
Hướng dẫn sử dụng Hệ thống Giám sát thiên tai Việt Nam – VNDMS
3
PHẦN A. TỔNG QUAN
I. Giới thiệu chung
Việt Nam là đất nước chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai với hơn 70% dân số đối
mặt với các rủi ro từ nhiều loại hình thiên tai. Trong vòng hai thập kỷ qua, các đợt thiên
tai ở Việt Nam đã làm hơn 13,000 người bị thiệt mạng và các tài sản bị thiệt hại tính ra
hơn 6,4 tỉ USD. Mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt
hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP và ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống cũng
như các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời tác động lớn đến sự phát triển bền vững
của đất nước. Trong những năm gần đây, tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức
tạp, khó lường và khốc liệt hơn.
Từ khi thành lập, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã định hướng ứng dụng công
nghệ trong quản lý thông tin, dữ liệu là một trong những ưu tiên cấp bách. Năm 2018 -
2019, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở dữ
liệu, phần mềm, công cụ phục vụ công tác phòng chống thiên tai. Kết quả khảo sát đã
chỉ ra hiện nay các cơ sở dữ liệu đang được lưu trữ phân tán, trùng nhau tại nhiều CSDL,
phần mềm, không đồng nhất về chuỗi dữ liệu theo thời gian và xây dựng theo nhiều tiêu
chuẩn, định dạng dữ liệu khác nhau, nên chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác chỉ
đạo điều hành.
Hiện tại chưa có một hệ thống chung để liên kết, kết nối các phần mềm, cơ sở dữ
liệu theo một hệ thống, chưa hiển thị, phân tích, cung cấp thông tin tổng hợp theo thời
gian thực (gần thời gian thực) phục vụ công tác trực ban, giám sát thiên tai cũng như
công tác ứng phó khi thiên tai xảy ra. Do đó việc phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu
được quy chuẩn, theo mô hình quản lý thông tin tập trung cần được đặc biệt quan tâm.
Để đáp ứng yêu cầu bức thiết trên, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã chỉ đạo
xây dựng phần mềm Hệ thống Giám sát thiên tai Việt Nam (VNDMS). Hệ thống nhằm
đáp ứng các nhu cầu: Giám sát, chỉ đạo điều hành; Quản lý dữ liệu quan trắc; Quản lý
dữ liệu tĩnh (cập nhật định kỳ, hàng năm). Hệ thống được xây dựng với giao diện web
trực quan, thân thiện với người dùng. Hệ thống đã từng bước kết nối với các CSDL, hệ
thống liên quan như: thông tin vận hành hồ thủy điện, hồ thủy lợi; thông tin giám sát tàu
cá; thông tin KTTV từ các doanh nghiệp,… Bên cạnh đó, hệ thống cũng đã có các ứng
dụng (App) cho các thiết bị di động thông minh (điện thoại, máy tính bảng…) để kịp
thời theo dõi, giám sát và cập nhật thông tin nhanh chóng, chính xác phục vụ công tác
phòng chống thiên tai.