intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ Lý luận và lịch sử mỹ thuật: Hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:221

9
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận án Tiến sĩ Lý luận và lịch sử mỹ thuật "Hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn" trình bày các nội dung chính sau: Khảo sát, thống kê, phân loại các hình thức hoa văn trang trí trên đồ gỗ nội thất thời Nguyễn; vận dụng cơ sở lý thuyết để tìm hiểu nội dung về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, đặc điểm hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn, sự kế thừa truyền thống và tiếp nhận những yếu tố mới từ phương Tây;... Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Lý luận và lịch sử mỹ thuật: Hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM Bùi Trung Dũng HOA VĂN TRANG TRÍ ĐỒ GỖ NỘI THẤT THỜI NGUYỄN LUẬN ÁN TIẾN SĨ LÝ LUẬN VÀ LỊCH SỬ MỸ THUẬT Hà Nội - 2024
  2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM Bùi Trung Dũng HOA VĂN TRANG TRÍ ĐỒ GỖ NỘI THẤT THỜI NGUYỄN Ngành: Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật Mã số: 9210101 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LÝ LUẬN VÀ LỊCH SỬ MỸ THUẬT NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC NGHIÊN CỨU SINH PGS.TS Nguyễn Văn Đỉnh TS. Trần Đình Hằng Bùi Trung Dũng XÁC NHẬN CỦA CƠ SỞ ĐÀO TẠO Hà Nội - 2024
  3. i LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan bản luận án tiến sĩ Hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn là công trình do tôi nghiên cứu, thực hiện. Những vấn đề nghiên cứu trong luận án là trung thực và chưa công bố trong bất kỳ công trình nào. Tôi xin chịu trách nhiệm về lời cam đoan này. Tác giả luận án Bùi Trung Dũng
  4. ii MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN ............................................................................................. i DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT ..................................................................... iv MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1 Chương 1. TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ KHÁI QUÁT VỀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU ...................... 8 1.1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu .....................................................................................8 1.1.1. Tình hình nghiên cứu về nghệ thuật và nghệ thuật trang trí.............................................8 1.1.2. Tình hình nghiên cứu về hoa văn trang trí........................................................................13 1.1.3. Tình hình nghiên cứu về hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn.......................23 1.2. Cơ sở lý luận...............................................................................................................................33 1.2.1. Khái niệm và thuật ngữ liên quan đến đề tài ........................................ 33 1.2.2. Lý thuyết nghiên cứu ............................................................................ 35 1.3. Khái quát về đối tượng nghiên cứu ....................................................................................44 1.3.1. Khái quát về đồ gỗ nội thất thời Nguyễn.................................................... 44 1.3.2. Khái quát về hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn .................. 48 Tiểu kết ........................................................................................................... 52 Chương 2. NHẬN DIỆN HOA VĂN TRANG TRÍ ĐỒ GỖ NỘI THẤT THỜI NGUYỄN ............................................................................................ 54 2.1. Mô típ hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn....................................................54 2.1.1. Hình tượng con người ........................................................................... 54 2.1.2. Động vật ................................................................................................ 55 2.1.3. Thực vật................................................................................................. 63 2.1.4. Hình hình học ........................................................................................ 71 2.1.5. Đồ vật thuộc Bát bửu ............................................................................ 73 2.1.6. Sự vật tự nhiên ...................................................................................... 75 2.1.7. Chữ Hán dạng cát tường tự ................................................................... 76 2.2. Hình thức nghệ thuật của hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn ..............79 2.2.1. Đường nét .............................................................................................. 79 2.2.2. Hình khối ............................................................................................... 82 2.2.3. Bố cục.................................................................................................... 85
  5. iii 2.2.4. Màu sắc ................................................................................................. 86 2.3. Chất liệu và kỹ thuật chế tác hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn .........89 2.3.1. Chất liệu ................................................................................................ 89 2.3.2. Kỹ thuật chế tác ..................................................................................... 91 Tiểu kết ......................................................................................................... 100 Chương 3. ĐẶC TRƯNG, GIÁ TRỊ VÀ BÀN LUẬN VỀ HOA VĂN TRANG TRÍ ĐỒ GỖ NỘI THẤT THỜI NGUYỄN ............................... 102 3.1. Đặc trưng của hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn.................................. 102 3.1.1. Hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn kế thừa truyền thống dân tộc và tiếp nhận những yếu tố mới từ phương Tây ....................................... 102 3.1.2. Hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn có phong cách tạo hình riêng biệt ........................................................................................................ 110 3.1.3. Hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn sử dụng thủ pháp nghệ thuật đa dạng ................................................................................................. 120 3.2. Giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn ................................................................................................................................... 127 3.2.1. Giá trị lịch sử của hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn ........ 127 3.2.2. Giá trị văn hóa của hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn ............ 132 3.2.3. Giá trị nghệ thuật của hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn............ 137 3.3. Luận bàn về hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn ..................................... 143 3.3.1. Hoa văn trang trí tạo nét thẩm mỹ đặc trưng cho đồ gỗ nội thất thời Nguyễn và có ảnh hưởng đến đồ gỗ nội thất những giai đoạn sau .................. 143 3.3.2.Hoa văn trang trí góp phần tạo nên đặc trưng nghệ thuật thời Nguyễn ............. 151 Tiểu kết ......................................................................................................... 153 KẾT LUẬN .................................................................................................. 155 DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ ................. 158 TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 159 PHỤ LỤC ............... ....................................................................................... 168
  6. iv DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT Chữ viết tắt Chữ viết đầy đủ HN Hà Nội NCS Nghiên cứu sinh Nxb Nhà xuất bản PL Phụ lục TK Thế kỷ Tp HCM Thành phố Hồ Chí Minh Tr Trang
  7. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Từ trước tới nay, hoa văn trang trí là một trong những đề tài thu hút sự quan tâm rất lớn của những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Không chỉ đơn thuần là những nét vẽ, những đồ án trang trí, những hình tượng, theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: “hoa văn còn là mạch nguồn bản sắc văn hóa Việt Nam, nó phản ánh tính chất xuyên suốt, đa dạng trong thống nhất của lịch sử và văn hóa Việt Nam” [9, tr.5]. Hoa văn trang trí xuất hiện từ rất sớm, theo các hiện vật khảo cổ thì hoa văn có từ thời kỳ đồ đá cũ. Trải qua hàng vạn năm lịch sử, từ thời tiền sử cho đến các triều đại phong kiến thời kỳ nào hoa văn trang trí cũng có những dấu ấn riêng, phản ánh giá trị thẩm mỹ của mỗi triều đại trong lịch sử nước ta. Dựa vào các hiện vật còn lưu lại ta có thể thấy sự hiện diện của hoa văn ở mọi nơi, hoa văn trang trí các công trình kiến trúc: cung điện, lầu gác, đền đài, chùa, tháp, tư gia…, hoa văn làm đẹp cho đồ gia dụng: giường tủ, bàn ghế, bình phong, án thờ…, hoa văn xuất hiện trên công cụ sản xuất, vũ khí, nhạc cụ… Từ những nét vẽ đơn giản, vụng về của người tiền sử trên đồ gốm đến những hoa văn cầu kỳ, tinh tế thời phong kiến, dẫu trải qua nhiều thăng trầm lịch sử hoa văn trang trí luôn có sự nối mạch phát triển xuyên suốt thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam. Việc nghiên cứu hoa văn trang trí giúp ta tiếp cận văn hóa của cha ông bởi hoa văn chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội, nghệ thuật…, phản ánh truyền thống văn hóa cũng như quá trình phát triển của người Việt rõ nét nhất. Trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta, nhà Nguyễn (1802 - 1945) là một trong những triều đại phong kiến có nhiều thành tựu, nhất là trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, nhà Nguyễn đã để lại nhiều di sản có giá trị, trong đó có nghệ thuật chạm khắc gỗ trang trí. Thời Nguyễn, các làng
  8. 2 nghề thủ công mỹ nghệ chạm khắc gỗ kế thừa tinh hoa truyền thống điêu khắc gỗ trang trí đình làng của các thế kỷ trước, phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu nổi trội. Với sự phát triển của các làng nghề mộc mỹ nghệ, dưới thời Nguyễn, đồ gỗ nội thất đa dạng về kiểu dáng, trang trí hoa văn cầu kỳ, tinh xảo, giàu giá trị nghệ thuật, chất lượng cao… được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Pháp. Những hiện vật đồ gỗ nội thất thời Nguyễn hiện lưu tại các bảo tàng và tư gia cho thấy hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn có những đặc trưng riêng biệt về mô típ, đồ án trang trí, nghệ thuật tạo hình, chức năng, chất liệu và kỹ thuật chế tác. Ngoài đặc trưng về nghệ thuật tạo hình, hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn cũng mang tính biểu tượng cao, ẩn chứa nhiều thông tin cần được “giải mã”. Ở nước ta việc nghiên cứu hoa văn trang trí đã được tiến hành từ thời Pháp thuộc với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị của các tác giả trong và ngoài nước, về thủ công mỹ nghệ chạm khắc gỗ nói chung và đồ gỗ nội thất nói riêng cũng có nhiều nhà khoa học thực hiện những công trình nghiên cứu công phu. Các công trình kiến trúc hay hiện vật điêu khắc gỗ phục vụ tôn giáo, tín ngưỡng cũng có rất nhiều công trình nghiên cứu được công bố dưới dạng sách, luận án, luận văn, bài viết mô tả, phân tích cặn kẽ. Tuy nhiên, chưa có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất được công bố. Vì vậy, nghiên cứu hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn là cần thiết, việc tổng hợp, khái quát những đặc điểm của hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn, nêu ra những nhận định làm rõ vai trò của hoa văn trang trí trong dòng chảy nghệ thuật tạo hình thời Nguyễn sẽ đem lại một cái nhìn khái quát về giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa, giá trị lịch sử của hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn, qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bổ sung những tư liệu còn thiếu trong nghiên cứu về đồ gỗ
  9. 3 nội thất và hoa văn trang trí. Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, NCS lựa chọn đề tài Hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn làm luận án tiến sĩ của mình. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Luận án tập trung nghiên cứu về nội dung, hình thức và khẳng định những đặc trưng, giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và vai trò của hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa với bên ngoài trong khoảng thời gian từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX dưới góc độ nghệ thuật tạo hình thủ công mỹ nghệ. Góp phần vào việc nghiên cứu, nhìn nhận lại giá trị của các di sản văn hóa thời Nguyễn. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Khảo sát, thống kê, phân loại các hình thức hoa văn trang trí trên đồ gỗ nội thất thời Nguyễn. Tìm hiểu nội dung về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, đặc điểm hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn, sự kế thừa truyền thống và tiếp nhận những yếu tố mới từ phương Tây. Khẳng định những giá trị nghệ thuật của hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn, xem xét vai trò của hoa văn trang trí đối với đồ gỗ nội thất thời Nguyễn và tới đồ gỗ nội thất các giai đoạn sau. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của đề tài là hoa văn trang trí, chủ yếu là hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất nhà ở thời Nguyễn với các không gian sinh hoạt như phòng khách (bàn ghế, tủ, bình phong…), phòng ngủ (giường, sập, tủ…), không gian thờ cúng (bàn thờ, án thư, cửa võng, hoành phi…). Về đồ gỗ trang trí kiến trúc và nội thất cung đình, đồ gỗ trang trí tại đình, đền, chùa, miếu…
  10. 4 NCS không đi vào nghiên cứu sâu, nếu có đề cập thì chỉ mang tính chất gợi mở, so sánh với đối tượng nghiên cứu chính. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Về phạm vi không gian nghiên cứu của luận án Phạm vi không gian nghiên cứu của đề tài chủ yếu là hiện vật đồ gỗ nội thất gia đình thời Nguyễn (giai đoạn từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX) được lưu giữ tại các bảo tàng (Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng cổ vật cung đình Huế), Cố đô Huế, hiện vật được lưu giữ tại một số nhà vườn ở Huế, nhà cổ miền Tây Nam Bộ (Nhà cổ Bình Thủy - Cần Thơ, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - Sa Đéc, Đồng Tháp, nhà cổ Trăm cột - Long An, nhà ở của một số cá nhân ở làng gốm Bát Tràng, làng cổ Đường Lâm - Hà Nội). Do đặc trưng của phương pháp luận Nghiên cứu so sánh luận án có mở rộng phạm vi bàn luận, đối chiếu với một số hiện vật tiêu biểu ở Trung Hoa và phương Tây trong cùng thời kỳ. Tuy nhiên, thao tác so sánh này sẽ không ảnh hưởng đến mức độ tập trung vào phạm vi nghiên cứu của luận án. Về phạm vi thời gian nghiên cứu Luận án tập trung nghiên cứu các hiện vật đồ gỗ nội thất được chế tác trong khoảng thời gian từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên trong những nội dung liên quan, luận án có thể mở rộng về trước và sau khung thời gian trên. 4. Câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu 4.1. Câu hỏi nghiên cứu Câu hỏi 1: Nội dung và hình thức của hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn được thể hiện như thế nào? Câu hỏi 2: Hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn có những đặc trưng gì?
  11. 5 Câu hỏi 3: Hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn có vai trò thế nào đối với mỹ thuật thời Nguyễn và ảnh hưởng của nó tới đồ gỗ nội thất các giai đoạn sau? 4.2. Giả thuyết nghiên cứu Giả thuyết 1: Hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn bao gồm những mô típ trang trí quen thuộc: tứ linh, động vật, thực vật, chữ Hán… được tạo hình bằng đường nét tinh xảo, cầu kỳ, bố cục đăng đối, hình khối đa dạng…, các mô típ kết hợp tạo thành các đồ án trang trí có hình thức thể hiện phong phú (chạm khắc, chạm khảm, sơn thếp). Giả thuyết 2: Hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn thể hiện đặc trưng qua phong cách tạo hình riêng biệt: bố cục trang trí ô hộc, lối tạo hình kiểu thức “hóa”… Những đặc trưng của hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn là sự tổng hòa của đặc điểm riêng các vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, vùng kinh thành Huế và phụ cận, vùng Tây Nam Bộ trong đó vùng kinh thành Huế giữ vai trò chủ đạo. Giả thuyết 3: Hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn cùng với hoa văn trang trí kiến trúc, hoa văn trang trí các vật dụng lễ nghi, vật dụng sinh hoạt, hoa văn trên trang phục thể hiện vai trò quan trọng trong nghệ thuật trang trí thời Nguyễn, qua đó đóng góp vào di sản mỹ thuật thời Nguyễn và tạo nên ảnh hưởng sâu rộng tới sự phát triển của đồ gỗ nội thất nói riêng và nghệ thuật trang trí nói chung các giai đoạn sau. 5. Phương pháp nghiên cứu Luận án sử dụng các Phương pháp nghiên cứu: 5.1. Phương pháp điền dã Thông qua các chuyến khảo sát thực tế tại các địa điểm có lưu giữ hiện vật đồ gỗ nội thất thời Nguyễn như cố đô Huế, các bảo tàng, tư gia… khảo sát tại một số làng nghề chạm khắc gỗ truyền thống NCS thực hiện việc quan sát,
  12. 6 khảo tả, ghi chép, vẽ, chụp ảnh… các mẫu hoa văn trang trí. 5.2. Phương pháp phân tích, tổng hợp tài liệu Phân tích, tổng hợp các nguồn tài liệu sách báo, tạp chí, công trình nghiên cứu, đề tài khoa học… trong và ngoài nước có liên quan tới hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn. 5.3. Phương pháp thống kê, so sánh Sử dụng để phân tích, đánh giá hiện vật, hệ thống hóa dữ liệu về hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn, phân loại hiện vật, đặc điểm tạo hình, bố cục, đường nét, chất liệu, kỹ thuật chế tác… từ đó so sánh với hoa văn trang trí đồ gỗ Trung Hoa và châu Âu trong cùng giai đoạn để thấy rõ đặc trưng của hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn. 5.4. Phương pháp chuyên gia NCS thu thập ý kiến của các chuyên gia bao gồm các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân làng nghề chạm khắc gỗ thông qua các cuộc phỏng vấn để có cái nhìn khách quan về đề tài nghiên cứu. 5.5. Phương pháp tiếp cận liên ngành Bên cạnh các phương pháp nghiên cứu nêu trên, NCS áp dụng phương pháp tiếp cận liên ngành: nghiên cứu, tìm hiểu hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn dưới góc nhìn văn hóa học, nghệ thuật học, lịch sử… để đánh giá đề tài nghiên cứu một cách tổng thể và hệ thống trong sự tương quan với các ngành khoa học khác. NCS cũng sử dụng Phương pháp luận Nghệ thuật học giúp nghiên cứu, phân tích đặc điểm của hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn qua các yếu tố đường nét, hình khối, bố cục, chất liệu, màu sắc, hình tượng…, các nguyên tắc của nghệ thuật trang trí để nhận biết đặc trưng và giá trị nghệ thuật của hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn.
  13. 7 6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài 6.1. Ý nghĩa khoa học Luận án là một công trình nghiên cứu chuyên biệt, có tính hệ thống về Hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn dưới góc độ lý luận, mỹ thuật tạo hình. Thông qua việc đánh giá về đặc điểm tạo hình, giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử của hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất, luận án góp phần bổ sung cơ sở khoa học cho nghiên cứu nghệ thuật thời Nguyễn. Luận án là công trình khoa học bổ sung tài liệu về nghệ thuật trang trí nội thất ở Việt Nam dưới thời Nguyễn; là tài liệu tham khảo cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và những người quan tâm về nội dung liên quan tới đồ gỗ nội thất. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn Những tư liệu điền dã về kiểu dáng đồ gỗ nội thất, các đồ án trang trí hoa văn được hệ thống hóa sẽ là tư liệu quan trọng với các nhà nghiên cứu, các nhà thiết kế nội thất, góp phần làm tài liệu tham khảo phục vụ công việc bảo tồn, phục chế, phục dựng… các hiện vật đồ gỗ nội thất thời Nguyễn. 7. Kết cấu của luận án Luận án bao gồm 215 trang, 157 trang nội dung chính, 45 trang phụ lục. Ngoài phần Mở đầu (07 trang), Kết luận (03 trang), Tài liệu tham khảo (08 trang), Phụ lục (45 trang), nội dung luận án được kết cấu 3 chương: Chương 1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát về đối tượng nghiên cứu (46 trang) Chương 2. Nhận diện hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn (48 trang) Chương 3. Đặc trưng, giá trị và bàn luận về của hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn (53 trang)
  14. 8 Chương 1 TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ KHÁI QUÁT VỀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU 1.1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu Như đã nêu tại phần mở đầu, hoa văn trang trí (trong đó có hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất) đã được nhiều học giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu, những kết quả nghiên cứu ấy đã trở thành nguồn thông tin tham khảo có giá trị đối với luận án. Để đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu NCS chia các tài liệu theo các nhóm như sau: Nhóm 1: Các cuốn sách, bài báo, tạp chí, sách ảnh, đề tài nghiên cứu mô tả về đời sống sinh hoạt của người Việt thời phong kiến, khảo cổ, lịch sử, thủ công mỹ nghệ, chạm khắc trang trí gỗ… qua đó NCS có thể lọc ra được những nội dung liên quan đến đề tài nghiên cứu. Nhóm 2: Các cuốn sách, bài báo, tạp chí, sách ảnh, đề tài nghiên cứu về hoa văn trang trí. Nhóm 3: Các cuốn sách, bài báo, tạp chí, sách ảnh, đề tài nghiên cứu về đồ gỗ nội thất thời Nguyễn và hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất thời Nguyễn. Trong mỗi nhóm nêu trên lại có 2 dạng tài liệu: tài liệu từ các nhà nghiên cứu người nước ngoài và tài liệu từ các nhà nghiên cứu trong nước. 1.1.1. Tình hình nghiên cứu về nghệ thuật và nghệ thuật trang trí 1.1.1.1. Tài liệu của các nhà nghiên cứu trong nước Dưới thời phong kiến các tài liệu văn bản ở nước ta chủ yếu là chính sử, hầu như không có những văn bản chuyên về ghi chép, mô tả lại kiến trúc, nội thất, đồ gia dụng cũng như các lĩnh vực khác. Đến thời Nguyễn, việc xây dựng và trang trí các công trình kiến trúc đã được nhiều tư liệu chính thức đề cập, tuy nhiên do là chính sử nên những đối tượng miêu tả chủ yếu là các công trình kiến trúc cung đình. Dẫu sao những tư liệu về kiến trúc cung đình
  15. 9 cũng cho ta một góc nhìn về hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất của giai đoạn này vì trong dòng chảy đời sống xã hội, kiến trúc cung đình là dòng chủ đạo luôn có ảnh hưởng lan tỏa mạnh mẽ tới các công trình dân dụng. Hay nói cách khác, kiến trúc và trang trí nhà cửa người dân dưới thời Nguyễn không thể tránh khỏi việc chịu ảnh hưởng của kiến trúc và nội thất cung đình. Một số tác phẩm dư địa chí cũng đề cập đến các nghề thủ công, các làng nghề thủ công mỹ nghệ chạm khắc gỗ, khảm trai. Ngoài phần chính yếu là các thông tin sử liệu thì các nghề thủ công khảm trai, chạm khắc gỗ cũng được nhắc tới với thái độ trân trọng, thể hiện sự đánh giá rất cao. Sau khi nước ta giành được độc lập, các nhà nghiên cứu trong nước bắt đầu có những công trình nghiên cứu về kiến trúc, trang trí kinh thành Huế, các kiến trúc tôn giáo (chùa, đình, đền, miếu). Học giả Phan Thuận An công bố nhiều công trình nghiên cứu về kinh thành Huế, nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ nghiên cứu nền mỹ thuật Lý - Trần, tìm hiểu về nghề thủ công điêu khắc cổ truyền, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông chuyên về mỹ thuật Nguyễn. Trong tác phẩm Mỹ thuật Nguyễn [80] xuất bản năm 2019, tác giả Nguyễn Hữu Thông đi sâu tìm hiểu có hay không phong cách mỹ thuật xứ Đàng Trong, nền tảng của mỹ thuật Nguyễn sau này. Tác giả dành một chương quan trọng của cuốn sách để phân tích những đặc trưng của mỹ thuật Nguyễn qua kiến trúc, hội họa - đồ họa cho đến điêu khắc và trang trí. Trong đó kiến trúc và nghệ thuật trang trí được tác giả phân tích kỹ lưỡng, có sự đối chiếu so sánh giữa 3 miền và rút ra những nhận định về đặc trưng mỹ thuật Nguyễn là tổng hòa của đặc trưng 3 miền, tác giả cũng đề cập đến việc giao thoa tiếp biến văn hoá dưới thời Nguyễn và cho rằng nhìn dưới góc độ tích cực, sự giao lưu tiếp xúc với phương Tây đã tạo nên nhiều thành tựu cho mỹ thuật Nguyễn trong đó bao gồm kiến trúc và nghệ thuật trang trí trong đó có những kiểu thức, mô típ hoa văn trang trí mới.
  16. 10 1.1.1.2. Tài liệu của các nhà nghiên cứu người nước ngoài Giai đoạn từ trước khi người Pháp có mặt ở Việt Nam, các tài liệu có liên quan nghiên cứu về hoa văn, nhất là hoa văn trang trí trên đồ gỗ nội thất không có nhiều. Ta chỉ thấy chúng được đề cập thấp thoáng trong một số tài liệu của một số người Trung Hoa vào cuối thời nhà Minh, đầu nhà Thanh. Các tài liệu này thường được các viên sứ thần, các nhà buôn ghi chép lại như một dạng ký sự tai nghe mắt thấy mô tả cuộc sống của người Việt như Ký sự phục dịch ở An Nam [79] của Chu Thuấn Thủy. Từ khi người Pháp vào nước ta thì việc nghiên cứu mọi mặt đời sống xã hội được tiến hành một cách bài bản và chính thức. Với đặc điểm trang trí nổi bật, chứa đựng nhiều biểu tượng về đời sống văn hóa xã hội, lịch sử, nghệ thuật, hoa văn được các nhà nghiên cứu người nước ngoài (chủ yếu là người Pháp) để tâm dành vị trí quan trọng trong các nghiên cứu về di tích và các công trình kiến trúc. Tâm lý người An Nam [63] của tác giả Paul Giran xuất bản năm 1908 là cuốn sách khảo cứu về vùng đất và con người Việt Nam, trong sách ông đã dành những phần mô tả về nhà ở của người Việt (nhóm nhà gianh, nội thất nhà giàu An Nam), mô tả đồ nội thất trong ngôi nhà người Việt (những loại giường sập An Nam, bàn ghế). Nhà người nghèo được ông miêu tả: Nhìn tổng thể căn nhà, người ta có thể dễ dàng hình dung được sự đơn sơ của đồ đạc bên trong; nó chỉ gồm một hay hai cái chõng lớn, làm bằng gỗ được phủ chiếu manh, trên đó cả gia đình sử dụng vừa làm nơi ăn, nơi ngồi và giường ngủ; vài chiếc ghế đẩu, một cái tủ [63, tr.71]. Nhà của người giàu thì có chắc chắn và tiện nghi hơn: Nhà được xây bằng gạch và lợp ngói, đồ nội thất, bất kể giàu có, vẫn thiếu tiện nghi, chẳng lấy gì làm thoải mái. Thay cho chiếc
  17. 11 chõng bằng tre là những phản gỗ dày thuộc gỗ quý hiếm, những chiếc ghế đẩu được thay bằng những chiếc ghế tựa cứng ngắc và đồ sộ, lưng dựa được chạm trổ tỉ mỉ… [63, tr.72-73]. Cuốn sách Nghệ thuật xứ An Nam (L’Art de I’Annam) [25] của Henri Gourdon xuất bản năm 1933 đã dành nhiều phần nói về hoa văn trang trí cũng như nghề thủ công mỹ nghệ với những nhận xét: “Không gì có thể sánh được với độ hoàn thiện, tinh xảo trong các họa tiết khảm viền quanh các cánh tủ chè, tráp và khay; cành lá uốn lượn, hình tua cuốn dây nho đạt tới độ tinh tế khiến người ta phải thắc mắc làm sao có thể làm được như thế với một chất liệu dễ gãy vỡ như xà cừ và những công cụ thô mộc...” [25, tr.105]. Henri Gourdon nhận xét đặc điểm chung của nghệ thuật An Nam là chịu ảnh hưởng lớn từ tín ngưỡng. Tác giả viết: “cả khi trang trí những đồ vật thông thường, người ta vẫn tiếp tục quan tâm đến yếu tố tín ngưỡng” [25, tr.28], về đặc điểm ông cũng nêu lên rằng khó phân loại các trường phái hay phong cách trong nghệ thuật ở nước ta, chỉ có những sự khác biệt ở 3 miền, ông cho rằng trong nghệ thuật An Nam tác giả sáng tạo thường vô danh vì không thể xác định được tên tuổi các nghệ nhân từ thế kỷ XVI trở về trước. Sau khi điểm qua những nội dung nghiên cứu về hoa văn trang trí trong cuốn sách Mỹ thuật Huế (L’Art à Hue) của Léopold Cadière ông đưa ra một nhận xét: “tất cả những họa tiết này đều bắt nguồn từ nghệ thuật Trung Hoa” [25, tr.29]. Ở đây có lẽ do thời gian sống ở Việt Nam chưa đủ dài, cùng với bối cảnh xã hội nước ta lúc đó chịu ảnh hưởng sâu nặng của văn hóa Trung Hoa nên tác giả đã có nhận định như vậy. Sau này những nhận định của tác giả được các nhà nghiên cứu Nguyễn Du Chi, Trần Lâm Biền cho thấy là chưa chính xác khi các tác giả đã đưa ra luận điểm và minh chứng về việc vẫn tồn tại một số hoa văn mang bản sắc Việt trong suốt chiều dài lịch sử trong công trình nghiên cứu của mình (Hoa văn Việt Nam, Trang trí trong mỹ thuật
  18. 12 truyền thống của người Việt), các tác giả cũng không phủ nhận ảnh hưởng của các nền văn hóa bên ngoài đối với hoa văn Việt Nam. Không chỉ dựa vào hệ thống hình vẽ minh họa như L. Cadière, trong cuốn sách Nghệ thuật xứ An Nam chỉ có 4 hình ảnh về hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất trong tổng số 21 hình minh họa, Henri Gourdon thiên về mô tả tỉ mỉ kiểu dáng của các đồ gỗ nội thất phổ biến thời kỳ đó như bàn, ghế, sập, tủ chè, kỷ, rương hòm bằng văn bản. “Những chiếc ghế tựa có dáng thẳng và rất nặng, trái ngược với phần lưng ghế rất mỏng manh, uốn lượn và được trang trí, còn phần mặt ghế thường làm bằng gỗ nguyên khối, đôi khi bằng đá; các chân ghế dày và có dạng trụ vuông” [25, tr.100]. Trong phần nghề mộc, ông dành nhiều trang mô tả cặn kẽ kiểu dáng của bàn thờ, không chỉ mô tả chúng trong các công trình tôn giáo, ông còn viết về bàn thờ tại các gia đình. Đặc biệt là tác giả đã thể hiện óc quan sát tinh tế, hiểu biết khá kỹ về văn hóa, phong tục bản địa khi đề cập đến một đồ vật tuy không mang chức năng của đồ nội thất nhưng lại được sử dụng như một món đồ trang trí trong phòng khách, đó là những cỗ áo quan được chạm trổ cầu kỳ, tinh tế. Nhìn chung, với những phần nội dung về nghề mộc, nghề sơn, nghề khảm trai mô tả hết sức tỉ mỉ về đồ gỗ nội thất và hoa văn trang trí, cuốn Nghệ thuật xứ An Nam giúp NCS có cái nhìn tổng thể, có nguồn tư liệu đáng tin cậy để so sánh với những hiện vật đồ gỗ nội thất thời nhà Nguyễn còn lại để có những nhận định chính xác về sự biến đổi của đồ gỗ nội thất qua những khoảng thời gian nhất định, so sánh sự khác biệt giữa đồ gỗ nội thất của 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tuy không phải là những công trình nghiên cứu chuyên biệt về hoa văn hay đồ gỗ nội thất nhưng qua những nội dung mô tả bối cảnh văn hóa, xã hội đương thời ta cũng có thể thấy một số chi tiết qua những mô tả về kiến trúc, nhà cửa, đời sống có đề cập đến những chi tiết chạm khắc, trang trí trong kiến
  19. 13 trúc nhà cửa hay đình chùa. Những tư liệu của các học giả nước ngoài đã góp một cái nhìn tương đối khách quan về nghệ thuật thời Nguyễn (trong đó có hoa văn trang trí). Đối với các học giả người Pháp, tuy đứng từ góc nhìn của những nhà thực dân mang danh đi khai phá văn minh còn có những nhận định về nghệ thuật thời Nguyễn nói chung và thủ công mỹ nghệ nói riêng chưa hẳn đã chính xác và phù hợp nhưng phải thừa nhận hệ thống tài liệu của các tác giả nước ngoài là nguồn tư liệu quý với các nhà nghiên cứu Việt Nam. 1.1.2. Tình hình nghiên cứu về hoa văn trang trí 1.1.2.1. Tài liệu của các nhà nghiên cứu trong nước Sau khi nước ta giành độc lập, việc nghiên cứu nghệ thuật truyền thống được đặc biệt chú trọng. Sau năm 1954 các nhà nghiên cứu Việt Nam đã bắt tay vào nghiên cứu các di tích, từ năm 1960 với sự ra đời của viện Mỹ thuật Mỹ nghệ, việc nghiên cứu các di tích càng được đẩy mạnh. Viện nghiên cứu nghệ thuật, bảo tàng Mỹ thuật đã có những công trình nghiên cứu chuyên sâu, đồ sộ về mỹ thuật cổ Việt Nam. Có thể nói rằng hầu như các tài liệu nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật truyền thống đều đề cập tới hoa văn dưới các góc độ khác nhau, từ biểu tượng văn hóa tâm linh tới phương diện nghệ thuật trang trí. Nhiều tác giả nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề cụ thể, Chu Quang Trứ nghiên cứu về hình tượng con rồng, Trần Lâm Biền nghiên cứu về chủ đề con người và cây cỏ, hoa lá. Ngoài những tài liệu nghiên cứu nêu trên, sách chuyên khảo về đề tài hoa văn có những cuốn tiêu biểu như Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt xuất bản năm 2001 [8] của tác giả Trần Lâm Biền. Không chú trọng phân loại theo hướng phân kỳ lịch sử mặc dù có chia các chương theo các giai đoạn Tiền sử, Đông Sơn, Bắc thuộc, từ giai đoạn tự chủ ông hệ thống hóa thành những mảng đề tài cụ thể như hoa văn linh vật, hoa văn cây cỏ hoa
  20. 14 văn con người…, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền lại thiên về phân tích tính chất biểu tượng của hoa văn. Tuy vẫn tiến hành mô tả đầy đủ, chi tiết về hình dáng, màu sắc, chất liệu các loại hoa văn nhưng ông sắp xếp theo các chủ đề như linh vật, hoa văn cây cỏ, hình tượng con người. Tác giả nêu những hoa văn của người Việt được tiếp nối qua nhiều thế hệ như hoa văn hình học vân xoắn có từ thời tiền sử (trên đồ gốm), hoa văn sóng nước, một vài mô típ hoa văn cây cỏ, hoa lá. Tác giả nêu rõ những hoa văn kế thừa ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa như mai - lan - cúc - trúc, những loại không có ở Việt Nam như cây tùng, hoa mẫu đơn, quả đào. Theo tác giả hệ thống hoa văn ảnh hưởng từ Trung Quốc bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVII, định hình trong thế kỷ XVIII và phổ biến ở thế kỷ XIX. Điều này có căn cứ khá rõ, ta có thể thấy những họa tiết trang trí bao lam, cửa võng thời Nguyễn có nhiều nét tương đồng với phần trang trí khám thờ chùa Bút Tháp được làm từ thế kỷ XVII, cùng họa tiết cây cỏ, hoa lá và chim. Do điều kiện vật lý, chỉ có những vật liệu bền vững mới tồn tại cho đến ngày nay nên có thể thấy tác giả chủ yếu nghiên cứu hoa văn trên đồ gốm, đồ đồng, điêu khắc trên đá, hoa văn trang trí trên các di tích kiến trúc, trong đó phần hoa văn trang trí trên đồ gỗ không nhiều và phần lớn nằm ở kiến trúc, đồ thờ cúng là chủ yếu. Nội dung về hoa văn trang trí giai đoạn thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX chiếm tỷ trọng không nhiều so với thế kỷ XVI - thế kỷ XVIII, trong danh mục 102 phụ lục ảnh minh họa chỉ có 14 danh mục của giai đoạn thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Chi tiết hơn, các hoa văn trang trí được tạo tác trên chất liệu gỗ có 29/102 ảnh minh họa, trong đó đồ gỗ nội thất có trang trí hoa văn chỉ có 03 ảnh minh họa. Điều này cho thấy phần hoa văn trang trí gỗ nói chung (bao gồm cả trang trí kiến trúc và trang trí nội thất) và hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất chưa được tác giả chú trọng và đây là khoảng trống mà
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2