CHÍNH PHỦ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 62/2025/NĐ-CP Hà Nội, ngày 04 tháng 3 năm 2025
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT ĐIỆN LỰC VỀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH ĐIỆN LỰC VÀ AN
TOÀN TRONG LĨNH VỰC ĐIỆN LỰC
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 18 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 30 tháng 11 năm 2024;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và
an toàn trong lĩnh vực điện lực.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực
và an toàn trong lĩnh vực điện, bao gồm: Khoản 5 Điều 67; khoản 10 Điều 68; khoản 9 Điều 69; khoản
2 Điều 72; Điều 74; khoản 7 Điều 75; khoản 6 Điều 76; khoản 5 Điều 77; khoản 8 Điều 78.
2. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; cơ quan, tổ chức, cá
nhân tham gia hoạt động điện lực, sử dụng điện hoặc có các hoạt động khác liên quan đến điện lực
tại Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chủ sở hữu công trình thủy điện là tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hoặc được chuyển giao
quyền sở hữu công trình thủy điện.
2. Công trình lưới điện là tổ hợp các phương tiện, máy móc, thiết bị, kết cấu xây dựng phục vụ trực
tiếp cho hoạt động truyền tải điện, phân phối điện, hệ thống bảo vệ công trình.
3. Công trình nguồn điện là tổ hợp các phương tiện, máy móc, thiết bị, kết cấu xây dựng phục vụ trực
tiếp cho hoạt động phát điện, hệ thống bảo vệ công trình.
4. Công trình thủy điện là công trình có nhiệm vụ phát điện, bao gồm: Đập, hồ chứa thủy điện, tuyến
năng lượng, nhà máy thủy điện và các công trình khác phục vụ quản lý, khai thác thủy điện.
5. Dây bọc là dây dẫn điện được bọc lớp cách điện có mức cách điện tối thiểu bằng điện áp pha của
đường dây.
6. Điện áp cao là điện áp danh định trên 01 kV.
7. Đơn vị quản lý vận hành công trình thủy điện là tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu công trình thủy
điện giao thực hiện quản lý, vận hành và khai thác công trình thủy điện.
8. Hệ thống giám sát vận hành là hệ thống bao gồm thiết bị để kết nối số liệu quan trắc khí tượng thủy
văn chuyên dùng, tình hình ngập lụt hạ du đập; camera giám sát vận hành công trình và phần mềm
hỗ trợ điều hành đập, hồ chứa nước theo diễn biến thực tế.
9. Hồ chứa thủy điện là hồ chứa nước sử dụng để phát điện và cho các mục tiêu khác theo chức
năng, nhiệm vụ của công trình.
10. Khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp là khoảng cách tối thiểu từ phần tử mang điện
đến điểm gần nhất của thiết bị, dụng cụ, phương tiện, công trình, cây, vật thể bay.
11. Khả năng xả lũ là năng lực của công trình xả cho phép xả được lũ ứng với tần suất lũ thiết kế
hoặc tần suất lũ kiểm tra mà vẫn đảm bảo an toàn công trình.
12. Kiểm định an toàn đập, hồ chứa thủy điện là hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng hoặc nguyên
nhân hư hỏng, đánh giá an toàn của đập, hồ chứa thủy điện và các công trình có liên quan đến hồ
chứa thủy điện thông qua đo đạc, quan trắc, thí nghiệm kết hợp với việc tính toán, phân tích.
13. Sự cố điện nghiêm trọng đến mức thảm họa là biến động lớn do sự cố điện trên diện rộng gây ra
đe dọa hoặc làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường, quốc phòng, an ninh quốc gia,
trật tự an toàn xã hội vượt quá khả năng ứng phó, khắc phục của ngành điện và chính quyền địa
phương.
14. Trạm điện là trạm biến áp, trạm cắt, trạm bù, trạm chỉnh lưu.
15. Trạng thái võng cực đại của dây dẫn điện là trạng thái tính toán dây dẫn khi đồng thời chịu tác
động khắc nghiệt nhất của các yếu tố ảnh hưởng như dòng điện qua dây dẫn, nhiệt độ môi trường
xung quanh, tải trọng gió.
16. Tuyến năng lượng là tổ hợp các hạng mục từ cửa nhận nước trên hồ chứa thủy điện qua cửa van
vào tua bin phát điện đến hết kênh dẫn nước ra khỏi nhà máy thủy điện.
17. Vùng hạ du đập thủy điện là vùng bị ngập lụt khi hồ chứa thủy điện thực hiện xả nước theo quy
trình, xả lũ trong tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập.
Chương II
BẢO VỆ AN TOÀN CÔNG TRÌNH ĐIỆN LỰC
Điều 3. Quy định chung về bảo vệ công trình điện lực
1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý nhà nước,
đơn vị điện lực khi phát hiện hành vi trộm cắp hoặc tháo gỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của
lưới điện, trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có
nhiệm vụ.
2. Không sử dụng công trình điện lực vào những mục đích khác khi chưa được sự thỏa thuận của
đơn vị quản lý công trình điện lực.
3. Không lắp đặt ăng ten thu phát sóng, dây phơi, giàn giáo, nhà lồng, nhà lưới, biển, hộp đèn quảng
cáo và các vật dụng khác tại các vị trí mà khi bị đổ, rơi, văng, rung lắc gây hư hỏng, sự cố công trình
điện lực.
4. Tổ chức, cá nhân không đào đất, chất tải hoặc hoạt động gây sụt lún hoặc có nguy cơ gây sạt lở,
lún sụt công trình lưới điện, trạm điện; không đốt nương rẫy, rác thải, vật liệu, sử dụng các phương
tiện thi công gây chấn động hoặc có khả năng làm hư hỏng, sự cố công trình điện lực; không bắn,
quăng, ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện và các công trình điện lực khác.
5. Không thực hiện nổ mìn, mở mỏ; xếp, chứa các chất dễ cháy nổ, các chất hóa học có khả năng
gây ăn mòn hoặc có khả năng làm cháy, gây hư hỏng các bộ phận của công trình điện lực.
6. Phương tiện bay được cấp phép phải bảo đảm khoảng cách an toàn đối với công trình điện lực,
không được phép bay vào phạm vi 500 m tính từ mép ngoài công trình lưới điện cao áp, siêu cao áp
trên không hoặc 100 m tính từ mép ngoài công trình lưới điện trên không trung áp ra các phía xung
quanh, trừ trường hợp phương tiện bay làm nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa đường dây điện
được phép theo quy định.
Điều 4. Bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không điện áp cao
1. Chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành công trình lưới điện có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện
pháp bảo vệ an toàn đối với công trình lưới điện thuộc phạm vi quản lý bao gồm khu vực thuộc hành
lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện.
2. Chủ sở hữu hoặc người sử dụng nhà ở, công trình đã được phép tồn tại trong hành lang bảo vệ an
toàn đường dây dẫn điện trên không phải có biện pháp chằng néo, gia cố mái của nhà ở, công trình
phòng tránh nguy cơ bay vào đường dây dẫn điện trên không; tuân thủ các quy định về bảo vệ an
toàn đường dây dẫn điện trên không khi sửa chữa, cải tạo nhà ở, công trình; không được sử dụng
mái hoặc bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình vào những mục đích có thể vi phạm khoảng cách
an toàn phóng điện theo cấp điện áp được quy định trong bảng sau:
Điện áp Trên 01 kV đến 22 kV 35 kV 110 kV 220 kV
Dây bọc Dây trần Dây bọc Dây trần Dây trần Dây trần
Khoảng cách an toàn
phóng điện 1,0 m 2,0 m 1,5 m 3,0 m 4,0 m 6,0 m
3. Trước khi xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn
đường dây dẫn điện trên không thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo đảm
an toàn đường dây dẫn điện trên không theo yêu cầu kỹ thuật tại khoản 4 Điều 8 Nghị định này. Cơ
quan cấp phép xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến đơn vị quản lý vận hành lưới điện trước khi cấp
phép xây dựng nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn.
4. Cây trong và ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không phải bảo đảm các
quy định tại Điều 15 Nghị định này.
5. Chủ sở hữu ao, hồ nơi đường dây dẫn điện trên không điện áp cao đi qua phải có trách nhiệm phối
hợp với đơn vị quản lý vận hành cắm biển cảnh báo và không được câu cá trong hành lang bảo vệ an
toàn đường dây dẫn điện trên không và khu vực có nguy cơ vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện
theo cấp điện áp.
6. Trong phạm vi 1.000 m tính từ mép ngoài công trình lưới điện cao áp, siêu cao áp trên không hoặc
500 m tính từ mép ngoài công trình lưới điện trung áp ra các phía xung quanh, tổ chức, cá nhân
không được thả diều, vật thể bay trừ các thiết bị phục vụ quốc phòng, an ninh và của đơn vị quản lý
vận hành công trình điện lực làm nhiệm vụ kiểm tra, vận hành và bảo trì công trình.
7. Tổ chức, cá nhân không được đắp đất, xếp các loại vật liệu, thiết bị hoặc đổ phế thải trong hành
lang an toàn bảo vệ đường dây dẫn điện trên không làm thay đổi khoảng cách từ dây dẫn điện trên
không đến mặt đất tự nhiên hoặc vi phạm khoảng cách an toàn về điện.
8. Khi tiến hành công việc gần hành lang hoặc trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên
không, tổ chức, cá nhân phải có biện pháp không để thiết bị, dụng cụ, phương tiện vi phạm khoảng
cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp được quy định trong bảng sau, trừ trường hợp tổ chức, cá
nhân thực hiện công việc áp dụng công nghệ phù hợp hoặc do yêu cầu cấp bách của công tác quốc
phòng, an ninh phải có sự thoả thuận bằng văn bản với đơn vị điện lực về các biện pháp bảo đảm an
toàn cần thiết:
Điện áp Trên 01 kV đến 35
kV 110 kV 220 kV 500 kV
Khoảng cách an toàn
phóng điện 2,0 m 3,0 m 4,0 m 6,0 m
Điều 5. Bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm
1. Chủ đầu tư, đơn vị quản lý, vận hành đường cáp điện ngầm trong đất, trong nước có trách nhiệm
tuân thủ quy định pháp luật về xây dựng và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, lắp đặt dấu
hiệu cảnh báo vị trí đường cáp điện ngầm. Dấu hiệu cảnh báo phải có kích thước, thông tin và đặt ở
vị trí phù hợp để tổ chức, cá nhân nhận biết và tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông
đường bộ, đường thủy nội địa hoặc quản lý cảng biển và luồng hàng hải.
2. Trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm trong vùng nước thủy nội địa không
được thực hiện các hoạt động neo đậu tàu thuyền, đánh bắt cá và các hoạt động khác có nguy cơ tác
động cơ học đến đường cáp điện ngầm.
3. Khi thi công các công trình trên mặt đất, trong lòng đất hoặc nạo vét lòng sông, hồ, vùng biển trong
phạm vi hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm, bên thi công phải thông báo trước ít nhất 10
ngày cho đơn vị quản lý vận hành đường cáp điện ngầm và thống nhất với đơn vị quản lý vận hành
lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn đường cáp điện ngầm và an toàn trong quá trình thi công
xây dựng.
4. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất hợp pháp trong hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm
trong đất phải có biện pháp ngăn chặn các hoạt động sử dụng đất gây tác động đến đường cáp điện
ngầm, xả nước thải và các chất ăn mòn khác vào khu vực hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện
ngầm.
5. Việc bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm trên biển phải tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này và
các quy định sau:
a) Chủ đầu tư đường cáp điện ngầm trên biển phải tiến hành thiết lập các tín hiệu cảnh báo, các biện
pháp bảo vệ và thực hiện thông báo hàng hải theo quy định pháp luật về hàng hải;
b) Trong hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm trên biển, các tổ chức, cá nhân không được
đánh bắt cá và các hoạt động tác động đến trầm tích đáy biển. Trong phạm vi 02 hải lý tính từ mép
ngoài cùng về 02 phía của đường cáp điện ngầm, các tàu thuyền không có nhiệm vụ không được thả
neo, bảo đảm an toàn đường cáp điện ngầm.
Điều 6. Bảo vệ an toàn trạm điện
1. Chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành công trình trạm điện có trách nhiệm tổ chức thực hiện các
biện pháp bảo vệ an toàn đối với công trình trạm điện thuộc phạm vi quản lý.
2. Người sử dụng đất, sở hữu cây có trách nhiệm không để nhà ở, công trình, cây trồng trên phần đất
của mình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn trạm điện.
3. Trong hành lang an toàn trạm điện không được tập trung đông người, dựng lều quán, buôn bán, để
xe, buộc gia súc, trừ trường hợp kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa trạm điện.
4. Nhà ở và công trình xây dựng gần hành lang bảo vệ an toàn của trạm điện phải bảo đảm không
làm hư hỏng bất kỳ bộ phận nào của trạm điện; không xâm phạm đường ra vào trạm điện, đường cấp
thoát nước của trạm điện, hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm và đường dây dẫn điện
trên không của trạm điện; không làm cản trở hệ thống thông gió của trạm điện; không để cho nước
thải xâm nhập làm hư hỏng công trình điện.
5. Đường ra vào trạm điện có điện áp từ 110 kV trở lên phải bảo đảm cho phương tiện cứu hộ, cứu
nạn, chữa cháy di chuyển khi thực hiện nhiệm vụ.
Điều 7. Bảo vệ an toàn nhà máy phát điện và công trình điện lực khác
1. Yêu cầu chung về bảo vệ an toàn nhà máy điện và công trình điện lực khác
a) Phải được bảo vệ nghiêm ngặt, xung quanh phải có tường rào hoặc biện pháp bảo vệ để ngăn
chặn người không có nhiệm vụ vào nhà máy phát điện, công trình điện lực khác; lắp đặt biển báo an
toàn điện theo quy định pháp luật;
b) Phòng đặt trang thiết bị điện phải có biển báo khu vực nguy hiểm, đường thoát hiểm, hệ thống
chiếu sáng đầy đủ, hệ thống thông gió làm mát thiết bị, cửa thông gió phải có lưới bảo vệ chống sự
xâm nhập của các loài động vật;
c) Tùy theo đặc tính kỹ thuật và yêu cầu bảo vệ của từng loại trang thiết bị điện, phải đặt lưới bảo vệ,
vách ngăn và treo biển báo an toàn điện; phải bảo đảm khoảng cách an toàn từ lưới bảo vệ hoặc
vách ngăn đến phần mang điện của trang thiết bị và có các biện pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu
của môi trường đến hoạt động của trang thiết bị điện;
d) Hệ thống cáp điện trong nhà máy phát điện, công trình điện lực khác phải được sắp xếp trật tự theo
chủng loại, tính năng kỹ thuật, cấp điện áp và được đặt trên các giá đỡ. Cáp điện đi qua khu vực có
ảnh hưởng của nhiệt độ cao phải được cách nhiệt và đi trong ống bảo vệ;
đ) Hầm cáp, mương cáp phải có nắp đậy kín, thoát nước tốt, bảo quản sạch sẽ, khô ráo. Không được
để nước, dầu, hóa chất, tạp vật tích tụ trong hầm cáp, mương cáp. Hệ thống đèn chiếu sáng sử dụng
điện áp an toàn phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật điện và an toàn điện;
e) Các trang thiết bị và hệ thống chống sét, nối đất trong nhà máy điện và các công trình điện lực khác
phải được lắp đặt đúng thiết kế và được kiểm tra nghiệm thu, kiểm tra định kỳ theo đúng quy chuẩn kỹ
thuật về kỹ thuật điện và an toàn điện.
2. Công trình điện gió phải tuân thủ các quy định tại khoản 1 Điều này và các quy định an toàn sau:
a) Chủ đầu tư công trình điện gió có trách nhiệm công bố công khai mốc giới hành lang bảo vệ an
toàn công trình điện gió;
b) Cột tháp gió, tuabin gió phải có tín hiệu cảnh báo hàng không theo quy định pháp luật về hàng
không. Cánh quạt gió phải có dấu hiệu nhận biết phù hợp;
c) Đối với công trình điện gió trên biển, chủ đầu tư có trách nhiệm thiết lập, duy trì hệ thống quản lý an
toàn bảo đảm kiểm soát các rủi ro trong toàn bộ hoạt động của công trình điện gió trên biển và thực
hiện báo hiệu hàng hải theo quy định pháp luật về hàng hải Việt Nam. Trong phạm vi 02 hải lý tính từ
mép ngoài cùng của cột tháp gió, trạm biến áp, cầu dẫn cáp điện và các hạng mục phụ trợ của công
trình điện gió các tàu thuyền không có nhiệm vụ không được thả neo, bảo đảm an toàn cột tháp gió;
d) Tổ chức, cá nhân sử dụng đất, mặt nước hợp pháp trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công
trình nguồn điện khi triển khai các hoạt động trong phạm vi trên mặt đất, dưới lòng đất, trên mặt nước,
dưới mặt nước thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình nguồn điện phải có trách nhiệm bảo đảm
an toàn kỹ thuật cho công trình nguồn điện và có sự thỏa thuận với chủ công trình nguồn điện về các
biện pháp bảo đảm an toàn kỹ thuật cho công trình theo quy định.
Điều 8. Trách nhiệm phối hợp trong xây dựng, cải tạo, sửa chữa hoặc mở rộng công trình điện
lực và công trình khác
1. Khi xây dựng, cải tạo, sửa chữa hoặc mở rộng công trình xây dựng có khả năng gây ảnh hưởng
đến công trình điện lực, chủ đầu tư công trình xây dựng phải phối hợp với đơn vị điện lực triển khai
các nội dung:
a) Thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho người, công trình xây dựng;
b) Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ vi phạm khoảng cách an toàn phóng
điện theo cấp điện áp hoặc nguy cơ gây hư hỏng công trình điện lực theo hướng dẫn của đơn vị điện
lực;
c) Chủ đầu tư và đơn vị thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa hoặc mở rộng công trình để xảy ra sự
cố, tai nạn hoặc hư hỏng công trình điện lực phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp
luật về dân sự;
d) Trường hợp chủ đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa hoặc mở rộng công trình xây dựng không phối
hợp với đơn vị điện lực thực hiện theo điểm b khoản này thì đơn vị điện lực báo cáo Ủy ban nhân dân
cấp xã hoặc cơ quan thẩm quyền cấp phép xây dựng để xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Khi xây dựng, cải tạo, sửa chữa hoặc mở rộng trạm sạc điện (trừ các thiết bị/trụ sạc điện được lắp
đặt vào công trình, hạng mục công trình để phục vụ cho tiện ích công trình và sử dụng cho phương
tiện giao thông, các phương tiện, thiết bị khác hoặc sử dụng cá nhân):
a) Chủ đầu tư xây dựng trạm sạc điện có trách nhiệm thiết kế, xây dựng, cải tạo, mở rộng trạm sạc
điện đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về kỹ thuật điện, an toàn điện và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
khác có liên quan; bảo đảm các thiết bị sử dụng điện của trạm sạc điện hoạt động an toàn; không gây
sự cố, không làm ảnh hưởng đến chất lượng điện áp, tần số của lưới điện; không làm ảnh hưởng đến
nhà ở, công trình xung quanh; tuân thủ các quy định chung về an toàn điện quy định tại Điều 17 Nghị
định này;
b) Đơn vị quản lý vận hành lưới điện có trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư cung cấp hạ tầng kỹ
thuật điện an toàn cho trạm sạc điện.
3. Khi xây dựng, cải tạo, sửa chữa hoặc mở rộng công trình điện lực có khả năng gây ảnh hưởng đến
nhà ở, công trình khác thì chủ đầu tư công trình điện lực có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho người,
nhà ở, công trình khác xung quanh và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người sử dụng đất khi
làm hư hỏng đến nhà ở, công trình xung quanh theo quy định của pháp luật về dân sự.
4. Khi đơn vị điện lực khắc phục sự cố hoặc cải tạo, sửa chữa, bảo trì công trình điện lực mà phải
triển khai trong khu vực đất thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân khác thì người có quyền sử
dụng đất có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị điện lực tiếp cận công trình điện lực để kiểm
tra, sửa chữa, bảo trì và khắc phục sự cố. Đơn vị điện lực có trách nhiệm sau đây:
a) Thông báo cho người sử dụng đất về kế hoạch sửa chữa, bảo trì định kỳ trước khi thực hiện tối
thiểu 05 ngày;
b) Trường hợp kiểm tra, khắc phục sự cố công trình điện lực, đơn vị điện lực được phép tiếp cận
ngay hiện trường để khắc phục sự cố, đồng thời có trách nhiệm thông báo ngay cho người sử dụng
đất; nếu không thông báo được cho người sử dụng đất thì phải thông báo chính quyền địa phương
gần nhất biết để phối hợp xử lý;
c) Trong quá trình kiểm tra, sửa chữa, bảo trì và khắc phục sự cố quy định tại khoản này, đơn vị điện
lực có trách nhiệm bảo vệ an toàn tài sản của người sử dụng đất. Trường hợp gây thiệt hại cho người
sử dụng đất thì đơn vị điện lực có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật về dân sự.
5. Khi xây dựng, cải tạo nâng cấp đoạn đường dây dẫn điện trên không điện áp cao vượt qua nhà ở,
công trình có người sinh sống, làm việc bên trong; khu vực chợ, quảng trường, bệnh viện, trường
học, nơi tổ chức hội chợ, triển lãm, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, bến tàu, bến xe, nhà
ga; công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng
cảnh đã được nhà nước xếp hạng, chủ đầu tư, đơn vị điện lực phải tăng cường các biện pháp an
toàn điện đối với đường dây theo các quy định sau:
a) Cột phải là cột thép hoặc bê tông cốt thép; hệ số an toàn của cột, xà, móng cột không nhỏ hơn 1,2;
b) Trong một khoảng cột, dây dẫn điện và dây chống sét không được phép có mối nối, trừ dây dẫn
điện có tiết diện từ 240 mm2 trở lên cho phép có một mối nối cho một dây. Hệ số an toàn của dây dẫn
điện, dây chống sét không nhỏ hơn 2,5;
c) Cách điện phải bố trí kép cùng chủng loại và đặc tính kỹ thuật. Dây dẫn điện, dây chống sét nếu
mắc trên cách điện kiểu treo phải sử dụng khoá đỡ kiểu cố định. Hệ số an toàn của cách điện và các
phụ kiện phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn theo quy định hiện hành;
d) Khoảng cách từ điểm thấp nhất của dây dẫn điện ở trạng thái võng cực đại đến mặt đất phải bảo
đảm khoảng cách an toàn trong bảng sau, trừ trường hợp cải tạo đường dây không có cấu phần xây
dựng.
Điện áp Trên 01 kV đến 35 kV 110 kV 220 kV
Khoảng cách 14 m 15 m 18 m
6. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời với đơn vị điện lực hoặc cơ quan nhà nước
có thẩm quyền khi phát hiện các hiện tượng mất an toàn điện, các hành vi vi phạm quy định về bảo v
công trình điện lực và an toàn điện.
7. Đường dây dẫn điện được lắp đặt vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung theo quy định của
pháp luật về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật. Chủ đầu tư xây dựng, cải tạo
đường dây dẫn điện có trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư/đơn vị quản lý, sử dụng công trình hạ
tầng kỹ thuật sử dụng chung để thỏa thuận và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đường
dây dẫn điện, công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, cộng đồng theo quy định của pháp luật hiện
hành và các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến an toàn điện, an toàn cho công trình hạ tầng kỹ
thuật.
8. Ủy ban nhân dân các cấp tại địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, giải quyết, xử lý các vi phạm về
bảo vệ công trình điện lực và vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực theo quy định của
pháp luật.