
Tuyển tập Hội nghị Khoa học thường niên năm 2024. ISBN: 978-604-82-8175-5
142
NGHIÊN CỨU SỬ DỤNG TRO XỈ ĐÁY LÒ
CỦA NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN HẢI DƯƠNG THAY THẾ
HOÀN TOÀN CÁT TỰ NHIÊN ĐỂ CHẾ TẠO VỮA XÂY DỰNG
Nguyễn Việt Đức
Trường Đại học Thủy lợi, email: ducnv@tlu.edu.vn
1. GIỚI THIỆU CHUNG
Theo báo cáo gần đây của Cục Kỹ thuật an
toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công
Thương, hiện nay trên cả nước có 33 nhà
máy nhiệt điện đốt than đang vận hành.
Lượng tro, xỉ phát thải từ các nhà máy này
hàng năm ước khoảng trên 16 triệu tấn và
lượng tiêu thụ đạt trên 14 triệu tấn/năm, đạt
khoảng hơn 87% lượng phát thải, con số này
đã tăng rất nhiều qua các năm. Ngoài ra, còn
lượng tro, xỉ tồn tại các bãi lưu trữ dồn qua
các năm là khoảng 48,4 triệu tấn [1].
Nhà máy nhiệt điện Hải Dương có công
suất 1.200MW gồm 2 tổ máy được Chính
phủ cho phép đầu tư, xây dựng với diện tích
gần 200ha tại xã Quang Thành và xã Lê
Ninh, thị xã Kinh Môn từ năm 2010. Trong
đó, bãi chứa tro, xỉ thải có diện tích 71,5 ha
có sức chứa 6,55 triệu tấn. Sau quá trình dài
xây dựng đến năm 2020, nhà máy đã chính
thức phát điện thương mại. Hàng năm tổng
lượng tro bay, xỉ thải ra từ hoạt động của nhà
máy là trên 6,4 triệu tấn, lượng vận chuyển đi
tiêu thụ trên 5,9 triệu tấn, còn lại tập kết tại
bãi chứa là trên 449.000 tấn, trong đó tro bay
chiếm trên 80%, còn lại là tro xỉ đáy lò. Hiện
nay tro bay của nhà máy được sử dụng làm
phụ gia khoáng cho xi măng, và thay thế một
phần nguyên liệu sản xuất gạch xây nung và
không nung. Trong khi đó, tro xỉ đáy lò được
sử dụng chủ yếu để làm vật liệu san lấp trong
thi công hạ tầng giao thông tại các khu công
nghiệp trong tỉnh và các tỉnh lân cận, nhằm
thay thế cát san lấp có chi phí cao [2].
Theo số liệu công bố mới nhất về giá thị
trường của các loại vật liệu xây dựng của Sở
Xây dựng tỉnh Hải Dương và các tỉnh lân cận
như Hải Phòng và Hưng Yên, thì việc sử
dụng tro xỉ đáy lò làm vật liệu san lấp trong
thi công cơ sở hạ tầng giao thông sẽ mang lại
lợi ích về kinh tế do giá thành thấp hơn so
với cát san lấp khoảng 30% [3]. Cũng theo
bảng báo giá thị trường, giá thành của cát xây
dựng thường gấp đôi giá của cát san lấp. Do
vậy, nếu tro xỉ đáy lò có thể thay thế cát xây
dựng trong việc chế tạo bê tông và đặc biệt là
vữa xây dựng có sử dụng lượng cát lớn, thì
hiệu quả về kinh tế có thể thấy rõ rệt.
Trong bài báo này, tác giả trình bày nghiên
cứu sử dụng tro xỉ đáy lò của nhà máy nhiệt
điện Hải Dương thay thế hoàn toàn cát tự
nhiên để chế tạo vữa xây dựng, phục vụ cho
việc xây tường gạch của các công trình xây
dựng dân dụng và công nghiệp.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Để đánh giá nhanh tính khả thi của tro xỉ
đáy lò, tác giả chọn vữa xây dựng mác 75 là
đối tượng để nghiên cứu. Đây là mác vữa được
sử dụng tương đối rộng rãi ở các công trình
xây dựng hiện nay. Các mác vữa khác sẽ được
thực hiện trong nghiên cứu tiếp theo. Theo
thông tư 10 của Bộ Xây Dựng về Ban hành
định mức xây dựng [4], thành phần cấp phối
của vữa xây dựng mác 75 có sử dụng cát xây
dựng được sử dụng để làm mẫu đối chứng.
Các vật liệu sử dụng trong nghiên cứu bao
gồm: xi măng Long Sơn PCB30, cát vàng
Vĩnh Phú, tro xỉ đáy lò của nhà máy nhiệt điện