
95
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ THÀNH CÔNG CHO ĐÀO
TẠO TRỰC TUYẾN Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM
TS. Vũ Quốc Thông
Trường Đại học Mở TP. HCM
Tóm tắt
Bài viết khảo sát về tình hình đào tạo trực tuyến ở các trường Đại học Việt Nam
giai đoạn 2011 -2018. Qua đó, tác giả hệ thống lại các hình thức đào tạo trực tuyến
hiện nay. Để các hình thức triển khai đào tạo trực tuyến được thành công cho giáo dục
Đại học thì cần chú ý những nhân tố nào? Từ những nghiên cứu đã qua, tác giả tiến
hành phân nhóm bao gồm (1) sự quản lý và cơ sở đào tạo, (2) phương pháp truyền đạt,
(3) kỹ thuật triển khai, (4) sự sẵn sàng cho triển khai, (5) hỗ trợ người học online và (6)
hình thức đánh giá. Sau cùng, tác giả bài viết gợi ý những giải pháp nhằm hướng đến
sự thành công cho đào tạo trực tuyến bậc Đại học ở Việt Nam trên cơ sở những nhóm
nhân tố: phương pháp truyền đạt, sự sẵn sàng trong triển khai và kỹ thuật triển khai.
Từ khóa: Đào tạo trực tuyến; CMCN 4.0; Giáo dục 4.0.
1. Đào tạo trực tuyến tại các cơ sở giáo dục Đại học ở Việt Nam
Đào tạo trực tuyến (Online learning)
Gắn kết sự phát triển của CNTT với phương pháp giáo dục đào tạo, đào tạo trực
tuyến đã bắt đầu hình thành và có ảnh hưởng sâu rộng, lan tỏa trong toàn xã hội. Đào tạo
trực tuyến được xem là hình thức đào tạo có sử dụng kết nối mạng Internet để thực hiện
việc học, trao đổi tài liệu học tập, giao tiếp giữa người học với nhau và với giảng viên...
Tập đoàn phần mềm nổi tiếng của Hoa ỳ là Sun Microsytems định nghĩa: “Học
tập và đào tạo trực tuyến là một quá trình trao đổi, truyền đạt kiến thức được phân phối
và hỗ trợ thông qua môi trường ứng dụng công nghệ thông tin bao gồm mạng Internet,
truyền hình số, các hệ thống giảng dạy tương tác trên máy tính”. Viện kỹ nghệ điện và
điện tử IEEE (Institute of Electrical and Electronics Engineers) cho rằng hệ thống giáo
dục, đào tạo trực tuyến là “một hệ thống hỗ trợ học tập có ứng dụng công nghệ thông qua
việc sử dụng các trình duyệt web như một phương tiện chính yếu để tương tác giữa các
học viên và giữa giảng viên với sinh viên”. Theo IEEE, những liên kết này nhằm tạo điều
kiện thuận lợi cho việc giảng dạy và học tập qua môi trường mạng Internet. Có thể nhận
thấy rằng đào tạo trực tuyến là hình thức truyền tải nội dung giảng dạy bằng phương tiện
điện tử qua trình duyệt web, ví dụ như Firefox, Google Chrome … thông qua mạng
Internet, hoặc có thể qua các hình thức khác như băng đĩa CD-R M, DVD. Các phương
tiện truyền tải này nhằm chuyển đến người học nội dung theo yêu cầu của khóa học hoặc
hình thành lớp học ảo (virtual classrooms). Mặt khác, chúng ta nhận thấy rằng hình thức
đào tạo trực tuyến là sự kết hợp của mạng Internet và các kỹ thuật công nghệ số góp phần
tạo ra các mô hình đào tạo trong đó các kiến thức chuyên môn và sự lĩnh hội từ người học
được thực hiện qua các máy tính, thiết bị di động nối mạng Internet.
Mặc dù có nhiều mô tả khác nhau về khái niệm đào tạo trực tuyến, chúng ta cần
thừa nhận hai yếu tố cơ bản về đào tạo này. Thứ nhất, hiệu quả của giáo dục trực tuyến
nếu như được đầu tư và triển khai thích hợp sẽ cao hơn so với phương thức đào tạo