sản phẩm làm điểm cấp tỉnh. Ba là, Các tổ chức, cá nhân kinh doanh còn chưa hiểu về chương trình, lợi ích của chương trình nên chưa chủ động tham gia. Giấy chứng nhận sản phẩm được đánh giá, xếp hạng do cấp có thẩm quyền ban hành có giá trị 36 tháng, những sản phẩm được xếp hạng càng cao ở các cấp cao (cấp tỉnh, Trung ương) đồng nghĩa với việc sản phẩm đó thuận lợi hơn khi tham gia vào thị trường ngoài tỉnh. Vì vậy các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Sơn La cần tranh thủ tận dụng được các hỗ trợ của huyện, tỉnh trong phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Bốn là, các sản phẩm tham gia phải đảm bảo quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn an toàn thực phẩm,… nên các cơ sở gặp khó khăn trong công bố sản phẩm đủ điều kiện. Cho thấy năng lực tổ chức sản xuất của các chủ thể còn yếu chưa đảm bảo đủ các điều kiện tiêu chuẩn nhất là tiềm lực về vốn của các chủ thể hạn chế, quy mô vùng nguyên liệu và quy mô thị trường tiêu thụ còn khó khăn. Nhóm 2: Hoạt động hỗ trợ chưa hiệu quả thể hiện cụ thể: - Chương trình mới được triển khai nên còn thiếu đồng bộ, chưa thống nhất từ trung ương đến địa phương. - Hoạt động hỗ trợ chủ yếu tập trung ở các sản phẩm điểm cấp tỉnh, cấp huyện chứ chưa có chương trình hỗ trợ đồng bộ đến các sản phẩm nông sản chính của tỉnh. - Số lượng sản phẩm tham gia đánh giá chưa nhiều mới chỉ dừng lại ở sản phẩm điểm cấp tỉnh, cấp huyện. Công tác tư vấn, hỗ trợ các đơn vị chuẩn bị các điều kiện đánh giá, xếp hạng sản phẩm chưa thực sự hiệu quả.
  6. 602 Đặng Huyền Trang 3.4. Giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Sơn La Để nâng cao hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Sơn La để các sản phẩm được phát triển trong chương trình thực sự trở thành sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và được khách hàng đón nhận cần quá trình dài, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó tập trung vào một số nhóm giải pháp sau: 3.4.1. Nhóm giải pháp nâng cao năng lực của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh Để các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hộ kinh doanh đứng vững được trên thị trường ngoài những chính sách, chế độ và các biện pháp hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi. Nội dung cốt lõi cần nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên các khía cạnh như: Thứ nhất, nâng cao trình độ quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh của người đứng đầu các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác,… Trình độ quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh của người đứng đầu các tổ chức quyết định đến hiệu quả hoạt động của tổ chức đó. Đối với các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác hoạt động kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận, lợi ích. Cần thiết phải được trang bị những kiến thức cơ bản về quản lý sản xuất, kinh doanh để quản lý việc sử dụng nguồn lực có hiệu quả; Áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất đáp ứng được các nhu cầu của thị trường. Do đó cần thực hiện các biện pháp để nâng cao năng lực của người đứng đầu bằng cách: -Tìm hiểu nhu cầu của các chủ thể về kiến thức, kỹ năng cần tập huấn, bồi dưỡng tránh việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn mang tính hình thức. -Tổ chức tham quan các mô hình sản xuất tiên tiến điển hình phù hợp với sản phẩm dự định phát triển của tổ chức. Thứ hai, Nâng cao năng lực sản xuất, năng lực phục vụ của các tổ chức, cá nhân để sản xuất ra các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo các tiêu chí xếp hạng sản phẩm OCOP và quan trọng các sản phẩm đó phải đáp ứng được các yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, cần lưu ý đến các đặc trưng, đặc thù của sản phẩm của địa phương tránh hoà tan với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Để nâng cao năng lực phục vụ của các tổ chức, cá nhân cần thực hiện các giải pháp: - Nhận định đúng sản phẩm có tính đặc sản của địa phương; - Nghiên cứu thị trường sản phẩm; - Nghiên cứu quy mô yếu tố đầu vào lưu ý đến tính mùa vụ trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp; - Lựa chọn được sản phẩm đặc sản phù hợp với khách hàng mục tiêu; - Lựa chọn công nghệ sản xuất, bảo quản phù hợp với quy mô thị trường, quy mô vùng nguyên liệu; - Xây dựng phương án tiêu thụ sản phẩm phù hợp; - Có định hướng xây dựng và duy trì thương hiệu sản phẩm. 3.4.2. Nhóm giải pháp hỗ trợ Một là, hỗ trợ về truyền thông, quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại Do trình độ, năng lực tổ chức của các tổ chức, cá nhân còn yếu nên cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong các hoạt động về quảng bá, truyền thông và xúc tiến thương mại nhằm đưa thông tin về các sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Có thể sử dụng nhiều kênh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm như truyền hình, wesite, mạng xã hội,… tuy nhiên, cần vận dụng linh hoạt phù hợp với nhóm khách hàng mục tiêu của từng loại sản phẩm. Hai là, có các chính sách về tín dụng phù hợp Năng lực khoa học công nghệ, trình độ sản xuất của các chủ thể còn yếu nguyên nhân lớn là do các đơn vị gặp khó khăn về vốn sản xuất trong khi tiền đầu tư cho máy móc, công nghệ hiện đại tương đối lớn khiến cho nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất ra sản phẩm không đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn khắt khe theo các quy chuẩn, quy định. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ về đảm bảo các khoản vay hay hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình. Ba là, tuyên truyền, công khai và hướng dẫn chi tiết bộ tiêu chí quốc gia để các tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ
  7. Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả 603 “Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” tỉnh Sơn La Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng chương trình mỗi xã một sản phẩm được ban hành kèm theo Quyết định số 1048 ngày 21/8/2019 là căn cứ để đánh giá, phân hạng chương trình mỗi xã một sản phẩm. Tuy nhiên, các sản phẩm được xếp hạng theo bộ tiêu chí này đạt xếp điểm chưa cao do việc áp dụng, chuẩn bị các điều kiện để đánh giá, xếp hạng chưa được chuẩn bị đầy đủ. Do đó, các đơn vị trước khi đăng ký đánh giá, xếp hạng cần nghiên cứu kỹ và chuẩn bị các điều kiện theo bộ tiêu chí để đảm bảo đạt được số điểm xếp hạng cao. Bốn là, Có đội ngũ tư vấn, hỗ trợ các đơn vị trong đánh giá, lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình tránh bệnh thành tích trong phát triển sản phẩm. Có những sản phẩm đặc sản nhưng quy mô sản xuất không đủ đáp ứng thị trường hoặc quy mô thị trường nhỏ, hẹp cần cân nhắc khi ra quyết định. Đặc biệt, cần phân tích rõ lợi ích - chi phí trong từng cơ hội về sản phẩm. 4. KẾT LUẬN Chương trình mỗi xã một sản phẩm là chương trình phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền có lợi thế so sánh, có giá trị kinh tế thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng, có nhãn mác và thương hiệu đáp ứng yêu cầu thị trường vươn ra ngoài phạm vi địa phương. Chương trình OCOP được Tỉnh Sơn La thực hiện từ năm 2018 mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định như hoạt động được thực hiện đồng bộ trên địa bàn các huyện, thành phố. Mỗi địa phương có tối thiểu 01 sản phẩm đạt xếp hạng cấp tỉnh; hỗ trợ 19 đơn vị tham gia gồm các HTX, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hộ kinh doanh với 28 sản phẩm trong đó 9 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 19 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện còn ngắn nên còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Các chủ thể tham gia OCOP mới chỉ dừng lại ở các chủ thể có sản phẩm được lựa chọn sản phẩm làm điểm của tỉnh, huyện chứ chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế của đơn vị mình. Thực trạng trên cho thấy các tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh đang chủ yếu tập trung vào hoạt động sản xuất chứ chưa có tầm nhìn chiến lược trong xây dựng thương hiệu sản phẩm. Chương trình OCOP của tỉnh Sơn La được thực hiện với nhiều hoạt động hỗ trợ các chủ thể như tổ chức các lớp tập huấn; hỗ trợ đánh giá sản phẩm; tạo điều kiện để các chủ thể giới thiệu sản phẩm địa phương tại các Hội trợ trên toàn quốc; tăng cường công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm; củng cố các tổ chức kinh tế trong toàn tỉnh. Phân tích được những lợi ích do chương trình mang lại và các khó khăn, tồn tại còn gặp phải cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có nhóm giải pháp về nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và nhóm giải pháp hỗ trợ như: Hỗ trợ về quảng bá, xúc tiến thương mại; Hỗ trợ về tín dụng; Hỗ trợ, tư vấn lựa chọn sản phẩm,… cần được thực hiện để nâng cao năng lực của các tổ chức có sản phẩm OCOP các cấp. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Cục Thống kê tỉnh Sơn La (2020), Số liệu báo cáo thống kê Kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La. [2]. Đặng Huyền Trang (2020), Đánh giá chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La, tạp chí Công thương, số 10, trang 106 - 111. [3]. Thủ tướng Chính phủ (2019), Quyết định số 1048/QĐ - TTg về việc ban hành Bộ Tiêu Chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm, ban hành ngày 21/8/2019. [4]. UBND tỉnh Sơn La (2018), Quyết định số 1347/QĐ-UBND về ban hành danh mục các sản phẩm chủ lực của tỉnh Sơn La, ban hành ngày 12/6/2018. [5]. UBND tỉnh Sơn La (2019), Quyết định số 1078/QĐ-UBND về ban hành kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lưc của tỉnh Sơn La, ban hành ngày 13/5/2019. [6]. UBND tỉnh Sơn La (2019), Quyết định số 1288/QĐ-UBND về Phê duyệt đề án Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tại tỉnh Sơn La. Ban hành ngày 05/6/2019. [7]. UBND tỉnh Sơn La (2019), Quyết định số 3246/QĐ-UBND về Phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Sơn La năm 2019. Ban hành ngày 30/12/2019. [8]. Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La (2019), Báo cáo kết quả thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Sơn La năm 2019, Ban hành ngày 31/12/2019.
  8. 604 Đặng Huyền Trang THE CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS TO IMPROVE THE EFFECTIVE PROGRAM "ONE COMMUNE ONE PRODUCT (OCOP)" IN SON LA PROVINCE Dang Huyen Trang The Faculty of Economics – Tay Bac University Abstract: This study is to assess the current situation of the One Commune One Product (OCOP) program of Son La province: viewpoints, goals to reach 2030; Main results on the number of products and organizations. In 2019, Son La had 28 products with 3 - 4 star ratings of 14 cooperatives, 1 corporation, 2 cooperative groups and 3 households, which were in 11 districts and cities. In which, 9 products were rated 4 stars and 19 products were 3 star rated at provincial level. This study analyses the current situation with particular emphasis on shortcomings and limiations of Son La's the OCOP program so proposing a number of solutions to improve the effectiveness of this program. Including 2 group of solutions: to improve the capacity of production and business; Group of support solutions: advertising support, trade promotion; credit support; Advice on product selection,... Keywords: One Commune One Product (OCOP), Son La’s agricultural products, Son La's specialty agricultural.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
7=>1