
1
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Trong bối cảnh bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục ngày
càng đóng vai trò quan trọng và được ưu tiên phát triển hàng đầu vì giáo dục không chỉ là
nền tảng cho sự phát triển cá nhân mà còn là động lực cho sự tiến bộ và thịnh vượng của
quốc gia. Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, đòi hỏi quá trình giáo
dục cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện
năng lực (NL) và phẩm chất người học.
Nghị quyết số 29-NQ/TW 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
xác định “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo
hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học”.
Về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT), Nghị quyết
88/2014 /QH13 đã nhấn mạnh mục tiêu: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục
phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ
thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo
dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và
năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”.
Trên thế giới, từ thế kỷ XX đã xuất hiện nhiều quan điểm dạy học như quan điểm dạy
học lấy học sinh (HS) làm trung tâm; quan điểm dạy học theo hành động; quan điểm dạy
học giải quyết vấn đề... với các phương pháp dạy học (PPDH) theo hướng phát huy tính
tích cực, độc lập, sáng tạo của người học. Dựa trên vốn kinh nghiệm và kiến thức đã có của
mình, người học chủ động, tích cực tìm tòi khám phá, vận dụng để giải quyết một số tình
huống có liên quan đến vấn đề tìm hiểu, từ đó hình thành tri thức mới.
Quan điểm dạy học khám phá (DHKP) là một trong những quan điểm dạy học tích
cực khá hiệu quả và dễ vận dụng trong dạy học ở các cấp học hiện nay. Với quan điểm này,
HS chiếm lĩnh kiến thức một cách tự nhiên, hứng thú, không khiên cưỡng. Hơn nữa, trong
hầu hết điều kiện về cơ sở vật chất, thầy và trò đều có thể vận dụng linh hoạt các PPDH
thuộc quan điểm dạy học này này một cách hiệu quả. Chính vì vậy, quan điểm DHKP được
nhiều nhà giáo dục quan tâm nghiên cứu, khuyến khích sử dụng trong dạy học hiện nay ở
nước ta.
Để đáp ứng yêu cầu về đổi mới GDPT theo hướng phát triển phẩm chất và NL người
học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã công bố chương trình GDPT, chương trình tổng
thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT mới. Trong
đó, môn Khoa học tự nhiên (KHTN) được chính thức áp dụng bắt đầu ở lớp 6 từ năm học
2021 – 2022. Trên thế giới, môn KHTN được gọi là môn Khoa học (Science) thay cho dạy
các môn học riêng rẽ là Vật lí, Hóa học, Sinh học và Khoa học Trái Đất. Môn học này từ lâu
đã có mặt trong chương trình giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông ở hầu hết các
nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada, Đức, Thụy Điển, Singapore, Hàn Quốc,…
nhưng lại hoàn toàn mới mẻ ở nước ta. Mặc dù chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của các