34 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
CƯ DÂN VƯƠNG QUỐC PHÙ NAM TỪ GÓC<br />
NHÌN KHẢO CỔ HỌC VÀ THƯ TỊCH CỔ TRUNG HOA<br />
<br />
Nguyễn Thị Song Thương<br />
Trường Đại học Đồng Tháp<br />
<br />
Tóm tắt: Các kết quả nghiên cứu khảo cổ học, nhân chủng học cũng như thư tịch cổ về cư<br />
dân của nền văn hóa Óc Eo đã chỉ ra rằng, cổ xưa đã có nhiều nhóm tộc người khác<br />
nhau cùng sinh sống trong vương quốc Phù Nam ở vùng Tây Nam Bộ. Trong đó, nhóm<br />
người Indonesien là nhóm đầu tiên trực tiếp mở đất, lập nghiệp, tiếp xúc và cộng cư với<br />
các nhóm khác để tạo nên cộng đồng cư dân Óc Eo, nền văn hóa Óc Eo đa dạng, hòa<br />
hợp, cùng phát triển.<br />
Từ khóa: Cư dân Óc Eo, Tây Nam Bộ<br />
<br />
Nhận bài ngày 08.5.2019; gửi phản biện, chỉnh sửa và duyệt đăng ngày 15.6.2019<br />
Liên hệ tác giả: Nguyễn Thị Song Thương; Email: hnvanthao@gmail.com<br />
<br />
<br />
<br />
1. MỞ ĐẦU<br />
Cùng với văn hóa Đông Sơn ở Bắc Bộ, văn hóa Sa Huỳnh ở Trung Bộ, văn hóa Óc Eo<br />
ở đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nam Bộ là một trong ba nền văn hóa lâu đời cấu<br />
thành văn hóa Việt. Tồn tại suốt 5 thế kỉ (từ thế kỉ II đến cuối thế kỉ VI) và gắn liền với sự<br />
hình thành, phát triển của vương quốc Phù Nam, văn hóa Óc Eo chứa đựng nhiều bí ẩn cần<br />
khám phá về một nền văn hóa đa dạng, có sự hội tụ, giao thoa, cùng phát triển của nhiều<br />
tộc người. Các dấu tích, di chỉ văn hóa còn lại của nền văn hóa Óc Eo, của vương quốc Phù<br />
Nam khá rõ ràng, nhưng việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi chủ nhân thực sự của vương<br />
quốc Phù Nam, của văn hóa Óc Eo đặc sắc này là ai lại không đơn giản. Bài viết này phần<br />
nào hé ngỏ câu trả lời khả dĩ thỏa đáng từ các kết quả khảo cổ học và nhân chủng học mới<br />
nhất gần đây.<br />
<br />
2. NỘI DUNG<br />
Vương quốc Phù Nam cổ xưa bao trùm toàn bộ vùng hạ lưu châu thổ sông Cửu Long,<br />
về phía Đông kiểm soát cả vùng đất phía Nam Trung bộ (Việt Nam), về phía Tây kiểm<br />
soát thung lũng sông Mê Nam (Thái Lan), về phía Nam kiểm soát phía Bắc bán đảo<br />
Malaysia. Cái tên Phù Nam (FOUNAN) là do người Trung Quốc đặt, chỉ một bộ tộc/đế chế<br />
ở phía Nam gồm 10 thuộc quốc, đã có sự qua lại, triều cống từ rất sớm, trước cả vương<br />
TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 32/2019 35<br />
<br />
quốc Chân Lạp. Thế kỉ II đến cuối thế kỉ VI, vương quốc Phù Nam phát triển mạnh mẽ và<br />
hưng thịnh nhờ sự mở rộng buôn bán, giao thương hàng hải. Đến thế kỉ VII, Phù Nam suy<br />
yếu, bị người Chân Lạp thôn tính và chia tách thành hai vùng: Lục Chân Lạp và Thủy<br />
Chân Lạp (vùng Tây Nam bộ hiện nay). Đến thế kỉ XVII, chúa Nguyễn Hoàng mở rộng bờ<br />
cõi, tiêu diệt Chiêm Thành và Chân Lạp, thu phục vùng đất này. Như thế, xét cả từ khía<br />
cạnh truyền thuyết lẫn các cứ liệu lịch sử còn lưu giữ được thì sự hình thành và phát triển<br />
của vương quốc Phù Nam là có thật và văn hóa Óc Eo (lấy theo tên gọi địa điểm gò Óc Eo,<br />
thuộc xã Vọng Khê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang - nơi nhà khảo cổ học người Pháp<br />
Louis Malleret khai quật được các di vật đầu tiên, năm 1944) là sản phẩm của cư dân<br />
vương quốc Phù Nam.<br />
Nghiên cứu thành phần cư dân Phù Nam để xác định tộc người nào sinh sống đầu tiên<br />
ở vùng đất này và tạo lập dấu tích, định hình bản sắc văn hóa Óc Eo hiện gặp khá nhiều<br />
khó khăn do tư liệu, bằng chứng khảo cổ học còn ít, chưa đầy đủ. Tuy vậy, trong các đợt<br />
khai quật những di chỉ thuộc giai đoạn tiền Óc Eo ở vùng Nam Bộ, các nhà khảo cổ học đã<br />
phát hiện một số mộ huyệt đất. Đây có thể coi là nguồn tư liệu xác thực nhất, để xác định<br />
lớp người đầu tiên sinh sống ở vùng Nam Bộ Việt Nam ngày nay.<br />
Tại di tích An Sơn (có niên đại 382070 BP và 277550 BP) vào những năm 1978,<br />
2004, 2007, 2009, các nhà khảo cổ học đã phát hiện 35 mộ táng và nhiều di cốt nằm rải rác<br />
trong các hố khai quật. Qua giám định về cổ nhân học cho biết, những di cốt này thuộc<br />
nhiều lứa tuổi (từ trẻ nhỏ 2 - 3 tuổi đến người lớn trên 50 tuổi), giới tính khác nhau (có<br />
nam, có nữ) và đều thuộc giống người có tên khoa học là Indonesien [1]. Như vậy, từ<br />
những phát hiện trên, có thể xác định, người Indonesien chính là lớp người đầu tiên mở<br />
đất, lập nghiệp ở vùng đất này. Đặc biệt, các di cốt người phát hiện trong cuộc khai quật tại<br />
An Sơn năm 2009 đã được phân tích bằng nhiều phương pháp khác nhau. Kết quả cho thấy<br />
có 3 người trưởng thành (1 nữ 40-49 tuổi, 1 nữ 20-29 tuổi, 1 nam 30-39 tuổi), 3 trẻ em từ<br />
1-4 tuổi và 1 thiếu niên từ 10-14 tuổi. Việc phân tích nhân chủng cũng đi đến nhận định<br />
rằng trong khi người An Sơn có các chỉ số răng gần gũi với răng của cư dân Jomon và Hoà<br />
Bình thời kỳ Holocene, các số đo sọ cũng cho thấy sự gần gũi với cư dân Đông Sơn thời kỳ<br />
đồ Đồng, người Việt và những người Đông Á hiện đại [5, tr.165]. Điều đó cho thấy, cư dân<br />
ở An Sơn có thể đã bảo lưu một số đặc điểm gien của các nhóm cư dân bản địa Đông Nam<br />
Á sớm hơn, nhưng cũng xuất phát từ một quá trình di cư từ các khu vực khác của Đông Á.<br />
Tại địa điểm Giồng Phệt (Thành phố Hồ Chí Minh), trong đợt khai quật tháng 2 năm<br />
1993 đã phát hiện 59 mộ chum. Vào tháng 4 năm 1993, các nhà khảo cổ tiếp tục phát hiện<br />
5 mộ táng và 1 mộ vò, tuy nhiên, các di cốt không còn nguyên vẹn. Đến cuối năm 1993,<br />
cũng tại địa điểm này, các nhà khảo cổ học tiếp tục phát hiện 3 mộ đất và 3 mộ chum.<br />
Trong đó, có một bộ di cốt có hộp sọ còn tương đối nguyên vẹn, được xác định giới tính<br />
nam, khoảng 50-60 tuổi, có quan hệ gần gũi với sọ của người Mongoloid, cư dân Đông<br />
Sơn (nhóm loại hình Đông Nam Á).<br />
36 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI<br />
<br />
Tại địa điểm Giồng Cá Vồ, các cuộc khai quật trong các năm 1993, 1994 và 1997 đã<br />
phát hiện 359 mộ chum và mộ đất, trong đó 24 sọ (13 sọ nam và 11 sọ nữ) đã được<br />
Nguyễn Lân Cường đưa đi nghiên cứu. Tuy nhiên, chỉ 6 sọ có đủ yếu tố xác định nhân<br />
chủng, trong đó có 5 sọ nữ khá gần với những sọ nữ thuộc nhóm loại hình Đông Nam Á<br />
của văn hóa Đông Sơn có đặc trưng của chủng tộc Mongoloid Nam Á [2, tr.187].<br />
Tại địa điểm Lộc Giang (Long An) đã phát hiện một hộp sọ của phụ nữ khoảng 30-35<br />
tuổi trong tầng văn hóa Óc Eo. Tuy không còn nguyên vẹn, song nhà nghiên cứu Nguyễn<br />
Lân Cường cho rằng sọ có một số nét của người Mongoloid [2, tr.185].<br />
Tại khu vực Gò Rạch Rừng, huyện Mộc Hoá, Long An, người dân đã phát hiện 8 bộ<br />
xương cốt cùng với một số đồ trang sức bằng đá, mảnh gốm, xương động vật. Trong đó, có<br />
3 sọ có thể nghiên cứu được: 1 sọ của một người phụ nữ khoảng 25 tuổi, cao 1,54m; 1 sọ<br />
của một người nam giới khoảng 60 tuổi, cao 1,65m; 1 sọ của một người phụ nữ khoảng 65<br />
tuổi, cao 1,57m; Nguyễn Quang Quyền cho rằng họ thuộc loại hình “thượng cổ” gần giống<br />
với Melanesien. Tuy nhiên, Nguyễn Lân Cường có các số đo hơi khác và cho rằng đây<br />
chính là những người Indonesien cổ.<br />
Năm 1997 tại địa điểm Gò Ô Chùa, các nhà khảo cổ học đã phát hiện 2 di cốt (trong số 12<br />
di cốt), được xác định là của một cá thể nam khoảng 40 tuổi, cao 1,67m và một cá thể nam<br />
khác khoảng 18-20 tuổi, cao 1,63m. Sọ của hai cá thể này gần nhất với sọ người Việt [2, tr.182].<br />
Tại di tích Cạnh Đền (Trăm Phố), Malleret phát hiện 7 sọ người và được xác định là<br />
thuộc thời đại Đồng - Đá, cách ngày nay 4000 năm. Theo E. Genet Varcin, đây là những sọ<br />
của người Indonesien. Hai sọ và một số xương cốt do các nhà khảo cổ học Việt Nam phát<br />
hiện sau này, cũng trong khu vực phát hiện được nhóm di cốt nói trên, được Nguyễn<br />
Quang Quyền cho là có các đặc điểm của người Thượng (Indonesien), với nhiều đặc điểm<br />
của đại chủng Australoid [3, tr.247-250].<br />
Tại di tích Gò Tháp, các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện một số di cốt người cổ.<br />
Trong đó, sọ kí hiệu ĐT.84.TS.X.03 có dáng rất giống sọ Cạnh Đền (sọ Thnal Mroy<br />
24.359, nữ 30 tuổi). Lê Trung Khá cho rằng, sọ ở Gò Tháp và Cạnh Đền thuộc cùng thời kì<br />
văn hóa Óc Eo hay sớm muộn hơn đôi chút, có nhiều nét tương tự sọ nữ cổ ở An Sơn và<br />
Samrongsen và mang đặc điểm của người Thượng, nhóm người được xếp vào tiểu chủng<br />
hay loại hình nhân chủng Indonesien. Di duệ của lớp người này hiện nay vẫn còn ở Đông<br />
Nam Á lục địa và hải đảo [3, tr.247-250].<br />
Một sọ cổ (OE84.TS.X01) của cá thể nam, khoảng 30 tuổi phát hiện ở Lung Lớn cũng<br />
có dáng dấp giống sọ Gò Tháp nhưng kích thước lớn và thô hơn. Kết quả nghiên cứu cho<br />
thấy sọ có thể có cùng niên đại với sọ Gò Tháp và Cạnh Đền, thuộc chủng Indonesian [3,<br />
tr.247-250].<br />
Tại di tích Nhơn Thành (Cần Thơ), phát hiện 1 sọ nam khoảng 55-60 tuổi và 2 sọ trẻ<br />
em khoảng 8-11 tuổi, được Nguyễn Quang Quyền xác định thuộc loại hình Thượng hoặc<br />
Việt. Cũng tại di tích này, 2 sọ khác của một nam và một nữ, đều ở độ tuổi 60 được<br />
Nguyễn Lân Cường và Nguyễn Kim Thuỷ xác định thuộc nhóm người Việt.<br />
TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 32/2019 37<br />
<br />
Tại địa điểm Gò Cây Tung (An Giang), trong các cuộc khai quật năm 1993-1994 đã<br />
phát hiện 19 ngôi mộ và có tới 23 cá thể, có niên đại khoảng thế kỉ 6-5 TCN đến 4-5 SCN.<br />
Các di cốt đã được xác định gồm 7 nữ, 9 nam và 7 cá thể không xác định, hầu hết các cá<br />
thể ở độ tuổi 20-50, 1 cá thể gần 70 tuổi. Các sọ thuộc loại ngắn, mặt thuộc loại rộng trung<br />
bình, nghiêng về hẹp ở nữ và rộng ở nam, được cho là gần gũi với sọ của cư dân Thái Lan,<br />
Việt và cư dân Đông Sơn cổ (nhóm loại hình Đông Nam Á), khác biệt hẳn với người<br />
Thượng và người Khmer [2, tr.188-189].<br />
Như vậy, từ các nghiên cứu nhân chủng, chủ yếu phát hiện trong các di tích tiền Óc Eo<br />
và Óc Eo sớm, có thể thấy sự có mặt của nhiều nhóm tộc người khác nhau trên vùng đất<br />
Nam Bộ. Trong đó, các nhà nghiên cứu nhân chủng cho rằng, nét nổi bật của cư dân cổ ở<br />
vùng Nam Bộ là những người Mongoloid gần gũi với người Việt, nhóm loại hình Đông<br />
Nam Á của người Đông Sơn.<br />
Khi nói về chủ nhân của nền văn hóa Óc Eo, thư tịch cổ Trung Hoa cho biết người Phù<br />
Nam có nước da đen, tóc quăn, mặt tròn, mũi ngắn. Nam sử và Thông chí cũng mô tả<br />
người Phù Nam nước da đen, xấu, búi tóc (có lẽ là chỉ phụ nữ, như Lương thư cũng nói<br />
đến), vẽ mình, ở trần, đi chân đất. Những mô tả này cho thấy những phong tục gần gũi với<br />
các nhóm cư dân vùng Tây Nguyên (người Thượng), theo chế độ mẫu hệ, vốn là hậu duệ<br />
của lớp cư dân bản địa có nguồn gốc từ sự kết hợp giữa các tộc người nói tiếng Nam Đảo<br />
với các tộc người nói tiếng Môn - Khmer [4, tr.50-55].<br />
Ngoài ra, qua các ghi chép của sứ thần Trung Hoa, truyền thuyết và bia kí, có thể thấy<br />
rằng từ khoảng đầu Công nguyên người Ấn Độ đã có mặt trên vùng đất này. Điều này<br />
được thể hiện trước hết qua cuộc hôn nhân của thủ lĩnh địa phương (Liễu Diệp) với giới<br />
quý tộc người Ấn Độ (Hỗn Điền). Những dấu tích sớm của các ngôi nhà lợp ngói kiểu Ấn<br />
Độ, các loại đồ gốm cao cấp có bề mặt miết bóng màu vàng bò (buff ware) kiểu Ấn phủ<br />
thành lớp dày trong hố khai quật tại gò Tư Trâm cho thấy ở đây có thể đã có những kiều<br />
dân Ấn hoặc ít nhất là những người mang hai dòng máu Ấn và bản địa. Từ những đồ trang<br />
sức và một số bản điêu khắc thể hiện sâu đậm đặc trưng Ấn Độ, có thể cho rằng đã có các<br />
nhóm thợ thủ công người Ấn cư trú trong vùng. Các giáo sĩ và nhà sư người Ấn không chỉ<br />
theo các con tàu đi truyền giáo, mà còn định cư một số nơi trong vùng Đông Nam Á, trong<br />
đó có vùng đất Nam Bộ. Họ đặc biệt được coi trọng trong đế chế Phù Nam. Vào năm 484,<br />
vua Jayavarman (Đồ Gia Bạt Ma) còn cử nhà sư Na Gia Tiên (Nagasena) sang sứ Trung<br />
Quốc. Từ các nguồn tư liệu trên, không thể phủ nhận rằng có một số lượng cư dân gốc Ấn<br />
đáng kể trong thành phần dân cư nơi đây. Đồng thời, qua các tác phẩm thể hiện tính chất<br />
tôn giáo, những tượng đất nung nhỏ hoặc các hình nhân phát hiện ở Óc Eo (An Giang),<br />
Nhơn Thành (Cần Thơ), Gò Tháp (Đồng Tháp), có thể thấy dấu hiệu về sự hiện diện của<br />
các nhóm cư dân ngoại lai từ Trung Hoa và các khu vực khác. Các điêu khắc tôn giáo cũng<br />
đã phản ánh phần nào thành phần dân cư trong cộng đồng Óc Eo. Điều này được thể hiện<br />
qua các điêu khắc của hai vị thần Vishnu và Siva trong khoảng nửa đầu thiên niên kỷ I với<br />
38 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI<br />
<br />
khuôn mặt khá nặng nề, có đôi má bầu, mũi to, mặt hơi ngắn. Từ thế kỉ VII trở đi, họa tiết<br />
trong các bản điêu khắc nhân thể có sự thay đổi, khuôn mặt vuông vức, hơi dài, trán phẳng.<br />
Điều này cho thấy rõ ràng ngoài cộng đồng Óc Eo bản địa, còn có các tộc người khác, với ý<br />
thức hệ, văn hóa, tín ngưỡng khác cùng chung sống ở nơi này, song tộc người Indonesien bản<br />
địa vẫn giữ vị trí chủ đạo trong kiến tạo, hình thành bản sắc và các giá trị văn hóa đặc thù.<br />
<br />
3. KẾT LUẬN<br />
Từ kết quả phân tích nhân cổ học, khảo cổ học và thư tịch cổ Trung Hoa, bước đầu có<br />
thể đi đến kết luận rằng chủ nhân nền văn hóa Óc Eo là người bản địa thuộc chủng<br />
Indonesien. Trong quá trình tồn tại và phát triển, cư dân bản địa đã có sự cộng cư, giao<br />
thoa, chung sống hòa hợp với các tộc người khác để cùng kiến tạo và xây dựng văn hóa Óc<br />
Eo, xây dựng Phù Nam thành một đế chế hùng mạnh suốt mười ba triều đại trước khi bị<br />
thôn tính và thu phục. Chính sự giao thoa đa dạng, đặc sắc này đã góp phần tạo nên tính<br />
cách, văn hóa đặc trưng của vùng Nam Bộ, người Nam Bộ hiện nay.<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
1. Nguyễn Lân Cường (2005), Báo cáo về di cốt người cổ ở di tích An Sơn, tư liệu Bảo tàng<br />
Long An.<br />
2. Nguyễn Lân Cường (2008), Di cốt người cổ ở Nam Bộ, trong Văn hóa Óc Eo và Vương quốc<br />
Phù Nam - Kỷ yếu hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944-2004), -<br />
Nxb Thế giới, Hà Nội.<br />
3. Lê Trung Khá (1985), Về những sọ cổ mới phát hiện ở An Giang và Đồng Tháp trong Những<br />
phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1984.<br />
4. Ngô Đức Thịnh (2010), “Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các tộc người ở Tây<br />
Nguyên”, Tạp chí Phát triển kinh tế và xã hội Đà Nẵng, (02 và 03).<br />
5. Bellwood, Peter, et. al (2011), “An Son and the Neolithic of Southern Vietnam”, - AP, Vol. 50<br />
(1&2), Spring/ Fall 2011, 144-175.<br />
<br />
<br />
THE RESIDENTS OF FUNAN KINGDOM FROM<br />
THE POINT OF VIEW OF ARCHEOLOGY<br />
AND ANCIENT CHINESE DOCUMENTS<br />
<br />
Abstract: Basing on the archeological, anthropological and ancient documents on the<br />
resident of Oc Eo culture, they are showed that there have ever been many different<br />
ethnic groups living in Funan Kingdom in the South-western region. In which, Indonesien<br />
group is the first one to open land and settle on this land. In the process of development,<br />
they had contacted with other communities that made the Oc Eo. community together to<br />
build the powerful Funan kingdom.<br />
Keywords: Oc Eo’s residents, South-western region.<br />