Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và những tác động đến thương mại, đầu tư và hoạch định chính sách của Việt Nam
lượt xem 5
download
Hội nhập kinh tế toàn cầu và hội nhập kinh tế khu vực là hai xu hướng quan trọng của thế giới. Là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại khu vực trong những năm qua. Gần đây, Việt Nam đã hoàn tất việc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và những tác động đến thương mại, đầu tư và hoạch định chính sách của Việt Nam
- HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (TPP) VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG ĐẾN THƯƠNG MẠI, ĐẦU TƯ VÀ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH CỦA VIỆT NAM1 PGS.TS. Nguyễn Vũ Hoàng Học viện Chính trị khu vực I Tóm tắt Hội nhập kinh tế toàn cầu và hội nhập kinh tế khu vực là hai xu hướng quan trọng của thế giới. Là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại khu vực trong những năm qua. Gần đây, Việt Nam đã hoàn tất việc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Là một trong những Hiệp định quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là hiệp định thương mại tự do nhiều bên, với mục tiêu thiết lập một khu vực thương mại tự do chung cho các nước đối tác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, cũng như hướng tới nhiều mục tiêu như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao mức sống và cải thiện phúc lợi; thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh; thúc đẩy minh bạch hóa và quản trị tốt; củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường tại các quốc gia thành viên TPP. Với phạm vi rộng lớn của mình, Hiệp định TPP có tác động mạnh mẽ tới các hoạt động thương mại và đầu tư, cũng như tới việc hoạch định chính sách của các quốc gia thành viên. Từ khóa: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP, tác động, hoạch định chính sách 1. Dẫn nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có nguồn gốc từ Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) ký năm 2005, giữa bốn nước Xingapo, Chile, New Di Lân và Brunei. Từ tháng 9-2008, lần lượt các nước Mỹ, Australia, Peru, Việt Nam, Malaysia, Canada, Mexico và Nhật Bản tham gia đàm phán thành lập TPP. Hiệp định này được các thành viên kỳ vọng sẽ thiết lập một trật tự thương 1 Bài viết thể hiện một phần nghiên cứu của Đề tài cấp thành phố Hà Nội năm 2015-2016: “Giải pháp tăng cường năng lực thích ứng của doanh nghiệp trước tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – nghiên cứu tại Hà Nội". 461
- mại tự do chung cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hỗ trợ thương mại, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy cải cách thể chế ở các nước. TPP có được thuận lợi cơ bản do các thành viên tham gia đàm phán đều là các nước đã và đang cam kết mạnh mẽ với thương mại tự do. Là một trong những Hiệp định quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là Hiệp định thương mại tự do nhiều bên, với mục tiêu thiết lập một khu vực thương mại tự do chung cho các nước đối tác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Cho đến nay, TPP đã hoàn tất việc đàm phán và có 12 quốc gia tham gia, bao gồm Niu Di Lân, Brunêi, Chilê, Xingapo, Ôxtrâylia, Peru, Hoa Kỳ, Malaisia, Việt Nam, Canađa, Mexico và Nhật Bản. 2. Phạm vi và tác động của TPP đến thương mại, đầu tư của Việt Nam Hiệp định TPP là một hiệp định toàn diện, hướng tới việc cân bằng lợi ích và có lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các quốc gia tham gia Hiệp định. Hiệp định nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các quốc gia TPP; hỗ trợ mục tiêu tạo việc làm, nâng cao mức sống và cải thiện phúc lợi; thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh; thúc đẩy minh bạch hóa và quản trị tốt; đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Hiệp định TPP bao gồm 30 chương về thương mại và các vấn đề liên quan đến thương mại, từ thương mại hàng hóa đến hải quan và trợ giúp thương mại; biện pháp vệ sinh dịch tễ; rào cản kỹ thuật đối với thương mại; biện pháp phòng vệ thương mại; đầu tư; dịch vụ; thương mại điện tử; mua sắm công; sở hữu trí tuệ; lao động; môi trường, cạnh tranh, giải quyết tranh chấp, các điều khoản ngoại lệ, điều khoản thi hành... (2) Ngoài cập nhật các phương pháp truyền thống đối với vấn đề của các hiệp định thương mại tự do trước đây, TPP còn đưa vào các vấn đề thương mại mới và các vấn đề xuyên suốt, bao gồm các vấn đề liên quan đến Internet và nền kinh tế kỹ thuật số, sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước trong đầu tư và thương mại quốc tế, khả năng của các doanh nghiệp nhỏ để tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại... Là một hiệp định toàn diện và áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, Hiệp định TPP tác động mạnh mẽ tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, đến đời sống dân cư. 2 Full Text of The Trans-Pacific Partnership (TPP). The text of the Agreement was released by TPP Parties on 5 November 2015. 462
- Trên thế giới, có rất nhiều nghiên cứu về phạm vi và tác động của TPP. Hướng nghiên cứu thứ nhất là nghiên cứu những tác động chung tới đời sống kinh tế - xã hội của quốc gia. Các nghiên cứu theo hướng này phác thảo những vấn đề chung của Hiệp định, chỉ ra tầm quan trọng của Hiệp định, cũng như tác động của Hiệp định đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội quốc gia. Ví dụ, trong nghiên cứu “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương” của Ian F. Fergusson năm 2010 (3), đã chỉ ra rằng, việc kiến trúc chiến lược và kinh tế Châu Á đang diễn ra mạnh mẽ. Và một trong các văn bản tạo dấu ấn cho điều đó là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, việc hội nhập đã hình thành hai nhóm nước: Nhóm thứ nhất lấy Châu Á làm trung tâm và loại trừ ảnh hưởng của Hoa Kỳ, và nhóm thứ hai về bản chất là xuyên Thái Bình Dương và bao gồm ảnh hưởng của Hoa Kỳ. TPP là một phương tiện được sử dụng để tạo ảnh hưởng cho Hoa Kỳ. Một nghiên cứu khác của William Krist: “Các vòng đàm phán của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương” (4) lại xem xét các vòng đàm phán của TPP dưới ngữ cảnh lịch sử, đánh giá tình trạng hiện tại của các cuộc đàm phán, xem xét một loạt các vấn đề then chốt gắn liền với các vòng đàm phán, cũng như tìm kiếm các thành viên mới tham gia các vòng đàm phán... Hướng nghiên cứu thứ hai là nghiên cứu những tác động của TPP theo khu vực và hội nhập vùng. Các nghiên cứu dưới góc độ này nhìn nhận, đánh giá Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương dưới góc độ hội nhập vùng, ví dụ khu vực Đông Á, Châu Á-Thái Bình Dương, khối các nước lớn và đang phát triển (các nước BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ and Trung Quốc). Nghiên cứu thứ nhất cần kể đến là của Inkyo Cheong: “Các vòng đàm phán cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương: Đánh giá và những xem xét cho việc hội nhập khu vực Đông Á” tháng 7 năm 2013 (5) đã chỉ ra rằng, Hiệp định TPP dường như là sự giao thoa: nó có thể là rào cản trong hội nhập kinh tế giữa Châu Á và Thái Bình Dương, và cũng có thể là điểm nhấn cho sự hình thành hai khối thương mại lớn vận hành một cách độc lập. Theo Inkyo Cheong, TPP sẽ được thúc đẩy bởi giá trị kinh tế của nó, chứ không phải vì các mục đích địa chính trị. Nó cũng sẽ mở đường cho tất cả các nước Châu Á và Thái Bình Dương, bao gồm cả Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là động lực phát triển 3 Ian F. Fergusson: “The Trans-Pacific Partnership Agreement”. Ian F. Fergusson. 2010. 4 William Krist: “Negotiations for a Trans-Pacific Partnership Agreement”. 5 Inkyo Cheong: “Negotiations for the Trans-Pacific Partnership Agreement: Evaluation and Implications for East Asian Regionalism”. 463
- cho nền kinh tế thế giới. Phạm vi và mức độ bao phủ của TPP cũng rộng lớn và toàn diện đủ để thúc đẩy hiệu ứng đô mi nô cho sự hội nhập kinh tế Châu Á và Thái Bình Dương. Nghiên cứu của Peter A .Petri and Michael G. Plummer: “Đối tác xuyên Thái Bình Dương và hội nhập Châu Á - Thái Bình Dương: Những định hướng chính sách” năm 2012 (6) xác định, một nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương là quan trọng đối với Hoa Kỳ, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, và toàn thế giới. Các hoạt động của Châu Á và Thái Bình Dương, đặc biệt là TPP, sẽ tạo ra các con đường để hội nhập. Nghiên cứu của Henry Gao: “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương: Tiêu chuẩn cao hoặc mất cơ hội?” (7) lại chỉ ra ảnh hưởng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương với sự so sánh, đối chiếu với các quy định của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT). Nghiên cứu của Gong, Baihua “Hiệp định xuyên Thái Bình Dương và những phân tích đối với các quốc gia BRICS” (bao gồm các quốc gia Brazil, Liên bang Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (8) chỉ ra phạm vi của Hiệp định bao gồm tiếp cận thị trường toàn diện, thỏa thuận vùng, các vấn đề về cắt giảm thương mại, các thách thức thương mại mới. Một nghiên cứu khác là Các nguyên tắc của Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) (9) đưa các các nhận định về Hiệp định TPP. Theo đó đây là Hiệp định toàn diện, bởi nó bao trùm tất cả các vấn đề thương mại và đầu tư, bao gồm cả nông nghiệp, hàng hóa, dịch vụ, thương mại số và sở hữu trí tuệ. Đây cũng là Hiệp định đầy ý nghĩa thương mại, tạo ra cơ hội thương mại và cơ hội cho việc mở cửa thị trường cho nông nghiệp, người tiêu dùng, các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ và nhà đầu tư. Hiệp định này cũng tìm kiếm việc giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, yêu cầu mở cửa tương tự thị trường dịch vụ. Hiệp định này cũng làm đơn giản hóa thương mại và tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất và cung ứng, chấp nhận những tiêu chuẩn cao của bảo hộ sở hữu trí tuệ, phát triển và bảo vệ đầu tư, phát triển sự minh bạch và giảm bớt tham nhũng, tạo ra cơ hội mua sắm công bằng… 6 Peter A .Petri and Michael G. Plummer: “The Trans-Pacific Partnership and Asia-Pacific Integration: Policy Implications. 7 Henry Gao: “Trans-Pacific strategic economic partnership agreement: High standard or missed opportunity 8 Gong, Baihua: “Trans-Pacific Partnership Agreement and its implications to BRICS Countries”. 9 Trans-Pacific Partnership (TPP) Agreement Principles. 464
- Hướng nghiên cứu thứ ba là nghiên cứu tác động của TPP đối với từng quốc gia riêng biệt. Các nghiên cứu thuộc nhóm này đi sâu phân tích các tác động của TPP đối với từng quốc gia riêng biệt. Ví dụ, Wen Jin Yuan trong tác phẩm: “Đối tác Châu Á - Thái Bình Dương và các chiến lược phù hợp của Trung Quốc” tháng 6 năm 2012 (10) đã chỉ ra những điều kiện, hoàn cảnh theo đó Trung Quốc tham gia TPP, chỉ ra những tác động tiềm năng của TPP tới Trung Quốc. Hay nghiên cứu của Hirono, K., Gleeson, D., Haigh, F., Harris, P. (2014). “Các vòng đàm phán của Hiệp định đối tác xuyên Châu Á - Thái Bình Dương và tác động tới Ôxtrâylia: Một phân tích tóm tắt chính sách” (11) tại Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và đánh giá sức khỏe, Trung tâm chăm sóc sức khỏe của người Ôxtrâylia, UNSW Ôxtrâylia, đã thông tin về sự tranh luận từ phương diện tác động tới quốc gia trong các vòng cuối cùng của đàm phán đối với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPPA), đặc biệt là trong các cuộc gặp của các nhà đàm phán cấp cao và các Bộ trưởng tháng 2 năm 2014. Nghiên cứu này xem xét tác động tiềm năng của các điều khoản của TPPA tới sức khỏe người Ôxtrâylia, tập trung vào hai vấn đề riêng biệt: giá thuốc, và khả năng của Chính phủ tiến hành các bước cơ bản để nâng cao sức khỏe của người Ôxtrâylia bằng việc điều chỉnh các khu vực của chính sách thuốc lá và rượu cồn… Một nghiên cứu khác của Wyber R, Perry W. “Đối tác xuyên Thái Bình Dương: Một phân tích về tác động đối với sức khỏe ở Niu Di Lân” (12) do Viên Nyes Institute tiến hành năm 2013 đã phát hiện 5 vấn đề then chốt phái sinh từ TPP ảnh hưởng tới sức khỏe ở Niu Di Lân: ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng của việc giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư và Chính phủ các nước, ảnh hưởng tới dược phẩm, sở hữu trí tuệ và các sản phẩm ảnh hưởng sức khỏe. Nghiên cứu của Ian F. Fergusson, William H. Cooper, Remy Jurenas, Brock R. Williams: “Các vòng đàm phán đối tác xuyên Thái Bình Dương và các vấn đề đối với Nghị viện” (13) tháng 12 năm 2013 lại tiếp cận trong mối quan hệ đối với cơ quan lập pháp (Nghị viện). Theo phân tích của tài liệu này, TPP là một Thỏa thuận thương mại tự do khu vực (FTA) được đàm phán giữa Hoa Kỳ, Ôxtrâylia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Niu Di Lân, Peru, Xingapo 10 Wen Jin Yuan: “The Trans-Pacific Partnership and China’s Corresponding Strategies”. 11 Hirono, K., Gleeson, D., Haigh, F., Harris, P. (2014). The Trans Pacific Partnership Agreement negotiations and the health of Australians: A policy brief 12 Wyber R, Perry W. The Trans-Pacific Partnership: An analysis of the impact on health in New Zealand. 13 Ian F. Fergusson, William H. Cooper, Remy Jurenas, Brock R. Williams: “The Trans-Pacific Partnership (TPP) Negotiations and Issues for Congress” 465
- và Việt Nam. Các nhà đàm phán Hoa Kỳ và những nhà đàm phán khác đã mô tả và nhìn nhận TPP như là một FTA tiêu chuẩn cao và toàn diện mà nhằm tự do hóa thương mại trong hầu hết các lĩnh vực của hàng hóa và dịch vụ và bao gồm các cam kết thậm chí nằm ngoài các cam kết của WTO. Một hướng nghiên cứu khác là nghiên cứu tác động của TPP đối với các lĩnh vực chuyên biệt. Một nghiên cứu nổi bật là “Bản sao chương đầu tư cho Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương” (14) đã đưa ra cảnh báo về những nguy hiểm của việc đàm phán “thương mại” mà không có sự giám sát của báo chí, công chúng hay của các nhà hoạch định chính sách. Tài liệu đã cho thấy rằng TPP giới hạn sự kiểm soát của các chính phủ đối với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ mình, cùng với các yêu cầu trao cho các doanh nghiệp nước ngoài nhiều quyền lợi hơn so với các doanh nghiệp trong nước. TPP trao cho các nhà đầu tư nước ngoài quyền trực tiếp kiện chính phủ một nước TPP ra trọng tài quốc tế (ví dụ Trung tâm giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế - ICSID) thay vì tòa án và trọng tài nước đó... Có thể nói, cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Gần đây, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đã đầu tư dự án mới hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam trong các lĩnh vực như sản xuất sợi, dệt may, giày da, chế biến gỗ... để đón đầu TPP. Do đó, có cơ sở để khẳng định rằng đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn khi TPP được ký kết, không chỉ trong các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu mà còn trong các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng, bất động sản.... Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của Việt Nam cũng dễ tiếp cận thị trường của các nước tham gia TPP hơn, tuy tác động này không nhiều do khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường nước ngoài còn thấp. Mặc dù vậy, cùng với thời gian, một số doanh nghiệp của Việt Nam cũng có điều kiện vươn ra một số thị trường TPP (như Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đầu tư tại Peru) qua đó lan tỏa ra các thị trường khu vực, nhất là khu vực Trung Mỹ (lớn nhất là Mê-hi-cô) và Nam Mỹ (Pê-ru, Chi Lê)... 3. TPP và vấn đề hoạch định chính sách của Việt Nam Nhiều quy định trong TPP có ảnh hưởng mạnh mẽ tới thay đổi chế độ pháp lý của các quốc gia, điều chỉnh chính sách và hướng đi của luật pháp trong nước, ví dụ các quy định về hàng rào thuế quan và phi thuế quan, yêu cầu minh bạch 14 “Leaked copy of the investment chapter for the Trans-Pacific Partnership (TPP) trade agreement”. 466
- hóa, chính sách và pháp luật thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ... Nhiều quy định của TPP còn cao hơn các chuẩn mực của WTO như: chính sách đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước, chất lượng sản phẩm và lao động…. Những tác động từ bên ngoài buộc Việt Nam phải có những bước nhảy vọt trong thực hiện lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế và hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực thi các cam kết quốc tế. Với TPP, các công ty, tập đoàn nước ngoài và quốc tế sẽ có khả năng mang chính phủ của các quốc gia thành viên ra cơ quan tài phán của TPP khi các quốc gia này đặt ra các luật lệ, chính sách đi ngược lại với tiêu chí của TPP. Cơ quan tài phán này có toàn quyền yêu cầu Chính phủ đền bù không những cho các thiệt hại đã xảy ra, mà còn những mất mát về cơ hội trong tương lai của các tập đoàn, công ty quốc tế. 3.1. Về hàng rào thuế quan và phi thuế quan Về thương mại hàng hóa, các quốc gia thành viên đồng ý xoá bỏ và cắt giảm thuế quan và các rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp, xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan và các chính sách hạn chế khác về hàng hoá nông nghiệp. Các quốc gia thành viên công bố tất cả các sắc thuế và thông tin khác liên quan đến thương mại hàng hóa để đảm bảo rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các công ty lớn có thể tận dụng lợi thế của TPP. Các quốc gia thành viên cũng đồng ý không áp đặt các yêu cầu bao gồm những điều kiện như tỷ lệ sản xuất của địa phương do một số nước áp đặt mà các công ty cần tuân thủ để có lợi ích thuế quan. Các quốc gia thành viên giữ nguyên các yêu cầu về nhập khẩu hoặc giấy phép xuất khẩu sẽ thông báo cho nhau về các thủ tục để tăng tính minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy thương mại. Các quốc gia thành viên sẽ loại bỏ hoặc cắt giảm thuế quan và chính sách hạn chế khác đối với các sản phẩm nông nghiệp nhằm mục đích tăng cường thương mại nông nghiệp trong khu vực và tăng cường an ninh lương thực. Các quốc gia thành viên đồng ý thúc đẩy cải cách chính sách, kể cả việc loại bỏ trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp,... đồng ý tăng tính minh bạch và hợp tác trên một số hoạt động liên quan đến công nghệ sinh học nông nghiệp. Đối với lĩnh vực dệt may, các quốc gia thành viên đồng ý xoá bỏ thuế quan đối với hàng dệt và may mặc, các ngành công nghiệp có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế tại thị trường của một số bên. Hiệp định cũng đề cập tới các 467
- quy định cụ thể xuất xứ, trong đó có yêu cầu về việc sử dụng của các loại sợi và vải trong khu vực TPP nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng và đầu tư vào lĩnh vực này trong khu vực nhờ cơ chế áp dụng “danh sách ngắn các nhà cung cấp” cho phép việc sử dụng các loại sợi và vải nhất định vốn không có sẵn trong khu vực... (15). Hiệp định TPP đưa ra các điều khoản về giấy phép nhập khẩu nhằm ngăn ngừa các quốc gia thông qua hoặc duy trì không trái với Hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu. Điểm then chốt trong các yêu cầu của Hiệp định của WTO là các bên phải đảm bảo rằng các trình tự cấp giấy phép nhập khẩu phải đảm bảo sự công bằng, không thiện vị. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thông báo cho WTO những sự thay đổi của giấy phép nhập khẩu trước khi các giấy phép này có hiệu lực. TPP cũng đòi hỏi các phí và các thủ tục hành chính áp dụng với nhập khẩu bởi cơ quan hải quan hoặc các cơ quan Chính phủ khác phải bị hạn chế tới giá trị thực tế của dịch vụ được đưa ra bởi các cơ quan Chính phủ. TPP cũng hạn chế khả năng của Chính phủ áp đặt các chi phí tranh tụng bổ sung đối với người xuất khẩu (16). 3.2. Về chính sách và pháp luật thương mại TPP cũng tác động đến chính sách thương mại của các quốc gia thành viên. Nhiều nước thành viên của một liên minh thuế quan được đòi hỏi áp dụng một thuế quan chung với mỗi sản phẩm từ các nước thứ ba, và phương thức được sử dụng để áp dụng hệ thống thuế quan chung đối với cơ hội tiếp cận thị trường của các nhà cung cấp nước thứ ba. Trong thỏa thuận thương mại tự do, các quốc gia thành viên duy trì thuế quan riêng của mình. Vì tỷ lệ thuế quan nói chung là khác nhau giữa các nước, các nhà xuất khẩu của nước thứ ba được khuyến khích để tiếp cận thị trường của các thành viên có hệ thống thuế quan cao hơn thông qua thị trường của các quốc gia có thuế quan thấp hơn. 3.3. Về yêu cầu minh bạch hóa Hiệp định TPP đặt ra các yêu cầu về minh bạch hóa và nhiều quy định của TPP về minh bạch hóa cao hơn yêu cầu của WTO rất nhiều. Cụ thể là: - Yêu cầu các quốc gia thành viên hình thành một trang/cổng thông tin chính thức duy nhất đăng tải các dự thảo và văn bản quy chuẩn kỹ thuật đã ban 15 Full Text of The Trans-Pacific Partnership (TPP). The text of the Agreement was released by TPP Parties on 5 November 2015. 16 The Trans-Pacific Partnership (TPP). Chapter Summary: National Treament and Market Access For Goods. 468
- hành để tạo điều kiện thuận lợi cho các bên liên quan truy cập và tham khảo. Trên trang này, các ý kiến góp ý và trả lời ý kiến góp ý cũng được yêu cầu đăng tải; - Yêu cầu các quốc gia thông báo các tiêu chuẩn có tác động đáng kể đối với thương mại quốc tế, kể cả khi các tiêu chuẩn này phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; - Yêu cầu công bố tất cả các dự thảo của các quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp mới, các sửa đổi của các quy chuẩn và quy trình hiện hành và tất các quy chuẩn và quy trình mới và sau khi sửa đổi của các cơ quan chính quyền địa phương trực thuộc trung ương, trên các trang web chính thức, tốt nhất trên một trang web chính thức duy nhất; - Trách nhiệm đăng tải giải thích về mục tiêu của quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp và cách thức đạt được mục tiêu đó; cung cấp bằng phương tiện điện tử mô tả tóm tắt về các phương án thay thế và các sửa đổi quan trọng của dự thảo quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp. Đối với yêu cầu minh bạch hóa trong lĩnh vực pháp luật hành chính và hình sự, các quốc gia TPP cần phải đảm bảo rằng các luật, quy định và các quyết định hành chính áp dụng chung đối với bất kỳ vấn đề nào quy định trong TPP được công bố công khai và, ở mức độ có thể, các quy định có khả năng ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư giữa các nước có thể được nhận thấy và nhận xét. Các quốc gia TPP thỏa thuận đảm bảo các quyền lợi theo đúng thủ tục cho các nhà đầu tư của các quốc gia TPP với các tranh chấp hành chính, bao gồm việc xem xét nhanh chóng thông qua tòa án hoặc thủ tục công bằng về tư pháp hoặc hành chính và cũng đồng ý thông qua hoặc duy trì pháp luật về hình sự hóa các đề nghị, hoặc yêu cầu, các lợi ích không chính đáng của công chức, cũng như các hành vi tham nhũng ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư quốc tế. Các quốc gia cũng cam kết thực thi hiệu quả các luật và các quy định của các quốc gia về chống tham nhũng. Điều này có nghĩa là TPP đặt ra các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước. Những tiêu chuẩn này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra với hệ thống chính sách, pháp luật về kinh doanh - thương mại của Việt Nam. Các rào cản ra nhập thị trường, hạn chế quyền tự do kinh doanh xuất hiện với xu hướng ngày càng nhiều trong văn bản pháp luật chuyên ngành hoặc các văn bản dưới luật về những lĩnh vực đầu tư, 469
- kinh doanh cụ thể. Thực tế có tình trạng trong khi Luật Doanh nghiệp “mở” thì các luật chuyên ngành lại “đóng”, hoặc các luật của Quốc hội, văn bản của Chính phủ lại quy định thông thoáng nhưng văn bản của cơ quan quản lý lại siết chặt bằng các giấy phép con hay bằng các thủ tục phiền hà không muốn có (17). Theo MEI (2014) (18) đánh giá chỉ số hiệu quả các hoạt động công khai thông tin và tuyên truyền và phổ biến pháp luật, điểm số bình quân của các Bộ là 60,49 điểm/100, vừa đạt mức điểm trung bình khá. Trong so sánh với MEI 2012 thi Chỉ số này đã có mức độ cải thiện đáng kể, với 8,22 điểm tăng thêm... Tuy nhiên, trong so sánh với hiệu quả kỳ vọng thi điểm số chỉ ở mức trung bình khá của mảng hoạt động này cho thấy còn một khoảng cách khá xa giữa những nỗ lực ban đầu của các Bộ với hiệu quả mong muốn… Mức hiệu quả dù cải thiện nhưng vẫn chỉ ở mức trung bình khá đặt ra nhiều vấn đề với các Bộ trong minh bạch thông tin pháp luật. 3.4. Về chính sách và pháp luật đầu tư Các quốc gia thành viên TPP phải ban hành các chính sách đầu tư và các biện pháp bảo hộ trên cơ sở không phân biệt đối xử, đảm bảo nguyên tắc cơ bản trong việc bảo vệ pháp luật. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên cũng phải bảo đảm các chính phủ thành viên sẽ đạt được các mục tiêu chính sách công theo đúng quy định. Hiệp định TPP quy định các nguyên tắc bảo hộ đầu tư cơ bản tương tự như các nguyên tắc trong các hiệp định liên quan đến đầu tư khác, bao gồm nguyên tắc đối xử quốc gia; đối xử tối huệ quốc; chuẩn mực ứng xử tối thiểu trong đầu tư phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế; nghiêm cấm các hành vi thu hồi tài sản không phục vụ cho mục đích công, không đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định hoặc không thực hiện bồi thường; nghiêm cấm những yêu cầu về thực hiện như yêu cầu về hàm lượng nội địa hay nội địa hóa công nghệ; tự do chuyển giao nguồn vốn thực hiện đầu tư phù hợp với những điều khoản ngoại lệ quy định trong Hiệp định TPP nhằm đảm bảo các chính phủ thành viên được phép quản lý các dòng vốn vãng lai một cách linh hoạt thông qua các biện pháp bảo hộ tạm thời nhằm hạn chế hành vi chuyển vốn đầu tư trong trường hợp xảy ra khủng hoảng cán cân thanh toán hoặc những mối đe dọa, suy thoái kinh tế khác, cũng như nhằm bảo vệ tính thống nhất và ổn định của hệ thống tài chính; bảo 17 Báo cáo rà soát pháp luật kinh doanh. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Tháng 11/2011. 18 Báo cáo MEI (Ministerial Efficiency Index) về Chỉ số Hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ. 2014. 470
- đảm quyền tự chủ của các quốc gia thành viên trong việc bổ nhiệm các vị trí quản lý cao cấp. Các quốc gia thành viên của TPP phải ban hành các quy định về danh mục cấm để bảo đảm thị trường của các quốc gia luôn công khai đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp nhà đầu tư chấp nhận một điều khoản ngoại lệ nào đó được quy định tại một trong hai phụ lục cụ thể của từng quốc gia thành viên như sau: (1) các biện pháp hiện hành quy định nước thành viên có nghĩa vụ không áp đặt thêm bất kỳ biện pháp chế tài nào khác trong tương lai cũng như tuân thủ thỏa thuận tự do hóa trong các hoạt động đầu tư sau này, và (2) các biện pháp và chính sách quy định nước thành viên có đầy đủ quyền tự quyết trong các hoạt động trong tương lai. Đặc biệt, đối với việc giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài và Chính phủ sở tại, cơ chế giải quyết tranh chấp của TPP (IDS) cho phép nhà đầu tư nước ngoài từ một quốc gia thành viên TPP có thể khởi đầu quá trình trọng tài gắn với các tranh chấp như về việc bảo hộ theo Hiệp định; bảo hộ liên quan đến đầu tư trong phần dịch vụ tài chính… Tranh chấp sẽ được giải quyết tại một địa điểm trung lập ngoài các quốc gia thành viên có liên quan, độc lập với các tòa án quốc gia của quốc gia bị đơn là thành viên TPP (19). Điều này đặt ra các áp lực đối với Việt Nam, cả từ phía xã hội, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, đối với sự sẵn sàng tham gia các vụ kiện tụng ở cấp độ Chính phủ. Về phía Chính phủ, sự sẵn sàng này phụ thuộc phần lớn vào tầm nhìn và kế hoạch của Chính phủ về việc sẽ thực hiện các cam kết như thế nào. Kế hoạch này cần đưa ra các công việc cho tất cả các cấp chính quyền và đảm bảo sự đồng bộ với các nỗ lực cải cách khác trong nước như lập pháp, phát triển nguồn nhân lực và tiến hành song song với các cải cách hành chính cần thiết trong cơ cấu của Chính phủ, dịch vụ công và các thủ tục hành chính… Về phía doanh nghiệp, sự sẵn sàng gắn liền với việc được trang bị đầy đủ thông tin và kiến thức về TPP để nhanh chóng để cạnh tranh trong môi trường mới…. 3.5. Về chính sách và pháp luật sở hữu trí tuệ Các quy định về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định TPP nằm trong 74 trang ở chương 18 gồm 11 phần được đánh thứ tự theo vấn chữ cái từ A đến K trong đó có chương về Các quy định chung (Section A), Về sự hợp tác (Section B), nhãn hiệu (Section C), Tên quốc gia (Section D), Chỉ dẫn địa lý (Section E), Sáng chế 19 The Trans-Pacific Partnership (TPP) Chapter Summary: Investment. 471
- và Các đối tượng có thể bảo hộ sáng chế (Section F), Kiểu dáng công nghiệp (Section G), Quyền tác giả và quyền liên quan (Section H), Vấn đề thực thi (Section I), Nhà cung cấp dịch vụ Internet (Section J), Điều khoản cuối cùng (Section K), các Phụ lục (Annex 18A-18F). Theo TPP, các quốc gia đồng ý cung cấp các hệ thống chế tài mạnh, bao gồm cả những quy trình thủ tục dân sự, các biện pháp tạm thời, các biện pháp quản lý biên giới, các thủ tục và chế tài hình sự đối với tội giả mạo thương hiệu mang tính thương mại và vi phạm bản quyền hoặc các quyền liên quan. Hiệp định TPP yêu cầu các quốc gia TPP cung cấp các công cụ hợp pháp để ngăn ngừa việc lạm dụng các bí mật thương mại, xây dựng các thủ tục và xử phạt hình sự đối với tội phạm trộm cắp bí mật thương mại. Đối với Việt Nam, nếu xét riêng việc tuân thủ tiêu chuẩn của WTO, các quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến việc xác định tội phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các biện pháp xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong các Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật nước ta có điểm chưa phù hợp và chưa đủ chi tiết để thực thi có hiệu quả các yêu cầu của TRIPS/WTO (20). Tuy nhiên, TPP thậm chí còn đặt ra một số yêu cầu cao hơn so với yêu cầu của WTO. Có thể nói, những yêu cầu cao của TPP về hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ sẽ thúc đẩy việc hoàn thiện và tăng cường công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Những lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn nhất sẽ là dược phẩm, khám chữa bệnh và lĩnh vực nông nghiệp (giống cây trồng, vật nuôi). Điều này sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có hàm lượng tri thức cao, ví dụ sản xuất dược phẩm và một số sản phẩm Việt Nam có bước phát triển mạnh trong các năm qua. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ian F. Fergusson: “The Trans-Pacific Partnership Agreement”. Ian F. Fergusson. 2010. 2. William Krist: “Negotiations for a Trans-Pacific Partnership Agreement”. 3. Inkyo Cheong: “Negotiations for the Trans-Pacific Partnership Agreement: Evaluation and Implications for East Asian Regionalism”. 20 Hoàng Phước Hiệp: “Việt Nam gia nhập WTO và vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”. Tạp chí Dân chủ & Pháp luật - Số 1 (178). 472
- 4. Peter A .Petri and Michael G. Plummer: “The Trans-Pacific Partnership and Asia-Pacific Integration: Policy Implications. 5. Henry Gao: “Trans-Pacific strategic economic partnership agreement: High standard or missed opportunity 6. Gong, Baihua: “Trans-Pacific Partnership Agreement and its implications to BRICS Countries”. 7. Trans-Pacific Partnership (TPP) Agreement Principles. 8. Wen Jin Yuan: “The Trans-Pacific Partnership and China’s Corresponding Strategies”. 9. Hirono, K., Gleeson, D., Haigh, F., Harris, P. (2014). The Trans Pacific Partnership Agreement negotiations and the health of Australians: A policy brief 10. Wyber R, Perry W. The Trans-Pacific Partnership: An analysis of the impact on health in New Zealand. 11. Ian F. Fergusson, William H. Cooper, Remy Jurenas, Brock R. Williams: “The Trans-Pacific Partnership (TPP) Negotiations and Issues for Congress” 12. “Leaked copy of the investment chapter for the Trans-Pacific Partnership (TPP) trade agreement”. 13. Full Text of The Trans-Pacific Partnership (TPP). The text of the Agreement was released by TPP Parties on 5 November 2015. 14. The Trans-Pacific Partnership (TPP). Chapter Summary: National Treament and Market Access For Goods. 15. The Trans-Pacific Partnership (TPP). Chapter Summary: Investment. 16. Báo cáo rà soát pháp luật kinh doanh. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Tháng 11/2011. 17. Hoàng Phước Hiệp: “Việt Nam gia nhập WTO và vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”. Tạp chí Dân chủ & Pháp luật - Số 1 (178). 18. Báo cáo MEI (Ministerial Efficiency Index) về Chỉ số Hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ. 2014. 473
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương
49 p | 187 | 69
-
Bài giảng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và sự tham gia của Việt Nam
21 p | 149 | 36
-
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Thực trạng, xu hướng và đối sách của Việt Nam
9 p | 121 | 14
-
Cơ hội và thách thức của dệt may Việt Nam trong bối cảnh gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương
12 p | 96 | 10
-
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Cơ hội và thách thức đối với kinh tế Việt Nam
8 p | 83 | 7
-
Sở hữu trí tuệ theo Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và phiên bản mới của Hiệp định
9 p | 69 | 6
-
Dự báo tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương tới đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam
10 p | 62 | 5
-
Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cơ hội và thách thức đối với ngành nông nghiệp Việt Nam
10 p | 18 | 5
-
Thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – Cơ hội và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam
10 p | 71 | 5
-
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương: Cơ hội và thách thức với kinh tế Việt Nam
5 p | 74 | 4
-
Nghiên cứu sự tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đến quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam
7 p | 74 | 4
-
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương
9 p | 109 | 4
-
Tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới nền kinh tế Việt Nam
4 p | 90 | 4
-
Hiện thực hóa cộng đồng kinh tế Asean và hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – Cơ hội và thách thức đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam
10 p | 80 | 4
-
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và tác động đối với Việt Nam
7 p | 87 | 3
-
Tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lên ngành Chăn nuôi Việt Nam: Tiếp cận từ mô hình cân bằng bán phần
8 p | 59 | 3
-
Mua sắm chính phủ trong hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đề xuất giải pháp triển khai cam kết của Việt Nam
7 p | 28 | 2
-
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương với vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
9 p | 17 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn