intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nghị định số 65/2002/NĐ-CP

Chia sẻ: Son Nguyen | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

153
lượt xem
16
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghị định số 65/2002/NĐ-CP về việc công tác phòng không nhân dân do Chính Phủ ban hành

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nghị định số 65/2002/NĐ-CP

  1. CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ******** Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 65/2002/NĐ-CP Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2002 NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 65/2002/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 7 NĂM 2002 VỀ CÔNG TÁC PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với công tác phòng không nhân dân; nâng cao cảnh giác, sẵn sàng phòng, chống các hành động xâm nhập, tiến công đường không của địch, góp phần bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, NGHỊ ĐỊNH: Chương 1: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của nghị định Nghị định này quy định nguyên tắc, nội dung và tổ chức thực hiện công tác phòng không nhân dân; chuẩn bị, triển khai công tác phòng không nhân dân và chế độ, chính sách đối với công tác phòng không nhân dân. Điều 2. Vị trí, vai trò và mục đích của công tác phòng không nhân dân Công tác phòng không nhân dân là một nội dung quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, là một bộ phận của thế trận chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không nhằm thực hiện phòng, tránh, đánh trả và khắc phục hậu quả các hành động xâm nhập, tiến công đường không của địch, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tồ quốc, bảo vệ tài sản nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân. Điều 3. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động phòng không nhân dân
  2. 1. Công tác phòng không nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, được tổ chức điều hành tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương theo sự hướng dẫn của Bộ Quốc phòng. 2. Công tác phòng không nhân dân do bộ đội địa phương và dân quân tự vệ làm nòng cốt, kết hợp với tổ chức, vận động nhân dân tham gia. 3. Hoạt động phòng không nhân đân được chuẩn bị trong thời bình và triển khai thực hiện khi có hành động xâm nhập, tiến công đường không của địch. Nội dung hoạt động và tổ chức phù hợp với yêu cầu phòng, tránh, đánh trả, khắc phục hậu quả ở từng loại địa bàn. Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp trong công tác phòng không nhân dân 1. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang và chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định của Nhà nước về công tác phòng không nhân dân và tích cực tham gia công tác phòng không nhân dân. 2. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận vận động nhân dân tham gia công tác phòng không nhân dân. Chương 2: NỘI DUNG VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN Điều 5. Nội dung công tác phòng không nhân dân 1. Tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng không nhân dân. 2. Tổ chức trinh sát, thông báo, báo động phòng không nhân dân, quan sát diễn biến các vụ đánh phá của địch, vị trí bom đạn chưa nổ. 3. Tổ chức nguỵ trang, sơ tán, phòng, tránh tiến công đường không của địch. 4. Tổ chức đánh địch xâm nhập, tiến công đường không và phục vụ chiến đấu. 5. Tổ chức khắc phục hậu quả thiệt hại do địch đánh phá. Điều 6. Phân loại vùng phòng không nhân dân 1. Vùng phòng không nhân dân chia làm hai loại như sau: a) Vùng trọng điểm phòng không nhân dân được xác định dựa trên vị trí chính trị, kinh tế, văn hoá, an ninh, quốc phòng hoặc có những công trình, mục tiêu trọng điểm. Tại vùng
  3. trọng điểm phòng không nhân dân có tổ chức Ban Chỉ đạo công tác phòng không nhân dân và phải triển khai đầy đủ nội dung công tác phòng không nhân dân được quy định tại Điều 5 Nghị định này. b) Vùng phòng không khác (ngoài vùng trọng điểm phòng không nhân dân): theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, chính quyền các cấp triển khai thực hiện những nội dung công tác phòng không nhân dân cần thiết, phù hợp với thực tế; đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng triển khai đầy đủ các nội dung công tác phòng không nhân dân được quy định tại Điều 5 Nghị định này. 2. Thẩm quyền xác định các vùng phòng không nhân dân: a) Trong thời bình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định các vùng trọng điểm về phòng không nhân dân trong phạm vi cả nước. Trong thời chiến tuỳ theo tình hình đánh phá của địch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều chỉnh các vùng trọng điểm và vùng phòng không khác cho phù hợp với thực tế, để triển khai công tác phòng không nhân dân; b) Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân khu xác định các vùng phòng không nhân dân trong phạm vi từng tỉnh, thành phố. Điều 7. Tổ chức thực hiện công tác phòng không nhân dân ở Trung ương 1. Ở Trung ương, được tổ chức Ban Chỉ đạo công tác phòng không nhân dân Trung ương do một phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban. Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân Trung ương có cơ quan giúp việc đặt tại Bộ quốc phòng. 2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức cụ thể của Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân Trung ương do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Điều 8. Tổ chức thực hiện công tác phòng không nhân dân ở các vùng trọng điểm. 1. Ở cấp tỉnh, huyện, xã thuộc vùng trọng điểm phòng không nhân dân tổ chức ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân đặt tại cơ quan quân sự địa phương, do một Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm Trưởng ban, chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương là Phó trưởng Ban thường trực, uỷ viên là đại diện các ban, ngành chuyên môn có liên quan. Các thành viên Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Trường hợp vùng trọng điểm phòng không nhân dân thuộc địa bàn của nhiều xã, huyện hoặc tỉnh khác nhau thì Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân hoặc Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp của các đơn vị hành chính đó có trách nhiệm chỉ đạo phối hợp hiệp đồng thực hiện công tác phòng không nhân dân.
  4. 2. Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân ở các vùng trọng điểm có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a) Lập kế hoạch phòng không nhân dân; b) Tổ chức xây dựng lực lượng phòng không nhân dân; c) Tổ chức thực hiện và điều hành các hoạt động phòng không nhân dân; d) Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện công tác phòng không nhân dân ở cấp mình và các đơn vị thuộc cấp trên đóng tại địa phương. Tổ chức nhiệm vụ cụ thể của Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định. 3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng chuyên môn phòng không nhân dân. a) Lực lượng chuyên môn phòng không nhân dân được tổ chức từ các tổ chức nghiệp vụ sẵn có của cơ quan chuyên môn và lực lượng chiến đấu của dân quân tự vệ; b) Được biên chế thành các tổ, đội phòng không nhân dân để thực hiện các nhiệm vụ quan sát, khắc phục hậu quả, phục vụ chiến đấu và bảo đảm phòng không nhân dân; c) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp và người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng lực lượng chuyên môn phòng không nhân dân quyết định thành lập các tổ, đội phòng không nhân dân; d) Lực lượng chuyên môn phòng không nhân dân tại các vùng trọng điểm là lực lượng nòng cốt để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về phòng không nhân dân. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức, vận động nhân dân cùng tham gia. Việc huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng chuyên môn phòng không nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qui định. Điều 9. Tổ chức thực hiện công tác phòng không nhân dân ở các vùng phòng không khác (ngoài vùng trọng điểm phòng không). 1. Đối với các vùng phòng không khác, cơ quan quân sự địa phương cùng cấp phối hợp với Ban, ngành có liên quan giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tổ chức thực hiện công tác phòng không nhân dân. 2. Cơ quan quân sự địa phương có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a) Tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền về công tác phòng không nhân dân;
  5. b) Xây dựng kế hoạch tổng thể phòng không nhân dân trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phê duyệt; c) Thường xuyên nghiên cứu tình hình hoạt động của địch trên không, đề xuất các biện pháp đối phó kịp thời, có hiệu quả; d) Phối hợp với các ban, ngành giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp, xây dựng quản lý, điều hành các lực lượng thực hiện công tác phòng không nhân dân. 3. Sẵn sàng triển khai các nội dung công tác phòng không nhân dân như các vùng trọng điểm và hỗ trợ cho các vùng trọng điểm triển khai công tác phòng không nhân dân trong trường hợp cần thiết. Điều 10. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng phòng không nhân dân đánh trả địch xâm nhập, tiến công đường không. 1. Lực lượng phòng không nhân dân đánh trả địch xâm nhập tiến công đường không được tổ chức từ lực lượng chiến đấu của dân quân tự vệ trên tất cả các vùng theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Tổ chức, biên chế, trang bị, hoạt động chiến đấu của lực lượng phòng không nhân dân được thực hiện theo qui định của pháp lệnh về dân quân tự vệ và yêu cầu nhiệm vụ. 2. Lực lượng phòng không nhân dân đánh trả địch xâm nhập tiến công có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a) Phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang trong khu vực, tổ chức trinh sát phát hiện địch trên không kịp thời thông báo, báo động cho các lực lượng đánh trả và phòng tránh; b) Sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu đánh trả địch xâm nhập và tiến công đường không; c) Nhận và hoàn thành nhiệm vụ khác do cấp trên giao để đánh trả địch xâm nhập, tiến công đường không. Chương 3: CHUẨN BỊ VÀ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN MỤC I: CHUẨN BỊ VÀ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN THỜI BÌNH Điều 11. Nội dung chuẩn bị công tác phòng không nhân dân thời bình 1. Tổ chức Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân các cấp theo qui định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định này.
  6. 2. Xây dựng kế hoạch tổng thể về phòng không nhân dân theo sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và kịp thời điều chỉnh, bổ sung khi tình hình thay đổi. 3. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức phổ thông phòng không nhân dân trong chương trình giáo dục quốc phòng; huấn luyện nghiệp vụ, chuyên môn cho lực lượng phòng không nhân dân, tổ chức diễn tập, luyện tập kế hoạch phòng không nhân dân. 4. Tổ chức sẵn sàng triển khai lực lượng đánh trả và lực lượng chuyên môn phòng không nhân dân để chủ động phòng, chống xâm nhập, tiến công đường không. 5. Tổ chức xây dựng các công trình phòng, tránh trọng điểm. 6. Tổ chức triển khai hệ thống trinh sát, thông báo, báo động phòng không ở các vùng trọng điểm. Điều 12. Xây dựng kế hoạch phòng không nhân dân 1. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch tổng thể về phòng không nhân dân trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 2. Kế hoạch tổng thể về phòng không nhân dân được xây dựng dựa vào căn cứ sau đây: a) Đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân; thế trận chiến tranh nhân dân; b) Qui hoạch, kế hoạch phát triển đất nước theo yêu cầu an toàn phòng không; c) Dự báo qui mô, mục tiêu đánh phá của địch trong từng giai đoạn, từng thời kì; d) Thực lực trang bị của quân đội và khả năng huy động của các Bộ, ngành và các địa phương. 3. Các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ căn cứ vào kế hoạch tổng thể, xây dựng kế hoạch phòng không nhân dân cho ngành mình, bảo đảm sự cân đối phù hợp với kế hoạch tổng thể. 4. Uỷ ban nhân dân các địa phương chỉ đạo, tổ chức xây dựng kế hoạch phòng không nhân dân của địa phương theo sự chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng. Điều 13. Bồi dưỡng kiến thức phổ thông trong chương trình giáo dục quốc phòng, huấn luyện nghiệp vụ và tổ chức diễn tập phòng không nhân dân. 1. Bộ giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức đưa nội dung kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân vào trong chương trình giáo dục quốc phòng của các cấp học, bậc học.
  7. 2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương tổ chức huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn cho lực lượng phòng không nhân dân. 3. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc tổ chức diễn tập về phòng không nhân dân có qui mô từ cấp tỉnh trở lên; Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương có liên quan lập kế hoạch diễn tập và tổ chức chỉ đạo thực hiện. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh quân khu thống nhất với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định qui mô tổ chức diễn tập phòng không nhân dân ở cấp huyện. 4. Diễn tập phòng không nhân dân gồm các nội dung cơ bản sau đây: a) Diễn tập chỉ huy - tham mưu các cấp; b) Tổ chức trinh sát, thông báo, báo động phòng không; c) Tổ chức nguỵ trang, sơ tán, phòng tránh; d) Tổ chức đánh trả địch xâm nhập tiến công đường không; đ) Tổ chức khắc phục hậu quả; Điều 14. Tổ chức xây dựng lực lượng đánh trả và lực lượng chuyên môn phòng không nhân dân. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các quân khu, Uỷ ban nhân dân cấp Tỉnh tổ chức xây dựng lực lượng đánh trả và lực lượng chuyên môn phòng không nhân dân để chủ động phòng, chống địch xâm nhập tiến công đường không; xây dựng các phương án sẵn sàng triển khai lực lượng đánh trả đảm bảo an toàn, bí mật, kịp thời trong các tình huống. Điều 15. Tổ chức xây dựng các công trình phòng tránh trọng điểm, triển khai hệ thống trinh sát, thông báo, báo động phòng không nhân dân ở một số tỉnh, thành phố trọng điểm 1. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ xây dụng có kế hoạch xây dựng và hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương xây dụng các công trình phòng không nhân dân; xác định việc xây dựng các công trình phòng tránh trọng điểm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định lựa chọn triển khai tổ chức hệ thống trinh sát, thông báo, báo động phòng không nhân dân ở một số tỉnh, thành phố trọng điểm. Điều 16. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp
  8. 1. Bộ kế hoạch và đầu tư: Nghiên cứu và chỉ đạo việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu, tiêu chuẩn an toàn về phòng không; phối hợp với Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch tổng thể về phòng không nhân dân. 2. Bộ Công an: Nghiên cứu ban hành các quy định và tổ chức lực lượng, phương tiện đảm bảo trật tự, trị an khi thực hiện kế hoạch phòng không nhân dân trong các tình huống; tổ chức huấn luyện, kiểm tra chấp hành các quy định về đảm bảo trị an trong công tác phòng không nhân dân. 3. Bộ Tài chính: chủ trì nghiên cứu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo cấp có thẩm quyền các văn bản về quản lý, sử dụng ngân sách thực hiện công tác phòng không nhân dân; xây dựng kế hoạch và chỉ đạo dự trữ lương thực, thực phẩm và các phương tiện cần thiết khác bảo đảm cho công tác phòng không nhân dân. 4. Bộ xây dựng: chỉ đạo xây dựng công trình, dự án đầu tư theo các yêu cầu, tiêu chuẩn an toàn về phòng không. Chỉ đạo tổ chức xây dụng các công trình phòng tránh trọng điểm. 5. Bộ giao thông vận tải: Xây dựng kế hoạch, bảo đảm trang bị và chỉ đạo, tổ chức vận chuyển người, phương tiện, tài sản để thực hiện công tác phòng không nhân dân. 6. Bộ y tế: chỉ đạo tổ chức các tuyến cấp cứu, cứu chữa người bị thương, huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng chuyên môn phòng không về kỹ thuật cấp cứu chuyển thương. Phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường tổ chức phòng, chống dịch bệnh; phòng chống, phóng xạ và tẩy độc, khử trùng, làm sạch môi trường. 7. Tổng cục bưu điện: Có kế hoạch đảm bảo quyền ưu tiên sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc cho nhiệm vụ thông báo, báo động phòng không nhân dân và thực hiện công tác phòng không nhân dân. 8. Uỷ ban nhân dân các cấp: Chỉ đạo, tổ chức xây dụng lực lượng, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng không nhân dân trên địa bàn của địa phương. a) Chỉ đạo tổ chức xây dựng lực lượng, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung công tác phòng không nhân dân. b) Thực hiện mọi chủ trương, chế độ, chính sách phòng không nhân dân theo phân cấp; c) Quản lý sử dụng kinh phí do Nhà nước cấp và đảm bảo nguồn ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng không nhân dân; d) Kịp thời báo cáo bộ tư lệnh quân khu hoặc Bộ Quốc phòng các dự án quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương có liên quan đến công tác phòng không nhân dân trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; MỤC II: TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN THỜI CHIẾN
  9. Điều 17. Nội dung hoạt động công tác phòng không nhân dân thời chiến 1. Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch công tác phòng không nhân dân đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 2. Bổ sung và điều chỉnh kế hoạch phòng không nhân dân cho phù hợp với diễn biến thực tế của tình hình. 3. Huy động, điều hành hoạt động của lực lượng phòng không nhân dân, lực lượng phục vụ chiến đấu và bảo đảm phòng không theo yêu cầu nhiệm vụ. 4. Tổ chức tiến hành sơ tán và phân tán phòng tránh. Điều 18. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và UBND các cấp 1/ Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực giúp Chính Phủ, Thủ Tướng Chính Phủ và ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân trung ương tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện kế hoach công tác phòng không nhân dân ở các cấp và các biện pháp phòng không nhân dân khác cho phù hợp với tình hình thực tế ở từng vùng. 2/ Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và UBND các cấp. Các cơ quan, tổ chức và UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện kế hoach công tác phòng không nhân dân; chỉ đạo và kiêm tra đôn đốc việc thực hiện công tác phòng không nhân dân tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc; Huy động lực lượng, phương tiện của cơ quan, tổ chức, địa phương phục vụ cho công tác phòng không nhân dân. Chương 4: CÔNG TÁC BẢO ĐẢM VÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH CHO CÔNG TÁC PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN Điều 19. Bảo đảm kinh phí. 1/ Kinh phí bảo đảm cho công tác phòng không nhân dân ở các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ và các địa phương được tính vào ngân sách thường xuyên hàng năm theo quy định về phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước. 2/ Kinh phí bảo đảm cho công tác phòng không nhân dân ở các tổ chức kinh tế do các tổ chức kinh tế tự đảm bảo. Điều 20. Bảo đảm trang bị.
  10. Bộ quốc phòng bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng đánh trả và một số trang bị, thiết bị chuyên dụng phục vụ cho công tác phòng không nhân dân. Các cơ quan, tổ chức bảo đảm các phương tiện, trang thiết bị cho các tổ, đội chuyên môn phòng không nhân dân thuộc quyền quản lý theo yêu cầu nhiệm vụ. Điều 21. Chế độ chính sách 1/ Những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian được huy động tham gia công tác phòng không nhân dân và đi huấn luyện, diễn tập thì được hưởng chế độ như quy định hiện hành đối với cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo pháp lệnh về dân quân tự vệ. 2/ Những người trực tiếp tham gia thực hiện phòng không nhân dân mà bị thương, hy sinh trong chiến đấu thì được hưởng các chế độ theo quy định của pháp lệnh về dân quân tự vệ. Chương 5: KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM Điều 22. Khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng không nhân dân được khen thưởng theo quy định của nhà nước. Điều 23. Xử lý vi phạm. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về công tác phòng không nhân dân, tuỳ theo mức độ, tính chất vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Chương 6: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 24. Hiệu lực thi hành. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký, thay thế Nghị định số 112/CP ngày 25/7/1963 của hội đồng Chính Phủ về tổ chức công tác phòng không nhân dân. Các quy định trước đây về công tác phòng không nhân dân trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ Điều 25. Trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp với thủ trưởng các cơ quan có liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị định này. Điều 26. Trách nhiệm thi hành Nghị định.
  11. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này. Phan Văn Khải (Đã ký)
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2