YOMEDIA
ADSENSE
Ngàn Đại Vạc Ngàn
80
lượt xem 8
download
lượt xem 8
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Đại Vạc nằm trên địa phận huyện tôi, tức là huyện Diễn Châu, đồng thời cũng thuộc địa phận của các huyện Đô Lương, Yên Thành, Nghi Lộc. Càng xuôi về đồng bằng núi càng dựng thành tạo ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Diễn Châu và Nghi Lộc. Sừng sững dãy Trường Sơn khi vào miền Trung thường có những nhánh núi chỉa ra và đâm thẳng tới biển Đông: Hoàng Mai, Đại Vạc, đèo Ngang, Hải Vân, đèo Cả,... ...
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Ngàn Đại Vạc Ngàn
- Ngàn Đại Vạc Ngàn Đại Vạc nằm trên địa phận huyện tôi, tức là huyện Diễn Châu, đồng thời cũng thuộc địa phận của các huyện Đô Lương, Yên Thành, Nghi Lộc. Càng xuôi về đồng bằng núi càng dựng thành tạo ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Diễn Châu và Nghi Lộc. Sừng sững dãy Trường Sơn khi vào miền Trung thường có những nhánh núi chỉa ra và đâm thẳng tới biển Đông: Hoàng Mai, Đại Vạc, đèo Ngang, Hải Vân, đèo Cả,... Ngàn Đại Vạc nằm trên địa phận huyện tôi, tức là huyện Diễn Châu, đồng thời cũng thuộc địa phận của các huyện Đô Lương, Yên Thành, Nghi Lộc. Càng xuôi về đồng bằng núi càng dựng thành tạo ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Diễn Châu và Nghi Lộc. Thuở nhỏ, chúng tôi thường rủ bạn chăn trâu ngắm lên ngàn Đại Vạc xanh thẳm và huyền bí. Trong dãy Đại Vạc, có một ngọn núi cao vút, đứng từ đồng bằng nhìn lên, bao giờ chúng tôi cũng thấy trên đỉnh có tòa cổ thụ tạo hình một cái mâm đặt lễ vật thờ cúng. Bà con quê tôi gọi là “Động Thờ”. Qua bốn mùa mưa nắng, Động Thờ biến hóa trăm hình nghìn dạng và lung linh màu sắc. Đẹp nhất là những chiều mùa hạ, sau cơn mưa, bầu trời được rửa sạch, trong xanh, có chiếc cầu vồng bắc từ Động Thờ sang núi Hai Vai. Mây bay lượn, chúng tôi tưởng tượng đó là đoàn tiên nữ đang dắt tay nhau qua cầu vồng. Trời đổ mưa cho đoàn tiên nữ tắm, rồi bắc cầu vồng cho đoàn tiên nữ đi dạo chơi. Gái trai quê tôi thường đi lấy củi ở Động Thờ. Các anh chị kể rằng: Đã lên đến đó thể nào cũng vào thắp hương ở ngôi đền. Trong ngôi đền cổ kính, có một tảng đá to tạc hình hạt thóc. Ai đã vào đền cũng giơ tay sờ “hạt thóc” thì mới yên tâm ra về. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, nhiều người sờ vuốt đến nỗi tảng đá lì nhẵn.
- Ông tôi bảo: Đỉnh Động Thờ là thờ thần Cao Sơn đại vương. Nhưng thờ thần Cao Sơn đại vương sao lại có tảng đá tạc hình hạt thóc? Điều này xin nhường lời lý giải cho các nhà sử học và dân tộc học. Tôi chỉ biết rằng đỉnh Động Thờ rất thiêng. Khi tuổi đã trở về già, không đi hái củi được nữa, ông thường đứng giữa sân, hướng về Động Thờ, nghiêm trang chắp hai tay vái lạy Thần. Rồi ông lại quay về hướng Đông vái lạy đền Cuông thờ đức vua Thục An Dương Vương. Thì ra trên dãy ngàn Đại Vạc có hai ngôi đền rất thiêng: đền thờ thần Cao Sơn ở phía Tây và đền thờ vua Thục An Dương Vương ở phía Đông. Lịch sử đã trở thành huyền thoại. Huyền thoại đã trở thành lịch sử. Về mặt tâm linh, lịch sử và huyền thoại đã tạo cho ngàn Đại Vạc một màu sắc thần bí chở che cho con người hàng ngàn năm nay. * * * Ngàn Đại Vạc không những là kho báu vô tận về tâm linh, mà còn là kho báu vô tận trong đời sống vật chất hàng ngày. Thời gian đi qua, thiên nhiên biến động, nhưng vẫn còn lưu lại những tên làng tên xóm mang dấu ấn của một thời hồng hoang. Làng Kẻ Trầm, nơi tìm được rễ cây trầm. Làng Kẻ Nành nơi có nhiều cây nành. Làng Kẻ Mưng, nơi có bạt ngàn cây mưng (cây lộc vừng). Làng Kẻ Lấu, nơi có rừng lấu. Và còn bao nhiêu địa danh khác như: Trang Nu (nâu), Khe Gát (cát), Kẻ Lèn (núi đá),... Mặc dầu đến đời Nguyễn, những tên gọi nôm na này đã đổi thành chữ Hán để ghi địa bạ, nhưng nhiều người già cả vẫn gọi theo tên cũ. Và những câu chuyện cũ đau lòng, thỉnh thoảng người ta vẫn kể cho con cháu nghe. Chẳng hạn, làng Kẻ Mưng (nay gọi là Xuân Viên) vẫn còn cánh đồng mưng. Nghe đồn rằng xưa kia, đây là cánh rừng toàn cây mưng (cây lộc vừng). Có những năm đói kém, cây mưng nào cũng bâu đen người đi hái lộc để ăn trừ bữa. Vì thế có câu ca nói về thảm cảnh của người đi hái lộc: “Ba bà đi hái lộc mưng/Trèo lên ngã xuống đấm lương đau l...!”.
- Vốn từ thuở hoang sơ, nơi đây là đất định cư của người dân tộc Thanh. Bản làng, đồng ruộng của họ còn để lại dấu vết những quả đồi tạo ruộng bậc thang. Cái hơi ấm của một thời xa vắng ấy truyền qua bao nhiêu thế hệ, khối óc và bàn tay con người ngày càng tinh vi. Những kho báu dường như vô tận ấy còn truyền mãi đến hôm nay. Con người vẫn tiếp tục khai thác có hiệu quả... Ở gần đầu dãy Đại Vạc, có một vùng đất cấu tạo gần như là một thung lũng rộng hàng mấy chục ha, dưới mặt đất sâu chưa đầy một mét, mênh mông đất sét trắng, là chất liệu quý để làm đồ gốm. Người ta đào xuống từng lỗ như đào giếng, sâu chừng hai mét là lấy được đất sét trắng có đường vân vàng. Đất này được chuyển về, nặn thành nồi niêu và các dụng cụ sinh hoạt hàng ngày. Dân Trù Sơn bảo rằng: Đây là cái kho vô tận trời cho, lấy hết lớp đất sét này thì lớp đất sét khác lại đùn ra,... Năm này qua năm khác, ngày nào cũng vậy, cứ sáng tinh mơ, bát ngát làng xóm bốc lên những đụn khói từ các lò thủ công, đồng thời râm ran, thậm thịch tiếng giã đất làm gốm nghe thật vui tai... Ở gần cuối dãy Đại Vạc, có vùng đồi giáp với huyện Nghi Lộc, người ta quen gọi là Động Quánh. Có thể nơi đây là mỏ quặng sắt, dân xã Nho Lâm thường xuyên khai thác để làm đồ sắt như: cày bừa và các dụng cụ sinh hoạt hàng ngày. Nông thôn náo động bởi tiếng “hát reo” của phường thợ đi lấy quặng và những người thợ ngày đêm hồng hào bên lò rèn thở lửa... Cũng từ ngàn Đại Vạc mà hình thành những ngày hội đi lấy củi, hái cỏ. Đồng nội thiếu chất đất và thiếu cỏ cho trâu bò ăn trong những ngày đông tháng giá. Nhất là vào những dịp áp tết Nguyên Đán, rét căm căm, nhưng gà gáy canh bốn, từ làng này đến làng kia, trai gái gọi nhau đi như trẩy hội. Tiếng hát, tiếng tù và vang lên khắp mọi làng xóm đến miền đại ngàn. Phải có củi giữ trữ đun nấu. Phải có cỏ non cho trâu bò ăn trong mấy ngày tết nghỉ ngơi. Người rủ nhau nườm nượp đi lấy củi, hái cỏ, người ta thường gọi là đi “củi tết”, “đi cỏ tết”. Trong lao động vất vả, điệu hát ví vang vọng khắp các quả đồi từ sáng đến trưa, rồi tiếng hát lại vang lên từ đồi núi về tận các làng quê từ trưa đến tận chiều tối,...
- * * * Ngàn Đại Vạc luôn luôn sôi động bởi hơi ấm của con người. Dọc chiều dài lịch sử của quê hương và của dân tộc, Đại Vạc trở thành nơi nương tựa của những cuộc vùng dậy chống áp bức và bất công. Trại Nội là địa điểm quen thuộc của những người ly hương. Trại Nội, nơi tụ họp của dân tứ chiêng với “trai trốn thuế, gái lộn chồng”. Họ chịu đựng vô vàn gian khổ để sống một cuộc đời hoàn toàn tự do giữa rừng hoang nước lạ, chẳng thà chịu khổ chứ không chịu nhục. Hẳn họ đã từng sẵn sàng gia nhập nghĩa quân trong những cuộc khởi nghĩa nông dân thời phong kiến. Tương truyền rằng: Trước khi Quang Trung hành quân ra Bắc đại phá quân Thanh, có dừng lại chùa Đại Huệ. Sư bà ở chùa có nói: Nên hành quân theo đường thượng đạo, nếu hành quân theo đường thiên lý dễ bị phục kích. Chắc hẳn những người nông dân bất hạnh ở Trại Nội đã xung vào nghĩa quân. Quang Trung đã cho đại quân hành quân qua ngàn Đại Vạc. Dấu vết hãy còn đó, những tảng đá to bắc lên núi. Người ta gọi đó là Động Trèo. Thời kỳ cách mạng dân chủ 1936 - 1939, một số Chi bộ Đảng cộng sản ở đồng bằng cử người lên mở trại cày ở Xuân Sơn (thuộc ngàn Đại Vạc) để tập hợp lực lượng và làm địa điểm liên lạc của Đảng. Trại cày Xuân Sơn đã trở thành niềm hy vọng vực dậy phong trào sau Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Gái trai lại mở hội đi củi, đi cỏ từ Trại Nội sang trại cày Xuân Sơn: “Bữa rày bứt cỏ Xuân Sơn/Ba thương bốn nhớ ta thương trại cày”. Trong hương sử thôn Hậu Luật còn ghi lại địa chỉ Xuân Sơn như một điểm sáng của phong trào hồi ấy. Trùng trùng điệp điệp dãy Đại Vạc như trùng trùng điệp điệp lịch sử. Ngọn đồi nào cũng in dấu chân của thời gian. Sông núi bỗng nhiên có hồn bởi sự gian truân của con người và sự gánh vác của lịch sử. * *
- * Bà con quê tôi thường hát câu “Bao giờ rú Mụa mang tơi/Bể đông chớp giật thì trời đổ mưa”. Rú Mụa là rú nào? Ở gần cuối ngàn Đại Vạc, có một ngọn núi đột ngột vươn cao trước khi choài chân ra biển Đông, dân bản địa thường gọi là rú Mụa. Trời trong trẻo, rú Mụa màu nâu. Khi trời chuyển mưa, mây đen bám xung quanh rú, người ta gọi là “rú mang tơi”. Hàng trăm ngọn núi khác cũng vần vũ phủ đầy mây tạo thành bức tường tự nhiên chắn ngang trời. Lớn lên tôi mới hiểu rú Mụa và ngàn Đại Vạc là một đài khí tượng thiên nhiên. Núi gắn bó với con người trong sinh hoạt hàng ngày. Người ta thường trông các ngọn núi cao ở ngàn Đại Vạc để biết trời sắp mưa hay sắp nắng. Đêm mùa hè, dưới trăng sáng, ngồi chơi giữa sân, ông nội tôi thường chỉ hai chấm sáng trên đỉnh núi Động Thờ. Ông bảo: Đó chính là con rết đã nghìn tuổi do thần Cao Sơn nuôi, hai con mắt rết hóa thành ngọc. Mắt rết đã từng soi sáng cho Thần và cho những đoàn quân khởi nghĩa hành quân qua Đại Vạc. Đại quân của Quang Trung cũng được mắt rết soi đường. Sau khi vượt Đại Vạc, xuống đồng bằng, ông cha ta bắc cầu phao cho nghĩa quân băng qua sông Bùng ở quãng bến Đò Oan... Thì ra, ngàn Đại Vạc và dòng sông Bùng có quan hệ máu thịt với nhau. Sông núi yêu thương và hùng vĩ đã từng soi vào tâm hồn bao nhiêu thế hệ, và đã soi vào tâm hồn tôi từ thuở ấu thơ cho đến bây giờ...
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn