Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Đặc điểm truyện kinh dị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX
lượt xem 8
download
Mục đích luận án "Đặc điểm truyện kinh dị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX" này là làm rõ những đặc điểm chủ yếu, quan trọng của truyện kinh dị Việt Nam trong bối cảnh đặc biệt của văn học dân tộc giai đoạn đầu thế kỷ XX
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Đặc điểm truyện kinh dị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX
- ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC VÕ THỊ BẢY ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN KINH DỊ VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN Huế, 2023
- ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC VÕ THỊ BẢY ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN KINH DỊ VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX Ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 9.22.01.21 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN Người hướng dẫn khoa học PGS.TS. NGUYỄN PHONG NAM TS. HOÀNG ĐỨC KHOA Huế, 2023
- LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các thông tin, tài liệu trích dẫn trong luận án đều được ghi rõ nguồn gốc; các kết quả phân tích, nghiên cứu là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình nào trước đây. Tác giả luận án NCS. Võ Thị Bảy i
- LỜI CẢM ƠN Tôi xin trân trọng cảm ơn Ban Giám hiệu trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, Phòng Đào tạo Sau đại học, các thầy cô khoa Ngữ văn đã tận tình giảng dạy và đưa ra những góp ý quý báu cho tôi trong quá trình thực hiện nghiên cứu và hoàn thiện luận án. Tôi xin trân trọng cảm ơn Ban Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Ban Giám hiệu trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Khoa Giáo dục Tiểu học và các thầy cô đồng nghiệp đã giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi trong thời gian tôi làm nghiên cứu sinh. Đặc biệt, tôi xin chân thành cảm ơn và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến thầy PGS.TS. Nguyễn Phong Nam và thầy TS. Hoàng Đức Khoa đã tận tình hướng dẫn và dìu dắt tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu. Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn gia đình và bạn bè luôn động viên, giúp đỡ để tôi hoàn thành luận án này. Huế, ngày 5 tháng 06 năm 2023 Tác giả luận án NCS. Võ Thị Bảy ii
- MỤC LỤC MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1 1. Lí do chọn đề tài ..................................................................................................1 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu .......................................................................2 2.1. Đối tượng nghiên cứu ..................................................................................2 2.2. Phạm vi nghiên cứu ......................................................................................3 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu ......................................................................4 3.1. Mục đích nghiên cứu ....................................................................................4 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu ...................................................................................4 4. Phương pháp nghiên cứu.....................................................................................4 4.1. Phương pháp nghiên cứu loại hình ..............................................................5 4.2. Phương pháp phân tích, tổng hợp ................................................................5 4.3. Phương pháp so sánh, đối chiếu ...................................................................5 4.4. Phương pháp nghiên cứu “trường hợp” .......................................................5 5. Đóng góp mới của luận án ..................................................................................6 6. Bố cục luận án .....................................................................................................7 Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CỦA LUẬN ÁN .........................................................................................8 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ......................................................................8 1.1.1. Những nghiên cứu chung về văn học “huyễn tưởng - kinh dị” ................8 1.1.2. Những nghiên cứu liên quan trực tiếp đến đề tài luận án .......................22 1.2. Đánh giá về tình hình nghiên cứu văn học huyễn tưởng - kinh dị và những vấn đề đặt ra của luận án ..............................................................................................34 1.2.1. Nhận định chung về tình hình nghiên cứu ..............................................34 1.2.2. Những vấn đề đặt ra và giải quyết ở luận án...........................................36 TIỂU KẾT .............................................................................................................37 Chương 2. DIỆN MẠO VÀ QUÁ TRÌNH VẬN ĐỘNG CỦA TRUYỆN KINH DỊ TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM .....................................................................38 2.1. Nhận diện truyện kinh dị trong văn học Việt Nam ........................................38 2.1.1. Xác lập khái niệm “truyện kinh dị” ........................................................38 2.1.2. Truyện kinh dị trong hệ thống phân loại văn học dân tộc ......................44 2.2. Quá trình vận động của truyện kinh dị Việt Nam ..........................................50 2.2.1. Giai đoạn thứ nhất, từ năm 1930 đến năm 1954 .....................................52 2.2.2. Giai đoạn thứ hai, từ năm 1954 đến đầu thế kỷ XXI ..............................60 TIỂU KẾT .............................................................................................................63 iii
- Chương 3. THẾ GIỚI HÌNH TƯỢNG VÀ DẤU ẤN VĂN HÓA, LỊCH SỬ TRONG TRUYỆN KINH DỊ VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX .................65 3.1. Đặc điểm thế giới nghệ thuật trong truyện kinh dị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX ..............................................................................................................65 3.1.1. Không gian bí hiểm và khung cảnh “xứ lạ” trong truyện kinh dị .......... 66 3.1.2. Hình tượng nhân - vật trong truyện kinh dị ............................................80 3.2. Dấu ấn văn hoá và lịch sử trong truyện kinh dị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX..... 88 3.2.1. Dấu ấn văn hoá dân tộc trong truyện kinh dị ..........................................88 3.2.2. Dấu ấn lịch sử - thời đại trong truyện kinh dị .........................................94 TIỂU KẾT ...........................................................................................................103 Chương 4. ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN KINH DỊ VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX QUA CỐT TRUYỆN, KẾT CẤU VÀ NGÔN NGỮ ...................................105 4.1. Đặc điểm cốt truyện và kết cấu của truyện kinh Dị việt Nam .....................105 4.1.1. Đặc điểm cốt truyện truyện kinh dị .......................................................105 4.1.2. Đặc điểm kết cấu truyện kinh dị ...........................................................112 4.2. Đặc điểm ngôn ngữ truyện kinh dị Việt Nam ..............................................124 4.2.1. Ngôn ngữ trần thuật mang đậm sắc thái kinh dị, ma quái ....................124 4.2.2. Ngôn ngữ trần thuật giàu kịch tính .......................................................131 TIỂU KẾT ...........................................................................................................137 KẾT LUẬN ............................................................................................................138 TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................141 PHỤ LỤC........................................................................................................... P1 iv
- MỞ ĐẦU 1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI 1.1. Từ trước tới nay, trong đời sống văn học nước ta, mảng sáng tác về cái huyễn tưởng, siêu thực, phi lý là một hiện tượng văn học rất đặc biệt. Những câu chuyện liên quan đến các nhân vật, sự vật, sự kiện mang tính kỳ quái, khác lạ, phi thường (tạm gọi là văn học huyễn tưởng, kinh dị) luôn có sức hấp dẫn, cuốn hút hết sức lớn lao đối với công chúng. Sự xuất hiện của nó một mặt đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thưởng thức của độc giả, mặt khác, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn học nước nhà. Ngoài ra, vào thời điểm mang tính bước ngoặt của lịch sử văn học dân tộc, vai trò của văn học huyễn tưởng, kinh dị càng được bộc lộ rõ ràng. Giai đoạn đầu thế kỷ XX, khi văn học Việt Nam diễn ra sự thay đổi hệ hình, từ trung đại sang hiện đại, mảng văn học này cũng đã góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá. 1.2. Thế nhưng có một thực tế là trong các công trình nghiên cứu, các bộ giáo trình về lịch sử văn học dân tộc, văn học huyễn tưởng, kinh dị chưa bao giờ được đề cao, coi trọng. Nói cách khác, mảng văn học này luôn nằm ở vị trí “bên lề”, “ngoại vi” trong bảng phân loại, xếp hạng các giá trị của văn học Việt Nam. Trong nhận thức chung, nó bị coi là thứ văn chương phóng phiếm, có hại cho sự giáo hoá con người. Thời trung đại, quan niệm này đã mặc định như thế; đến thời hiện đại, tuy có thay đổi nhưng không nhiều. Đấy rõ ràng là một nghịch lý, một sự bất thường trong đời sống văn học. Dĩ nhiên trong khoảng vài ba thập niên lại đây, văn học huyễn tưởng, kinh dị cũng là một đối tượng được giới nghiên cứu quan tâm tìm hiểu. Liên quan đến vấn đề này, đã có nhiều bài viết, công trình khảo cứu, tuyển tập tác phẩm được xuất bản; một số tiểu luận, luận văn Cao học, luận án Tiến sĩ được công bố. Trong các công trình đó, hầu hết mọi phương diện chủ yếu của loại hình văn học này đã được nghiên cứu, khảo luận. Chẳng hạn như quá trình sinh thành, con đường phát triển, quy luật vận động của văn học kinh dị, cho đến vai trò, địa vị văn học sử, ý nghĩa của nó trong đời sống văn hoá cộng đồng… Và có thể thấy ở những mức độ khác nhau, nhiều vấn đề đã được giải quyết. Tuy vậy, văn học huyễn tưởng, kinh dị là cả một phạm trù hết sức đa dạng và phức tạp. Sự phong phú của di sản văn học này không chỉ thể hiện qua số lượng, quy mô mà còn ở chủng loại, hình thức. Một số công trình, hoạt động nghiên cứu mà chúng tôi vừa nhắc ở trên chủ yếu tập trung vào di sản truyền 1
- thống (văn học thời trung đại), còn di sản hiện đại (tính từ đầu thế kỷ XX trở về sau này), đặc biệt là mảng truyện huyễn tưởng, kinh dị giai đoạn đầu thế kỷ XX thì còn rất hạn chế. 1.3. Đối với mảng truyện kinh dị, mặc dù giới chuyên môn đã có nhiều nỗ lực tìm hiểu song vẫn còn không ít vấn đề đang để ngỏ, nhiều câu hỏi liên quan vẫn chưa được trả lời một cách thoả đáng. Và điều đáng nói nữa, đó là đối tượng này hầu như chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ, có hệ thống. Biểu hiện rõ nhất của thực trạng này là chỗ, cho đến hiện tại, một định nghĩa rõ ràng, một thuật ngữ mang nội hàm minh bạch về truyện kinh dị vẫn đang tiếp tục được bàn thảo. Ngoài ra, sự phân tán, khác biệt trong quan niệm của giới chuyên môn về những vấn đề cốt lõi của truyện kinh dị vô hình trung cũng lại gây trở ngại lớn cho việc nhận thức. Những vấn đề cụ thể như diện mạo truyện kinh dị, những đặc trưng loại hình, quy luật vận động của nó… vẫn là những câu hỏi đang chờ được trả lời. Đấy rõ ràng là chỗ khiếm khuyết, bất cập trong hoạt động nghiên cứu văn học dân tộc. Bởi vì một khi những câu hỏi mang tính tiền đề, gốc rễ chưa được giải quyết một cách thoả đáng, khi đối tượng nghiên cứu chưa được nhận diện rõ ràng, rành mạch thì mặc nhiên những kết luận, khái quát về nó đều trở nên phiến diện, thiếu sức thuyết phục. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng theo chúng tôi, mấu chốt nằm ở cách thức tiếp cận, phương pháp nhận thức. Sự thiếu phù hợp, ít tương thích giữa phương pháp nghiên cứu được lựa chọn, thậm chí chính “giới hạn của phương pháp” cũng ảnh hưởng nhiều tới kết quả nghiên cứu. Tựu trung, truyện kinh dị, một loại hình văn học rất có ý nghĩa đối với đời sống văn hoá, văn học của nước nhà, dù được bàn luận từ lâu nhưng vẫn đang trong tình trạng mơ hồ. Chính vì thế mà nhu cầu nhận diện một cách rõ ràng, nhận thức đầy đủ, có hệ thống bằng những phương pháp thích hợp, hiệu quả về truyện kinh dị cần thiết được đặt ra. Đấy là lý do chủ yếu để chúng tôi lựa chọn vấn đề Đặc điểm truyện kinh dị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX làm đề tài nghiên cứu của mình. 2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU 2.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án này là Đặc điểm truyện kinh dị Việt Nam. Khái niệm truyện kinh dị mà chúng tôi sử dụng trong công trình này được hiểu là những tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ, xuất hiện từ đầu thế 2
- kỷ XX trở về sau, có nội dung và phương thức nghệ thuật đặc thù. Về đối tượng phản ánh, truyện kinh dị đề cập đến những nhân vật, sự vật, sự việc dị thường, kỳ lạ, bí hiểm; thể hiện cách tư duy độc đáo về những chiều kích khác lạ của đời sống, của nội tâm con người. Những yếu tố đó thể hiện một phương pháp nhận thức đặc biệt của nhà văn về thế giới nhân sinh; đồng thời cũng là tác nhân chính tạo tâm lý lo lắng, sợ hãi và làm nảy sinh cảm giác thích thú, khoái cảm thẩm mỹ ở người đọc. Luận án tập trung vào truyện kinh dị của một số nhà văn có nhiều thành tựu ở mảng văn học này như Thế Lữ, TchyA Đái Đức Tuấn, Lan Khai, Nguyễn Tuân, Cung Khanh, Kim Ba, Thanh Tịnh, Bùi Hiển, Bình Nguyên Lộc, Đỗ Huy Nhiệm, Lý Văn Sâm… Ngoài ra, do tính chất phức tạp của đề tài, trong trường hợp cần thiết, luận án còn mở rộng khảo sát một số tác phẩm thuộc mảng văn học kinh dị, huyền ảo nước ngoài (Trung Quốc và một số nước Phương Tây); tác phẩm truyền kỳ, chí quái chí dị Việt Nam thời trung đại nhằm mục đích so sánh, đối chiếu với truyện kinh dị trong văn học Việt Nam hiện đại. 2.2. Phạm vi nghiên cứu Luận án này sẽ tập trung vào việc khảo sát các phương diện chủ yếu của truyện kinh dị Việt Nam, một kiểu loại mới được hình thành trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, trên cơ sở kế thừa những thành tựu văn học truyền thống và tiếp thu, tiếp biến văn học nước ngoài. Từ đó làm rõ những đặc điểm cơ bản của truyện kinh dị, cả về quá trình lịch sử, đặc điểm nội dung cũng như hình thức nghệ thuật. Văn bản tác phẩm được chúng tôi lựa chọn để khảo sát chủ yếu là những ấn phẩm được xuất bản lần đầu, nằm trong khoảng nửa đầu thế kỷ XX. Ở luận án này, “nửa đầu” được hiểu là từ những năm năm mươi (thời điểm cụ thể là 1954) trở về trước. Tuy nhiên, mốc thời gian này cũng chỉ mang tính tương đối. Theo quan điểm của chúng tôi, một số truyện kinh dị, mặc dù được công bố sau mốc (1954) ít lâu nhưng vì một số lý do cụ thể, xét thấy cần thiết thì vẫn thuộc giới hạn khảo sát của luận án. Chẳng hạn, tác phẩm chưa/ không thể xác định thời điểm xuất bản cụ thể, tác phẩm vốn được tác giả khởi thảo hoặc hoàn thành trước đó… Nói chung, tùy trường hợp cụ thể, dựa vào đặc điểm nội dung và một số dấu hiệu khác như phong cách nghệ thuật, ngôn ngữ… để có thể sử dụng hay không. 3
- 3. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU 3.1. Mục đích nghiên cứu Truyện kinh dị là kết quả của quá trình thừa tiếp những giá trị văn học truyền thống của dân tộc đồng thời tiếp thu và cải biến các yếu tố văn học nước ngoài, nhiều nhất là văn học Trung Quốc, văn học các nước Âu - Mỹ (Pháp, Anh, Mỹ…). Phương thức sáng tạo này tỏ ra thích hợp và hiệu quả đối với hoàn cảnh và điều kiện thực tế của nước ta. Các nhà văn đã tạo nên một kiểu loại văn học mới, có giá trị nhiều mặt, không chỉ đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của độc giả đương thời mà còn có giá trị lâu dài. Mục đích chính mà chúng tôi hướng tới trong luận án này là làm rõ những đặc điểm chủ yếu, quan trọng của truyện kinh dị Việt Nam trong bối cảnh đặc biệt của văn học dân tộc giai đoạn đầu thế kỷ XX. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Trên những đường hướng cơ bản như trên, công trình sẽ tập trung giải quyết những nhiệm vụ cụ thể dưới đây: Trước hết là tiến hành nhận diện diện mạo, bản chất của truyện kinh dị Việt Nam. Tiếp đến là phác thảo quá trình vận động và phát triển của nó trong lịch sử văn học dân tộc. Cuối cùng là trình bày một cách tương đối đầy đủ, có hệ thống các đặc trưng cơ bản của kiểu loại văn học này, xét trên phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Nghiên cứu về văn học huyễn tưởng - kinh dị nói chung, truyện kinh dị nói riêng là một việc đầy khó khăn, thách thức. Trên thực tế, cho đến bây giờ trong giới chuyên môn vẫn đang tồn tại nhiều quan niệm, nhiều cách hiểu khác nhau về những vấn đề rất cơ bản liên quan đến truyện kinh dị. Chẳng hạn câu hỏi Thế nào là truyện kinh dị (?); Truyện kinh dị giống/ khác với các kiểu loại/ loại hình văn học khác như truyện truyền kỳ, truyện chí quái, chí dị, truyện ma quỷ, truyện huyễn tưởng…như thế nào (?); Truyện kinh dị của văn học hiện đại Việt Nam xuất hiện lúc nào, do ai viết (?)… Những câu hỏi ít nhiều mang tính chất lý thuyết, lý luận về đối tượng như vậy quả là không dễ trả lời; và dù không trực tiếp gắn với đề tài nhưng rất cần thiết được làm rõ. Chính vì thế, bên cạnh nhiệm vụ chính của luận án, chúng tôi còn cố gắng giải quyết phần nào những vấn đề liên quan này. 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Trong quá trình triển khai đề tài, để phù hợp với tính chất đặc thù của đối tượng nghiên cứu là truyện kinh dị, chúng tôi sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu nhằm giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Một số phương pháp tiếp cận chủ yếu trong luận án này bao gồm: 4
- 4.1. Phương pháp nghiên cứu loại hình Truyện kinh dị Việt Nam là một hiện tượng văn học rất đa dạng về hình thức thể loại, có số lượng lớn và quy mô khác nhau. Vì thế một trong những phương pháp nghiên cứu được sử dụng để nhận thức, khám phá đối tượng là phương pháp loại hình. Phương pháp nghiên cứu này có thể giúp nhận diện, phân loại, đánh giá truyện kinh dị một cách hợp lý. 4.2. Phương pháp phân tích, tổng hợp Trong hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung, nghiên cứu văn học nói riêng, phân tích và tổng hợp có thể được xem là phương pháp nhận thức hoặc thao tác nghiên cứu. Trong luận án này, chúng tôi sử dụng phương pháp phân tích và tổng hợp theo cả hai nghĩa: vừa là cách nhận thức, chiếm lĩnh đối tượng vừa là biện pháp, thao tác xử lý cụ thể. Phương pháp phân tích và phương pháp tổng hợp vốn là hai cách thức tiếp cận đối tượng nghiên cứu khác nhau. Đối với phương pháp phân tích thì chia tách, phân xuất đối tượng thành các yếu tố, bộ phận riêng lẻ là mục đích chính; trong khi đó, phương pháp tổng hợp lại theo xu hướng ngược lại. Ở luận án này, trong quá trình khảo sát các tác phẩm cụ thể, khi cần thiết phải đi sâu tìm hiểu đặc điểm nội dung và nghệ thuật của từng trường hợp riêng, chúng tôi sẽ vận dụng một cách linh hoạt cách thức/ thao tác này. 4.3. Phương pháp so sánh, đối chiếu Mục đích cuối cùng của việc so sánh, đối chiếu là để tìm ra những nét tương đồng và dị biệt giữa các sự vật, hiện tượng đời sống. Ở luận án này, chúng tôi sẽ tiến hành so sánh, đối chiếu đối tượng trên những cấp độ, những phạm vi khác nhau: so sánh, đối chiếu giữa các tác phẩm, các tác giả, các giai đoạn; so sánh đối chiếu giữa truyện kinh dị với các thể loại hoặc loại hình văn học khác… Trong một số trường hợp cần thiết và ở chừng mực nhất định, chúng tôi còn tiến hành so sánh truyện kinh dị Việt Nam với truyện kinh dị của một số nền văn học khác (như Trung Quốc, các nước Phương Tây). Kết quả so sánh, đối chiếu được thực hiện trên nhiều “cấp độ”, nhiều phương diện như vậy sẽ góp phần làm rõ hơn diện mạo và đặc điểm truyện kinh dị Việt Nam. 4.4. Phương pháp nghiên cứu “trường hợp” Nghiên cứu “trường hợp” (case study), cũng có thể gọi phương pháp nghiên cứu “điển hình”, vốn là phương pháp được vận dụng nhiều trong các bộ môn thuộc lĩnh vực khoa học thực nghiệm. Đây là cách nhận thức dựa vào kết quả khảo sát các đối tượng được người nghiên cứu lựa một cách chọn lọc, có chủ ý. Trong đề tài của chúng tôi, do đặc trưng của đối tượng, phương pháp “trường hợp” sẽ được vận dụng ở một số khâu phù hợp. 5
- Truyện kinh dị rất đa dạng về mặt thể loại, hình thái tác phẩm, số lượng rất lớn, quá trình phát triển lâu dài, do vậy chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát các “mẫu” hay “trường hợp” có tính chất tiêu biểu, đại diện. Vì thế mà những gì được gọi là đặc điểm của truyện kinh dị sẽ được khái quát trên cơ sở dữ liệu cần thiết, vừa đủ chứ không phải toàn bộ tác phẩm. 4.5. Ngoài các phương pháp vừa nêu trên, để đạt được mục tiêu nghiên cứu đã đặt ra, trong luận án này chúng tôi còn sử dụng phương pháp thống kê - mô tả; phương pháp cấu trúc - hệ thống; đồng thời kết hợp vận dụng một số phương pháp, thủ pháp nghiên cứu đặc thù của các lĩnh vực, các hệ thống lý thuyết khác như văn hoá học, tự sự học, thi pháp học để giải quyết vấn đề. Thực tế cho thấy trong hoạt động nghiên cứu văn học không có phương pháp nào là vạn năng. Bất kỳ một cách thức khám phá, phương pháp nhận thức nào cũng có ưu điểm và hạn chế nhất định. Vì thế nên khi nghiên cứu đặc điểm truyện kinh dị Việt Nam, một đối tượng phức tạp, một đề tài khó khăn, chúng tôi thấy cần thiết phải vận dụng, phối hợp nhiều phương pháp như vậy. 5. ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN Với đề tài “Đặc điểm truyện kinh dị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX”, luận án của chúng tôi có một số đóng góp mới trong việc nghiên cứu về đối tượng này. Cụ thể như sau: (1). Luận án tiến hành xác lập khái niệm “truyện kinh dị” với các tiêu chí cụ thể của một loại hình văn học. Trên cơ sở đó, luận án mô tả một cách đầy đủ, toàn diện diện mạo truyện kinh dị Việt Nam. Luận án cũng trình bày một cách hệ thống quá trình hình thành, vận động của truyện kinh dị Việt Nam. Đó là quá trình tiếp thu, kế thừa các giá trị văn học quá khứ; tiếp nhận, cải biến các yếu tố văn học từ nước ngoài cộng với sự cách tân, sáng tạo của các nhà văn để hình thành nên một loại hình văn học đặc sắc, vừa in đậm dấu ấn văn học truyền thống, vừa mới mẻ, hiện đại. (2). Trên cơ sở nội hàm khái niệm “truyện kinh dị Việt Nam”, luận án phân tích các kiểu dạng tác phẩm của truyện kinh dị nửa đầu thế kỷ XX; đồng thời khái quát các đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của loại hình. Về nội dung, truyện kinh dị kết tinh trong đó những giá trị văn hoá tinh thần, thể hiện tâm thức văn hoá cộng đồng; truyện kinh dị đã chuyển tải không khí, tinh thần thời đại, dấu ấn lịch sử xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX theo một phương cách rất đặc biệt. Đó là hình ảnh cuộc sống, con người Việt Nam được khúc xạ qua lăng kính dị thường, thể hiện bằng những chiều kích 6
- “siêu thực”. Xét về bản chất, văn học kinh dị là “mỹ học về nỗi sợ hãi” được kiến tạo với khát vọng khoả lấp những “vùng trũng, “vùng tối” trong đời sống nội tâm của của người. Về hình thức nghệ thuật, đặc điểm nổi bật của truyện kinh dị là sự dung hợp, phối trộn thành công các yếu tố mang tính đối lập, khác biệt của các loại hình, các thời đại, các nền văn học… để từ đó hình thành một kiểu loại văn học mới mẻ, hiện đại. Điều đó được thể hiện qua nhiều yếu tố (như cốt truyện, kết cấu, phương thức trần thuật, lời văn...). (3). Luận án cũng đưa ra các nhận định, đánh giá một cách khách quan, khoa học về giá trị, ý nghĩa của truyện kinh dị trong đời sống. Đó là những tác động, ảnh hưởng của thể loại truyện kinh dị đối với người đọc trong việc hình thành thị hiếu thẩm mỹ, nhân cách văn hóa của cá nhân và cộng đồng. Trên phương diện lịch sử văn học, luận án trình bày một cách cụ thể vai trò, vị trí của loại hình truyện kinh dị trong tiến trình vận động văn học dân tộc; những tác động mạnh mẽ, tích cực của nó cho quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam. 6. BỐ CỤC LUẬN ÁN Ngoài các phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Danh mục các công trình nghiên cứu liên quan đến luận án đã công bố và Phụ lục tác phẩm, luận án có 4 chương chính: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu và những vấn đề đặt ra của luận án. Chương này nhằm đánh giá chung về thành tựu nghiên cứu “văn học kinh dị” ở Việt Nam và từ đó đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, hướng triển khai đề tài luận án. Chương 2. Diện mạo và quá trình vận động của truyện kinh dị trong văn học Việt Nam. Chương này đi vào giải quyết những vấn đề mang tính lý luận, lý thuyết chung; đồng thời trình bày một cách khái quát về các đặc trưng cơ bản cũng như quá trình sinh thành, phát triển của truyện kinh dị Việt Nam. Chương 3. Thế giới hình tượng và dấu ấn văn hóa, lịch sử trong truyện kinh dị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Chương này trình bày những đặc điểm thuộc phạm trù nội dung của truyện kinh dị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Các luận điểm chính ở chương 3 đề cập đến các vấn đề liên quan tới thế giới nghệ thuật trong truyện kinh dị; dấu ấn văn hóa, lịch sử trong truyện kinh dị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Chương 4. Đặc điểm truyện kinh dị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX qua cốt truyện, kết cấu và ngôn ngữ. Chương cuối cùng này tập trung vào việc trình bày những đặc điểm nghệ thuật của truyện kinh dị. Đặc điểm quan trọng nhất chính là sự dung hợp giữa tính truyền thống và hiện đại trong tác phẩm qua một số yếu tố thuộc về cốt truyện, kết cấu và ngôn ngữ. 7
- Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CỦA LUẬN ÁN 1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.1.1. Những nghiên cứu chung về văn học “huyễn tưởng - kinh dị” Loại hình văn học kỳ ảo, huyễn tưởng, kinh dị là khái niệm có nội hàm rất rộng. Nó bao gồm nhiều kiểu dạng, hình thái tác phẩm rất khác nhau; từ các thể loại đơn giản, dung lượng ngắn theo lối tiểu truyện, truyện ngắn, truyện vừa cho đến những bộ tiểu thuyết với các tuyến nhân vật, sự kiện phức tạp; được hình thành và vận động suốt một quá trình lịch sử lâu dài. Trên thế giới, văn học kỳ ảo, kinh dị, huyễn tưởng… đã có một chặng đường phát triển hàng trăm năm, với thành tựu hết sức lớn lao. Ngay trong thế kỷ XX, ở Phương Tây đã có rất nhiều nhà văn nổi tiếng “chuyên” sáng tác về loại hình văn học này; tác phẩm của họ đã trở thành “kinh điển”. Có thể kể đến các trường hợp như Jorge Luis Borges (1809-1899), nhà văn Argentina, Howard Phillips Lovecraft (1890-1937), nhà văn Mỹ, Franz Kafka (1883 – 1924), nhà văn Cộng hòa Sec, Villiers de L’Ites Adam (1838-1889), nhà văn Pháp… và đặc biệt là tác gia người Mỹ Edgar Allan Poe (1809-1849). Đi kèm với sáng tác là các hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình. Việc nhận thức về loại hình văn học này đã được đúc kết khá đầy đủ qua các mục từ trong một số bộ sách dưới dạng từ điển chuyên ngành như Từ điển các thể loại và khái niệm văn học (2001, Albin Michel, Paris), Dẫn giải các ý niệm văn chương (Henri Benac, Nguyễn Thế Công dịch, NXB Giáo dục, 2005), Từ điển các tác phẩm thế kỷ XX - Văn học Pháp và bằng tiếng Pháp (Henri Mitterant, Robert, Paris, 1995), Từ điển văn học thế giới (1964, Joseph Twadell Shipley biên tập, Allen & Unwin xuất bản)… Ngoài ra, cần kể đến hàng loạt tên tuổi lẫy lừng với những công trình đặc sắc của rất nhiều nhà nghiên cứu như David Ciccoricco với Đọc truyện trên Internet (Reading Network Fiction, University of Alabama Press, 2007); Robert L. Gale với Cốt truyện và nhân vật trong tiểu thuyết và thơ của Edgar Allan Poe (Plots and Characters in the Fiction and Poetry of Edgar Allan Poe, Archon Books, Hamden, CT. 1970); Tz. Todorov với Loại hình truyện trinh thám (The Typology of Detective Fiction, eBook ISBN9780367809195, 1966), Cách tiếp cận cấu trúc đối với một thể loại văn học (Structural Approach to a Literary 8
- Genre, Cornell University, 1975); Reuben Post với Lịch sử văn học Hoa Kỳ (History of American Literature, New York: American book Company, 1911)... Tuy nhiên ở Việt Nam, tình hình có khác. Việc nghiên cứu văn học kỳ ảo, huyễn tưởng nói chung, truyện kinh dị nói riêng được tiến hành khá muộn. Xét về tính chất, văn học kỳ ảo, huyễn tưởng, kinh dị nước ta mang đậm dấu ấn truyền thống nhưng cũng đồng thời kết hợp trong đó những điểm đặc trưng của văn học hiện đại. Chính vì thế mà tìm hiểu truyện kinh dị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX mặc nhiên gắn liền với việc nghiên cứu về văn học kỳ ảo, huyễn tưởng, kinh dị nói chung. Nhìn một cách bao quát, có thể thấy từ trước tới nay các nhà nghiên cứu đã tiếp cận văn học kỳ ảo, huyễn tưởng, kinh dị trên hai phương diện chủ yếu. Đó là những vấn đề mang tính lý luận, lý thuyết và thực tiễn sáng tác, tiếp nhận loại hình văn học này. Trên thực tế, các bài viết, ý kiến bàn luận chỉ được đưa ra sau khi mảng sáng tác này đã có được vị trí khá ổn định trong đời sống văn học, tức là vào những năm 30 thế kỷ XX trở lại. Đấy là thời điểm mà một loạt sáng tác được gọi là “truyện kinh dị”, “truyện đường rừng”, “truyện ma”… của các nhà văn tài năng như Thế Lữ, Lan Khai, TchyA Đái Đức Tuấn, Nguyễn Tuân…. xuất hiện. Tuy nhiên lúc đó, sự bàn luận cũng chỉ chủ yếu tập trung vào tác phẩm của các tác giả vừa nêu. Phải đến nửa cuối thế kỷ XX, nhất là từ những năm tám mươi trở đi, tình hình mới thay đổi. Càng về sau thì hoạt động tìm hiểu, nhận thức về loại hình văn học này càng trở nên sôi nổi hơn; vấn đề nghiên cứu cũng rộng hơn. Không chỉ nghiên cứu, phê bình về các tác giả, tác phẩm cụ thể mà những vấn đề mang tính lý thuyết về văn học huyễn tưởng, kinh dị, kỳ ảo cũng được giới chuyên môn chú ý. Trên phương diện lý thuyết thể loại, qua ý kiến của giới chuyên môn, có thể thấy đặc trưng nổi bật của loại hình văn học này chính là yếu tố kỳ ảo, lạ lùng, phi thường hiện diện trong tác phẩm. Mục đích của các tác phẩm văn chương huyễn tưởng, kinh dị là giải trí. Điều này bộc lộ qua khả năng gây nên trạng thái tâm lý, cảm xúc đặc biệt với nhiều sắc thái, mức độ khác nhau; từ phân vân, lo lắng cho đến hoảng sợ, hãi hùng (cụ thể hoặc mơ hồ) ở độc giả. Cảm giác đó được nảy sinh từ những yếu tố khó tin, không thể tồn tại trong thế giới thực. Nói cách khác, chính những yếu tố kỳ lạ, huyền ảo, huyễn tưởng trong tác phẩm đã làm nên/ dẫn đến trạng thái tâm lý đặc biệt ấy ở người đọc. Ở đây, ranh giới giữa cái phi lí và hợp lí, giữa sự vật, sự việc bình thường và bất thường 9
- đã bị xóa nhòa. Nó gây ra cho độc giả tình trạng gọi là “lưỡng lự, phân vân” (Tz. Todorov), vì không xác định được thực - ảo. Do có vai trò quan trọng như thế cho nên yếu tố kỳ ảo, huyễn ảo trong văn học trở thành vấn đề mấu chốt, được các nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu. Những vấn đề có tính lý luận, lý thuyết về văn học kỳ ảo, huyễn tưởng, truyền kỳ… được thể hiện qua các công trình, bài viết của nhiều tác giả như Phùng Văn Tửu, Trương Đăng Dung, Nguyễn Văn Dân, Đặng Anh Đào, Lã Nguyên, Lê Huy Bắc, Lê Nguyên Long, Lê Nguyên Cẩn,… Nhà nghiên cứu Phùng Văn Tửu, trong bài “Phương thức huyền thoại trong sáng tác văn học”, đăng trên Tạp chí Văn học, số 10 (2007), cho rằng: “Huyền thoại là một thuật ngữ xuất hiện từ xa xưa và nội dung của nó thay đổi không ngừng. Khái niệm huyền thoại trong hệ thống thần thoại Hy Lạp không giống với chữ huyền thoại trong chữ dùng của nhà sử học cổ đại Herodote. Huyền thoại của Thiên chúa khác với huyền thoại theo chủ nghĩa cấu trúc. P. Valery, M. Proust hiểu huyền thoại không giống với R. Garaudy. Trong lĩnh vực văn học, hầu hết các nhà nghiên cứu đều tìm đến nguồn gốc thuật ngữ này từ ngôn ngữ cổ Hy Lạp phiên âm theo ngữ hệ Latinh mythos (tiếng Pháp là mythe, tiếng Anh là myth, tiếng Việt là huyền thoại). Mythos có nghĩa là “lời nói”. Đi sâu vào phân tích từ nguyên thì mythos là lời nói (thoại) mơ hồ, tối nghĩa (huyền), cần phải giải mã mới tìm ra được ẩn ý. Nội dung của nó thường không rõ ràng vì bị che lấp phía sau những thứ linh tinh chẳng liên quan gì đến bản thân nó (…). Như vậy, nói đến huyền thoại là người ta nghĩ ngay đến những yếu tố siêu nhiên, hoang đường. Huyền thoại xưa tôn vinh các nhân vật, các sự kiện siêu phàm nên ngày nay trong đời sống xã hội ta cũng dùng thuật ngữ ấy để nói về những sự kiện, những nhân vật kiệt xuất hoặc tài ba trong cuộc sống đời thường (…) Do tính chất hư cấu, không có thật của hyền thoại xưa nên nhiều khi thuật ngữ ấy còn được dùng để chỉ những sự việc, những mơ ước hão huyền” [138, tr.4-5]. Tác giả đi đến kết luận “huyền thoại trở thành một trong những kỹ thuật của tiểu thuyết”. Ở một bài khác, “Những hướng đổi mới của văn học kỳ ảo thế kỷ XX”, trên Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 5 (2006), cũng của tác giả Phùng Văn Tửu, thì cho rằng văn học kỳ ảo vốn có từ xa xưa và rất đa dạng. “Những thuật ngữ ta thường gặp như “chí dị” (Liêu Trai chí dị), “chích quái” (Lĩnh Nam chích quái”, “truyền kỳ” (Truyền kỳ mạn lục), “quái dị” (Truyện ngắn quái dị), “kinh dị” (Văn học kinh dị), “thần bí” (Chùm truyện ngắn viễn tưởng và thần bí)… đều có thể hiểu theo nghĩa “kì ảo”. Cũng vậy, ở phương Tây, các nhà văn có 10
- thể dùng những thuật ngữ khác để đặt tên cho tác phẩm thực chất là những tác phẩm kỳ ảo của họ” [137, tr.48]. Phùng Văn Tửu phân biệt “văn học kỳ ảo” và “cái kỳ ảo trong văn học” dựa trên “tỷ lệ” và “ý nghĩa quyết định đến cơ cấu và chủ đề của tác phẩm”. Nhà nghiên cứu Lã Nguyên có bài viết rất đáng chú ý với tiêu đề Văn học kỳ ảo: nhìn từ hệ hình thế giới quan. Ngay từ phần Dẫn nhập, tác giả khẳng định, văn học kỳ ảo là một phạm trù rất rộng cả về không gian và thời gian. Theo ông thì “lý thuyết về văn học kỳ ảo chính là lý thuyết về văn học” và “Tuổi thọ của văn học kỳ ảo là tuổi thọ của văn học” [155]. Đi sâu vào việc nhận thức đối tượng, tác giả cho rằng vấn đề cốt lõi của nghiên cứu văn học kỳ ảo chính là “hệ hình thế giới quan”. Bởi vì sự khác nhau giữa văn học hiện thực và văn học kỳ ảo chủ yếu nằm ở “kiểu tư duy”. Chính “kiểu tư duy” đã dẫn đến hiện tượng có “Hai mô hình thế giới nghệ thuật”, “Hai kiểu hình tượng thế giới” trong văn học. Lã Nguyên viết: “Vào những năm 30 của thế kỷ trước, bằng việc đưa ra khái niệm “chronotop” (tiếng Nga trong văn bản), M. Bakhtin đã đặt cơ sở lý thuyết cho việc nghiên cứu các sáng tác văn học như những thế giới nghệ thuật. Nền tảng của thế giới nghệ thuật là tổ chức không gian, thời gian. Mỗi kiểu tổ chức không gian, thời gian nghệ thuật lại ứng với một kiểu cấu trúc hình tượng, bao gồm cả hình tượng tác giả và hình tượng thế giới. Bởi vì mô hình thế giới nghệ thuật và cấu trúc hình tượng chẳng qua chỉ là sự biểu hiện cụ thể của các nhãn quan giá trị và nguyên tắc tư duy hiện thực. Mô hình thế giới nghệ thuật tổ chức theo lối bổ đôi, phân cực trong truyện kỳ ảo là mô hình của sử thi. Mô hình xóa bỏ cái nhìn phân cực của sử thi chính là mô hình của tiểu thuyết. Rất dễ nhận ra, cấu trúc hìnhh tượng tiểu thuyết được tổ chức theo nguyên tắc của câu đố. Cấu trúc hình tượng sử thi lại được tổ chức theo nguyên tắc của dụ ngôn (…) Nếu nghệ thuật là sản phẩm của tưởng tượng và hư cấu thì sự kỳ ảo thuộc về bản chất của văn học nghệ thuật. Tuổi thọ của văn học kỳ ảo chính là tuổi thọ của văn học. Những kết luận được rút ra từ nghiên cứu văn học kỳ ảo chỉ có ý nghĩa khoa học khi chúng góp phần soi sáng các vấn đề về văn học nghệ thuật nói chung” [155]. Nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung có bài về văn học huyễn tưởng, kinh dị, với tiêu đề là “Thế giới nghệ thuật của Franz Kafka”, đăng trên Tạp chí Văn học, số 1 (1998) theo chúng tôi là rất đáng chú ý. Từ đối tượng khảo sát là một nhà văn cụ thể, ông đã đưa ra nhận xét rất sâu sắc về loại hình văn học này. Tác giả viết: “Franz Kafka không phải triết gia, ông là nhà văn, và đó là một 11
- điều may mắn cho văn học thế giới. Ông không tư duy và viết bằng khái niệm mà thể hiện các trạng thái, các tình huống bằng hình ảnh. Thế giới nghệ thuật của ông là một trong những hiện tượng độc đáo của văn học thế giới thế kỷ XX không phải do những điều nó thể hiện về mặt khái niệm, mà do cái nhìn hình ảnh được thực hiện đầy sáng tạo về thế giới. Kafka không có ý định miêu tả các mối liên hệ thuộc về tư tưởng” [28, tr.62]. Trương Đăng Dung đã khái quát rất chính xác về bản chất tác phẩm của Kafka, một trong những nhà văn hàng đầu thế giới về văn học kinh dị. Theo Trương Đăng Dung thì xét trên một vài phương diện nào đó, có thể nói rằng văn học kinh dị, huyễn tưởng chính là văn học về nỗi lo lắng, sợ hãi. Tác giả viết tiếp: “Thực ra, nỗi lo âu và sự tha hóa là những hiện tượng đi cùng với nhau, cùng tăng lên hoặc giảm đi trong quá trình lịch sử nhân loại. Về phương diện này có thể nói lịch sử nỗi lo âu của con người là đặc trưng của lịch sử nhân loại. Xã hội phát triển đồng thời với với phát sinh những nỗi lo âu mới, và bên cạnh nỗi lo sợ có nguồn gốc tự nhiên, đã xuất hiện nỗi lo sợ có nguồn gốc xã hội mà nền tảng của nó là sự tha hóa giữa người với người.” [28, tr.63] Có thể thấy văn học huyễn tưởng, phi lý là một “cách tư duy” khác biệt, đặc thù của nhà văn về cuộc sống. Nó đặc biệt bởi thế giới trong tác phẩm văn học phi lý, huyễn tưởng không giống với giới thực tế. “Đọc tác phẩm của Franz Kafka, người đọc đều có cái cảm giác bấp bênh giữa hư và thực. Cái thế giới có trong tác phẩm vừa giống lại vừa không giống hiện thực bên ngoài, nó vừa có thể xảy ra lại vừa không thể hình dung được (…) Thực ra, Kafka không chỉ xem xã hội tư bản là phi lý, mà mọi loại xã hội với những thiết chế quyền lực không thực sự vì lợi ích của con người đều phi lý, xấu xa, không đáng sống, và không thể nào sống được” [28, tr. 66]. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân cũng là tác giả có nhiều công trình nghiên cứu về văn học phi lý, huyễn tưởng. Ở bài “Huyễn tưởng văn học và truyện kinh dị”, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4 (2002), ông cho rằng truyện kinh dị có nguồn gốc từ các thể loại văn học truyền thống. Dấu ấn rõ nhất chính là truyện truyền kỳ: “Đến truyện truyền kỳ thì bắt đầu có sự kết hợp giữa hư và thực, làm thành nguồn gốc cho loại truyện huyễn tưởng. Trong đó yếu tố kỳ lạ thường xuất hiện bất ngờ ngay giữa cái thế giới hiện thực cuộc sống thường nhật của con người… Từ loại hình văn học đó cộng với nhiều nguồn gốc nghệ thuật và xã hội khác nữa, đến thời lãng mạn đã xuất hiện loại hình văn học khai thác yếu tố kỳ lạ mà phương Tây bắt đầu dùng thuật ngữ “cái huyễn tưởng” [27, tr.10]. 12
- Trong số những nghiên cứu của Nguyễn Văn Dân, đáng chú ý hơn cả là cuốn Văn học phi lý, được xuất bản năm 2002. Một công trình công phu, dày trên 600 trang, gồm hai phần; Phần I. Khảo luận và Phần II, Tư liệu. Nhà nghiên cứu cho rằng văn học phi lý là một hiện tượng văn học độc đáo của thế kỷ XX; và trên thế giới, đây cũng là một trong những hiện tượng gây tranh cãi nhiều nhất, dai dẳng nhất. Tuy vậy, ở Việt Nam việc giới thiệu và nghiên cứu văn học phi lý được bắt đầu muộn (phải từ những năm sáu mươi trở đi mới có những công trình đầu tiên). Đáng chú ý là “trước thời mở cửa, văn học phi lý thường bị phê phán nhiều hơn là khẳng định”. Ở phần II của công trình, nhà nghiên cứu giới thiệu (trích tuyển) 7 tác phẩm của 4 nhà văn tiêu biểu thuộc dòng văn học phi lý; gồm: Vụ án (của Franz Kafka); Huyền thoại Sisyphe và Kẻ xa lạ (đều của Albert Camus); Nữ ca sĩ hói đầu và Những chiếc ghế (đều của Engene Ionesco); Đợi Godot của (Samuel Backett); Sự cố hỏng xe (của Friedrich Durenmatt). Đây là phần trích tuyển tác phẩm dùng để minh họa cho phần lý thuyết, khảo luận về văn học phi lý. Đáng quan tâm nhất là phần Khảo luận (phần I) của công trình. Ở đây tác giả đã trình bày một cách khái quát về văn học phi lý qua 4 chương. Chương 1 có tiêu đề, Tư tưởng về cái phi lý qua các thời đại. Chương này dành để giới thuyết khái niệm “phi lý”. Tác giả giải thích và tiến hành so sánh chỗ giống nhau và khác nhau của khái niệm phi lý trong triết học và khái niệm phi lý trong văn học. Chương 2 có tiêu đề là Những bước tiến hóa của văn học phi lý. Chương này gồm các mục: “Văn học phi lý – một phản ứng cuả thời đại lịch sử”; “Sự thống nhất của hai mặt đối lập: Kafka và Camus”; “Kịch phi lý - cơn kịch phát của văn học phi lý”. Chương 3 có tiêu đề là Những đóng góp của văn học phi lý cho lịch sử văn học nhân loại. Trong đó có 3 mục gồm “Đóng góp về nhận thức”; “Đóng góp về tư tưởng đạo lý - nhân văn”; “Đóng góp về thủ pháp nghệ thuật”. Chương 4 có tiêu đề Văn học phi lý - một sự khủng hoảng mang tính sáng tạo. Gồm 2 mục: “Từ khủng hoảng xã hội đến khủng hoảng văn học”; và “Dư âm của văn học phi lý”. Qua 4 chương, tác giả đi đến kết luận: Văn học phi lí “là một loại hình có chung một đối tượng sáng tác, một quan điểm phi lý nằm trong một phong trào phản kháng chung của thế kỷ XX (…) Nó đề cập đến một chủ đề rất thời sự, rất cốt lõi và cũng rất nhức nhối của nhân loại: cái phi lí (…) Văn học phi lí đã có những cách tân sáng tạo đáng kể về mặt nghệ thuật. Nó đã góp phần làm thay đổi những quan niệm trì trệ của văn học truyền thống, đem lại những hình thái biểu đạt mới và một thứ ngôn ngữ nghệ thuật mới” [26, tr.119-120]. 13
- Trong bài viết Về khái niệm cái kỳ ảo và văn học kỳ ảo trong nghiên cứu văn học của tác giả Lê Nguyên Long, vấn đề yếu tố kỳ ảo, truyện ngắn kỳ ảo cũng được đề cập khá cụ thể. Trên cơ sở quan niệm về “cái kỳ ảo” và “văn học kỳ ảo” của các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài, tác giả đã đưa ra ý kiến của mình về cái kỳ ảo. Theo Lê Nguyên Long, “cái kỳ ảo là cái không thể cắt nghĩa được bằng lí tính từ điểm nhìn của chúng ta tới tầm nhận thức hiện tại. Chính cái không cắt nghĩa được bằng lí tính ấy đã tạo nên một “sự đứt gãy trong chuỗi liên kết vũ trụ” (Roger Callois), gây ra tâm trạng hoang mang cho những người nào đối diện với nó. Tác giả khẳng định “cái kỳ ảo và văn học kỳ ảo rõ ràng đã mở rộng biên độ của hiện thực, bổ khuyết cho con người trong cái nhìn về hiện thực” [64; tr. 20-40]. Cũng bàn về khái niệm “kỳ ảo”, một tác giả khác là Lê Nguyên Cẩn trong chuyên luận Cái kỳ ảo trong tác phẩm Balzac đã cố gắng làm rõ nội hàm khái niệm này bằng những lý giải cụ thể. Theo ông thì “cái kỳ ảo là một khái niệm thi pháp loại hình đồng thời là một phạm trù tư duy nghệ thuật. Nó là sản phẩm của trí tưởng tượng và được biểu hiện bằng các yếu tố thần linh, quái dị, ma quỷ, khác lạ, phi thường, siêu nhiên” [17, tr.47]. Dẫn lại ý kiến của một số nhà nghiên cứu nước ngoài, Lê Nguyên Cẩn thống nhất với quan niệm cho rằng yếu tố kỳ ảo trong văn học có tác dụng “tạo nên sự đứt gãy trong chuỗi liên kết vũ trụ, tạo ra sự do dự, phân vân trong lòng độc giả. Nó là quãng lặng, là sự ngắt mạch, là sự xâm lấn của cái siêu nhiên trong cuộc sống đời thường, là sự xâm lấn của cái phi lôgic trong một thế giới lôgic” [17, tr.51]. Yếu tố kỳ ảo có mặt một cách phổ biến, thường xuyên, lâu dài trong văn học. Không chỉ xuất hiện trong văn học dân gian mà cả trong văn học viết, xuyên suốt qua các thời đại, các quá trình lịch sử văn học. Nó “tồn tại độc lập, không hoà tan vào các dạng thức khác nhau của trí tưởng tượng”. Nhà nghiên cứu Lê Huy Bắc có bài “Cái kỳ ảo và văn học huyễn ảo”, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 8 (2006). Đây là một bài viết khá công phu, đề cập đến nhiều vấn đề xung quanh cái gọi là “văn học huyễn ảo”. Bài viết gồm có 6 mục nhỏ: 1/. Cái kì ảo và văn học kì ảo: Những vướng mắc, nhầm lẫn; 2. Khái niệm văn học huyễn ảo; 3/. Văn học huyễn ảo có tự bao giờ; 4/. Văn học huyễn ảo: thể loại hay khuynh hướng (phương pháp); 5/. Văn học huyễn ảo và vị trí của văn học kì ảo; 6/. Nguyên nhân ra đời của cái huyễn ảo. Trên cơ sở những khái niệm chuyển dịch từ một số ngôn ngữ khác sang tiếng Việt hiện đang được sử dụng rộng rãi và những khái niệm nguyên gốc quen thuộc mà giới chuyên môn trên thế giới vẫn dùng, ông đề xuất khái niệm 14
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Ẩn dụ ý niệm cảm xúc trong thành ngữ tiếng Việt (so sánh với thành ngữ tiếng Anh)
322 p | 421 | 84
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Giao thoa nghệ thuật giữa hai khuynh hướng văn xuôi lãng mạn và văn xuôi hiện thực thời kì 1932 - 1945
217 p | 372 | 81
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Ngôn ngữ báo chí Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh
184 p | 279 | 48
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Đối chiếu cấu trúc – ngữ nghĩa tục ngữ tiếng Hán hiện đại và tiếng Việt
237 p | 195 | 33
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: So sánh truyện cổ tích thần kỳ người Khmer Nam Bộ với truyện cổ tích thần kỳ người Việt (một số type và motif cơ bản)
169 p | 129 | 28
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay từ cách đọc chấn thương
164 p | 87 | 24
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Vị trí của Hồ Biểu Chánh trong văn xuôi quốc ngữ Việt Nam đầu thế kỷ XX (1900 - 1930)
232 p | 135 | 23
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: So sánh phương thích nối trong văn bản tiếng Việt và tiếng Anh
202 p | 115 | 22
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Nghiên cứu thơ đi sứ của Đoàn Nguyễn Thục và Đoàn Nguyễn Tuấn
90 p | 109 | 14
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại nhìn từ góc độ thể loại
176 p | 56 | 13
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử
172 p | 135 | 12
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Cổ mẫu trong tiểu thuyết John Steinbeck
184 p | 44 | 12
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Cấu tạo và phương thức thể hiện tiếng cười của truyện cười hiện đại Việt Nam
179 p | 97 | 11
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Phản trinh thám trong bộ ba New York của Paul Auster
167 p | 109 | 9
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Nghiên cứu văn bản Ngự chế cổ kim thể cách thi pháp tập
282 p | 39 | 8
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Cổ mẫu trong tiểu thuyết John Steinbeck
27 p | 26 | 5
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay từ cách đọc chấn thương
27 p | 25 | 4
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: So sánh truyện cổ tích thần kỳ người Khmer Nam Bộ với truyện cổ tích thần kỳ người Việt (một số type và motif cơ bản)
55 p | 41 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn