Phấn hương ngậm ngùi
lượt xem 4
download
1 Vợ chồng tôi sinh trai đầu lòng. Thành phố phát động kế hoạch hóa gia đình, chúng tôi cam kết hai con. Có con trai rồi, ham con gái lắm! Thấy con gái nhà ai đẹp, theo nhìn muốn rớt con mắt. Nhưng phải đợi thằng anh nó lên sáu tuổi tôi mới dám có bầu. Mang bầu mà cứ hồi hộp, sợ đẻ con trai nữa. Tôi sanh con gái! Mừng quá! Thằng anh đặt tên Thanh Hòa, con em khai sanh Thanh Bình. Nhưng tôi đặt tên thường gọi là Diễm Trang. Khỏi nói là tôi diện...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Phấn hương ngậm ngùi
- Phấn hương ngậm ngùi TRUYỆN NGẮN CỦA THANH GIANG 1 Vợ chồng tôi sinh trai đầu lòng. Thành phố phát động kế hoạch hóa gia đình, chúng tôi cam kết hai con. Có con trai rồi, ham con gái lắm! Thấy con gái nhà ai đẹp, theo nhìn muốn rớt con mắt. Nhưng phải đợi thằng anh nó lên sáu tuổi tôi mới dám có bầu. Mang bầu mà cứ hồi hộp, sợ đẻ con trai nữa. Tôi sanh con gái! Mừng quá! Thằng anh đặt tên Thanh Hòa, con em khai sanh Thanh Bình. Nhưng tôi đặt tên thường gọi là Diễm Trang. Khỏi nói là tôi diện cho bé hết ý; chụp ảnh an-bum nầy đến an-bum khác. Thằng Hòa coi bộ cũng ghen thầm, nhưng biết thân, lo chí thú học hành; năm nào cũng học sinh xuất sắc… Người mẹ chợt ngưng bặt, mắt rưng rưng: Dung nhan của cô bé quả thật hòa điệu với cái tên mĩ miều. Từ đôi mắt bồ câu đen huyền, lông mi dài, cong vút, đến mày vòng nguyệt, mũi dọc dừa, môi trái tim, tất cả cấu trúc cân đối, hài hòa trên gương mặt trái xoan. Tôn thêm vẻ đẹp hóa công còn là óc thẩm mỹ và công phu trang điểm của người mẹ, nào nơ tóc, hoa tai, nào trâm cài, lượt giắt, nào các kiểu áo, mốt gisp, mốt giày… Và quần áo cũng bớt dần sự rườm rà để chưng làn da trắng mịn của cặp đùi thon, cánh vai tròn lẳn, bộ ngực no căng cho cảm giác lần áo lót sắp rách tới nơi. Kiềm xúc động, người mẹ tiếp: - Ngẫm mà thương thằng Hòa, bị đối xử thiêng lệch, biết đè nén tủi thân, không tỏ ra buồn phiền, trái lại còn giúp mẹ: lau nhà, giặt giũ, rửa chén, nấu cơm. Bởi con Diễm Trang bữa ăn chưa buông đũa đã có bạn bè réo gọi đi trượt pa-tin, hoặc đi ka-ra-ô-kê. Cả việc học hành con nhỏ cũng bỏ bê luôn, lo chưng diện và chạy theo sở thích cá nhân. Nhưng mốt gì cũng còn phải giữ cái bản sắc của dân tộc. Ba cháu bận công việc, bỏ phú
- cho tôi. Bảo con gái, trách nhiệm lớn phần mẹ; không dạy con từ thuở còn thơ, giờ hư thân ráng chịu. Khi nhận ra mình cưng chiều thái quá, tạo cho con sa vào nết xấu thì đã muộn! Làm đẹp thuần túy hình thức thành thói quen, ban đầu như chỉ mành, dần dà thành dây xích, xích vào người như ma túy! Bấy giờ nước mắt của người mẹ không kìm nổi, lăn ra thành dòng trên gương mặt phai tàn hương phấn, khoảng độ tứ tuần mà đã hằn những đường nhăn. - Chẳng là ở nhà bên… - Người mẹ sau khi lau nước mắt, giọng hơi đanh lại – Gia đình cũng tử tế. Ảnh, chỉ có thằng con trai tên là Sĩ, bằng tuổi cháu Hòa, nhưng học dưới hai lớp. Cũng thuộc dạng con cưng đó mà. Hai nhà hay qua lại nhau khi có đám tiệc. Thấy con Trang nhà tôi xinh đẹp, nhà thường gọi đùa vợ chồng tôi bằng: anh sui, chị sui. Đâu ai tính chuyện gì, vợ chồng tôi vui miệng cũng gọi đáp lại: anh sui, chị sui. Ai ngờ đó là nguyên nhân dẫn đến bi kịch mà không sao lường hết được. Thằng Sĩ nghe vậy, đi khoe cùng. Thế là bọn trẻ ở khu phố đồn đại là thằng Sĩ đã đính hôn với hoa khôi Diễm Trang, chờ con bé lên mười bảy thì làm lễ cưới. Chuyện đâu dừng lại ở đó. Hôm thằng Sĩ ăn sinh nhựt, qua mời thằng Hòa con Trang. Hai anh em xin phép đi. Tôi có cho tiền tụi nó mua quà tặng nhau. Chừng về chỉ có thằng Hòa, hỏi em đâu, bảo chưa chịu về. Ai ngờ con nhỏ ở bển ngủ luôn tới sáng. Sáng trưa trật mới về, thấy mặt sượng sượng như chó ăn vụng bột, tôi tra riết, khai là lỡ uống bia say, rồi ngủ quên. Tôi hỏi: Ngủ với ai? Nó ấp úng, quanh co là ngủ với mấy đứa bạn gái, đông lắm. - Vậy có thằng Sĩ ngủ chung không? - Dạ…có! - Nó có làm gì con không? - Dạ… Con hổng biết? Ảnh ép con uống bia nhiều quá, con say, hổng biết trời đất gì hết. - Trời ơi! Vậy là xong đời con gái rồi con ơi! Tôi chỉ biết còn kêu trời và đưa con nhỏ đi khám phụ khoa. Khi bác sĩ cho biết “kết quả”, tôi như không còn đứng vững nổi. Ôi! Chưng diện cho con gái! Lý trí không còn kịp
- kiềm chế, tôi đóng cửa đánh cho con nhỏ một trận nhừ tử. vẫn chưa hả nư, tôi lấy kéo xởn mái tóc dài suông óng ả của nó. Con bé ban đầu còn khóc la, sau thì cắn răng chịu cho mẹ mặc tình muốn ăn tươi nuốt sống gì cũng được. Thâm tâm nó kể như đời bỏ đi rồi! khi sực hay rằng mình dang cầm một búng tóc nặng của con gái mà bấy lâu nay tôi từng nâng niu, chải chuốt, bất chợt tôi nghe tim mình đau nhói lên dữ dội rồi ngã ra bất tĩnh… 2 Một giọng nữ cao hớt hãi gọi toáng: - Bình! Bình! Ra coi truyền hình. Mục nhắn tin có tên mày nè! Lê Thanh Bình! Con ở đâu về ngay. Cha mẹ đã tha thứ hết lỗi lầm của con. Lẹ đi. Có in ảnh nữa. Đúng! Hình mầy Cô gái tên Bình trăn trở trên chiếc giường ọp ẹp. Chị bạn vừa gọi không được hưởng ứng, bước vào sờ tràn Bình. - Em sốt rồi. Để chị cạo gió cho em nghen! Chắc là mấy đêm liền “đứng bến”, khuya quá, nhiễm sương. Chị bạn mới quen chưa đầy tuần mà thương Bình như em gái, lật sấp Bình, xoa dầu, cạo gió sồn sột. Bình khẽ rên. - Chị Hạnh xin má Chín cho em nghỉ một đêm - Ừa! Mà em có tính về hay không? Chị như em, chị về liền. Con chị ở nhà đang mượn gạo ăn. Ông già bịnh liệt. Có hai công đất mà không có sức làm, phải cầm! Em còn đủ cha mẹ, sung sướng, ai đi sa vô cái chốn âm u nầy! Thà như chị. Con thuyền đã rệu rã. Chớ như em, đời còn tươi chong mà nhúng vô bùn nhơ, uổng quá chừng! Em lại đẹp quá chừng mới là càng… - Trời ơi! Chị cạo cho em luôn trong ruột gan nữa sao! Từng lỡ bước sa cơ mới biết rằng đời là luôn gặp những bất ngờ. Mà bất ngờ là ngoài ý muốn! Em có ngờ đâu bà Chín
- là bà tào kê. Gặp em đi bá vơ ở bến xe Miền Đông, em tính đi khỏi thành phố cho xa nhà, bả mới dỗ dành theo bả. Bả sẽ lo cho việc làm trong công ty du lịch. Rồi thì cũng như chị vậy. Cả tin. Bả cho mượn tiền trước để làm đầu, sắm quần áo, phấn son, dầu thơm. Trước hết phải cho sang. Chưa gì đã vướng nợ. Kẹt vậy thì là… liều thôi! - Giờ nầy chưa sửa soạn ra bến, còn ưỡn thây đó tâm tình hả? – Bất chợt bà Chín hét vào làm hai chị em run bắn. – Nói cho mà biết, không rướt được khách thì vẫn phải đóng lời hai chục phần trăm. Nhược bằng bỏ trốn thì khắp đường ngang ngõ dọc ở đây đều có con mắt của bà. Dù lên tới trời bà cũng theo tới nơi. Liệu đấy! - Má Chín ơi! – Hạnh lên tiếng thiết yếu xin cho Bình được nghỉ vì đang cảm, rồi thì thầm – Em cứ nằm nhà. Em trẻ đẹp, bả lợi dụng để kiếm khách sộp, phải làm eo làm xách với bả, bắt bả phải chiều mình. Quả nhiên mụ tào kê vào vuốt ve Bình rồi sai Hạnh ra quán mua tô cháo cảm, cho Hạnh ở nhà luôn đêm nay để chăm sóc Bình. Ăn xong tô cháu cảm, Bình nghe nhẹ hẳn người, song thêm nặng u buồn, trằn trọc mãi. Thà đừng hay biết gì gia đình nhắn tin trên truyền hình. Nghĩ mà thương má quá! Xởn tóc con rồi má điếng hồn, chết giấc! Ba đi làm, anh đi học. Bình chỉ biết ôm má la hoảng. Sau má tỉnh lại, mẹ con ôm nhau khóc muồi mẫn. Chiều Ba về, cằn nhằn má thành cuộc gây lộn. Nghe ba má nặng lời nhau mà Bình là nguyên nhân, làm ân hận muốn chết được. Ba đổ lỗi: - Con hư tại mẹ! Má cãi: - Câu xưa như trái đất. Con chung, cùng nhau dạy dỗ. Tại mẹ là sao? Cha gì vô trách nhiệm. - Mẹ cưng từ trong trứng cưng ra. Mẹ sợ gởi nhà trẻ, ngại cho đi mẫu giáo. Mẹ chưng diện, mẹ nuông chiều. Mẹ đi đâu cũng na theo, khoe mẽ. - Trời ơi! Con có nghe ba nói gì không? Con giết mẹ!
- Tiếng kêu của má làm Bình quằn quại, bịt tai vẫn cứ nghe tiếng “Con giết mẹ” như lưỡi dao cứa vào trái tim. Bình bấn loạn chạy ra khỏi nhà rồi đi lang thang cho đến nay… Nằm bên, biết Bình khóc, Hạnh ôm vai khuyên dỗ: - Thôi nín ngủ đi cưng! Chẳng qua tại cái số. Buồn cũng vậy thôi. Số kiếp đã định rồi! Bình lặng im. Nghiệm xem chị Hạnh nói số kiếp nghĩa là gì? Thật ra lâu nay Bình chưa biết khổ, nên cũng chưa hề nghĩ đến cái số kiếp, số phận. Chỉ mới biết khổ lần đầu là bị má xởn tóc. Điều đó hóa ra công khai thông báo với mọi người rằng con bé đó nó đã… còn cái sự dĩ lỡ với anh Sĩ, đâu phải gì ghê gớm lắm. Nguồn cơn có lẽ từ hai nhà gọi nhau là: anh sui, chị sui? Cái gì đó lớn dần trong tâm hồn trẻ thơ, trai tài, gái sắc. Sắc đẹp tự thân toát lên niềm kiêu hãnh, rồi càng rạo rực khát khao yêu chiều! Chữ với nghĩa ở lớp học đối với Bình buổi ấy nó cứ lăn trơn chuồi theo bánh xe giày trượt pa-tin. Bắt chước trượt băng nghệ thuật, trượt đơn, trượt đôi, té lăn chiêng, trửng giỡn chớ có ra nghệ thuật gì. Vậy mà mê. Đúng ra là mê đắm trong vòng tay của anh Sĩ. Anh có tài ga-lăng rất điệu nghệ; bọn con gái đụng đầu lụp cụp. Thế nhưng học dốt hơn anh Hòa. Trò đời nghĩ cũng lạ: kẻ học dốt được tung hoa, người hiếu học bị chọc quê: Hòa-cù-là! Sinh nhựt thu hút đông đảo bạn bè, Sĩ càng hiu hiu. Vốn là con trai một, được cưng chiều hết ý, cuộc chơi hôm ấy Sĩ là vua! Uống bia thả dàn; dancer quay cuồng rồi ôm nhau ngủ xả láng. Khi Bình cảm nhận một ấn tượng kinh khủng cũng là lúc chìm vào bàng hoàng mê ly hầu như dư vang mãi trong cảm giác cho đến tận bây giờ. Nhưng mà lòng thì vẫn tự dối lòng: say mà! Cầu mong cơn say để quên đi để chạy tội trước hết là lý trí. Nhưng làm sao quên được!... Hôm qua đi với ông khách già hơn cha mình. Ổng giầy vò ê chề, buồn muốn khóc mà lại nhớ anh Sĩ mới kỳ? Nhớ để vừa yêu mà vừa oán anh. Rồi nghĩ lại cũng tại mình tất cả. Tại mình ham chơi trốn học, tại mình không biết giữ thân. Phải chi chí thú học hành như anh Hòa. Hòa-cù-là giờ đã vào đại học. Còn em gái Thanh Bình của anh mới mười lăm tuổi đã thành con đĩ! Nhục nhã không, hỡi trời!... Bình bật khóc rấm rứt, não ruột. Cam đời có số, Hạnh thả hồn ngủ vùi, bỗng chợt tĩnh, ý thức ngay nỗi đau cùng cảnh ngộ, choàng ôm Bình vào lòng. Vốn lòng đang đau nên càng nhạy cảm, chưa an ủi được ai Hạnh đã sụt sùi khóc theo. Tiếng khóc của Hạnh như
- tiếng thở dồn rồi nấc dồn, càng cố nuốt xuống, càng nấc lên hằng chuỗi dài. Xốn xang khôn cùng, Bình trở lại ôm chị Hạnh, lau nước mắt đầm đìa trên má chị: - Đời chị mới buồn hơn em biết chừng nào! – Ý thức nỗi đau của người khác, nỗi đau chính bỗng vơi đi. Bình thắc mắc dùm cho chị Hạnh – Còn chồng chị đâu? Sao mà để mẹ con chị ra nông nổi? - Chồng! Ảnh có bồ nhí, rước về ở chung; mặc nhiên để con ấy lộng hành, xua đuổi vợ già ra giường ngoài. Chịu không nổi? Thôi thà về quê cho khuất mắt! Mẹ chị cũng vừa mất. Tính về bám với vài công ruộng, còn nuôi cha già. Ngờ đâu con đau, rồi ông già lâm bịnh nằm một chỗ!... Cũng là cái số của chị! - Vậy là tại thằng chồng thất đức của chị. Và cũng tại chị hiền quá! Số kiếp hay số phận gì cũng là do mình. Như em: cha mẹ sanh ra mình, nuôi nấng, dạy dỗ mình, phận mình là phải “con ngoan, trò giỏi”, để lớn lên tự lập cuộc đời. Nhưng em thì… Em buông thả mình theo đam mê bản thân, để hư thân sớm quá! Nghĩ càng có tội với má em. Em không biết giữ thân để làm nên danh phận, cũng bằng chà đạp lên niềm vui, niềm tin yêu của má em; cũng bằng giết má em! Em ân hận, em nhục nhã! Em tính uống thuốc rầy chết quách cho rồi!... - Đời đang trẻ đẹp chán, đòi chết chi cho uổng, con ơi! – mụ tào kê đột ngột bước vào phòng, lên tiếng rồi đến sờ trán, chùi nước mắt cho Bình - Ờ, mà mát rồi nè! Đời được nâng niu, cưng chiều, sướng thân, việc gì mà buồn. Để má rửa mặt cho con bằng nước nóng cái khỏe liền hà. Nói xong mụ tất tả rót nước bình thủy, chế vài giọt nước hoa, nhúng khăn lông, vắt ráo, chờ bốc bớt hơi, lau mặt cho Bình. Nghe dễ chịu thật, Bình còn đang lấy làm lạ, sao hôm nay mụ ta tử tế đến vậy, thì mụ dựng Bình dậy, đưa lại bàn trang điểm. Tự tay mụ thoa kem, dồi phấn, đánh má hồng, môi son cho Bình. Khi đã hiểu, Bình rưng rưng nước mắt. Mụ tào kê dỗ ngọt:
- - Đi chỗ này sướng thôi. Má biết con vừa mới cảm. Đây là cậu giám đốc trẻ, đẹp trai, lịch sự. Đến chỗ riêng của cậu ta. Ráng con. Mấy khi gặp món “sộp”. Lần này thừa sức con dứt nợ cũ. Sau đó tự do… - Nhưng con đang còn cảm mà má Chín? - Dỗ ngọt hổng chịu thì liệu hồn! Nước mắt Bình lăn ra làm nhạt nhòa son phấn. Mụ tào kê vẫn kiên trì vừa dỗ vừa đe, công phu trang điểm cho Bình đến xong bằng được. Vừa lúc nghe tiếng còi xe, mụ dìu Bình ra và vừa đỡ vừa ấn Bình ngồi vào chiếc me-xe-đéc màu đen bóng dợn. 3 Những ngày tiếp theo đối với Bình nhẹ không. Coi như đứa con hư thân, đứa con giết mẹ ấy đã chết. Chỉ còn cái xác vật vờ trong hoan lạc, tìm thú vui trong ô nhục. Bình được mụ tào kê đối đãi như con cưng, ăn uống bổ dưỡng, trang điểm mỹ phẩm hảo hạng, đi ra thơm lừng, sang trọng. Có tiền nhiều Bình chia chị Hạnh đem về nuôi ông già, nuôi con. Chấp nhận con người có số theo quan niệm chị Hạnh. Tưởng đâu số phận trong bàn tay mình, giờ tuột khỏi tầm tay rồi thì tới đâu hay tới đó… Nhiều hôm không được rước, Bình cũng ra đứng bến. Cái bến dưới bóng cây sầm uất bên đường. Tối ấy chập chờn ánh điện, bỗng nghe gọi “Diễm Trang”, làm Bình hết hồn tưởng như sét đánh ngang tai. Tên Diễm Trang đã chết từ lâu rồi! Ai gọi? Nỗi sỉ nhục sợ gặp lại ba má, anh Hòa hay bất cứ người quen nào cùng phố rồi không biết trốn đâu, giục Bình dợm bỏ chạy. Nhưng không kịp rồi! Một anh chàng đeo kính đen, để ria con kiến, đã dừng chiếc Dream II sát ngay trước mặt; lại gọi, giọng khẽ hơn mà tha thiết: - Diễm Trang! Đừng sợ, Anh đây mà! - Nhìn lầm rồi bồ ơi! – Bình đã trấn tĩnh – Người giống người mà anh Hai. Ê xích lô! Thôi xin chào! Em có cái hẹn!
- - Không! – Chàng trai đã xuống xe, lột mắt kính ra – Nhìn cho kỹ đi. Có phải Tráng Sĩ của Diễm Trang đây không? Đừng có giả vờ! Xin lỗi anh xích lô nha! Bồ cũ muốn trốn tình xưa mà… Bình đành đứng lặng, lòng bồi hồi tủi thân, xấu hỗ, dỗi hờn, yêu thương. Khi Sĩ chạm vào người toan ôm hôn thì Bình dãy ra: - Đừng đụng vào người em! Em không còn xứng đáng!... - Anh biết! Cho anh xin lỗi! - Muộn rồi! Diễm Trang đã chết rồi! Anh đi đi - Không! Em lên xe đi với anh. Lên xe! Đừng để năn nỉ lâu mà cưng! Khi đã ngồi với nhau trên ghế đá bên bờ sông Sài Gòn, Sĩ cầm tay Bình, âu yếm hỏi: - Sao gia đình nhắn tin trên truyền hình mà em không về? Hay không được xem? - Em có biết. Nhưng… Em không có can đảm ngẩng mặt mà nhìn ba má với anh Hòa. Em là đồ phản, giết chết còn chưa vừa nữa là xởn tóc. Đi ra gục mặt chẳng dám nhìn ai. Em cũng biết nhục với bạn bè, bà con khu phố chớ bộ. Rồi nhắn tin: tha thứ hết lỗi lầm… cũng bằng nhân thân lên cái nỗi nhục! - Còn em sa chân thành gái lỡ lầm không nhục sao? - Ở đây không ai biết em là con nhỏ nào. Vả lại thiếu gì chị em chớ có phải một mình mình đâu. Quàng vai ôm Bình với nỗi xúc động chân thành, Sĩ giọng tha thiết: - Anh muốn chuột lại hành động súc vật đối với em. Anh sẽ cưới em làm vợ. - Bây giờ thì em có còn ra gì nữa đâu anh! Bình nghẹn ngào rồi khóc nức nỡ, khóc một cách thảm thiết! - Hai bác khổ lắm! anh Hòa bỏ học đi tìm em, cuối cùng mới nhắn tin trên đài.
- Còn anh cắn rứt lương tâm biết dường nào. Anh đi tìm em và khuyên anh Hòa tiếp tục học. Đâu có ngờ em vội vàng đến thế?! - Em cũng không ngờ chính mình! Bởi cả tin nên mắc lừa. Mới hay trường đời đầy cạm bẫy, anh ơi! Hay là tại cái số? - Thôi! Than khóc thì cũng đã rồi! Bài học nào mà không trả giá. Nhưng cái giá quá đắt đối với em! Mà anh là tội đồ. Xin cho anh được chuột cái tội này là cưới em. Em có cảm nhận giọng nói chân thành của anh không, Diễm Trang? Lòng càng bồi hồi, Bình không dừng được thổn thức, nước mắt nhoẹt nhòe son phấn. Cả dòng sông đèn chan hòa cùng sao trời rưng rưng. Nụ hôn tình yêu ngọt lịm cho dù Sĩ nuốt khô kiệt nước mắt mặn của Bình. Đang trong giây phút sống lại cảm giác đêm sinh nhựt mê ly, Bình chợt đẩy Sĩ ra: - Anh không sợ si-đa sao? - Tình yêu làm người ta mù quáng. Nhưng anh muốn chuộc tội với em thì kể gì chuyện đó. Đáp xong, Sĩ lại hôn Bình đắm say hơn. - Bây giờ anh đưa em về! Bình bức ra để thở, có phần lo lắng: - Không đi khách em bị… - Không! Anh đưa em về nhà trình với ba má anh, xin cưới em. - Ý, đâu có được! Một là em mắc cỡ với hai bác, sợ ổng bả mà không đồng ý con dâu là con đĩ thì em nhục đến chết mất. Hai là bà tào kê. Ai vô tay bả rồi, đâu có ký giao kèo gì, nhưng mà đố ai thoát khỏi tay bả. Vệ sĩ với tai mắt bả tùm lum. - Trời ơi! Thà là anh chưa tìm được em. Để em vẫn bị trong vòng tay bồng ẵm của người ta cũng bằng giết anh!
- - Bây giờ vầy ha! Anh có tiền không? Nhiều mới được. Anh chở em về gặp bả, nói rằng tôi mua đứt con bé nầy rồi! Cấm không ai đụng đến. Và hứa sẽ chi thêm cho bả hậu hĩ. Nghe phải, Sĩ chở Bình trở lại gặp bà Chín – Tú bà hiện đại, lòng thầm khen Diễm Trang đã khôn đời. 4 “Thủ Đức, ngày… Tráng Sĩ yêu quí của em! Chắc anh ngạc nhiên khi lắm khi nhận được thư này của em. Trước hết em báo tin mừng đến anh. Là cùng với các chị, sau khi xét nghiệm H.I.V, em được kết luận âm tính. Mừng không! Hồi nào còn như điếc không sợ súng, giờ vô đây được học tập nguy hiểm của Si- đa mới giật mình! Anh đi tìm em không được có chửi thầm em không? Để em kể anh nghe. Hôm chia tay anh bữa trước, bữa sau động bà Chín bị hôi ổ, công an với dân phòng khu phố gom sạch. Vậy mà bả luồn vuột mới là tài chớ. Được đưa lên Trung tâm giáo dục, dạy nghề phụ nữ ở Thủ Đức, ban đầu em sợ quá, tưởng bị đày đi lao động khổ sai. Té ra được học không hà. Học văn hóa, học may, học Anh văn, em còn được học vi tính nữa. Ôi lu bù học! Rồi tập văn nghệ, múa hát, diễn kịch, vui lắm! Hôm nhà trường đi tuyên truyền và triển lãm phòng chống AIDS ở nhà Văn hóa Tao Đàn, em được giao giới thiệu các sản phẩm của các chị tự làm như khăn thêu, áo thêu, các kiểu giỏ đan bằng mây tre… Nhưng đáng kể với anh là em được lên sân khấu hát một bài và diễn một vai kịch. Đâu phải hay ho gì mà khoe. Muốn nói là hôm đó em làm mặt không được. Biết sao hông? Là nước mắt cứ chảy xuống hoài. Tự nhiên cứ bắt bồi hồi. Bởi hồi nào mình cũng từng trang điểm từ dầu thơm đến son phấn đều thứ “xịn”. Nhưng mà hồi ấy mình trang điểm để mà bán phấn buôn hương. Ê chề thay trong vòng tay giày vò của khách để cầu tiền chớ không có tình! Cứ nhớ đến phẩm giá của mình bị chà đạp, bị hoen ố, bị mất mà đau, mà nhục nhã, nên nước
- mắt cứ tuôn trào!... Em cứ tưởng cuộc đời thôi coi như xong! Ngờ đâu hôm nay bị gom sợ hết hồn hết vía mà lại được về đây, được yêu thương, được ăn uống đầy đủ, được học hành. Anh có kỳ cho con nhỏ nầy không? Khổ, khóc, chừng sướng cũng khóc!... Anh nhớ coi lời em có linh không? Đời nào mà ba má anh chịu cưới con đĩ như em về làm vợ anh. Tại sao em biết? Nhờ nhà trường thông báo về gia đình, má em đang lên thăm. Nói “anh sui, chị sui” là hồi nào, chớ bây giờ không đời nào. Nhân dịp này em viết thơ cho anh, dù em vẫn yêu quí anh, nhưng anh không thể nào thuyết phục nổi gia đình đâu. Vậy lá thơ nầy coi như tình nghĩa đôi ta có thế thôi! Anh đi cưới vợ. em còn khuya mới lấy chồng! Ký tên. Thanh Bình.” Sau những tháng ngày dài xa cách, hai mẹ con Thanh Bình ôm nhau hàn huyên thâu đêm. Người mẹ vuốt ve mái tóc của con gái nay đã ra dài xuống thắt lưng, mượt mềm, mát rượi. Trong câu chuyện lâu lâu người mẹ lại điệp: “Con tha lỗi cho má!”. Bởi người mẹ đã nhận ra: cưng chiều con thái quá cũng bằng đẩy con hư. Con hư rồi chỉ biết trừng phạt, trách cứ, mắng mỏ, lên án: “Con giết mẹ!”, cũng bằng đẩy con vào đường cùng, dấn sâu vào lỗi lầm tệ hại; cũng bằng qua cầu rút ván, đạp bùn chặt chân. Phần mẹ, trải những ngày ruột đau như cắt, phần con, trải những ngày ô nhục ê chề, để khi mẹ khóc xin con tha lỗi, thì con cũng nước mắt ròng ròng xin má tha tội; rồi cũng nghiệm ra cái giá đã trả cực kỳ đắt cho một bài học mà hứa hẹn với nhau rằng: bây giờ mà để trở lại những ngày khổ đau, ô nhục nữa thì không có hối hận nào lớn lao bằng.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn