intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tìm hiểu thuật ngữ “biến đổi khí hậu” trong công trình đại bách khoa toàn thư Trung Quốc

Chia sẻ: Liễu Yêu Yêu | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

22
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Tìm hiểu thuật ngữ “biến đổi khí hậu” trong công trình đại bách khoa toàn thư Trung Quốc" nhằm làm rõ các luận điểm sau: thuật ngữ “biến đổi khí hậu” trong bộ Đại Bách khoa toàn thư Trung Quốc; những kinh nghiệm cho việc biên soạn thuật ngữ này trong các công trình bách khoa thư ở nước ta. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tìm hiểu thuật ngữ “biến đổi khí hậu” trong công trình đại bách khoa toàn thư Trung Quốc

  1. QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG TÌM HIỂU THUẬT NGỮ “BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU” TRONG CÔNG TRÌNH ĐẠI BÁCH KHOA TOÀN THƯ TRUNG QUỐC Lê Thanh Hà* Tóm tắt: Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của con người hiện nay. Việc nghiên cứu các vấn đề về biến đổi khí hậu cũng được tìm hiểu, quan tâm nhiều ở cả trong và ngoài nước. Về phương diện từ điển học và bách khoa thư học, việc tìm hiểu thuật ngữ “biến đổi khí hậu” được biên soạn như thế nào trong các công trình bách khoa toàn thư nổi tiếng trên thế giới như Bách khoa toàn thư Americana, Bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bách khoa toàn thư Nga,… là cần thiết nhằm làm rõ hơn về cách tiếp cận, cách định nghĩa cũng như những nội dung thông tin được thể hiện ở thuật ngữ này. Bài tham luận này nhằm làm rõ các luận điểm sau: 1. Thuật ngữ “biến đổi khí hậu” trong bộ Đại Bách khoa toàn thư Trung Quốc; 2. Những kinh nghiệm cho việc biên soạn thuật ngữ này trong các công trình bách khoa thư ở nước ta. Từ khóa: Đại Bách khoa toàn thư Trung Quốc; Thuật ngữ “biến đổi khí hậu”; Từ điển học và Bách khoa thư. 1. Đặt vấn đề Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây không chỉ là vấn đề môi trường mà còn trở thành vấn đề chính trị, ngoại giao, kinh tế và ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các quốc gia. Các chính sách, chương trình hoạch định, nghiên cứu khoa học liên quan đến việc này ngày càng được quan tâm. Đối với học thuật ngày nay, “biến đổi khí hậu” đã trở thành một thuật ngữ khoa học liên ngành và đa ngành được cả khối ngành khoa học tự nhiên công nghệ lẫn khối ngành khoa học xã hội và nhân văn tìm hiểu, đánh giá. Trên phương diện từ điển học và bách khoa thư học, việc tìm hiểu thuật ngữ “biến đổi khí hậu” được biên soạn như thế nào trong các công trình bách khoa toàn thư nổi tiếng trên thế giới như: Bách khoa toàn thư Americana, Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Đại bách khoa toàn thư Nga,… là việc làm cần thiết. Trong những công trình đó chúng ta cần chú ý tìm hiểu về thuật ngữ “biến đổi khí hậu” trong Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc. Bài viết này sẽ làm rõ hơn các vấn đề trên. * Thạc sĩ, Nghiên cứu viên, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, email: halethanh85@gmail.com. 16
  2. RISK GOVERNANCE AND SUSTAINABLE URBAN DEVELOPMENT 2. Thuật ngữ “biến đổi khí hậu” trong công trình Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc Năm 1978, Quốc vụ viện Trung Hoa quyết định cho biên soạn Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc. Đây là bộ Bách khoa toàn thư tổng hợp cỡ lớn đầu tiên của Trung Quốc, công việc được tiến hành liên tục từ năm 1978 đến năm 1994 thì hoàn thành, quyển nào biên soạn xong trước thì được biên tập và xuất bản, phát hành trước. Công trình này có tổng cộng 74 quyển (trong đó có một quyển sách dẫn), phân làm: 66 bộ môn khoa học thuộc các lĩnh vực: từ khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, tới nghệ thuật, văn hoá giáo dục, tài chính, kinh tế, quân sự… với 79.541 mục từ, 130.676.000 chữ, 59.376 tranh ảnh. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc xuất bản dựa trên sự phân loại các chuyên ngành khoa học. Thông thường một bộ môn, lĩnh vực của công trình này được biên soạn trọn vẹn trong một quyển như: Thiên văn học, Thể dục, Giáo dục học… cũng có chuyên ngành do quy mô lớn, nội dung phong phú, lượng mục từ lớn nên được biên soạn thành nhiều quyển như: Vật lý học (quyển I), Vật lý học (quyển II), Kinh tế học (quyển I, II, III)... nhưng cũng có nhiều chuyên ngành khoa học được ghép nhiều chuyên ngành vào chung một quyển như: Khoa học khí tượng - Hải dương học - Khoa học thủy văn (1 quyển), Thư viện học - Thông tin học - Tư liệu học (1 quyển), Tài chính - Thuế - Tiền tệ - Giá cả (1 quyển)… Thuật ngữ “biến đổi khí hậu” được biên soạn trong quyển 大气科学·海洋科学·水文科学- Khoa học khí quyển - Khoa học hải dương - Khoa học Thuỷ văn. Quyển này có tổng 923 trang khổ A4 cỡ lớn, tổng số 1042 mục từ, 949 hình ảnh minh họa với sự tham gia biên soạn của 500 nhà khoa học hàng đầu về ba lĩnh vực khoa học khí quyển, hải dương, thủy văn của Trung Quốc vào thời kỳ đó. Cuốn sách được xuất bản vào tháng 5/1987, do Nhà xuất bản Đại Bách khoa toàn thư Trung Quốc phát hành tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Để hiểu hơn về cách thức tiếp cận, việc định nghĩa và nội dung thông tin thể hiện, cũng như mô hình cấu trúc của thuật ngữ này, chúng tôi dịch nguyên văn mục từ “biến đổi khí hậu” ở trang 582-583, quyển Khoa học khí quyển - Khoa học hải dương - Khoa học Thuỷ văn(大气科学·海洋 科学·水文科学中国大百科全书, 1987, pg.582-583) như sau: 气候变化Biến đổi khí hậu (Climate change), sự biến đổi trạng thái khí hậu trong một thời kỳ dài. Thường được phản ánh qua sự khác biệt về các số liệu thống kê (như: giá trị bình quân, tỷ lệ biến đổi) các yếu tố khí hậu như nhiệt độ, lượng mưa trong những thời kỳ khác nhau. Nghiên cứu biến đổi khí hậu thường dựa vào những thang đo thời gian khác nhau để phân chia như sau: Biến đổi khí hậu theo thang đo thời gian từ 10.000 năm trở lên. Được phản ánh từ tình trạng che phủ của băng tuyết trên bề mặt trái đất (tức là sự luân chuyển giữa kỷ băng hà và thời kỳ gián băng); mức độ biến đổi khí hậu này rất lớn, ảnh hưởng mạnh mẽ đến bề mặt trái đất và hệ sinh thái và lưu giữ những dấu vết phong phú trong địa tầng. Sự thật về loại biến đổi khí hậu này chủ yếu có được từ việc phân tích các tư liệu địa chất, nên gọi là: biến đổi khí hậu thời kỳ địa chất. 17
  3. QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG Biến đổi khí hậu trong vài nghìn năm trở lại đây.Trong thời kỳ này, văn hóa nhân loại đã xuất hiện; căn cứ vào những ghi chép về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, về tài nguyên thiên nhiên và thiên tai trong sử sách qua các thời kỳ cũng như các loại văn vật khảo cổ có thể suy luận về tình hình khí hậu thời kỳ đó, biết được quá trình biến đổi khí hậu, gọi là: biến đổi khí hậu thời kỳ lịch sử. Biến đổi khí hậu trong hơn 100 năm trở lại đây: Thời kỳ này, trên cơ sở nghiên cứu khí tượng, con người có thể dùng những ghi chép khí tượng một cách hệ thống để nghiên cứu biến đổi khí hậu, gọi là biến đổi khí hậu hiện đại. Lịch sử tóm tắt về nghiên cứu biến đổi khí hậu Nửa sau thế kỷ 11, các học giả đời Bắc Tống ở Trung Quốc đã căn cứ vào những hóa thạch của thứ giống như cây tre (trên thực tế là cây tần bì) ở Diên Châu (nay là huyện Diên Châu tỉnh Thiểm Tây) để suy luận rằng khí hậu thời trước ấm áp và ẩm ướt hơn khí hậu thời đó; đây được coi là những tri thức tìm hiểu về biến đổi khí hậu sớm nhất ở Trung Hoa. Năm 1868, nhà vật lý học và toán học người Anh R. Hooke đã căn cứ vào những hóa thạch của cá biển và con cúc (động vật nhuyễn thể thời xưa) để đưa ra suy luận rằng khí hậu thời cổ đại ấm hơn khí hậu thời kỳ đó. Đây là những phân tích về biến đổi khí hậu sớm nhất ở châu Âu. Những nghiên cứu thời cận đại về biến đổi khí hậu, bắt đầu từ nghiên cứu về sông băng trên núi Alpes của J.L.R Agassi năm 1840 đến các tác phẩm như:“Khí hậu các thời kỳ” (1949) của C.E.P. Brooks người Anh hay tác phẩm “Khí hậu thời quá khứ” (1950) của M. Schwarzbach người Đức, đều ra đời vào giữa thế kỷ 20, ở Trung Quốc thì có tác phẩm “Nghiên cứu bước đầu về biến đổi khí hậu của Trung Quốc trong gần 5000 năm trở lại đây”(1972)của Trúc Khả Trinh, đều hệ thống lại những đặc điểm của khí hậu trong từng thời kỳ, bước đầu hình thành sự nghiên cứu vận động của lịch sử khí hậu. Nội dung nghiên cứu về biến đổi khí hậu Vấn đề trung tâm của nghiên cứu biến đổi khí hậu là làm rõ lịch sử biến đổi khí hậu và nguyên nhân của nó qua các thời kỳ. Thời kỳ địa chất, thời kỳ lịch sử và hiện đại, các thước đo thời gian của biến đổi khí hậu khác biệt rất lớn, nguyên nhân hình thành cũng không giống nhau, các tài liệu dùng làm căn cứ và phương pháp nghiên cứu cũng khác nhau. Từ đó hình thành ba bộ phận độc lập với nhau trong lịch sử biến đổi khí hậu. Nguyên nhân của biến đổi khí hậu rất phức tạp, cho đến nay các quan điểm vẫn chưa thống nhất. Bình thường, những nguyên nhân của biến đổi khí hậu và nhân tố hình thành khí hậu thường đồng nhất với nhau. Những nghiên cứu hiện đại về sự hình thành khí hậu thường chú ý đến các yếu tố hoạt động của mặt trời, hoàn lưu khí quyển, tính chất khí tượng, thủy văn và hoạt động của con người. Những yếu tố này có sự biến đổi về mặt thời gian từ vài năm đến vài trăm năm, tương ứng với thước đo sự biến đổi của khí hậu hiện đại, là lĩnh vực chính trong nghiên cứu các nguyên nhân biến đổi khí hậu hiện đại. Tuy nhiên, đối với biến đổi khí hậu theo thời gian dài mà nói, các yếu tố khác, ví dụ như sự biến đổi của vỏ trái đất (sự đổi dời của biển và đất liền, địa 18
  4. RISK GOVERNANCE AND SUSTAINABLE URBAN DEVELOPMENT thế trồi sụt…) và sự biến đổi của các tham số thiên văn địa cầu (như quỹ đạo trái đất, quỹ đạo các hành tinh…) đều có vai trò quan trọng, đây đều là những vấn đề quan trọng trong nghiên cứu biến đổi khí hậu thời kỳ địa chất. Từ góc độ cung ứng năng lượng khí quyển, quá trình khí hậu không thể coi là quá trình ngẫu nhiên, do đó, để phán đoán khách quan xu thế biến đổi khí hậu và nguyên nhân của nó, ngoài xem xét khí quyển còn phải quan sát sự biến đổi của môi trường ở biển, đất liền và vành đai sinh vật cùng với những hoạt động của con người. Khi nghiên cứu về nguyên nhân của biến đổi khí hậu, cân bằng lượng vật lý và mô phỏng trị số. Nghiên cứu về biến đổi khí hậu đề cập đến các khoa học về địa chất, địa lý, thiên văn, hải dương, lịch sử và khảo cổ; việc thu thập tài liệu, làm rõ các lý luận và ứng dụng các kết quả cũng có mối liên quan trực tiếp với các môn khoa học cơ bản và các kỹ thuật được ứng dụng. Xu hướng nghiên cứu biến đổi khí hậu Từ thập niên 50 của thế kỷ 20 trở lại đây, sự gia tăng dân số nhanh chóng và sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã yêu cầu phải sử dụng nhiều hơn nữa tài nguyên khí hậu. Từ thập niên 70 trở lại đây, các thảm họa về khí hậu càng tăng thêm. Hạn hán kéo dài ở phía tây châu Phi cùng hạn hán, ngập lụt và thiệt hại vì rét ở các khu vực khác trên thế giới thường xuyên xảy ra đã làm ảnh hưởng đến những vấn đề lớn như lương thực, tài nguyên năng lượng, tài nguyên nước. Tác động của hoạt động của con người đối với khí hậu (bao gồm ô nhiễm bầu không khí, sự hủy hoại thảm thực vật tự nhiên) cũng tăng nhanh cũng có thể làm nảy sinh những loại biến đổi khí hậu không có lợi với con người. Để sử dụng tốt nguồn tài nguyên khí hậu trong các kế hoạch phát triển, phòng ngừa những thảm họa khí hậu, bảo vệ môi trường khí hậu thì việc nghiên cứu về biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những đề tài nghiên cứu khoa học quan trọng hiện nay. Dựa vào phần nghiên cứu ở trên, ta thấy thuật ngữ “biến đổi khí hậu” trong Đại Bách khoa toàn thư Trung Quốc có mô hình cấu trúc vi mô như sau: - Tên mục từ (âm pinjin, chữ Trung Quốc giản thể, tên tiếng Anh) - Định nghĩa cơ bản, khái quát về thuật ngữ - Nội dung của mục từ gồm những vấn đề sau: Cách thức phân loại, lịch sử hình thành của thuật ngữ biến đổi khí hậu; Giản lược lịch sử nghiên cứu biến đổi khí hậu; Nội dung nghiên cứu về biến đổi khí hậu; Xu hướng nghiên cứu về biến đổi khí hậu - Tài liệu tham khảo - Tên người biên soạn Như vậy, cách biên soạn thuật ngữ này không những đầy đủ yêu cầu của một mục từ trong bách khoa toàn thư, mà cách phân thành các luận điểm nhỏ trong mục từ cũng có nhiều thuận lợi cho việc tra cứu và tổng hợp thông tin. 19
  5. QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG 3. Bài học kinh nghiệm biên soạn thuật ngữ “biến đổi khí hậu” cho các công trình bách khoa toàn thư ở Việt Nam Trong thời đại hiện nay, chiến lược phát triển đất nước phải dựa vào tri thức và thông tin, trong đó giáo dục và đào tạo luôn được ưu tiên hàng đầu. Nhiều học giả trên thế giới đã đánh giá cao vai trò của bách khoa toàn thư đối với sự phát triển và truyền bá văn hóa và khoa học kỹ thuật của con người. Việc biên soạn các công trình bách khoa thư là rất cần thiết cho việc cung cấp cho cộng đồng những tri thức cơ bản nhất, những thông tin chuẩn xác nhất của nhân loại, của các quốc gia ở mọi thời đại về mọi lĩnh vực như: khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, phục vụ cho mọi đối tượng, mọi trình độ trong việc nghiên cứu và học tập hàng ngày (Hà Học Trạc, 2004, tr.203). Thực tế ở nước ta hiện nay, các công trình bách khoa thư chưa có nhiều. Về bách khoa thư tổng hợp cỡ lớn thì chúng ta vẫn đang thực hiện Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Về bách khoa ngành, chuyên ngành thì hiện nay Bộ Quốc phòng đã cho xuất bản một số quyển của: Bách khoa toàn thư Quân sự Việt Nam (dự kiến 6 tập, đã xuất bản 1 tập); Bộ Công an cũng đã thực hiện: Bách khoa thư Công an nhân dân Việt Nam (dự kiến 7 tập, đã xuất bản 2 tập). Về chuyên đề và lĩnh vực thì cũng có một số quyển như: Bách khoa thư về dưỡng sinh, Bách khoa thư về huyết học… Về bách khoa thư địa phương mới có bộ sách đầu tiên mang nhan đề là Bách khoa toàn thư Hà Nội. Xét riêng về thuật ngữ “Biến đổi khí hậu”, qua khảo sát các công trình bách khoa thư gần đây, người viết chưa thấy thuật ngữ này được biên soạn trong bách khoa toàn thư hoàn chỉnh nào ở nước ta. Thuật ngữ này, chỉ được biên soạn trong bộ Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 1, với nội dung như sau: sự biến đổi của những điều kiện khí hậu trên toàn bộ trái đất, hay một miền, một vùng nào đó trong một khoảng thời gian như một kỷ địa chất (hàng triệu năm), lịch sử loài người (hàng nghìn năm), hiện đại (vài trăm năm hay vài chục năm gần đây). Sự phân biệt những biến đổi có tính tiệm tiến (nghĩa là theo một phương hướng nhất định nào đó, như nóng dần, lạnh dần và những dao động khí hậu).Về biến đổi khí hậu thuộc kỷ Địa chất, có thể kể đến thời kỳ băng hà thuộc kỷ Đệ tứ ở Bắc Âu, Tây Xibia và Bắc Mỹ. Biến đổi khí hậu lịch sử loài người hình như không mang tính tiệm tiến mà mang tính dao động. Khoảng 1000 năm trở lại đây, có những dao động khí hậu, một trong những lần đó là lần nóng lên trong khoảng một trăm năm nay, đặc biệt trong nửa thế kỷ gần đây. Có nhiều nguyên nhân của sự biến đổi khí hậu,có thể giải thích bằng sự tự dao động của hệ thống khí quyển - biển - băng ở cực; các yếu tố vũ trụ và thiên văn như sự biến đổi của cường độ phát xạ của bức xạ mặt trời hoặc của độ trong suốt của khoảng không vũ trụ đối với bức xạ mặt trời, sự biến đổi độ nghiêng của mặt hoàng đạo với độ lệch tâm của quỹ đạo Trái đất. Sự chuyển dịch của trục trái đất cũng như sự biến đổi trong thành phần và xon khí của khí quyển do hoạt động của núi lửa… Nhân tố con người cũng gây ra BĐKH biến đổi khí hậu như phá rừng, đốt rừng, khí thải công nghiệp, việc dùng quá nhiều các chất CFC đã làm mỏng và 20
  6. RISK GOVERNANCE AND SUSTAINABLE URBAN DEVELOPMENT thủng tầng ozon, do đó làm cho trái đất nóng lên trong những thập kỷ tới” (Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, 1995, tr. 221). Ta thấy thuật ngữ “biến đổi khí hậu” trong Từ điển bách khoa Việt Nam đã nêu được cách hiểu, cách định nghĩa khái quát nhất, nêu những nội dung cơ bản, có liên quan về “biến đổi khí hậu” chứ chưa có sự phân tích, đánh giá hay cách biên soạn phân lớp của thuật ngữ “biến đổi khí hậu” như trong bộ Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc. Điều này được hiểu do mục từ trong bách khoa toàn thư có tính hệ thống, thể hiện một cách trọn vẹn các chủ đề tri thức độc lập về khái niệm thuật ngữ hay sự vật, hiện tượng để người đọc tra cứu nhanh và toàn diện nhất về đối tượng nghiên cứu đó. Do vậy nội dung mục từ bách khoa toàn thư có thể được chia thành các tầng bậc và cấp độ để biên soạn (Hà Học Trạc, 2004, tr. 304). Hiện tượng biến đổi khí hậu mà biểu hiện rõ nét nhất của nó là nhiệt độ Trái đất tăng cao, lượng mưa thay đổi không đều, mực nước biển dâng và thiên tai phức tạp đang diễn ra ngày một tác động xấu đến mọi mặt kinh tế - xã hội cũng như cuộc sống sinh hoạt của muôn loài trên trái đất. Một lĩnh vực khoa học mới về biến đối khí hậu được hình thành và phát triển nhanh chóng. Những kiến thức mới nảy sinh đòi hỏi nhân loại phải tìm hiểu cập nhật và thích ứng dần với hoàn cảnh mới (Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, 2017, tr. 150). Trước những phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, nhiều khái niệm, thuật ngữ, nhiều ngôn từ mới được du nhập vào làm phong phú thêm các vốn từ khoa học trong tiếng Việt. Vốn khái niệm và từ vựng này cần được Việt hóa, phổ thông hóa không chỉ trong cộng đồng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu mà còn phải được phổ cập với cộng đồng quần chúng nhân dân. Do đó, việc biên soạn mục từ “biến đổi khí hậu” trong các công trình bách khoa toàn thư ở nước ta là cần thiết, có nhiều ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Thuật ngữ, khái niệm, chủ đề, lĩnh vực biên soạn trong bách khoa toàn thư được gọi là mục từ của bách khoa toàn thư. Mục từ bách khoa toàn thư mang hàm nghĩa rộng hơn nhiều so với mục từ trong các sách về từ điển. Trong tiếng Anh, mục từ bách khoa toàn thư là entry và article với nghĩa là (những) bài viết; nếu bách khoa toàn thư là sách của các loại sách, thì mục từ của bách khoa toàn thư là bài viết về các bài viết. Đối với tiếng Trung, lại dùng cụm từ “điều mục” để tương đương với khái niệm “mục từ” trong bách khoa toàn thư. Trong nguyên nghĩa, điều có một nghĩa là cành (cây). Xem thế, điều mục nghĩa là các mục (từ) cành, ý nghĩa đó rất hợp với mục từ phân tầng theo cấu trúc hình cây (Ban Thư ký Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, 2020, tr.4). Hướng đến việc biên soạn mục từ “biến đổi khí hậu” cho các bách khoa toàn thư ở nước ta hiện nay, thiết nghĩ chúng ta nên tiếp thu cách biên soạn giống như cách làm của việc biên soạn trong Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc. Bên cạnh đó, thời điểm biên soạn thuật ngữ này của các học giả Trung Quốc là vào thập kỷ 80 của thế kỷ XX, mà khoa học kỹ thuật luôn tiến bộ và đổi mới không ngừng. Do đó, khi biên soạn thuật ngữ “biến đổi khí hậu” cho các công trình bách khoa ngày nay, chúng ta cần phải cập nhật thêm các thông tin, lý thuyết và dữ liệu khoa học mới, 21
  7. QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG thêm vào đó những tác động và ảnh hưởng của “biến đổi khí hậu” đối với nước ta để hoàn chỉnh hơn nội dung của thuật ngữ này ở Việt Nam. 4. Kết luận Qua những điều đã trình bày, ta thấy thuật ngữ “biến đổi khí hậu” trong quyển Khoa học khí quyển - hải dương học - thủy văn học bộ Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, đã cung cấp cho người đọc những thông tin cơ bản, đầy đủ, chính xác và hệ thống hóa cũng như phân loại tri thức về nội dung thông tin của thuật ngữ được thể hiện trong nội dung mục từ. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX, các học giả Trung Quốc đã biên soạn mục từ “biến đổi khí hậu”, là thuật ngữ khoa học còn khá mới vào thời điểm đó nhưng đã được nghiên cứu đánh giá để phổ biến kiến thức khoa học cho các đối tượng quan tâm đến thuật ngữ này; Giúp cho những nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định sách lược, nhà quản lý ở nước này có được những thông tin và kiến thức đúng đắn về biến đổi khí hậu, để từ đó có những chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu với quốc gia. Tại Việt Nam, khi biên soạn bộ Từ điển bách khoa Việt Nam, tập I, xuất bản năm 1995, chúng ta cũng đã đưa thuật ngữ “biến đổi khí hậu” vào nghiên cứu. Tuy nhiên, những thông tin được nêu ra, việc biên soạn thuật ngữ mới ở mức độ khái quát hóa, cơ bản nhất, do nội dung của mục từ từ điển bách khoa mới ở mức độ khái quát hóa chứ chưa hệ thống hóa vấn đề và thuật ngữ thành nhiều cấp độ và tầng bậc như trong mục từ của bách khoa toàn thư, cho nên khi biên soạn nội dung thuật ngữ này trong các công trình bách khoa toàn thư sắp tớirất cần được bổ sung và chỉnh lý thêm các thông tin phù hợp hơn. Khảo sát những công trình bách khoa thư gần đây ở nước ta, chúng tôi thấy rằng thuật ngữ “biến đổi khí hậu” chưa được biên soạn trong những sách công cụ dạng này. Đây là một điều khá đáng tiếc, do vậy chúng ta cần phải tổng hợp tư liệu, thu nhập thông tin mới cập nhật gần đây để biên soạn thuật ngữ này trong các bộ bách khoa toàn thư. Từ những tìm hiểu của bài tham luận này, có thể giúp cho ta có những cơ sở và học hỏi kinh nghiệm về cách thức biên soạn, xây dựng mục từ, chọn lựa nội dung để từ đó xây dựng được cấu trúc mục từ, cách thức biên soạn đồng thời sửa đổi, bổ sung những điểm chưa hoàn chỉnh trong việc biên soạn của Trung Quốc, để giúp ích cho việc biên soạn thuật ngữ “biến đổi khí hậu” cho các công trình bách khoa toàn thư ở Việt Nam hiện nay và trong tương lai. Bách khoa toàn thư là công trình khoa học có giá trị cao, mang lại hiệu quả giáo dục tốt, một kênh thông tin chính xác, hệ thống hóa tri thức tổng hợp một cách quyền uy, quan trọng nhất để phổ cập tốt hơn các tri thức về mọi mặt từ văn hóa xã hội nói chung, đến lĩnh vực biến đổi khí hậu nói riêng để mọi tầng lớp quan tâm hiểu biết thêm về vấn đề này một cách sâu rộng hơn, góp phần vào việc chủ động ứng phó nhằm giải thiểu tác hại và thích ứng với biến đổi khí hậu, để quốc gia Việt Nam phát triển bền vững. 22
  8. RISK GOVERNANCE AND SUSTAINABLE URBAN DEVELOPMENT Tài liệu tham khảo 1. Hà Học Trạc (2004), Lịch sử lí luận và thực tiễn biên soạn bách khoa toàn thư, NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội. 2. Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam (1995), Từ điển Bách khoa Việt Nam (Tập 1), NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội, tr.221. 3. Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam (2017), Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Khởi động biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam”, Hà Nội. 4. Ban Thư ký Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam (2020), Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Định hướng xây dựng và xác định các mục từ trùng đa ngành, liên ngành trong bảng mục từ của Đề án Bách khoa toàn thư Việt Nam”, Hà Nội. 5. 《大气科学·海洋科学·水文科学中国大百科全书》(1987),中国大百科全书出版社,北 京.上海.- Khoa học khí quyển - hải dương học - thủy văn học (1987), Đại Bách khoa toàn thư Trung Quốc, NXB Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh - Thượng Hải. 23
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0