intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ Nghệ thuật: Nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ của dân tộc Gia Rai ở Bắc Tây Nguyên

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:305

33
lượt xem
10
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục đích chung của luận án là làm sáng tỏ các cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm xác định và lý giải các đặc trưng tạo hình của tượng nhà mồ Gia Rai ở Bắc Tây Nguyên theo từng phân nhóm địa phương, qua đó khẳng định giá trị nghệ thuật của những tác phẩm điêu khắc này bên cạnh giá trị văn hóa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc của người Gia Rai về vai trò của họ đối với tiến trình lịch sử Mỹ thuật Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Nghệ thuật: Nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ của dân tộc Gia Rai ở Bắc Tây Nguyên

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT TP. HỒ CHÍ MINH Hồ Thị Thanh Nhàn NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC TƯỢNG NHÀ MỒ CỦA DÂN TỘC GIA RAI Ở BẮC TÂY NGUYÊN LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGHỆ THUẬT Tp. Hồ Chí Minh – 2023
  2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT TP. HỒ CHÍ MINH Hồ Thị Thanh Nhàn NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC TƯỢNG NHÀ MỒ CỦA DÂN TỘC GIA RAI Ở BẮC TÂY NGUYÊN Chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật Mã số: 921 01 01 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGHỆ THUẬT Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. NGUYỄN XUÂN TIÊN Tp. Hồ Chí Minh – 2023
  3. i LỜI CẢM ƠN VÀ CAM ĐOAN Tôi xin chân thành cảm ơn GS.TS.Nguyễn Xuân Tiên đã tận tâm hướng dẫn và đóng góp những ý kiến quý báu cho tôi, xin cảm ơn khoa Sau Đại Học của trường đại học Mỹ thuật Tp.HCM, Ban Giám Hiệu cùng các phòng ban liên quan đã tổ chức đào tạo và hỗ trợ tôi trong suốt quá trình thực hiện luận án. Bên cạnh đó, tôi xin cảm ơn GS.TS.Từ Thị Loan (nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) và TS.Nguyễn Thị Kim Vân (nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai) đã tin tưởng giới thiệu tôi dự tuyển khóa đào tạo này, cảm ơn trường đại học Văn Lang đã hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi cho tôi học tập, nâng cao trình độ. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn các cơ quan quản lý văn hóa ở các tỉnh Tây Nguyên, những nhà nghiên cứu, các đồng nghiệp từng cung cấp tư liệu và góp ý cho luận án này, chân thành cảm ơn gia đình và bạn bè đã quan tâm giúp đỡ tôi trong một số giai đoạn khó khăn khi thực hiện luận án. Tôi xin cam đoan bản luận án tiến sĩ Nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ của dân tộc Gia Rai ở Bắc Tây Nguyên là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Những vấn đề và kết quả nghiên cứu trong luận án này cùng với các bài báo khoa học có liên quan là trung thực và chưa từng công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Tp. Hồ Chí Minh, ngày 08/10/2023 Tác giả luận án Hồ Thị Thanh Nhàn
  4. ii MỤC LỤC Mở đầu …………………………………………………………………… Trang 01 Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài ……………………………… 19 1.1. Khái niệm, thuật ngữ liên quan đến đề tài …………………………………… 19 1.1.1. Nghệ thuật điêu khắc ……………………………………………………… 19 1.1.2. Tượng nhà mồ …………………………………………………………….. 30 1.1.3. Bắc Tây Nguyên …………………………………………………………... 31 1.1.4. Dân tộc Gia Rai …………………………………………………………… 33 1.2. Cơ sở lý thuyết của đề tài …………………………………………………… 36 1.2.1. Các lý thuyết Mỹ thuật và quan điểm lý luận Mỹ học dân gian ………….. 37 1.2.2. Một số lý thuyết bổ trợ từ các chuyên ngành khác ………………………... 43 1.3. Cơ sở thực tiễn của đề tài ……………………………………………………. 49 1.3.1. Đặc điểm môi trường tự nhiên của tượng nhà mồ Gia Rai ………….......... 49 1.3.2. Đặc điểm môi trường văn hóa của tượng nhà mồ Gia Rai ………………... 54 Tiểu kết …………………………………………………………………………... 59 Chương 2: Đặc trưng tạo hình của nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ Gia Rai ở Bắc Tây Nguyên ……………………………………………………... 60 2.1. Những đặc trưng chung về tạo hình của tượng nhà mồ Gia Rai …………….. 60 2.1.1. Các đề tài và nội dung, hình tượng nghệ thuật tương ứng .…...………….. 60 2.1.2. Chất liệu, dụng cụ điêu khắc và thủ pháp tạo hình ……………………….. 73 2.2. Đặc điểm tạo hình của tượng nhà mồ Gia Rai theo nhóm địa phương ……… 78 2.2.1. Tượng nhà mồ Gia Rai Aráp ……………………………………………… 78 2.2.2. Tượng nhà mồ Gia Rai Chon ……………………………………………... 81 2.2.3. Tượng nhà mồ Gia Rai T’buăn …………………………………………… 83 2.2.4. Tượng nhà mồ Gia Rai Chor ……………………………………………… 85 2.2.5. Tượng nhà mồ Gia Rai Mthur …………………………………………….. 88 2.3. Sự tương đồng và dị biệt của nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ Gia Rai so với một số dân tộc có liên quan …………………………………...................... 90 2.3.1. Tương quan với tượng nhà mồ của dân tộc Ba Na ở Bắc Tây Nguyên ..…. 90
  5. iii 2.3.2. Tương quan với tượng nhà mồ của một số dân tộc khác ở Tây Nguyên .... 102 2.3.3. Tương quan với điêu khắc của dân tộc Chăm và dân tộc Kinh ………….. 105 2.3.4. Tương quan với một số dân tộc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương …. 110 Tiểu kết ………………………………………………………………………….. 112 Chương 3: Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ của dân tộc Gia Rai ở Bắc Tây Nguyên ………………………………………. 114 3.1. Giá trị nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ Gia Rai ở Bắc Tây Nguyên …… 114 3.1.1. Giá trị bản sắc dân tộc, vượt trội và chiếm lĩnh vị trí trung tâm ………… 114 3.1.2. Giá trị nghệ thuật dân gian trên nền tảng văn hóa Mã Lai - Đa Đảo, góp phần định hình vùng văn hóa - nghệ thuật Bắc Tây Nguyên …………............... 116 3.1.3. Những giá trị đóng góp mới cho Mỹ thuật Việt Nam hiện đại ………….. 117 3.2. Thách thức và hiệu quả của hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ Gia Rai ở Bắc Tây Nguyên hiện nay …………………. 127 3.2.1. Thách thức từ việc biến đổi của môi trường tự nhiên …………………… 128 3.2.2. Thách thức từ việc biến đổi của môi trường văn hóa …………………….. 129 3.2.3. Thách thức từ việc suy giảm của tượng nhà mồ và lực lượng sáng tác ….. 131 3.2.4. Hiệu quả của các hoạt động sưu tầm, trưng bày và giới thiệu hiện vật ….. 132 3.2.5. Hiệu quả của các hoạt động dự án nghiên cứu và tạc tượng trưng bày ….. 134 3.3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật tượng nhà mồ Gia Rai ở Bắc Tây Nguyên …………………… 137 3.3.1. Hỗ trợ kinh phí và tạo cơ hội thực hành sáng tác tượng nhà mồ ………… 137 3.3.2. Sưu tập hiện vật trưng bày ở bảo tàng, biên tập và phát hành sách ……… 139 3.3.3. Tổ chức hội thảo, chuyên đề, tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu ……….. 140 3.3.4. Phát triển nhánh nghệ thuật mới từ điêu khắc tượng nhà mồ ……………. 142 Tiểu kết ………………………………………………………………………….. 145 KẾT LUẬN …………………………………………………………………….. 147 TÀI LIỆU THAM KHẢO …………………………………………………….. 153 PHỤ LỤC ….…………………………………………………………………… 164
  6. iv DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT BT Bảo tàng GS.TS. Giáo sư, tiến sĩ h. huyện H. Hình HN Hà Nội NCS Nghiên cứu sinh Nxb. Nhà xuất bản PL Phụ lục Tp. Thành phố tr. trang
  7. v DANH MỤC PHỤ LỤC Phụ lục 1: Danh sách các bảng thống kê, mô tả ............................................ 164 PL1 - Bảng 1: Danh sách tài liệu nghiên cứu trực tiếp về tượng nhà mồ ......... 164 PL1 - Bảng 2: Thống kê và ghi chú 33 địa điểm khảo sát thực tế ..................... 166 PL1 - Bảng 3: Sự phân bố các đề tài tượng nhà mồ trong khu vực cư trú của các nhóm Gia Rai địa phương ở Bắc Tây Nguyên ............................................ 168 PL1 - Bảng 4: Mô tả, so sánh đặc trưng tạo hình trong nghệ thuật tượng nhà mồ của các nhóm Gia Rai địa phương từ xưa đến nay ............................................ 169 Phụ lục 2: Hình ảnh minh họa ........................................................................ 172
  8. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trong lịch sử nghiên cứu về phân vùng văn hóa Việt Nam, Tây Nguyên vẫn luôn được đánh giá là một khu vực có những nét đặc trưng hoàn toàn khác biệt so với các khu vực còn lại. Hàng loạt nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội về vùng văn hóa Tây Nguyên đã từng được công bố tính từ khoảng giữa thế kỷ trước đến nay cho thấy đây là mảnh đất giàu tiềm năng khai thác về các giá trị văn hóa và nghệ thuật, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước. Năm 2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Trong không gian đó, tượng nhà mồ là một di sản văn hóa thuộc loại hình mỹ thuật dân gian cũng đang từng bước được bảo vệ và phát huy. Một điểm hạn chế đáng lưu ý trong lịch sử nghiên cứu về vùng văn hóa - nghệ thuật này là tuy các dân tộc tại đây có ít nhất hai nguồn gốc dựa trên ngôn ngữ gồm Mã Lai - Đa Đảo và Môn - Khmer nhưng sự thống nhất rất cao về phong tục tập quán, tín ngưỡng và rất nhiều biểu hiện tương đồng trong nghệ thuật dân gian của họ đã khiến cho các nghiên cứu trước thường quy tất cả đối tượng nghiên cứu vào một khái niệm chung là “các dân tộc Tây Nguyên”. Như vậy, những đặc điểm chung của vùng văn hóa đã được các tác giả chú trọng hơn so với đặc trưng thẩm mỹ riêng trong nghệ thuật của từng dân tộc. Tổng quan tình hình nghiên cứu cho thấy sự thiếu vắng các đề tài chuyên biệt về mỹ thuật dân gian của mỗi dân tộc ở Tây Nguyên, đặc biệt, nghiên cứu riêng về tượng nhà mồ lại càng hiếm hoi hơn nữa. Trong suốt thời kỳ phong kiến ở Việt Nam, Tây Nguyên từng là khu vực phát triển bên lề dòng chảy văn hóa ở đồng bằng, mặc dù có tài liệu ghi nhận rằng trong thời Lê vùng đất này đã từng là phiên quốc của Đại Việt (1471) [33, tr.150] và khoảng giữa thế kỷ 16, hai vị thủ lĩnh tinh thần của người Gia Rai là Pơtao Pui (vua lửa) và Pơtao Ia (vua nước) đã được triều đình nhà Lê phong vương, biên niên sử triều Nguyễn năm 1751 cũng ghi nhận việc “lãnh địa Nước và Lửa đã chịu cống nạp” [26, tr.33]. Nhìn chung, mối quan hệ này vẫn chưa làm thay đổi đời sống tâm linh, tín ngưỡng và sinh hoạt truyền thống cũng như quan điểm thẩm mỹ trong nghệ thuật tạo
  9. 2 hình của các dân tộc Tây Nguyên cho đến đầu thế kỷ 20, bằng chứng là tại thời điểm này những nhà truyền giáo và nghiên cứu Dân tộc học người Pháp đã ghi nhận rằng các cộng đồng cư dân nơi đây vẫn duy trì kiểu tổ chức xã hội gần như thời nguyên thủy. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một thế kỷ qua, hiện tượng biến đổi xã hội, mai một các giá trị truyền thống ở Tây Nguyên đã trở thành vấn đề nóng bỏng tại các hội thảo từ trung ương đến địa phương về nhiệm vụ bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc trong văn hóa và nghệ thuật Việt Nam. Sự cần thiết và cấp bách của việc nghiên cứu sâu về các đặc trưng thẩm mỹ trong nghệ thuật điêu khắc của từng dân tộc tại đây nhằm lưu giữ lại những bằng chứng lịch sử chính xác, đầy đủ hơn trước khi chúng biến đổi theo chiều hướng lai tạp, mất dần các giá trị bản nguyên cốt lõi là một trong những lý do chính thôi thúc NCS hướng về tượng nhà mồ Gia Rai khi xác định đề tài luận án. Từ góc độ cá nhân: Tuy là người dân tộc Kinh nhưng được sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên, NCS có tình cảm đặc biệt sâu sắc với vùng đất này và mong muốn được đóng góp một phần vào công việc nghiên cứu, gìn giữ các giá trị thẩm mỹ đặc trưng của vùng. Quãng thời gian gắn bó lâu dài tại đây cũng đã cho NCS có được cái nhìn cảm thông và cơ hội tích lũy vốn hiểu biết cơ bản về đời sống tinh thần của người dân địa phương, về những yếu tố tâm lý dân tộc vốn có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành các đề tài và phong cách tạo tác trong nghệ thuật điêu khắc của họ. Từ góc độ quan sát định hướng của nhà nước: Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, bản sắc Việt Nam được định nghĩa là một thể thống nhất nhưng đồng thời lại phải luôn đảm bảo tính đa dạng. Luật Di sản văn hóa của Việt Nam [105] nhấn mạnh rằng trong quá trình xây dựng và phát triển, những đặc trưng riêng trong mỹ thuật truyền thống của mỗi dân tộc đều phải được tôn trọng và gìn giữ. Vì vậy, Nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ của dân tộc Gia Rai ở Bắc Tây Nguyên được NCS chọn làm đề tài của luận án với mong muốn góp phần làm rõ các đặc trưng và khẳng định giá trị thẩm mỹ đặt trong mối quan hệ song song với giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật điêu khắc dân gian độc đáo này. Mục tiêu và các câu hỏi nghiên cứu cụ thể, hướng tiếp cận, phương pháp nghiên cứu trong luận án đều hình thành dựa trên những nhận định rút ra từ tổng quan tình hình nghiên cứu sẽ được trình bày ngay sau đây.
  10. 3 2. Tổng quan tình hình nghiên cứu Vùng Tây Nguyên với những nghệ thuật dân gian đặc sắc đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu người Pháp ngay từ nửa đầu thế kỷ 19 nhưng gần đến giữa thế kỷ 20 mới xuất hiện một vài nghiên cứu của tác giả Việt Nam. Bài báo “Tượng gỗ Tây Nguyên” [15] của tác giả Nguyễn Tấn Cứ trên tạp chí Văn hóa Nghệ thuật vào năm 1979 có thể được xem là công bố khoa học sớm nhất ở Việt Nam về tượng nhà mồ. Đến năm 1983, tác giả này tiếp tục xuất bản quyển Nghệ thuật tượng gỗ dân gian Tây Nguyên [16] với hầu hết ảnh minh họa là tượng nhà mồ của hai dân tộc Gia Rai và Ba Na. Trong số 16 hình ảnh tượng gỗ của dân tộc Gia Rai có 7 ảnh được chụp ở khu nhà mồ ghi rõ địa điểm tìm thấy, 8 ảnh hiện vật trưng bày tại BT Mỹ thuật Việt Nam và 1 ảnh hiện vật tại Ty Văn Hóa Thông Tin tỉnh Gia Lai Kon Tum không ghi chú rõ địa điểm. Cả hai nghiên cứu trên đều từ góc nhìn Văn hóa học, giới thiệu khái quát về tượng nhà mồ như một loại hình nghệ thuật điêu khắc dân gian, chú trọng ý nghĩa và vai trò của tượng trong nghi lễ tang ma. Trong suốt mười năm đầu giải phóng, tượng nhà mồ Tây Nguyên không xuất hiện như đối tượng chính trong các nghiên cứu khác. Chuẩn bị cho thời kỳ đổi mới, qua đợt thu thập dữ liệu cho Chương trình Tây Nguyên I, hàng loạt nghiên cứu đã được trung ương phối hợp với địa phương thực hiện nhằm khám phá tiềm năng phát triển về văn hóa - nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số tại đây. Tác giả Ngô Văn Doanh đã từng công bố một số bài báo trên các tạp chí khoa học có liên quan trực tiếp đến nhà mồ và tượng mồ như sau: Bài báo “Tượng nhà mồ Tây Nguyên (vài suy nghĩ dân tộc học ban đầu)” đăng trên tạp chí Dân tộc học năm 1986 [20] đã gợi mở về ý nghĩa biểu trưng của nhà mồ cùng hệ thống trang trí và tượng gỗ xung quanh, tuy nhiên, những ý nghĩa này đều vẫn chỉ là phỏng đoán như tác giả đã bày tỏ: “Chúng tôi chưa dám đưa ra đây một lý giải, một kết luận nào mà chỉ muốn nói lên những nhận xét trực cảm của người nghiên cứu khi tiếp xúc với rừng tượng gỗ Tây Nguyên” [20]. NCS đã bổ sung hướng tiếp cận đối tượng từ góc nhìn Dân tộc học qua tham khảo quan điểm lý luận của tác giả Ngô Văn Doanh: Căn tính (identity) của mỗi dân tộc là yếu tố ảnh hưởng lớn đến cách thức phản ứng của dân tộc đó trước sự thay đổi của môi trường sống. Dân tộc
  11. 4 Gia Rai vốn di cư từ các quần đảo Mã Lai đến Việt Nam, họ bắt buộc phải có khả năng đáp ứng tốt với sự thay đổi môi trường sống thì mới có thể tồn tại và phát triển. Khả năng này đã dẫn tới một số điểm khác biệt trong ngôn ngữ tạo hình của tượng nhà mồ ở từng nhóm nhỏ khi họ phản ứng với những kiểu môi trường sống khác nhau. Năm 1990, tác giả Ngô Văn Doanh có bài “Nhà mồ Tây Nguyên và văn hóa khu vực Thái Bình Dương” trên tạp chí Văn hóa Dân gian [21] biện luận sâu hơn về căn tính của các dân tộc Tây Nguyên và ảnh hưởng của nguồn gốc dân tộc đối với nghệ thuật điêu khắc tại vùng cao nguyên này. Tuy tiêu đề chỉ đề cập đến nhà mồ nhưng nội dung chủ yếu bàn về điêu khắc tượng tròn, vì vậy bài báo này vẫn được xếp vào nhóm các nghiên cứu trực tiếp về tượng nhà mồ. NCS đồng thuận với quan điểm của tác giả: Cần xem xét nghệ thuật ở nhà mồ Tây Nguyên trên phông nền văn hóa chung, xem xét mối liên hệ với những dân tộc cùng nhóm ngôn ngữ Mã Lai - Đa Đảo ở Việt Nam cũng như trong khu vực Thái Bình Dương. Tuy nhiên, quy mô có hạn của luận án chỉ cho phép NCS so sánh đối tượng nghiên cứu với tượng nhà mồ của các dân tộc cùng nguồn gốc ở Việt Nam gần gũi nhất là người Ê Đê cư trú ở cao nguyên Đăk Lăk liền kề, người Chăm ở đồng bằng duyên hải miền Trung, đồng thời so sánh qua hình ảnh tham khảo về điêu khắc dân gian ở Malaysia, Indonesia và liên hệ với một trường hợp điêu khắc tương tự của thổ dân Nam Đảo ở Đài Loan. Những mối liên hệ xa hơn nữa dự kiến sẽ được phát triển trong các nghiên cứu sau luận án. Năm 1991, trong bài báo “Nghệ thuật xây dựng của nhà mồ Tây Nguyên” đăng trên tạp chí Dân tộc học [22], tác giả Ngô Văn Doanh đã mô tả và có nhận định về tính nghệ thuật trong kiến trúc nhà mồ - môi trường không gian liên kết chặt chẽ với các tác phẩm điêu khắc được nghiên cứu. Bài báo này đồng thời đã cung cấp thêm thông tin cơ bản về bối cảnh ra đời của hệ thống tượng gỗ trang trí và quá trình tạc tượng tại khu nhà mồ. Cùng năm 1991, trong bài viết “Phong cách tượng nhà mồ Tây Nguyên từ góc độ thi pháp học” đăng trên tạp chí Văn hóa Dân gian [23], tác giả này lần đầu tiên đưa ra nhận định rõ rệt về phong cách nghệ thuật của đối tượng nghiên cứu: “Bằng thi pháp học, chúng tôi đã phân tích những yếu tố tạo phong cách hay “thi pháp tạo hình” của tượng nhà mồ Tây Nguyên và bước đầu tìm ra hai phong cách
  12. 5 chính kế tiếp nhau của nền điêu khắc dân gian độc đáo này” [23]. Theo tác giả bài báo, tượng nhà mồ Tây Nguyên đã hình thành và phát triển qua hai giai đoạn tạm ước định gọi là “giai đoạn thần thoại” và “giai đoạn sử thi”, ứng với hai khái niệm là “lớp tượng cũ” và “lớp tượng mới”: “Ở giai đoạn đầu, phong cách của tượng nhà mồ mang những đặc tính đồng hiện diễn ý hay biểu tượng gợi tả; còn ở giai đoạn thứ hai là phong cách hiện thực trần thuật hay hành động trần thuật” [23]. Đây là những nhận định quan trọng về thủ pháp biểu đạt tuy vẫn còn ở mức độ sơ khởi. Với quy mô nghiên cứu có hạn, nội dung bài báo không bàn luận sâu hơn nữa về các thủ pháp tạo hình đặc trưng trong ngôn ngữ của nghệ thuật điêu khắc như ý đồ bố cục, nhịp điệu của hình khối - mảng - nét, hiệu quả của các thủ pháp xử lý bề mặt chất liệu và ánh sáng - sắc độ trên tác phẩm. Đặc biệt, tác giả bài báo đã chia sẻ một nhận định rất quan trọng: “Ở tượng nhà mồ Tây Nguyên như có một sức mạnh ma thuật hình học mà Lévi Strauss đã phát hiện ra trong mỹ thuật nguyên thủy” [23]. Nhận định này dẫn tới một số tài liệu cung cấp những quan điểm đánh giá mới nhất về mỹ thuật nguyên thủy [56], [61], trong đó lý thuyết Biểu tượng và lý thuyết Cấu trúc - Chức năng được cho là cần thiết bên cạnh thao tác đánh giá qua các lý thuyết nghệ thuật. Đến đầu thập niên 1990, một số tài liệu sách đáng chú ý về tượng nhà mồ phát triển từ sau đợt nghiên cứu này đã lần lượt được xuất bản như sau: Tài liệu Nhà mồ và tượng mồ Giarai, Bơhna [24] của tác giả Ngô Văn Doanh được xuất bản năm 1993. Bên cạnh đối tượng nghiên cứu chính là nhà mồ và tượng mồ, tài liệu này cung cấp những thông tin đầy đủ hơn nữa về thế giới quan, tín ngưỡng truyền thống, phong tục tang ma và lễ bỏ mả của hai dân tộc Gia Rai và Ba Na. Tác giả đã mô tả chi tiết về các kiểu nhà mồ theo từng nhóm nhỏ địa phương của cả hai dân tộc. Tuy nhiên, phần nội dung về tượng nhà mồ vẫn chỉ dừng lại ở việc phân nhóm tượng theo thời kỳ lịch sử (được gọi là “lớp tượng cũ” và “lớp tượng mới” [23]) kèm theo phỏng đoán về ý nghĩa của chúng. Phần minh họa gồm 33 ảnh đen trắng, trong đó có 17 ảnh tượng nhà mồ và lễ bỏ mả của người Gia Rai nhưng chất lượng in ấn rất thấp, hầu hết các chi tiết nhỏ trên tác phẩm không được thể hiện rõ, rất khó khăn nếu các nghiên cứu ngày nay cần tham khảo để phân tích về đặc trưng thẩm mỹ.
  13. 6 Tài liệu thứ hai đáng chú ý trong cùng giai đoạn này là Điêu khắc gỗ dân gian Giarai-Bahnar của tác giả Trần Phong [81] xuất bản năm 1995 gồm 109 bức ảnh được chụp trong các khu nhà mồ Gia Rai (54 ảnh) và Ba Na (55 ảnh), đa số là ảnh chụp tượng tròn. Tác giả này có chú thích thời gian, địa điểm chụp ảnh và các phân nhóm địa phương. Đây là tài liệu ảnh tham khảo có giá trị lịch sử rất cao vì các nghiên cứu ngày nay không thể thu thập hình ảnh những tác phẩm tượng nhà mồ còn nguyên vẹn trong giai đoạn này bằng phương pháp điền dã. Một ưu điểm lớn nữa là thông qua hiệu quả của nghệ thuật nhiếp ảnh, các bề mặt mảng khối lớn, chi tiết nhỏ trên tác phẩm đều được ghi nhận đủ rõ ràng để quan sát và nhận định về giá trị nghệ thuật. Năm 2019, tài liệu được tái bản, bổ sung và đổi tên thành Tượng gỗ Tây Nguyên [83]. Sau một thời gian dài ngưng công bố các nghiên cứu mới về đề tài Tây Nguyên, đến năm 2007, tác giả Ngô Văn Doanh trở lại với quyển Bơ thi, cái chết được hồi sinh (Lễ bỏ mả & nhà mồ Bắc Tây Nguyên) [25], làm rõ hơn nữa về quy trình các bước tạc tượng cho lễ bỏ mả ở khu nhà mồ và ý nghĩa của nghi lễ này đối với đời sống tinh thần của người dân Bắc Tây Nguyên. Nhìn chung, nói đến các công trình nghiên cứu trực tiếp tại những khu nhà mồ ở Tây Nguyên đặc biệt là trong giai đoạn đầu (khoảng từ năm 1986 đến năm 1995) thì tác giả Ngô Văn Doanh là chuyên gia từng công bố nhiều tài liệu nhất mà NCS đã tham khảo. Hầu hết các nghiên cứu của tác giả này đều xuất phát từ góc nhìn Văn hóa học hoặc Dân tộc học. Hơn một thập niên sau thời điểm xuất bản quyển sách Nghệ thuật tượng gỗ dân gian Tây Nguyên, tác giả Nguyễn Tấn Cứ mới quay trở lại với nghệ thuật ở khu vực này qua bài báo “Tượng nhà mồ Tây Nguyên” [17] đăng trên tạp chí Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Tp.HCM năm 1995. Vẫn với góc nhìn từ chuyên ngành Văn hóa học, nghiên cứu của tác giả Nguyễn Tấn Cứ đã cung cấp cho luận án một số dữ liệu quan trọng về bối cảnh văn hóa và hình ảnh đối sánh có giá trị lịch sử cao. Tương tự các nghiên cứu trước, toàn bộ nội dung bài báo này cũng không đề cập đến khía cạnh nghệ thuật mà chỉ tập trung bàn luận về ý nghĩa văn hóa, tâm linh của tượng nhà mồ. Cùng năm 1995, tác giả Nguyễn Tấn Cứ cùng với tác giả Phan Cẩm Thượng thực hiện quyển sách Điêu khắc nhà mồ Tây Nguyên [98]. Đây là tài liệu hiếm hoi
  14. 7 tiếp cận tượng nhà mồ từ góc nhìn Mỹ thuật học. Quyển sách được trình bày bằng ba ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp) trong 159 trang, với nội dung được chia thành 5 phần, gồm “tín ngưỡng và lễ bỏ mả”, “kiến trúc nhà mồ”, “cột biểu tượng”, “các hình ảnh trên nóc nhà mồ”, phần cuối cùng bàn về nghệ thuật tượng nhà mồ Tây Nguyên. Tuy phần nghiên cứu chính về tượng nhà mồ Tây Nguyên chỉ gói gọn trong 6 trang nhưng tài liệu này đã đóng góp cho lịch sử nghiên cứu nhiều luận điểm quan trọng về cả nội dung ý nghĩa và giá trị nghệ thuật của các tác phẩm điêu khắc này, cụ thể như sau: Về nội dung ý nghĩa, qua phát hiện về từ ngữ địa phương dùng để chỉ tượng nhà mồ của người Gia Rai là “hlun” và người Ba Na là “đích”, đều có nghĩa là “nô lệ, người hầu” [98, tr.29], hai tác giả này cho rằng “từ giai đoạn nguyên thủy, tượng đã là một phần của nhà mồ, xác định tính tưởng niệm, thay thế sự tuẫn táng (chôn người sống)” [98, tr.29]. Tuy nhiên, các tác giả cũng đặt ra giả thuyết đây không phải là ý nghĩa duy nhất của tượng nhà mồ, bằng chứng là người Tây Nguyên còn tạc cả tượng sinh hoạt thường nhật và trong lễ hội, tượng trẻ con, tượng thú vật, đồ đạc, tượng bộ đội, lính Mỹ, lính Pháp ngay từ đầu những thập niên 70-90 của thế kỷ 20. Về việc xác định dòng nghệ thuật, đồng quan điểm với tác giả Ngô Văn Doanh [24], hai tác giả này cũng cho rằng tượng nhà mồ Tây Nguyên thuộc về dòng nghệ thuật nguyên thủy: “Xúc cảm nguyên thủy duy trì, khiến cho phong cách nghệ thuật biến đổi rất chậm chạp” [98, tr.29]; “Nghệ thuật mang tính nguyên thủy luôn tự do với sự hạn chế của chức năng ma thuật. Tự do thể hiện cái mà mình đã trông thấy, đã ký ức và những hình tượng có khả năng gợi lên sự bi ai, gợi lên cuộc đời người chết đã trải qua” [98, tr.29-30]. Đặc biệt, tuy các tác giả đã đồng thuận rằng tượng nhà mồ ra đời từ nhu cầu phục vụ nghi lễ tín ngưỡng và gắn liền với đời sống cộng đồng nhưng nghiên cứu lại kết luận “điêu khắc Tây Nguyên không hề là điêu khắc dân gian như nhiều tài liệu đã công bố” [98, tr.32], đây là quan điểm trái chiều với đa số nghiên cứu khác từ góc nhìn Văn hóa học và Dân tộc học. Cơ sở của quan điểm này theo hai tác giả là vì “trong mỗi Pơlei chỉ có vài người làm được tượng, những nghệ sỹ thực thụ am hiểu mẫu tượng đảm nhận sáng tạo điêu khắc” [98, tr.32] và “tính cộng đồng, truyền thống nghệ thuật tôn giáo dẫn đến nền văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên, nhưng
  15. 8 cá tính sáng tạo vẫn là hạt nhân trực tiếp của tác phẩm” [98, tr.33]. NCS đồng ý với các tác giả ở khía cạnh sau: Mặc dù tượng nhà mồ chịu ảnh hưởng lớn bởi tư tưởng thẩm mỹ của cộng đồng, hoạt động sáng tác vẫn đòi hỏi những tố chất nhất định của nghệ nhân, chính điều này đã tạo nên những dấu ấn độc đáo trong mỗi bức tượng. Bên cạnh đó, hai tác giả Phan Cẩm Thượng và Nguyễn Tấn Cứ còn cho rằng “tượng nhà mồ Tây Nguyên gần gũi với tượng thổ dân Nam Đảo, có thể là bản tính cội nguồn chưa thay đổi mấy” [98, tr.29], nhận định này rất gần với quan điểm của tác giả Ngô Văn Doanh: Tượng nhà mồ Tây Nguyên cần phải được xem xét trong mối quan hệ so sánh với một số dân tộc cư trú trên các quần đảo phía nam Thái Bình Dương. Cuối cùng, đóng góp quan trọng nhất của tài liệu Điêu khắc nhà mồ Tây Nguyên [98] là các nhận định của hai tác giả về giá trị của những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc này: “Cùng với điêu khắc Champa, điêu khắc phong kiến Bắc Bộ, điêu khắc nhà mồ Tây Nguyên là nền điêu khắc lớn ở Việt Nam” [98, tr.34]. Hạn chế của tài liệu Tượng nhà mồ Tây Nguyên [98] là phần minh họa không nhiều, trong số 25 hình ảnh có liên quan đến dân tộc Gia Rai chỉ có 18 ảnh xuất hiện tượng tròn là đối tượng nghiên cứu chính của luận án, còn lại là ảnh kiến trúc nhà mồ, nhà rông và những đồ dùng hàng ngày như gùi, bầu đựng nước. Mặt khác, tuy hiện vật điêu khắc trong minh họa chủ yếu là của hai dân tộc Gia Rai và Ba Na nhưng từ tiêu đề tài liệu đã cho thấy chủ thể sáng tác được ngầm hiểu là các dân tộc Tây Nguyên nói chung, dẫn đến nội dung phân tích về ngôn ngữ tạo hình vẫn còn mang tính khái quát, chưa làm rõ những nét đặc trưng thẩm mỹ giúp phân biệt được tượng nhà mồ của từng dân tộc, từng nhóm địa phương khác nhau. Đây cũng là quyển sách cuối cùng được xuất bản trong thế kỉ 20 có nghiên cứu trực tiếp về tượng nhà mồ. Năm 2002, hai tác giả Nguyễn Văn Kự và Lưu Hùng công bố tập tư liệu ảnh được chú thích bằng ba ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp) với tựa đề Nhà mồ Tây Nguyên [53]. Đây là một bộ sưu tập đồ sộ gồm 369 ảnh màu với độ phân giải cao được in trên loại giấy tốt. Ngoài 52 ảnh của nhà nghiên cứu J.Dournes đã từng công bố trong tài liệu La figuration humaine dans l’art funéraire Jorai từ năm 1968 và 64 bức ảnh tổng hợp từ nguồn của 9 tác giả khác, còn lại đều là ảnh chụp bởi tác giả Nguyễn Văn Kự.
  16. 9 Tập tư liệu ảnh này cũng có giá trị tham khảo rất lớn đối với các nghiên cứu về tượng nhà mồ Tây Nguyên ngày nay mặc dù phần biện luận của tác giả về các giá trị văn hóa - nghệ thuật của cả kiến trúc và điêu khắc nhà mồ gần như không có. Trong suốt 5 năm tiếp theo, lịch sử nghiên cứu về tượng nhà mồ Tây Nguyên lại bị bỏ trống, tuy vấn đề giá trị bản sắc trong văn hóa - nghệ thuật của các dân tộc Tây Nguyên có nguy cơ mai một đã từng được nhắc đến trong hội thảo ở tỉnh Kon Tum vào năm 2004 [73] và trong nhiều hội thảo khác từ trung ương đến địa phương sau thời điểm đó. Năm 2007, quyển Tượng gỗ Tây Nguyên của tác giả Đào Huy Quyền được xuất bản [84]. Đa số hình ảnh trong tài liệu là tượng nhà mồ với 96 ảnh hiện vật của người Gia Rai, 13 ảnh hiện vật của người Ba Na và 17 ảnh không được tác giả ghi rõ nhóm chủ thể sáng tác. Ngoài ảnh chụp, tài liệu đã đóng góp vào lịch sử nghiên cứu một quan điểm về phân loại tượng nhà mồ thành các nhóm đề tài gồm: (1) Sinh tồn; (2) Nhớ thương; (3) Sinh hoạt; (4) Thú vật. Ngoài ra, tác giả còn đề cập đến đề tài thứ (5) là những con rối bằng gỗ có dây giật dùng để biểu diễn trong lễ bỏ mả và xem đây là một loại tượng có tính siêu hình [84, tr.53-57]. Tham khảo cách phân loại này, NCS đã điều chỉnh, bổ sung khi trình bày các đặc trưng về đề tài, nội dung và hình tượng nghệ thuật tượng nhà mồ Gia Rai ở chương 2 (tiểu mục 2.1.1). Trong suốt thập niên tiếp theo, đề tài tượng nhà mồ Tây Nguyên lại bị bỏ ngỏ. Năm 2017, công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh Bảo tồn và phát huy giá trị tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai trên địa bàn tỉnh Gia Lai của tác giả Hoàng Thị Thanh Hương được nghiệm thu tại tỉnh Gia Lai [45]. Đóng góp quan trọng của đề tài này là các bảng thống kê được thực hiện trong 2 năm (2015 - 2017) cho biết số lượng nghệ nhân, tượng gỗ và tình trạng của tượng được tìm thấy trên địa bàn 17 huyện, thành phố và thị xã thuộc tỉnh này. Năm 2018, bản báo cáo công trình khoa học trên đã được xuất bản thành sách có tựa đề Tượng gỗ dân gian các tộc người Ba Na, Gia Rai [46], tác giả bổ sung những thông tin, số liệu về thực trạng khan hiếm nguyên liệu gỗ và hiện tượng đa số người dân chuyển sang các tôn giáo mới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ tại đây. Sau ấn phẩm này, đến nay chưa có thêm quyển sách nào công bố nội dung nghiên cứu mới về tượng nhà mồ.
  17. 10 Ngoài các nghiên cứu có liên quan trực tiếp về tượng nhà mồ, rất nhiều tài liệu có nội dung liên quan gần, cung cấp cơ sở dữ liệu nền về môi trường tự nhiên - xã hội của nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ cũng đã từng được xuất bản cả trong và ngoài nước. Những tài liệu này có thể được chia thành một số nhóm như sau: - Nghiên cứu về dân tộc Gia Rai: Dân tộc này là đối tượng nghiên cứu của các nhà truyền giáo, nhà Dân tộc học người Pháp từ rất sớm, trong đó Jacques Dournes là tác giả tiêu biểu có nhiều công trình nổi tiếng như Miền đất huyền ảo (dưới bút danh Dambo, 1950) [18], Potao - Một lý thuyết về quyền lực của người Jorai ở Đông Dương (1977) [26], Rừng, đàn bà, điên loạn (1978) [28]. Với khoảng thời gian nghiên cứu thực địa hơn hai thập kỷ, các công trình của tác giả J.Dournes cung cấp nhiều dữ liệu thực tế có giá trị lịch sử cao từ góc nhìn của người nước ngoài. Ảnh chụp và ghi chép trong thập niên 1960 của tác giả này được sưu tầm bởi hội truyền giáo hải ngoại Paris đã được giới thiệu qua tài liệu Xứ Jorai [27], trong đó có 15 ảnh tượng tròn ở nhà mồ Gia Rai. Một số hình ảnh trong những nghiên cứu trên đã được sử dụng để đối chiếu với ảnh tư liệu được ghi nhận muộn hơn vài thập kỷ và thực trạng ngày nay. Từ sau năm 1975, các nghiên cứu của người Việt Nam về dân tộc Gia Rai được tiến hành thuận lợi hơn không chỉ giới hạn trong bối cảnh Tây Nguyên mà còn mở rộng ra toàn vùng Đông Nam Á, đề cập đến nguồn gốc và quá trình di cư của các tộc người sử dụng ngôn ngữ Mã Lai - Đa Đảo đến Việt Nam. Những nghiên cứu tiêu biểu có thể kể đến Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam [62], Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía nam) [110], Lịch sử phát triển các tộc người Mã Lai - Đa Đảo [100]. Điểm hạn chế chung là vì phạm vi nghiên cứu quá rộng nên phần nói riêng về người Gia Rai không nhiều. Công trình Các dân tộc tỉnh Gia Lai - Công Tum do tác giả Đặng Nghiêm Vạn chủ biên [103] tập trung hơn vào dân tộc Gia Rai vốn là một trong những nhóm đông dân nhất tại đây. Tác giả này cũng là chủ biên của tài liệu Văn hóa Việt Nam đa tộc người [104] và có bài viết về tín ngưỡng, tôn giáo ở các vùng dân tộc thiểu số trong công trình Các dân tộc thiểu số Việt Nam thế kỷ XX [71]. Chuỗi nghiên cứu cho thấy những chuyển biến xã hội của các tộc người ở Việt Nam, bao gồm các dân tộc Tây Nguyên trong những thập niên giao thời giữa hai thế
  18. 11 kỷ. Những công trình này cung cấp thông tin về quá trình tụ cư và phân bố của các nhóm Gia Rai địa phương, biến động dân cư, giao lưu với các nhóm đồng tộc, với các dân tộc khác trong vùng và ngoại vùng. Những vấn đề này có ảnh hưởng khá lớn đến sự thay đổi phong cách tượng nhà mồ trong từng giai đoạn. Ngoài ra, một số nghiên cứu về các tộc người có nghệ thuật điêu khắc cần đối sánh với tượng nhà mồ Gia Rai trong luận án cũng được tham khảo, tiêu biểu như nghiên cứu của tác giả Từ Chi [11] và một số ấn phẩm của Nxb.Thông tấn [49-51], [114]. - Nghiên cứu về vùng địa lý - văn hóa Bắc Tây Nguyên: Từ khóa “Bắc Tây Nguyên” trong tên đề tài không chỉ xác định giới hạn vùng địa lý mà qua đó còn xác định giới hạn của một tiểu vùng văn hóa. Những nghiên cứu về phân vùng văn hóa Việt Nam từng mô tả chi tiết về vùng văn hóa Tây Nguyên có thể kể đến những công trình tiêu biểu của các tác giả Trần Ngọc Thêm [89], Ngô Đức Thịnh [92-94]. Định nghĩa về tiểu vùng văn hóa Bắc Tây Nguyên trong luận án được căn cứ chủ yếu trên những tài liệu này. Ngoài ra, trong lịch sử cũng có nhiều tài liệu nghiên cứu về đặc điểm của vùng văn hóa Tây Nguyên được thực hiện bởi các tác giả địa phương, tiêu biểu là tác giả Nguyễn Thị Kim Vân với một số quyển sách đã xuất bản như Đến với lịch sử - văn hóa Bắc Tây Nguyên [106], Địa danh và di tích Gia Lai từ góc nhìn Lịch sử - Văn hóa [107], Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến năm 1975 [109]. Tác giả Kim Vân đã hệ thống hóa và trích dẫn kết quả từ những nghiên cứu khái quát đầu thế kỷ 20, đồng thời bổ sung nhiều kết quả nghiên cứu mới và dữ liệu chi tiết đến cấp huyện, xã, làng… về quá trình tụ cư và phân tách thành các nhóm nhỏ của dân tộc Gia Rai. Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu từ các vùng miền khác trên cả nước cũng quan tâm đến khu vực này như Nguyễn Tấn Đắc [29], Ngô Đức Thịnh [92-93], Lý Tùng Hiếu [40],…. Phần mô tả ở chương 1 về đặc điểm môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa lý tưởng của tượng nhà mồ Gia Rai dựa trên các tài liệu thuộc nhóm này. - Nhóm tài liệu về tín ngưỡng và phong tục tang ma cung cấp cho NCS những thông tin quan trọng về quá trình sáng tác, bối cảnh tồn tại trước - trong - sau lễ bỏ mả của các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ Gia Rai và một vài dân tộc khác cùng cư trú trong vùng, qua đó góp phần lý giải nội dung, ý nghĩa và nguyên tắc
  19. 12 xây dựng hình tượng nghệ thuật trong tượng nhà mồ. Những công trình nghiên cứu tiêu biểu thuộc nhóm này là: Tín ngưỡng & tôn giáo dân tộc Bahnar, Jrai [108], Lễ hội bỏ mả Bắc Tây Nguyên [14], và Bơ thi, cái chết được hồi sinh (đã dẫn) [25]. - Nghiên cứu liên quan đến nghệ thuật điêu khắc: Hầu hết tài liệu liên quan đến từ khóa này là các nghiên cứu nền tảng về Mỹ học và lý thuyết nghệ thuật. Những công trình tiêu biểu nhất có thể kể đến Mỹ học Folklore (V.E.Guxev) [34], Những nền tảng của Mỹ thuật (Ocvirk, Stinson, Wigg, Bone, Cayton) [78]; Các hình thái học của nghệ thuật (M.Cagan) [10]; Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật (C.Freeland) [32]; Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo (G.Collier) [13]; Foundations of Art and Design (L.Fichner-Rathus) [119]… và một số từ điển về nghệ thuật [12], [68], [70]. Nội dung những tài liệu này sẽ được trình bày sâu hơn trong chương 1 của luận án. Thống kê, mô tả trên đây cho thấy số lượng các nghiên cứu liên quan trực tiếp đến tượng nhà mồ tính đến nay đã có ít nhất là 8 quyển sách và 6 bài báo từng được đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Qua thao tác phân tích các tài liệu này từ những khía cạnh cụ thể được trình bày chi tiết trong PL1 - Bảng 1, NCS rút ra nhận định về tình hình nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ Gia Rai và xác định một số khoảng trống chưa khai thác trong lịch sử nghiên cứu về tượng nhà mồ như sau: Về giới hạn nghiên cứu: Xem xét giới hạn không gian, chỉ có 4 nghiên cứu xác định giới hạn là khu vực Bắc Tây Nguyên (số 7, 10, 11, 14), các nghiên cứu còn lại xác định giới hạn trên toàn vùng Tây Nguyên. Xem xét giới hạn đối tượng, có 5 nghiên cứu (số 3, 6-9) xác định “tượng/điêu khắc nhà mồ” là đối tượng chính, 9 nghiên cứu còn lại mở rộng hơn khi sử dụng khái niệm “tượng gỗ/tượng gỗ dân gian/điêu khắc gỗ dân gian” và xem xét cả tác phẩm điêu khắc ở những không gian khác như nhà rông, nhà ở, công trình văn hóa và dịch vụ du lịch. Các nghiên cứu chọn đối tượng là “nhà mồ/lễ bỏ mả” tập trung vào kiểu dáng kiến trúc hoặc bao quát cả không gian khu nhà mồ và nghiên cứu về quá trình cử hành nghi lễ, tượng nhà mồ chỉ được đề cập như một loại hình nghệ thuật trang trí có ý nghĩa quan trọng đối với không gian này. Về giới hạn chủ thể sáng tác và cũng là chủ thể thưởng ngoạn các tác phẩm điêu khắc, có 3 nghiên cứu (số 7, 10, 14) xác định giới hạn là hai dân tộc
  20. 13 Gia Rai và Ba Na mặc dù họ có nguồn gốc khác biệt dựa trên ngôn ngữ (dân tộc Gia Rai thuộc nhóm Mã Lai - Đa Đảo, dân tộc Ba Na thuộc nhóm Môn - Khmer), 11 nghiên cứu còn lại không xác định cụ thể, có thể hiểu là “các dân tộc tại chỗ”. Nhìn chung, hầu hết nghiên cứu đã công bố đều có tính khái quát cao, giới thiệu chung về văn hóa - nghệ thuật dân gian Tây Nguyên hơn là phân tích những đặc trưng thẩm mỹ trong điêu khắc tượng nhà mồ của từng dân tộc. Tính chuyên biệt, cụ thể là về đối tượng nghiên cứu (tượng nhà mồ), chủ thể sáng tác - sở hữu - thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật (dân tộc Gia Rai) và không gian nghiên cứu (Bắc Tây Nguyên, khu vực cư trú của dân tộc Gia Rai), là khoảng trống đầu tiên mà NCS chọn khai thác. Về hướng tiếp cận và nội dung nghiên cứu: Quyển sách Điêu khắc nhà mồ Tây Nguyên (số 9) là tài liệu duy nhất phân tích sâu về thủ pháp và giá trị nghệ thuật của đối tượng từ góc nhìn Nghệ thuật học. Có 3 tài liệu khác (số 2, 5, 6) kết hợp góc nhìn Nghệ thuật học với Văn hóa học, tuy nhiên, do giới hạn nghiên cứu quá rộng và đối tượng phức hợp, các tác giả chỉ đưa ra những nhận định tổng quan, chưa xác định những đặc điểm riêng trong ngôn ngữ điêu khắc của từng dân tộc. Hầu hết các nghiên cứu còn lại đã chọn hướng tiếp cận từ Văn hóa học hoặc Dân tộc học, Nhiếp ảnh, Quản lý và bảo tồn văn hóa. Nội dung các nghiên cứu nhấn mạnh hoàn cảnh ra đời và vai trò, ý nghĩa của tượng nhà mồ đối với phong tục tang ma của người dân Tây Nguyên, từ đó khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống của loại hình điêu khắc này. Sự thiếu vắng các nghiên cứu tiếp cận liên ngành với nội dung nghiên cứu sâu hơn từ góc nhìn Mỹ thuật học là khoảng trống thứ hai mà NCS chọn khai thác. Tóm lại, tổng quan tình hình nghiên cứu cho thấy đề tài luận án Nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ của dân tộc Gia Rai ở Bắc Tây Nguyên không trùng lặp với các nghiên cứu gần nhất đã từng được công bố mà kế thừa và khai thác những khoảng trống còn bỏ ngỏ trong các nghiên cứu này nhằm bổ sung một số kết quả nghiên cứu mới chi tiết hơn nữa, phù hợp với chuyên ngành. Bên cạnh đó, những dữ liệu nền tảng về môi trường tự nhiên và văn hóa hay bối cảnh sáng tác của tượng nhà mồ Gia Rai cũng đã được tập hợp đủ để làm cơ sở tiếp cận, xem xét đối tượng nghiên cứu từ nhiều góc nhìn, bổ trợ cho hướng tiếp cận chính của luận án là Mỹ thuật học.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2