Những vấn đề chung<br />
<br />
TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG VÀ XU HƯỚNG PHÁT<br />
TRIỂN CỦA KHÍ TÀI NHÌN ĐÊM TRONG LĨNH VỰC QUÂN SỰ<br />
Nguyễn Thu Cầm*, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Ngọc Sơn<br />
1. MỞ ĐẦU<br />
Kỷ nguyên mới của cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật quân sự trong lĩnh vực nhìn<br />
đêm đã và đang từng bước làm thay đổi tư duy chiến thuật trong đánh đêm của quân đội<br />
tất cả các nước trên thế giới. Sự thay đổi này xuất phát từ tính hiệu quả và vai trò hết sức<br />
quan trọng của khí tài nhìn đêm đối với tác chiến. Bởi vậy, kể từ khi ra đời cho đến nay,<br />
khí tài nhìn đêm đã không ngừng được quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển ngày<br />
càng hiện đại, thế hệ sau ra đời với nhiều tính năng ưu việt hơn thế hệ trước. Chúng ta hãy<br />
cùng nhau nhìn lại lịch sử ra đời, quá trình phát triển và xu hướng tiếp theo của dòng khí<br />
tài đặc biệt này.<br />
<br />
2. TỔNG QUAN VỀ KHÍ TÀI NHÌN ĐÊM<br />
Khí tài nhìn đêm là các phương tiện, thiết bị giúp con người nâng cao khả năng quan<br />
sát trong các điều kiện đặc biệt như đêm tối, trời có sương mù, khói, bụi .v.v. Về cơ bản,<br />
khí tài nhìn đêm được phân chia thành các loại như sau [1]:<br />
- Khí tài nhìn đêm khuếch đại ánh sáng yếu;<br />
- Khí tài nhìn đêm truyền hình ánh sáng yếu;<br />
- Khí tài ảnh nhiệt;<br />
- Khí tài nhìn đêm laser xung chủ động.<br />
2.1. Khí tài nhìn đêm khuếch đại ánh sáng yếu<br />
Khí tài nhìn đêm khuếch đại ánh sáng yếu (KĐASY) hoạt động dựa trên cơ sở sử dụng<br />
bộ biến đổi quang điện (BĐQĐ). Chức năng chính của BĐQĐ là biến đổi ảnh có cường độ<br />
sáng yếu thu được qua kính vật của thiết bị nhìn đêm, thành ảnh có cường độ đủ sáng trên<br />
màn huỳnh quang của nó. Qua kính mắt đặt phía sau màn huỳnh quang người quan sát có<br />
thể thấy được mục tiêu và không gian của mục tiêu. Tùy thuộc vào các loại bộ biến đổi<br />
quang điện mà hệ số khuếch đại ánh sáng có thể đạt từ vài trăm lần đến vài chục vạn lần.<br />
Dải phổ hoạt động của các khí tài nhìn đêm hiện nay thông thường từ 0,4 μm đến 0,9 μm.<br />
Khí tài nhìn đêm khuếch đại ánh sáng yếu bắt đầu được sử dụng trong quân sự từ thế<br />
chiến thế giới lần thứ 2. Qua quá trình phát triển nó được phân chia thành các thế hệ khác<br />
nhau tùy thuộc vào thế hệ bộ biến đổi quang điện [2]:<br />
Thế hệ “0”: Đây là thế hệ sơ khai của dòng khí tài nhìn đêm, thuật ngữ còn gọi là khí tài<br />
hồng ngoại chủ động. Đặc trưng của thế hệ này là sử dụng bộ BĐQĐ có hệ số khuyếch đại<br />
chỉ đạt trong khoảng từ 200 đến 500 lần. Độ nhạy của photocathode chưa cao (chỉ đạt giá trị<br />
khoảng 60 μA/lm), độ méo ảnh lớn, đặc biệt là ở biên. Do khả năng khuyếch đại hạn chế nên<br />
thường phải sử dụng đèn pha hồng ngoại. Đây chính là nhược điểm lớn nhất của dòng khí tài<br />
thế hệ "0" bởi dễ bị phát hiện khi đối phương cũng sử dụng khí tài nhìn đêm.<br />
Hiện nay hầu hết các loại khí tài nhìn đêm trang bị trên xe tăng, xe chiến đấu bộ binh<br />
của quân đội ta đều thuộc thế hệ này.<br />
Thế hệ “1”: Là thế hệ được phát triển tiếp sau thế hệ “0”. Ở thế hệ này đã có một số<br />
bước đột phá về độ nhạy của photocathode và hiệu suất lượng tử. Thấu kính điện từ cũng<br />
được sử dụng để nhằm tăng khả năng hội tụ chùm electron lên màn huỳnh quang và cửa sổ<br />
tấm sợi quang được dùng nhằm làm tăng độ phân giải ở vùng biên. Các loại photocathode<br />
ở thế hệ này như S-10; S-20 có độ nhạy lên tới 200 μA/lm và hiệu suất lượng tử khoảng<br />
20%. Với sự tăng cường độ nhạy như vậy, các loại khí tài nhìn đêm thế hệ “1” đã có khả<br />
<br />
<br />
<br />
Tạp chí Nghiên cứu KH&CN quân sự, Số Kỷ niệm 55 năm Viện KHCNQS, 10 - 2015 29<br />
Những vấn đề chung<br />
<br />
năng hoạt động độc lập dưới các điều kiện ánh sáng giới hạn như trời có trăng (tính thụ<br />
động), đồng thời cũng có thể hoạt động cùng nguồn chiếu sáng phụ như thế hệ “0”. Có thể<br />
nói rằng, sự phát triển đột phá ở thế hệ này so với trước chính là khả năng hoạt động thụ<br />
động. Hiện tại, một số loại khí tài quan sát đêm cầm tay và khí tài ngắm bắn cho súng bộ<br />
binh của quân đội ta đang dùng thuộc thế hệ này.<br />
Bằng cách ghép nối liên tiếp nhiều ống khuếch đại thế hệ “1” đã cho ra đời các loại ống<br />
khuếch đại thế hệ “1+”. Việc ghép nối đó đạt được thành công nhất định như làm tăng khả<br />
năng khuếch đại, nhờ đó khí tài loại này có thể quan sát tốt hơn trong điều kiện ánh sáng<br />
sao trời. Tuy nhiên, nhược điểm lớn vẫn là có độ méo ảnh cao và kích thước cồng kềnh,<br />
không phù hợp với các loại vũ khí bộ binh. Một số loại kính trưởng xe, kính pháo thủ của<br />
xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và kính ngắm đêm cho pháo tàu Hải Quân của ta đang sử<br />
dụng bộ BĐQĐ thế hệ này.<br />
Thế hệ “2”: Là một bước đột phá trong công nghệ nhìn đêm, bộ biến đổi quang điện<br />
(BĐQĐ) thế hệ “2” sử dụng photocathode đa kềm (ký hiệu S-25) với độ nhạy có thể lên<br />
đến 400μA/lm và đĩa vi kênh nhằm tăng hệ số khuếch đại độ sáng. Các loại thế hệ “2” đầu<br />
tiên vẫn hội tụ tạo ảnh bằng thấu kính điện tử nên vẫn bị méo ảnh, độ phân giải thấp và<br />
không đồng đều. Các loại tiếp sau của thế hệ này (thế hệ "2+") được phát triển trên cơ sở<br />
loại bỏ thấu kính điện tử và truyền ảnh thẳng do đó mà làm giảm đáng kể kích thước trọng<br />
lượng, đồng thời cũng giải quyết được hiện tượng méo ảnh do thấu kính điện tử gây nên.<br />
Đến nay, các bộ BĐQĐ thế hệ "2+" có khả năng đạt được độ nhạy từ 600 đến 700μA/lm<br />
và độ phân giải đến 60 cặp vạch/mm nhờ sự cải tiến photocathode S25 và kích thước ống<br />
của đĩa vi kênh.<br />
Hiện nay, nền công nghiệp quốc phòng của chúng ta đã và đang sản xuất bộ BĐQĐ thế<br />
hệ "2+" để cung cấp cho nhu cầu ở trong nước.<br />
Thế hệ “3”: Thế hệ ống khuếch đại này có cấu trúc truyền ảnh thẳng tương tự như thế<br />
hệ "2+", song có sự khác biệt như sau: photocathode đa kiềm của thế hệ "2+" được thay<br />
thế bằng photocathode GaAs với hiệu suất lượng tử ở vùng hồng ngoại gần gấp 10 lần so<br />
với photocathode đa kiềm; độ chân không và độ song song giữa photocathode, tấm vi kênh<br />
và màn huỳnh quang có giá trị cao hơn nhiều so với thế hệ "2+". Tuy nhiên, photocathode<br />
GaAs có nhược điểm là dễ bị xuống cấp và hỏng hóc bởi sự bắn phá của các ion dương<br />
sinh ra trong quá trình sử dụng. Bởi vậy người ta phải dùng một màng ngăn GaAs để hạn<br />
chế các ion này. Song sự có mặt của màng ngăn GaAs lại làm giảm độ nhạy của<br />
photocathode. Sau một số cải tiến làm giảm độ dày màng ngăn thì độ nhạy của<br />
photocathode thế hệ 3 cũng tăng lên đáng kể song thực tế thì chỉ gấp khoảng từ 1,2 đến 3<br />
lần độ nhạy của photocathode thế hệ 2+. Các tiến bộ mới nhất trong công nghệ chế tạo<br />
ống khuếch đại thế hệ 3 sử dụng màng ngăn loại khác cho phép tăng độ nhạy của<br />
photocathode lên nhiều lần.<br />
Hiện nay khí tài nhìn đêm thế hệ 3 này đã được trang bị khá phổ biến đến tận từng<br />
người lính trong quân đội của các nước tiên tiến trên thế giới.<br />
Thế hệ “4”: Trong kết cấu bộ biến đổi quang điện thế hệ 4, người ta vẫn giữ cấu trúc<br />
truyền ảnh thẳng tương tự như thế hệ 3 song có 2 sự thay đổi, đó là: Sử dụng bộ khuyếch<br />
đại vi kênh không có màng ngăn ion; Tích hợp nguồn xung điều khiển tốc độ cao nhằm tự<br />
động điều chỉnh cường độ sáng (autogate). Nhờ vậy, độ phân giải của loại bộ biến đổi<br />
quang điện thế hệ 4 không dưới 64 vạch, và độ nhạy tích phân không dưới 2500 μA/lm,<br />
thiết bị có thể làm việc cả ngày lẫn đêm.<br />
Cho đến nay khí tài nhìn đêm sử dụng bộ BĐQĐ thế hệ 4 vẫn chưa thấy xuất hiện trong<br />
trang bị quân đội của các nước tiên tiến trên thế giới.<br />
2.2. Khí tài nhìn đêm truyền hình ánh sáng yếu<br />
<br />
<br />
<br />
30 Nguyễn Thu Cầm, …, “Tình hình nghiên cứu… nhìn đêm trong lĩnh vực quân sự.”<br />
Những vấn đề chung<br />
<br />
Khí tài nhìn đêm truyền hình ánh sáng yếu có nguyên lý hoạt động tương tự như khí tài<br />
nhìn đêm khuếch đại ánh sáng yếu. Tuy nhiên, trong khi khuếch đại ánh sáng yếu quan sát<br />
ảnh trực tiếp thông qua kính mắt thì truyền hình ánh sáng yếu lại đưa ảnh quan sát lên màn<br />
hình. Do đó, loại khí tài này có khả năng lưu trữ, xử lý và truyền dữ liệu hình ảnh đi xa.<br />
Trong thực tế, khí tài nhìn đêm truyền hình ánh sáng yếu thường được gọi là camera độ<br />
nhạy cao. Có một số dạng camera độ nhạy cao như: Camera khuếch đại bằng bia silicon,<br />
camera tích hợp ICCD, camera hoạt động trên nguyên lý chồng ảnh..vv.<br />
Camera khuếch đại bằng bia silicon được thiết kế bằng cách thay thế màn huỳnh quang<br />
của bộ BĐQĐ bằng anode silicon và khi được bắn phá bởi các electron, chúng tạo nên một<br />
cặp lỗ trống điện tử và được đọc ở đầu ra camera như một tín hiệu khuếch đại.<br />
Camera ICCD là một dạng khí tài nhìn đêm khuyếch đại ánh sáng yếu tích hợp bộ<br />
BĐQĐ và CCD phía sau. Việc nối ghép BĐQĐ và CCD được thực hiện theo 2 dạng: bằng<br />
bó sợi quang hoặc bằng một hệ quang ghép nối. Về cơ bản, ghép nối bằng bó sợi quang ưu<br />
thế hơn về hiệu suất ánh sáng, tỷ lệ tín trên tạp. Tuy nhiên, ghép nối cách này phức tạp, đòi<br />
hỏi kỹ thuật cao hơn nhiều so với ghép nối bằng hệ quang. Nhược điểm của ghép nối bằng<br />
hệ quang là cho chất lượng ảnh thấp hơn do tồn tại quang sai trong hệ.<br />
Hiện nay, các camera hoạt động trên nguyên lý chồng ảnh đang được phát triển mạnh<br />
mẽ nhờ ưu thế vượt trội về mặt giá thành tuy rằng chất lượng quan sát đêm chỉ ở mức độ<br />
hạn chế. Nguyên lý hoạt động của các loại camera này là sử dụng một số loại CCD quan<br />
sát ngày có độ nhạy tương đối cao (khoảng 0,2-0,4 lux) và sử dụng xử lý điện tử theo<br />
phương pháp chồng nhiều ảnh thu được để lấy một ảnh có chất lượng cao. Với phương<br />
pháp đó, các loại camera có thể được nâng độ nhạy thêm đếm 1000 lần và có thể quan sát<br />
trong điều kiện đêm tối. Ưu thế nổi trội của các loại camera này là quan sát được cả ngày<br />
lẫn đêm với giá thành thấp, nhược điểm là tần số thấp (do phải chồng nhiều ảnh mới lấy<br />
được một ảnh) và ảnh không được thật đo xử lý điện tử nhiều. Bởi vậy, dù độ nhạy được<br />
nâng lên một cách đáng kể song vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu quan sát đêm cho<br />
quân sự.<br />
2.3. Khí tài ảnh nhiệt<br />
Như đã biết, hiện nay thiết bị ảnh nhiệt (TBAN) được ứng dụng rất rộng rãi trong đời<br />
sống dân sinh, trong lĩnh vực an ninh, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự. So với khí tài<br />
nhìn đêm khuyếch đại ánh sáng yếu và khí tài nhìn đêm truyền hình ánh sáng yếu, khí tài<br />
ảnh nhiệt có ưu thế hơn hẳn về khả năng phát hiện mục tiêu nhờ nguyên lý quan sát đặc<br />
trưng là bằng các bức xạ tự thân của mục tiêu quan sát. Như chúng ta đã biết, mọi vật trên<br />
trái đất, với nhiệt độ của nó, đều phát ra các bức xạ và mạnh nhất ở vùng bước sóng<br />
khoảng từ 3μm đến 15μm. Trong vùng bước sóng này có 2 vùng “cửa sổ khí quyển” là từ<br />
3μm đến 5μm và từ 8μm đến 12μm [3]. Đây là 2 vùng hoạt động chính của khí tài ảnh<br />
nhiệt. Ở những vùng bước sóng ánh sáng này, bức xạ tự thân của mục tiêu phát ra có<br />
cường độ lớn hơn nhiều so với bức xạ được phản xạ từ các nguồn phát tự nhiên khác. Bởi<br />
vậy, khí tài ảnh nhiệt có khả năng quan sát và phát hiện mục tiêu rất tốt, nhất là những<br />
mục tiêu có nhiệt độ chênh lệch lớn so với môi trường.<br />
Cho đến nay về cơ bản các quan điểm đều thống nhất cho rằng khí tài ảnh nhiệt được<br />
chia làm 3 thế hệ [4]. Các loại khí tài sử dụng đầu thu loại 1 phần tử hoặc 1 dải phần tử<br />
cảm biến (thường có số lượng ít khi quá 100 phần tử) được xếp vào loại thế hệ 1. Để thu<br />
được hình ảnh của không gian rộng phía trước người ta sử dụng các bộ quét quang cơ<br />
dòng mành. Độ nhạy nhiệt cỡ 0,2 oC - 0,3 oC, thời gian trễ khá lớn. Khí tài ảnh nhiệt thế hệ<br />
này được ứng dụng từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước và đến nay vẫn đang còn trong trang bị<br />
của một số nước.<br />
Loại thế hệ 2 là loại vẫn sử dụng đầu thu loại dải phẩn tử cảm biến hoặc ma trận cảm<br />
biến với số lượng từ vài trăm đến vài nghìn phần tử. Khi đó bộ quét quang cơ vẫn cần<br />
<br />
<br />
Tạp chí Nghiên cứu KH&CN quân sự, Số Kỷ niệm 55 năm Viện KHCNQS, 10 - 2015 31<br />
Những vấn đề chung<br />
<br />
thiết, nhưng đã đơn giản đi nhiều. Các khí tài ảnh nhiệt thế hệ 2 ra đời những năm 70 của<br />
thế kỷ 20. Độ nhạy nhiệt cỡ 0,1 oC - 0,2 oC. Đến nay, các đầu thu kiểu dải phần tử cảm<br />
biến này vẫn đang được tiếp tục phát triển nhằm ứng dụng cho một số lĩnh vực đặc biệt<br />
với độ nhạy nhiệt đạt được đến khoảng 0,05 oC.<br />
Thế hệ 3, ra đời vào những năm 80 của thế kỷ 20. Ở thế hệ này ma trận đầu thu có kích<br />
thước đạt từ hàng chục vạn đến hàng triệu phần tử. Do vậy, không cần bộ quét quang cơ<br />
nữa và cho hình ảnh thu được theo thời gian thực. Độ nhạy khí tài ảnh nhiệt thế hệ 3 đạt từ<br />
0,03 oC đến 0,08 oC.<br />
Có hai loại khí tài ảnh nhiệt: khí tài ảnh nhiệt sử dụng đầu thu có làm lạnh và khí tài<br />
ảnh nhiệt sử dụng đầu thu không làm lạnh. Khí tài ảnh nhiệt có làm lạnh cho chất lượng<br />
quan sát tốt nhất song kết cấu khá cồng kềnh, thời gian khởi động lâu và giá thành đắt, bởi<br />
vậy chủ yếu được dùng cho các mục đích quan sát tầm xa.<br />
2.4. Khí tài nhìn đêm theo nguyên lý laser xung chủ động<br />
Đặc trưng của khí tài nhìn đêm theo nguyên lý laser xung chủ động là hoạt động ở chế<br />
độ xung. Một chùm tia laser được ăng ten phát đi chiếu sáng mục tiêu, chùm tia phản xạ<br />
quay về từ mục tiêu được kênh quan sát thu nhận và chuyển đổi thành ảnh nhìn thấy. Về<br />
cấu tạo, kênh quan sát đêm của khí tài nhìn đêm theo nguyên lý laser xung chủ động hoàn<br />
toàn giống như khí tài nhìn đêm khuyếch đại ánh sáng mờ. Chỉ khác là trong hệ quang của<br />
nó sử dụng bộ biến đổi quang điện hoạt động đóng mở liên tục đồng bộ với các xung laser<br />
phát. Do hoạt động theo nguyên lý xung nên khí tài này có khả năng quan sát được một<br />
vùng không gian ở một khoảng cách nhất định mà người quan sát đã chọn trước. Chất<br />
lượng quan sát của loại khí tài này rất tốt do có đủ nguồn sáng và ít bị ảnh hưởng bởi ánh<br />
sáng nhiễu ở vùng không gian khác [5]. Công nghệ chiếu sáng trong thời gian cực ngắn<br />
cũng đảm bảo khả năng bí mật và an toàn khi quan sát. Tuy nhiên, việc chế tạo loại khí tài<br />
này đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao nên mặc dù đã được nghiên cứu từ khoảng nửa cuối của<br />
thế kỷ trước, song đến nay chỉ mới một số nước tiên tiến sở hữu được loại khí tài này.<br />
Ưu điểm của khí tài nhìn đêm theo nguyên lý laser xung chủ động là có khả năng hoạt<br />
động được ở cả 3 chế độ: thụ động, chủ động liên tục và xung chủ động trong điều kiện cả<br />
ngày lẫn đêm, trong điều kiện thời tiết hết sức phức tạp. Thiết bị có khả năng đo cự ly<br />
tương đối chính xác với sai số đạt đến ±5m. Tuy nhiên, nhược điểm của khí tài loại này là<br />
có trường nhìn hẹp, không thuận lợi cho việc sục sạo tìm kiếm mục tiêu.<br />
<br />
3. XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA KHÍ TÀI NHÌN ĐÊM<br />
3.1. Khí tài nhìn đêm khuếch đại ánh sáng yếu<br />
Khả năng hoạt động của khí tài nhìn đêm khuếch đại ánh sáng yếu phụ thuộc nhiều vào<br />
các điều kiện của môi trường nhất là cường độ chiếu sáng. Dãi phổ hoạt động của dòng khí<br />
tài này lại bị hạn chế trong khoảng từ 0,4 μm đến 0,9 μm nên khó phát hiện được các thiết<br />
bị phát tia laser của đối phương. Bởi vậy, hiện nay người ta đang phát triển khí tài nhìn<br />
đêm khuếch đại ánh sáng yếu (KĐASY) theo xu hướng tăng độ nhạy và mở rộng dải phổ<br />
hoạt động của bộ biến đổi quang điện [6].<br />
Để thực hiện điều này hiện đã có một số giải pháp như sử dụng photocathode GaAs<br />
hợp kim hóa In; sử dụng bộ BĐQĐ kiểu áp điện. vv.. những giãi pháp này không những<br />
làm tăng hệ số khuếch đại mà còn cho phép tăng dãi phổ làm việc của của khí tài nhìn đêm<br />
lên đến 1,7 μm. Nhờ vậy, khí tài nhìn đêm KĐASY trong tương lai hoàn toàn có khả năng<br />
phát hiện được đo xa laser, thiết bị chỉ thị bằng laser, thiết bị quan sát và định vị bằng laser<br />
của đối phương.vv.. Ngoài ra, chất lượng quan sát cũng tốt hơn nhiều do trong vùng phổ từ<br />
1,4 μm -1,8 μm độ tương phản giữa mục tiêu và phông nền cao hơn và ổn định hơn so với<br />
dãi phổ từ 0,4 μm - 0,9 μm.<br />
<br />
<br />
32 Nguyễn Thu Cầm, …, “Tình hình nghiên cứu… nhìn đêm trong lĩnh vực quân sự.”<br />
Những vấn đề chung<br />
<br />
3.2. Khí tài ảnh nhiệt<br />
Hiện nay, kỹ thuật ảnh nhiệt vẫn đang là lĩnh vực được nhiều nước quan tâm nghiên<br />
cứu và ứng dụng. Để nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cho mục đích quân sự, xu<br />
hướng phát triển các khí tài ảnh nhiệt hiện nay tập trung vào 3 nội dung chính như sau:<br />
Nâng cao khả năng công nghệ trong chế tạo đầu thu [7]:<br />
- Chế tạo ra những đầu thu có đặc tính cao: số phần tử điểm ảnh lớn, kích<br />
thước điểm ảnh (pixel size) nhỏ, độ nhạy cao, độ mất đồng nhất (NU) thấp, dải<br />
nhiệt động học rộng. vv…<br />
- Tạo ra các ma trận thu dạng lưỡng phổ, tức là ma trận đầu thu làm việc<br />
được đồng thời ở cả 2 dải phổ hồng ngoại 3 µm - 5 µm và 8 µm - 14 µm [8];<br />
- Tạo ra các ma trận thu không làm lạnh làm việc ở dải phổ 3 µm - 5 µm<br />
[9];<br />
- Nghiên cứu công nghệ chế tạo đầu thu làm lạnh dạng siêu mạng [10].<br />
Công nghệ chế tạo ống kính<br />
Nhằm tạo ra các ống kính có đặc tính quang học cao (tiêu cự hàng mét) với kết<br />
cấu đơn giản, tăng độ bền của lớp mạ bằng các lớp phủ bảo vệ như DLC.<br />
Tích hợp xử lý ảnh<br />
Nghiên cứu, phát triển công nghệ xử lý tín hiệu nhằm tách giảm nhiễu, tăng độ<br />
tương phản, tăng ngưỡng động.vv.. qua đó nâng cao chất lượng ảnh và tăng khả<br />
năng quan sát của khí tài ảnh nhiệt.<br />
3.3. Khí tài nhìn đêm theo nguyên lý bức xạ hồng ngoại bước sóng ngắn<br />
Trong thời gian gần đây, một dạng khí tài mới hoạt động trong vùng hồng ngoại ngắn<br />
0,8 μm đến 2,5 μm đang được phát triển song được đánh giá khá cao. Loại này cũng có thể<br />
coi là một dạng lai tạp của ảnh nhiệt và truyền hình ánh sáng yếu. Tuy ở vùng 0,8 μm đến<br />
2μm bức xạ tự thân của mục tiêu có cường độ không lớn hơn bức xạ phản xạ từ các nguồn<br />
sáng khác, song có ưu điểm [11]:<br />
- Vùng 1μm đến 2μm ít bị hấp thụ bởi các son khí nên loại khí tài này có khả năng hoạt<br />
động tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt (sương mù, khói);<br />
- Hầu hết các vật liệu sử dụng ở vùng này đều là các vật liệu quang học thông thường<br />
nên có dễ dàng gia công và kiểm soát chất lượng gia công hơn rất nhiều so với ảnh nhiệt<br />
vùng hồng ngoại trung và hồng ngoại xa;<br />
- Vùng bước sóng hoạt động trùng với bước sóng của hầu hết các loại đo xa laser nên<br />
dễ dàng tích hợp hoặc phát hiện hoạt động đo xa laser.<br />
3.4. Khí tài nhìn đêm theo nguyên lý mới<br />
Do các loại khí tài nhìn đêm hiện nay bị hạn chế về trường nhìn, lại có khối lượng cồng<br />
kềnh nên khi trang bị cho cá nhân sử dụng không thuận tiện. Hiện nay một số nước tiên<br />
tiến có thể đã và đang đi theo những hướng nghiên cứu mới. Một trong những thông tin<br />
mà quân đội Mỹ đang nghiên cứu đó là sử dụng kính nhìn đêm áp tròng.<br />
Loại kính nhìn đêm áp tròng sử dụng một nam châm vĩnh cửu đất hiếm dạng gel làm từ<br />
Neodym, sắt và Bo với vai trò tạo ra một từ trường cực mạnh. Từ trường này sẽ cung cấp<br />
năng lượng cho kính nhìn đêm áp tròng dựa vào hiện tượng cảm ứng từ. Mắt kính loại áp<br />
tròng có thể khuếch đại ánh sáng yếu trong môi trường đêm tối lên rất nhiều lần. Ưu điểm<br />
của kính nhìn đêm áp tròng là cho trường nhìn siêu rộng như trường nhìn tự nhiên của mắt<br />
người, khối lượng lại rất nhỏ, sử dụng thuận tiện. Dù cho chưa có thông tin trực tiếp nào từ<br />
cơ quan chức năng Hoa Kỳ xác nhận hay phủ nhận tin này, nhưng chúng ta hoàn toàn có<br />
thể tin vào sự tồn tại của loại kính nhìn đêm ưu việt này.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Tạp chí Nghiên cứu KH&CN quân sự, Số Kỷ niệm 55 năm Viện KHCNQS, 10 - 2015 33<br />
Những vấn đề chung<br />
<br />
4. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG KHÍ TÀI NHÌN ĐÊM<br />
TRONG QUÂN ĐỘI TA<br />
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm và đầu tư của Bộ Quốc phòng, lĩnh vực<br />
nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật nhìn đêm trong quân đội ta đã có những bước tiến vượt<br />
bậc. Trong đó đáng kể nhất là lĩnh vực nhìn đêm khuyếch đại ánh sáng mờ. Cho đến nay<br />
chúng ta về cơ bản đã hoàn toàn làm chủ thiết kế và công nghệ chế tạo các loại khí tài<br />
quan sát và ngắm bắn cho hầu hết các loại vũ khí như: vũ khí bộ binh, các loại pháo bắn<br />
thẳng, các loại khí tài quan sát và ngắm bắn trên xe tăng - thiếp giáp. Chúng ta cũng đã<br />
làm chủ thiết kế và công nghệ chế tạo khí tài nhìn đêm truyền hình ánh sáng yếu trên cơ sở<br />
sử dụng biến đổi quang điện (BĐQĐ) ghép nối với CCD bằng hệ quang và thuật toán xử<br />
lý ảnh.<br />
Đối với khi tài nhìn đêm theo nguyên lý ảnh nhiệt, hiện chúng ta mới làm chủ được về<br />
mặt thiết kế trên cơ sở sử dụng ma trận đầu thu mua của nước ngoài. Công nghệ gia công<br />
linh kiện quang học cho loại thiết bị này trong những năm gần đây đã có một vài cơ sở<br />
trong quân đội ta nghiên cứu, và đã thu được những kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, để<br />
hoàn toàn làm chủ công nghệ gia công chắc chúng ta còn phải mất một số năm nữa.<br />
Các loại khí tài nhìn đêm theo nguyên lý laser xung chủ động và khí tài nhìn đêm theo<br />
nguyên lý bức xạ hồng ngoại bước sóng ngắn đòi hỏi nền kỹ thuật cao của đa ngành như:<br />
quang học, laser, cơ khí, kỹ thuật điện tử và công nghệ xử lý tín hiệu. Hiện chúng ta chỉ<br />
mới bước đầu đặt chân vào nghiên cứu trong các lĩnh vực này.<br />
Trong những năm tiếp theo, chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn toàn làm<br />
chủ công nghệ chế tạo linh kiện quang học vùng ảnh nhiệt cũng như đẩy mạnh hơn nữa<br />
mức độ đầu tư cho nghiên cứu trong các lĩnh vực bức xạ hồng ngoại bước sóng ngắn và<br />
laser xung chủ động, tiến tới làm chủ hoàn toàn các công nghệ này nhằm phục vụ cho mục<br />
đích quân sự.<br />
<br />
5. KẾT LUẬN<br />
Chúng ta biết rằng trong chiến tranh hiện đại ngày nay, tác chiến ban đêm đã và đang là<br />
một xu hướng tất yếu. Sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật quân sự nói chung và<br />
sự phát triển của lĩnh vực nhìn đêm nói riêng trong thời gian qua đã mang lại những ưu thế<br />
rất lớn trên chiến trường cho quân đội các nước tiến tiến trên thế giới. Qua các cuộc chiến<br />
tranh trong vòng vài ba thập niên trở lại đây càng cho chúng ta thấy rõ vai trò quan trọng<br />
của các trang thiết bị nhìn đêm. Sự có mặt của những loại thiết bị nhìn đêm như khuyếch<br />
đại ánh sáng mờ, ảnh nhiệt,v.v. về căn bản sẽ gây nhiều bất lợi cho cách đánh truyền thống<br />
dựa vào ban đêm của ta. Làm cho đêm tối trở nên "trong suốt", đêm tối không còn là bạn<br />
của chúng ta nữa. Thực trạng này đặt ra cho quân đội ta những thách thức mới trong chiến<br />
thuật phòng tránh, đánh trả đối phương được trang bị vũ khí công nghệ cao. Đồng thời đặt<br />
ra yêu cầu cấp bách cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu trong lĩnh vực nhìn đêm<br />
phải nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất để<br />
nghiên cứu, thiết kế chế tạo ra thật nhiều khí tài nhìn đêm có chất lượng cao, sớm đưa vào<br />
sản xuất để trang bị cho quân đội, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
[1]. Krzysztof Chrzanowski, “Review of night vision technology”. Opto-Electronics<br />
Review, Vol. 21, No. 2 (2013), pp. 153-181.<br />
[2]. Krzysztof Chrzanowski, “Review of infrared systems”. 2005.<br />
<br />
<br />
<br />
34 Nguyễn Thu Cầm, …, “Tình hình nghiên cứu… nhìn đêm trong lĩnh vực quân sự.”<br />
Những vấn đề chung<br />
<br />
[3]. Michael C.Dudzik, “The infrared and electro-optical systems handbook”. Vol. 4-<br />
Electro-optical systems design, analysis and testing (1993).<br />
[4]. Binbow company, “Состояние и перспективы развития техники ночного<br />
видения”. 2005.<br />
[5]. Карасик В.Е., “Орлов В.М. Лазерные системы видения.МГТУ им Баумана”.<br />
2001.<br />
[6]. Н. Ф. Кощавцев, Ю. Г. Эдельштейн, В. Г. Волков, А. А. Толмачев, С. Ф.<br />
Федотова, Т. К. Кирчевская, “Специальное конструкторское бюро техники<br />
ночного видения (СКБ ТНВ). Приборы и прицелы ночного видения в<br />
СССР/России. История создания”.<br />
[7]. http://www.ulis-ir.com/index.php?infrared-detector=products.<br />
[8]. Nibir K. Dhar, Ravi Dat and Ashok K. Sood, “Advances in Infrared Detector Array<br />
Technology”. 2009.<br />
[9]. http://www.niteurope.com/en.html<br />
[10]. http://www.ir-nova.se/<br />
[11]. Ronald G. Driggers, Van Hodgkin, Richard Vollmerhausen, “What Good Is SWIR -<br />
Passive Day Comparison of VIS, NIR, and SWIR”. Proc. of SPIE, Vol. 8706 (2013).<br />
<br />
<br />
Nhận bài ngày 15 tháng 07 năm 2015<br />
Hoàn thiện ngày 15 tháng 8 năm 2015<br />
Chấp nhận đăng ngày 05 tháng 9 năm 2015<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Địa chỉ: Viện Vật lý Kỹ thuật, Viện KH-CNQS;<br />
* Trung tá TS, Phó Viện trưởng; Email: nguyenthucam2003@yahoo.com.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Tạp chí Nghiên cứu KH&CN quân sự, Số Kỷ niệm 55 năm Viện KHCNQS, 10 - 2015 35<br />