YOMEDIA
ADSENSE
VỀ SỨC SỐNG CỦA TUỒNG CUNG ĐÌNH
216
lượt xem 29
download
lượt xem 29
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Vấn đề đặt ra là đánh giá thế nào về vị trí của tuồng cung đình trong đời sống văn hoá của các thế hệ người Việt Nam hôm nay ? Phải chăng thời đại chúng ta là thời đã suy tàn và kết thúc của tuồng cung đình ? Hay ngược lại, thời đại này đã tạo ra sự đổi mới và phát triển về mọi mặt của đất nước, cũng các thể đem lại sự phục hưng cho tuồng cung đình và trả lại cho nó sức sống bất diệt. ...
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: VỀ SỨC SỐNG CỦA TUỒNG CUNG ĐÌNH
- VỀ SỨC SỐNG CỦA TUỒNG CUNG ĐÌNH Vấn đề đặt ra là đánh giá thế nào về vị trí của tuồng cung đình trong đời sống văn hoá của các thế hệ người Việt Nam hôm nay ? Phải chăng thời đại chúng ta là thời đã suy tàn và kết thúc của tuồng cung đình ? Hay ngược lại, thời đại này đã tạo ra sự đổi mới và phát triển về mọi mặt của đất nước, cũng các thể đem lại sự phục hưng cho tuồng cung đình và trả lại cho nó sức sống bất diệt. Tuồng cung đình vốn là sản phẩm của thời phong kiến, vốn phục vụ cho cung đình phong kiến. Phải chăng chính vì lẽ ấy mà nó không còn thích hợp dưới chế độ ta khi chế độ phong kiến đã bị xoá bỏ, khi dân tộc ta đang tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa, khi thị hiếu của nhân dân đã đổi thay ? Còn một vấn đề có thể chưa hẳn đã xoá bỏ trong suy nghĩ của một số người, đó là tuồng Việt Nam có nguồn gốc nước ngoài hoặc chịu ảnh hưởng sâu sắc của nghệ thuật sân khấu phong kiến Trung Hoa. 1. Tư tưởng thống trị và tâm hồn dân tộc Tư tưởng thống trị trong đời sống xã hội phong kiến là tư tưởng của giai cấp phong kiến. Sự thống trị ấy diễn ra trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá. Sự thống trị ấy vừa mang tính bạo lực vừa mang tính phi bạo lực. Hai mặt đó bổ sung cho nhau, tạo thành một sức mạnh bảo vệ và kéo dài chế độ phong kiến. Bạo lực chính trị đã thể hiện từ đời này qua đời khác ở sự đàn áp bằng quân sự, sự trừng trị bằng pháp luật. Tuy nhiên, giai cấp phong kiến đã sớm thấy rằng, thứ võ khí tàn bạo không đủ để duy trì sự thống trị của nó. Nó cần một thứ vũ khí ôn hoà hơn. Đó là vũ khí tư tưởng mà nó tìm thấy ở tôn giáo, triết học, nghệ thuật. Đây là thứ vũ khí lợi hại, sắc bén và sâu sắc được sử dụng ở nhiều nước phương Đông, đặc biệt là ở các nước Đông Á, các nước theo Nho giáo. Ở Việt Nam, trong quan hệ giai cấp, sự đồng thuận thường mạnh hơn sự xung đột. Giai cấp phong kiến giác ngộ rằng sự sống còn của nó là phải dựa vào nhân dân : "Dân vi bản, dân vi quý", dân vừa có sức đẩy thuyền, vừa có sức lật thuyền". Về phía nông dân, họ bị giai cấp phong kiến bóc lột nhưng trước sự tấn công của bọn xâm lược và sự tàn phá của thiên tai, họ cần phải đoàn kết chặt chẽ với nhau và cùng ủng hộ triều đình phong kiến để đánh đuổi giặc ngoại xâm và đương đầu với hạn hán bão lụt... Trong đời sống tinh thần, nhiều tôn giáo và học thuyết đã được đưa vào nhân dân nhằm củng cố trật tự phong kiến. Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo trở thành những mảnh đất gặp gỡ và hoà dịu giữa nông dân và phong kiến. Trong tình hình nói trên, sự giao lưu văn hoá giữa hai phía đã khiến cho tư tưởng phong kiến nhiều lúc trở nên ngọt ngào trong ý thức nông dân. Ngược lại, tâm hồn dân tộc cũng đã từ cuộc sống hào hùng và trong sáng từ phía nông dân đi vào nghệ thuật phong kiến. Tuồng cung đình ra đời và phát triển qua các thời kỳ đã phản ánh sâu sắc mối quan hệ xung đột và đồng thuận ấy của phong kiến và nông dân trong xã hội Việt Nam. Tầng lớp trí thức trong xã hội phong kiến chính là tầng lớp trung gian, tạo nên một cầu nối giữa nông dân và phong kiến. Tầng lớp trí thức, những học giả và nghệ sĩ chính là đồng tác giả và thực tế là linh hồn của tuồng cung đình.
- Vừa mang hệ tư tưởng phong kiến, vừa gần gũi nông dân, giới trí thức đã góp phần lớn làm cho tuồng cung đình vốn là sản phẩm của phong kiến nhiều lúc đã đậm đà tính dân tộc, tính nhân dân, tạo ra một sức sống có giá trị trường tồn. Chính vì thế, tuồng cung đình không chỉ là sản phẩm riêng của giai cấp phong kiến mà còn là sản phẩm chung của cả dân tộc, của mỗi người chúng ta. 2. Mối quan hệ nội sinh và ngoại sinh qua các giai đoạn phát triển của tuồng cung đình Bàn về nguồn gốc của tuồng cung đình Việt Nam, tôi nghĩ rằng không thể phủ nhận hoặc đánh giá thấp sự du nhập của sân khấu cổ điển Trung Hoa vào việt Nam. Nhưng sẽ là sai lầm rất lớn nếu như không thấy rằng tuồng là sự phản ánh xã hội Việt Nam, tâm hồn và tư tưởng Việt Nam, là sự thể hiện đầu óc thẩm mỹ tinh vi và tế nhị của con người Việt Nam. Cũng như mọi loại hình nghệ thuật, tuồng được hình thành và phát triển trên cơ sở chắt lọc và thống nhất nhân tố nội sinh và nhân tố ngoại sinh, theo quy luật giao lưu văn hoá. Văn hoá của cả nhân loại và của từng dân tộc phát triển trong mối quan hệ giữa cái phổ biến và cái đặc thù. Không có văn hoá nhân loại nếu không có sự kết tinh lại từ những giá trị văn hoá của các dân tộc. Không thể có sự phát triển phong phú và đầy đủ văn hoá dân tộc nếu nền văn hoá này chỉ tự khép kín mình và không tiếp thu được những thành tựu của các dân tộc khác, nhưng đã trở thành những nhân tố cấu thành của văn hoá nhân loại. Điều quan trọng là ở chỗ văn hoá dân tộc xuất hiện từ hoàn cảnh dân tộc, và từ hoàn cảnh đó mà tiếp thu văn hoá nhân loại. Dân tộc vừa là chủ thể sáng tạo ra văn hoá, vừa là đối tượng để văn hoá phục vụ. Nó cũng là chủ thể chủ động phát triển mình trên cơ sở tiếp nhận những nhân tố ngoại sinh. Nhân tố ngoại sinh chỉ có thể trụ được trên cơ sở đáp ứng được nhu cầu nội sinh của văn hoá dân tộc. Tuồng cung đình cũng như mọi loại hình sân khấu không thể tự bằng lòng với cái vối vốn có của nó. Vì lợi ích phát triển bản thân, nó tất yếu phải khai thác những thành tựu từ bên ngoài, nhưng thành tựu này phải được dân tộc hoá và trở thành bộ phận máu thịt của nghệ thuật dân tộc. Có rất nhiều điểm tương đồng giữa tuồng Việt Nam với kinh kịch của Trung Quốc, chẳng hạn, như mô hình nhân vật, cách vẽ mặt, phục trang, xử lý không gian, thời gian... Nhưng tất cả các thứ đó chỉ là những phương tiện biểu diễn, đặc trưng cho hình thức tuồng. Bản chất nghệ thuật tuồng Việt Nam không chỉ nằm ở đó mà trước hết ở tâm hồn Việt Nam, ở tài năng sáng tạo của nghệ sĩ Việt Nam, ở hiện thực Việt Nam, ở xu hướng tiến bộ của đất nước Việt Nam và ở chỗ đáp ứng được nguyện vọng và thoả mãn được thị yếu thẩm mỹ của con người Việt Nam. Các học giả nghiên cứu tuồng Việt Nam đã chứng minh và sẽ tiếp tục chứng minh tinh thần sáng tạo của nghệ sĩ tuồng Việt Nam khiến cho nghệ thuật tuồng cung đình chứa đựng những giá trị trường cửu của dân tộc. 3. Giá trị truyền thông và nhu cầu hiện đại Truyền thống dân tộc trong mọi hoạt động vật chất và tinh thần không phải là những giá trị bất biến. Cuộc sống luôn luôn biến đổi, luôn luôn vận động về phía trước dẫn tới những bước nhảy vọt tạo ra những khúc ngoặt lịch sử, khép lại một thời kỳ cũ và mở ra một thời kỳ mới. Truyền thống luôn luôn vận động và biến đổi cùng với sự biến đổi về mọi mặt của đời sống. Không như thế, nó sẽ trở thành vật cản của lịch sử và sớm muộn cũng bị diệt vong. Nói tới những biến đổi hiện nay của đất nước cũng là nói tới tính hiện đại của sự phát triển. Nhưng hiện đại không thể cắt đứt với quá khứ mà phải là cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Hiện đại là nhân tố quyết định sự có mặt của cái ngày xưa trong xã hội ngày mai, là người thẩm xét cao nhất đối với di sản của quá khứ. Sự thẩm xét ấy có thể đúng, cũng có thể sai. Nhưng dù đúng hay sai thì nó vẫn. giữ vai trò quyết định đối với tính liên tục hay tính đứt đoạn của một truyền thống văn hoá, đối với sự ra đi tạm thời hay vĩnh viễn của một loại hình nghệ thuật.
- Lịch sử đã có những thời kỳ mà xã hội đương thời dứt bỏ đi một truyền thống, ưa thích hoặc chán ghét một loại hình nghệ thuật. Tuy nhiên, lịch sử cũng chứng minh rằng, có những nghi lễ tôn giáo, những phong tục tập quán tưởng đã mất đi lại có lúc phục hồi. Cũng có những loại hình nghệ thuật đã tàn tạ trong một thời gian có lúc lại bừng dậy với một sức sống mới. Có thể lấy thí dụ, việc thờ cúng tổ tiên, những lễ hội trong làng xã, các nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương đã được đánh giá, giải quyết một cách khác nhau như thế nào vào thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám và trong xã hội ta ngày nay. Tuy nhiên, sự hồi sinh không có nghĩa là sự sống lại đơn thuần của một sự vật cũ với đầy đủ những tính chất lạc hậu lỗi thời của nó. Ngược lại, trên tinh thần phát triển của xã hội loài người, sự hồi sinh của những giá trị quá khứ phải được tiếp nhận thêm những nhân tố mới của thời đại. Hiện tại không đoạn tuyệt với quá khứ mà chỉ là sự gạt bỏ những cái lỗi thời của quá khứ, giữ lại và phát triển cao hơn nữa những giá trị tốt đẹp mà quá khứ để lại. Tóm lại, truyền thống chỉ có thể tồn tại khi đáp ứng được những yêu cầu của hiện đại, nghĩa là bản thân nó phải luôn luôn được hiện đại hoá. Hiện đại tiếp nối truyền thông và phát huy truyền thống trên một cơ sở mới. Sức sống của nghệ thuật tuồng cung đình phụ thuộc vào chỗ người nghệ sĩ tuồng cung đình có phát huy được những giá trị vốn có của nghệ thuật này trong xã hội hiện đại hay không ? Không chỉ sao chép một cách máy móc những gì mà ông cha đã thể hiện qua các phương tiện và hình thức biểu diễn, mà còn phải không ngừng sáng tạo để nâng cao truyền thống của ông cha trong hoàn cảnh mới. Ngược lại, không nên hiểu lầm hiện đại hoá là cắt đứt với quá khứ và ghép vào nghệ thuật tuồng một hình thức xa lạ với nó, khiến nó không còn là nó nữa. 4. Tính giai cấp và tính nhân văn trong nghệ thuật hiện đại Mỹ học Mác - Lênin thừa nhận tính giai cấp của nghệ thuật nhưng không nhìn nhận vấn đề một cách máy móc mà đặt nó trong mối quan hệ với tính nhân văn. Trong nghệ thuật, mối quan hệ đó mang một ý nghĩa phổ quát ở cả nội dung và hình thức. Các giai cấp thống trị, để tồn tại, phải che đậy lợi ích của nó dưới hình thức nhân văn, mang một ý nghĩa nhân văn. Giai cấp phong kiến nhận thức được rằng, sự tồn tại của nó phụ thuộc vào sự chấp thuận của toàn thể nhân dân. Sự chấp thuận ấy đạt được không phải trên cơ sở sự cưỡng bức mà trên cơ sở của sự đồng tình. Đồng tình trong quan hệ giữa vua tôi, quan hệ giữa triều đình và dân chúng, quan hệ giữa người lao lực phục vụ người lao tâm và người lao tâm chăn dắt người lao lực. Giai cấp tư sản thống trị cũng che đậy lợi ích của nó dưới những chiêu bài mang ý nghĩa nhân văn : "Tự do, bình đẳng, bác ái". ở những giai cấp bóc lột, tính nhân văn là sự bổ sung và sự xoa dịu cho tính giai cấp. ở thời đại chúng ta thì khác, chủ nghĩa nhân văn là bản chất của giai cấp vô sản và nói chung là của toàn thể nhân dân lao động. Sức mạnh của giai cấp vô sản là ở chỗ nó lấy lợi ích dân tộc làm lợi ích của bản thân mình và nói như Các Mác, giai cấp vô sản trở thành dân tộc. Chính với tinh thần trên mà khẩu hiệu mới về văn hoá trong hiến pháp Việt Nam là "Dân tộc, hiện đại, nhân văn". Đó là sự phát triển và nâng cao, trong thời đại ngày nay, khẩu hiệu đã được nêu lên trong Đề cương văn hoá (1943) : "Dân tộc, khoa học, đại chúng". Ngày nay, sự trường tồn của tuồng cung đình phụ thuộc vào chỗ nó nắm được tinh thần của thời đại. Điều này nghĩa là nó phải được dân tộc hoá, hiện đại hoá và nhân văn hoá hơn nữa. Đứng trước nguy cơ suy thoái và có thể diệt vong của một bộ môn nghệ thuật mà ông cha ta từ đời này qua đời khác bỏ vào đấy biết bao công sức và tâm huyết, thế hệ chúng ta, đặc biệt là giới khoa học và nghệ sĩ cảm thấy trách nhiệm lịch sử đè nặng lên vai. Có rất nhiều việc khẩn
- cấp phải được tiến hành để làm thế nào thế hệ chúng ta chuyển giao được di sản quý báu này đến con cháu mai sau : 1. Cần phải có một cuộc điều tra xã hội học để tìm hiểu thị hiếu thẩm mỹ của các tầng lớp nhân dân với nghệ thuật tuồng và tuồng cung đình, để có những biện pháp khoa học hữu hiệu, đưa nghệ thuật tuồng vào công chúng rộng rãi trong cả nước. 2. Nhà trường giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chuyển giao di sản tinh thần. Hiện nay, lơ là đối với việc giáo dục nghệ thuật truyền thống cho học sinh là một thiếu sót nghiêm trọng. Mác đã từng nói về sự vô dụng của âm nhạc trước những cái tai không biết nghe nhạc. Nghệ thuật tuồng làm thế nào có thể được thế hệ trẻ ưa thích nếu như họ không được tiếp xúc với nó và có những hiểu biết tối thiểu về giá trị của nghệ thuật này. 3. Các nhà văn hoá và các nghệ sĩ tuồng cần có thêm sự khuyến khích và ủng hộ từ phía Đảng và Nhà nước, để có thể đi sâu hơn nữa trong việc tìm tòi, nghiên cứu, biểu diễn nhằm bảo tồn và nâng cao hơn nữa di sản quý báu này của ông cha ta. GS. Vũ Khiêu
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn