intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cơ hội và thách thức của chuyển đổi số đối với đào tạo kế toán tại Việt Nam

Chia sẻ: Tưởng Trì Hoài | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

7
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Cơ hội và thách thức của chuyển đổi số đối với đào tạo kế toán tại Việt Nam" tập trung tìm hiểu nghiên cứu tổng hợp các khái niệm liên quan để làm rõ các đặc điểm về chuyển đổi số cũng như cơ hội và thách thức của chuyển đổi số đối với đào tạo kế toán hiện nay tại Việt Nam. Từ đó đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo kế toán trong thời đại công nghệ số nhằm tạo ra nguồn nhân lực kế toán chất lượng cao và thích ứng với sự phát triển này. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cơ hội và thách thức của chuyển đổi số đối với đào tạo kế toán tại Việt Nam

  1. CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỐI VỚI ĐÀO TẠO KẾ TOÁN TẠI VIỆT NAM Trần Anh Quang1 Tóm tắt: Thời đại công nghệ số với những thành tựu khoa học, công nghệ, như: điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Big Data… đã tác động mạnh mẽ đến mọi ngành nghề, trong đó có lĩnh vực kế toán. Chuyển đổi số đã tạo ra những nền tảng mới hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho công việc kế toán, giúp công việc kế toán trở nên thông minh, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Trong bối cảnh đó, công tác đào tạo nhân lực kế toán cần có sự thay đổi phù hợp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, đồng thời bắt nhịp với sự phát triển của nền kinh tế số. Bài viết này tập trung tìm hiểu nghiên cứu tổng hợp các khái niệm liên quan để làm rõ các đặc điểm về chuyển đổi số cũng như cơ hội và thách thức của chuyển đổi số đối với đào tạo kế toán hiện nay tại Việt Nam. Từ đó đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo kế toán trong thời đại công nghệ số nhằm tạo ra nguồn nhân lực kế toán chất lượng cao và thích ứng với sự phát triển này. Từ khóa: Chuyển đổi số, cơ hội, đào tạo kế toán, thách thức, Việt Nam. OPPORTUNITIES AND CHALLENGES OF DIGITAL TECHNOLOGY ON ACCOUNTING TRAINING IN VIET NAM Abstract: The digital age with scientific and technological achievements, such as: cloud computing, artificial intelligence, Blockchain, Big Data... has had a strong impact on all industries, including the accounting field. Digital transformation has created new platforms that actively and effectively support accounting work, making accounting work smarter, faster and more efficient. In that context, the training of accounting human resources needs to have appropriate changes to meet the increasing requirements of businesses and at the same time keep pace with the development of the digital economy. This article focuses on researching, synthesizing related concepts to clarify the characteristics of digital transformation as well as opportunities and challenges of digital transformation for current accounting training in Viet Nam. From there, some solutions are proposed to improve the quality of accounting training in the digital age in order to create high-quality accounting human resources and adapt to this development. Key words: Digital Transformation, opportunities, accounting training, challenges, Viet Nam. 1 Trường Đại học Lao động – Xã hội; Email: quangktqt@gmail.com
  2. Phần 3. KHUNG PHÁP LÝ VÀ NGUỒN NHÂN LỰC THÚC ĐẨY KINH TẾ SỐ 363 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong thời đại kỷ nguyên số, nhân loại đang chứng kiến sự phát triển như vũ bão của công nghệ với những Block-chain, Cloud, AI,… và các ứng dụng của nó trong đời sống. Chính điều này đã làm thay đổi dần mọi phương diện ngành nghề, từ các tổ chức đến từng cá thể trong xã hội. Sự bùng nổ của công nghệ số đã và đang tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt trên nhiều lĩnh vực, trong đó kế toán là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ. Công nghệ số ảnh hưởng đến rất nhiều khía cạnh trong lĩnh vực kế toán như quy trình kế toán, công tác quản lý nhà nước về kế toán, các dịch vụ kế toán, kế toán viên, công tác đào tạo kế toán… Tuy nhiên, có thể thấy rằng công nghệ số đã làm thay đổi mạnh mẽ phương thức thực hiện kế toán hiện nay bằng việc áp dụng chứng từ điện tử, các phần mềm tổng hợp, xử lý dữ liệu trong môi trường tin học hóa… Vì vậy, người lao động trong lĩnh vực kế toán cũng cần phải thay đổi để theo kịp sự biến đổi đó. Trong bối cảnh này đòi hỏi nhân lực kế toán ngoài trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thì cần hội tụ được nhiều yếu tố khác như tính tư duy, sáng tạo, kỹ năng phân tích, tổng hợp, trình độ ngoại ngữ, tin học… Để có thể đáp ứng được điều này thì một trong những vấn đề mấu chốt là công tác đào tạo, giảng dạy nguồn nhân lực kế toán tại các trường đại học và cơ sở giáo dục cần có sự cải tiến mạnh mẽ về nhận thức, quy trình và phương pháp giảng dạy nhằm tạo ra những kế toán viên chuyên nghiệp, đủ năng lực cạnh tranh với nguồn lực lao động quốc tế. Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng công nghệ số không chỉ mang lại các cơ hội thuận lợi trong quá trình đào tạo nhân lực kế toán mà nó còn tạo ra rất nhiều thách thức cho các cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên và cả sinh viên, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện các giải pháp triệt để nhằm thích ứng và phát triển trong bối cảnh chung này. 2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 2.1. Cơ sở lý luận về chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán Chuyển đổi số là việc chuyển đổi kiến thức và thông tin tương tự trở thành một dạng kiến thức và thông tin kỹ thuật số được lưu trữ. Điều này giúp việc truy cập vào kiến thức và thông tin trong thời gian thực, cho phép mọi người có thể trao đổi thông tin trên toàn cầu một cách dễ dàng hơn khi sử dụng các thiết bị kỹ thuật (Kane và cộng sự, 2015). Theo Dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia (2019): Chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể, toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau. Chuyển đổi cũng chính là sự thay đổi về cách thức điều hành, quy trình, thủ tục, văn hóa, dựa trên nền tảng kỹ thuật số để hướng tới mục tiêu hiệu quả hơn và chắc chắn ít nhiều nó sẽ làm thay đổi quy trình, phương thức hoạt động của nhiều lĩnh vực ngành nghề hiện nay
  3. 364 PROCEEDINGS OF THE INTERNATIONAL CONFERENCE "DIGITAL ECONOMY: POTENTIALS ET CHALLENGES" Chuyển đổi số trong kế toán là việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào công tác kế toán, giúp công tác kế toán được triển khai nhanh chóng, hiệu quả hơn mà vẫn tối ưu tiết kiệm nhân lực, thời gian và chi phí. Kế toán, kiểm toán là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và xu hướng chuyển đổi số nói riêng. Theo đó, thực hành kế toán tại doanh nghiệp (DN) trên thế giới và cả Việt Nam trong bối cảnh ứng dụng chuyển đổi số được khái quát lại thông qua 5 công nghệ: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud), chuỗi khối (Blockchain). Đây đều là những công nghệ giúp quy trình kế toán được thực hiện theo thời gian thực, nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi và bảo mật hơn, tổ chức kế toán trong DN cũng trở nên linh hoạt hơn và các báo cáo tài chính cung cấp nhiều thông tin đa chiều có giá trị: + Internet vạn vật (IoT): Là mạng kết nối các đồ vật và thiết bị thông qua cảm biến, phần mềm và các công nghệ khác, cho phép các đồ vật và thiết bị thu thập và trao đổi dữ liệu với nhau. IoT sẽ giúp quy trình kế toán được thực hiện theo thời gian thực, giúp dữ liệu kế toán được kết nối với nhau đảm bảo sự chính xác tuyệt đối. + Trí tuệ nhân tạo (AI): Đây là công nghệ mô phỏng các quá trình suy nghĩ và học tập của con người cho máy móc, đặc biệt là hệ thống máy tính. Qua đó, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: Biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi… AI giúp giảm bớt công việc của người làm kế toán nhờ sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo trong việc xử lý các nghiệp vụ, giao dịch kế toán, từ đó nâng cao năng suất lao động trong công tác kế toán. + Dữ liệu lớn (Big Data): Bao gồm tập hợp dữ liệu với kích thước vượt xa khả năng của các công cụ phần mềm thông thường để thu thập, hiển thị, quản lý và xử lý dữ liệu trong một thời gian có thể chấp nhận được. Công nghệ Big Data cho phép lưu trữ không giới hạn tất các các loại dữ liệu số từ nhiều nguồn khác nhau về một trung tâm dữ liệu và cho phép truy nhập, xử lý, trích xuất các thông tin quan trọng từ kho dữ liệu này. Big Data giúp các báo cáo tài chính được tổng hợp, phân tích một các khách quan hơn, cung cấp được nhiều thông tin đa chiều có giá trị hơn cho việc ra quyết định của các chủ thể có liên quan. + Điện toán đám mây (Cloud computing): Là các nguồn điện toán khổng lồ như phần mềm, dịch vụ và các dịch vụ sẽ nằm tại máy chủ ảo (đám mây) trên Internet thay vì trong máy tính gia đình và văn phòng (trên mặt đất) để mọi người kết nối và sử dụng mỗi khi họ cần. Việc sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây sẽ giúp cho việc xây dựng một nền tảng hạ tầng công nghệ hiện đại đơn giản, hiệu quả, tin cậy. Điện toán đám mây giúp công việc kế toán có thể thực hiện ở mọi nơi, đồng thời công tác tổ chức kế toán trong doanh nghiệp cũng trở nên linh hoạt hơn.
  4. Phần 3. KHUNG PHÁP LÝ VÀ NGUỒN NHÂN LỰC THÚC ĐẨY KINH TẾ SỐ 365 + Công nghệ chuỗi khối (Blockchain): Là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Tính năng này đảm bảo không thay đổi hay giả mạo liên quan đến tính “an toàn” cho cả hệ thống. Blockchain giúp công tác kế toán của doanh nghiệp được nhanh chóng và bảo mật hơn. Các yêu cầu đối với kế toán viên trong thời đại chuyển đổi số Một số các công nghệ số có thể được xem là cốt lõi có tác động ít nhiều đến những thay đổi trong việc thực hiện công tác kế toán hiện nay gồm: Làm việc nhóm hiệu quả: Là 1 trong 4 kỹ năng quan trọng hàng đầu đối với kế toán nghề nghiệp. Nhân viên kế toán cần cộng tác, làm việc theo nhóm và thúc đẩy những người khác để đạt được các mục tiêu chung. Nhìn chung, bộ kỹ năng này chưa được phát triển trong kế toán. Truyền đạt thông tin hiệu quả: Các thông tin được tập hợp xử lý từ khối lượng dữ liệu lớn và trình bày rõ ràng bằng cả lời nói và văn bản cho các nhóm đa chức năng, ban quản lý và khách hàng. Một người kế toán cần được đào tạo nhiều cách thức giao tiếp khác nhau qua nhiều kênh và đây cũng là bộ kỹ năng giao tiếp quan trọng đối với các tổ chức kế toán. Học tập suốt đời: Do tác động của công nghệ đối với nghề nghiệp, người làm nghề kế toán phải được rèn luyện ý thức, kỹ năng học tập suốt đời và dự đoán các khả năng định hướng tương lai, liên tục đổi mới cập nhật các kỹ năng nghề nghiệp bám sát nhu cầu thực tiễn, nhằm tạo ra và duy trì lợi thế vị thế của người làm công tác kế toán trên thị trường lao động. Kỹ năng phân tích và lập kế hoạch dự phòng để đưa ra các quyết định: Hơn 3/4 trong số 100 công ty kế toán hàng đầu đã trích dẫn tư duy phản biện là bộ kỹ năng hàng đầu cho nghề kế toán. Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (CNTT): Xu hướng gần đây các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm các kế toán viên có kỹ năng CNTT, bao gồm: năng lực trong Excel, công cụ quản lý quan hệ khách hàng, phần mềm quản lý danh mục đầu tư, phần mềm thông minh kinh doanh và công nghệ dựa trên đám mây. Yêu cầu đối với người làm nghề kế toán cần có khả năng vừa áp dụng vừa giám sát công nghệ tự động hóa công tác quản trị. Ví dụ: Nhận thức học máy là một yêu cầu cơ bản nhưng có thể mở rộng đến phát triển và thử nghiệm các mô hình cũng như các thuật toán kiểm toán. Có năng lực trong lập trình, lập mô hình dữ liệu và quản lý cơ sở dữ liệu, chẳng hạn như sử dụng SQL, R và Python được đánh giá cao. Thu thập, phân tích và quản lý khối lượng dữ liệu lớn cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, đồng thời chuyển đổi nó thành thông tin hữu ích và chính xác là yêu cầu
  5. 366 PROCEEDINGS OF THE INTERNATIONAL CONFERENCE "DIGITAL ECONOMY: POTENTIALS ET CHALLENGES" trọng tâm dành của người làm kế toán. Điều then chốt là người làm nghề kế toán không chỉ có thể sử dụng được dữ liệu, mà còn phải linh hoạt và nhanh nhạy để tích hợp các công cụ công nghệ mới vào quy trình làm việc. Trình độ công nghệ là bộ kỹ năng được mong muốn cao nhất cho các kế toán viên gia nhập ngành nhưng đây cũng là lỗ hổng về kỹ năng chính trong nghề đang gặp phải (ACCA, 2016). Giải quyết vấn đề: Là kỹ năng giúp kế toán có thể dựa trên dữ liệu và công nghệ để đưa ra các giải pháp giải quyết các vấn đề kinh doanh phức tạp và gia tăng giá trị cho doanh nghiệp của khách hàng của họ. Một trong kỹ năng quan trọng nhất của họ là lấp đầy khoảng trống và đưa ra các quyết định đúng đắn về tài chính. Am hiểu về môi trường kinh doanh: Yêu cầu của công việc kế toán là người làm nghề phải hiểu được môi trường kinh doanh và phải dự báo trước về tình hình kinh doanh để có thể nắm bắt và khai thác được các cơ hội mới. Người làm kế toán phải thể hiện được sự nhạy bén trong kinh doanh và am hiểu toàn diện về khách hàng, doanh nghiệp và môi trường mà họ hoạt động. Các chuyên gia kế toán cần có kỹ năng xây dựng mối quan hệ trong công việc, từ khả năng tương tác hiệu quả với khách hàng, đến việc tự chủ và tạo động lực cho các thành viên trong nhóm giờ đây cũng là một phần không thể thiếu đối với vai trò kế toán. Tùy vào lĩnh vực, quy mô tổ chức mà các khả năng cần thiết có thể khác nhau. Giao tiếp, quản lý công việc và xây dựng mối quan hệ là quan trọng nhất đối với các tổ chức nhỏ trong khi sử dụng công nghệ mới nhất ít quan trọng hơn. Nhu cầu tuyển dụng về ngành kế toán luôn đứng ở những vị trí top đầu của các tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, có đến 33% nhu cầu tuyển dụng cho các vị trí chuyên viên kế toán, kiểm toán; 38% cho vị trí kế toán trưởng; 4% kiểm soát viên tài chính và 25% cho vị trí giám đốc và quản lý tài chính. Bên cạnh đó, kế toán là bộ phận không thể thiếu trong các tổ chức, công ty, doanh nghiệp lợi nhuận và phi lợi nhuận. Bất kỳ tổ chức nào muốn hoạt động ổn định thì phải có bộ phận kế toán phối hợp. Chính vì vậy, ngành kế toán thu hút nhiều người theo học vì khả năng tìm việc dễ dàng với mức lương ổn định sau khi ra trường. Các bạn sinh viên có thể tự tin ứng tuyển vào các vị trí mình mong muốn và vận dụng những kiến thức và kinh nghiệm mà mình học được thông qua trường lớp. Trong những năm tới kế toán sẽ sử dụng công nghệ ngày càng thông minh, tinh vi để nâng cao hiệu quả so với cách làm việc truyền thống và các công nghệ này có thể thay thế cách tiếp cận truyền thống. Sự gia tăng ngày càng nhanh của các giải pháp phần mềm kế toán, kiểm toán, các phần mềm kế toán được cải thiện về nhiều mặt, cùng với sự bổ trợ của Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), quy trình kế toán được tự động hóa. Điều này giúp quy trình kế toán đơn giản, chính xác, bảo mật và giảm thiểu thời gian, chi phí, thao tác.
  6. Phần 3. KHUNG PHÁP LÝ VÀ NGUỒN NHÂN LỰC THÚC ĐẨY KINH TẾ SỐ 367 2.2. Cơ hội và thách thức của chuyển đổi số đối với đào tạo kế toán tại Việt Nam 2.2.1. Cơ hội Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ số với các thành tựu gắn với trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Iclound)... thời gian qua công tác đào tạo nhân lực kế toán cũng đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và phù hợp với thời đại công nghệ số. Cụ thể, khung chương trình đào tạo kế toán tại các trường đại học đang có sự thay đổi, điều chỉnh phù hợp, một số cơ sở giáo dục tham khảo các chương trình đào tạo ngành kế toán của các trường đại học tiên tiến trên thế giới; ứng dụng các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình liên kết quốc tế; đưa vào chương trình giảng dạy một số môn học của các tổ chức nghề nghiệp kế toán quốc tế... Công nghệ thông tin và các phương pháp dạy học hiện đại được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động dạy học, đánh giá cũng như hỗ trợ sinh viên ngoài giờ. Các cơ sở đào tạo đã đưa các phần mềm kế toán vào giảng dạy trong chương trình chính khóa; nguồn tài liệu đang được số hóa tạo điều kiện giúp sinh viên tiếp cận dễ dàng và đa dạng hơn. Hiện nay, công nghệ số đã và đang mang lại rất nhiều cơ hội để quá trình đào tạo, giảng dạy kế toán tiếp tục hoàn thiện, cụ thể: Thứ nhất, với xu thế hội nhập và sự phát triển của công nghệ số, các cơ sở đào tạo trong nước có điều kiện tìm hiểu, tiếp cận dễ dàng với nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao trên thế giới, đặc biệt là các chương trình của các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp, từ đó có thể học hỏi và rút kinh nghiệm trong việc xây dựng khung chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra và phù hợp với kế toán quốc tế. Thời kỳ mở cửa, hội nhập và cách mạng công nghệ số đã và đang tác động trực tiếp đến hoạt động kế toán. Cụ thể, công nghệ số tác động đến quy trình, phương pháp, chức năng của hoạt động kế toán để phù hợp với Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Điều đó hình thành nên xu hướng và tương lai của kế toán trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài đáp ứng yêu cầu hội nhập và các chuẩn mực kế toán quốc tế, việc sử dụng thành tựu khoa học công nghệ giúp đẩy nhanh việc hình thành môn học kế toán số (Digital Accounting), tự động hóa quy trình, đổi mới phương pháp và tạo nhận thức mới về chức năng kế toán. Với hàng loạt công nghệ như vậy, các trường đại học và cơ sở đào tạo có nhiều cơ hội để nghiên cứu thay đổi căn bản cách tiếp cận, nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo. Mục tiêu đào tạo hướng đến sản phẩm đầu ra là các chuyên gia kế toán có kiến thức toàn diện về tài chính, kế toán cũng như các kỹ năng sáng tạo, tổng hợp, phân tích, quản trị dữ liệu kinh doanh và thích ứng với sự thay đổi. Ngoài ra, công nghệ số đã giúp sự hợp tác và liên kết giữa các trường diễn ra dễ dàng, thuận lợi hơn, không giới hạn không gian địa lý thông qua hệ thống hội thảo hội nghị trực tuyến hoặc các chương trình trao đổi sinh viên; Các chương trình đào tạo liên kết giữa các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước đang ngày càng phổ biến và thu hút một số lượng sinh viên lớn; các dự án hợp tác về đào tạo, khoa học công nghệ cũng ngày càng phát triển tạo cơ hội trao đổi, học tập lẫn nhau. Bên cạnh
  7. 368 PROCEEDINGS OF THE INTERNATIONAL CONFERENCE "DIGITAL ECONOMY: POTENTIALS ET CHALLENGES" đó, các cơ sở đào tạo đang đa dạng hóa các loại hình đào tạo, ngoài các lớp truyền thống còn mở thêm các hình thức đào tạo hiện đại như E-learning, Mobile-learning, đào tạo từ xa… tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên và sinh viên. Thứ hai, với nguồn tài liệu giảng dạy ngày càng đa dạng, phong phú nhờ sự kết nối Internet đã giúp giảng viên tìm tòi và tiếp cận nhiều nguồn tài liệu số hóa, phục vụ tốt hơn trong việc xây dựng bài giảng cá nhân. Từ đây giảng viên sẽ có cái nhìn phong phú hơn, tham khảo nhiều hướng tiếp cận mới nhằm cập nhật và nâng cao chất lượng bài giảng. Bên cạnh đó, với các phần mềm dạy học mới giúp giảng viên có nhiều lựa chọn các phương tiện kỹ thuật phù hợp với đặc thù môn học, có thể học hỏi, áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại bên cạnh các phương pháp truyền thống. Hơn thế nữa công nghệ số sẽ giúp giảng viên kết nối, giao lưu học hỏi lẫn nhau thông qua việc tham gia các hội nghị, hội thảo trực tuyến, từ đó có cơ hội xúc tiến các hoạt động nghiên cứu hay hợp tác cùng nhau. Thời đại công nghệ số cũng giúp giảng viên dễ dàng tham gia các khóa học online như các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng mềm, đổi mới phương pháp giảng dạy… từ đó nâng cao chất lượng bài giảng cũng như lựa chọn được phương pháp giảng dạy phù hợp và tiên tiến. Thứ ba, nhờ các ứng dụng công nghệ thông tin, sinh viên kế toán có cơ hội tương tác nhiều hơn với giảng viên, ngoài giờ lên lớp, giảng viên và sinh viên có thể trao đổi và làm việc với nhau thông qua các hình thức trực tuyến khác như Elearning, emai, mạng xã hội… Đồng thời, ở thời đại công nghệ số, với nguồn tài liệu mở sinh viên có thể tự học, tự nghiên cứu mọi lúc, mọi nơi. Nếu giáo dục truyền thống, sinh viên tiếp nhận kiến thức chủ yếu từ sách vở, giáo trình và ngồi nghe giáo viên giảng trên lớp thì hiện nay với nguồn kiến thức đa dạng được cung cấp trực tuyến qua kết nối internet, chúng ta có thể tìm thấy hàng triệu kết quả tra cứu sau một cú click chuột. Từ đó, các em chọn lọc các nguồn thông tin và tự tìm tòi kiến thức thông qua sách điện tử, thư viện online, từ điển trực tuyến, các nền tảng tìm kiếm thông tin, các trò chơi kỹ thuật số về lĩnh vực giáo dục… Hơn thế nữa, công nghệ số cũng tạo điều kiện cho sinh viên dễ dàng tham gia các khóa học online hay chương trình đào tạo từ xa, tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí cho sinh viên, đồng thời giúp các em có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn tri thức chất lượng hơn. Ngoài ra, chuyển đổi số giúp tự động hóa xử lý và báo cáo để kịp thời đề xuất quyết sách phù hợp. Chính vì vậy, MISA đã phát triển phần mềm AMIS kế toán online nhằm hỗ trợ giảng viên và sinh viên học ngành kế toán trong bối cảnh giảng dạy từ xa, đáp ứng nhu cầu làm việc, học tập mọi lúc mọi nơi. Ngoài ra, với AMIS kế toán, sinh viên và học viên sẽ có cơ hội được tiếp cận với giải pháp chuyển đổi số không chỉ với lĩnh vực kế toán mà còn cả trong các khâu quản trị DN - lợi thế của công việc thực tế sau này. 2.2.2. Thách thức Tuy vậy, chuyển đổi số cũng mang lại không ít thách thức trong việc đào tạo, giảng dạy kế toán hiện nay cho cả các cơ sở đào tạo, giảng viên và sinh viên.
  8. Phần 3. KHUNG PHÁP LÝ VÀ NGUỒN NHÂN LỰC THÚC ĐẨY KINH TẾ SỐ 369 Đối với cơ sở đào tạo: Thời đại công nghệ số đang đòi hỏi nguồn nhân lực kế toán có trình độ cao, không chỉ về trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà cả ngoại ngữ, tin học, tư duy, kỹ năng… Điều này là một áp lực rất lớn cho các cơ sở đào tạo, đòi hỏi cần có sự đầu tư thích đáng để thay đổi chương trình đào tạo phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn lực giảng viên, đầu tư cho nguồn tài liệu số, mua sắm trang thiết bị dạy học, các phần mềm kế toán… Bên cạnh đó, công nghệ số giúp sinh viên có nhiều lựa chọn các trường đại học, các chương trình đào tạo, đặc biệt là những chương trình từ xa hoặc chương trình liên kết. Vì vậy nó tạo ra một sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các cơ sở đào tạo và các ngành học đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải có nhiều chính sách thích hợp nhằm thu hút sinh viên. Đối với giảng viên: Hiện nay, với nhiều nguồn tài liệu online, nhiều công cụ hỗ trợ sinh viên, đòi hỏi giảng viên phải thường xuyên cập nhật các phương pháp dạy học hiện đại để tránh sự nhàm chán trong quá trình dạy và học. Giảng viên cũng cần dành nhiều thời gian học hỏi các công cụ hỗ trợ dạy học mới và thay đổi liên tục để có thể ứng dụng chúng vào quá trình giảng dạy, đánh giá một cách hiệu quả. Đối với các giảng viên không còn trẻ đây thực sự là một khó khăn rất lớn. Bên cạnh đó, với việc khung chương trình đào tạo thay đổi theo hướng gia tăng số tiết thực hành, thực tế và giảm bớt số tiết giảng lý thuyết, giảng viên cần có sự điều chỉnh, phân bố lại lịch trình giảng dạy hợp lý và logic. Đối với sinh viên: Với sự bùng nổ của công nghệ số, chương trình đào tạo và phương pháp dạy học có nhiều sự thay đổi, do đó sinh viên phải tự chủ động trong quá trình học và tìm tòi tài liệu. Điều này là một khó khăn lớn đối với sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm nhất khi các em chưa quen với cách học trong môi trường đại học. Bên cạnh đó, với thời đại công nghệ số các em không chỉ học chuyên môn nghiệp vụ mà phải học các kỹ năng, tư duy, ngoại ngữ, tin học… điều này đôi khi sẽ tạo áp lực học tập lên các em. 2.3. Các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo kế toán trong thời đại công nghệ số tại Việt Nam Để việc đào tạo, giảng dạy kế toán mang lại hiệu quả cao nhất nhằm tạo ra nguồn nhân lực kế toán có chất lượng cao phù hợp với bối cảnh bùng nổ công nghệ số, chúng ta cần xem xét và chú trọng một số giải pháp sau: Về phía cơ sở đào tạo: Cần tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo cả về nội dung, phương pháp giảng dạy và giáo trình tài liệu theo hướng giao thoa với kế toán quốc tế và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Cơ sở đào tạo cần chú trọng xây dựng, rà soát lại chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới và phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội. Bên cạnh các học phần chuyên môn nghiệp vụ, cần tăng cường hơn nữa thời gian đi thực tế tại doanh nghiệp cho sinh viên, chú trọng phát triển kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, tin học, tăng thời lượng đào tạo các học phần có tính ứng dụng công nghệ như hệ thống
  9. 370 PROCEEDINGS OF THE INTERNATIONAL CONFERENCE "DIGITAL ECONOMY: POTENTIALS ET CHALLENGES" thông tin kế toán, kế toán máy để sinh viên có thể làm quen với công tác kế toán thực tế ngay từ khi còn trên giảng đường. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo cần phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp nhằm đưa vào chương trình đào tạo những nội dung có tính ứng dụng chuyên nghiệp, tổ chức các khóa học phù hợp với những nội dung mới như mã hóa, quản lý thông tin ở những nền tảng chia sẻ được như điện toán đám mây, đồng thời kết hợp với các doanh nghiệp tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp về lao động trong lĩnh vực kế toán để đưa ra các dự báo nhu cầu, các vị trí công việc hiện tại và tương lai, những kiến thức, kỹ năng doanh nghiệp mong muốn ở sinh viên kế toán… để từ đó xây dựng chương trình đào tạo phù hợp đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp sử dụng lao động. Phát triển nội dung đào tạo giúp sinh viên sau khi ra trường thích ứng kịp thời với thời đại công nghệ số. Ngoài giảng dạy kiến thức chuyên môn, cần tập trung đào tạo các kỹ năng cần thiết như: kỹ năng giao tiếp hiệu quả; làm việc ở nhiều nhóm khác nhau; kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề trên cơ sở tôn trọng đạo đức nghề nghiệp. Phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đào tạo thạc sỹ chuyên ngành được học tập tối thiểu 30% thời lượng trong môi trường số. Đồng thời cần chú trọng lựa chọn giáo trình, tài liệu giảng dạy các học phần liên quan đến kiến thức về kế toán - kiểm toán, các kỹ năng về sử dụng công nghệ và kỹ năng mềm cho người học. Việc rà soát, biên soạn và lựa chọn các giáo trình, tài liệu giảng dạy phù hợp là vấn đề then chốt của sự thành công của chương trình đào tạo. Công việc này cần được thực hiện thường xuyên hoặc định kỳ hàng năm, qua đó mỗi tổ chức có thể xác định được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ mà đơn vị mình đang đối diện khi triển khai giảng dạy các học phần này, qua đó có thể đưa ra các phương án triển khai và lựa chọn các chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp. Chú trọng đầu tư công nghệ giúp sinh viên có thể thực hành để có kinh nghiệm thực tế trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số. Các cơ sở đào tạo cần có sự đầu tư hợp lý trong việc mua các phần mềm kế toán, xây dựng phòng kế toán mô phỏng… để giúp sinh viên có thể thực hành trong quá trình học. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống học liệu mở, thư viện điện tử… để giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận nguồn tài liệu phong phú, dễ dàng hơn. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên bằng cách tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên tham gia các khóa học bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy… Khuyến khích giảng viên tham gia các hội thảo, hội nghị quốc tế, đồng thời có chính sách khen thưởng và động viên giảng viên có nhiều đổi mới trong công tác giảng dạy trên cơ sở lấy sinh viên làm trung tâm và ứng dụng công nghệ trong việc thiết kế bài giảng, giảng dạy qua hình ảnh, qua các mini game, tạo các case study, cho làm bài tập nhóm… Tăng cường các hoạt động ngoại khoá để phát triển nghề nghiệp cho sinh viên. Các trường cần tăng cường mời các chuyên gia kế toán từ các hiệp hội nghề nghiệp hoặc kế toán các doanh nghiệp đến nói chuyện chuyên đề với sinh viên. Điều này giúp sinh viên
  10. Phần 3. KHUNG PHÁP LÝ VÀ NGUỒN NHÂN LỰC THÚC ĐẨY KINH TẾ SỐ 371 được tiếp cận sớm với nghề nghiệp tương lai, từ đó có sự chuẩn bị và định hướng tốt hơn. Ngoài ra, các trường cần tăng cường giảng dạy ngoại ngữ và ngoại ngữ chuyên ngành để sinh viên có thể chuyển đổi sang bằng cấp quốc tế dễ dàng hơn. Phát triển hình thức đào tạo trực tuyến, xây dựng hệ thống học liệu mở, thư viện điện tử, các chương trình E-learning, Mobile-learning, đào tạo từ xa nhằm tạo điều kiện cho sinh viên xa trường hoặc hệ vừa học vừa làm. Đồng thời cần ưu tiên phát triển công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cho người học. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu công nghệ, phương tiện dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý đào tạo. Tổ chức các hội nghị, hội thảo về ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Chuyển đổi số giáo dục là 1 trong 8 điểm trọng tâm trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời cũng là tất yếu trong bối cảnh hiện tại. Trong bối cảnh hiện nay, việc các nhà trường, trung tâm đào tạo kế toán, kiểm toán tiên phong chuyển đổi số là điều rất quan trọng góp phần xây dựng những thế hệ tương lai, giúp xã hội ngày càng phát triển. Đào tạo thực hành kế toán tại các cơ sở đào tạo cần áp dụng phương pháp “đi học như đi làm” các bạn sinh viên sẽ được thực hành làm toàn bộ công việc của một kế toán tổng hợp, kế toán thực tế như: • Thực hành xử lý các hóa đơn GTGT trước khi kê khai và hạch toán. • Thực hành hạch toán toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh như: mua hàng hóa, dịch vụ, NVL, CCDC, TSCĐ… • Thực hành nhập liệu và lên sổ sách trên Excel và Misa như: số NKC, bảng tổng hợp, các số chi tiết,… • Thực hành tính thuế và kế khai các loại thuế như: GTGT, TNCN, TNDN,… trên các phần mềm HTKK mới nhất. • Thực hành tính lương, tính khấu hao TSCĐ. • Thực hành làm các bút toán kết chuyển cuối kỳ. • Thực hành lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế hàng năm. Về phía các giảng viên giảng dạy: Cần nhận thức rõ trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số, bản thân giảng viên phải thay đổi về hướng tiếp cận, phương pháp giảng dạy, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và đánh giá; không ngừng học hỏi và áp dụng những phương pháp và công cụ giảng dạy hiện đại, sử dụng linh hoạt chúng để hỗ trợ cho phương pháp giảng dạy truyền thống. Đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học và nâng cao trình độ ngoại ngữ.
  11. 372 PROCEEDINGS OF THE INTERNATIONAL CONFERENCE "DIGITAL ECONOMY: POTENTIALS ET CHALLENGES" Áp dụng các phương pháp giảng dạy linh hoạt, trong đó tận dụng tối đa các công cụ hỗ trợ giảng dạy và các phần mềm mới, đồng thời cần có sự liên hệ với thực tế công tác kế toán tại doanh nghiệp giúp sinh viên hiểu hơn về nghề nghiệp tương lai của mình. Ngoài ra, giảng viên luôn cần rèn luyện các năng lực truyền đạt; truyền cảm hứng, năng lực không ngừng học tập và phát triển bản thân; năng lực sử dụng các thiết bị, phương tiện hiện đại trong giảng dạy. Chuyển từ phương pháp giảng dạy truyền thống sang ứng dụng phương pháp giảng dạy tích cực; phát triển theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm. Tham gia các khóa học, khóa bồi dưỡng ngắn hạn về kế toán quốc tế, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, các buổi hội nghị hội thảo về phương pháp đổi mới trong giảng dạy… nhằm không ngừng hoàn thiện bản thân, bài giảng phù hợp với bối cảnh phát triển công nghệ số. Các cơ sở đào tạo có thể chủ động mời những chuyên gia chủ động triển khai nhiều chương trình nghiên cứu và các hoạt động thực tế nhằm gắn chuyển đổi số với đào tạo. Trọng tâm đổi mới hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học hướng đến chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán để sinh viên khi ra trường có thể linh hoạt hơn, kịp thích ứng được với thời đại công nghệ số. Về phía người học: Bản thân người học phải nỗ lực không ngừng, rèn luyện kỹ năng tự học, chủ động nâng cao trình độ tin học để có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình học tập và làm việc sau này; rèn luyện các kỹ năng mềm như giao tiếp, lập kế hoạch, làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện bên cạnh việc trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ. Có ý thực tự tìm hiểu và thực hành các phần mềm kế toán để tự trang bị cho mình kỹ năng làm việc trên các phần mềm kế toán hiện đại. Đồng thời, trau dồi trình độ ngoại ngữ để có khả năng tiếp cận với những tài liệu mới nhất về kế toán quốc tế. Để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong xu hướng hội nhập hiện nay, các trường cần xây dựng các chương trình đào tạo kèm theo rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên. Người học cần trau dồi các kỹ năng như kỹ năng tư duy, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tưởng tượng và sáng tạo. Đây là những kỹ năng cần thiết để sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tốt cả trong nước và đủ điều kiện làm việc ở nước ngoài 3. KẾT LUẬN Thời đại công nghệ số là một xu hướng tất yếu trong điều kiện hiện nay. Trong kỷ nguyên số, chúng ta sẽ còn tiếp tục chứng kiến những chuyển đổi số mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có kế toán - kiểm toán. Công nghệ số tác động đến rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó lĩnh vực kế toán là một trong những lĩnh vực đi
  12. Phần 3. KHUNG PHÁP LÝ VÀ NGUỒN NHÂN LỰC THÚC ĐẨY KINH TẾ SỐ 373 đầu và chịu tác động mạnh mẽ. Với sự tham gia hỗ trợ của máy tính, các thiết bị và phần mềm công nghệ, công việc của kế toán kiểm toán sẽ được giảm nhẹ nhiều. Tuy nhiên, dù công nghệ có hiện đại đến đâu thì vai trò của các kế toán cũng rất quan trọng và không máy móc nào thay thế được. Kế toán viên tốt sẽ kiểm soát và cung cấp thông tin đầy đủ, đúng đắn, thông thạo các công cụ hỗ trợ để kiểm soát dòng dữ liệu và luôn nắm giữ thế chủ động. Chuyển đổi số đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho các cơ sở đào tạo mở rộng quy mô, hình thức đào tạo, giảng viên tiếp cận với các phương pháp mới và sinh viên có nguồn học liệu dồi dào, phong phú… Tuy vậy sự bùng nổ công nghệ số cũng mang lại không ít thách thức đòi hỏi cả cơ sở đào tạo lẫn giảng viên, sinh viên cần có sự đầu tư thích đáng cả về nhận thức, phương pháp, trang thiết bị… nhằm giúp công tác đào tạo, giảng dạy kế toán mang lại hiệu quả cao nhất để tạo ra nguồn nhân lực kế toán chất lượng cao thích ứng với thời đại công nghệ số. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. ACCA (2016). Professional Accountants-The Future: Drivers of Change and Future Skills. London, UK: ACCA. 2. Đoàn Xuân Tiên (2021), “Xu hướng phát triển công nghệ số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – những tác động, thách thức và cơ hội đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán”, Tạp chí Kế toán và kiểm toán, 11/2021. 3. Kane, G. C., Palmer, D., Phillips, A. N., Kiron, D., & Buckley, N. (2015). Strategy, nottechnology, drives digital transformation. MIT Sloan Management Review and Deloitte University Press, 14(1-25). 4. Nguyễn Thị Hoàn (2022), “Giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong đào tạo và hành nghề kế toán tại Việt Nam”, Tạp chí Công thương, 5/2022 5. Trần Thị Hồng Huệ, Nguyễn Thị Hồng Duyên (2021), “Công tác đào tạo kế toán, kiểm toán trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29 năm 2021. 6. Trương Thanh Hằng, Nguyễn Thị Nga (2020), “Đổi mới phương pháp giảng dạy kế toán, kiểm toán trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0”, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia Đại học Công nghiệp Hà Nội, 12/2020. 7. Vũ Thị Diệp (2021), “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và giảng dạy môn Kế toán – Kiểm toán đáp ứng nhu cầu hội nhập kỷ nguyên công nghệ số”, Tạp chí Công thương 5/2022.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
20=>2