
Tuyển tập Hội nghị Khoa học thường niên năm 2024. ISBN: 978-604-82-8175-5
235
SỬ DỤNG CHỈ SỐ ĐO LƯỜNG THỰC THI AN TOÀN
TRONG NGÀNH XÂY DỰNG
Nguyễn Thị Huệ, Đinh Thế Mạnh
Trường Đại học Thủy lợi, email: nguyenthihue@tlu.edu.vn
1. GIỚI THIỆU CHUNG
Ngành Xây dựng không chỉ là một hoạt
động độc lập, mà còn đóng góp lớn vào nền
kinh tế quốc gia và là yếu tố quyết định đến sự
phát triển cơ bản của xã hội. Công việc xây
dựng tạo ra không gian sống, làm việc, học
tập và giải trí, từ đó nâng cao chất lượng cuộc
sống và sự phát triển bền vững. Tuy nhiên,
xây dựng cũng là ngành tiềm ẩn nhiều rủi ro
và nguy cơ liên quan đến mất an toàn và ảnh
hưởng tới sức khỏe của người lao động. Theo
thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và xã
hội năm 2023 Việt Nam đã xảy ra 7.394 vụ tai
nạn lao động, làm 7.553 người bị nạn. Trong
đó, xây dựng chiếm 18,27% tổng số vụ và
20,03% tổng số người chết [1].
Tai nạn lao động đặt ra nhiều mối lo ngại
trong việc mất mát về người và tài sản, ảnh
hưởng xấu đến uy tín của ngành và tạo ra
những tác động tiêu cực đối với môi trường
và xã hội. Để đảm bảo mọi dự án xây dựng
được thực hiện một cách an toàn và hiệu quả,
việc tập trung vào quản lý an toàn trong
ngành xây dựng là hết sức quan trọng. Chính
vì vậy an toàn đã trở thành một trong năm
mục tiêu chính của một dự án xây dựng bao
gồm: chất lượng, tiến độ, chi phí, an toàn và
môi trường. Các nghiên cứu xoay quanh vấn
đề về những thách thức, tiến triển và hệ thống
quản lý an toàn trong ngành xây dựng đã
được nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới.
Tuy nhiên, vì tính chất công việc không đặc
thù như ngành hàng không hay y tế nên vấn
đề về thực thi an toàn của ngành xây dựng
vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Ở các nước phát triển, các nghiên cứu về
phương thức đánh giá thực thi an toàn trong
ngành xây dựng đã dần được áp dụng vào các
dự án thực tế. Đo lường thực thi an toàn cho
phép tổ chức đưa ra các quyết định quan
trọng và hành động phù hợp đối với hệ thống
quản lý an toàn đã được áp dụng của họ. Bài
báo này đưa ra các chỉ số đánh giá thực thi an
toàn trong ngành xây dựng, khả năng ứng
dụng thực tế để cảnh báo sớm các nguy cơ và
rủi ro, tăng độ an toàn, bảo vệ sức khỏe và
tính mạng của người lao động, nâng cao được
hiệu suất công việc, giảm thiểu chi phí tai
nạn, đồng thời tạo ra một môi trường làm
việc tích cực và bền vững trong lĩnh vực xây
dựng nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nhóm tác giả đã sử dụng các phương pháp
sau đây trong việc giải quyết vấn đề:
- Phương pháp kế thừa: tổng hợp và phân
tích các số liệu thứ cấp từ các nghiên cứu đi
trước.
- Phương pháp tổng kết thực nghiệm.
3. CHỈ SỐ ĐO LƯỜNG THỰC THI AN
TOÀN TRONG NGÀNH XÂY DỰNG
Để đo lường, đánh giá thực thi an toàn
trong ngành xây dựng có thể sử dụng hai bộ
chỉ số an toàn. Đó là chỉ số an toàn đi sau
(Lagging indicators) và chỉ số an toàn định
hướng (Leading indicators).
3.1. Chỉ số an toàn đi sau (Lagging
indicators)
Chỉ số an toàn đi sau được sử dụng là một
phương thức truyền thống trong ngành xây
dựng để đo lường hiệu suất an toàn dựa trên
tổng tỷ lệ thương tích hoặc tỷ lệ tử vong do