Khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn khởi tố, điều<br />
tra vụ án hình sự - thực trạng và giải pháp<br />
Trịnh Công Sơn<br />
Khoa Luật<br />
Luận văn ThS. ngành: Luật hình sự; Mã số: 60 38 40<br />
Người hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Đức Thuận<br />
Năm bảo vệ: 2008<br />
Abstract. Nghiên cứu một số vấn đề lý luận và các quy định của pháp luật về khiếu<br />
nại, tố cáo trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự để làm rõ trách nhiệm của<br />
người có thẩm quyền giải quyết và nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong quá<br />
trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phân tích thực trạng khiếu nại, tố cáo trong giai<br />
đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự và thực tế giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cơ<br />
quan Cảnh sát điều tra công an các cấp. Trình bày một số khó khăn vướng mắc và<br />
nguyên nhân của nó trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trên cơ sở dự báo<br />
tình hình và những yêu cầu đặt ra đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong<br />
những năm tới, đưa ra một số giải pháp nhằm góp phần hạn chế khiếu nại, tố cáo và<br />
nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo như: Nâng cao hiệu quả, chất lượng<br />
khởi tố, điều tra vụ án hình sự; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho mọi<br />
người dân; nâng cao hiệu quả giải quyết; hoàn thiện quy định của Bộ luật tố tụng<br />
hình sự, các văn bản pháp quy, quy trình công tác, quy chế tiếp nhận; kiện toàn đội<br />
ngũ cán bộ, tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và Chính quyền<br />
đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.<br />
Keywords. Khiếu nại; Luật hình sự; Pháp luật Việt Nam; Tố cáo; Vụ án hình sự<br />
<br />
Content<br />
MỞ ĐẦU<br />
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài:<br />
Thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự ở nước ta trong những năm qua cho thấy tình hình khiếu<br />
nại, tố cáo về tố tụng hình sự nói chung, khiếu nại, tố cáo phát sinh trong quá trình khởi tố, điều tra<br />
các vụ án hình sự nói riêng có những diễn biến phức tạp. Tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo<br />
dài vẫn thường xuyên xảy ra, trong đó có những vụ đã có quyết định giải quyết cuối cùng của người<br />
có thẩm quyền theo luật định, có những vụ khiếu kiện gây xôn xao dư luận, làm ảnh hưởng đến an<br />
ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng.<br />
Sở dĩ có tình trạng trên là do nhiều nguyên nhân. Ngoài nguyên nhân do chất lượng hiệu quả<br />
công tác của các cơ quan tiến hành tố tụng, do tác phong, đạo đức nghề nghiệp của người tiến hành<br />
tố tụng, còn có nguyên nhân do bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành quy định về giải quyết<br />
khiếu nại, tố cáo. Mặc dù Quốc hội đã thông qua một đạo luật riêng về giải quyết khiếu nại, tố cáo,<br />
nhưng luật này mới chỉ điều chỉnh trong lĩnh vực dân sự và hành chính, không quy định trong lĩnh<br />
vực tố tụng hình sự. Chương 35 của BLTTHS quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự<br />
<br />
nhưng cũng mới chỉ quy định về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người tố cáo, người bị khiếu<br />
nại, người bị tố cáo, thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp đó, mặc dù Liên<br />
ngành tư pháp Trung ương cũng đã có Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành một số quy định của<br />
BLTTHS về khiếu nại, tố cáo và Bộ Công an cũng đã có đến hai Thông tư hướng dẫn giải quyết<br />
khiếu nại, tố cáo trong Công an nhân dân, nhưng tất cả các thông tư nói trên đều không có nội dung<br />
hướng dẫn về trình tự, thủ tục tiến hành giải quyết khiếu nại, tố cáo nên các địa phương gặp nhiều<br />
lúng túng, thiếu thống nhất trong việc giải quyết. Cũng chính vì chưa có quy định rõ ràng nên cho<br />
đến nay trong ngành Công an vẫn chưa có lực lượng chuyên trách theo dõi và giải quyết công tác<br />
này, hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm cho hiệu<br />
quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân về hoạt động tố tụng hình sự nói chung, về<br />
hoạt động khởi tố, điều tra nói riêng đạt hiệu quả chưa cao, thậm chí lại tiếp tục phát sinh khiếu kiện<br />
về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, của cơ quan điều<br />
tra nói riêng.<br />
Về tình hình nghiên cứu, mặc dù thực trạng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về tố tụng hình<br />
sự là như vậy, nhưng cho đến nay vẫn chưa có tác giả nào có công trình nghiên cứu về lĩnh vực này.<br />
Duy nhất chỉ có một đề tài khoa học cấp cơ sở do Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an vừa đăng ký<br />
nghiên cứu với tên gọi là “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo<br />
của lực lượng cảnh sát nhân dân”, thời gian hoàn thành vào cuối năm 2009.<br />
Với thực trạng quy định của pháp luật và tình hình nghiên cứu đã nêu trên; xuất phát từ thực<br />
tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo về tố tụng hình sự nói chung, khiếu nại, tố cáo phát sinh trong giai<br />
đoạn khởi tố, điều tra tội phạm nói riêng, chúng tôi chọn đề tài này để nghiên cứu trong luận văn<br />
thạc sỹ của mình nhằm góp phần đáp ứng đòi hỏi của thực tế công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo<br />
của công dân hiện nay.<br />
2. Mục đích và phạm vi nghiên cứu:<br />
a. Mục đích nghiên cứu:<br />
Việc nghiên cứu đề tài nhằm mục đích làm rõ thực trạng khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn khởi<br />
tố, điều tra vụ án hình sự và thực tế giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cơ quan điều tra. Trên cơ sở đó<br />
đề xuất một số giải pháp góp phần hạn chế đến mức tối đa các trường hợp khiếu nại, tố cáo phát<br />
sinh trong quá trình khởi tố, điều tra vụ án hình sự và nâng cao hiệu quả giải quyết các trường hợp<br />
khiếu nại, tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động tố tụng hình sự của Cơ quan điều<br />
tra trong giai đoạn khởi tố và điều tra vụ án hình sự.<br />
b. Phạm vi nghiên cứu:<br />
Theo quy định của BLTTHS, việc khởi tố và điều tra vụ án hình sự có thể do nhiều cơ quan có<br />
chức năng tiến hành. Do vậy, việc khiếu nại, tố cáo về hoạt động của các cơ quan chức năng trong<br />
quá trình khởi tố, điều tra vụ án hình sự đều có thể xảy ra. Tuy nhiên, trong phạm vi luận văn này,<br />
chúng tôi chỉ nghiên cứu về thực trạng khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động của cơ quan Cảnh sát<br />
điều tra các cấp trong quá trình khởi tố, điều tra các vụ án hình sự và công tác giải quyết của Cơ<br />
quan Cảnh sát điều tra Công an các cấp theo quy định của BLTTHS.<br />
Việc nghiên cứu được dựa trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành và thực tế giải quyết<br />
khiếu nại, tố cáo của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các cấp thể hiện qua các báo cáo định kỳ,<br />
báo cáo chuyên đề về giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp trong các năm từ 2005 đến 2007 và kết<br />
quả khảo sát thực tế ở một số địa phương.<br />
3. Nhiệm vụ nghiên cứu:<br />
Để đạt được các mục đích nghiên cứu nêu trên, tác giả của luận văn có các nhiệm vụ cụ thể sau<br />
đây:<br />
- Nghiên cứu làm rõ một số vấn đề lý luận và quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo<br />
trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự.<br />
- Làm rõ thực trạng khiếu nại, tố cáo về hoạt động của Cơ quan Cảnh sát điều tra trong<br />
giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự và thực tiễn giải quyết của Cơ quan Cảnh sát điều tra<br />
đối với các khiếu nại, tố cáo đó.<br />
<br />
- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu lý luận, nghiên cứu pháp luật hiện hành và thực tế giải<br />
quyết khiếu nại, tố cáo sẽ đề xuất một số giải pháp góp phần hạn chế khiếu nại, tố cáo và<br />
nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự.<br />
4. Phương pháp nghiên cứu:<br />
Việc nghiên cứu đề tài được dựa trên cơ sở phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư<br />
tưởng Hồ Chí Minh về các quyền cơ bản của công dân, về công bằng, dân chủ trong hoạt động tư<br />
pháp.<br />
Các phương pháp nghiên cứu cụ thể được sử dụng trong quá trình nghiên cứu đề tài là khảo sát<br />
thực tế; nghiên cứu phân tích, so sánh, tổng hợp; quy nạp, diễn giải.<br />
5. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài nghiên cứu:<br />
Việc nghiên cứu đề tài này có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn:<br />
- Về lý luận: Việc nghiên cứu đề tài sẽ làm sáng tỏ thêm một số vấn đề lý luận về giai<br />
đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự và khiếu nại, tố cáo trong quá trình khởi tố và điều tra vụ án<br />
hình sự.<br />
- Về thực tiễn: Kết quả nghiên cứu đề tài là tài liệu tham khảo cho những người làm công<br />
tác nghiên cứu lý luận và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2003 về vấn đề khiếu nại,<br />
tố cáo trong tố tụng hình sự, đồng thời cũng là tài liệu cần thiết cho những người đang làm thực<br />
tế công tác khởi tố, điều tra các vụ án hình sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ quan Cảnh sát<br />
điều tra Công an các cấp.<br />
6. Bố cục của luận văn:<br />
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn được chia<br />
làm 3 chương, 12 mục lớn.<br />
Chương 1<br />
NHẬN THỨC CHUNG VỀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG GIAI ĐOẠN KHỞI TỐ,<br />
ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ<br />
1.1.Khái niệm về giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự:<br />
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và quy định của BLTTHS, dưới góc độ chức năng<br />
nhiệm vụ của Cơ quan điều tra, luận văn đưa ra khái niệm về giai đoạn khởi tố vụ án hình<br />
sự như sau: “Giai đoạn khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của quá trình tiến hành<br />
tố tụng, được bắt đầu từ khi có tin báo, tố giác về tội phạm gửi đến Cơ quan điều tra và<br />
được kết thúc khi Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ<br />
án hình sự”.<br />
Từ những phân tích về thời điểm tiến hành, chủ thể tiến hành, cách thức tiến hành,<br />
mục đích tiến hành giai đoạn đầu tiên của quá trình tiến hành tố tụng, luận văn đưa ra khái<br />
niệm về giai đoạn điều tra vụ án hình sự như sau:<br />
Điều tra vụ án hình sự là một giai đoạn của quá trình tiến hành tố tụng, được bắt đầu<br />
từ khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự và kết thúc khi Cơ quan điều tra ra bản kết luận<br />
điều tra đề nghị truy tố hoặc ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra.<br />
Điều tra vụ án hình sự là hoạt động tố tụng, đồng thời là hoạt động nghiệp vụ, do<br />
những người có thẩm quyền theo quy định của BLTTHS tiến hành bằng cách áp dụng các<br />
biện pháp điều tra và các biện pháp ngăn chặn cần thiết để phát hiện, thu thập củng cố<br />
chứng cứ chứng minh làm rõ các vấn đề cần chứng minh trong vụ án, đảm bảo cho việc xử<br />
lý được khách quan, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.<br />
1.2. Khái niệm về khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự.<br />
1.2.1. Khái niệm về khiếu nại, tố cáo.<br />
Theo Từ điển bách khoa Công an nhân dân Việt Nam, khiếu nại là việc công dân, cơ<br />
quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do pháp luật quy định đề nghị cơ quan, tổ<br />
chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc<br />
<br />
quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái<br />
pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.<br />
Cũng theo Từ điển bách khoa Công an nhân dân Việt Nam, tố cáo là việc công dân, theo<br />
quy định của pháp luật, báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi<br />
phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại<br />
lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.<br />
1.2.2. Khái niệm khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự và khiếu nại, tố cáo trong giai<br />
đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự.<br />
Khiếu nại trong tố tụng hình sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức, theo thủ tục quy định tại<br />
Chương XXXV của BLTTHS, đề nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định<br />
tố tụng, hành vi tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật,<br />
xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.<br />
Khiếu nại trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự là khiếu nại của cơ quan, tổ chức,<br />
cá nhân đối với quyết định tố tụng của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện<br />
trưởng, Phó Viện trưởng, kiểm sát viên Viện kiểm sát ban hành trong giai đoạn khởi tố, điều tra<br />
vụ án hình sự theo quy định của BLTTHS hoặc khiếu nại đối với hành vi tố tụng của Thủ<br />
trưởng, Phó Thủ trưởng, điều tra viên Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng, kiểm<br />
sát viên Viện kiểm sát được tiến hành trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự theo quy<br />
định của BLTTHS vì họ có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm<br />
phạm quyền, lợi ích hợp pháp của họ.<br />
Tố cáo trong tố tụng hình sự là việc công dân báo cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền<br />
biết về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của người tiến hành tố tụng,<br />
người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra mà họ cho rằng hành vi đó gây thiệt<br />
hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ<br />
quan, tổ chức.<br />
Tố cáo trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự là tố cáo của công dân về hành vi vi<br />
phạm pháp luật trong quá trình khởi tố, điều tra vụ án hình sự của người tiến hành tố tụng,<br />
người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra vì họ cho rằng hành vi vi phạm đó<br />
gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của<br />
cơ quan, tổ chức, cá nhân.<br />
1.2.3. Các dạng khiếu nại, tố cáo có thể phát sinh trong giai đoạn khởi tố điều tra vụ án<br />
hình sự.<br />
Trên cơ sở quy định của pháp luật tố tụng hình sự và lý luận về giai đoạn khởi tố, điều tra<br />
vụ án hình sự, mục này nêu ra các dạng khiếu nại và các dạng tố cáo có thể phát sinh trong quá<br />
trình tiến hành tố tụng trong hai giai đoạn này.<br />
1.2.4. Phân biệt khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự với kháng cáo bản án, quyết định của<br />
Toà án chưa có hiệu lực pháp luật và khiếu nại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp<br />
luật.<br />
Về bản chất, kháng cáo cũng là một dạng của khiếu nại trong tố tụng hình sự, vì bản án<br />
sơ thẩm thực chất cũng là quyết định tố tụng do Hội đồng<br />
Tuy nhiên, giữa khiếu nại và kháng cáo có những điểm khác nhau, như thời hạn gửi đơn<br />
khiếu nại, đơn kháng cáo đến cơ quan có thẩm quyền, thời hạn giải quyết, người có thẩm<br />
quyền giải quyết và cách thức giải quyết.<br />
Giữa khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự và kháng nghị về bản chất cũng có điểm<br />
giống nhau, đó là đều do cá nhân hoặc cơ quan có thẩm quyền khiếu nại, tố cáo, có quyền<br />
kháng nghị yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quyết định tố tụng hình sự, xem xét<br />
lại bản án theo trình tự, thủ tục mà BLTTHS đã quy định để đảm bảo tính khách quan đúng<br />
đắn.<br />
<br />
Nhưng giữa khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự và kháng nghị cũng có những điểm<br />
khác nhau về cơ bản. Đó là, kháng nghị chỉ do những người có thẩm quyền trong cơ quan<br />
tiến hành tố tụng thực hiện.<br />
1.3. Quy định của BLTTHS về khiếu nại trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án<br />
hình sự:<br />
1.3.1. Người có quyền khiếu nại và quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại đối với hoạt<br />
động của Cơ quan điều tra trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự.<br />
Điều 325 BLTTHS quy định người có quyền khiếu nại là cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân<br />
chịu sự tác động của hành vi tố tụng do cán bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành<br />
mà họ có căn cứ để cho rằng hành vi đó là trái với quy định của pháp luật, đã xâm phạm đến<br />
quyền, lợi ích hợp pháp của họ.<br />
Người có quyền khiếu nại cũng có thể là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên<br />
quan đến quyết định tố tụng của cơ quan hoặc người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà họ có căn<br />
cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, sai sự thật.<br />
Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại được quy định tại điều 326 BLTTHS. Luận văn đã<br />
phân tích cụ thể các quyền và nghĩa vụ đó trên cơ sở thực tế giải quyết khiếu nại của cơ quan cảnh<br />
sát điều tra trong thời gian qua.<br />
1.3.2. Người bị khiếu nại và quyền, nghĩa vụ của người bị khiếu nại trong giai đoạn khởi tố,<br />
điều tra vụ án hình sự<br />
Người bị khiếu nại trong tố tụng hình sự là những người có thẩm quyền trong cơ quan tiến hành<br />
tố tụng đã có hành vi hoặc ra quyết định tố tụng bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khiếu nại, đề nghị cơ<br />
quan và người có thẩm quyền cấp trên của người đó xem xét lại vì có căn cứ cho rằng những hành<br />
vi và quyết định đó là không đúng, là trái pháp luật<br />
Những người có thẩm quyền tiến hành những hành vi tố tụng và ra quyết định trong giai đoạn<br />
khởi tố, điều tra vụ án hình sự là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện<br />
trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát; Thủ trưởng các cơ quan khác trong<br />
Công an nhân dân và trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động<br />
điều tra; Thủ trưởng cơ quan Kiểm lâm, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển.<br />
Quyền và nghĩa vụ của người bị khiếu nại được quy định tại điều 327 BLTTHS, đã được Luận<br />
văn phân tích cụ thể trên cơ sở thực tế giải quyết khiếu nại trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án<br />
hình sự.<br />
1.3.3. Thời hiệu khiếu nại<br />
Thời hiệu khiếu nại trong tố tụng hình sự là thời gian tính từ khi người khiếu nại nhận hoặc biết<br />
được quyết định hoặc hành vi tố tụng đến khi họ có khiếu nại với cá nhân hoặc cơ quan có thẩm<br />
quyền về quyết định hoặc hành vi tố tụng đó.<br />
Điều 328 BLTTHS quy định thời hiệu khiếu nại là 15 ngày, kể từ ngày nhận hoặc biết được<br />
quyết định, hành vi tố tụng mà người khiếu nại cho rằng có vi phạm pháp luật .<br />
1.3.4. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Điều tra viên, Phó thủ trưởng Cơ<br />
quan điều tra và Thủ trưởng Cơ quan điều tra<br />
Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra<br />
do Thủ trưởng Cơ quan điều tra xem xét giải quyết trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được<br />
khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại tiếp đến<br />
Viện kiểm sát(VKS) cùng cấp. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, VKS cùng<br />
cấp phải xem xét, giải quyết và là cấp giải quyết cuối cùng. Trường hợp các quyết định tố tụng,<br />
hành vi tố tụng của Thủ trưởng cơ quan điều tra và các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra đã<br />
được VKS phê chuẩn mà bị khiếu nại thì VKS cùng cấp có quyền giải quyết và thời hạn giải quyết<br />
là 07 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người<br />
khiếu nại có quyền khiếu nại tiếp đến VKS cấp trên trực tiếp của VKS đã giải quyết khiếu nại.<br />
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, VKS cấp trên phải xem xét giải quyết.<br />
Đây là cấp giải quyết cuối cùng.<br />
<br />