![](images/graphics/blank.gif)
Kiểm soát chuyển giá của doanh nghiệp FDI ở Việt Nam
lượt xem 6
download
![](https://tailieu.vn/static/b2013az/templates/version1/default/images/down16x21.png)
Bài viết "Kiểm soát chuyển giá của doanh nghiệp FDI ở Việt Nam" trình bày những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, các MNC cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu của ngân sách, đến môi trường cạnh tranh, đó là hiện tượng chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước, tác động không tốt đến môi trường thu hút đầu tư. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Kiểm soát chuyển giá của doanh nghiệp FDI ở Việt Nam
- KIỂM SOÁT CHUYỂN GIÁ CỦA DOANH NGHIỆP FDI Ở VIỆT NAM Trần Thị Thanh Hà* – Lâm Thị Thanh Huyền** 1 TÓM TẮT: Sau hơn 30 năm mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã trở thành điểm sáng trên bản đồ đầu tư thế giới với ngày càng nhiều các công ty đa quốc gia (viết tắt là MNC - Multinational Coporation) đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, các MNC cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu của ngân sách, đến môi trường cạnh tranh, đó là hiện tượng chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước, tác động không tốt đến môi trường thu hút đầu tư. Thực trạng này đòi hỏi cần phải có những giải pháp phù hợp để kiểm soát chuyển giá và chuyển lợi nhuận, ngăn ngừa trốn lậu thuế của các công ty này trong điều kiện hội nhập. Từ khóa: Kiểm soát; chuyển giá, doanh nghiệp FDI, Việt Nam ABSTRACT: After over 30 years opening to attract forgrein direct investment ( FDI), Vietnam has become a bright spot on the war investment map with more and more multinational corporations (for short MNC) strongly invest in Vietnam. However, beside from all the positive contributions to the economy, MNCs have been also exposing problems that have negative impact on these revenue of the budget, to the competitive environment, it’s price transfer phenomenon, taxes evasion creation fake losses and real interest status, cause loss budget and establish unfair competition with the domestic enterprises, have a bad effect on the investment attracting environment. This circumstance demands suitable solutions to control price transfer and profits tranfer, to prevent tax evasion of these companies in the context of integration. Keywords: control, price transfer, FDI enterprises, international business 1. KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA HOẠT ĐỘNG CHUYỂN GIÁ Theo Tổng cục Thuế, Tạp chí Thuế nhà nước (2018), thì “chuyển giá là thuật ngữ để chỉ các MNC lợi dụng giá cao hơn hay thấp hơn nhằm tối đa hóa lợi nhuận của mình, mà không tính đến quyền lợi của các nước”. Một số tài liệu khác thì đưa ra khái niệm: chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong MNC qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các MNC trên toàn cầu. Hay, chuyển giá là hành vi mang tính phổ biến toàn cầu, khi các MNC tiến hành đầu tư vào một quốc gia khác, bằng các “thủ thuật” tác động vào giá cả, “né” chính sách thuế nhằm thu lợi nhuận cao nhất… Từ một số cách tiếp cận về khái niệm chuyển giá, theo tác giả, có thể thấy một số đặc điểm tiêu biểu trong hành vi chuyển giá như sau: (i) Chuyển giá vừa là một phương pháp để tránh thuế thu nhập doanh nghiệp hợp pháp, đồng thời có thể được sử dụng như thủ đoạn để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, lợi dụng quyền tự định đoạt * Học viện Tài chính, 58 Lê Văn Hiến, Hà Nội, Việt Nam. ** Học viện Tài chính, 58 Lê Văn Hiến, Hà Nội, Việt Nam
- 830 PROCEEDINGS OF THE SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT AND BUSINESS MANAGEMENT IN THE CONTEXT OF GLOBALISATION giá mua, giá bán, đã xuất hiện hiện tượng chuyển giá để mua lỗ của các công ty không có quan hệ liên kết nhằm làm giảm số thuế phải nộp, hoặc chuyển giá để tạo lãi giả trên thị trường chứng khoán. Các nhóm lợi ích này sử dụng chuyển giá như một thủ thuật để gia tăng lợi ích nhóm, không tạo ra giá trị mới cho xã hội. (ii) Hành vi chuyển giá được thực hiện trong nội bộ MNC. Vì các MNC có sự liên kết chặt chẽ, thống nhất trong cơ cấu tổ chức, điều hành sản xuất kinh doanh nên việc chuyển giá diễn ra rất dễ dàng. Hoạt động của các MNC có sự chuyên môn hóa cao trong các khâu sản xuất nên các giao dịch giữa các công ty con của MNC hay công ty con với công ty mẹ trong MNC xảy ra thường xuyên với các mức giá khác nhau rất khó kiểm soát và pháp luật quốc gia từng nước không thể điều chỉnh, nên việc chuyển giá không gì thuận lợi hơn là thực hiện trong nội bộ MNC. (iii) Đối tượng hướng đến của hành vi chuyển giá chính là giá cả. Việc mua bán với ai và giá cả của sản phẩm như thế nào là do các công ty tự quyết định. Xuất phát từ quyền tự do kinh doanh và tự do định đoạt nên các MNC có thể bán sản phẩm với các mức giá cao hơn hoặc thấp hơn giá thị trường, và việc so sánh, định giá để phát hiện và chứng minh hành vi chuyển giá của MNC là rất khó khăn cho các nước tiếp nhận đầu tư. (iv) Chuyển giá là một chiến lược kinh tế của MNCs nhằm mục đích tối đa hóa lợi nhuận sau thuế. Mặc dù giá bán của sản phẩm, dịch vụ khác nhau giữa các công ty tại mỗi quốc gia cụ thể, nhưng MNC là một thể thống nhất về tổ chức với chiến lược kinh doanh chung. Tổng lợi nhuận họ thu về không đổi, nhưng sẽ làm tổng số thuế phải nộp thay đổi. Các MNC sẽ chuyển lợi nhuận từ nước đánh thuế thu nhập doanh nghiệp cao sang nước đánh thuế thu nhập doanh nghiệp thấp, khiến các quốc gia tiếp nhận đầu tư chỉ thu được một phần thuế hoặc không thu về được đồng thuế nào, thậm chí các doanh nghiệp FDI còn được bù lỗ cho năm sau. Bằng cách này, các MNC sẽ tránh được một khoản thuế lớn mà lẽ ra họ phải nộp vào ngân sách nước chủ nhà, tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, mà không cần phải thêm vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. 2. CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI THUẾ ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP FDI Ở VIỆT NAM Hiện nay, để thu hút FDI, nước ta đã ban hành nhiều chính sách phù hợp với từng giai đoạn nhằm điều chỉnh các hoạt động đầu tư nước ngoài, gần đây nhất là Luật Đầu tư năm 2014 được đánh giá là khá hoàn thiện, đặc biệt là những lĩnh vực ngành nghề ưu đãi đầu tư, điều kiện nguyên tắc ưu đãi theo hướng có chọn lọc, tập trung vào các ngành sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại các dự án sản xuất quy mô lớn, các dự án đầu tư tại khu vực nông thôn có sử dụng nhiều lao động, các sản phẩm công nghệ hỗ trợ, các dự án sử dụng phương thức xã hội hóa... Đặc biệt, trong những năm gần đây, với sự nỗ lực trong công tác quản lý thuế, quản lý các giao dịch liên kết của Chính phủ Việt Nam, nhiều chính sách mới đã được ban hành và có những tác động tích cực nhất định đến hoạt động đầu tư của nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Điển hình có thể kể đến Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, ngày 24/02/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Riêng về chính sách thuế hiện nay đang áp dụng 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư và 37 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư...Nhìn chung, các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam khá thuận lợi cho các doanh nghiệp với mặt bằng thuế suất khá thấp so với các quốc gia khác. Cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam đã có được những kết quả như: chính sách thuế không có sự phân biệt, đối xử giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, bình đẳng về nghĩa vụ thuế cho tất cả các nhà đầu tư; tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng và một bước tiến quan trọng chung cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài [5]. Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi thuế đang nghiêng theo hướng ưu đãi địa bàn hơn là theo lĩnh vực. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao chưa có cơ chế ưu đãi hợp lý. Trên thực tế, thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư kéo dài hơn rất nhiều so với quy định, đặc biệt tại khâu xin giấy phép (thời gian có thể kéo dài đến 2-3 tháng); chưa có sự
- PROCEEDINGS OF THE SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT AND BUSINESS MANAGEMENT IN THE CONTEXT OF GLOBALISATION 831 đồng nhất, phối hợp giữa các cơ quan, dẫn đến chồng chéo trong thủ tục. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang gặp khó trong việc tiếp cận các thông tin giới thiệu đầu tư, hướng dẫn các thủ tục về đăng ký dự án và thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Ngoài ra, chính sách thuế đã rất mở, ưu đãi đầu tư tập trung vào các chính sách thuế, các ngành nghề trên địa bàn, các thủ tục cấp phép đầu tư thuận lợi là những quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, nhưng đồng thời doanh nghiệp lại có “kẽ hở” để chuyển giá. Một số quy định nhằm kiểm soát vấn đề này đã được triển khai. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của nhà đầu tư thì vô hình chung các quy định lại làm khó doanh nghiệp. Chẳng hạn, có một số điểm khác biệt trong quy định ở Việt Nam dường như nghiêm ngặt hơn, ví dụ như khống chế chi phí lãi vay được trừ. Bên cạnh đó là hiện tượng áp dụng cứng nhắc, không thống nhất ở các địa phương đang làm nản lòng nhà đầu tư. 3. THỰC TRẠNG CHUYỂN GIÁ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP FDI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), từ năm 2012 đến năm 2016, quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp FDI ở Việt Nam luôn duy trì tăng trưởng ở mức cao (Bảng 1). Bảng 1. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp FDI các năm 2012-2016 (Đơn vị: %) Chỉ tiêu 2012/2011 2013/2012 2014/2013 2015/2014 2016/2015 Tăng trưởng doanh thu 30 26 15 21,2 21,7 Tăng trưởng tài sản 21 21 17 20,9 18,6 Tăng trưởng vốn đầu tư 33 22 9 17,2 15,5 của chủ sở hữu Nguồn: Cục Tài chính doanh nghiệp (2018) Bên cạnh đó, khả năng sinh lời của doanh nghiệp này cũng rất khả quan. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2016 đạt ở mức cao là 16,3%, cao hơn mức 13,82% của năm 2015. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) của doanh nghiệp FDI năm 2016 là 5,82%, tăng so với mức 4,79% của năm 2015 (Bảng 2). Bảng 2. Khả năng sinh lời của doanh nghiệp FDI các năm 2012-2016 (Đơn vị: %) Chỉ tiêu 2012 2013 2014 2015 2016 ROE trước thuế 9,8 14,4 14,6 13,8 16,3 ROA sau thuế 3,6 5,7 5,48 4,8 5,8 Nguồn: Cục Tài chính doanh nghiệp (2018) Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế đến hết năm 2016 là 61%, cao hơn các năm từ 2012-2015 (Bảng 3). Bảng 3. Doanh nghiệp FDI báo lỗ lũy kế các năm 2012-2016 (Đơn vị: %) Chỉ tiêu 2012 2013 2014 2015 2016 Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ năm báo cáo 48 45 44 51 50 Tỷ lệ doanh nghiệp lỗ lũy kế 59 51 52 59 61 Tỷ lệ doanh nghiệp lỗ mất vốn 15 14 14 17 16 Nguồn: Cục Tài chính doanh nghiệp (2018)
- 832 PROCEEDINGS OF THE SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT AND BUSINESS MANAGEMENT IN THE CONTEXT OF GLOBALISATION Bảng 3 cho thấy, số lượng doanh nghiệp FDI báo lỗ hàng năm là từ 44% đến 51% (đặc biệt năm 2015 là 51% và năm 2016 là 50% trên số lượng doanh nghiệp có báo cáo). Đồng thời, tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế cho thấy, tình trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng, phức tạp. Bên cạnh hiện tượng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của nhóm doanh nghiệp FDI, còn xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam) của một bộ phận doanh nghiệp FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này thể hiện qua số liệu về tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của doanh nghiệp FDI trong một số ngành qua các năm luôn duy trì ở mức rất cao, như: “Linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi”, “Viễn thông, phần mềm” (ROE trước thuế trên 30%)... (Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, 2018). Giao dịch liên kết là một phần của thương mại toàn cầu. Từ năm 2016, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp quản lý rủi ro, việc thanh tra chống chuyển giá được tăng cường đẩy mạnh. Năm 2016, sau khi thanh tra 329 doanh nghiệp có giao dịch liên kết, cơ quan chức năng truy thu 607 tỷ đồng và giảm lỗ hơn 5.000 tỷ đồng. Năm 2017, cơ quan chức năng thanh tra chống chuyển giá đã tiến hành thanh tra 734 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết. Cơ quan chức năng truy thu, truy hoàn và phạt 2.270 tỷ đồng, giảm lỗ của doanh nghiệp hơn 7.100 tỷ đồng [5]. Từ những đặc điểm và thực trạng trên, theo tác giả, biểu hiện chuyển giá phổ biến ở Việt Nam của các MNC trong những năm qua đó là: Thứ nhất, chuyển giá thông qua góp vốn đầu tư. Ở Việt Nam, lợi dụng sự yếu kém về trình độ và khâu quản lý, các MNC thường góp vốn bằng máy móc và thiết bị hiện đại, trong khi các chuyên gia của Việt Nam chưa đủ trình độ để thẩm định giá, nên giá của các loại máy móc, thiết bị được đem vào góp vốn sẽ được các công ty của MNC định giá cao hơn so với giá thị trường. Do giá trị máy móc và thiết bị cao, nên mức độ khấu hao tài sản hữu hình cũng tăng lên tương ứng làm giảm mức lợi nhuận thu về, trong khi doanh nghiệp phải chi một khoản không nhỏ cho việc quảng cáo sản phẩm làm cho doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ kéo dài. Điều này dẫn đến việc bên liên kết sẽ không đủ tiềm lực để duy trì việc kinh doanh và buộc phải bán lại phần vốn góp cho doanh nghiệp của MNC. Với tiềm lực tài chính dồi dào của MNCs, hàng loạt công ty liên doanh của Việt Nam đã phải mất hết vốn, công ty liên kết trở thành công ty 100% vốn nước ngoài. Thứ hai, chuyển giá thông qua việc chuyển giao công nghệ. Hiện tượng phổ biến trong các hợp đồng chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI là giá cả cao hơn nhiều so với mua công nghệ của các nước phát triển. MNC rất hạn chế chuyển giao những công nghệ mới, có tính cạnh tranh cao cho các chi nhánh của họ ở nước ngoài vì sợ lộ bí mật hoặc mất bản quyền công nghệ do việc bắt chước, cải biến công nghệ của các doanh nghiệp trong nước. Khi chuyển giao công nghệ, các MNC sẽ được thu phí bản quyền. Đây là một loại phí chiếm tỷ trọng lớn do khấu hao giá trị tài sản cố định vô hình, nên mặc dù việc kinh doanh thường xuyên thua lỗ, bên liên kết chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế, nhưng doanh nghiệp của MNC vẫn nhận đủ tiền từ bản quyền chuyển giao công nghệ và chi phí bản quyền thì ngày càng tăng cao. Thứ ba, chuyển giá thông qua việc nâng giá đầu vào nguyên vật liệu, hàng hóa mua từ công ty mẹ ở chính quốc. Cụ thể: Với nhóm doanh nghiệp FDI sản xuất hàng hóa tiêu thụ nội địa, hàng hóa tiêu thụ trong nước rất khó tùy tiện tăng giá so với mặt bằng chung nên họ phải tìm mọi cách để nâng chi phí đầu vào sản xuất. Lỗ hổng để nâng giá dễ nhất là điều chỉnh con số ở thiết bị vật tư, nguyên liệu, định mức tiêu hao vật tư trên một đơn vi sản phẩm, chi phí phân bổ từ công ty mẹ ở nước ngoài. Theo đó, chi phí tăng sẽ kéo giảm lợi nhuận, doanh nghiệp giảm hoặc không có lãi, thậm chí lỗ sẽ giảm và trốn được trách nhiệm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp của MNC đều thực hiện chiêu thức này. Điển hình như tại Công ty Coca Cola Việt Nam. Theo Cục thuế TP.Hồ Chí Minh,Coca Cola Việt Nam luôn kê khai lỗ ở
- PROCEEDINGS OF THE SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT AND BUSINESS MANAGEMENT IN THE CONTEXT OF GLOBALISATION 833 chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ Công ty mẹ với giá rất cao, chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006-2007, chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80%-85% giá vốn. Với Coca-Cola từ khi bắt đầu hoạt động ở Việt Nam năm 1992, Công ty này liên tục báo lỗ cho đến cuối năm 2012. Việc thua lỗ của Coca-Cola Việt Nam không phải do tăng trưởng doanh số yếu, thực tế sản lượng của công ty vẫn tăng trưởng trên 25% mỗi năm [6]. Đến thời điểm tháng 12/2012, tổng số lỗ lũy kế của Coca-Cola Việt Nam lên đến 3.768 tỉ đồng, vượt quá số vốn đầu tư ban đầu 2.950 tỷ đồng. Như vậy, về mặt kỹ thuật, lẽ ra Coca-Cola Việt Nam đã phải phá sản. Tuy nhiên, thay vì đóng cửa hay thu hẹp quy mô hoạt động, năm 2014 Coca-Cola tiếp tục đầu tư thêm 210 triệu USD để mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Sau nhiều nỗ lực đấu tranh của phía Việt Nam, đến năm 2013 Coca-Cola Việt Nam đã bắt đầu báo lãi và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Chính phủ Việt Nam. Thứ tư, chuyển giá thông qua việc hạ giá thành, tăng cường quảng cáo, khuyến mại sản phẩm. Cụ thể: nhóm doanh nghiệp FDI làm hàng xuất khẩu dùng “kỹ thuật” ép giá bán sản phẩm xuống tối thiểu. Ví dụ, chi phí làm ra một đôi giày xuất khẩu là 10 USD, thị trường châu Âu chấp nhận mua vào với giá 12 USD, lợi nhuận tạm tính mỗi đôi giày 2 USD là phần thu nhập chịu thuế. Thế nhưng, doanh nghiệp lại “biến hóa” để giá xuất khẩu thấp hơn để giảm thuế. Liên quan đến thuế xuất nhập khẩu, doanh nghiệp FDI đã trốn thuế bằng cách hàng sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu lòng vòng qua một nước trung gian có thuế suất thấp, thông qua một nhà thương mại để đưa hàng vào châu Âu… Mục tiêu của hành vi này là nhằm chiếm lĩnh thị trường trong nước, đè bẹp các đối thủ cạnh tranh khác cùng kinh doanh các loại sản phẩm tương tự. Đồng thời, gây lỗ nghiêm trọng cho bên liên doanh buộc họ lâm vào tình trạng phá sản và buộc bán lại cổ phần cho doanh nghiệp của MNC. Trong khi doanh nghiệp MNC chỉ lỗ ảo, do họ không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tổng lợi nhuận trong tập đoàn thu về không đổi và với tiềm lực tài chính vững mạnh của mình, sau khi thôn tính đối thủ, họ sẽ có chiến lược kinh doanh mới để bù lỗ. Thứ năm, chuyển giá thông qua kẽ hở về ưu đãi thuế. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi chuyển giá là có sự chênh lệch thuế do áp dụng thuế suất ưu đãi và các ưu đãi khác, như: miễn, giảm thuế là tiền đề để các doanh nghiệp FDI thực hiện hành vi chuyển giá. Tại Việt Nam, địa phương nào cũng muốn cấp phép ưu đãi, còn ở cấp độ Nhà nước, thì việc quản lý thuế bị buông lỏng, thiếu giám sát. Sự chênh lệch về thuế suất giữa các quốc gia, giữa những đối tượng khác nhau trong một quốc gia, những quy định về mức thuế suất ưu đãi, miễn giảm thuế... đã tạo động cơ tránh thuế, không chỉ với doanh nghiệp FDI mà cả các doanh nghiệp đầu tư trong nước. Trong khi chính sách thuế đã rất mở, ưu đãi đầu tư tập trung vào các chính sách thuế, các ngành nghề, địa bàn, các thủ tục cấp phép đầu tư thuận lợi là những quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, nhưng đồng thời đây cũng lại là “kẽ hở” để doanh nghiệp thực hiện hành vi chuyển giá. Thứ sáu, chuyển giá thông qua cung cấp dịch vụ. Việc cung cấp dịch vụ giữa công ty mẹ với các công ty trong nội bộ tập đoàn và giữa các công ty trong nội bộ tập đoàn với nhau thường rất khó định giá và khó xác định có thực sự phát sinh hay không. Lợi dụng đặc tính này, trong những năm qua, một số tập đoàn đa quốc gia đầu tư vốn vào Việt Nam thực hiện hành vi cung cấp các dịch vụ quản lý và hỗ trợ quản lý cho cả tập đoàn (dịch vụ kế toán, tài chính, tư vấn, quản lý tài sản…), tính giá dịch vụ ở mức cao để chuyển lợi nhuận từ công ty con tại Việt Nam sang công ty mẹ ở nước ngoài nhằm tối thiểu hoá nghĩa vụ thuế của công ty con tại Việt Nam. Thứ bảy, chuyển giá thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất, kinh doanh. Một trong những hành vi tương đối phổ biến của các doanh nghiệp FDI nhằm tránh nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam trong thời gian qua là thực hiện chuyển giá thông qua hình thức vay vốn từ bên liên kết ở nước ngoài và trả lãi suất vay vốn với mức rất cao. Với phương thức này, lợi nhuận từ doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã được chuyển sang cho bên
- 834 PROCEEDINGS OF THE SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT AND BUSINESS MANAGEMENT IN THE CONTEXT OF GLOBALISATION liên kết tại nước ngoài có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, qua đó, tối thiểu hoá nghĩa vụ thuế của cả tập đoàn. Hành vi này thường xảy ra tại các ngành nghề sản xuất kinh doanh có sử dụng vốn lớn như: khai thác mỏ, sản xuất, lắp ráp các phương tiện vận tải… 4. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT Nhằm hạn chế hành vi chuyển giá của các MNC, theo tác giả, cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp như sau: Một là, hoàn thiện và thực hiện nghiêm hệ thống pháp lý về chống chuyển giá: Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, ngày 24/02/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nhằm chống được hành vi chuyển giá, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, về lâu dài, Nhà nước cần xây dựng Luật Chống chuyển giá, đồng thời sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Luật Dân sự. Đồng thời, cần hình thành cơ quan chuyên trách chống chuyển giá ở cấp Trung ương và các tỉnh, thành phố để có sự chỉ đạo thực hiện thông suốt từ Trung ương đến các ngành, các địa phương. Hai là, cơ quan thuế cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp có giao dịch liên kết áp dụng phương pháp định giá (APA - cơ chế thoả thuận trước về xác định giá). Biện pháp này đang được áp dụng rộng rãi tại châu Âu và nhiều nước trong khu vực, như: Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Malaysia... Tại Việt Nam, theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, từ 01/07/2013, cơ quan thuế được phép áp dụng APA. Theo cơ chế này, doanh nghiệp MNC phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá hoặc mức giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ giữa các thành viên trong tập đoàn, trước khi kê khai và nộp thuế. Cơ quan thuế sẽ phối hợp với cơ quan thuế nước ngoài đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam tổ chức giám sát, kiểm soát để chống gian lận thuế. Về lý thuyết, APA có thể giúp giảm bớt tình trạng khai gian giá và điệp khúc “lỗ giả, lãi thật” mà dư luận đã nhắc tới ở nhiều doanh nghiệp. Ba là, Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng cần rà soát, điều chỉnh theo hướng thu hẹp khoảng cách về các ưu đãi thuế giữa các ngành, lĩnh vực và vùng miền, địa phương. Theo đó, Chính phủ cần xem xét lại toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện tại và tái thiết lập sự cân bằng giữa các chính sách ưu đãi “dựa trên lợi nhuận” bằng các chính sách ưu đãi “dựa trên hiệu quả”. Theo đó, cần chuyển tương ứng các quy định về ưu đãi từ Luật Đầu tư sang Luật Thuế và Luật Hải quan, với sự hỗ trợ của một hệ thống giám sát và đánh giá hiệu quả. Cụ thể: cần triển khai một hệ thống giám sát đánh giá dựa trên mục tiêu chính sách được xác định rõ ràng. Hệ thống này còn theo dõi hiệu quả hoạt động của cả chi phí và lợi ích của chính sách ưu đãi được áp dụng. Đặc biệt, cần hoàn thiện chính sách thuế để tiếp tục thu hút FDI theo hướng như sau: việc ban hành chính sách mới, trong đó có chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, các cam kết mà Việt Nam đã cam kết thực hiện với các tổ chức quốc tế. Đồng thời, cần đảm bảo đúng mục tiêu công bằng và không có sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp FDI. Khắc phục tính dàn trải, phức tạp của chính sách ưu đãi thuế; Tăng tính minh bạch, đồng bộ các hệ thống văn bản pháp luật hiện nay với chính sách thuế, tránh tình trạng quy định ưu đãi thuế được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác như hiện hành… Ngoài ra, cần khuyến khích đầu tư thông qua các chính sách ưu đãi, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, thông qua các gói giải pháp về ưu đãi thuế (việc khuyến khích hoạt động công nghệ cao thông qua việc đơn giản và minh bạch hóa thủ tục xin xác nhận về các lĩnh vực này, bổ sung chính sách ưu đãi với một số ngành dịch vụ như giáo dục tài chính); tiếp tục lộ trình đơn giản hóa thủ tục đầu tư, như: thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN; hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục đầu tư với các ngành nghề có điều kiện, xây dựng hông tin tiếp cận các nhà đầu tư.
- PROCEEDINGS OF THE SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT AND BUSINESS MANAGEMENT IN THE CONTEXT OF GLOBALISATION 835 Ngoài ra, để tránh tình trạng các doanh nghiệp FDI cố tình khai báo lỗ hàng năm, cân nhắc nghiên cứu ban hành một loại thuế đánh vào vốn đầu tư thay cho thuế thu nhập doanh nghiệp, gọi là thuế vốn đầu tư FDI, với thuế suất tối thiểu có thể là 2% trên tổng vốn FDI giải ngân của doanh nghiệp FDI và được thu đều đặn hàng năm. Bốn là, cơ quan thuế các cấp cần tăng cường thanh tra giá chuyển giao, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế. Chú trọng việc thanh tra, kiểm tra giá chuyển giao đối với các doanh nghiệp có nhiều thành viên; các ngành nghề có dấu hiệu rủi ro lớn về thuế do hành vi chuyển giá của doanh nghiệp liên kết, các doanh nghiệp đã và đang thực hiện tái cơ cấu có khả năng lợi dụng chuyển giá để tránh thuế. Đối với các trường hợp chuyển giá, phải có chế tài xử phạt theo hướng tăng mức phạt và hình thức phạt so với quy định hiện tại để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Năm là, cần có văn bản quy định nhiệm vụ cụ thể cho các ngành có liên quan, như: cơ quan thuế, hải quan, quản lý đầu tư, công an, viện kiểm sát, tòa án, ngân hàng thực hiện tốt việc phối hợp theo thẩm quyền về trao đổi, cung cấp thông tin, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch liên kết và chuyển giá của các doanh nghiệp FDI. Theo đó, cơ quan quản lý thuế được quyền áp dụng những biện pháp tạm dừng hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp khai báo kết quả kinh doanh lỗ quá vốn chủ sở hữu cho đến khi doanh nghiệp khắc phục được tình trạng liên tục kê khai lỗ, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa đồng bộ với Bộ Luật Dân sự của Việt Nam quy định về các điều kiện tồn tại pháp nhân kinh tế. Sáu là, tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành thuế để chuyên theo dõi, kiểm soát chuyển giá, trong đó chú trọng đào tạo về kỹ năng xác định giá thị trường, trang bị kiến thức về kinh tế ngành, kỹ năng tin học, ngoại ngữ... KẾT LUẬN Hoạt động chống chuyển giá có thể tác động đến khả năng thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam trong ngắn hạn theo hướng giảm số lượng dự án và vốn đầu tư, song về dài hạn sẽ nâng cao chất lượng thu hút FDI bằng việc hạn chế các nhà đầu tư không hiệu quả và tăng đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài, thu hút được các nhà đầu tư có uy tín, môi trường đầu tư Việt Nam sẽ phát triển theo hướng tích cực, lành mạnh hơn. Đã đến lúc các ngành chức năng, các địa phương cần kiên quyết và quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các biện pháp đồng bộ chống chuyển giá, để tránh những thua thiệt khi thu hút FDI./. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Chính phủ (2017). Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, ngày 24/02/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết [2]. Tổng cục Thuế, Tạp chí Thuế nhà nước (2018). Quản lý thuế đối với hoạt động giao dịch liên kết và chống chuyển giá. Nxb Tài chính [3]. Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính (2018). Đánh giá về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) và giải pháp nhằm nâng cao quản lý vốn ĐTNN có hiệu quả. Tham luận Hội thảo “Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: Thực trạng và giải pháp” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức ngày 10/07/2018 [4]. Đào Phú Quý (2014). Chuyển giá tại Việt Nam và một số gợi ý chính sách chống chuyển giá. Tạp chí Tài chính, số 9, tháng 10/2014 [5]. Lê Vân (2018). Ưu đãi đầu tư theo định hướng mới để thu hút chọn lọc dự án FDI vào Việt Nam, truy cập từ http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/92-11851-uu-dai-dau-tu-theo-dinh-huong-moi-de-thu-hut-chon-loc-du-an-fdi- vao-viet-nam.html [6]. Ngân Giang (2018). Những phi vụ chuyển giá “kinh điển” ở Việt Nam, truy cập từ https://infonet.vn/nhung-phi- vu-chuyen-gia-kinh-dien-o-viet-nam-post268869.info
![](images/graphics/blank.gif)
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm HACCP (Phần 2)
5 p |
477 |
240
-
Chương 2: PHÂN TÍCH, THIẾT KẾ CÔNG VIỆC
12 p |
278 |
64
-
Mystery shopping là gì?
6 p |
180 |
34
-
Các chuyện hoang đường về thay đổi
3 p |
99 |
17
-
Làm gì khi có xung đột trong công việc
4 p |
141 |
17
-
HẸN BẠN TRÊN ĐỈNH THÀNH CÔNG-PHẦN 5-CHƯƠNG 16
12 p |
92 |
14
-
Nhà lãnh đạo giỏi trước hết phải là nhân viên giỏi
7 p |
91 |
13
-
Liệu doanh nghiệp của bạn có thể tồn tại mà không có bạn?
8 p |
67 |
10
-
Công khai khát vọng – chìa khoá vàng thu hút niềm tin của các CEO
7 p |
79 |
9
-
Nghệ thuật khởi nghiệp (Phần 24)
5 p |
108 |
5
-
Đề cương chi tiết học phần Quản trị dự án (Mã học phần: PRM331)
25 p |
13 |
5
-
Câu chuyện thành công từ dòng tộc Grucci
5 p |
69 |
2
![](images/icons/closefanbox.gif)
![](images/icons/closefanbox.gif)
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn
![](https://tailieu.vn/static/b2013az/templates/version1/default/js/fancybox2/source/ajax_loader.gif)