intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Văn hóa học là khoa học chuyên ngành - TS. Nguyễn Văn Hậu

Chia sẻ: Nguyen Nhi | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:16

252
lượt xem
32
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa ở thế kỷ XX và vai trò của nó ngày càng tác động to lớn trong đời sống hiện đại, đang đặt ra những vấn đề cấp bách cho nghiên cứu khoa học về văn hóa. Việc đẩy mạnh nghiên cứu văn hóa học đã dẫn đến những thay đổi lớn trong nhận thức đầy đủ và toàn diện về văn hóa. Mời các bạn cùng tham khảo bài viết đề hiểu hơn về ngành văn hóa học.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Văn hóa học là khoa học chuyên ngành - TS. Nguyễn Văn Hậu

  1. VĂN HÓA HỌC LÀ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH TS. Nguyễn Văn Hậu Bài do tác giả gửi cho trang web vanhoahoc.edu.vn I. Lịch sử ra đời văn hóa học Sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa ở thế kỷ XX và vai trò của nó ngày càng tác động to lớn trong đời sống hiện đại, đang đặt ra những vấn đề cấp bách cho nghiên cứu khoa học về văn hóa. Việc đẩy mạnh nghiên cứu Văn hóa học đã dẫn đến những thay đổi lớn trong nhận thức đầy đủ và toàn diện về văn hóa. Văn hóa học là một bộ môn khoa học tương đối mới, nó nghiên cứu văn hóa nói chung và các hiện tượng văn hóa riêng biệt như văn hóa gia đình, tôn giáo, nghệ thuật, lối sống, chính trị, kinh tế, giáo dục v.v..Theo quan niệm của V.M. Rodin - nhà văn hóa học Nga cho rằng, Văn hóa học là một khoa học nhân văn, từ đó tạo ra nghịch lý là không có một Văn hóa học thuần tuý. Có bao nhiêu nhà Văn hóa học thì cũng có bấy nhiêu lý thuyết văn hóa, mỗi khuynh hướng Văn hóa học đều quy định cách tiếp cận về đối tượng của mình. Mặc dù vậy, các nhà khoa học về văn hóa đều hướng đến việc xây dựng tri thức Văn hóa học theo hướng tiếp cận liên ngành, cách tiếp cận này có thể giao tiếp được các ngành học với nhau trong quá trình nghiên cứu. Có thể nói, cùng với triết học, sử học, các khoa học về văn hóa và phương pháp luận khoa học, Văn hóa học thể hiện với tư cách là cơ sở của các khoa học nhân văn.
  2. Người đầu tiên mở đường cho nghiên cứu khoa học về văn hóa có thể kể đến Edward B.Tylor với tác phẩm nổi tiếng “Văn hóa nguyên thủy”. Cho đến gần 40 năm sau, từ khi cuốn sách “Văn hóa nguyên thuỷ” ra đời, năm 1909 thuật ngữ Văn hóa học mới được khẳng định bởi Willhelm Ostwald – nhà khoa học và triết học Đức. Thuật ngữ này dùng chỉ cho môn học mới mà ông gọi là “Khoa học về các hoạt động văn hóa, tức là hoạt động đặc biệt của con người”. Nhưng người sáng lập thực thụ văn hóa học lại chính là Leslie Alvin White (1900 – 1975) – nhà Nhân học Hoa Kỳ nổi tiếng với toàn bộ công trình lý luận về sự tiến hóa của văn hóa và với nghiên cứu khoa học về văn hóa mà ông gọi là Văn hóa học. Trong các tác phẩm: “Khoa học về văn hóa” (The Science of Culture. 1949), và “Khái niệm văn hóa” (The Concept of Culture. 1973), L.A. White đã đặt cơ sở cho Văn hóa học với tư cách là một khoa học độc lập, lý giải văn hóa như một hệ thống toàn vẹn, làm rõ được phạm vi nghiên cứu, nguyên tắc và đối tượng nghiên cứu Văn hóa học. Khi nói về bộ môn Văn hóa học, các nhà khoa học về văn hóa cho rằng, có ba định hướng nhận thức cơ bản là: Văn hóa học triết học, Văn hóa học lịch sử và Văn hóa học lý thuyết. Như vậy, ngày nay trong văn hóa học, người ta có thể phân ra: - Triết học văn hóa( Văn hóa học đại cương) - Lịch sử văn hóa - Các khoa học về văn hóa Trong lĩnh vực nghiên cứu, các nhà văn hóa học thường hay đặt đối lập giữa ba lĩnh vực nhận thức văn hóa học. Theo E.A.Ô-rơ-lô-va đặt đối lập nhận thức lý luận về văn hóa không chỉ với triết học mà với cả lịch sử. Ông cho rằng: Tiếp cận Triết học nghiên cứu văn hóa thường mang tính chất tiên nghiệm (siêu hình) và không được
  3. kiểm tra bằng thực nghiệm, còn tiếp cận Sử học lại bị hạn chế bởi sự miêu tả các sự kiện và không vượt ra khỏi cấp độ giải thích. Vì thế, trong các khoa học về văn hóa, cho đến nay, đã có sự đóng góp của nhiều môn học khác nhau như: dân tộc chí, dân tộc học, nhân học, xã hội học, tâm lý học, ngôn ngữ học, ký hiệu học v.v.. mà trước hết và chủ yếu là hai môn: Nhân học và Xã hội học. Tất cả các môn học này, từ nhiều khía cạnh khác nhau, chúng nghiên cứu các hiện tượng văn hóa cũng bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau. Như vậy, Văn hóa học là một khoa học nghiên cứu phức hợp về văn hóa. Trong thực tế, đã trình bày trên đây có nhiều bộ môn khoa học cùng nghiên cứu văn hóa dưới nhiều góc cạnh khác nhau, song không loại trừ nhau, từ đó Văn hóa học đã ra đời. Có thể nói, Văn hóa học được xem là môn học mang tính xuyên/ liên ngành – một khoa học tích hợp bao quát nhiều bộ môn nghiên cứu chuyên biệt về văn hóa. Đây là một phương hướng nghiên cứu lý luận bao gồm phương pháp luận và bộ máy phân tích của Triết học văn hóa, Lịch sử văn hóa, Nhân học văn hóa và Xã hội học văn hóa. Khác với phần lớn các ngành học thuộc khoa học xã hội và nhân văn nghiên cứu mọi lĩnh vực trong hoạt động đời sống của con người, được phân biệt theo đối tượng đặc thù của hoạt động như: kinh tế, chính trị, quân sự, giáo dục, nghệ thuật v.v.. và các khoa học khác, Văn hóa học thuộc về nhóm các khoa học nghiên cứu với tư cách khách thể tất cả các hình thức và thể loại thực hành, có mục đích trong hoạt động sống của con người. Nhóm này bao gồm các khoa học Lịch sử, Tâm lý học Xã hội học, Nhân học v.v... Văn hóa học Nga thường chia Văn hóa học ra thành Văn hóa học cơ bản (lý thuyết) nghiên cứu văn hóa với mục đích nhận thức Lý luận và Lịch sử về hiện tượng đặc biệt này(hiện tượng tinh thần), qua đó tạo lập hệ thống phạm trù và phương pháp nghiên cứu v.v...và Văn hoá học ứng dụng định hướng việc sử dụng
  4. các kiến thức cơ bản về văn hóa với mục đích dự báo, lập dự án và điều chỉnh các quá trình văn hóa cấp thiết có trong thực tiễn. Ở đây, trong khuôn khổ Văn hóa học cơ bản lại chia ra những khuynh hướng tuỳ theo đối tượng đã định hình nhiều hay ít như: - Nhân học văn hóa và xã hội nghiên cứu văn hóa như các hiện tượng xã hội đặc biệt và nghiên cứu tính vi mô năng động xã hội trong sự hình thành và hoạt động của các hiện tượng văn hóa. - Văn hóa học lịch sử nghiên cứu tính năng động vĩ mô trong sự hình thành và hoạt động của các “công ước xã hội” trong hoạt động sống tập thể của con người, cũng như nghiên cứu cách phân loại văn hóa - lịch sử các cộng đồng người. - Nhân học tâm lý xem xét cá nhân con người như “sản phẩm”, “người tiêu thụ”và“người sản xuất” văn hóa, cũng như nghiên cứu tâm lý học các động cơ văn hóa - xã hội, sự tự đồng nhất và tác động lẫn nhau giữa con người. - Ký hiệu học văn hóa nghiên cứu các đặc điểm và chức năng ký hiệu – giao tiếp của các hiện tượng văn hóa, sử dụng các phương pháp của ngôn ngữ học và ngữ văn học để “giải mã” và tái cấu trúc các khách thể văn hóa với tư cách là các văn bản mang ý nghĩa Trong mỗi bộ môn của Văn hóa học cơ bản (lý thuyết) có thể đưa ra vài cấp độ nhận thức và tổng kết tư liệu như cấp độ lý luận đại cương, cấp độ tiểu hệ thống khách thể, cấp độ cụ thể hóa (các hình thức có tính khuôn mẫu, chuẩn mực), cấp độ các nguyên mẫu riêng lẻ của văn hóa. Trong Văn hóa học ứng dụng cũng hình thành các hướng nghiên cứu như: quản lý văn hóa, lập dự án văn hóa - xã hội, hoạt động bảo tồn văn hóa, phục hồi văn hóa - xã hội, công tác giáo dục văn hóa và thời gian rỗi, công tác bảo tàng, thông tin - thư viện, công tác lưu trữ v.v..
  5. Khác với Văn hóa học lý thuyết thuần tuý, các ứng dụng có tính nghiên cứu văn hóa được xem xét trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động chuyên môn nào của con người, ngoài các mục đích và công nghệ đạt kết quả thực dụng chủ yếu, còn tồn tại một hệ thống các quy tắc và hiệu chỉnh có tính phi thực dụng. Từ đó xác định các hình thức được xã hội chấp nhận để thực hiện hoạt động nào đó và các kết quả của nó, xác định các ảnh hưởng mang giá trị xã hội của mọi hoạt động, xác định đạo đức chuyên môn và truyền thống nghề nghiệp, các tiêu chí của tính chuyên nghiệp, các ngôn ngữ trao đổi thông tin nghiệp vụ v.v... Tổng thể các đặc điểm này tạo nên một hiện tượng như là “văn hóa nghề nghiệp” trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác của các chuyên ngành như: văn hóa kinh tế, văn hóa quản lý, văn hóa du lịch, văn hóa tổ chức....v.v .(1) Ngoài định nghĩa miêu tả theo quan điểm của Tylor, ngày nay, Văn hóa học gắn liền với tên tuổi của L.A. White – nhà nhân học người Hoa Kỳ nổi tiếng với những công trình lý luận văn hóa và với nghiên cứu khoa học về văn hóa mà ông gọi là “Văn hóa học”. L.A. White trong định nghĩa về văn hóa của mình hướng tới cách giải thích vật chất – vật thể. Văn hóa theo ông, là lớp vật thể và các hiện tượng phụ thuộc vào khả năng “tượng trưng hóa” của con người được xem xét trong một văn cảnh nhất định. Văn hóa đối với ông là hình thức tổ chức hoàn chỉnh đời sống của con người, được xem xét từ góc cạnh của lớp đặc biệt các vật thể và hiện tượng. Ở bình diện lý thuyết chung, L.A. White đã xác định văn hóa học là “một lĩnh vực nhân học”. Ông định nghĩa văn hóa như là truyền thống ngoài thân xác, trong đó biểu tượng đóng vai trò chủ đạo và hành vi biểu tượng là một trong những đặc điểm chủ yếu của văn hóa. Ông còn nhấn mạnh, phải tách văn hóa ra khỏi sự trừu tượng không nắm bắt được, không tồn tại một cách siêu hình và nên thay thế nó bằng một đối tượng nghiên cứu là vật chất có thể nhận thức được. Và Ông đi đến kết luận: “Văn hóa là lớp các đối tượng và hiện tượng phụ thuộc vào
  6. khả năng “tượng trưng hóa” của con người, lớp này được xem xét trong văn cảnh thân xác con người”. (2) Văn hóa học luôn gắn liền với tên tuổi của L.A. White. Thậm chí người ta nói đến “Văn hóa học của White” (Cultureology of White) hoặc gọi Văn hóa học là “Lý luận của White” (Theory of White). L.A. White được mời viết mục từ Văn hóa học trong bộ “Bách khoa thư quốc tế về các khoa học xã hội” (Internationnal Eneyelopedia of the Social Science). Trên thực tế, dù có nhiều hướng tiếp cận khác nhau trong nghiên cứu văn hóa, song quan niệm của các tác giả về những định nghĩa văn hóa khác nhau này vẫn có một sự đồng thuận nào đó. Họ thống nhất với nhau ở chỗ, xem văn hóa là cái làm phân biệt giữa người và động vật, và là cái đặc hữu chỉ có ở xã hội người. Đương nhiên, họ nhất trí với nhau rằng, văn hóa không “kế thừa” theo con đường sinh học mà phải qua con đường học thuật, đồng thời nó trực tiếp gắn liền với các tư tưởng, tồn tại và được truyền đạt dưới hình thức biểu tượng (Symbol). Đó là những phán đoán chung nhất về văn hóa mà các nhà nghiên cứu thuộc mọi khuynh hướng khác nhau trong các khoa học xã hội và nhân văn đều có thể chấp nhận. II.. Văn hóa học là một môn học liên ngành Liên ngành là một khái niệm nói lên một thực tế diễn ra trong lý luận và nghiên cứu khoa học nói chung cũng như trong văn hóa học nói riêng. Nó được hiểu như là một cách tiếp cận hiện đại trong nghiên cứu khoa học và là một sự phản ứng trước hiện tượng chuyên môn hóa ngày càng cao trong những chuyên ngành khoa học đã mang tính ổn định. Vì vậy, tính đa tầng của các lĩnh vực khoa học đang đặt ra hiện nay ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trên thế giới.
  7. Liên ngành còn đóng một vai trò hết sức quan trọng trước sự đòi hỏi cần phải quay về cách tư duy nguyên hợp, tổng hợp trước đây nhưng ở cấp độ cao hơn. Bởi vì, ban đầu con người nhận thức thế giới một cách tổng hợp, tư duy huyền thoại như là một đặc trưng, rồi sau đó, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội không phân chia. Sau nhiều thế kỷ, tư duy nhân loại phát triển theo hướng phân tích đã dẫn đến sự ra đời các ngành chuyên môn hẹp càng chuyên sâu và chuyên biệt. Tư duy phân tích đã thể hiện tính ưu việt của nó. Song, thế giới hiện thực dù tự nhiên hay xã hội lại chằng chịt các mối liên hệ biện chứng và mang tính liên ngành, người ta không thể nhận thức thế giới một cách đơn tuyến và siêu hình. Sự liên ngành trong khoa học hiện đại dựa trên nền tảng phát triển cao của các khoa học phân tích đã ra đời. Đó chính là sự nghiên cứu mang tính hợp đề. J. Kokelmans – nhà triết học người Đức đã đưa ra một cách phân biệt các thuật ngữ trong nghiên cứu khoa học hiện đại (phân loại mang tính hình thức) như sau: + Ngành (hay bộ môn): Lĩnh vực tri thức hay là phạm vi nghiên cứu được quy định bởi những phương pháp liên hợp nghiên cứu đối tượng. + Chuyên ngành: Lĩnh vực tri thức hay là phạm vi nghiên cứu mang tính chuyên biệt ở phạm vi hẹp. + Đa ngành: Khái niệm chỉ quá trình nghiên cứu trong đó ít nhất có hai ngành hoặc hai khái niệm tham gia. + Liên ngành: Khái niệm để chỉ một khoa học nào đó, mà sự hoạt động của nó có được là nhờ một hay nhiều khoa học khác. Trong ngành khoa học này, người ta tìm ra được những vấn đề để giải quyết, mà kết quả của chúng chỉ có thể đạt được là nhờ vào sự liên kết giữa các bộ phận của những chuyên ngành đã ổn định trong một ngành khoa học mới. Ví dụ: ngôn ngữ học tâm lý, phân tâm học tôn giáo, hoá sinh, lý sinh..v.v...
  8. Cách giải thích sự khác biệt giữa các thuật ngữ trên đây của J. Kokelmans hoàn toàn mang tính hình thức. Nó không tạo ra được một thuật ngữ có tính chính xác khoa học. J. Mittelstrass – nhà khoa học người Đức đề nghị, nên xác định sự chuyên ngành hóa đích thực là sự xuyên ngành. Các chuyên ngành phải định rõ đối tượng và phạm vi nghiên cứu cho đến những vấn đề cần được giải quyết, mà không còn phụ thuộc vào cách lý giải của một chuyên ngành đơn lẻ. Ông định nghĩa:“Sự xuyên ngành là làm cho các ngành riêng lẻ không còn như nó vốn có”. Với định nghĩa này thì các khái niệm đa ngành, liên ngành và xuyên ngành là những cấp độ và là những hình thức tham gia của nhiều chuyên ngành khác nhau vào phương pháp nghiên c ứu nào đó. Nhưng chỉ có sự xuyên ngành mới đạt đến chất lượng cao của phương pháp mà ta gọi là phương pháp liên ngành. Đó chính là sự hợp đề (Synthese). Sự liên ngành không chỉ là sự bổ sung của những phương pháp luận, mà còn là một ngành hay một chương trình độc lập đối với việc cải tiến khoa học trong thực tiễn nghiên cứu mới. (3) Có thể nói, liên ngành không phải là sự cộng lại của các ngành khoa học với nhau, mà là sự tổng tích hợp các cách tiếp cận, các phương pháp nghiên cứu của các chuyên ngành vào trong một ngành khoa học mới. Vì vậy, để nghiên cứu các biểu thị văn hóa, bắt buộc người nghiên cứu phải tiếp cận nhiều môn học khác nhau: Xã hội học, Nhân học, Sử học, Khảo cổ học, Ký hiệu học, Tâm lý học v.v... Bởi lẽ, văn hóa là một lĩnh vực rất rộng và hết sức trừu tượng. Theo nhà giáo Đoàn Văn Chúc thì văn hóa là cái “vô sở bất tại”, muốn hiểu biết về văn hóa cần phải đứng ở nhiều góc độ khác nhau để có thể nhận thức về nó một cách đầy đủ và toàn diện.
  9. Con người không chỉ có hình hài, còn có cả một đời sống xã hội và cá nhân vô cùng phức tạp. Văn hóa học đã không dừng lại nghiên cứu con người sinh học đơn thuần, mà còn được mở rộng sang các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Con người ở đây được coi như là sự tổng hoà các mối quan hệ trong đời sống xã hội, mà con người với tư cách là chủ thể sáng tạo và là tạo vật của văn hóa. Khi nghiên cứu các khái niệm con người văn hóa - xã hội thì nhận thấy các khái niệm này đã có tính liên ngành, chẳng hạn con người chỉ có thể tồn tại trong những điều kiện xã hội và văn hóa nhất định, nhưng con người cũng là chủ thể sáng tạo ra những giá trị văn hóa và giá trị xã hội. Và xã hội là những nhóm người được tổ chức lại theo một định chế chung đồng thời cũng bị quy định bởi một nền văn hóa chung. Còn văn hóa là những kết quả sau cùng, những giá trị chuẩn mực xã hội được sáng tạo bởi các thành viên xã hội. Do vậy, Nhân học nghiên cứu đời sống của các tập đoàn người thuộc các cộng đồng xã hội khác nhau; Xã hội học thì nghiên cứu các mối quan hệ trong đời sống xã hội; Triết học nghiên cứu bản chất, quy luật vận hành của các sự vật hiện tượng và Sử học nghiên cứu các sự kiện, hiện tượng trong lịch sử. Bản thân đối tượng nghiên cứu đã có tính liên ngành thì tất yếu sẽ đòi hỏi phương pháp nghiên cứu liên ngành. Nhìn chung, Con người, Xã hội và Văn hóa được gắn kết với nhau một cách biện chứng, hữu cơ và liên tục trong suốt chiều dài lịch sử (ba trong một), nếu như chỉ tập trung nghiên cứu nhằm vào một lĩnh vực không có mối liên quan nào đến hai lĩnh vực kia thì sẽ đi vào lối mòn và bế tắc. Vì vậy, trong khi nghiên cứu văn hóa nên tránh cái nhìn chia cắt của các chuyên ngành khác nhau và nên đi vào hướng tiếp cận một khoa học mang tính xuyên / liên ngành – Văn hóa học. Khoa học này thống nhất được các kết quả
  10. nghiên cứu của Triết học, của Xã hội học, của Nhân học và Sử học thành một hợp đề (synthese). Đến đây có thể đưa ra định nghĩa như sau: “Văn hóa học là một khoa học nhân văn, chuyên nghiên cứu về lĩnh vực Văn hóa tinh thần. Nó được hình thành từ nhiều hướng nghiên cứu và lý thuyết khác nhau của các ngành khoa học xã hột đang có xu hướng tiếp cận liên ngành, đổi mới phương pháp và mở rộng đối tượng như: Triết học, Sử học, Nhân học, Xã hội học, Ký hiệu học, Tâm lý học, Nghệ thuật học... Nói chung, Văn hóa học là những khoa học về văn hóa, nghiên cứu đời sống xã hội và hoạt động của con người, cùng những sáng tạo văn hóa của nhân loại trong lịch sử” III. Cấu trúc bộ môn Văn hóa học Như đã trình bày ở trên, Văn hóa học là một khoa học liên ngành. Văn hóa học nghiên cứu những nét đặc thù, những mối tương quan của các lĩnh vực khác nhau, các loại hình văn hóa, sự tồn tại và phát triển của văn hóa trong lịch sử, những dạng hoạt động trong văn hóa cũng như vấn đề văn hóa tinh thần. Theo nhận định của A.A. Gorelov - nhà văn hóa học Nga, trong giáo trình Văn hóa học của ông (năm 2001) là: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành khoa học này là chỉ ra những quy luật phát triển của văn hóa khác với những quy luật tự nhiên và quy luật của cuộc sống vật chất của con người, nó xác định tính đặc thù của văn hóa như một lĩnh vực quan trọng của đời sống” (4) Như một bộ môn tách ra từ triết học, văn hóa học có những mối liên hệ bền vững với Triết học văn hóa. Và, bản thân văn hóa lại thuộc về lĩnh vực tinh thần, thuộc về khoa học nhân văn. Nên Văn hoá học còn được coi như là khoa học: “Triết học nhân văn” của mọi thời đại. Văn hóa học gắn liền với các bộ môn khoa học xã hội khác: Xã hội học văn hóa, Nhân học văn hóa, Lịch sử văn hóa, Tâm lý học văn hóa.v.v... Dưới đây là cấu trúc của bộ môn Văn hoá học:
  11. + Triết học văn hóa đóng vai trò như là phương pháp luận và thế giới quan của Văn hóa học như Triết học, qua đó, trình bày bản chất, ý nghĩa, chức năng của văn hóa đang vận hành trong đời sống xã hội. Thuật ngữ “Triết học văn hóa” lần đầu tiên được đưa vào đầu thế kỷ XIX bởi nhà văn người Đức A.Muller (1779 – 1829). + Nhân học văn hóa phân tích những mối liên hệ của văn hóa trên các đặc điểm thực chất của con người như tâm lý, trí tuệ của họ, tức là nghiên cứu con người dưới góc độ văn hóa tộc người. Có thể nói, Nhân học văn hóa có cơ sở là ngành dân tộc chí, dân tộc học và nghiên cứu văn hóa các tộc người, đồng thời nghiên cứu cả quá trình phát triển của các dân tộc dưới góc độ những sản phẩm văn hóa do con người sáng tạo nên. + Xã hội học văn hóa một mặt nghiên cứu những đặc điểm của mối quan hệ văn hóa, của các tầng lớp xã hội khác nhau như: văn hóa lối sống, văn hóa thanh niên, văn hóa tôn giáo v.v.., mặt khác, Xã hội học nghiên cứu đời sống văn hóa đang tồn tại, vận động và phát triển trong lòng đời sống xã hội, tức là nghiên cứu sự vận hành xã hội của văn hóa trong các xã hội đã phân tầng. + Lịch sử văn hóa nghiên cứu quá trình phát triển của văn hóa trong tiến trình phát triển của lịch sử. Lịch sử văn hóa có quan hệ cấp dưới theo chủ nghĩa kinh nghiệm hay tính thực tiễn của Văn hóa học, trong khi Triết học văn hóa là cấp độ siêu lý thuyết. Như là cơ sở của văn hóa học, Lịch sử văn hóa cùng với Triết học văn hóa, Xã hội học văn hóa, Nhân học văn hóa cấu thành nên bộ môn Văn hóa học. Dưới đây là sơ đồ cấu trúc Văn hóa học và mối liên hệ của nó với các bộ môn liên quan theo quan điểm của A.A. Gorelov. (5)
  12. Sau đây là mô hình cơ cấu Văn hóa học của người viết, dựa trên ba yếu tố cốt lõi trong đời sống xã hội: con người – xã hội – văn hóa (ba trong một). Ba bộ phận này tạo thành một phức thể thống nhất toàn vẹn làm nên đời sống văn hóa - xã hội. Như trình bày ở trên, khi nghiên cứu về Con người- Văn hóa - Xã hội, ta nhận thấy các yếu tố này đã có tính liên ngành, chúng được gắn kết với nhau một cách biện chứng, hữu cơ và liên tục trong suốt chiều dài lịch sử. Vì vậy, trong nghiên cứu văn hóa để tránh cái nhìn chia cắt, cần tiếp cận theo phương pháp xuyên/ liên ngành – Văn hóa học. Khoa học này thống nhất được các kết quả nghiên cứu của các ngành khoa học khác nhau như: Triết học văn hóa, Xã hội học văn hóa, Lịch sử văn hóa, Nhân học văn hóa là bốn môn
  13. học cốt lõi, tạo thành Cơ cấu Văn hóa học cơ bản. Bên cạnh đó còn có một số chuyên ngành học khác hỗ trợ thêm trong quá trình nghiên cứu như là: Ký hiệu học văn hóa, Tâm lý học văn hóa, Sinh thái học văn hóa v.v.. GIẢI THÍCH SƠ ĐỒ Sơ đồ trên có thể giải thích như sau: + Triết học văn hóa ở cấp độ siêu lý thuyết là môn học chủ chốt của Văn hoá học (văn hóa học đại cương) thực hiện vai trò là phương pháp luận và thế giới quan của các khoa học về văn hoá.
  14. + Lịch sử văn hóa là cơ sở của Văn hóa học, nghiên cứu quá trình sáng tạo văn hóa của nhân loại trong lịch sử. + Nhân học văn hóa nghiên cứu con người dưới góc độ văn hóa, từ đó tìm hiểu quá trình sáng tạo của mọi dân tộc qua các “tác phẩm văn hóa” do con người làm ra. + Xã hội học văn hóa nghiên cứu văn hóa dưới góc độ xã hội, cũng được hiểu là áp dụng các phương pháp xã hội học để giải thích sự vận hành và phát triển của văn hóa, coi văn hóa như một mảng tồn tại xã hội (tác phẩm) dưới góc độ hoạt động của nó trong đời sống xã hội. Đó cũng chính là cơ cấu của văn hóa học. Quá trình nghiên cứu được áp dụng theo phương pháp liên ngành, thông qua mối liên hệ biện chứng hữu cơ giữa ba yếu tố cốt lõi nhất của đời sống xã hội, đó là: con người – văn hóa – xã hội. Chính bản thân các khái niệm này đã có tính liên ngành (như đã trình bày kỹ ở mục liên ngành). Tức là, con người chỉ có thể hình thành, tồn tại và phát triển trong những điều kiện xã hội và văn hóa nhất định. Và xã hội là những nhóm người được tổ chức lại và bị quy định bởi một nền văn hóa chung. Còn văn hóa là thành quả của con người được sáng tạo ra trong một xã hội nhất định. Ba yếu tố này quan hệ với nhau một cách hữu cơ, biện chứng, không gì chia cắt được, như một cấu trúc hoàn chỉnh và thống nhất (tam vị nhất thể) Dường như, trong việc nghiên cứu các đối tượng này cũng có sự phân công khá hợp lý, như một định hướng mang tính quy luật. Nhân học văn hóa thì nghiên cứu con người – văn hóa. Xã hội học văn hóa thì nghiên cứu văn hóa - xã hội. Triết học văn hóa (siêu lý thuyết) và Lịch sử văn hóa (cơ sở của Văn hóa học) thì nghiên cứu cội nguồn, bản chất, ý nghĩa và quá trình phát triển của văn hóa trong lịch sử.
  15. Bản thân đối tượng (con người - văn hóa – xã hội) đã có tính liên ngành thì phương pháp nghiên cứu phải mang tính liên ngành. Điều này ngày càng biểu hiện rõ rằng, cá nhân, xã hội và văn hóa được gắn kết với nhau hết sức mật thiết trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại. Nếu một nhà khoa học nào đó chỉ tìm cách nghiên cứu nhằm vào một lĩnh vực, mà không có mối liên quan đến hai lĩnh vực kia thì tất yếu sẽ phá vỡ hệ thống nghiên cứu. Có phải chăng, việc hình thành một khoa học về con người, mà khoa học đó thống nhất được các thành quả của các chuyên ngành học khác nhau như :Triết học văn hóa, Lịch sử văn hóa và các Khoa học về văn hoá ( Xã hội học văn hóa , Nhân học văn hoá v.v... ), chúng tạo thành một cấu trúc chặt chẽ của liên ngành học mang tính hợp đề, thì đó là một việc làm đúng đắn và cần thiết trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học hiện đại.Và, đó cũng là lý do để ngành Văn hoá học được ra đời trong giai đoạn hiện nay ở nước ta. Ngoài ra, khi nhìn vào sơ đồ trên còn thấy các ngành học như: Sinh thái học văn hoá, Tâm lý học văn hoá, Ký hiệu học văn hóa..v.v...thì đó là các môn học hổ trợ cho quá trình nghiên cứu đối tượng - văn hoá. Ký hiệu học văn hoá nghiên cứu hình thái biểu hiện của văn hoá( biểu tượng- ngôn ngữ của tư duy). Tâm lý học văn hoá nghiên cứu văn hoá cá nhân( phần bên trong của con người với nhiêù chiều cạnh của đời sống tinh thần). Sinh thái học văn hoá nghiên cứu môi trường và điều kiện sống của con người. Qua đó, hình thành nên thói quen và phong cách sống của họ. Ngoài ra, những chuyên ngành học khác thuộc về Văn hoá học ứng dụng sẽ tạo nên những hiệu quả tốt đẹp cho quá trình hoạt động của con người trong cuộc sống. Tựu trung lại, mọi chuyên ngành học đều giúp người nghiên cứu có thể nhìn thấy mọi góc cạnh khác nhau của một lĩnh vực vốn dĩ đã là phức tạp và đa nghĩa. Đó là văn hoá- một lĩnh vực thuộc về đời sống tinh thần của con người. Qua quá trình nghiên c ứu trên đây có thể khẳng định được rằng, Văn hoá học là một khoa học liên ngành.
  16. CHÚ THÍCH (1). Lược dẫn theo AI.A. Phlier:“Văn hóa học” trong “Thông báo Khoa học số 8”, 2003, Viện Văn hóa Thông tin, từ trang 73 đến trang 77 (2)Dẫn theo A.A. Belik: “Văn hóa học – Những lý thuyết Nhân học văn hóa”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2000, trang 117. (3). Lược dẫn theo Nguyễn Tri Nguyên “Khái niệm liên ngành” trong Thông báo Khoa học số 8, Viện Văn hóa Thông tin, 2003, trang 39. (4). Dẫn theo A.A. Gorelov: Cấu trúc và những khái niệm cơ bản của văn hóa học trong “Thông báo Khoa học số 8”, Nxb Viện Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003, trang 78. (5). Dẫn theo A.A. Gorelov: Sơ đồ cấu trúc văn hóa học và mối liên hệ của nó với các bộ môn liên quan trong “Thông báo Khoa học số 8”, Nxb Viện Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003, trang 80.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2