intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Địa danh trong tục ngữ Nghệ Tĩnh

Chia sẻ: Nguyen Nhi | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

119
lượt xem
18
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Địa danh có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp: "Topos" (vị trí) và "omoma" / "onyma" (tên, gọi). Trong ngôn ngữ học, ngành địa danh học (Toponymic) và nhân danh học (Athronymic) thuộc bộ môn khoa học có tên là danh xưng học (onomasiologie). Trên lý thuyết, danh xưng học còn có một ngành khoa học nữa là vật danh học (nghiên cứu tên riêng của các thiên thể, nhãn hiệu sản phẩm, biển hiệu…).

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Địa danh trong tục ngữ Nghệ Tĩnh

  1. Địa danh trong tục ngữ Nghệ Tĩnh Địa danh có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp: "Topos" (vị trí) và "omoma" / "onyma" (tên, gọi). Trong ngôn ngữ học, ngành địa danh học (Toponymic) và nhân danh học (Athronymic) thuộc bộ môn khoa học có tên là danh xưng học (onomasiologie). Trên lý thuyết, danh xưng học còn có một ngành khoa học nữa là vật danh học (nghiên cứu tên riêng của các thiên thể, nhãn hiệu sản phẩm, biển hiệu…). Tất cả các tên gọi địa lý được đánh dấu, ghi nhận bằng các địa danh và những nhà nghiên cứu tên gọi đó là các nhà địa danh học. 1. Địa danh có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp: "Topos" (vị trí) và "omoma" / "onyma" (tên, gọi). Trong ngôn ngữ học, ngành địa danh học (Toponymic) và nhân danh học (Athronymic) thuộc bộ môn khoa học có tên là danh xưng học (onomasiologie). Trên lý thuyết, danh xưng học còn có một ngành khoa học nữa là vật danh học (nghiên cứu tên riêng của các thiên thể, nhãn hiệu sản phẩm, biển hiệu…). Tất cả các tên gọi địa lý được đánh dấu, ghi nhận bằng các địa danh và những nhà nghiên cứu tên gọi đó là các nhà địa danh học. Trong tác phẩm Địa danh học là gì, A.V. Xuperanxkaja đã định nghĩa: "Địa danh là một chuyên ngành của ngôn ngữ học nghiên cứu các tên gọi địa lý, giải thích sự cấu tạo, lịch sử xuất hiện của chúng và phân tích ý nghĩa ban đầu của các từ cấu tạo nên địa danh" (7, tr.3). ở Việt Nam, các quyển từ điển giải thích cũng đã lý giải nội dung của thuật ngữ này và hơn thế đã xuất hiện những công trình nghiên cứu về địa danh của Lê Trung Hoa, Nguyễn Kiên Trường, Trần Văn Dũng, Phan Xuân Đạm… Trong bài viết này, chúng tôi muốn tìm hiểu sự tồn tại của địa danh trong tục ngữ Nghệ Tĩnh. Tư liệu khảo sát là "Từ điển thành ngữ, tục ngữ Nghệ Tĩnh". ở đấy, chúng tôi đã thống kê được tất cả 1.894 mục từ: 998 thành ngữ và 896 tục ngữ. Hai đơn vị này được quan tâm, nghiên cứu trong ngôn ngữ học, văn hoá dân gian, văn hoá học… Dĩ nhiên, do cách tiếp cận mà mỗi ngành học, người nghiên cứu hai đơn vị này theo những cách khác nhau. Theo quan sát của chúng tôi, xét về độ dài thì bao giờ tục ngữ cũng dài hơn thành ngữ và sự tồn tại của địa danh trong tục ngữ nhiều
  2. hơn hẳn thành ngữ. Có lẽ lý do này được giải thích bằng những đặc trưng, nội dung, kết cấu của từng đơn vị. Xin đơn cử tục ngữ dài nhất và rất nhiều địa danh (36 âm tiết): Lắm ló Xuân Viên, lắm tiền Hội Thống, lắm nống Do Nha, lắm cà Lộc Châu, lắm dâu Cẩm Mỹ, lắm bị Kẻ Găng, lắm măng Kẻ Cừa, lắm bừa Trung Sơn, lắm cơn Yên Xứ. Tất cả các địa danh này đều thuộc Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Có lẽ đây là tục ngữ dài nhất không chỉ trong phương ngữ Nghệ Tĩnh mà còn với cả tục ngữ tiếng Việt nói chung. 2. Chúng tôi xin dẫn ra một số tục ngữ tồn tại các địa danh trong tục ngữ (được xếp theo trật tự trong từ điển). Ai muốn ăn bún ăn lòng thì sang Thổ Hậu lấy chồng mà ăn; Ai về Hà Tĩnh thì về mặc áo lụa Hạ uống nước chè Hương Sơn; Ai về Thạch Hà mà coi bắc nồi lên bếp xách oi ra đồng; Ăn cơm độn ngô mà nói chuyện thủ đô Hà Nội; Bánh đa chợ Cày bánh tày chợ Voi; Bánh đúc cháo kê là nghề làng Trại đánh nhau mãi mãi là nghề làng Vinh làm thợ làm đình là cha con ông Phó Hoạch; Bao giờ Đại Huệ mang tơi rú Đụn đội nón thì trời mới mưa; Bao giờ mống Mắt mống Mê thuyền câu thuyền lái chèo về cho mau; Bao giờ ngàn Hống mang tơi rú Thành đội mạo thì trời hẳn mưa; Bao la ngàn Hống mây mờ giăng giăng; Bạo ăn Trường Lại bạo cãi Trường Phong; Bún Phương Giai mai Thắng Lợi; Bút Cấm Chỉ sĩ Thiên Lộc; Bụt Chùa Già ma Chùa Dọc; Bưởi Phúc Trạch cam bù Hương Sơn hồng vuông Thạch Hà; Cá Bàu Nậy chè Khe Yên; Cá Cửa Nhượng khoai Mục Bài; Cá rô Bàu Nón nước tương Nam Đàn; Cá sông Giăng măng chợ Cồn; Cau Lường trù Hiếu; Cầu rú Hống mống Tả Ao; Chè chợ Lù cá mu chợ Huyện; Chè rú Mả cá đồng Sâu; Chợ Cày chân dép chân giày; Chợ Eo nuôi rể chợ Huyện kể du; Chớp Cửa Lò rệt bò mà chạy; Chớp cửa Rào dỡ rào mà nấu; Chớp mũi Đao dỡ rào mà nấu; Chớp mũi Lội cởi áo ra phơi; Cửa Hội khó vào Cửa Trào khó ra; Dân chợ Cày vắt mỏ trày lấy nác; Đất làng Trù du Dao Tác; Đầu gối Lèn chân đạp Câu; Đầu năm gặp nạn cháy nhà cuối năm anh bạn Thạch Hà tới chơi; Đền Cờn đền Quả Bạch Mã Chiờu Trưng.
  3. Rõ ràng, tục ngữ là câu, là thông điệp nghệ thuật nên chúng chứa đựng rất nhiều thông tin về nhiều kiểu loại khác nhau, trong đó là sự xuất hiện rất nhiều các địa danh. Trong cuộc đời, ai mà chẳng đi qua, chẳng sống và gắn với những địa danh khác nhau. Địa danh trong tục ngữ hay đúng ra chúng tồn tại trong tục ngữ hẳn có lý do riêng. Có thể là những địa danh gắn với kinh nghiệm sản xuất, gắn với dự báo thời tiết, gắn với đặc sản, nghề nghiệp… hoặc những nét riêng về sự học hành, đỗ đạt… và ngay cả những thói xấu nữa. "Bà rú Lông đi ông rú Trà" liên quan đến hai địa danh thuộc huyện Thanh Chương, Nghệ An. Rú Trà thuộc xã Thanh Phong, rú Lông thuộc xã Thanh Hương. Tục ngữ này sử dụng cách nói nhân hoá để chỉ một hiện tượng khí hậu ở địa phương. Về mùa gió Lào gió thường thổi chiều từ rú Lông gây nên những cơn lốc nhỏ thổi xuống rú Trà làm cho nhà cửa đổ sập, mùa màng hư hại. Khi xẩy ra hiện tượng này, dân địa phương quan niệm là bà thần rú Lông đi thăm ông thần rú Trà. “Bà rú Lông đi ông rú Trà Ngã nghiêng cây cối cửa nhà vẹo xiên” (Đồng dao) "Mây rú Hôống dựng lên cao dê ra ăn trự thế nào cũng mưa". Dê ra ăn trự: dê vốn là loại động vật ăn cỏ rất nhạy cảm với thời tiết, hễ cảm thấy sắp mưa thì thế nào chúng cũng ăn gắng dự trữ khi mưa dài ngày. Kinh nghiệ m của người dân địa phương, thấy núi Hồng mây dựng lên cao theo sườn núi, dê đã quá bữa rồi mà vẫn gắng ăn thì thế nào trời cũng mưa. "Mống rú Vạc lạc cạc dọn lụt": nghĩa là mống rú Vạc là dấu hiệu trời sắp mưa lụt… Tương tự như thế, kiểu như: sổ làng Lạch lau lách cũng khô, sổ cầu Bùng lấy thùng đựng nác, sổ quàng Rông hướng Đông thì bão, … Muốn xem xét, xác định văn hoá Việt Nam phải được đặt trong bối cảnh Đông Nam á. Đơn vị quan trọng của cư dân văn hoá lúa nước là làng, Nước là làng nâng cao và làng là nước thu nhỏ. Hàng loạt tác giả cũng đã biết nhiều về
  4. làng. Làng ở khu vực Nghệ Tĩnh cũng thế. Trên thực tế, có những làng nổi tiếng về những mặt, nghề nghiệp khác nhau. Ví dụ như làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu nổi tiếng về học hành, khoa bảng, làng Nho Lâm, Diễn Châu nổi tiếng về nghề rèn, làng Vạn Phần, Diễn Châu nổi tiếng về nghề nước mắm,… lại cả những nghề khác như đan võng, dệt vải, dệt chiếu, cách phản ánh của nghệ sĩ dân gian trong tục ngữ cũng rất Nghệ: "Bạo ăn Trường Lại bạo cãi Trường Phong". Trường Lại và Trường Phong là hai làng thuộc xã Kỳ Thịnh, Kỳ Anh nổi tiếng ăn khoẻ và hay lý sự. "Siêng làng Trác nhác làng Sau lắm rau làng Nồi bạo ngồi Đồng Cạn lắm bạn làng Chùa lắm vua Đồng Địch". Các làng vừa nêu và với những nét riêng đều thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân. "Tiên Điền, Tiên Bào sinh anh hào thông thái, Đan Tràng, Đan Hải sinh khảng khái nhiều ngài". Các làng Tiên Điền, Tiên Bào thuộc huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh và Đan Tràng, Đan Hải thuộc huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Nhiều danh nhân hào kiệt xuất hiện tại đây: "Hội Thống lắm tiền Xuân Viên lắm ló Tiên Điền lắm quan". Hội Thống nay là xã Xuân Hội; Xuân Viên, Tiên Điền là những làng nổi tiếng của huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh ngày xưa. Dân Hội Thống thì giàu nhờ nghề biển và buôn bán, lắm tiền; dân Xuân Viên thì giàu về lúa gạo và Tiên Điền là đất văn vật nhiều người học hành đỗ đạt nên lắm quan. "Kẻ" là tên nôm tương đương với làng, vùng "Kẻ Giặm đục đá nấu vôi miệng thì thổi lửa tay lôi rành rành". Câu tục ngữ này phản ánh sự vất vả của nghề nấu vôi của người dân vùng xung quanh lèn Hai Vai (Kẻ Giặm), huyện Diễn Châu, Nghệ An. "Kẻ Vọt mổ rọt thiên hạ". Kẻ Vọt là tên nôm của làng Bình Lãng Hạ nay thuộc phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Tương truyền dân Treo Vọt xưa thuộc loại ngược ngạo, đầu trộm, đuôi cướp. "Kẻ Vùn dáy (dạy) khun hàng xứ”. Kẻ Vùn là tên nôm của làng Yên Điểm, nay thuộc xã Thịnh Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Gọi Kẻ Vùn vì nơi đây cát biển Vun (Vùn) lên một giải cát cao hàng chục mét và dài hàng chục ki-lô-mét kéo từ đầu làng giáp Cương Gián, Nghi Xuân đến cuối làng xã Thạch Kim, Thạch Hà. Dải cát này chắn
  5. biển như một cái đê bao, dân nơi đây gọi là Truông Vùn. Dân Kẻ Vùn sống bán ngư bán nông, nghèo nên hay tha phương cầu thực vì thế mà khôn hơn xứ khác. Mỗi khu vực, vùng nổi tiếng về sản phẩm, nét riêng và khu vực Nghệ Tĩnh cũng như thế. "Nhút Thanh Chương tương Nam Đàn" là hai sản phẩm nổi tiếng thuộc hai huyện của tỉnh Nghệ An. Nhút Thanh Chương cũng ngọt Kể chẳng mấy đồng tiền Xơ mít chất đầy hiên Bằm một khi tám nống Bằm một lần mười nống (Vè Nghệ Tĩnh) “Cá sông Giăng măng chợ Cồn": sông Giăng và chợ Cồn đều thuộc huyện Thanh Chương, Nghệ An. Cá sông Giăng, măng chợ Cồn Thanh Liên, Nhân Lạc, chợ Đồn lắm khoai. (Hát phường vải) "Bưởi Phúc Trạch cam bù Hương Sơn hồng vuông Thạch Hà" là những đặc sản thuộc các huyện Hà Tĩnh. Hoặc như: Cá bàu Nậy chè khe Yên, cá Cửa Nhượng khoai Mục Bài, cá rô Bàu Nón nước tương Nam Đàn, cau Lường trù Hiếu", … Liên quan đến điều vừa nêu trong tư liệu của chúng tôi có tồn tại 3 tục ngữ có số lượng âm tiết và cấu trúc giống nhau: Trai Đông Thái gái Yên Hồ; Trai Đông Phái gái Phượng Lịch và Trai Cát Ngạn gái Đô Lương. Hai tục ngữ "Trai Đông Thái gái Yên Hồ" và "Trai Đông Phái gái Phượng Lịch" nghĩa gần như nhau và chỉ khác nhau về địa danh. Đông Thái thuộc xã Châu Phong, Yên Hồ thuộc xã Đức
  6. Diên, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Trai Đông Thái nổi tiếng thanh lịch, tài giỏi, gái Yên Hồ xinh đẹp, giỏi giang. Trai gái hai làng thường kết duyên Tấn Tần với nhau. Trai tài - gái sắc, anh hùng - thuyền quyên nổi tiếng cả một vùng đất văn vật xưa nay. Câu này thường được dùng như một hoán dụ để thể hiện niềm tự hào của người dân xứ này về đất nước và con người quê mình: Trai Đụng Thái gái Yên Hồ Gặp nhau ta nổi cơ đồ cũng nên (Ca dao) Còn "Trai Đông Phái gái Phượng Lịch" nghĩa cũng như trên nhưng hai địa danh này lại thuộc huyện Diễn Châu, Nghệ An. "Trai Cát Ngạn, gái Đô Lương" là nghĩa hoàn toàn trái với hai tục ngữ vừa nêu. Cát Ngạn nay là xã Cát Văn, huyện Thanh Chương và Đô Lương là một huyện thuộc tỉnh Nghệ An. Trai Cát Ngạn gái Đô Lương nổi tiếng buôn bán táo tợn, đanh đá. Gái này là gái Đô Lương Gái buôn nái tấm gái lường vải con Gái này là gái chả non Gái lường chợ Điếm, gái buôn chợ Dừa (Ca dao) Em là con gái Đô Lương Anh trai Cát Ngạn chung đường bán mua Lộ lời khi được khi thua Ngọt bùi nỏ thiếu, chanh chua ai bằng
  7. (Ca dao) Nghệ Tĩnh là một khu vực được coi là địa linh nhân kiệt và điều này đã được phản ánh từ nhiều phương diện khác nhau. Hàng loạt địa danh đã minh chứng cho điều này. Và chính tục ngữ cũng đã tàng trữ một số địa danh phản ánh rõ điều đó. Kiểu như: Thanh cậy thế Nghệ cậy thần, đền Cờn đền Quả Bạch Mã Chiêu Trưng, Cửa Hội khó vào Cửa Trào khó ra. "Cửa Hội khó vào, cửa Trào khó ra", theo Bùi Dương Lịch, Cửa Hội chính tên là Hội Thống. Cửa Hội (Hội Hải) ở giáp hai huyện Nghi Xuân và Chân Phúc. Nước sông Lam chảy ra cửa này, do các sông khác đổ vào, nguồn xa, đường dài. Nước triều mặn dâng lên rất gần. Đảo Song Ngư đứng sừng sững ở cửa biển, thuyền ra vào gặp nhau khó khăn. Vì thế ngạn ngữ có câu: Cửa Hội khó vào, Cửa Trào khó ra (Cửa Trào tức là Lạch Trào ở Thanh Hoá, cũng gọi là Cửa Hội Trào. Cửa này sâu hẹp, quanh co, vì thế dân địa phương quen gọi là cửa dễ vào - khó ra. Lê Thánh Tông tuần thú phương Nam có thơ vịnh cửa Đan Nhai (là tên khác của Cửa Hội, ngày nay ở địa phương còn có những địa danh như Đan Hoàng, Đan Hải, Đan Phổ…) Lịch sử vùng đất Nghệ Tĩnh với tên gọi "phên dậu", "thắng địa", "đất đứng chân" của bao anh hùng hào kiệt. Chẳng hạn như, ngay ở Nghệ An cũng đã có đến hàng trăm vị thần được thờ tại các làng, trong đó có 8 vị thần sau đây được thờ phổ biến hơn cả: 1. Cao Sơn Cao Các; 2. Tứ Vị Thánh Nương; 3. Đại Mộc Tôn Thần; 4. Liễu Hạnh Công Chúa; 5. Bạch Y Công Chúa; 6. Đế Thích Đại Phan; 7. Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và 8. Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn. Đặc biệt có hai nhân thần được thờ cúng khắp nơi, đó là Lý Nhật Quang và Hoàng Tá Thốn. Hippolyte Le Breton đã viết: "ở An Tĩnh có câu phương ngôn rất nổi tiếng: "Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần", nghĩa là: "Tỉnh Thanh Hoá dựa vào ân huệ của vua, đất Nghệ Tĩnh được thần phù hộ". Nếu cho đến ngày nay, Thanh Hoá là đất được hưởng của triều Nguyễn. Nhưng Nghệ Tĩnh không ganh tị về chuyện đó vì Nghệ Tĩnh lại là đất được lựa chọn của những vị thần bảo hộ. Và các vị thần ấy
  8. đều được thờ cúng một cách trang trọng vô chừng. Nghệ An lấy làm hãnh diện có bốn trong số những ngôi đền đẹp nhất ở An Nam: "Đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã Chiêu Trưng" (4, tr.29). Qua nhận xét vừa nêu, chúng ta có thể hiểu được tục ngữ "Thanh cậy thế Nghệ cậy thần". Thanh Hoá là nơi sinh nhiều vị vua chúa. Thời Lê Sơ tồn tại 99 năm (1428 - 1527), mở đầu là Lê Thái Tổ (Lê Lợi) và có 11 vị vua. Thời Lê Trung Hưng (1533 - 1788), tồn tại 255 năm, trải 17 đời vua. Triều Nguyễn trải qua 9 đời chúa, 13 đời vua. Riêng Vương triều Nguyễn trải 143 năm (1802 - 1945), mở đầu là Nguyễn Thế Tổ, tức Gia Long (Phước ánh). "Đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng" là các địa danh liên quan đến 4 ngôi đền ở Nghệ Tĩnh. Đền Cần tức đền Cờn. Về ngôi đền này, Phan Huy Chú đã viết rất cụ thể "Đền Cần Hải còn gọi là đền Cờn ở huyện Quỳnh Lưu. Chuyện kể ngày xưa có ba mẹ con công chúa Nam Tống bị chết chìm; xác trôi vào đây nhưng thây hãy còn tươi tắn như khi đang sống, người địa phương lấy làm lạ nên họ lo chôn cất và lập mộ đàng hoàng. Về sau, khi Trần Thánh Tông cầm quân đi dẹp Chiêm Thành có trú quân ở cửa biển này, đêm nằm vua mộng thấy một người đàn bà nói rằng: Thiếp là con gái của nhà Triệu, vì sóng gió mà phiêu bạt vào đây, đã được thượng đế phong làm thần biển, nay nghe Bệ hạ đi dẹp phương Nam, thiếp xin được đi theo phù hộ để Bệ hạ lập nên công lớn. Sáng hôm sau vua hỏi các bô lão địa phương mới biết ra sự tích ấy, đến lúc nhà vua tiếp tục đi thì thấy sóng yên biển lặng, vua xuống chiếu lập đền thờ và cúng tế. Đền này ngày càng nổi tiếng và linh thiêng, tên đền là Thánh Nương và được phong là Thượng Đẳng Thần. Chuyện này thấy chép trong Linh ưng truyện. Ông Phan Chánh An có làm thơ: Hương hoả thiên thu âm tục - Tống Phong ba nhất mộng mặc phò - Trần. Tạm dịch: Hương hoả ngàn thu nhờ cháu - Tống
  9. Ba đào giấc mộng giúp vua - Trần (3, tr.183) Đền Cờn hiện ở xã Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu. Lễ hội đền này diễn ra hàng năm từ 15 đến 21 tháng Giêng âm lịch. Phần hội diễn ra trong suốt 7 ngày, có đốt pháo bông, đua thuyền, và chủ yếu là "chạy ói". Đền Quả Sơn thường gọi là đền Mượu thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, hoàng tử thứ tám của vua Lý Thái Tổ, Tri châu Nghệ An (1039 - 1055). Đền này đã từ lâu được xây dựng dưới chân núi Quả, tại làng Miếu Đường (thường gọi là làng Mượu, xã Bạch Đường, huyện Nam Đường tỉnh Nghệ An, nay thuộc xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương. Lễ hội hai năm mở một lần, diễn ra trong 3 ngày từ 19 đến 21 tháng giêng âm lịch. Trong đó có lễ yết cáo, lễ rước ngược (có cả trên bộ và dưới sông), diễn ra cảnh xuất quân của Lý Nhật Quang và lễ rước xuôi… Hiện tại trên đất Nghệ có trên 30 điểm lập đền thờ Lý Nhật Quang và đều coi ông là Thành Hoàng. Nhưng đáng kể nhất là đền Cả (còn gọi là đền Lớn hoặc Tam Toà đại vương) tại làng ích Hậu, Can Lộc, Hà Tĩnh. Tại vùng đất Tây Nam Hồng Lĩnh, ông cùng hai vương hầu nhà Lý là Lý Đạo Thành, Lý Thai Giai đã giúp dân khai hoang lập nên nhiều làng trong đó có làng kẻ Nhật (đến đời Lê đổi tên là ích Hậu). Vì thế dân địa phương thời chung cả ba ông và gọi là Tam Toà đại vương. Sang đời Trần, công việc khẩn hoang vùng này lại được hai vương hầu nhà Trần là Trần Quang Khải và Trần Khánh Dư tiếp tục. Sau khi mất, hai ông này cũng được hợp tự trong đền Cả. Trong thời gian 16 năm (1039 - 1055) dưới hai triều Thái Tông và Thánh Tông, Lý Nhật Quang đã cống hiến đoạn đời đẹp nhất cho việc bảo vệ, xây dựng nước nhà, giữ vững bờ cõi, ban bố được chính lệnh, thu phục được nhân tâm, thực hiện chính sách huệ dân, khuyến thiện, trừng ác, khai mở đất đai… "Lúc đấy, ở Chiêm Thành các bộ lạc thường phản nhau, chúa Chiêm Thành sai sứ sang cầu viện, Vương đem thuỷ binh đến thẳng cửa biển Thi Nại, đóng ở dưới núi Tam Toà. Các bộ lạc Chiêm nghe tin, đều đến hàng phục và xin theo mệnh lệnh chúa Chiêm
  10. Thành. Vương bèn đem quân về. Người Chiêm Thành tưởng nhớ ơn đức lập đền thờ ở dưới chân núi Tam Toà. Sau Vương dời phủ lỵ Nghệ An đến địa phận xã Bạch Đường, rồi mất. Người địa phương tưởng nhớ lập đền thờ" (6, tr.189). Đền Bạch Mã ở xã Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An. Đền Bạch Mã thờ tướng quân Phan Đà, một vị tướng trẻ nổi tiếng thao lược của nghĩa quân Lam Sơn, từng lập nhiều chiến tích oanh liệt, được Bình Định Vương Lê Lợi rất yêu mến. Ông người cao lớn, hùng dũng, dung mạo rất đẹp. Lê Lợi ban cho ông một chiến mã màu trắng (bạch mã), một bộ giáp trắng. Lúc ra trận, trông ông kiêu hùng như Mã Siêu thời Tam Quốc. Ông vì mê hát bội mà bị giặc Minh phục kích rồi tử trận. Sau khi mất, Lê Thái Tổ cho lập đền thờ tại nơi ông mất, tục gọi là đền Bạch Liêu. Đền Chiêu Trưng thờ Lê Khôi. Ông là cháu ruột, con người anh trai của Lê Lợi và là một võ tướng từng lập nhiều chiến công trong nghĩa quân Lam Sơn. Quân công hiển hách nhất của ông là cùng với đại tướng quân Lê Vấn chỉ huy 3000 thiết đội quân phối hợp với cánh quân Lê Sát tiến công quân Minh ở đồn Xương Giang tháng 10 năm Đinh Mùi (11/1427) bắt sống bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc và ba vạn quân giặc. Năm Thuận Thiện thứ hai (1429), Lê Thái Tổ xét công bình ngô, ông được xếp hạng công thần, được phong tước Đinh Thượng Hầu. Năm sau, ông cùng Tư Mã Lê Liệt đem quân vào trấn thủ Thuận Hoá. Thời Lê Thánh Tông ông được phong hàm Tư mã tham tri chính sự, thời Lê Nhân Tông thăng tiếp chức Khâm sai tiết chế thuỷ bộ chủ doanh, thượng tướng quân nhập nội thiếu uý Tư Mã. Năm Thái Hoà thứ tư (1446), ông vâng mệnh làm tướng trong đội quân đi đánh Chiêm Thành do Bình Chương Lê Thụ làm tiết chế. Ông cùng Lê Thụ chỉ huy quân đội vây thành Chà Bàn bắt sống Vua Chiêm là Bí Cai giải về triều. Khi qua cửa Nam Giới, ông lâm trọng bệnh rồi mất tại đây. Vua Nhân Tông nghe tin bãi triều ba ngày, rồi sai quân đến cửa Nam Giới tổ chức điếu tang trọng thể và xây lăng mộ cho ông ở phía Tây chân núi Long Ngâm, nay thuộc xã Thạch Kim, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Nhân dân địa phương cảm công đức của ông đã lập đền thờ
  11. ông tại đây. Tục gọi là đền Chiêu Trưng đại vương; lại còn có tên gọi là đền Võ Mục, tức là gọi theo tên huý của ông. Thực tế, khảo sát các địa danh từ hai phương diện đồng đại và lịch đại thì chúng ta sẽ "bóc dỡ", khám phá ra nhiều thông tin khác nhau, ẩn chứa nhiều tầng văn hoá. Địa danh tồn tại trong tự nhiên và xã hội, nó là đơn vị tương đương với từ, địa danh là từ. Hơn thế, địa danh còn có mặt trong các tác phẩm văn chương ở các thể loại khác nhau, thậm chí có tác phẩm văn chương, thơ ca có tiêu đề là địa danh. Trở lên, chúng tôi chỉ sơ điểm đôi nét về sự tồn tại địa danh trong tục ngữ Nghệ Tĩnh. Để kết thúc, chúng tôi xin mượn lời của A.V.Xuperanxkaja: "Địa danh như đài kỷ niệm ngôn ngữ độc đáo và bảo giữ những thông tin về văn hoá (từ được sử dụng với tư cách là cơ sở tên gọi, căn cứ vào cách gọi tên, mối quan hệ của tên gọi với giá trị lịch sử - văn hoá của đối tượng). Tất cả điều đó được "gói lại" trên cơ sở các danh từ riêng và khả năng cấu tạo chúng. ở nhiều địa danh cũng giống các tượng đài kiến trúc bất hủ, mặt vật chất, đặc thù của mình - là vật chất ngôn ngữ để từ đó xây dựng nên tên gọi. Khái niệm không gian danh từ riêng được thay đổi từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác và từ dân tộc này đến dân tộc kia" (7, tr.16). Tài liệu tham khảo 1. Nguyễn Nhã Bản (2005), Đặc trưng cấu trúc - ngữ nghĩa của thành ngữ, tục ngữ trong ca dao, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội. 2. Nguyễn Nhã Bản (Chủ biên, 2005), Từ điển thành ngữ, tục ngữ Nghệ Tĩnh, NXB Nghệ An. 3. Phan Huy Chú (1997), Hoàng Việt địa dư chí, Phan Đăng dịch, NXB Thuận Hoá. 4. Hippolyte Le Breton (2005), An Tĩnh cổ lục (Le vieux An - Tĩnh), NXB Nghệ An, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Nguyễn Đình Khang và Nguyễn Văn Phú dịch, Chương Thâu và Phan Trọng Báu hiệu đính.
  12. 5. Bùi Dương Lịch (1993), Nghệ An ký, Nguyễn Thị Thảo dịch và chú, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. 6. Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam nhất thống chí, tập II, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Thuận Hoá, Huế. 7. Xuperanxkaja A.V (1985), Địa danh học là gì, NXB "Khoa học" Matxcơva (bản tiếng Nga).
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2