QUỐC HỘI
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Luật số: 50/2024/QH15 Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2024
#
LUẬT
CÔNG ĐOÀN
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Công đoàn.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Công đoàn Việt Nam
Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao
động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản
Việt Nam lãnh đạo; đại diện cho công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (sau đây
gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo
và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản
lý kinh tế - xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của
cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ
của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề
nghiệp, chấp hành pháp luật, tham gia các phong trào thi đua, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam; quyền
thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; việc gia nhập Công đoàn Việt Nam
của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn;
trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đối với
Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về
công đoàn.
Điều 3. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với công đoàn các cấp, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị -
xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp,
tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước
ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức,
đơn vị, doanh nghiệp); tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn, người
lao động và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quyền công đoàn là quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn của người lao động, đoàn
viên công đoàn và quyền của tổ chức Công đoàn theo quy định của pháp luật, quy định của cơ quan
có thẩm quyền.
2. Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, tập hợp đoàn viên công đoàn trong
một hoặc một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở
hoặc công đoàn cấp tỉnh, công đoàn ngành trung ương và tương đương công nhận theo quy định của
pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
3. Nghiệp đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, tập hợp những người làm việc
không có quan hệ lao động, cùng ngành, nghề hoặc những người lao động đặc thù khác, được công
đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt
Nam.
4. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là một cấp trong hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam,
trực tiếp thực hiện quyền công nhận và chỉ đạo hoạt động công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở theo
quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
5. Cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm, chỉ định để thực
hiện các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Cán bộ công đoàn bao gồm:
a) Cán bộ công đoàn chuyên trách là người được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm, chỉ định để đảm
nhiệm thường xuyên công việc trong tổ chức Công đoàn;
b) Cán bộ công đoàn không chuyên trách là người được công đoàn các cấp bầu cử hoặc cấp có
thẩm quyền của Công đoàn chỉ định vào chức danh từ tổ phó tổ công đoàn trở lên để kiêm nhiệm
công việc của tổ chức Công đoàn.
6. Đoàn viên công đoàn là người lao động được kết nạp hoặc công nhận vào Công đoàn Việt Nam
theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
7. Người sử dụng lao động là cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác
xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, tuyển dụng, sử dụng người lao động và trả lương, tiền công
theo quy định của pháp luật.
8. Tranh chấp về quyền công đoàn là tranh chấp phát sinh giữa người lao động, đoàn viên công
đoàn, tổ chức Công đoàn với người sử dụng lao động về việc thực hiện quyền công đoàn hoặc giữa
tổ chức Công đoàn với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp về việc có liên quan đến tổ
chức, hoạt động công đoàn.
9. Điều lệ Công đoàn Việt Nam là văn bản do Đại hội Công đoàn Việt Nam thông qua, quy định về
tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, cơ cấu tổ chức bộ máy của Công đoàn Việt Nam;
điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập, giải thể và chấm dứt hoạt động công đoàn; quyền,
trách nhiệm của tổ chức công đoàn các cấp; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; tài chính,
tài sản của Công đoàn; nội dung khác liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn. Điều lệ Công
đoàn Việt Nam không được trái với quy định của Hiến pháp, pháp luật và quy định của cơ quan có
thẩm quyền.
Điều 5. Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn
1. Người lao động Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
2. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời
hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở.
3. Việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn
Việt Nam, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 6. Việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp
Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp mà tự nguyện,
tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam; việc gia nhập
Công đoàn Việt Nam được quy định như sau:
1. Hồ sơ gia nhập Công đoàn Việt Nam bao gồm:
a) Văn bản đề nghị gia nhập Công đoàn Việt Nam;
b) Bản sao các văn bản thể hiện tính hợp pháp của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp;
c) Văn bản thể hiện việc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp quyết định gia nhập Công
đoàn Việt Nam; thể thức thông qua quyết định gia nhập Công đoàn Việt Nam thực hiện theo quy
định của pháp luật về lao động;
d) Danh sách có chữ ký của thành viên tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam;
đ) Văn bản, thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc giải quyết các quyền, nghĩa
vụ của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và thành viên của tổ chức mình có liên quan
đến tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp;
2. Trình tự, thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam được thực hiện như sau:
a) Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gửi hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này đến công
đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương có thẩm quyền;
b) Khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và
tương đương có thẩm quyền xem xét, công nhận việc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp
gia nhập Công đoàn Việt Nam; trường hợp không công nhận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ
lý do;
3. Khi được công nhận việc gia nhập Công đoàn Việt Nam thì:
a) Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp đương nhiên chấm dứt hoạt động với tư cách tổ
chức của người lao động tại doanh nghiệp. Công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương
có trách nhiệm thông báo kết quả công nhận cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp đăng
ký để thu hồi đăng ký đã cấp;
b) Người lao động là thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tự nguyện và đủ
điều kiện gia nhập Công đoàn Việt Nam theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì được công nhận là
đoàn viên công đoàn;
4. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức
của người lao động tại doanh nghiệp quy định tại Điều này.
Điều 7. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam
1. Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện; tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung
dân chủ; hợp tác, phối hợp với người sử dụng lao động, đồng thời bảo đảm tính độc lập của tổ chức
Công đoàn.
2. Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối,
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Điều 8. Hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam
1. Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất bao gồm 4 cấp sau đây:
a) Cấp trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
b) Công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương bao gồm liên đoàn lao động tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là liên đoàn lao động cấp tỉnh); công đoàn ngành trung
ương; công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam;
c) Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở bao gồm liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố
thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là liên đoàn lao động cấp
huyện); công đoàn ngành địa phương; công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty không
thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này; công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu
kinh tế, khu công nghệ cao; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác theo quy định của Điều lệ Công
đoàn Việt Nam;
d) Công đoàn cấp cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.
2. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định thành lập và xác định cấp công đoàn đối với
công đoàn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trên cơ sở quyết định của Quốc hội về thành lập đơn
vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
3. Mô hình tổ chức công đoàn được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu,
nguyện vọng chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động, yêu cầu thực tiễn và quy định
của pháp luật. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện nội
dung quy định tại khoản này.
4. Điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể và chấm dứt hoạt động của tổ chức Công đoàn thực
hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Điều 9. Hợp tác quốc tế về công đoàn
1. Hợp tác quốc tế về công đoàn phải phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách đối
ngoại, Hiến pháp, pháp luật, quy định về công tác đối ngoại nhân dân và điều ước quốc tế mà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Hợp tác quốc tế về công đoàn được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn
lãnh thổ, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng thể chế chính trị và không can thiệp vào công
việc nội bộ của nhau; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam và Công đoàn Việt Nam trên trường
quốc tế.
3. Nội dung hợp tác quốc tế về công đoàn bao gồm:
a) Thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại, thành tựu phát triển kinh
tế - xã hội của đất nước;
b) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ công đoàn;
c) Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động công đoàn, phong trào công nhân quốc tế; thực hiện các
hoạt động đoàn kết, hỗ trợ quốc tế;
d) Thiết lập quan hệ hợp tác, đàm phán, ký kết và thực hiện cam kết, thỏa thuận hợp tác song
phương và đa phương; đại diện cấp quốc gia của người lao động tham gia các diễn đàn quốc tế;
tham gia hoạt động, gia nhập hoặc rút khỏi tổ chức công đoàn quốc tế;
đ) Vận động, điều phối, phê duyệt, tiếp nhận, quản lý sử dụng nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật
của các đối tác quốc tế cho Công đoàn theo quy định của pháp luật;
e) Tiếp nhận và trao tặng các hình thức khen thưởng;
g) Thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn
Việt Nam.
4. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý hoạt động hợp tác quốc
tế theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Điều 10. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn.
2. Phân biệt đối xử đối với người lao động, cán bộ công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt
động công đoàn, bao gồm các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi Công đoàn Việt Nam để được tuyển dụng, giao
kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc;
b) Sa thải, kỷ luật, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; không tiếp tục
giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; chuyển người lao động làm công việc
khác;
c) Phân biệt đối xử về tiền lương, thưởng, phúc lợi, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác
trong lao động;
d) Kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng và phân biệt đối xử khác trong lao
động;
đ) Thông tin không đúng sự thật nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của cán bộ công đoàn;
e) Hứa hẹn, cung cấp lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất để người lao động, cán bộ công đoàn
không tham gia hoạt động công đoàn, thôi làm cán bộ công đoàn hoặc có hành vi chống lại Công
đoàn;
g) Chi phối, cản trở, gây khó khăn liên quan đến công việc nhằm làm suy yếu hoạt động công đoàn;
h) Hành vi khác theo quy định của pháp luật.
3. Sử dụng biện pháp kinh tế, đe dọa tinh thần hoặc biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức Công
đoàn, can thiệp, thao túng quá trình thành lập, hoạt động của Công đoàn, làm suy yếu hoặc vô hiệu
hóa việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn.
4. Không bảo đảm các điều kiện hoạt động công đoàn và cán bộ công đoàn theo quy định của pháp
luật.
5. Không đóng kinh phí công đoàn; chậm đóng kinh phí công đoàn; đóng kinh phí công đoàn không
đúng mức quy định; đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng; quản
lý, sử dụng kinh phí công đoàn không đúng quy định.
6. Nhận viện trợ, tài trợ, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật trái quy định của pháp luật.
7. Lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích
hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân.
8. Thông tin không đúng sự thật, kích động, xuyên tạc, phỉ báng về tổ chức và hoạt động công đoàn.
Chương II
QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN VÀ ĐOÀN VIÊN CÔNG ĐOÀN
Mục 1. QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN
Điều 11. Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công
đoàn và người lao động
1. Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan
hệ lao động; là thành viên của các ủy ban, ban chỉ đạo, hội đồng quốc gia có liên quan đến quyền,
lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và quyền, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn.
2. Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng tập thể, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa
ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật về lao động.
Chủ động thỏa thuận với người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động hỗ trợ,
thực hiện các chế độ, điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.
3. Đại diện theo pháp luật cho tập thể người lao động khởi kiện vụ việc lao động tại Tòa án khi
quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị vi phạm.
Đại diện theo ủy quyền của người lao động khởi kiện vụ việc lao động tại Tòa án khi quyền, lợi ích
hợp pháp, chính đáng của người lao động bị vi phạm, trừ trường hợp pháp luật về tố tụng có quy
định khác.
4. Đại diện cho người lao động, tập thể người lao động tham gia tố tụng dân sự, hành chính trong vụ
việc, vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính
đáng của người lao động, tập thể người lao động theo quy định của pháp luật.
5. Tham gia xây dựng, ban hành và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, định mức lao
động, quy chế trả lương, quy chế thưởng; nội quy lao động; kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp