intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

THUẬT UỐNG TRÀ VÀ DƯỠNG SINH

Chia sẻ: Nguyễn Thị Phương Anh | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

168
lượt xem
31
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

THUẬT UỐNG TRÀ VÀ DƯỠNG SINH - phần 2 4. Chén trà Hình dạng chén trà rất phong phú nhưng tựu trung bao gồm bốn loại: Xuân ẩm, Hạ ẩm, Thu ẩm và Đông ẩm. Trời càng lạnh thì miệng chén càng hẹp; trời càng nóng thì miệng chén càng rộng. Các chén trà truyền thống Đông phương không có quai cầm. Vương Hồng Sển (1971) cho biết vào đời Khang Hy, để đáp ứng cho việc xuất cảng sang thị trường Âu châu, các nhà sản xuất đồ sành sứ Trung Hoa mới bắt đầu chế thêm tay cầm cho...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: THUẬT UỐNG TRÀ VÀ DƯỠNG SINH

  1. THUẬT UỐNG TRÀ VÀ DƯỠNG SINH - phần 2 4. Chén trà Hình dạng chén trà rất phong phú nhưng tựu trung bao gồm bốn loại: Xuân ẩm, Hạ ẩm, Thu ẩm và Đông ẩm. Trời càng lạnh thì miệng chén càng hẹp; trời càng nóng thì miệng chén càng rộng. Các chén trà truyền thống Đông phương không có quai cầm. Vương Hồng Sển (1971) cho biết vào đời Khang Hy, để đáp ứng cho việc xuất cảng sang thị trường Âu châu, các nhà sản xuất đồ sành sứ Trung Hoa mới bắt đầu chế thêm tay cầm cho các chén trà, gọi là tách (tr.295). Kích thước, hình dạng và màu sắc chén trà thay đổi theo thời gian. Theo Phạm Đình Hổ (1998), sau đời Khang Hy (1662-1722), người sành điệu bắt đầu sử dụng các chén nhỏ (tr.48). Sự việc này cho thấy tầm ảnh hưởng lớn lao của trà Ô-long từ thời điểm đó. Căn cứ theo cách uống trà Ô- long, trà thường được pha trong bình chu sa (gan gà). Các chén trà luôn nhỏ vì lượng trà chiếm đến 1/3 dung tích của ấm. Màu nước men của tách trà ảnh hưởng nhiều trong việc thưởng lãm trà. Lu Yu (1974) cho biết vào thời nhà Đường, các chén trà Yueh Chou được chuộng nhất vì ánh màu lục của chén làm khởi sắc thêm màu của nước trà. Điều này rất tương phản với những chén của các lò khác, khi chúng có khuynh hướng làm biến đổi màu sắc của nước trà. Chẳng hạn như chén Hsing Chou có khuynh hướng làm nước trà có màu đỏ nhạt thành màu đỏ đậm; chén Shou Chou có nước men màu vàng có khuynh hướng làm nước trà màu đỏ thành màu nâu rỉ và chén Hung Chou có nước men màu nâu có khuynh hướng làm nước trà có ánh đen đậm (tr.90-93). Các chén thủy tinh không được chuộng mấy vì tính dễ nứt, hoặc dễ vỡ của chúng, mặc dù chúng rất thích hợp cho các loại thanh trà và bạch trà. Tại Việt Nam, số lượng chén trong một bộ trà khác biệt tùy theo miền. Vương Hồng Sển (1993) cho biết một bộ chén trà tại miền Bắc gồm có m ột chén tống và bốn chén quân. 'Tống' là từ biến thể của 'tướng'- tên gọi một chén có dung tích lớn hơn chén thường, dùng để chuyên trà từ chiếc ấm con rót vào. Tại miền Trung, số lượng chén quân giảm xuống còn ba, qua thành ngữ 'Nhất tướng tam quân' (tr.55). Chén 'Beni Annam', thế kỷ 16 (Stevenson & Chén Nhật Ofuke, thế kỷ 17 (Stevenson & Guy, tr.51) Guy, tr.70) Stevenson & Guy (1997) cho biết vào thế kỷ 16, nước ta từng xuất cảng sang Nhật Bản nhiều kiểu chén trà. Trong số đó, Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật của dòng họ sứ quân Tokugawa ngày nay còn bảo tồn một loại chén, tên gọi 'Beni Annam' (tr.51& tr.70). Việc chén trà Nhật Ofuke (hình trên bên phải) có dạng như cùng khuôn đúc với kiểu chén 'Beni Annam' (hình trên bên trái), cho thấy ảnh hưởng sâu đậm của nghệ thuật sành sứ nước ta vào nghệ thuật sành sứ của Nhật Bản. 5. Lò và ấm đun nước Từ đời nhà Thanh trở đi, các nhà sản xuất Trung Hoa còn chế ra lò than và các ấm đồng để đun
  2. nước sôi. Lò than phải được tính toán cẩn thận. Ít lỗ thì lửa không bốc đủ, nhiều lỗ thì than mau tàn. Từ đời Minh, Thanh trở đi, ấm đồng được sáng tạo. Loại ấm này có đặc điểm nhẹ, không vỡ hoặc rò, và sôi nhanh hơn ấm đất. Nguyễn Tuân (1962) đề cập đến các kim hỏa bên trong lòng ấm đồng 'cò bay' của Trung Hoa. Chúng có công dụng làm nước mau sôi (tr.53). Tuy vậy, khuyết điểm lớn nhất của ấm đồng là làm vị nước sôi có mùi tạp của kim loại. Người uống trà sành điệu luôn có hai ấm đun nước thay phiên bắc trên lò than. Tuy người xưa không uống nhiều một lần, nhưng lúc nào trên bếp than cũng cần phải có sẵn nước đun để pha một ấm mới khi có khách đến chơi. Ấm Tetsubin Nhật Bản (Sưu tập của Nguyễn Kỳ Hưng) Trong nghệ thuật pha trà Nhật Bản, người Nhật sử dụng các ấm đun bằng gang (tetsubin) để đun nước. Vùng Nambu, quận Iwate, Nhật Bản, là một trong những nơi sản xuất loại ấm nổi tiếng này. Thông thường vỏ ấm thường có màu đen tuyền, được đúc sần sùi đều đặn như v ỏ của trái vải trông rất ngoạn mục (hình đính kèm). Bên trong lòng ấm có tráng một lớp men như loại 'nonstick' để nước đun không bị ngái mùi kim loại. Kích thước loại ấm này khá đa dạng. Tùy theo số người uống mà dung tích ấm lớn nhỏ khác nhau. 6. Lửa và vật liệu để đun: Yếu tố lửa rất quan trọng trong việc pha trà. Sau đời Minh, đời Thanh trở xuống, lò nấu than và các v ật dụng pha trà được chế biến tinh vi và lịch sự (Phạm Đình Hổ 1998, tr.45). Hương vị trà vì thế càng trở nên tinh khiết hơn. Có nhiều loại vật liệu để đun một ấm nước. Loại thông thường là than Tàu. Tuy người nước ta chế được than loại này, ta v ẫn gọi là than Tàu, vì người Tàu nghĩ ra cách chế tạo nó. Lu Yu (1974) cho biết than đã đốt rồi không thích hợp cho việc đun nước pha trà, vì mùi mốc meo của nó. Ngoài than Tàu ra, củi khô của các cây già, cứng đều tốt trong việc nấu nước (tr.105). Theo Qiu Huanxing (1997), người uống trà Gongfu sành điệu của vùng phía đông tỉnh Quảng Đông và phía nam tỉnh Phước Kiến, sử dụng hạt olive phơi khô để đun nước. Khi cháy, hạt olive khô cho lửa đượm và thoang thoảng mùi thơm của dầu olive (tr.259). Tại nước ta, người xưa dùng các trái ổi còn xanh, phơi khô để nấu nước (Nhất Thanh 1970, tr.136). Kẻ uống trà sành điệu luôn quan tâm đến mức độ sôi của nước. Nước chưa sôi đúng mức không đủ sức lấy hết tinh chất và hương vị của các lá trà. Nguyễn Tuân (1962) cho biết mỗi giai đoạn
  3. trong việc pha trà đều được người xưa quan tâm đến, qua đoạn v ăn trong bài 'Chén trà trong sương sớm': Nước sôi già lắm rồi. Nhưng thói quen v ẫn bắt cụ Ấm rót thử một chút nước xuống đất xem có thực là sôi không. Mở đầu cho công việc vụn vặt trong mỗi ngày tàn còn lại, ông già đã sợ nhất cái ấm trà tàu pha hỏng lúc sớm mai. Từ trên bề cao cỗ sập, dòng nước sôi trút mạnh xuống nền đất trị, tiếng kêu lộp bộp (Nguyễn Tuân 1962, tr.199). Ngoài việc lắng nghe, người xưa còn để ý đến yếu tố 'ngư nhãn' và 'giải nhãn' của tăm nước sôi. Nước mới chớm sôi thì tăm nước to bằng mắt cua; sôi hơn nữa tăm nước to bằng mắt cá. Nhiệt độ của nước để pha trà tùy thuộc vào quy trình pha trà, và loại trà. Các trà ướp cần phải có nước sôi già để lấy hết hương v ị bên trong lá trà. Tuy nhiên, Holy Mountain Trading (2000) cho biết nước quá sôi sẽ làm hỏng vị của thanh trà. Nhiệt độ lý tưởng để pha thanh trà là trong khoảng 170-185 độ Fahrenheit (khoảng 80°- 85°C). Trà Ô-long sẽ tăng hương vị khi pha với nước gần sôi. 7. Nước: Nếu lửa quan trọng cho một bình trà như thế nào thì yếu tố nước quan trọng không kém. Từ nhiều thế kỷ, nước được xem như yếu tố vô cùng mật thiết cho những ai tin tưởng vào khoa địa lý. Theo lý thuyết của khoa này, sinh khí, hoặc long mạch thể hiện qua sự tinh khiết của nước. Mộ phần đặt đúng nơi có nước tốt, con cháu kẻ quá cố sẽ phát đạt và thịnh vượng. Khi cất nhà để ở ngay trên mạch nước tốt, cư dân sẽ luôn khỏe mạnh và an vui. Suy diễn thêm ra, người xưa tin rằng nước tinh khiết rất cần thiết cho việc uống trà, vì có một tách trà thơm tinh khiết là có đủ sinh khí để điều tâm trong một ngày. Theo Lục Vũ, nước lý tưởng để pha trà là nước suối. Tuy v ậy, phải tránh dùng nước suối ở những nơi gần thác nước hoặc chỗ nước chảy xiết. Thứ đến là nước sông sạch. Phạm Đình Hổ (1998) đề cập đến nước suối Hồng Tâm như nguồn nước tuyệt hảo. Nguyễn Tuân (1962) nhận định nước giếng ở trên những vùng đồi núi có hương vị tinh khiết, có thể có cùng nguồn với nước suối. Nước máy không hợp cho trà vì có nhiều tạp chất. Nhất Thanh (1970) cho biết nước mưa không được chuộng vì làm cho vị trà nhạt (tr.136). Tuy v ậy, theo kinh nghiệm của một số người uống trà sành điệu, nếu nước mưa được cất lắng vài năm thì vị nước sẽ trở nên tinh khiết, không kém gì phẩm chất nước giếng tốt. Trước khi có sự phát minh ra máng xối, người xưa dùng những bẹ cau, nối với nhau làm máng để lấy nước mưa. Theo Nguyễn Tuân, nước lý tưởng nhất lại là nước lấy từ các hạt sương đọng trên lá sen. Trong bài 'Chén trà trong sương sớm', tác giả viết về niềm tâm sự của cụ Ấm với người con trưởng về vinh dự được hầu thầy dậy học từ thuở còn cắp sách: Cả ạ, thày cho nước pha trà không gì thơm lành bằng cái thứ nước đọng trong lá sen. Mỗi lá chỉ có ít thôi. Phải gạn vét ở nhiều lá mới đủ được một ấm. Hồi thày còn ít tuổi, mỗi lúc được quan Đốc truyền cho đi thuyền thúng vớt những giọt thủy ngân ấy ở lá sen mặt đầm, thày cho là kỳ thú nhất trong đời một người học trò được thày dạy yêu như con (Nguyễn Tuân 1962, tr.206). Theo sự phân tích khoa học, nước trà ngon hay dở là do thành phần hóa học trong nước dùng để pha trà quyết định. Chlorine trong nước máy làm hại hương v ị của trà. Nước cất (distilled water) làm nhạt trà. Trái lại, khoáng chất càng nhiều trong nước càng làm tăng vị đậm đà của trà. Nước lý tưởng để pha trà nên có alkaline pH (độ kiềm) vào khoảng 7.9. Tuy vậy, hắc trà có vị độc đáo hơn nếu nước chứa ít lượng Volvic (Holy Mountain Trading 2000). Volvic bao gồm các chất khoáng như fluoride, calcium, sulfates, potassium, sodium, nitrates, silica, magnesium, and bicarbonate. Volvic hình thành do nước mưa thấm sâu vào lòng đất, qua các lớp đất đá của núi lửa trong nhiều năm tháng. Càng thấm sâu, nước mưa càng tinh khiết, và chứa nhiều khoáng chất vừa nêu. Khay trà:
  4. Khay trà được sử dụng v ới hai mục đích. Thứ nhất, để đựng các chén trà và thứ nhì, để hứng nước rơi ra ngoài khi rót trà vào chén. Nhất Thanh (1968) cho thấy một số khay bằng gỗ có tên 'Chân quỳ xoi chỉ', 'Bàn toán', 'Chân quỳ dạ cá', và 'Thành lựu'. Bên cạnh các khay trà bằng gỗ còn có các khay trà làm bằng sành sứ. Loại khay này thường có những lỗ hổng trên khay, để một khi chủ nhân lỡ rót nước trà ra ngoài thì nước trà sẽ tụ lại trong hộp đựng bằng sành sứ ở dưới. Người uống trà sành điệu thường sắm nhiều khay cho hợp với ấm và tách trà. Chẳng hạn như khay có thành cao được sử dụng với chén Thu ẩm, và khay có thành thấp hơn như khay 'Bàn Toán' được dùng cho chén Xuân ẩm. Trước khi các nghệ nhân Trung Hoa chế tạo ra các ấm trà theo dạng ngày nay, trà được pha trong các chén lớn (thời nhà Tống). Vì vậy, các chén thời ấy phải có các khay nhỏ bằng gỗ giúp người uống không bị phỏng tay khi cầm chén trà vừa mới pha xong. III. DƯỢC TÍNH CỦA TRÀ Ngay từ thời Chiến Quốc (403-221 ÂÂL), người Trung Hoa biết sử dụng trà trong việc chữa bệnh. Đời nhà Tần, các đạo sĩ bắt đầu sử dụng trà trong việc luyện thuốc trường sinh. Phan Tấn Tô (1996) cho biết trà càng để lâu càng tốt trong việc chữa bệnh. Khi phối hợp với các vị thuốc khác, trà (bao gồm lá và nụ) có rất nhiều dược tính như kích thích thần kinh, làm săn da, tăng tuần hoàn, hô hấp,cầm máu, lợi tiểu, tiêu thực, chữa tiêu chảy, kiết lÿ và đắp vết thương sát trùng (tr.211-214). Trong một công trình nghiên cứu chuyên môn, Bùi Thế Trường (2005) cho biết trà có rất nhiều công dụng y học khác như: 1. Tính làm giảm các nguy hại vào cơ thể như cholesterol, huyết áp, lượng đường trong máu, rủi ro v ề đột quÿ (stroke), sự hư hại DNA. 2. Tính ngăn ngừa các bệnh như ung thư, xốp xương, máu đóng cục, suy thoái tim mạch, hơi thở hôi và sâu răng (nhờ chất fluoride). 3. Tính làm thư giãn mệt mỏi và căng thẳng. Thành phần hóa học chính của trà là theanine, polyphenols và flavonoids. Các thành phần phụ gồm có quercetin, myrecetin, kaempferol, aluminium, fluoride, manganese, carotene. Các sinh tố trong trà có thể kể đến như A, B2, và C. Theanine là một amino acid có tác dụng làm kích thích và làm thư giãn đầu óc, giúp người uống có khả năng tập trung tư tưởng và sáng tạo. Polyphenols là một chất chống oxid hóa (antioxidant) có tác dụng khống chế sự thành hình của free radicals và các loại oxygen năng hoạt. Free radicals là thủ phạm của một số chứng bệnh nơi người như sơ cứng động mạch, ung thư, Alzheimer's disease, bịnh đục nhân mắt (cataracts), và viêm khớp. Người ta có thể tìm thấy free radicals từ môi trường chung quanh như ánh sáng mặt trời, X rays, phóng xạ và các chất hóa học như chất sát trùng, các chất solvents và thậm chí từ các thức ăn chiên và thịt nướng. Flavonoids cũng là một chất tương tự như trên, có tác dụng ngăn ngừa cholesterols đóng vào thành mạch máu và các bệnh về tim mạch (tr.01-28). Ngoài ra, trà xanh có thể làm chậm đi tiến trình lão hóa, và có thể kềm chế sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn có hại cho cơ thể (China.com). Tuy v ậy, nếu uống quá nhiều trà đậm hàng ngày trong thời gian dài, người uống có thể bị những biến chứng như nhức đầu, mê muội, chân tay run rẩy, táo bón, rối loạn tiêu hóa và gầy đi (Phan Tấn Tô 1996, tr.211-214). Du Feibao (2002) khuyến cáo rằng quá nhiều tannic acid trong trà sẽ ảnh hưởng sự bài tiết của dịch vị; đốt các màng mỏng của dạ dày và gây ra chứng táo bón. Ngoài ra, việc lạm dụng trà có thể gây ra những phản ứng không tốt cho cơ thể như làm rối loạn huyết áp và tim, giảm sữa của người mẹ và làm răng người trẻ tuổi màu nâu. Công của Thiền sư Eisai Zenji (1141-1215) trong việc phát triển thuật uống trà tại Nhật Bản thật lớn lao. Kaisen (1980) cho biết khi trở về nước năm 1191, thiền sư Eisa được Sanetomo, sứ quân thứ ba của dòng Kamakura cho triệu vào cung để trị bệnh cho vị lãnh chúa này bằng bùa
  5. chú và cầu an. Thay vì đáp ứng lời yêu cầu trên, thiền sư Eisai trình lên Sanetomo một luận thuyết mang tựa đề 'Chú Giải về Dược Tính của Trà' (đã đề cập trong phần Dẫn Nhập) và một ít trà bột, nói rằng những thứ này còn hiệu nghiệm hơn thần chú và cầu an. Sau một thời gian uống trà, sứ quân Sanetomo bình phục. Ông rất đỗi vui mừng và trân trọng giới thiệu trà đến những người dưới trướng (tr.101-102). Sau đây là một đoạn trích từ luận thuyết: Trà là một vị thuốc thần diệu cho dưỡng sinh; trà là bí quyết của trường sinh. Trà mọc lên từ các sườn núi như biểu hiện tinh thần của đất đai. Những ai hái và uống trà chắc chắn sẽ sống lâu. Ấn Độ và Trung Hoa đều xem trọng trà. Trong quá khứ, người nước ta đã từng ưa thích trà. Từ trước đến sau, trà vẫn mang những phẩm tính quý hiếm. Do vậy, chúng ta nên sử dụng trà một cách quảng đại hơn. Theo truyền thuyết, vào thời cổ đại, người có tuổi thọ cao bằng trời. Nhưng trong thời gần đây, người thoái hóa dần và trở nên yếu đuối hơn, tứ chi và lục phủ ngũ tạng cũng suy nhược. Vì lý do này, ngay cả khi châm cứu và giác (moxa) cũng không thể mang lại kết quả viên mãn gì. Do đó, những ai được chữa trị với các cách này, sẽ trở nên yếu dần đi, cho đến khi thần chết cướp lấy mạng họ. Nếu các phương cách chữa trị truyền thống không biến cải, họa hoằn lắm mới có sự thuyên giảm. Trong số những tạo vật mà trời tạo ra, người là loài hoàn mỹ nhất. Để trân quý mạng sống cũng như bảo tồn tuổi thọ, con người phải sống đúng cách và cẩn trọng. Điều thiết yếu trong sự bảo tồn sự sống là chuyên tâm đến sức khỏe, và bí quyết của sức khỏe tùy thuộc nhiều vào sự an bình của ngũ tạng. Trong số các tạng, tim là chủ tể. Để củng cố tim mạch, uống trà là phương cách hữu hiệu nhất. Khi tim yếu, các tạng khác đều bị ảnh hưởng theo. Từ khi thần y Jiva qua đời tại Ấn Độ hơn hai thiên kỷ, chưa ai có khả năng chẩn đoán tinh tường sự tuần hoàn của máu huyết. Từ khi vua Thần Nông biến mất khỏi thế gian này hơn ba thiên kỷ, chưa ai có thể quy định thuốc men một cách đúng mức… Tuy nhiên, nếu người nào đó uống trà, tim sẽ được tăng cường và tránh được các bệnh tật. Ai cũng biết khi tim bị suy yếu, nước da có màu nhợt nhạt, dấu hiệu cho thấy sự sống đang kiệt quệ. Tôi băn khoăn không hiểu tại sao người Nhật không quan tâm đến những gì có vị đắng. Tại Trung Hoa, người người uống trà, nhờ vậy, không ai có bệnh về tim và mọi người sống lâu. Nước ta có đầy dẫy người bệnh tật và gầy yếu, chỉ vì người nước ta không uống trà. Bất kỳ ai khi sức khỏe ở trong tình trạng bi đát, người đó nên uống trà. Nước trà sẽ làm tim hoạt động bình thường và xua đuổi các bệnh tật (Eisai Zenji, trong de Bary 1967, tr.237-240). Cuộc vận động toàn quốc uống trà của Thiền sư Eisai đã mang lại một lợi ích lớn lao cho sức khỏe dân Nhật từ đầu thế kỷ 13 đến nay. Sau công cuộc cổ vũ này, các thiền sư My oe Shonin (người phục hồi Hoa Nghiêm Tông tại Nhật), Eison, và Dogen (tổ sư phái Thiền Tào Động tại Nhật) đã đóng góp nhiều trong sự hình thành Trà đạo qua việc phối hợp thuật uống trà và nghi lễ (Kaisen 1980, tr.102-103). IV. TRÀ VÀ DƯỠNG SINH Mai sớm một tuần trà. Canh khuya dăm chén rượu. Mỗi ngày mỗi được thế, Thày thuốc xa nhà ta. (Nguyễn Tuân 1962, tr.203) Từ ngàn xưa, đạo học Đông phương chú trọng nhiều đến sự di dưỡng tinh thần. Từ nhiều thế kỷ, cổ nhân Đông phương đã biết đến ích lợi dưỡng sinh trong sinh hoạt uống trà hàng ngày. Một buổi pha trà đúng mức là cả một nghệ thuật. Nó đòi hỏi một sự tập trung tinh thần cao độ của kẻ pha trà. Nhất nhất mọi động tác đều phải nghiêm túc và kịp lúc. Cứ mỗi buổi sáng sớm, kẻ pha trà có dịp quẳng hết mọi ưu phiền trong cuộc sống, chăm chú vào một việc làm khiêm tốn, cẩn
  6. trọng đến độ gần như một thứ nghi lễ. Qua đó, hoạt động của các giác quan và trực giác được sử dụng một cách tối đa. Tâm thức của kẻ pha trà trong lúc ấy chỉ chuyên chú vào những gì đang xảy ra trước mắt; quá khứ và tương lai không có dịp làm bận tâm kẻ pha trà. Việc làm chăm chú này, mặc dù ngắn ngủi, lại không khác xa gì mấy với cứu cánh trong sự tu tập của Thiền tông, và chủ trương 'Nhất niệm- vạn niên' của Tịnh Độ tông. Tất cả đều nhằm đạt đến cái tâm không bị chi phối bởi ngoại cảnh. Học giả Lâm Ngữ Đường (Lin Yutang) cho chúng ta thấy rõ được điều này, qua sự mô tả cách thức pha và uống trà Tàu kiểu các tỉnh miền Bắc Trung Hoa: Thông thường hỏa lò được đặt trước cửa sổ, với than Tàu cứng chắc, cháy đỏ. Cảm nhận được tầm mức quan trọng của việc pha trà, chủ nhà vừa quạt lò, vừa chăm chú xem xét hơi nước bốc lên từ ấm đun. Khi bày biện xong một ấm trà nhỏ và bốn chén bé xinh xắn lên khay, ông dời hộp đựng trà gần phía khay để kịp lấy trà ra khi nước sôi sẵn sàng. Tuy tiếp chuyện với khách, ông không xao lãng việc pha trà của mình. Lúc ấm đun bắt đầu tạo ra tiếng, ông quạt than Tàu dồn dập hơn. Có lúc ông ngừng quạt, mở nắp ấm đun để quan sát những tăm nước nhỏ li ti xuất hiện ở đáy của ấm đun nước, rồi đậy nắp lại. Người sành điệu gọi những tăm nước sôi này là 'ngư nhãn' và 'giải nhãn'. Đây là thời điểm 'sôi nước đầu tiên'. Sau đó, ông chăm chú lắng nghe tiếng reo của nước với cường độ tăng dần cho đến khi tiếng sủi nước phát ra. Trong giai đoạn này, những tăm nước nhỏ xuất hiện chi chít trên vách của ấm đun. Đây là thời điểm 'sôi nước thứ nhì'. Kế tiếp, ông cẩn thận quan sát hơi nước sôi thoát ra từ vòi của ấm đun. Một vài giây khắc trước khi nước đạt độ sôi sùng sục của thời điểm 'thứ ba', ông nhắc ấm đun ra, rót vào bên trong lẫn bên ngoài của ấm trà để làm ấm trà nóng đều, và ngay lập tức, ông cho một lượng trà khô vào ấm. Nước trà loại này, tương tự như cách uống trà 'Thiết Quan ÂÂm' kiểu người tỉnh Phước Kiến, thường rất đặc. Tuy ấm trà nhỏ đến độ không đủ rót đầy cho bốn tách trung bình, lại chứa đến một phần ba lá trà khô. Chính vì lượng trà nhiều như v ậy nên khi nước trà được rót ra phải uống ngay lập tức. Lúc mọi người uống xong, ông lại châm nước tinh khiết vào ấm đun, đặt lên hỏa lò để pha bình trà thứ nhì. Theo sự nhận xét chuyên môn, bình trà thứ nhì được xem như ngon nhất. Nếu bình trà thứ nhất được so sánh như thiếu nữ tuổi mười ba, thì bình trà thứ nhì được xem như thiếu nữ mặn mà của tuổi mười sáu, và ấm thứ ba được ví như đàn bà (Lin Yutang 1939, tr.232-233). Căn cứ vào sự diễn tả trên, một buổi uống trà được xem như một sinh hoạt cả tay lẫn tâm trí. Theo quan niệm 'Trà nô, tửu tướng' của các nhà Nho, mỗi khi có khách đến chơi, pha trà là một đặc quyền dành cho chủ nhà. Qua đó, chủ nhà có dịp thể hiện sự hiểu biết về nghệ thuật pha trà và kín đáo hơn, cho khách thấy tâm hồn chuộng sự thanh tao của mình. Nguyễn Tuân (1962) còn cho rằng: „Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí, mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà. Những lúc ấy, chủ nhân phải tự tay mình chế nước, nhất nhất cái gì cũng làm lấy cả, không dám nhờ đến người khác, sợ làm thế thì mất hết cả thành kính“ (tr.201). Thú uống trà vì vậy khác hẳn với thú uống rượu, khi việc rót rượu lại dành cho người khác. Ngoại trừ việc uống rượu vào buổi tối cho lưu thông các huyết mạch trước khi ngủ, thú uống rượu chú trọng về sự vui nhộn trong khi thú uống trà chủ về sự yên tịnh, lắng đọng tinh thần. Lâm Ngữ Đường đề nghị thời điểm lý tưởng để uống trà khi nào người ta rảnh rang công việc; khi con cái đi học; khi buổi tiệc tàn và khách đã về; lúc có dịp chuyện trò thâu đêm với bạn cũ; trong ngày mưa nhẹ, hoặc ngày có gió hiu hiu; trong nhà nghỉ mát hướng về hồ sen trong một ngày Hè; trong rừng dưới gốc bụi tre cao vút, hoặc nơi đình chùa ẩn dật, ngay cả lúc tâm tư người ta bị khuấy động hoặc mệt mỏi sau khi đọc thơ văn. Tác giả khuyến cáo không nên uống trà trong những hoàn cảnh bị chia trí như tại nơi làm việc; khi xem một vở tuồng; lúc mở một lá thư; trong lúc mưa lớn hoặc tuyết rơi; trong một buổi tiệc rượu đông người và trong những ngày bận rộn. Ngoài ra, người uống nên tránh trẻ con khóc, gia nhân cọc cằn, cãi vã v à người nóng tính. Những nơi nên tránh cho việc uống trà như nhà bếp, phòng ẩm thấp, nóng bức và đường xá ồn ào. Những vật dụng không nên sử dụng trong việc pha trà như nước không tinh khiết, thìa và ấm đun bằng đồng thau, khăn lau không sạch và than Tầu xốp (Lin Yutang 1939, tr.235-236).
  7. Những điều nên và không nên kể trên có một ích lợi dưỡng sinh lớn lao cho người uống trà. Công phu trong việc uống trà đòi hỏi người xưa tìm đến những nơi yên tĩnh, tránh những nơi ồn ào, hoặc người có thể gây xáo động tinh thần. Trà còn có tác dụng giúp người uống di dưỡng tinh thần sau những lúc đầu óc dao động với xúc cảm mạnh. Bên cạnh việc uống trà lúc sáng sớm, Nguyễn Tuân (1962) cho biết, các nhà Nho còn ngâm thơ lúc mới tỉnh giấc, khi vạn vật còn yên lặng, như một cách vận động thần khí kỳ diệu nhất cho lối sống nội tâm (tr.203). Ngoài những ích lợi về y học, các điều kiện lý tưởng cần thiết kể trên trong việc uống trà giúp thân và tâm người uống trà luôn an lạc. Đây chính là bí quyết dưỡng sinh của người Đông phương xưa. Kết luận Trà có mặt trong vùng Đông Nam Á từ thuở xa xưa. Loài người biết đến nhiều công hiệu của trà theo thời gian. Có thể tạo hóa sinh ra loại cây này với ba mục đích chính. Thứ nhất, làm tăng sự hữu tình của thiên nhiên với ngàn loại trà hoa nữ khác nhau. Thứ nhì, cung cấp người uống các dược tính quý báu để phòng chống nhiều chứng bệnh hiểm nghèo, và làm thư giãn đầu óc. Thứ ba, cung cấp chất liệu cho các sinh hoạt tinh thần và văn hóa Đông phương. Nguồn gốc của trà là một đề tài tranh luận sôi nổi vào đầu thế kỷ 19. Có lẽ một phần vì sự tranh dành thế lực thị trường của hai quốc gia sản xuất trà lớn nhất của thế giới. Một đằng cho rằng trà xuất phát từ Ấn Độ qua huyền thoại tổ Bồ Đề Đạt Ma cắt bỏ hai mí mắt, trong khi một đằng cho rằng trà xuất phát từ Trung Hoa, qua huyền thoại vua Thần Nông biết đến công dụng của trà trong một sự tình cờ. Thực ra, trà đến từ cả hai nơi. Riêng phần am tường công dụng của trà trong lãnh vực kích thích thần kinh, nhất định phải đến từ các tu sĩ Phật giáo. Hơn ai hết, họ sử dụng trà để trợ giúp đầu óc họ thêm minh mẫn trong việc thiền định hằng ngày. Trải qua nhiều thế kỷ, vị trí của trà trong xã hội Trung Hoa thăng trầm theo thời cuộc. Trước thời nhà Đường, trà bị xem thường như hạng kém cỏi. Sau khi tác phẩm 'Trà Kinh' của Lục Vũ ra đời, người Trung Hoa nâng thuật uống trà ngang hàng với những ngành nghệ thuật cao quý khác. Cung cách uống trà và kỹ thuật pha trà của người Đông phương xưa khác nhau tùy theo nơi chốn và thời gian. Nếu người Nhật để ý nhiều đến cách thức uống trà, đến độ trở thành nghi lễ, thì người Trung Hoa lại chú ý nhiều đến loại trà và kỹ thuật pha và uống trà. Tuy thuật uống trà của nước ta chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Hoa nhưng người xưa vẫn có những cung cách riêng, thanh bạch mà cầu kỳ như trường hợp pha trà với nước sương đọng trên lá sen (Nguyễn Tuân 1962). Ngoài yếu tố nước ra, người xưa còn quan tâm nhiều đến ấm trà, không những về mặt thẩm mỹ, mà còn về mặt công năng nữa. Trà được giới học giả và các nhà Nho thời xưa ưa chuộng vì cung cách uống trà là một phép dưỡng sinh hữu hiệu, không những cho sức khỏe, mà còn làm phát triển tinh thần. Nghệ thuật uống trà giúp người uống quay về với nếp sống nội tâm. Đây chính là điểm làm trà trở thành một phần của các sinh hoạt v ăn hóa Đông phương. Việc các giáo sĩ Bồ Đào Nha mang trà đến Âu Châu vào thế kỷ 16 là một biến cố trọng đại. Từ thời điểm này, trà trở thành một thức uống quốc tế. Các khám phá khoa học về lợi ích y học của trà trong thời gian gần đây là một biến cố quan trọng thứ hai. Trà có khả năng phòng chống nhiều tật bệnh bao gồm cả ung thư; làm giảm các tác hại lên cơ thể và làm thanh thản đầu óc. Việc uống trà Tàu không còn là một cái gì phù phiếm, kiểu cách của những kẻ có dư dả thì giờ, mà là một việc làm thiết yếu cho sức khỏe của mọi người, bất chấp Đông hay Tây phương. Trong chiều hướng đó, sự am hiểu một phần nào cung cách pha trà, và nghệ thuật uống trà của người xưa sẽ làm việc uống trà trở nên lý thú hơn. Đây chính là điểm giúp việc uống trà trở nên một sinh hoạt văn hóa v à tinh thần, thay vì như uống một liều thuốc đắng.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2