Từ tiền mã hóa đến tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương: Một số vấn đề pháp lý đối với Việt Nam
lượt xem 6
download
Bài viết Từ tiền mã hóa đến tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương: Một số vấn đề pháp lý đối với Việt Nam nghiên cứu đề xuất khuyến nghị một số điều chỉnh về quan điểm chính sách cũng như pháp luật Việt Nam nhằm điều chỉnh hiệu quả các quan hệ xã hội phát sinh liên quan đến tiền mã hóa và CBDC.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Từ tiền mã hóa đến tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương: Một số vấn đề pháp lý đối với Việt Nam
- Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế Trang chủ: http://tapchi.ftu.edu.vn TỪ TIỀN MÃ HÓA ĐẾN TIỀN KỸ THUẬT SỐ NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG: MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ ĐỐI VỚI VIỆT NAM Phùng Thị Thu Hiền Vân1 Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Hà Nội, Việt Nam Bùi Khắc Tuấn Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Hà Nội, Việt Nam Ngày nhận: 01/04/2022; Ngày hoàn thành biên tập: 09/08/2022; Ngày duyệt đăng: 06/09/2022 Tóm tắt: Tiền mã hóa đã và đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Trong bối cảnh đó, số lượng các nước tham gia nghiên cứu để phát hành đồng tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương (CBDC) cũng tăng trong thời gian gần đây. Nghiên cứu này tìm hiểu quá trình phát triển của tiền mã hóa và CBDC, đồng thời phân tích, đánh giá chính sách, pháp luật của Việt Nam đối với những loại tiền tệ mới này. Trên sơ sở đó, nghiên cứu sẽ đề xuất khuyến nghị một số điều chỉnh về quan điểm chính sách cũng như pháp luật Việt Nam nhằm điều chỉnh hiệu quả các quan hệ xã hội phát sinh liên quan đến tiền mã hóa và CBDC. Từ khóa: Tiền mã hóa, Tiền ảo, Tiền kỹ thuật số, CBDC FROM CRYPTOCURENCIES TO CENTRAL BANK DIGITAL CURRENCIES: SOME LEGAL ISSUES FOR VIETNAM Abstract: Cryptocurrencies have been becoming popular all over the world. In that context, the number of countries doing research and considering launching their own digital currencies (widely known as Central Bank Digital Currencies - CBDC) has been increasing. This paper aims to study the development of cryptocurrencies and CBDC, and to analyze and evaluate Vietnam’s existing laws and policies on these new currencies. Subsequently, it makes suggestions and proposals to amend Vietnamese laws in order to effectively regulate cryptocurrencies and CBDC as well. Keywords: Cryptocurrencies, Virtual Currencies, Digital Currencies, CBDC 1 Tác giả liên hệ, Email: vanpth@nfsc.vn 108 Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 149 (09/2022)
- 1. Đặt vấn đề Tiền mã hóa, hay còn được gọi với một số thuật ngữ khác như tiền ảo (virtual currencies), tiền kỹ thuật số (digital currencies) … là những khái niệm đã xuất hiện không lâu và trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề pháp lý có thể gây tranh cãi liên quan đến tính chất, giá trị và khả năng đưa chúng vào trong lưu thông, giao dịch (Mishkin & Serletis, 2017). Vì vậy, một số nước đã có những bước đi nhằm mục đích nghiên cứu và ban hành những quy định phù hợp điều chỉnh về tiền mã hóa, trong đó có tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (Central Bank Digital Currency - CBDC). Việc tìm hiểu quá trình và xu hướng phát triển cũng như điều chỉnh bằng pháp luật đối với tiền mã hóa và CBDC là cần thiết đối với Việt Nam vì có thể giúp Việt Nam có được sự chuẩn bị và xây dựng được khung pháp lý phù hợp điều chỉnh về loại tiền này, từ đó đảm bảo được lợi ích hợp pháp của Nhà nước cũng như của các chủ thể khác. Do đó, trong bài viết này, bên cạnh việc phân tích những vấn đề khái quát về tiền mã hóa và CBDC, các tác giả sẽ làm rõ những giai đoạn phát triển của tiền mã hóa, CBDC; phân tích xu hướng phát triển của CBDC trên thế giới cũng như khung pháp luật điều chỉnh về tiền mã hóa, CBDC ở Việt Nam, từ đó, đề xuất định hướng và đưa ra khuyến nghị. 2. Khái quát về tiền mã hóa và tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương Hiện nay trên bình diện thế giới cũng như tại Việt Nam, các khái niệm tiền mã hóa, tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tiền điện tử… đều chưa có định nghĩa thống nhất mà thường được sử dụng với nhiều tên gọi khác nhau, dễ gây hiểu lầm và sai lệch bản chất. Ngay cả trong các báo cáo của các tổ chức tín dụng chuyên nghiệp như Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank for International Settlements - BIS) (BIS - CPMI, 2015; Bech & Garratt, 2017) các thuật ngữ như “digital currencies”, “virtual currencies” và “cryptocurrencies” cũng được dùng thay thế cho nhau vì BIS thừa nhận không có tên gọi nào là hoàn hảo cho những loại tiền mới này. Theo BIS, “digital” hàm ý loại tiền này được thể hiện dưới dạng số hóa, phi vật chất, còn “virtual” phản ảnh thực tế rằng các loại tiền tệ này được giao dịch trên môi trường mạng (ảo); song, về bản chất, các loại tiền này có thể được phát hành bằng công nghệ mã hóa (cryptography) nên cũng có thể gọi là tiền mã hóa (cryptocurrencies). Để thống nhất, nghiên cứu này trình bày khái quát về các loại tiền mới đặt trong mối tương quan so sánh với các loại tiền đã và hiện đang xuất hiện trên thế giới, bao gồm tiền hàng hóa, tiền mặt, tiền gửi tại ngân hàng thương mại và dự trữ ngân hàng trung ương. 2.1 Tiền mã hóa Trong báo cáo Tiền kỹ thuật số2, Ủy ban về Thanh toán và Cơ sở hạ tầng thị trường (Committee on Payments and Market Infrastructure - CPMI) thuộc BIS xác 2 Mặc dù tên báo cáo là Digital Currencies, nhưng báo cáo cũng lưu ý rằng đây là Cryptocurrencies vì sử dụng công nghệ Cryptography - công nghệ mã hóa. Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 149 (09/2022) 109
- định ba đặc tính của tiền mã hóa: là loại tiền ở dạng điện tử; không phải là khoản nợ của bất kỳ ai; giao dịch đồng đẳng P2P (không cần bên trung gian xác thực giao dịch) (CPMI, 2015). Sơ đồ Venn dưới đây cho thấy sự so sánh giữa tiền mã hóa với một số loại tiền khác: phần bên trong vòng tròn biểu hiện một đặc tính của tiền, phần bên ngoài hình tròn biểu hiện không có đặc tính đó. Như vậy, có thể thấy có các loại tiền như sau: Tiền mặt: không phải là dạng điện tử (tiền vật chất: tiền giấy hoặc xu); là khoản nợ của ngân hàng trung ương; và có đặc tính giao dịch đồng đẳng P2P. Tiền hàng hóa: không phải là dạng điện tử; không phải là khoản nợ của bất kỳ cá nhân/định chế tài chính nào; và có đặc tính giao dịch đồng đẳng P2P. Tiền gửi tại ngân hàng (bank deposits): đây là loại tiền ở dạng điện tử; là khoản nợ của ngân hàng thương mại và không có đặc tính giao dịch đồng đẳng P2P (cần bên trung gian là các ngân hàng thương mại để xác thực giao dịch). Tiền mã hóa (cryptocurrencies) nằm ở trung tâm, nơi giao nhau giữa 3 vòng tròn trong sơ đồ Venn: đây là tiền điện tử; không là khoản nợ của bất kỳ ai và có đặc tính giao dịch đồng đẳng P2P. Hình 1. Các đặc tính của tiền mã hóa Nguồn: BIS-CPMI (2015) Như vậy, từ những phân tích ở trên, có thể thấy tiền mã hóa là: (i) Tiền tồn tại dưới dạng điện tử (phi vật chất); (ii) Không phải là khoản nợ của bất kỳ cá nhân/tổ chức tín dụng và không được bảo đảm bởi các quốc gia; (iii) Được khởi tạo trên nền tảng công nghệ sổ cái phân tán (Distributed Ledger Technology - DLT), hay cụ thể là công nghệ chuỗi khối (blockchain) kết hợp với kỹ thuật mã hóa (cryptography); (iv) Có tính chất giao dịch đồng đẳng P2P và có thể được một nhóm người sử dụng mà không cần tới các tổ chức tín dụng trung gian. 110 Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 149 (09/2022)
- 2.2 Tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương Bjerg & Garratt (2017) cho rằng để hiểu được CBDC, trước tiên cần xem xét các dạng tiền tệ đang tồn tại trong hệ thống thanh toán và hệ thống ngân hàng: tiền mặt; tiền trong tài khoản ngân hàng thương mại và dự trữ tại ngân hàng trung ương (NHTW) (xem Hình 2). Tiền mặt bao gồm tiền giấy và tiền kim loại hợp pháp đang lưu thông trong nền kinh tế. Loại tiền này có thể tiếp cận được đối với tất cả những người sử dụng tiền trong nền kinh tế bao gồm cả những người sử dụng tiền tư nhân, các ngân hàng thương mại, ngân hàng trung ương và các chính phủ. Tiền trong tài khoản ngân hàng là các khoản nợ phải trả của ngân hàng thương mại ở dạng điện tử. Tài khoản tiền gửi ngân hàng này tạo thành tài sản cho người sử dụng tiền. Tất cả những người sử dụng tiền trong nền kinh tế đều có thể truy cập tiền trong tài khoản ngân hàng khi họ có tài khoản ngân hàng. Tiền ngân hàng được cung cấp vào nền kinh tế khi các ngân hàng thương mại ghi có vào tài khoản tiền gửi của người sử dụng tiền. Dự trữ tại ngân hàng trung ương là các khoản nợ tài khoản vãng lai được ghi lại bằng điện tử trên sổ cái của các ngân hàng trung ương. Số tiền này chỉ có thể truy cập được đối với những người sử dụng tiền có tài khoản với ngân hàng trung ương. Chủ sở hữu tài khoản ngân hàng trung ương thường chỉ bao gồm các ngân hàng thương mại, kho bạc và các ngân hàng trung ương nước ngoài. CBDC đều có đủ ba đặc tính: ở dạng điện tử, được tiếp cận rộng rãi và do NHTW hay cơ quan quản lý tiền tệ phát hành. Do đó, CBDC nằm ở trung tâm của biểu đồ Venn như hình dưới đây: Hình 2. Tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương Nguồn: Bjerg (2017). Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 149 (09/2022) 111
- Như vậy, có thể thấy CBDC là phiên bản số của tiền pháp định mà không phải là số dư dự trữ hoặc tài khoản thanh toán tại ngân hàng trung ương, có thể được sử dụng cho các mô hình bán buôn và bán lẻ để thanh toán và cất giữ giá trị. 2.3 So sánh tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương và các loại tiền khác Bech & Garratt (2017) kết hợp các đặc tính của tiền trong báo cáo của CPMI (2015) và của Bjerg (2017) để phân loại các loại tiền. Cách phân loại này của Bech và Garratt cũng được BIS sử dụng trong các báo cáo về CBDC. Sơ đồ Venn do Bech và Garratt xây dựng dựa trên mối quan hệ giữa bốn đặc điểm chính của tiền: chủ thể phát hành (ngân hàng trung ương hoặc chủ thể khác), hình thức (vật chất hoặc phi vật chất - điện tử), khả năng mà người sử dụng có thể tiếp cận (rộng rãi hoặc hạn chế) và công nghệ được sử dụng (dưới dạng mã thông báo (token-based) hoặc dưới dạng tài khoản (account-based)). Có thể thấy tiền được thiết kế trên cơ sở một trong hai công nghệ chính: mã thông báo có giá trị hoặc tài khoản được lưu trữ. Tiền mặt và nhiều loại tiền kỹ thuật số sử dụng công nghệ mã thông báo, còn số dư trong tài khoản dự trữ và hầu hết các loại tiền ngân hàng thương mại sử dụng công nghệ tài khoản. Điểm khác biệt chính giữa tiền dựa trên mã thông báo và tài khoản là hình thức xác thực cần thiết khi chúng được trao đổi. CBDC nằm ở trung tâm của biểu đồ Venn và bao gồm bốn dạng dựa theo mục đích (bán buôn và bán lẻ) và công nghệ (tài khoản và mã thông báo): CBDC tài khoản cho bán buôn; CBDC tài khoản cho bán lẻ (mục đích chung); CBDC dựa trên mã thông báo cho bán buôn; và CBDC dựa trên mã thông báo cho bán lẻ. Ở đây, CBDC tài khoản dành cho bán buôn chính là dữ trữ và tài khoản thanh toán tại NHTW mà ngân hàng và các định chế tài chính hiện đang nắm giữ. Xét về mục đích, CBDC bán buôn và CBDC bán lẻ là hai loại chính đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới (Lê & cộng sự, 2021b). Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai phiên bản CBDC bán buôn và CBDC bán lẻ là quyền truy cập hay đối tượng sử dụng. Phiên bản CBDC bán lẻ chính là dạng số của tiền mặt mà công chúng đang nắm giữ. Ngược lại, phiên bản CBDC bán buôn chỉ được phát hành cho ngân hàng và một số định chế tài chính nhằm thực hiện các giao dịch liên ngân hàng và thanh toán. CBDC bán lẻ phục vụ công chúng (như cá nhân, doanh nghiệp hay chủ thể kinh doanh khác) với công dụng để thanh toán và thay thế cho các loại tiền xu hay giấy đang được lưu hành. Loại tiền này không giống với các loại tiền khác như tiền chuyển khoản, thẻ thanh toán… vì nó là nghĩa vụ nợ trực tiếp của NHTW/cơ quan quản lý tiền tệ, còn các loại còn lại là nghĩa vụ nợ của các tổ chức tín dụng trung gian (Lê & cộng sự, 2021b). 112 Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 149 (09/2022)
- CBDC bán buôn được phát hành với mục đích chủ yếu là phục vụ thị trường liên ngân hàng. Đây là phiên bản được thiết kế để sử dụng giữa NHTW và ngân hàng thương mại nhằm mục đích thanh toán bù trừ cho những giao dịch lớn. Nó có đặc trưng tương tự với tài khoản thanh toán hoặc tiền dự trữ tại các NHTW hiện nay. Nó còn được lưu hành trong hệ thống tài chính hiện đại, ở đó các mã thông báo kết hợp với những thuật toán tự động xử lý các hợp đồng thông minh nhằm đánh giá vị thế tài chính của tổ chức tài chính và NHTW (Lê & cộng sự, 2021b). Hình 3. Sơ đồ Venn - bông hoa tiền Chú thích: (1) Tiền ảo (virtual currencies); (2) Tiền gửi ngân hàng (mobile money); (3) Tài khoản dự trữ và thanh toán tại NHTW; (4) CBDC bán lẻ, dạng tài khoản; (5) CBDC bán buôn, P2P; (6) CBDC bán lẻ, P2P; (7) Tiền mặt; (8) và (9) Tiền mã hóa (Cryptocurrencies); (10) Tiền hàng hóa. Nguồn: BIS-CPMI (2018) 3. Tóm tắt thực trạng phát triển tiền mã hóa và tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương Đối với tiền mã hóa, giai đoạn hình thành ý tưởng bắt đầu từ năm 1995 khi đồng tiền mã hóa ẩn danh, có tên gọi là Digicash đã được phát triển bởi David Chaum, một chuyên gia mã hóa người Hoa Kỳ. Đây có thể coi đây là dạng thức sơ khai của các khoản thanh toán điện tử (Lê & cộng sự, 2021a). Hơn 10 năm sau, đồng tiền mã Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 149 (09/2022) 113
- hóa ra đời đầu tiên vào tháng 10/2008 (Bitcoin) khi một người/nhóm người không rõ danh tính lấy tên Satoshi Nakamoto xuất bản một nghiên cứu (paper), hay còn gọi là sách trắng về hệ thống tiền điện tử ngang hàng với những mô tả chi tiết về chức năng của blockchain áp dụng cho đồng tiền này (Nakamoto, 2008). Từ năm 2016, tiền mã hóa do tư nhân tạo ra tiếp tục là xu thế chủ yếu trong lĩnh vực tài chính công nghệ. Giá đồng tiền mã hóa Bitcoin trong giai đoạn này cũng tăng đều qua các năm, đạt 998 USD vào tháng 01/2017, một mức tăng hơn 2 lần so với mức 434 USD vào đầu năm 2016. Một năm sau, Bitcoin đã được nâng cấp nhằm mục đích tạo ra Bitcoin cash để tăng khả năng xử lý hệ thống trên quy mô lớn. Điều này đã cho phép Bitcoin ngày càng được biết đến một cách rộng rãi và kinh doanh đồng tiền này đã trở thành một kênh đầu tư cho các nhà đầu tư trên thế giới. Một số quốc gia cũng đã ban hành quy định điều chỉnh Bitcoin, như Nhật Bản đã hợp pháp hóa thanh toán bằng Bitcoin (Nguyễn, 2018) hay ngân hàng Skandiabanken (Na Uy) đưa Bitcoin vào trong hệ thống thanh toán và công nhận đồng tiền này là một loại tài sản có thể đầu tư trên thị trường (Wiese-Hansen & Fiskerstrand, 2021). Sau đó, một số đồng tiền mã hóa khác như Ethereum, Libra (sau được đổi tên là đồng Diem) của Facebook… cũng đã được nghiên cứu và lưu thông. Đối với CBDC, Trung Quốc được cho là quốc gia đầu tiên sẽ phát hành loại tiền này (Lê & cộng sự, 2021c). Đối với CBDC, khảo sát của BIS3 (trích dẫn trong Boar & Wehli, 2021) cho thấy, số lượng các NHTW tham gia các hoạt động về CBDC tăng khá nhanh qua các năm. Năm 2016, khoảng 65% số ngân hàng trung ương được khảo sát đang có một số hoạt động về CBDC, có thể đang trong giai đoạn nghiên cứu, giai đoạn chứng minh tính khả thi hoặc giai đoạn phát triển thí điểm. Đến năm 2020, tỷ lệ các NHTW trên thế giới có các hoạt động về CBDC tăng lên thành 86%, trong đó gần 15% còn lại đang chuyển sang nghiên cứu thử nghiệm đồng tiền này. Xu hướng phát triển CBDC trên thế giới đang hình thành theo hai hướng chính. Thứ nhất, nhóm các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Đức, Anh, Nga... khá đồng nhất trong cách tiếp cận thận trọng đối với việc hình thành tiền CBDC vì những quan ngại về an ninh, an toàn và sự lành mạnh của hệ thống tài chính, hoạt động của hệ thống NHTM, việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ và sự phức tạp trong cấu trúc cũng như vận hành của hệ thống tài chính. Thứ hai, nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi có cách tiếp cận cởi mở hơn mà nhờ đó, đã có những chuyển biến tích cực khi phát hành và lưu thông CBDC. Cụ thể, nhóm tiên phong bao gồm các quốc gia như Trung Quốc, Thụy Điển, Uruguay, Barbados, Bahamas.... Ngoài ra, còn có nhóm nước đã hủy bỏ hoặc từ bỏ ý định phát hành đồng CBDC, bao gồm New Zealand, Thụy Sỹ, Haiti, Ecuador, Đan Mạch 3 Khảo sát của BIS gồm 65 ngân hàng trung ương (21 ở nhóm phát triển, 44 ở nhóm mới nổi và đang phát triển), đại diện cho 72% dân số thế giới và 91% sản lượng toàn cầu). 114 Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 149 (09/2022)
- và Phần Lan. Do khó xác định rõ ràng lợi ích từ sự ra đời tiềm năng của một CBDC trong bối cảnh hệ thống thanh toán hoạt động hiệu quả, chi phí vận hành thấp, cung cấp mức độ bảo mật, tính đa dạng và chức năng cao cho người dùng, đồng thời tiền mặt vẫn được sử dụng rộng rãi trong thanh toán. 4. Thực trạng khung pháp luật của Việt Nam về tiền mã hóa 4.1 Những văn bản của các cơ quan Nhà nước Việt Nam về tiền mã hóa Mặc dù văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không nhắc đến khái niệm tiền mã hóa (cryptocurrencies), song nội dung văn bản đề cập đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác nên có thể hiểu các văn bản này đề cập đến tiền mã hóa. 4.1.1 Các văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Ngày 27/02/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chính thức ra thông cáo báo chí về Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Theo NHNN, căn cứ các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Vì vậy, pháp luật không công nhận việc sử dụng Bitcoin hay những đồng tiền ảo khác trong hệ thống thanh toán của Việt Nam. Các định chế tài chính ở Việt Nam không được phép sử dụng những đồng tiền này cũng như không được coi chúng là: một loại tiền hoặc phương tiện thanh toán khi cung cấp dịch vụ có liên quan cho người sử dụng. Vì những rủi ro mà đồng tiền này có thể mang lại, NHNN cũng đưa ra những khuyến nghị cho các nhà đầu tư hoặc chủ thể khác không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo. Ngày 28/10/2017, trong thông cáo gửi các cơ quan thông tấn và báo chí, NHNN một lần nữa tuyên bố Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Đồng thời NHNN xác định việc phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Sau đó gần sáu tháng, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/04/2018 về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo. Theo Chỉ thị này, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và những đơn vị có liên quan triển khai đầy đủ các các biện pháp được nêu trong chỉ thị nhằm tăng cường kiểm soát, xử lý các giao dịch liên quan tới tiền ảo. 4.1.2 Các văn bản của Thủ tướng Chính phủ Dù đưa ra quan điểm cấm tiền ảo, tuy nhiên, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu hướng phát triển này. Vì vậy, từ góc độ chính sách, trong Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/08/2017 về việc phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, Thủ tướng Chính Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 149 (09/2022) 115
- phủ đã yêu cầu cần phải nghiên cứu và hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo. Yêu cầu này được đưa ra nhằm hai mục tiêu chính. Thứ nhất, nghiên cứu để thấy rõ bản chất của tiền ảo, nhất là nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài để rút ra bài học, khuyến nghị cho Việt Nam. Thứ hai, rà soát, đánh giá khung pháp luật hiện tại, từ đó đề xuất những công việc, kế hoạch hay bước đi cần thiết về hoàn thiện khung pháp luật đối với tiền ảo, trong đó nhấn mạnh tới việc kiểm soát rủi ro nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo và tính linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của thương mại điện từ và công nghệ. Sau đó, trong Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/04/2018 về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác (Thủ tướng Chính phủ, 2018), người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện nghiêm túc việc quản lý hoạt động về tiền ảo nhằm hạn chế những tác động bất lợi cho xã hội và xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật (nếu có). Trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hai Quyết định có nhiều ảnh hưởng tới việc phát triển tiền ảo ở Việt Nam. Đó là Quyết định số 942/QĐ- TTg ngày 15/06/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1813/QĐ-TTg về Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Trong Quyết định thứ nhất, NHNN đã được giao làm cơ quan chủ trì thực hiện nghiên cứu, thí điểm tiền ảo trên nền tảng blockchain trong giai đoạn 2021-2023. Trong khi đó, với quyết định thứ hai, Việt Nam đề xuất cần phải nghiên cứu để đưa ra chính sách, cơ chế về CBDC. 4.2 Đánh giá các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến tiền mã hóa Như trình bày ở trên, mặc dù một số văn bản đã được ban hành có nội dung đề cập đến tiền mã hóa4 song chúng không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, có thể thấy pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh liên quan đến loại tiền tệ/tài sản mới này. Điều này thực sự đặt ra khoảng trống pháp lý trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Trên thực tế, dưới góc độ pháp lý, cần xem xét tiền mã hóa dưới ba góc độ: tiền mã hóa có là tài sản không? Tiền mã hóa có là hàng hóa, dịch vụ không? Và tiền mã hóa có thể trở thành một công cụ thanh toán không?. Để trả lời ba câu hỏi này, nhóm tác giả sẽ tập trung phân tích từ các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam. 4.2.1 Về phương diện tài sản Theo quy định của Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015, “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bảo gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”. Quy định này cho thấy tài sản tồn tại ở một trong các dạng: vật, tiền, giấy tờ có giá và 3 Được gọi là tiền ảo trong các văn bản này 116 Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 149 (09/2022)
- quyền tài sản. Tiền mã hóa có thể là một trong những loại tài sản nêu trên không? Với những quy định hiện hành, câu trả lời cho vấn đề này khá rõ ràng. Cụ thể: Dưới góc độ “vật”, có thể thấy vật tồn tại dưới dạng hữu hình mà con người có thể cầm nắm, kiểm soát được. Ngược lại, tiền mã hóa không tồn tại hữu hình, do đó, không thể là “vật”. Dưới góc độ “tiền”, có thể thấy không có khái niệm về “tiền” trong hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện hành. Luật NHNN năm 2010 chỉ quy định về đơn vị tiền tệ của Việt Nam: “Đơn vị tiền của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “Đồng”, ký hiệu quốc gia là “đ”, ký hiệu quốc tế là “VND”, một đồng bằng mười hào, một hào bằng mười xu” và “Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 16). Sau đó, theo Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 101/2012/NĐ-CP), phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của NHNN (như thanh toán qua ví điện tử) (Điều 4). Theo quy định này, tiền pháp định hay phương tiện thanh toán ở Việt Nam không bao gồm tiền mã hóa. Dưới góc độ “giấy tờ có giá”, theo Thông tư số 04/2016/TT-NHNN ngày 15/04/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, “giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác” (Điều 3 khoản 1). Đồng thời, theo công văn số 141/TANDTC-KHXX ngày 11/09/2011, Tòa án Nhân dân tối cao có liệt kê một số loại giấy tờ có giá như sau: “a) Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 1 của Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005; b) Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005; c) Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điểm 16 Điều 3 của Luật quản lý nợ công năm 2009; d) Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; Hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định) được quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán năm 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2010); đ) Trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Điều 2 của Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ về “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp”. Do đó, theo pháp luật Việt Nam, tiền mã hóa không phải là giấy tờ có giá. Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 149 (09/2022) 117
- Dưới góc độ “quyền tài sản”, theo Bộ luật Dân sự năm 2015, “quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác” (Điều 115). Từ quy định này, có thể thấy tiền mã hóa không phải là đối tượng quyền sở hữu trí tuệ hay quyền sử dụng đất. Vậy tiền mã hóa có thể là “quyền tài sản khác” không? Về vấn đề này, hiện nay đang có những quan điểm không hoàn toàn giống nhau. Lê (2021) cho rằng tiền mã hóa có đầy đủ các đặc điểm của “quyền tài sản” như tính vô hình, có thể trị giá được bằng tiền, từ đó, có thể xác lập, chuyển giao hoặc chấm dứt quyền sở hữu. Có đồng quan điểm, Phan & Nguyễn (2019) nhấn mạnh quyền đối với tiền mã hóa là một loại quyền tài sản theo Bộ luật Dân sự năm 2015. Ngược lại, theo Trần & Nguyễn (2021), “tiền mã hóa” là đối tượng của quyền mà quan điểm trên nhận định chứ bản thân “tiền mã hóa” không phải là quyền. Quyền tài sản là một loại tài sản vô hình, nên xét về lý luận, nếu có hành vi xâm phạm đến quyền tài sản thì không thể áp dụng phương thức “kiện đòi lại tài sản” hay “kiện vật quyền” như đối với vật, mà chỉ có thể áp dụng phương thức khác như kiện yêu cầu chấm dứt hành vi hoặc kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, đối với “tiền mã hóa” với bản chất là một thuật toán (dãy số) trên nền tảng công nghệ blockchain nên những hành động nêu trên không áp dụng được. Hơn nữa, khi bị chiếm đoạt, chủ thể của tiền mã hóa bị xâm phạm thường có yêu cầu đòi lại số “tiền mã hóa” đó. Vì vậy, trong bài viết này, các tác giả đồng ý với nhận định của Trần & Nguyễn (2021), theo đó, tiền mã hóa hiện nay không phải là quyền tài sản hay nói rộng ra không phải là một loại tài sản mà Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định. 4.2.2 Về phương diện hàng hóa, dịch vụ Luật Thương mại năm 2005 quy định hàng hóa bao gồm tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai và những vật gắn liền với đất đai (Điều 3 khoản 2). Theo phân tích ở trên, tiền mã hóa chưa được công nhận là tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015 (không phải là động sản và không phải là vật) nên tiền mã hóa không phải là hàng hóa. Về dịch vụ, Luật Thương mại năm 2005 không đưa ra định nghĩa về dịch vụ mà đưa ra khái niệm về cung ứng dịch vụ tại Điều 3 khoản 9 (tương ứng với Điều 513 của Bộ luật Dân sự năm 2015). Đối chiếu với các quy định này thì tiền mã hóa không phải là dịch vụ. 4.2.3 Về phương diện thanh toán Theo Luật NHNN Việt Nam năm 2010, tiền giấy, tiền kim loại do NHNN phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài tiền giấy và tiền kim loại do NHNN phát hành còn có các phương tiện thanh toán khác được sử dụng. Nghị định số 101/2012/NĐ-CP quy định phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, 118 Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 149 (09/2022)
- nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Điều 4 khoản 6). Cũng theo Nghị định này, dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính...), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1 (Điều 4 khoản 8). Tiền trên ví điện tử thực chất là tiền điện tử (không phải là tài sản mã hóa, tiền mã hóa hay tiền ảo) và có thể được sử dụng để thanh toán. Đồng thời, theo Điều 4 khoản 7, “Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”. Có thể thấy, với những quy định nêu trên, tiền mã hóa không phải là phương tiện thanh toán. 4.3 Một số hệ quả của việc thiếu vắng quy định điều chỉnh tiền mã hóa 4.3.1 Dưới góc độ tố tụng dân sự Một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là “tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” (Điều 4 khoản 2). Do vậy, việc thiếu vắng quy định khẳng định tiền mã hóa là tài sản dẫn đến hệ quả là thiếu vắng căn cứ để giải quyết các vụ việc phát sinh từ hoặc liên quan đến quan hệ sở hữu, thừa kế, hợp đồng hay bồi thường thiệt hại về tiền mã hóa (Đậu, 2014; Phạm, 2018; Phùng, 2018; Huỳnh & Huỳnh, 2019). Chẳng hạn, khi các bên vi phạm nghĩa vụ trong việc mua bán, trao tặng, hứa thưởng tiền mã hóa thì xử lý thế nào? Tiền mã hóa do người chết để lại có được coi là di sản hay không và khi di sản thừa kế là tiền mã hóa và có yêu cầu phân chia thì có tiến hành chia không và chia bằng cách nào? Trường hợp người để lại di sản thừa kế song không cung cấp mật khẩu hay khóa để đăng nhập vào tài khoản của họ thì sẽ xử lý ra sao? Đây là một số câu hỏi chưa có câu trả lời xác đáng bằng những quy định pháp luật Việt Nam hiện hành. 4.3.2 Dưới góc độ hình sự Việc không công nhận tiền mã hóa là tài sản cũng tạo ra những khoảng trống pháp lý và khó khăn trong việc xử lý hình sự với nhiều nhóm tội phạm khác như xử lý các tội xâm phạm sở hữu, các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm về chức vụ… (Trần, 2021). Một người có hành vi tham nhũng bằng tiền mã hóa (như bằng Bitcoin) thì có bị truy tố hay không? Căn cứ để xác định giá trị khoản tiền mã hóa nhận hối lộ để định khung hình phạt là gì? Bên cạnh đó, theo Trần & Nguyễn (2021), tiền mã hóa không được coi là tài sản có thể dẫn đến tình trạng cùng một hành vi nhưng có thể lúc thì phạm tội, lúc thì không. Đơn cử với tội rửa tiền, theo Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, rửa tiền Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 149 (09/2022) 119
- là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm cả hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự (Điều 4 khoản 1). Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì một trong các hành vi được coi là phạm tội rửa tiền là “tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có” (Điều 324 khoản 1 điểm a). Như vậy, tuỳ từng trường hợp, chủ thể có thể bị xác định là phạm tội rửa tiền hoặc không. Ví dụ, một người “nhận hối lộ” bằng tiền mã hóa và sau đó thực hiện các hoạt động chuyển số tiền này sang các loại tài sản khác như vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản thì không phạm tội rửa tiền và cũng không phạm tội nhận hối lộ do tiền mã hóa không phải là tài sản theo pháp luật Việt Nam. Ngược lại, một người nhận hối lộ bằng tiền hoặc tài sản khác rồi sau đó chuyển đổi sang tiền mã hóa rồi và thực hiện các hoạt động rửa tiền thì lại có thể phạm cả hai tội là tội rửa tiền và nhận hối lộ. Về tội tài trợ khủng bố, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định phạt tù từ 5 đến 10 năm đối với người có hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố (Điều 300 khoản 1). Đối tượng được sử dụng để tài trợ ở đây là tiền hoặc tài sản. Do đó, sẽ rất khó xác định hành vi tài trợ tiền mã hóa cho tổ chức, cá nhân khủng bố có phạm tội tài trợ khủng bố hay không. 4.3.3 Dưới góc độ quyền tự do kinh doanh Quyền tự do kinh doanh đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013. Quyền này tiếp tục được nhắc lại trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 (Điều 7 khoản 1) và một số văn bản điều chỉnh về hoạt động kinh doanh, thương mại khác, trong đó nhấn mạnh đến việc các chủ thể kinh doanh có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Theo Luật Đầu tư năm 2020, kinh doanh tiền mã hóa không được liệt kê trong những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6). Điều này có nghĩa là nếu các chủ thể kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh tiền mã hóa thì không bị cấm. Vấn đề đặt ra là các chủ thể này sẽ đăng ký ngành nghề kinh doanh gì với cơ quan đăng ký kinh doanh nếu muốn kinh doanh tiền mã hóa? Đây là câu hỏi chưa có câu trả lời. Ngoài hoạt động kinh doanh tiền mã hóa, các hoạt động như góp vốn, mua cổ phần bằng tiền mã hóa cũng đặt ra những câu hỏi rất khó trả lời cho pháp luật hiện hành. 5. Định hướng chung và kiến nghị 5.1 Định hướng chung Trước xu thế phát triển nhanh các loại tiền mã hóa cũng như CBDC trên thế giới, Việt Nam cần sớm có một cách tiếp cận mở, phù hợp, thận trọng nhưng không khép kín, có quan sát và vận dụng hợp lý. Theo nhiều dự báo, với tốc độ số hóa như hiện nay, không sớm thì muộn, việc tiền mã hóa và CBDC xuất hiện và tồn tại song 120 Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 149 (09/2022)
- song với tiền mặt được cho là một xu hướng tất yếu, không thể tránh khỏi. Hiện tại, NHNN Việt Nam đã được giao nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ blockchain trong giai đoạn 2021-2023. Việc phát hành CBDC có thể xem như chỉ là vấn đề về mặt thời gian. Do đó, để đảm bảo lợi ích của Nhà nước cũng như của các chủ thể có liên quan, Việt Nam có thể xây dựng một số định hướng chung như: Một là, chủ động nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc trong việc quản lý tiền mã hóa và phát hành CBDC; phân tích, đánh giá tác động của triển khai CBDC ở các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam để sớm có hướng giải quyết phù hợp. Hai là, trên cơ sở tìm hiểu, đánh giá xu thế phát triển tiền kỹ thuật số trên thế giới, Việt Nam cần xem xét xây dựng chiến lược phát triển đồng tiền kỹ thuật số quốc gia tại Việt Nam trong bối cảnh xem xét, đánh giá thận trọng các điều kiện cần thiết. Thứ nhất, nghiên cứu ban hành và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc nhận diện, quản lý và giám sát các hoạt động về tiền mã hóa nói chung và CBDC nói riêng. Thứ hai, có cơ chế phù hợp để kiểm soát các rủi ro, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và hội nhập quốc tế. Thứ ba, đánh giá thực trạng hạ tầng công nghệ và giải pháp phát triển hạ tầng đáp ứng thanh toán và sử dụng đồng CBDC. Thứ tư, đánh giá và có các giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa rủi ro an ninh mạng… 5.2 Một số kiến nghị cụ thể Thứ nhất, thống nhất tên gọi và định nghĩa cụ thể về tiền mã hóa Mặc dù trong các văn bản chính thức, Ngân hàng Nhà nước gọi loại tiền tệ mới này là “tiền ảo” song chúng tôi đề nghị không sử dụng tên này vì theo nghĩa tiếng Việt “ảo” có nghĩa là “không có thực” (câu chuyện ảo), “giống như thật, nhưng không có thật” (ảo giác, ảo ảnh). Trong khi loại tiền này có giá trị thật, được giao dịch phổ biến và đã được một số nước/tổ chức chấp nhận là phương tiện thanh toán nên việc gọi với tên “tiền ảo” không phản ánh đúng giá trị và bản chất của đồng tiền này. Thay vào đó, chúng tôi đề xuất gọi loại tiền mới này là “tiền mã hóa” (thể hiện công nghệ được sử dụng là công nghệ mã hóa) hoặc “tiền kỹ thuật số” (nghĩa rộng hơn, nhằm phân biệt với tiền vật chất như tiền giấy, tiền xu). Đồng thời, khi xây dựng khung pháp luật về tiền mã hóa cần có định nghĩa rõ ràng, cụ thể để bảo đảm áp dụng thống nhất, đạt hiệu quả cao. Thứ hai, tiền mã hóa cần được công nhận là một loại tài sản Về mặt lý luận, “pháp luật điều tiết và định hướng sự phát triển của các quan hệ xã hội” và “vai trò định hướng của pháp luật phải trên cơ sở quy luật vận động, phát triển khách quan của các quan hệ xã hội” (Trường Đại học Luật Hà Nội, 2017). Việc xuất hiện tiền mã hóa là hiện tượng tất yếu khách quan của xã hội, đã xảy ra Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 149 (09/2022) 121
- và không thể đảo ngược nên việc pháp luật không công nhận tiền mã hóa có thể dẫn đến hệ quả không điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh liên quan đến loại tiền mới này (Nguyễn, 2020). Do vậy, chúng tôi kiến nghị ghi nhận tiền mã hóa là tài sản một trong hai hướng: bổ sung Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 “các loại tài sản khác do pháp luật quy định”; sửa đổi Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 bằng cách xây dựng khái niệm về tài sản và có các điều khoản để giải thích cụ thể về các thuật ngữ chứa đựng trong khái niệm đó. Thứ ba, tiền mã hóa cần có điều kiện lưu thông đặc biệt sau khi được công nhận là tài sản Vì tính ẩn danh, nên rất khó kiểm soát tiền mã hóa trong các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại hay các hoạt động phạm tội. Do đó, pháp luật cần quy định những điều kiện lưu thông đặc biệt cho tiền mã hóa, như: đăng ký quyền sở hữu tài khoản giao dịch tiền mã hóa, đăng ký giao dịch tiền mã hóa, lưu trữ các thông tin về lịch sử giao dịch liên quan tiền mã hóa... Đồng thời, nếu cần thiết, có thể xem xét hình sự hóa các hành vi vi phạm pháp luật về tiền mã hóa để bảo đảm tính nghiêm minh. Thứ tư, tiếp tục chưa công nhận tiền mã hóa là phương tiện thanh toán Về mặt kinh tế học, để một tài sản/hàng hóa có thể đóng vai trò tiền tệ, cần đáp ứng các điều kiện sau: (i) Dễ dàng được tiêu chuẩn hóa và dễ dàng xác định giá trị; (ii) Phải được chấp nhận rộng rãi; (iii) Dễ dàng chia tách để có thể dễ dàng trao đổi; (iv) Dễ dàng mang theo; (v) Giá trị phải ổn định. Tiền mã hóa, nổi bật là Bitcoin, chưa đáp ứng các điều kiện trên, nhất là có giá trị biến động vô cùng lớn nên chưa thể là phương tiện thanh toán hiệu quả. Hơn nữa, công nhận tiền mã hóa là phương tiện thanh toán sẽ có tác động không tốt tới việc điều hành chính sách tiền tệ cũng như bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ ở Việt Nam. Thứ năm, đối với CBDC, cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho việc phát hành CBDC Phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ CBDC bao gồm đảm bảo mức độ sẵn sàng cao và khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng chung như lưới điện, mạng di động và internet phủ sóng. Cơ sở hạ tầng cho CBDC có thể yêu cầu một sự kết hợp của cáp quang biển, điện thoại cố định và kết nối vệ tinh. Đầu tư vào cáp và vệ tinh có thể được cân bằng dựa trên nhu cầu về băng thông lớn hơn ở các khu vực mật độ cao và độ tin cậy của vệ tinh ở các khu vực xa xôi hoặc dự phòng trong trường hợp mất điện. Đồng thời, chú trọng phát triển hệ thống thanh toán quốc gia, trước mắt cần nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; mở rộng triển khai Hệ thống thanh toán bù trừ ACH tại Việt Nam theo hướng mở rộng sản phẩm dịch vụ và mở rộng kết nối các ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ công, tiến tới bảo đảm hạ tầng kết nối quốc tế với các hệ thống CBDC ở nước ngoài để tránh những rủi ro có thể xảy tới đối với các giao dịch thanh toán xuyên biên giới 122 Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 149 (09/2022)
- liên quan tới tiền kỹ thuật số. Ngoài ra, xem xét lựa chọn ưu tiên nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi cho việc triển khai CBDC như công nghệ chuỗi khối blockchain, điện toán đám mây và dữ liệu lớn. Cuối cùng, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền tảng quốc gia, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai… và có cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cấp, ngành, địa phương... trên toàn quốc. Tài liệu tham khảo Bech, M. & Garratt, R. (2017), “Central bank cryptocurrencies”, BIS Quarterly Review, No. September, pp. 55-70. Bjerg, O. (2017), “Designing new money: the policy trilemma of central bank digital currency”, Copenhagen Business School MPP Working Paper. Boar, C. & Wehrli, A. (2021), “Ready, steady, go? - Results of the third BIS survey on central bank digital currency”, BIS Paper, No. 114. BIS - CPMI (2015), “Digital currencies”, CPMI report on digital currencies. BIS - CPMI (2018), “Central bank digital currencies”. Bech, M. & Garratt, R. (2017), “Central bank cryptocurrencies”, BIS Quarterly Review. Đậu, T.M.H. (2014), “Một số vấn đề pháp lý về tiền ảo và khuyến nghị”, Tạp chí Ngân hàng, Số 10, tr. 15-16. Huỳnh, T.N.H. & Huỳnh, T.M.H. (2019), “Tiền ảo và tình trạng pháp lý của tiền ảo tại Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Tòa án nhân dân, Số 11, tr. 26-29. Lê, Đ.C., Trương, T.T. & Nguyễn, T.Đ. (2021a), “Toàn cảnh tiền tệ kỹ thuật số (kỳ 2): những cột mốc phát triển”, https://diendandoanhnghiep.vn/toan-canh-tien-te-ky-thuat-so- ky-2-nhung-cot-moc-phat-trien-206698.html, truy cập ngày 15/02/2022. Lê, Đ.C., Trương, T.T. & Nguyễn, T.Đ. (2021b), “Toàn cảnh tiền tệ kỹ thuật số (kỳ 3): tiền số của Ngân hàng Trung ương”, https://diendandoanhnghiep.vn/toan-canh-tien-te-ky-thuat-so- ky-3-tien-so-cua-ngan-hang-trung-uong-206889.html, truy cập ngày 15/02/2022. Lê, Đ.C., Trương, T.T. & Nguyễn, T.Đ. (2021c), “Toàn cảnh tiền tệ kỹ thuật số (kỳ 4): một số tiền CBDC tiêu biểu”, https://diendandoanhnghiep.vn/toan-canh-tien-te-ky-thuat- so-ky-4-mot-so-tien-cbdc-tieu-bieu-207320.html, truy cập ngày 15/02/2022. Lê, H.T. (2021), “Nhận diện tiền mã hóa, pháp luật Việt Nam về tiền mã hóa”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 8, tr. 43-50. Mishkin, F.S. & Serletis, A. (2017), The Economics of Money, Banking, and Financial Markets, Eleventh Edition, Pearson Canada, Toronto. Nakamoto, S. (2008), Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronics Cash System. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2014), “Thông cáo báo chí về Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác”, https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/links/ cm254?dDocName=CNTHWEBAP0116211755883, truy cập ngày 10/02/2022. Nguyễn, Đ.P. (2020), “Tiền ảo có thể được xem là tài sản”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Tập 421, tr. 20-26. Nguyễn, H.H.N. (2018), “Quản lý giao dịch tiền ảo, thuế đối với tiền ảo ở Nhật Bản và những vấn đề cần quan tâm trong quá trình xây dựng cơ sở pháp lý về lĩnh vực này tại Việt Nam”, Tạp chí Nghề luật, Số 4, tr. 80-84. Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 149 (09/2022) 123
- Nguyễn, M.O. & Hà, C.A.B. (2018), “Chính sách, pháp luật về tiền ảo của Thái Lan và kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước & Pháp luật, Số 3 (359), tr. 72-77. Phạm, T.T.H. (2018), “Giải pháp quản lý tiền ảo, tài sản ảo”, Tạp chí Tài chính, Số 680, tr. 18-21. Phan, C.H. & Nguyễn, T.T. (2019), Một số vấn đề pháp lý về tài sản mã hóa, tiền mã hóa, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. Phùng, T.T. (2018), “Tiền ảo và những khía cạnh của tiền ảo”, Tạp chí Kiểm sát, Số 15, tr. 16-23. Thanh, L. (2018), “Ngân hàng nhà nước tuyên bố cấm sử dụng Bitcoin”, https://tuoitre.vn/ ngan-hang-nha-nuoc-tuyen-bo-cam-su-dung-bitcoin-20171028102135916.htm, truy cập ngày 20/02/2022. Trần, T.T.H. (2021), “Hoàn thiện pháp luật về tiền ảo tại Việt Nam”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Tập 351, tr. 29-33. Trần, V.B. & Nguyễn, M.O. (2021), “Tiền ảo và một số vấn đề pháp lý đặt ra ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Nhà nước & Pháp luật, Tập 384, tr. 30-40. Trường Đại học Luật Hà Nội. (2017), Giáo trình Lí luận chung về Nhà nước và Pháp luật, NXB Tư pháp, Hà Nội. Wiese-Hansen, K.H. & Fiskerstrand, V.A. (2021), “The virtual Currency Regulation Review: Norway”, The Law Reviews. 124 Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 149 (09/2022)
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Xây dựng quy chế tiền lương trong doanh nghiệp
5 p | 862 | 417
-
Giới thiệu mô hình xác định cấu trúc vốn tối ưu
15 p | 467 | 231
-
Bài 4: Kế toán vật tư
33 p | 430 | 139
-
Nguyên Lý Kế Toán - Bài 2
24 p | 177 | 49
-
Các nhà bán lẻ: Tiết kiệm mà vẫn có lợi nhuận
5 p | 170 | 45
-
wwwTiền tệ ngân hàng
510 p | 103 | 44
-
TỔNG QUAN VỀ BẢO HIỂM - Ths Bùi Quỳnh Anh
26 p | 164 | 28
-
Tài sản mã hóa, tiền mã hóa: Phần 2
129 p | 23 | 11
-
Bài giảng về Quản trị lương bằng Microsoft Excel
13 p | 99 | 10
-
Tiền mã hoá và tác động đối với nền kinh tế
9 p | 21 | 5
-
Quản lý Bitcoin trong thời đại thế giới số ở Việt Nam
9 p | 49 | 5
-
Bitcon - Sản phẩm thay thế hay bổ trợ đầu tư? Trường hợp các thị trường Việt Nan, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản
14 p | 26 | 5
-
Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến ngành kế toán, kiểm toán
8 p | 69 | 4
-
Các nhân tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận tiền mã hóa tại Việt Nam
16 p | 9 | 4
-
Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư tiền mã hóa của thế hệ Z trên địa bàn Hà Nội
13 p | 34 | 3
-
Tiền ảo và quản lý tiền ảo ở Việt Nam - Những khía cạnh pháp lý cần lưu tâm
11 p | 27 | 3
-
Bàn về các yếu tố tác động đến định giá khi cổ phần hóa doanh nghiệp
3 p | 45 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn