intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Văn hóa tết cổ truyền của người Hoa tại huyện Định Quán, Đồng Nai

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

58
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết đóng góp thêm chút tài liệu tham khảo về lễ tết truyền thống của người Hoa cũng như góp một phần nhỏ vào việc gìn giữ và bảo tồn nét văn hóa thiêng liêng này để các thế hệ trẻ ngày nay có thể hiểu rõ, gìn giữ và phát huy những nét đẹp truyền thống ấy.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Văn hóa tết cổ truyền của người Hoa tại huyện Định Quán, Đồng Nai

  1. VĂN HÓA TẾT CỔ TRUYỀN CỦA NGƯỜI HOA TẠI HUYỆN ĐỊNH QUÁN, ĐỒNG NAI Vòng Tú Phượng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh GVHD: TS. Nguyễn Thụy Mai Hân TÓM TẮT Tết cổ truyền (hay còn gọi là tết nguyên đán) là một ngày lễ vô cùng quan trọng và thiêng liêng. Dịp lễ lớn này chính là khoảng thời gian vui nhất, nhộn nhịp và ấm áp nhất trong một năm của người Hoa. Hơn 320 năm sống trên quê hương mới, cộng đồng người Hoa tại tỉnh Đồng Nai với truyền thống văn hóa lâu đời luôn ý thức giữ gìn và phát huy đời sống văn hóa xã hội trong cộng đồng các dân tộc. Ngày lễ tết cổ truyền chính là một minh chứng thể hiện rõ bản sắc độc đáo riêng của dân tộc Hoa tại địa bàn tỉnh Đồng Nai. Huyện Định Quán là nơi tập trung người Hoa đông nhất trên địa bàn tỉnh, nơi này không chỉ hình thành một khu phố người Hoa đầy màu sắc mà còn là nơi tập trung văn hóa, phong tục tập quán đặc trưng của người Hoa. Thông qua bài nghiên cứu này, tác giả mong muốn sẽ đóng góp thêm chút tài liệu tham khảo về lễ tết truyền thống của người Hoa cũng như góp một phần nhỏ vào việc gìn giữ và bảo tồn nét văn hóa thiêng liêng này để các thế hệ trẻ ngày nay có thể hiểu rõ, gìn giữ và phát huy những nét đẹp truyền thống ấy. 1 TỔNG QUAN VỀ NGƯỜI HOA TẠI ĐỊNH QUÁN, ĐỒNG NAI Khái niệm tên gọi người Hoa từ sau khi có Chỉ thị 62 - CT/TW ngày 08/11/1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã xác định: “Người Hoa bao gồm những người có gốc Hán và những người thuộc dân tộc ít người ở Trung Quốc đã Hán hóa, di cư sang Việt Nam, con cháu của họ sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, đã nhập quốc tịch Việt Nam, nhưng vẫn còn giữ những nét đặc trưng văn hóa, chủ yếu là ngôn ngữ, phong tục tập quán của người dân tộc Hán và tự nhận mình là người Hoa”. Hiện nay tại Đồng Nai đã có 5 nhóm Hoa chia theo nhóm ngôn ngữ và một nhóm có gốc từ tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, nhóm Hoa có gốc từ Hải Ninh (tỉnh Quảng Ninh) mang nét đặc thù cả về ngôn ngữ, phong tục tập quán lẫn tín ngưỡng. Đa số nhóm này là người Hẹ, nói tiếng Quảng; một số nói tiếng Ngái. Hiện nay huyện Định Quán là huyện có số dân là người Hoa đông nhất trên địa bàn tỉnh và tập trung nhiều ở các khu vực như: xã Phú Lợi, Phú Vinh, Phú Tân, Thanh Sơn và Phú Túc. Do nhiều biến động trong thời kỳ lịch sử, nhiều dân tộc đã tìm đến vùng đất Đồng Nai sinh sống và cư trú bên cạnh người Kinh vào nhiều thời điểm khác nhau. Trong đó, người Hoa là một cộng đồng có dân số khá đông (đứng thứ 2 sau dân tộc Kinh) trong địa bàn tỉnh. Cộng đồng người Hoa đến Đồng Nai định cư khá sớm, từ khoảng thế kỷ 17 và có nguồn gốc từ Nam Trung Quốc chia thành các nhóm ngôn ngữ Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hẹ 2751
  2. và Hải Nam. Những người Trung Hoa đến Đồng Nai định cư vì nhiều lý do khác nhau, hoàn cảnh lịch sử và thời điểm di dân cũng khác nhau nên có thể chia thành các đợt di dân: - Đợt đầu tiên đến Biên Hòa định cư vào thế kỷ 17 (1679) đến đầu thế kỷ 20. Từ năm 1679, sang Việt Nam có nhóm khoảng 3.000 người từ Quảng Đông, do không thần phục nhà Thanh, họ đã bỏ xứ sở sang Việt Nam tỵ nạn, được Trần Thượng Xuyên chiêu nạp và đưa đến khai khẩn xứ Đồng Nai hoang vu ( Cù Lao Phố ), tức Bàn Lân (Hiệp Hòa, Biên Hòa ngày nay), biến vùng đất hoang sơ thành thị tứ buôn bán sầm uất và thương cảng phồn thịnh bậc nhất lúc bấy giờ. - Đợt thứ hai có số lượng đông hơn, di dân trong giai đoạn từ thế kỷ 20 đến năm 1975. Đây là giai đoạn Việt Nam và Trung Quốc có nhiều biến động lịch sử. Từ năm 1954, do nhiều biến cố lịch sử, đại tá Vòng A Sáng chỉ huy hơn 30.000 người di cư vào miền Nam đến định cư tại vùng Sông Mao. Sau này lại do nhiều biến động xã hội và thời cuộc, từ vùng Sông Mao, một số người Hoa bằng đường bộ, nhiều đợt đến định cư tại các địa bàn thuộc tỉnh Biên Hòa. - Đợt thứ ba, từ sau ngày 30/04/1975 đến nay. Đó là những người Hoa từ các tỉnh thành trong cả nước về Đồng Nai sinh sống, do nhiều nguyên nhân khác nhau. 2 KHÁI QUÁT VỀ LỄ TẾT CỦA NGƯỜI HOA TẠI ĐỊNH QUÁN, ĐỒNG NAI 2.1 Định nghĩa Tết cổ truyền Tết cổ truyền hay còn gọi là Tết ta; Tết Nguyên đán, là ngày Tết quan trọng nhất của người Hoa, được tính theo lịch âm. Nguyên nghĩa của “Tết” chính là “tiết - 节/節”, còn hai chữ “nguyên đán” có gốc chữ Hán “元旦”, “nguyên - 元” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai còn “đán - 旦” là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là “ Tiết Nguyên đán”. Tết này còn có tên gọi là Xuân Tiết (春节/春節 - Chūn Jié), mang ý nghĩa đánh dấu sự kết thúc của mùa Đông và khởi đầu mùa Xuân mới. 2.2 Nguồn gốc hình thành Văn minh lúa nước là một nền văn minh cổ đại xuất hiện từ cách đây khoảng 13.000 năm tại vùng đồng bằng sông Dương Tử (Trung Quốc), sau đó lan sang Đông Nam Á và Ấn Độ. Các quốc gia thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước, trong đó có Việt Nam – do nhu cầu canh tác nông nghiệp nên đã "phân chia" thời gian trong một năm thành 24 tiết khí khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc "giao thừa") trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán. Sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán. Ngoài ra, theo lịch sử Trung Quốc kể lại, Tết Nguyên Đán đã có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và được thay đổi theo từng thời kỳ. Tuy nhiên Tam Hoàng Ngũ Đế chỉ là nhân vật trong truyền thuyết. Nguồn gốc của ngày tết này có từ xa xưa với rất nhiều truyền thuyết và tập tục liên quan, đã phản ánh niềm tin và cách sống của con người từ thời cổ xưa. 2752
  3. 2.3 Quan niệm ngày Tết của người Hoa tại Định Quán, Đồng Nai Người Hoa tại Định Quán, Đồng Nai quan niệm ngày tết cổ truyền - tết nguyên đán là ngày quan trọng cho sự khởi đầu, giao hòa giữa đất trời, con người và thần linh, là dịp để cầu nguyện mong ước một năm mới tràn đầy niềm vui may mắn, có nhiều tài lộc và đạt thành công trong sự nghiệp. Không những vậy, ngày này còn là tết sum vầy, mọi người thường tạm gác công việc của mình để về quê thăm gia đình cũng như sum họp, quây quần bên nhau sau những khoảng thời gian dài xa cách vì manh cơm miếng áo hay quay cuồng bon chen, vất vả của cuộc sống thường nhật, và đây cũng chính là khoảnh khắc linh thiêng nhất ý nghĩa nhất trong ngày tết. Ngoài ra, ngày tết cổ truyền còn là một dịp quan trọng để tỏ rõ đạo hiếu, lòng kính yêu đối với tổ tiên, ông bà và cha mẹ. 3 ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA TẾT CỔ TRUYỀN CỦA NGƯỜI HOA TẠI ĐỊNH QUÁN, ĐỒNG NAI 3.1 Các giai đoạn chính trong ngày Tết Bước sang giữa tháng Chạp, người Hoa thường sẽ dành những ngày cuối năm để quét dọn, trang trí nhà cửa và mua sắm Tết. Ngoài ra, trước tết người Hoa nơi đây cũng thường tiến hành một số nghi thức như đưa ông Táo về trời, làm lễ đón quân và đến Miếu Quan Âm làm lễ vàn phúc trả lễ cuối năm. Đón quân là một trong những nghi thức quan trọng nhưng cũng mê tín của người Hoa. Thường là những gia đình có thành viên hoặc tổ tiên làm thầy pháp, thầy cúng thì sẽ làm lễ này mang ngụ ý trả công cho những âm binh tay sai, thường thì ba năm làm lễ một lần. Vàn phúc có ý nghĩa là trả lễ, thể hiện quan niệm quy luật vay trả của người Hoa. Thông thường người Hoa tiến hành hỷ phúc trước vàn phúc sau tại Miếu Quan Âm, mang ý nghĩa cầu duyên, bình an, sức khỏe và tài lộc,... Sáng sớm ngày 30 tết, mọi người sẽ dậy sớm chuẩn bị lễ vật thờ cúng và trang trí bàn thờ tổ tiên. Trước khi thờ cúng tổ tiên, người Hoa sẽ thay câu đối liễn mới, giấy đỏ chữ vàng, thường là dán trước cửa nhà, nội dung thường mang thông điệp tốt lành như Xuất nhập bình an, Kim ngọc mãn đường, Tân xuân đại cát... Với những gia đình làm ăn buôn bán tại nhà, nội dung câu đối liễn thường là Nhất bổn vạn lợi, Khai trương hồng phát, Sinh ý hưng long... Ngoài ra, người Hoa còn dán chữ “Xuân” và “Phúc” ngược trên cửa, chữ “ngược” tiếng Trung đọc là “dǎo/倒” đọc lái thành chữ “dào/到”, nghĩa là Xuân đến, Phúc đến. Một điều đặc biệt trong văn hóa của người Hoa đó chính là lì xì. Theo quan niệm của người Hoa, vào ngày 30 Tết, phải thay toàn bộ lì xì cũ đi bằng cái mới, thường thì dán lì xì vào trước cửa nhà, cửa phòng, cửa sổ và các vị trí khác trong nhà để cầu mong cho một năm may mắn, sung túc cho gia đình. Sau khi hoàn tất nghi lễ cúng là đã đến trưa 30 tết, cũng là bữa cơm đoàn viên, con cháu làm ăn xa đều trở về tụ họp đông đủ để đón mừng năm mới. Tại cơ sở tín ngưỡng, đêm giao thừa người ta thường đến lễ chùa, cầu thần phù hộ may mắn cho gia đình trong năm mới, sau đó nhận những phần lộc của chùa, miếu như bao giấy lì xì màu đỏ và trái quýt tại Miếu Quan Âm đem về nhà. Vào đúng 12 giờ đêm là giờ khắc đón giao thừa tiễn biệt năm cũ đón chào sang năm mới, người Hoa làm mâm cúng đặt trước cửa nhà để cúng trời đất. Tuy nhiên hiện nay đa số rất ít người tiến hành cúng vào nửa đêm, thay vào đó họ sẽ chuẩn bị và tiến hành cúng lễ vào mùng Một Tết. Từ thời điểm đón giao 2753
  4. thừa cho tới sáng mùng một Tết, gia chủ chọn người hợp tuổi để xông đất, thông thường người được chọn xông đất phải là người khỏe mạnh, tốt tính, gia đình hòa thuận và khấm khá. Ngày mùng Một, các gia đình người Hoa chủ yếu đi chùa cầu bình an, may mắn, ít khi đến nhà người khác thăm viếng, chúc tụng, vì họ sợ sẽ mang điều không may đến cho gia chủ trong năm mới. Ngoài ra người Hoa cũng rất kiêng kỵ quét nhà trong ngày mùng Một và chỉ nói những điều vui vẻ, những câu chúc như “phát tài, phát lộc” trong ngày đầu năm. Những ngày đầu năm mới, trẻ nhỏ và nam thanh nữ tú khoe sắc trong các bộ trang phục mới màu sắc lộng lẫy, tươi vui. Mọi người gặp nhau đều chúc mừng nhau với những câu có ý nghĩa tốt đẹp, may mắn, cát tường, phát tài phát lộc, an khang thịnh vượng, gia đình bình an… Người Hoa có tục lệ mùng 1 chúc tết bên nội, mùng 2 chúc tết bên ngoại, mùng 3 chúc tết thầy cô, mùng 4 chúc tết bạn bè. Trong những ngày đầu năm, người Hoa còn tới chùa, miếu để cầu xin thần Phật phù hộ cho bản thân và gia đình một năm mới với nhiều điều tốt đẹp. Người Việt ăn Tết bảy ngày thì người Hoa đến ngày rằm tháng giêng mới thực sự kết thúc ngày Tết. Rằm tháng Giêng tức ngày Tết Nguyên Tiêu. Khác với người Hoa tại Tp.HCM, theo phong tục của người Hoa tại địa bàn huyện Định Quán thì họ không đón Tết Nguyên Tiêu. Tùy một số gia đình, có người do đi làm ăn xa nên đã tiến hành lễ hóa vàng (lễ tan tết) vào ngày mùng 5, tuy nhiên ngày rằm tháng giêng (15/01 âm lịch) mới là ngày thực sự kết thúc lễ tết của người Hoa. 3.2 Một số phong tục đặc trưng trong ngày Tết Nổi bật trong các tín ngưỡng dân gian của người Hoa là thờ cúng tổ tiên, gia tộc, dòng họ, thờ cúng các vị thần phù hộ (thần bếp, thổ địa, thần tài...) và một số vị thánh và bồ tát như Quan Công, bà Thiên Hậu, ông Bổn, Nam Hải Quan Âm... Tuy nhiên, cơ bản trong mỗi gia đình đều sẽ có bàn thờ tổ tiên, Ông Địa, Môn thần (hay còn gọi là thần giữ cửa ) và bàn thờ thiên (thường thờ trời, đất, thần tài hay bà Quan Âm). Vào ngày 30 Tết, mùng Một, mùng Hai hoặc mùng Ba tết (tùy phong tục mỗi gia đình) mà người Hoa tiến hành nghi lễ cúng cho ông bà tổ tiên và các vị thần thánh được nêu trên. Nhiều đối tượng nên thứ tự tiến hành nghi lễ cúng cũng khác nhau. Thông thường người Hoa sẽ tiến hành cúng bàn thờ Thiên trước, sau đó mới đến cúng tại bàn thờ tổ tiên, tiếp đến là Ông Địa, sau cùng là Môn thần. Không chỉ thứ tự mà cả mâm cúng cũng khác nhau, như số lượng chén cơm, rượu trà tùy phong tục mỗi nhà mà cúng. Sở dĩ khác nhau có thể là do thời xưa thời điểm di cư khác nhau và đến từ nhiều nhóm địa phương khác nhau nên mới xuất hiện tình trạng sẽ có một vài phong tục mỗi nhà mỗi khác. Tuy nhiên điều đó chỉ là con số nhỏ trong phong tục văn hóa của cộng đồng người Hoa. Ngày tết cổ truyền (tết nguyên đán) chính là dịp mà mọi người xum vầy cùng nhau thưởng thức các món ăn ngon và đặc trưng dịp tết của dân tộc mình. Ẩm thực người Hoa vốn đã phong phú, vào dịp tết thì càng trở nên đặc sắc với các món ăn đặc biệt hơn. Theo phong tục của người Hoa, vào ngày Tết là không thể thiếu nhất chính là bánh tổ, bánh trôi nước, mì xào, món cá và thịt gà, heo. Bánh tổ hay còn gọi là Nián Gao “年糕”, ngụ ý “năm sau cao hơn năm trước”, hy vọng năm nay có thể thăng tiến về tiền bạc, địa vị và sức khỏe dồi dào 2754
  5. hơn năm trước. Bánh trôi nước được gọi là tāngyuán“汤圆”và phát âm tương tự như từ “đoàn viên”, ngoài ra chính hình dạng tròn tròn của nhiều viên chè trong bát cũng được hiểu là mang ý nghĩa gia đình sum vầy. Đó là lý do vì sao đây là món không thể thiếu trong đêm giao thừa của người Hoa. Mì xào chính là mì trường thọ, thông thường món này được xào chay và dùng vào bữa ăn ngày mồng 1 tết; giống như tên gọi, món mì trường thọ này tượng trưng cho lời chúc về sức khỏe và sống thọ vào đầu năm mới. Trong tiếng Trung, cá “鱼” được phát âm tương tự như từ “dư thừa”, là mong muốn của người Hoa vào mỗi dịp cuối năm bởi quan niệm một khoản tiết kiệm dư dả sẽ giúp họ kiếm thêm nhiều hơn trong năm mới. Vì vậy, món Cá là món không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết của người Hoa. Món Gà và Heo, thực chất đây là hai lễ vật được đặt trên mâm cúng của người Hoa. Sau khi hoàn thành xong nghi thức cúng, người Hoa dùng gà và heo chế biến thành các món theo ý muốn. Sở dĩ người Hoa cúng gà và heo đều có ngụ ý và quan niệm riêng. Heo theo tiếng Trung đọc là zhū “猪”, hán việt là Trư, đồng âm với từ Châu Zhū “珠” - ý là "châu long nhập thủy", châu báu đầy nhà. Gà khi cúng thường xoay đầu hướng về bàn thờ hay các vị thần thánh, người Hoa quan niệm đây chính đang chầu, nếu đặt sai chính là không chịu chầu tổ tiên và các vị thần linh. 4 MỘT SỐ QUAN NIỆM CỦA NGƯỜI HOA TRONG NGÀY TẾT Mùng 1 Tết, theo quan niệm của người Hoa, mùng 1 Tết là ngày đại cát, mọi người trong gia đình thường quây quần, sum họp, thắp những nén hương thơm lên ban thờ gia tiên, chúc tụng lẫn nhau rồi đi chùa dâng hương. Điều kiêng kị nhất chính là đến nhà người khác thăm viếng, vì sợ sẽ mang điều không may đến cho gia chủ trong năm mới, trừ trường hợp xông đất đầu năm. Ngoài ra vào mùng 1, người Hoa còn kiêng kị nói lời không tốt, vay mượn tiền, trẻ con khóc lóc, hay làm việc, quét nhà. Như vậy mong cả năm có thể được may mắn, thuận lợi, tránh được những tai ương, xui xẻo. Mùng 3 Tết, hay còn gọi là ngày "Xích Khẩu" (tranh luận, cãi nhau) nên vào ngày này thường sẽ không đi thăm viếng bạn bè mà chủ yếu chỉ ở nhà cúng tế tổ tiên là chính. Mùng 4 tết là ngày đón tiếp các vị thần linh về trần gian. Tuy nhiên hiện rất ít gia đình người Hoa thực hiện nghi lễ này. Mùng 5 tết hay còn gọi là“Phá ngũ”, “Ngày thần tài”. Gọi là “phá ngũ” vì đây là ngày có thể “phá” bỏ những kiêng kị của những ngày Tết, mọi người có thể tự do sinh hoạt, vui chơi mà không lo phạm vào những điều cấm kị của ngày Tết nữa. Mùng 6 Tết được xem là ngày tiễn “Thần Nghèo”, đây là một tập tục cổ xưa, ngày nay đã không còn thịnh hành nữa; đây cũng là ngày chính thức kết thúc một dãy những ngày vui chơi của Tết, bắt đầu dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị cho một ngày làm việc đầu tiên của năm mới; các cửa tiệm, cửa hàng cũng bắt đầu khai trương buôn bán. 5 Ý NGHĨA NGÀY TẾT CỔ TRUYỀN CỦA NGƯỜI HOA TẠI ĐỊNH QUÁN, ĐỒNG NAI Tết Nguyên đán là ngày lễ vô cùng ý nghĩa và sâu sắc đối với người Hoa. Tết còn là một mốc thời gian đánh dấu cho sự thay đổi từ cái cũ sang cái mới, đánh dấu một sự khởi đầu mới, xua tan đi những câu chuyện buồn âu năm cũ, mọi nhà đều vui vẻ đón gió xuân, bắt đầu một năm mới bình an sung túc, một câu chuyện mới đầy vui vẻ, vô âu. Không chỉ vậy, Tết còn là một dịp để mọi người có thể tạm gác mọi công việc, có cơ hội đoàn tụ với gia 2755
  6. đình, trở về quê hương và nhớ về tổ tiên. Hơn nữa, chỉ có tết, gia đình nhiều thế hệ; họ hàng; làng xóm mới có cơ hội đoàn tụ, gặp mặt thăm hỏi nhau, dành tặng nhau những lời chúc tốt đẹp. Chính vì thế câu nói “Về quê ăn tết”dần trở thành một cái cớ, một lý do để những người xa quê, đi làm ăn xa trở về với người thân, họ hàng và làng xóm. Cùng với đó, họ có thể bình tâm hít thở bầu không khí nhà quê, rời khỏi thành phố đô thị ồn ào, rời xa những áp lực công việc để suy nghĩ và đánh giá, tự vạch ra cho bản thân những mục tiêu với chặng đường mới cho cuộc sống sau này. Mặc dù chỉ là những ngày nghỉ ít ỏi, những đó cũng đủ để mọi người hưởng thụ mọi điều tốt đẹp nhất trong kỳ nghỉ Tết. TÀI LIỆU THAM KHẢO Sách [1] PGS.TS Trần Hồng Liên, 2005, Văn hóa người Hoa ở Nam Bộ - Tín ngưỡng & tôn giáo, Nxb. Khoa học Xã hội. [2] Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TP.HCM, 2016, Văn hóa người Hoa Nam Bộ, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ. Tài liệu trực tuyến [3] http://dongnai.vncgarden.com/van-hoa-dhong-nai [4] http://www.thuviendongnai.gov.vn/default.aspx [5] https://sites.google.com/site/tet201127/home/nguon-goc-ra-doi [6] http://qlkh.hcmussh.edu.vn/Resources/Docs/SubDomain/qlkh/SU_KHAO%20CO%20H OC/NH%C3%93M%20C%E1%BB%98NG%20%C4%90%E1%BB%92NG%20NG%C6 %AF%E1%BB%9CI%20HOA.pdf 2756
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
7=>1