1
MỞ ĐẦU
Graphene là loại vật liệu mới - vật liệu nano carbon đa chiều. Từ khi tách thành công
graphene vào năm 2004 và tiếp đến là giải Nobel vật lý của hai nhà khoa học Geim và
Novoselov thì các nghiên cứu về graphene đã phát triển nhanh chóng. Sự phát triển này dựa
trên những tính chất đặc biệt của graphene như độ dẫn điện, độ bền cơ học cao, dẫn nhiệt tốt,
không thấm khí, trong suốt. Một thành viên của graphene là graphene oxide dạng khử (rGO)
được tổng hợp dựa trên việc oxy hóa graphite thành graphite oxide/graphene oxide (GO) theo
phương pháp Hummers. Quá trình oxy hóa kèm theo bóc tách bằng siêu âm tạo ra graphene
oxide, sau đó khử graphene oxide thành rGO bằng các phương pháp khử khác nhau. Sử dụng
rGO như một chất nền dẫn điện để nâng cao hiệu quả quang xúc tác thông qua tính chất dẫn
điện và cấu trúc 2 chiều của chúng sẽ là hướng nghiên cứu được nhiều nhà khoa học quan
tâm.
Các chấm lượng tử graphene (graphene quantum dots, GQDs) cấu tạo từ một hoặc một
vài lớp graphene và có kích thước nhỏ hơn 100 nm. Chúng ổn định về mặt hóa học và vật lý,
có tỉ lệ bề mặt trên khối lượng lớn và có thể phân tán trong nước dễ dàng nhờ các nhóm chức
năng ở các cạnh. Sự phát xạ huỳnh quang của GQDs có thể mở rộng trên một phạm vi phổ
rộng, bao gồm vùng tử ngoại gần (UV), vùng khả kiến (Vis) và hồng ngoại (IR). Nguồn gốc
của sự phát xạ huỳnh quang GQDs là một chủ đề tranh luận, vì nó liên quan đến hiệu ứng lưu
giữ lượng tử, trạng thái khuyết tật và các nhóm chức năng có thể phụ thuộc vào độ pH, khi
GQDs phân tán trong nước.
Các chất bán dẫn TiO2 và ZnO được sử dụng rộng rãi trong nhiều ứng dụng và sản phẩm
trong lĩnh vực môi trường và năng lượng, bao gồm các bề mặt tự làm sạch, hệ thống lọc không
khí và nước, khử trùng và chuyển đổi quang điện hóa. Kích thước liên quan đến cấu trúc của
vật liệu TiO2 có thể ảnh hưởng đến các tính chất và tính năng của nó, bao gồm hiệu suất quang
xúc tác và cụ thể hơn là diện tích bề mặt, khả năng hấp phụ, phản xạ, độ bám dính và đặc tính
vận chuyển chất mang.
Tổ hợp các oxide bán dẫn với rGO hay GQDs hy vọng tạo thành composite có các tính
chất đặc biệt có thể ứng dụng trong điện hóa, xúc tác và hấp phụ. Trong số các vật liệu này,
TiO2/rGO và ZnO/rGO được nghiên cứu ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực bao gồm hấp phụ
các chất hữu cơ ô nhiễm như anilin, paracloanilin, xanh methylen, congo đỏ, rhodamine, hấp
phụ các kim loại nặng độc hại như As, Pb với dung lượng hấp phụ cao, tốc độ hấp phụ nhanh.
Ngoài ra, tương tác giữa các hạt oxide kim loại và các tấm rGO cũng như QGDs đã cải thiện
tính chất điện hóa của oxide kim loại chuyển tiếp. Vì vậy, vật liệu này còn được ứng dụng
làm vật liệu anode cho pin litium, lưu trữ năng lượng, biến tính điện cực để xác định các kim
loại Pb(II), Cu(II), Cd(II), Cr(III), cũng như các dược chất hữu cơ như paracetamol, xanthine,
codeine bằng phương pháp điện hóa … Đã có nhiều phương pháp xác định các dược chất như
HPLC-MS/MS, LC-MS được sử dụng. Tuy nhiên, các phương pháp này có một số hạn chế
như tốn thời gian, kinh phí cao và cần phải xử lý mẫu trước khi phân tích. Trong một số trường