
GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRƯỚC TÁC ĐỘNG CỦA CÁCH MẠNG 4.0
TS. Bùi Thị Huế1
Tóm tắt: Bài viết trình bày những đặc điểm, sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến việc làm, lao
động và những tác động tích cực, tiêu cực của cách mạng công nghiệp 4.0 đến giáo dục nghề nghiệp Việt
Nam, từ đó đưa ra định hướng và giải pháp giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh công nghiệp 4.0.
Từ khóa: cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm.
Abstract: This paper refers to the characteristics as well as the impact of industrial revolution 4.0 on the
employment, labor and positive and negative impacts of industrial revolution 4.0 to vocational education
in Vietnam; and then points out direction and solutions for vocationaleducation in the context of industrial
revolution 4.0.
Keywords: industrial revolution 4.0; vocational education; labor; employment.
Chúng ta đã và đang chứng kiến sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ
hiện đại từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0). Cốt lõi của cuộc
cách mạng này nằm ở các vấn đề sau: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things
(IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data). Cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự là một cuộc cách mạng chưa
từng có trong lịch sử công nghiệp trên thế giới, có tác động to lớn đến tất cả các lĩnh vực của đời
sống kinh tế - xã hội, từ phạm vi toàn cầu đến mức độ khu vực và quốc gia. Đây cũng sẽ là một
cuộc cách mạng lớn trong giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Bài viết trình bày
những tác động tích cực, tiêu cực và thách thức mà Cách mạng 4.0 đem lại đối với hệ thống giáo
dục nghề nghiệp của Việt Nam và đưa ra một số định hướng đổi mới để giáo dục nghề nghiệp Việt
Nam có thể bắt kịp với xu thế giáo dục mới từ Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại.
1. ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản
xuất. Đặc trưng cơ bản của Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp không ranh giới giữa các
lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật số, sinh học để giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, sự kết hợp
giữa các hệ thống ảo và thực, các hệ thống kết nối Internet. Đột phá về công nghệ trong các lĩnh
vực như robot, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano... làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất trên
toàn Thế giới.
1 Email: buihue48@gmail.com, Khoa Quản lý NNL, Trường Đại học Lao động – Xã hội.