Người tiến hành tố tụng trong Viện kiểm sát<br />
nhân dân đối với các vụ án hình sự<br />
Nguyễn Trọng Nghĩa<br />
Khoa Luật<br />
Luận văn ThS. ngành: Luật hình sự; Mã số: 60 38 40<br />
Người hướng dẫn: PGS.TS Trần Văn Độ<br />
Năm bảo vệ: 2010<br />
Abstract. Những vấn đề về lý luận về người tiến hành tố tụng trong Viện kiểm sát<br />
nhân dân đối với các vụ án hình sự. Thực trạng người tiến hành tố tụng trong Viện<br />
kiểm sát nhân dân đối với các vụ án hình sự. Một số giải pháp góp phần nâng cao<br />
hiệu quả hoạt động của người tiến hành tố tụng trong Viện kiểm sát nhân dân đối với<br />
các vụ án hình sự.<br />
Keywords. Pháp luật Việt Nam; Luật hình sự; Kiểm sát viên; Vụ án hình sự; Tố<br />
tụng hình sự<br />
<br />
Content<br />
MỞ ĐẦU<br />
1. Tính cấp thiết của đề tài<br />
Kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thấy công cuộc<br />
cải cách tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan tư pháp, trong đó có cơ quan Viện<br />
kiểm sát nhân dân (VKSND) là một đòi hỏi có tính cấp bách và chiến lược, nên đã xác định:<br />
"Viện kiểm sát nhân dân tập trung thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư<br />
pháp". Điều này đã được tái khẳng định và làm rõ tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc<br />
lần thứ X: "Đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Cải cách tư<br />
pháp khẩn trương, đồng bộ... thực hiện cơ chế công tố gắn liền với hoạt động điều tra" .<br />
Thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong việc giải quyết các vụ<br />
án hình sự là hai chức năng quan trọng nhất của VKSND, bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét<br />
xử và thi hành án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không làm oan người vô tội,<br />
đồng thời không để sót lọt tội phạm, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế<br />
độ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân…<br />
Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trên, trong thời gian qua ngành kiểm sát đã không ngừng<br />
nâng cao chất lượng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là việc giải<br />
quyết các vụ án hình sự. Kết quả cho thấy, ngành Kiểm sát nhân dân đã thực hiện tốt chức năng<br />
thực hành quyền công tố và kiểm sát các các hoạt động tư pháp, góp phần không nhỏ vào công<br />
cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm trong thời kỳ mới.<br />
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác thực hành quyền công<br />
tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của VKSND vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế nhất<br />
định, như: việc Tòa án, Viện kiểm sát (VKS) phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại<br />
nhiều lần; việc bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự còn nhiều oan sai, đình chỉ vụ án<br />
<br />
vì bị can, bị cáo không có tội…nhiều trường hợp VKS đã phải bồi thường cho người bị oan,<br />
sai theo Nghị quyết số 388 ngày 17/3/2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Có nhiều<br />
nguyên nhân dẫn đến những tồn tại nêu trên, trong đó có nguyên nhân từ nhận thức, trình độ,<br />
năng lực của người tiến hành tố tụng trong VKSND; từ các quy định của pháp luật có liên<br />
quan đến địa vị pháp lý, tổ chức và hoạt động của VKSND, người tiến hành tố tụng trong<br />
VKSND… Nhưng cho dù là nguyên nhân nào, thì những hạn chế đó cũng mang lại hậu quả<br />
rất lớn, không những gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, tài sản của người bị oan sai mà<br />
còn làm mất uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đồng thời làm giảm lòng tin của nhân<br />
dân đối với công lý và pháp luật.<br />
Trước tình hình đó, việc tiếp tục nghiên cứu sâu sắc hơn nữa những vấn đề lý luận và thực<br />
tiễn về người tiến hành tố tụng trong VKSND đối các vụ án hình sự, từ đó đưa ra kiến giải lập<br />
pháp là mô hình lý luận và các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của những người này trong<br />
quá trình giải quyết các vụ án hình sự, không những có ý nghĩa lý luận - thực tiễn và pháp lý quan<br />
trọng, mà còn là vấn đề mang tính cấp thiết. Đây cũng là lý do luận chứng cho việc chúng tôi<br />
quyết định chọn đề tài "Người tiến hành tố tụng trong Viện kiểm sát nhân dân đối với các vụ<br />
án hình sự " làm luận văn Thạc sĩ luật học của mình.<br />
2. Tình hình nghiên cứu<br />
Từ khi có Bộ luật Tố tụng hình sự 1988 và cả sau khi Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 ra<br />
đời, đã có một số công trình nghiên cứu về người tiến hành tố tụng và cơ quan tiến hành tố<br />
tụng trong cơ quan điều tra như: Đề tài nghiên cứu "Cơ quan điều tra, Thủ trưởng cơ quan<br />
điều tra và Điều tra viên" của tác giả Đỗ Ngọc Quang, Nhà xuất bản Công an nhân dân,<br />
2000; Luận án tiến sĩ Luật học của Đào Hữu Dân: "Mối quan hệ giữa Cơ quan cảnh sát điều<br />
tra với Viện kiểm sát trong điều tra vụ án hình sự", 2006; nhưng chưa có một công trình<br />
nghiên cứu riêng biệt và toàn diện về người tiến hành tố tụng các vụ án hình sự trong<br />
VKSND.<br />
Năm 2009, tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, tác giả Trần Mạnh Đông đã công bố<br />
luận văn thạc sĩvới đề tài: "Tăng thẩm quyền cho Kiểm sát viên trong quá trình tố tụng hình<br />
sự - Một yêu cầu tất yếu của tiến trình cải cách tư pháp ở Việt Nam", nhưng luận văn này chỉ<br />
nghiên cứu về tăng thẩm quyền của Kiểm sát viên theo Bộ luật Tố tụng hình sự trong quá<br />
trình giải quyết vụ án hình sự theo nội dung cải cách tư pháp. Ngoài ra, còn một số đề tài<br />
nghiên cứu có liên quan, như đề tài nghiên cứu khoa học tại Trường đào tạo bồi dưỡng<br />
nghiệp vụ kiểm sát về: "Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà hình<br />
sự" năm 2003; Luận văn thạc sĩ Luật học năm 2008 của Nguyễn Trọng Hải về đề tài "Người<br />
tiến hành tố tụng trong cơ quan điều tra - những vấn đề lý luận và thực tiễn".<br />
Như vậy, có thể nói cho đến nay, đã có một số công trình nghiên cứu về người tiến hành<br />
tố tụng trong việc giải quyết các vụ án hình sự, nhưng mỗi công trình đó mới chỉ dừng lại ở<br />
một số lĩnh vực hoặc trên phạm vi nghiên cứu chung về người tiến hành tố tụng ở tất cả các<br />
cơ quan tiến hành tố tụng hoặc người tiến hành tố tụng trong cơ quan điều tra, mà chưa có<br />
một công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện về người tiến hành tố tụng trong VKSND<br />
đối với các vụ án hình sự.<br />
Trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhất là khi thực<br />
hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, vấn đề này cần được làm sáng tỏ hơn về mặt<br />
lý luận và thực tiễn, làm cơ sở cho việc hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan,<br />
đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của VKSND trong công tác thực hành quyền công tố<br />
và kiểm sát các hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu cấp bách về cải cách tư pháp mà Đảng và<br />
Nhà nước ta đã đặt ra.<br />
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn<br />
3.1. Mục đích nghiên cứu<br />
Luận văn nghiên cứu "người tiến hành tố tụng trong Viện kiểm sát nhân dân đối với các vụ<br />
án hình sự" nhằm làm sáng tỏ một cách có hệ thống về mặt lý luận những nội dung cơ bản liên<br />
<br />
quan đến người tiến hành tố tụng tại VKSND và việc áp dụng chế định này trong thực tiễn, từ đó<br />
xác định những điểm hạn chế, vướng mắc về lý luận cũng như thực tiễn, để đề xuất kiến giải lập<br />
pháp bằng việc đưa ra mô hình lý luận của các quy phạm về người tiến hành tố tụng các vụ án hình<br />
sự trong VKSND, cũng như đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của người tiến hành<br />
tố tụng trong VKSND khi giải quyết các vụ án hình sự.<br />
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu<br />
Từ mục đích nghiên cứu nêu trên, tác giả luận văn đặt cho mình các nhiệm vụ nghiên cứu<br />
chủ yếu sau:<br />
Về mặt lý luận:<br />
+ Luận giải về vị trí, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố<br />
tụng trong VKSND đối với các vụ án hình sự, được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm<br />
2003, Luật Tổ chức VKSND, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND và các văn bản pháp luật tố tụng<br />
hình sự khác. Mối quan hệ giữa những người tiến hành tố tụng trong công tác thực hành<br />
quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của VKSND.<br />
+ Nghiên cứu thực trạng về đội ngũ và hoạt động của Kiểm sát viên trong quá trình giải<br />
quyết vụ án hình sự.<br />
+ Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự ở nước ta, đặc biệt là<br />
việc cơ cấu, tổ chức lại cơ quan VKSND theo tinh thần Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày<br />
24/5/2005 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị mà trước hết là<br />
nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của<br />
Kiểm sát viên trong giải quyết các vụ án hình sự.<br />
Về mặt thực tiễn:<br />
+ Nghiên cứu, đánh giá lại thực tiễn hoạt động của Viện trưởng, Phó viện trưởng và<br />
Kiểm sát viên trong việc giải quyết các vụ án hình sự ở nước ta trong thời gian qua, xác định<br />
địa vị pháp lý đúng đắn cho người tiến hành tố tụng trong VKSND những năm tiếp theo.<br />
+ Nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân tác động tiêu cực đến hoạt động đúng đắn của người<br />
tiến hành tố tụng trong VKSND, từ đó có những kiến giải hữu hiệu xây dựng đội ngũ này<br />
thực sự lớn mạnh và hoạt động chỉ tuân theo pháp luật, củng cố niềm tin của nhân dân vào<br />
pháp luật và các cơ quan bảo vệ pháp luật.<br />
4. Cơ sở lý luận và các phương pháp nghiên cứu<br />
Cơ sở lý luận của luận văn là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí<br />
Minh, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về cải cách tư pháp, cũng như thành tựu của các<br />
chuyên ngành khoa học pháp lý như: lịch sử pháp luật, lý luận về Nhà nước và pháp luật, xã<br />
hội học pháp luật, luật hình sự, tội phạm học, luật tố tụng hình sự và triết học, những luận<br />
điểm khoa học trong các công trình nghiên cứu, sách chuyên khảo và các bài viết đăng trên<br />
tạp chí của một số nhà khoa học luật hình sự và tố tụng hình sự.<br />
Luận văn sử dụng một số phương pháp tiếp cận cụ thể để làm sáng tỏ về mặt khoa học<br />
từng vấn đề tương ứng, đó là các phương pháp nghiên cứu như: lịch sử, so sánh, phân tích,<br />
tổng hợp, thống kê; nghiên cứu hồ sơ vụ án, báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề của<br />
VKSNDTC. Ngoài ra, tác giả cũng tiếp thu có chọn lọc kết quả của của các công trình đã<br />
công bố; các đánh giá, tổng kết của cơ quan chuyên môn và các chuyên gia về những vấn đề<br />
có liên quan đến tổ chức và hoạt động của người tiến hành tố tụng trong VKSND.<br />
5. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn<br />
Về mặt lý luận: Kết quả luận văn góp phần xây dựng một cái nhìn toàn diện về địa vị<br />
pháp lý và hoạt động của người tiến hành tố tụng trong VKSND đối với các vụ án hình sự,<br />
đồng thời thấy được trách nhiệm cũng như vai trò của VKSND trong công cuộc đấu tranh<br />
phòng chống tội phạm hiện nay.<br />
Về thực tiễn: Luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu, học tập trong các<br />
cơ sở đào tạo, trong hoạt động nghiệp vụ của Kiểm sát viên và lãnh đạo VKSND. Những đề<br />
xuất, kiến nghị của luận văn sẽ cung cấp các luận cứ khoa học, làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ<br />
<br />
sung các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về tổ chức, hoạt động của người tiến hành tố<br />
tụng các vụ án hình sự trong cơ quan VKSND.<br />
6. Kết cấu của luận văn<br />
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của uận văn<br />
gồm 3 chương:<br />
Chương 1: Những vấn đề về lý luận về người tiến hành tố tụng trong Viện kiểm sát nhân<br />
dân đối với các vụ án hình sự.<br />
Chương 2: Thực trạng người tiến hành tố tụng trong Viện kiểm sát nhân dân đối với các<br />
vụ án hình sự.<br />
Chương 3: Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của người tiến hành tố<br />
tụng trong Viện kiểm sát nhân dân đối với các vụ án hình sự.<br />
Chương 1<br />
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ NGƯỜI TIẾN HÀNH TỐ TỤNG TRONG VIỆN<br />
KIỂM SÁT NHÂN DÂN ĐỐI VỚI CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ<br />
1.1. Khái niệm, vị trí, vai trò và nguyên tắc hoạt động của người tiến hành tố tụng trong<br />
Viện kiểm sát nhân dân đối với các vụ án hình sự<br />
1.1.1. Khái niệm người tiến hành tố tụng trong Viện kiểm sát nhân dân<br />
Người tiến hành tố tụng trong VKSND đối với các vụ án hình sự, bao gồm Kiểm sát viên,<br />
Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS, những người được bổ nhiệm và có những nhiệm vụ,<br />
quyền hạn xác định theo quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công<br />
tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp nhằm phát hiện, xử lý kịp thời tội phạm và người phạm<br />
tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, bảo đảm lợi ích nhà nước, quyền và<br />
lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.<br />
1.1.2. Vị trí, vai trò của người tiến hành tố tụng trong Viện kiểm sát nhân dân đối với<br />
các vụ án hình sự<br />
Người tiến hành tố tụng trong VKSND có vị trí, vai trò rất quan trọng trong tố tụng hình<br />
sự với nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng<br />
hình sự nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý kịp thời; việc khởi tố, điều<br />
tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm<br />
và người phạm tội, không làm oan người vô tội.<br />
1.1.3. Các nguyên tắc trong hoạt động tố tụng của người tiến hành tố tụng các vụ án<br />
hình sự trong Viện kiểm sát nhân dân<br />
Nguyên tắc của pháp luật tố tụng hình sự là tư tưởng chủ đạo và là định hướng cơ bản<br />
được thể hiện trong pháp luật tố tụng hình sự cũng như trong việc giải thích và trong thực<br />
tiễn áp dụng pháp luật tố tụng hình sự thông qua một hay nhiều quy phạm của nó. Viện<br />
trưởng, Phó Viện trưởng và Kiểm sát viên khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ giải quyết các<br />
vụ án hình sự cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc đó, trong đó cần chú trọng các nguyên<br />
tắc sau:<br />
Nguyên tắc thứ nhất, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa (Điều 3 Bộ luật Tố tụng hình sự<br />
(BLTTHS)).<br />
Khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp đối<br />
với các vụ án hình sự, Viện trưởng, Phó Viện trưởng và Kiểm sát viên phải tuân thủ nghiêm<br />
chỉnh các quy định của Bộ luật Hình sự và BLTTHS, bảo đảm tất cả hành vi tội phạm phải được<br />
truy cứu trách nhiệm hình sự; việc giải quyết của Cơ quan điều tra, VKS và Toà án phải bảo<br />
đảm tính khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.<br />
Nguyên tắc thứ hai, tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân (Điều 4<br />
BLTTHS)<br />
Theo quy định của BLTTHS, khi tiến hành tố tụng, Viện trưởng, Phó Viện trưởng và<br />
Kiểm sát viên trong phạm vi trách nhiệm của mình phải tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi<br />
<br />
ích hợp pháp của công dân; nếu thấy lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra không có căn cứ<br />
pháp luật thì VKS kiên quyết không phê chuẩn hoặc ra quyết định huỷ bỏ, đồng thời phải trả<br />
tự do ngay cho người bị bắt, tạm giữ, tạm giam.<br />
Nguyên tắc thứ ba, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật (Điều 52 Hiến pháp năm<br />
1992 và Điều 5 BLTTHS)<br />
Người tiến hành tố tụng trong VKSND phải "công minh, chính trực, khách quan, thận<br />
trọng" để việc giải quyết vụ án và hậu quả pháp lý của những người thực hiện hành vi trái<br />
pháp luật giống nhau phải chịu mức hình phạt như nhau.<br />
Nguyên tắc thứ tư, bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công<br />
dân (Điều 7 BLTTHS)<br />
Khi giải quyết vụ án hình sự, Viện trưởng, Phó Viện trưởng và Kiểm sát viên VKSND căn cứ<br />
chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ người<br />
bị hại, người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ<br />
khi tính mạng, sức khoẻ của người đó bị đe doạ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của họ bị xâm<br />
phạm.<br />
Nguyên tắc thứ năm, xác định sự thật khách quan của vụ án (Điều 10 BLTTHS)<br />
Theo nội dung của nguyên tắc này, Viện trưởng, Phó Viện trưởng và Kiểm sát viên<br />
VKSND phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách<br />
quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội,<br />
những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.<br />
Nguyên tắc thứ sáu, trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng<br />
(Điều 12 BLTTHS)<br />
Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải<br />
nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về những<br />
hành vi, quyết định của mình.<br />
Nguyên tắc thứ bảy, bảo đảm quyền được bồi thường của người bi thiệt hại do cơ quan<br />
hoặc người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự gây ra (Điều 30)<br />
Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ trọng tâm công<br />
tác tư pháp cũng đã xác định: nơi nào để xảy ra tình trạng bắt, tạm giữ, tạm giam oan sai, thì<br />
VKS nơi đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Cụ thể hoá nội dung này, Luật trách nhiệm bồi<br />
thường nhà nước năm 2009, có hiệu lực từ 01/01/2010 cũng quy định rõ những trường hợp<br />
VKSND phải bồi thường khi người tiến hành tố tụng các vụ án hình sự ở cơ quan mình để<br />
xảy ra oan sai.<br />
1.2. Khái quát các quy định của pháp luật về người tiến hành tố tụng các vụ án hình sự<br />
trong Viện kiểm sát nhân dân từ năm 1945 đến nay<br />
1.2.1. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1960<br />
Ngày 13/9/1945, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 33C về việc thành lập toà án quân<br />
sự, đây là cơ sở pháp lý đầu tiên của nhà nước dân chủ nhân dân, đánh dấu sự ra đời của hệ<br />
thống toà án, đồng thời cũng là văn bản pháp lý đầu tiên quy định về tổ chức và hoạt động<br />
của cơ quan công tố trong bộ máy nhà nước ta. Tại Điều V Sắc lệnh này quy định rõ chức<br />
năng công tố được tổ chức trong toà án quân sự: "Đứng buộc tội là một Uỷ viên quân sự hay<br />
một Uỷ viên của ban Trinh sát".<br />
Sau khi hoà bình đã được lập lại ở miền Bắc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị<br />
định số 256-TTg quy định về tổ chức và nhiệm vụ của Viện công tố. Uỷ ban công tố làm việc<br />
theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Đây là cơ sở để hình thành chức năng<br />
kiểm sát các hoạt động tư pháp của VKS ở các giai đoạn sau này.<br />
1.2.2. Giai đoạn từ năm 1960 đến năm 2002<br />
Theo Luật tổ chức VKSND năm 1960 thì người tiến hành tố tụng trong VKSND hoạt<br />
động theo nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành, không lệ thuộc vào bất cứ<br />
cơ quan, tổ chức, cá nhân nào của nhà nước ở địa phương và thực hiện chế độ thủ trưởng .<br />
<br />