BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO<br />
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH<br />
<br />
Lê Thị Minh Kim<br />
<br />
ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT<br />
THƠ BÙI GIÁNG<br />
<br />
Chuyên ngành: LÝ LUẬN VĂN HỌC<br />
Mã số: 60 22 32<br />
<br />
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC<br />
<br />
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:<br />
TS. NGUYỄN HOÀI THANH<br />
<br />
Thành phố Hồ Chí Minh - 2009<br />
<br />
`<br />
<br />
MỞ ĐẦU<br />
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI - MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU<br />
Bùi Giáng là một trường hợp đặc biệt và độc đáo của nền thi ca hiện đại<br />
Việt Nam cuối thế kỉ XX. Nhắc đến Bùi Giáng người ta nghĩ đến một hiện<br />
tượng mà cho đến tận hôm nay hãy còn đó rất nhiều vấn đề hấp dẫn vẫn chưa<br />
được tỏ tường.<br />
Các nhà phê bình chính thống hầu như ít “chạm” đến ông trong khi số<br />
lượng người yêu thích thơ ông lại rất đông đảo. Báo chí có ghi chép lại rằng<br />
đám tang của ông có tới hàng ngàn người tham dự, là một trong những đám<br />
tang lớn nhất kể từ sau năm 1975. Nhà thơ Huy Cận cũng có lần bày tỏ lòng<br />
yêu mến với Bùi thi sĩ:<br />
Đôi lời thăm bạn thơ<br />
Thăm tấm lòng tri kỷ<br />
Bao giờ đến bây giờ<br />
Tình thơ không hoen rỉ<br />
(Thân tình gửi anh Bùi Giáng)<br />
Dường như xưa nay độc giả yêu thơ ông, đến với thơ ông chỉ mới bằng<br />
tâm thế “kính nhi viễn chi” mà thôi. Ai cũng dễ dàng cảm nhận Bùi Giáng<br />
“rất Bùi Giáng”, Bùi Giáng rất “không giống ai”, thế nhưng cái bản chất Bùi<br />
Giáng rất riêng, rất độc đáo ấy là gì thì lại không mấy ai đủ tự tin để lý giải<br />
cặn kẽ. Chung quanh Bùi Giáng có vô số giai thoại đáng nhớ lại càng dễ<br />
khiến người ta cảm thấy mơ hồ khó nắm bắt.<br />
Trước nay đã có rất nhiều người viết về Bùi Giáng nhưng phần lớn đều<br />
là những bài viết tản mạn đăng báo hoặc đăng ở các tập san chuyên đề về Bùi<br />
<br />
`<br />
<br />
Giáng. Hiện nay vẫn chưa có một tài liệu nào nói đầy đủ về toàn bộ cuộc đời<br />
và tác phẩm của ông nói chung và nghiên cứu chuyên sâu về thơ Bùi Giáng<br />
nói riêng.<br />
Bùi Giáng là tác giả của khoảng sáu bảy mươi đầu sách đủ mọi thể loại,<br />
từ văn thơ cho đến dịch thuật, từ giới thiệu tác giả tác phẩm nước ngoài cho<br />
đến bàn luận về triết học phương Tây…<br />
Luận văn chỉ tập trung nghiên cứu một số tập thơ của Bùi Giáng đã<br />
được xuất bản và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.<br />
Luận văn hướng tới xác định những cảm hứng chủ đạo và đặc điểm<br />
nghệ thuật thơ Bùi Giáng, góp phần đánh giá thơ Bùi Giáng- một thi sĩ được<br />
xem như một hiện tượng độc đáo trên thi đàn Việt Nam cuối thế kỷ XX.<br />
Nghiên cứu về Bùi Giáng quả là một thử thách không nhỏ nhưng chúng<br />
tôi thiết nghĩ đó cũng là điều nên làm để góp phần giải mã và giới thiệu một<br />
chân dung văn học rất đáng quan tâm của nền thơ ca Việt Nam cuối thế kỉ<br />
XX.<br />
Tìm hiểu ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT THƠ BÙI GIÁNG là cách<br />
chúng tôi chọn để mở một lối nhỏ trên hành trình tiếp cận thi sĩ tài hoa và dị<br />
biệt này.<br />
2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ<br />
Khi tìm hiểu và khảo sát các nguồn tư liệu viết về Bùi Giáng, chúng tôi<br />
nhận thấy số lượng các công trình nghiên cứu về Bùi Giáng đã được công bố,<br />
xuất bản và hiện đang lưu hành hợp pháp ở Việt Nam không nhiều.<br />
Về luận văn, chúng tôi có dịp khảo sát được ba luận văn đã chọn Bùi<br />
Giáng làm đối tượng nghiên cứu, mỗi luận văn tiếp cận vấn đề ở những góc<br />
độ khác nhau. Trong luận văn tốt nghiệp của mình, với đề tài Bùi Giáng –<br />
<br />
`<br />
<br />
Một cuộc đời, một cõi thơ, năm 2000, Đinh Vũ Thùy Trang đã sống trong<br />
tiếng thơ Bùi Giáng bằng sự thẩm âm của một người mong mỏi là một khách<br />
tri âm. Luận văn biểu đạt những Ngổn ngang nỗi niềm tâm sự: yêu quê<br />
hương, tuổi thơ hồn nhiên, nỗi buồn, tình yêu… trong thơ ông. Bên cạnh đó,<br />
luận văn đã cảm thụ và lý giải quan niệm của nhà thơ về thế giới về con<br />
người, với một tiêu đề Khởi nguyên cõi tinh mật. Và cõi tinh mật trong thơ<br />
ông là gì? Là một thực tại đầy ắp nhiên giới, là thế giới của hoài niệm, chiêm<br />
bao, là nguyên lý mẹ, là kinh thơ? Tựu trung lại, luận văn đã đi đến một kết<br />
luận: cõi thơ u mật…thơ và ngôn ngữ của Bùi Giáng vốn viên mật , nhưng có<br />
lẽ “mẹ huyền nhiệm” là cõi tinh mật sâu kín chỉ sau Kinh thơ, mà ông sở dĩ<br />
có nguồn thơ thâm mật, trác tuyệt bởi nó đã được lấy từ cõi nguồn Phật giáo<br />
uyên nguyên (trang 52). Tất cả những nhận định, nghiên cứu trên của người<br />
viết giúp ta tiến thêm một bước khi thâm nhập vào cõi thơ Bùi Giáng. Luận<br />
văn tiếp theo mà chúng tôi khảo sát là luận văn cử nhân của tác giả Nguyễn<br />
Văn Quốc, với đề tài Đặc điểm nghệ thuật ngôn từ trong thơ Bùi Giáng. Ở<br />
luận văn này, phần gợi nhiều hứng thú nhất có lẽ chính là phần nghiên cứu về<br />
hình thức khẩu ngữ trong thơ Bùi Giáng. Đáng tiếc, phần này lại không được<br />
xây dựng thành một tiêu đề riêng và chưa được nghiên cứu sâu. Gần đây nhất<br />
là luận văn thạc sĩ với đề tài Thơ Bùi Giáng của tác giả Trương Thị Mỹ<br />
Phượng đã bảo vệ thành công vào năm 2007. Tác giả đã cố gắng bao quát một<br />
đề tài khá rộng là Thơ Bùi Giáng bằng việc đi sâu nghiên cứu hệ thống những<br />
đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của thơ Bùi Giáng. Tuy nhiên, trong phần<br />
kết luận ở cuối công trình nghiên cứu, dường như tác giả cũng còn khá lúng<br />
túng và chưa đưa ra được một nhận định thực sự có sức nặng về một chân<br />
dung văn học độc đáo của văn học Việt Nam thế kỉ XX.<br />
Về sách, tính đến tháng 06 năm 2009, chúng tôi tiếp cận được với bốn<br />
cuốn sách viết về Bùi Giáng. Có hai cuốn sách viết về Bùi Thi Sĩ đã được<br />
<br />
`<br />
<br />
xuất bản cách đây vài năm và khá quen thuộc với những người quan tâm đến<br />
Bùi Giáng. Đó là cuốn Bùi Giáng trong tôi của tác giả Hồ Công Khanh, do<br />
Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh in năm 2005 và cuốn Bùi<br />
Giáng – thi sĩ kì dị của tác giả Trần Đình Thu do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản<br />
năm 2005 và đã tái bản lần thứ hai.<br />
Tác giả Hồ Công Khanh hiện đang sinh sống tại Đà Nẵng, còn tác giả<br />
Trần Đình Thu sống tại TPHCM. Qua tiếp xúc và trò chuyện với hai tác giả<br />
này, chúng tôi có cơ hội hiểu thêm về họ, cũng như tiếp cận thêm nhiều thông<br />
tin về Bùi Giáng- con người mà họ rất quan tâm và dành nhiều tâm huyết để<br />
giới thiệu với độc giả khắp nơi. Tác giả Hồ Công Khanh tự nhận mình là<br />
người “cuồng si” Bùi Giáng và cũng là người có khá nhiều kỉ niệm riêng tư<br />
với Trung Niên Thi Sĩ khi Bùi Giáng còn tại thế. Bùi Giáng là người ảnh<br />
hưởng rất mạnh mẽ đến cuộc sống và cách sống của tác giả Bùi Giáng trong<br />
tôi. Hồ Công Khanh trong nhiều năm liền đã dày công sưu tầm, bảo quản gần<br />
như đầy đủ các tác phẩm của Bùi Giáng, thuộc đủ mọi thể loại, trong đó có cả<br />
những tài liệu chưa được xuất bản chính thức tại Việt Nam.Có thể nói không<br />
ngoa, ở Việt Nam bây giờ, Hồ Công Khanh là một trong số ít những người<br />
gìn giữ cái “thư viện riêng” về Bùi Giáng, bằng tất cả tấm lòng của mình với<br />
tiền nhân. Hồ Công Khanh hầu như chưa bao giờ vắng mặt trong những buổi<br />
lễ kỉ niệm, tưởng niệm về cố thi sĩ. Đây cũng là cách tác giả thể hiện sự kính<br />
trọng và ngưỡng mộ một tài năng độc đáo. Bên cạnh đó, Hồ Công Khanh còn<br />
là một nhà thư pháp có tiếng. Trong cuốn Bùi Giáng trong tôi, Hồ Công<br />
Khanh đã trổ tài viết thư pháp rất nhiều tác phẩm thơ Bùi Giáng. Còn tác giả<br />
Trần Đình Thu xuất thân là nhà báo, là cộng tác viên của nhiều tờ báo tại<br />
TPHCM. Sau cuốn Bùi Giáng- thi sĩ kì dị, Trần Đình Thu vẫn ấp ủ ý định sẽ<br />
có một công trình nghiên cứu sâu hơn về thi sĩ Bùi Giáng. Cả hai tác giả đều<br />
rất yêu mến con người và thơ ca của Bùi thi sĩ, hai cuốn sách ra đời đầu tiên<br />
<br />