
14
Đặt vấn đề: Trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ blockchain được biết
đến là xu hướng của công nghệ thời đại với những đặc tính ưu việt của mình. Có thể hiểu rằng
blockchain chính là một cơ sở dữ liệu phân tích thông tin trong các khối (block) được liên kết
với nhau bằng mã hoá và mở rộng theo thời gian để tạo một chuỗi (chain). Mỗi khối trong
blockchain sẽ được liên kết móc xích với nhau, tức khối trước sẽ được liên kết với khối sau,
có chứa đầy đủ thông tin về thời gian khởi tạo khối đó kèm một mã thời gian và dữ liệu giao
dịch. Nhờ đó, tất cả thông tin giao dịch được lưu trữ đầy đủ và không bị thay đổi dưới bất kỳ
hình thức nào. Công nghệ blockchain đã tạo ra một cuộc cách mạng làm thay đổi nhiều lĩnh
vực trên thế giới như sự ra đời của tiền điện tử, khả năng tín dụng trực tiếp mà không cần qua
trung gian, hàng hoá được quản lý thông qua mã định danh trên hệ thông blockchain,… Trong
đó, hợp đồng thông minh - một sản phẩm của công nghệ blockchain đang được thế giới đặc
biệt quan tâm và kỳ vọng trở thành giải pháp thay thế và tự động hoá hầu hết các hoạt động
thương mại vì sở hữu nhiều ưu điểm hơn so với hợp đồng truyền thống như giao dịch nhanh
chóng, bảo mật cao và tự động thực thi nhờ việc mã hoá các điều khoản hợp đồng bằng chương
trình máy tính dựa trên nền tảng công nghệ blockchain. Khái niệm “hợp đồng thông minh” lần
đầu tiên được giới thiệu vào thập niên 90 của thế kỷ XX bởi nhà khoa học máy tính và nhà lập
gia Nick Szabo. Năm 1998, Nick Szabo định nghĩa hợp đồng thông minh là một nhóm các lời
hứa hẹn được thể hiện dưới dạng điện tử, bao gồm các bước mà các bên tham gia hợp đồng
phải thực hiện để hoàn những lời hứa hẹn đó24.
Hiện nay, có quan điểm cho rằng hợp đồng thông minh là một phiên bản mới và hiện đại
của hợp đồng pháp lý và tương lai có khả năng thay thế hợp đồng truyền thống25. Tuy nhiên,
hợp đồng thông minh vẫn tồn tại bất cập về lỗi mã hoá và thiếu tính linh hoạt trong việc thực
hiện hợp đồng. Đây sẽ là rào cản dẫn tới hợp đồng thông minh không thể thay thế hoàn toàn
hợp đồng truyền thống trong mọi mặt đời sống xã hội. Song, trong bối cảnh xã hội hiện nay,
cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm biến đổi những phương thức sống của con người
bằng những ứng dụng của robot và trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chăm
sóc sức khoẻ, giáo dục, dịch vụ công,… mà ở đó không cần sự can thiệp trực tiếp của con người.
Vì vậy, mỗi quốc gia cần có những nghiên cứu để đánh giá sự ảnh hưởng của hợp đồng thông
minh tới chính sách và pháp luật quốc gia, tránh sự “tụt hậu” trước sự chuyển mình mạnh mẽ
và không ngừng của công nghệ. Trên thế giới, một số quốc gia đã bắt đầu ghi nhận sự điều
chỉnh pháp luật về hợp đồng thông minh. Tuy nhiên, “địa vị pháp lý” của hợp đồng thông minh
tại Việt Nam còn đang bị bỏ ngõ, chưa có văn bản pháp lý cụ thể nào đề cập. Với tính cách là
tổng thể các quy tắc xử sự được chắt lọc từ đời sống xã hội nhằm điều chỉnh các quan hệ phát
sinh, pháp luật phải có những thay đổi khi phương thức sống của con người biến đổi26. Mặt
khác, pháp luật quốc gia cũng cần đảm bảo tính tương thích của pháp luật trong nước với pháp
luật thế giới để góp phần tạo hành lang pháp lý an toàn cho các giao dịch có yếu tố nước ngoài,
cụ thể là tránh rủi ro từ các tranh chấp pháp lý phát sinh từ sự xung đột pháp luật do có sự khác
biệt giữa pháp luật hợp đồng Việt Nam với các quy định của đối tác. Trong bài viết này, nhóm
tác giả sẽ tập trung trình bày và phân tích quy định của pháp luật thế giới và pháp luật Việt Nam
về giá trị pháp lý của hợp đồng thông minh, phân tích hợp đồng thông minh dưới góc độ kỹ
thuật và pháp lý, qua đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm xây dựng môi trường pháp lý cho
hợp đồng thông minh tại Việt Nam.
24 Smart Contracts Report (2022), EU Blockchain Observatory and Forum Experts Panel, tr.5.
25 Nguyễn Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Hương, “Bàn về hợp đồng thông minh trong thời đại công nghiệp 4.0”,
https://laodongcongdoan.vn/ban-ve-hop-dong-thong-minh-trong-thoi-dai-cong-nghiep-40-77133.html, truy cập
ngày 03/02/2023.
26 Nguyễn Thị Quế Anh, Ngô Huy Cương (chủ biên), Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra
đối với cải cách pháp luật Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2018, tr. 14.