
HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT NỘI KHOA CHUYÊN NGÀNH THẦN KINH
118
TEST CHẨN ĐOÁN NHƯỢC CƠ BẰNG THUỐC
I. ĐẠI CƯƠNG
Bệnh nhược cơ (Myasthenia Gravis) là bệnh rối loạn dẫn truyền thần kinh cơ
nguyên phát phổ biến nhất. Tỷ lệ bệnh mắc bệnh nhược cơ tại Hoa Kỳ khoảng
14/100.000 dân, nữ cao hơn nam giới (2/1). Tuổi khởi bệnh thường gặp của nữ là 20-30
tuổi, còn ở nam là 60 - 70 tuổi.
Người bệnh nhược cơ thường đến khám bệnh vì yếu những nhóm cơ đặc hiệu.
Các rối loạn vận nhãn, sụp mi hoặc song thị, là triệu chứng đầu tiên của 2/3 người bệnh
nhược cơ. Yếu cơ vùng hầu họng, khó nhai, khó nuốt, hoặc khó nói, là triệu chứng đầu
tiên ở 1/6 người bệnh nhược cơ và yếu tay chân chỉ có ở 10% người bệnh.
Trong bệnh nhược cơ, số lượng các thụ thể acetylcholin giảm làm nghẽn quá trình
dẫn truyền thần kinh cơ vân, làm yếu mỏi cơ. Edrophonium và neostigmin ức chế men
cholinesterase để tăng số lượng acetylcholin đến màng sau synap, nối lại dẫn truyền
thần kinh cơ, đây là nguyên lý để có test Tensilon hoặc test Prostigmin, là một trong
những kỹ thuật chẩn đoán bệnh nhược cơ.
II. CHỈ ĐỊNH
Chẩn đoán bệnh nhược cơ.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
Tắc ruột hoặc tắc đường tiết niệu do nguyên nhân cơ học.
* Thận trọng: động kinh, hen phế quản, nhịp tim nhanh, tắc mạch vành, loét dạ
dày, rối loạn nhịp tim, block nhĩ thất, cường giáp và cường phế vị.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
01 bác sĩ và 01 điều dưỡng.
2. Phương tiện, dụng cụ, thuốc
Bơm tiêm, bông cồn sát khuẩn, thuốc, phương tiện chống sốc, hồi sức cấp cứu.
3. Người bệnh
Nằm tại giường bệnh, giải thích động viên để người bệnh hợp tác.
4. Hồ sơ bệnh án
Ghi lại các bước tiến hành, theo dõi và xử trí.