Quản lí và chăm sóc sức khỏe phụ nữ có thai và cho con bú
lượt xem 2
download
Tài liệu "Quản lí và chăm sóc sức khỏe phụ nữ có thai và cho con bú" nhằm giúp học viên trình bày được các vấn đề sức khỏe ưu tiên ở phụ nữ có thai và cho con bú. Vận dụng được các nguyên lí của Y học gia đình vào việc quản lí, chăm sóc cho phụ nữ có thai và cho con bú. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Quản lí và chăm sóc sức khỏe phụ nữ có thai và cho con bú
- QUẢN LÍ VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE PHỤ NỮ CÓ THAI VÀ CHO CON BÚ Mục tiêu: 1. Trình bày được các vấn đề sức khỏe ưu tiên ở phụ nữ có thai và cho con bú 2. Vận dụng được các nguyên lí của Y học gia đình vào việc quản lí, chăm sóc cho phụ nữ có thai và cho con bú ĐẶT VẤN ĐỀ Mang thai và sinh con là quá trình sinh lý bình thường của người phụ nữ nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe, sự sống còn của mẹ và thai nhi. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 585000 phụ nữ tử vong có liên quan đến thai nghén và sinh đẻ. Trong đó, tiền sản giât, sản giật được xác định là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho mẹ trong sản khoa. Ngoài ra, nhiều trẻ tử vong sau khi chào đời do mắc phải các dị tật bẩm sinh hoặc mang bệnh, dị tật suốt đời, ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Điều đó cho thấy, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần được tiếp cận với các biện pháp can thiệp hiệu quả và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng cao hơn nữa. Hiện nay, sự chia sẻ về chăm sóc sản khoa là một công việc thường xuyên mà các bác sĩ gia đình đã và đang thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ khi mang thai và cho con bú cần được thực hiện liên tục và toàn diện phù hợp với nguyên lí CSSK của các bác sĩ gia đình. 1. CHĂM SÓC SỨC KHỎE TRƯỚC KHI CÓ THAI Lời khuyên với người phụ nữ dự định có thai là nên đến với BSGĐ để được tư vấn và chăm sóc trước khi có thai, để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh. BSGĐ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại của cả hai vợ chồng, những yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe bố mẹ và thai nếu người phụ nữ mang thai. Từ đó, lập kế hoạch chăm sóc sức khỏe, cung cấp lời khuyên về các hành vi và các phơi nhiễm có thể tác hại đến mẹ hoặc thai. Chăm sóc sức khỏe trước khi có thai nên được thực hiện trước khi thụ thai 3 tháng. Những vấn đề quan trọng BSGĐ nên cung cấp cho người phụ nữ trước khi có thai bao gồm: 1.1. Di truyền: Đánh giá nguy cơ các khuyết tật di truyền của thai nhi, cần lưu ý một số đối tượng có nguy cơ cao như: tuổi mẹ từ 35 trở lên nguy cơ con bị Down tăng cao hơn, những người có tiền sử sảy thai, thai lưu, có con tử vong sơ sinh, lịch sử gia đình về các bệnh di truyền...... 1.2. Tiêm phòng + Human Papillomavirus (HPV): Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo, cả 2 giới nam và nữ ở độ tuổi từ 9 – 26 tuổi đều nên tiêm phòng vắc xin HPV, và tiêm trước khi quan hệ tình dục để đạt hiệu quả miễn dịch tốt nhất. + Vắc xin MMR được dùng để tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh sởi, quai bị, Rubella. Nên tiêm phòng MMR trước khi có thai 3 tháng. + Vắc xin viêm gan B, thủy đậu, cúm,... BSGĐ sẽ xem xét tình trạng từng người bệnh cụ thể để đưa ra tư vấn phù hợp. 58
- 1.3. Một số vấn đề sức khỏe Nhiều bệnh lý của mẹ có thể đặt bà mẹ và thai nhi trước nguy cơ tăng tỉ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong. Một số trường hợp việc dùng thuốc điều trị có thể là yếu tố nguy cơ thêm vào. Khám phát hiện các bệnh mạn tính tiềm ẩn nhằm điều trị bệnh kịp thời (bệnh tim mạch, tăng huyết áp, thiếu máu, đái tháo đường, viêm gan, suy thận, lao, động kinh, rối loạn tâm thần, bất thường về cấu trúc hoặc chức năng cơ quan sinh dục....). Một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục: Bệnh lây truyền qua đường tình dục trong thai kỳ có thể gây ra nguy cơ sẩy thai, sinh non, sinh con nhẹ cân và bệnh lý ở trẻ sơ sinh. Do đó, tất cả những người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và bạn tình cần được thăm khám, tư vấn về khả năng mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng như cách phòng tránh trước và trong khi có thai: Chlamydia, bệnh lậu, Herpes sinh dục, Giang mai, HIV,… 1.4. Sử dụng thuốc BSGĐ cần tư vấn và quản lí tình trạng sử dụng thuốc mua không đơn của người bệnh, đặc biệt quan trọng với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Một số loại thực phẩm chức năng, thảo dược hay vitamin cũng có thể là không an toàn cho thai nhi khi sử dụng. Ví dụ uống Vitamin A với liều cao hơn 10.000UI trong thời kỳ mang thai có thể gây dị tật bẩm sinh. Đối với các người bệnh mang thai đang điều trị bệnh mạn tính, cần cân nhắc chỉnh liều thuốc đạt được kiểm soát tối đa và thay thế các thuốc có thể ảnh hưởng đến thai nhi, mà vẫn đảm bảo duy trì sức khỏe người mẹ. 1.5. Hành vi lối sống Một lối sống khoa học, ăn uống đầy đủ khi mang thai luôn được khuyến khích để thai nhi phát triển tốt nhất. Có một số thói quen của bà bầu lại gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi: - Uống đồ uống có chất kích thích: Trong thời kỳ mang thai, người phụ nữ thường chỉ tránh uống rượu, bia mà quên rằng các loại đồ uống có chứa caffeine như chè, cà phê... cũng không nên sử dụng. Người phụ nữ mang thai sử dụng đồ uống có chất kích thích là một trong những nguyên nhân gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi như chậm phát triển trí tuệ, khiếm khuyết hệ thần kinh, tăng nguy cơ sảy thai và thai chết lưu - Hút thuốc lá: là một trong những nguyên nhân làm hạn chế tăng trưởng tử cung và nhau thai, gây rau bong non, ối vỡ sớm, cân nặng sơ sinh thấp, tử vong chu sinh. BSGĐ cần áp dụng những mô hình tư vấn giúp phụ nữ mang thai và người thân trong gia đình của họ cần ngưng thuốc lá sớm. - Điện thoại: Sử dụng điện thoại quá nhiều ở phụ nữ mang thai được chứng minh đem lại những tác động tiêu cực đến thai nhi. Nguyên nhân do bức xạ của điện thoại có ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai và gây một số rối loạn về hành vi sau khi lớn lên như bị tăng động giảm chú ý. - Tâm lý xã hội: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tâm trạng của người mẹ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển não bộ và tính cách của em bé sau này. BSGĐ cần đánh giá các yếu tố nguy cơ như rào cản chăm sóc, mang thai ngoài ý muốn, sử dụng chất gây nghiện, trầm cảm, bạo lục gia đình và những stress trong cuộc sống để lập kế hoạch chăm sóc tốt nhất cho người phụ nữ mang thai. 59
- 2. QUẢN LÍ THAI NGHÉN Mỗi phụ nữ mang thai phải được quản lí thai và khám thai ít nhất 4 lần trong thai kỳ: + 1 lần trong 3 tháng đầu, + 1 lần trong 3 tháng giữa, + 2 lần trong 3 tháng cuối. Chăm sóc trước sinh cần được thực hiện theo 9 bước sau: + Hỏi: bản thân, gia đình, các yếu tố liên quan,… + Khám toàn thân + Khám sản khoa + Làm xét nghiệm + Tiêm phòng uốn ván + Cung cấp thuốc thiết yếu + Giáo dục sức khỏe + Ghi chép sổ và phiếu khám thai, phiếu hẹn. + Kết luận, dặn dò 2.1. Chăm sóc trước sinh 3 tháng đầu Ba tháng đầu (từ 0 đến 13 tuần) là giai đoạn quan trọng nhất trong sự phát triển của thai nhi. Đây là giai đoạn các cơ quan quan trọng và các phần cơ thể của thai nhi sẽ bắt đầu hình thành và hoàn thiện, do đó đây cũng là thời kỳ mà thai nhi chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi các yếu tố bên ngoài. Đối với người mẹ, giai đoạn này thường đặc trưng bởi mệt mỏi, buồn nôn và thay đổi cảm xúc. Đối với người thầy thuốc, việc lên kế hoạch chăm sóc từ những ngày đầu tiên thai kỳ là thời điểm tốt nhất giúp xác lập thời kỳ thai nghén khỏe mạnh. 2.1.1. Chẩn đoán thai nghén Các test thai nghén hiện nay giúp xác định có thai sớm, chỉ sau quan hệ tình dục từ 7 đến 10 ngày. Chẩn đoán có thai dựa trên tiền sử kinh nguyệt, test thử thai nhanh quickstick, định lượng βhCG trong máu hoặc siêu âm. Các dấu hiệu mà người phụ nữ có thể tự nhận biết được gồm: chậm kinh, vú căng và nở ra, mệt mỏi và buồn nôn. 2.1.2. Xác định ngày dự kiến sinh (EDC: expected date of confinement) Xác định ngày dự kiến sinh đúng (EDC) là một dấu mốc để phát hiện và quản lí có hiệu quả các vấn đề trong thai kỳ như: thai chậm phát triển trong tử cung, chuyển dạ sớm, đa thai, thai quá kỳ hạn,... Phương pháp đơn giản nhất để ước tính EDC dựa trên ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối cùng, xác định điều này phải tính đến độ tin cậy của trí nhớ người bệnh, độ dài và tính đều đặn của chu kỳ kinh nguyệt. - Quy luật Nagele (+7/-3) ước tính EDC bằng cách lấy ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối thêm 7 ngày và trừ đi 3 tháng. Phương pháp này tính dựa trên chu kỳ kinh 28 ngày. Ví dụ, ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối là ngày 9/6, vậy ước tinh EDC sẽ là 16/3 năm sau. - Quy tắc 9 tháng 10 ngày: Lấy ngày đầu kỳ kinh cuối cùng, đếm thêm 9 tháng rồi cộng thêm 10 ngày nữa là đến ngày dự kiến sinh. Đối với những người không nhớ được ngày đầu kỳ kinh cuối hay có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hoặc không đều, EDC được ước tính qua khám thai. Sử dụng siêu âm để tính tuổi thai là phương pháp hiện nay đang áp dụng phổ biến. 5 tuần đã có thể thấy 60
- túi thai trong tử cung, 7-8 tuần thấy tim thai và ước tính EDC dựa vào đo chiều dài đầu mông khi CRL ≤ 84mm. Đo đường kính lưỡng đỉnh của thai là phương pháp đáng tin cậy để xác định tuổi thai ở tuổi thai 20 – 30 tuần. 2.1.3.Khai thác tiền sử và đánh giá nguy cơ - Tiền sử bản thân: Cần được khai thác một cách đầy đủ và chi tiết, nhất là tiền sử sản khoa: chu kỳ kinh nguyệt, chỉ số PARA, tiền sử nạo phá thai, các vấn đề bất thường gặp ở lần mang thai trước. Tiền sử bệnh lý bản thân trước kia và hiện tại, các bệnh mạn tính hoặc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Tiền sử dị ứng và sử dụng thuốc, tiền sử các bệnh lý tâm thần kinh. - Tiền sử gia đình: Khai thác các bệnh lý có tính chất di truyền có thể liên quan đến thai phụ và thai nhi. Khai thác tiền sử gia đình cần bổ sung tiền sử của từng thành viên một cách cụ thể, bao gồm thông tin về bệnh, các dị tật bẩm sinh, chậm phát triển tâm thần vận động. Khai thác tiền sử xã hội cần mô tả trình độ học vấn của người bệnh, tình trạng làm việc, tôn giáo, lối sống. - Các hành vi có nguy cơ phải được ghi nhận: Sử dụng rượu và chất uống có cồn, hút thuốc lá, ma túy, môi trường độc hại, mới phơi nhiễm với các bệnh lây truyền đặc biệt là Rubella hoặc Toxoplasmose, sử dụng thuốc,… 2.1.4. Khám thực thể và xét nghiệm cận lâm sàng Trong lần khám trước sinh đầu tiên của thai phụ, người thầy thuốc cần khám thực thể một cách toàn diện, đặc biệt quan tâm tới huyết áp, kích thước và hình dáng tử cung, cấu hình khung chậu. - Huyết áp: việc đo huyết áp trong 3 tháng đầu thai kỳ nhằm xác định những người phụ nữ bị tăng huyết áp trước đó. Phụ nữ tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai có nguy cơ bị tiền sản giật, cần được đánh giá thêm các yếu tố liên quan khác. THA thai kỳ là THA xảy ra sau tuần 20 của thai kỳ và kết thúc vào tháng thứ 3 sau sinh mà không liên quan đến tình trạng tiền sản giật ở mẹ hay thai nhi. Phụ nữ bị THA mạn tính, khi mang thai có nguy cơ cao hơn bị các biến chứng rau bong non, tiền sản giật, sản giật, sảy thai, sinh non, cân nặng sơ sinh thấp, tử vong chu sinh cao và đái tháo đường thai kỳ. - Protein niệu: Phát hiện protein niệu trong 3 tháng đầu thai kỳ không có giá trị giúp đự đoán tiền sản giật mà giúp xác định các bệnh lý về thận và nhiễm trùng đường tiểu. Protein niệu liên quan đến tiền sản giật xuất hiện sau tuần 20 thai kỳ. Kiểm tra protein niệu là rất cần thiết ở lần thăm khám đầu tiên khi xác định có thai và trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. - Các xét nghiệm: Ngoài các xét nghiệm thường quy như nhóm máu, tổng phân tích tế bào máu, phân tích nước tiểu, người phụ nữ có thai cần phải được làm thêm các xét nghiệm sàng lọc trong 3 tháng đầu như test nhanh HIV, viêm gan B, Rubella, giang mai. Đối với những phụ nữ có nguy cơ cao nên làm thêm một số xét nghiệm như viêm gan C, Chlamydia, lậu cầu - Sàng lọc đột biến nhiễm sắc thể thai nhi: Double test là xét nghiệm sàng lọc trước sinh cho các thai phụ nhằm đánh giá nguy cơ thai nhi mắc các dị tật của hội chứng Down, hội chứng Patau và hội chứng Edwards. Xét nghiệm Double test nhằm định lượng β-hCG tự do và PAPP-A trong máu thai phụ. Từ kết quả trên, kết hợp với siêu âm đo độ mờ da gáy, chiều dài đầu mông, đường kính lưỡng đỉnh... cùng một 61
- số chỉ số khác như tuổi mẹ, cân nặng, chiều cao... một phần mềm chuyên dụng sẽ đưa ra kết quả đánh giá nguy cơ dị tật của thai nhi. Tuy nhiên Double test không phải là xét nghiệm chẩn đoán, chỉ là xét nghiệm sàng lọc nhằm đánh giá nguy cơ dị tật thai của 3 hội chứng trên. Tùy vào mức độ nguy cơ mà các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên tiếp theo như thực hiện Triple test hay chọc ối. - Siêu âm hình thái thai nhi 3 tháng đầu: Thời điểm quan trọng nhất là thời gian khi thai được 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày. Ở thời điểm này, siêu âm tính tuổi thai là cực kỳ chính xác. Ngoài ra, đây là thời điểm duy nhất có thể đo khoảng sáng sau gáy để đự đoán nguy cơ mắc một số bất thường nhiễm sắc thể nguy hiểm. 2.1.5. Giáo dục thai phụ và sự nâng đỡ tâm lý xã hội Trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai phụ nên đi khám mỗi tháng 1 lần. Trong các lần khám thường quy, BSGĐ cần hướng dẫn cho thai phụ về các triệu chứng và mốc thời gian có thể xảy ra triệu chứng đó. Các buổi trao đổi nên tập trung vào việc điều chỉnh hành vi lối sống và cảm xúc của thai phụ. Sự mệt mỏi, buồn nôn, táo bón là những vấn đề sức khỏe thường có trong 3 tháng đầu thai kỳ - Cân nặng và chỉ số khối cơ thể (BMI): Quản lí vấn đề tăng cân trong thời kỳ mang thai nên được quan tâm đúng mực. Thông thường, một người phụ nữ chỉ nên tăng 8 - 12kg trong suốt thai kỳ. Tăng cân dưới mức cần thiết liên quan đến nguy cơ trẻ sơ sinh nhỏ hơn tuổi thai, sinh non, cân nặng sơ sinh thấp, thai phụ không đủ sữa nuôi con. Tăng cân trên mức cần thiết là một trong nhiều yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng trẻ sơ sinh lớn hơn tuổi thai, thai nhi lớn, tăng tỉ lệ mổ lấy thai, tăng nguy cơ bị THA và tiền sản giật. - Can thiệp sức khỏe dự phòng: + Acid folic: cần được bổ sung trước khi có thai 1 tháng và trong 3 tháng đầu thai kỳ giúp làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh với liều khuyến cáo khoảng 400µg/ngày. + Các vitamin khác: bổ sung vitamin A, C, E là không có lợi trong quá trình mang thai, đôi khi còn gây hại + Sắt: theo khuyến cáo chỉ bổ sung sắt khi có tình trạng thiếu hụt sắt không có lợi cho sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Không bổ sung sắt khi không cần thiết, dư sắt cũng có thể có hại + Iod: khi mang thai, lượng iod cần dùng nhiều hơn, do đó cần bổ sung 150mcg/ngày để đảm bảo đủ lượng iod cung cấp cho các hoạt động của cơ thể + Tiêm phòng: nên tiêm phòng vắc xin cúm cho phụ nữ trước khi mang thai, trong thời kỳ mang thai nếu đang trong mùa cúm - Hoạt động tình dục: quan hệ tình dục có thể tiếp tục trong suốt thời kỳ thai nghén nếu không có chống chỉ định như chảy máu âm đạo hay chuyển dạ sớm. - Những vấn đề tâm lý bao gồm sự thay đổi về hình ảnh của cơ thể, cảm giác mất kiểm soát sợ và tưởng tượng, sự điều chỉnh vai trò chức năng của các thành viên trong gia đình, các mối quan tâm về tài chính là những vấn đề BSGĐ cần tư vấn cho thai phụ. 2.2. Chăm sóc trước sinh 3 tháng giữa 62
- Ba tháng giữa bắt đầu từ tuần 14 đến tuần 26 của thai kỳ. Trong giai đoạn này, kích thước của thai nhi tăng khá nhanh từ khoảng 7,6 cm tăng lên đến khoảng 23 cm, do đó thai phụ cảm nhận được cái thai rõ ràng. “Thai máy” là hiện tượng được quan tâm nhiều nhất trong thời kỳ này, thường xuất hiện ở tuần thứ 20 với con đầu và tuần 16 với con thứ 2 trở đi, thai máy trở thành một cầu nối giao tiếp giữa bố mẹ và thai nhi. Các hoạt động trong bào thai như đạp chân, bú mút, nắm mở bàn tay giúp cho hệ cơ của trẻ phát triển. Thời gian này, cái bụng bầu chưa lớn đến mức cản trở giao hợp và không còn vấn đề về phòng tránh thai, cũng như nguy cơ sảy thai nhìn chung đã qua. Ba tháng giữa có thể là cao điểm về mặt tâm lý và thể lực cho bà mẹ tương lai. Khoảng thời gian này, huyết áp thai phụ có giảm chút ít do tăng lưu lượng máu nuôi dưỡng thai, đây là hiện tượng có thể dẫn đến thai phụ phàn nàn vì bị choáng váng hay đau đầu. Đối với BSGĐ, đây là khoảng thời gian lý tưởng để tìm hiểu rõ hơn về các cặp vợ chồng, tạo nền tảng vững chắc để làm với nhau trong cuộc chuyển dạ và đẻ. Cần thảo luận những điều mong đợi của gia đình và cá nhân về quan hệ họ hàng, mong muốn cuộc sống. Ngoài việc thực hiện các thăm khám thường quy như kiểm tra công thức máu, nghiệm pháp rối loạn dung nạp glucose, xét nghiệm nhóm máu Rh với thai phụ có Rh(-); BSGĐ nên lưu ý đánh giá sau: - Siêu âm hình thái thai nhi: Tất cả các thai phụ nên được kiểm tra đánh giá giải phẫu thai từ tuần 18 -20 thai kỳ bằng siêu âm để theo dõi được quá trình phát triển cũng như phát hiện sớm các bất thường bẩm sinh, cho phép người phụ nữ có những lựa chọn về cuộc sinh sản của mình. - Xét nghiệm sàng lọc: trong 3 tháng giữa thai kỳ, xét nghiệm sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện nguy cơ thai nhi có bất thường nhiễm sắc thể và dị tật ống thần kinh được gọi là “Triple test” nên được thực hiện nên được thực hiện trong khoảng thời gian từ 15 tuần đến 19 tuần 6 ngày, tốt nhất khi thai 16-18 tuần. Đây là xét nghiệm được khuyến cáo cho những đối tượng có nguy cơ dị dạng thai cao như mẹ lớn tuổi (≥35 tuổi), tiền sử sảy thai liên tiếp, thai lưu hay sốt trong ba tháng đầu, nghề nghiệp tiếp xúc hóa chất, phóng xạ; dùng thuốc trong thời kỳ mang thai không theo chỉ dẫn của thầy thuốc; tiền sử đẻ con bất thường hoặc siêu âm nghi ngờ thai bất thường. 2.3. Chăm sóc trước sinh 3 tháng cuối Là giai đoạn cuối cùng của thai kỳ từ tuần 27 đến tuần 40 hoặc hơn nữa. Đối với thai phụ, đây là giai đoạn thường cảm thấy trôi qua chậm chạp. Bụng to nhanh gây khó khăn trong các hoạt động, sự mệt mỏi, kém thoải mái, khó ngủ, thở ngắn, đi tiểu nhiều lần là những vấn đề của thai phụ. Đối với BSGĐ, đây là thời gian theo dõi y học tích cực hơn vì tỷ lệ mắc các biến chứng (như cao huyết áp, tiền sản giật, ngôi thai chưa thuận) tăng lên khi cuộc chuyển dạ sắp đến gần. Tần số khám thai của thai phụ khỏe mạnh là mỗi tháng 1 lần. Trong tuần từ 28 đến 36, tấn số khám tăng lên 2 đến 3 tuần 1 lần, và 1 tuần 1 lần trong tháng cuối cùng. Những thai phụ có nguy cơ cao cần theo dõi chặt chẽ hơn. - Thăm khám lâm sàng: Ngoài việc thăm khám tổng quát, BSGĐ nên lưu ý tiếp tục theo dõi huyết áp, quá trình tăng cân, nhịp tim và chuyển động của thai. Thai phụ là người có thể theo dõi tốt nhất chuyển động của thai nhi hàng ngày, do đó cần hướng dẫn thai phụ đến khám bác sĩ ngay nếu thấy thai chuyển động ít hơn 63
- bình thường. Bình thường thai nhi chuyển động ít nhất 6-10 lần mỗi giờ. 3 tháng cuối của thai kỳ, thai phụ nên theo dõi chuyển động của bé 2 lần mỗi ngày. Khám thai, đo chiều cao tử cung, vòng bụng thai phụ, sờ nắn thai nhi để xác định ngôi, thế, kiểu thế của thai nhi và theo dõi sự phát triển của thai. - Cận lâm sàng: + Công thức máu: chú ý chỉ số HGB (đánh giá thiếu máu), HCT (tình trạng cô đặc máu) và số lượng tiểu cầu + Xét nghiệm nước tiểu: là xét nghiệm thường quy đánh giá tình trạng nhiễm trùng, protein niệu kèm với tăng huyết áp là dấu hiệu của tiền sản giật, đường niệu là một trong những dấu chỉ điểm của đái tháo đường thai kỳ. + Siêu âm thai: Đánh giá kích thước, cân nặng thai nhi, ước lượng tuổi thai, ngôi, thế, kiểu thế, nước ối, tính chất nhau thai và các bất thường khác. Siêu âm thai là một trong những yếu tố quyết định việc sinh thường hay sinh mổ của thai phụ. + Non stress test (NST) là phương pháp phổ biến đánh giá sức khỏe thai nhi cùng với nghe nhịp tim thai và đếm cử động thai. - Các bệnh lây truyền qua đường tình dục: Cần kiểm tra các thai phụ có yếu tố nguy cơ cao hoặc có triệu chứng các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai, viêm gan B, HIV,... 3. QUẢN LÍ CHUYỂN DẠ BSGĐ cần hướng dẫn cho thai phụ nhận biết các dấu hiệu tiền chuyển dạ: + Bốn lần hoặc hơn co cơ tử cung trong 1 giờ và cơn co không biến mất khi thai phụ thay đổi tư thế hoặc thư giãn. + Đau lưng từng cơn hoặc liên tục mà không giảm khi thay đổi tư thể hoặc dùng các biện pháp thư giãn. + Đau tức do tăng áp lực trong khung chậu hoặc âm đạo + Đau bụng từng cơn (có hoặc không có tiêu chảy) + Tăng tiết dịch âm đạo + Chảy dịch từ âm đạo + Chảy máu âm đạo + Các triệu chứng giống nhiễm cúm như buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Trong quá trình chuyển dạ, BSGĐ cần bám sát liên tục, hỗ trợ cho bà mẹ và thai nhi, gia đình đi theo chăm sóc. 4. CHĂM SÓC SAU SINH Những ngày và tuần đầu sau sinh là giai đoạn quan trọng trong cuộc sống của cả mẹ và trẻ. Những thay đổi quan trọng trong thời kỳ này quyết định đến chất lượng cuộc sống của mẹ và trẻ về sau. Tất cả các bà mẹ cần được tư vấn về quá trình phục hồi sinh lý sau sinh, những vấn đề sức khỏe bình thường và những dấu hiệu cũng như các triệu chứng nguy hiểm, bao gồm: - Băng huyết sau sinh: là một trong những tai biến sản khoa phổ biến dẫn đến tử vong mẹ hàng đầu thế giới và tại Việt Nam. Các triệu chứng của băng huyết sau 64
- sinh:chảy máu đột ngột, lượng nhiều, máu chảy liên tục, mắt nhìn mờ, chóng mặt, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh - Hậu sản giật: tình trạng này có thể xảy ra trong 48 giờ sau sinh hoặc muộn hơn lên tới 6 tuần. Các dấu hiệu của hậu sản giật: huyết áp cao có thể tới 140/90mmHg, hơn 300mg protein trong nước tiểu, thị lực giảm tạm thời hoặc nhìn bị nhòe, mắt quá mẫn cảm với ánh sáng, buồn nôn, nôn, đau đầu hoặc đau vùng bụng, nước tiểu ít, tăng cân đột ngột khoảng 1kg/1 tuần, chân tay mặt có thể bị phù. - Nhiễm trùng: sốt, run, đau bụng và /hoặc tổn thương âm đạo gây khó chịu - Huyết khối tĩnh mạch: đau bắp chân đơn độc, sưng đỏ, thở nhanh hoặc đau ngực 4.1. Chăm sóc mẹ và trẻ 2 giờ đầu sau sinh - Đối với mẹ: + Thời gian này sản phụ vẫn nằm ở phòng sinh, cần theo dõi tổng trạng về mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, tình trạng trung đại tiện. + Nếu cả mẹ và trẻ không có gì bất thường có thể cho trẻ nằm cạnh mẹ và hướng dẫn mẹ cách cho trẻ bú. + Xoa tử cung mỗi 15 phút một lần trong 2 giờ đầu, bảo đảm tử cung vẫn co tốt sau khi kết thúc xoa tử cung. - Đối với trẻ: + Đánh giá chỉ số APGAR, toàn trạng của trẻ sau sinh, nếu có biểu hiện phải xử trí cấp cứu ngay + Giữ ấm cho trẻ ở nhiệt độ phòng từ 26oC - 28oC, không có gió lùa. Tốt nhất là để trẻ nằm trực tiếp tiếp xúc trên ngực mẹ, không cho trẻ tắm trong 24 giờ sau sinh. + Cho trẻ bú mẹ ngay trong 1 giờ đầu sau sinh. Thực hiện chăm sóc thường quy: khám toàn thân, chăm sóc rốn, mắt, tiêm vitamin K1 tiêm vắc xin viêm gan B và BCG theo Chương trình tiêm chủng quốc gia. 4.2. Chăm sóc mẹ và trẻ từ giờ thứ 3 đến hết ngày đầu sau sinh - Đối với mẹ: Ngoài theo dõi tổng trạng, BSGĐ cần hướng dẫn mẹ cho con bú sớm và đúng cách, theo dõi rốn con, cho mẹ vận động sớm sau 6 giờ sau sinh, theo dõi tình trạng co hồi tử cung và lượng máu chảy. Hướng dẫn cho mẹ và gia đình những dấu hiệu nguy hiểm cần có sự hỗ trợ của nhân viên y tế như : chảy máu nhiều, đau bụng tăng, nhức đầu, nhìn mờ, chóng mặt,... - Đối với trẻ: Theo dõi trẻ mỗi 1 giờ, theo dõi nhịp thở, da niêm mạch, rốn cũng như tình trạng tiêu hóa (bú mẹ hoặc đã có phân su chưa), hướng dẫn cách bú mẹ an toàn, xử trí nếu bị sặc sữa, hướng dẫn mẹ và gia đình các dâu hiệu nguy hiểm của trẻ như trẻ bỏ bú, không thở, tím, chảy máu rốn,... 4.3. Chăm sóc mẹ và trẻ tuần đầu sau sinh Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cần thăm khám tại nhà đẻ chăm sóc mẹ và trẻ sơ sinh trong 1 tuần đầu sau sinh. - Đối với mẹ: Theo dõi các chỉ số sinh tồn, tầng sinh môn dối với trường hợp sinh thường và vết mổ đối với sinh mổ, kiểm tra vú và trạng thái tinh thần của mẹ. BSGĐ cần hướng dẫn cho bà mẹ và gia đình một số vấn đề cần chăm sóc sau: 65
- + Vệ sinh hàng ngày: rửa vùng sinh dục ít nhất 3 lần/ngày, lau người thay đồ sạch, sau sinh 2-3 ngày nên tắm nhanh bằng nước ấm. + Chăm sóc vú: lau sạch vú bằng nước ấm trước và sau khi cho con bú, nếu tắc tia sữa cần xử lí sớm như day, vắt, hút, đến khám tại cơ sở y tế + Xử trí đau do co bóp tử cung: Nếu đau nhẹ thì có thể không cần xử trí. Nếu đau nhiều thì chườm nóng hoặc sử dụng giảm đau paracetamol. + Vết khâu tầng sinh môn (nếu có): rửa sạch âm hộ và thấm khô sau đại tiện, cắt chỉ vết khâu sau 5 ngày. + Chế độ ăn uống sinh hoạt: Ăn đủ lượng và chất, không kiêng khem một cách thiếu khoa học, ngủ 8 giờ/ngày, đảm bảo giấc ngủ trưa, mặc đồ rổng rãi, sạch sẽ + Chế độ vận động: nên đi lại vận động nhẹ nhàng, tự phục vụ các sinh hoạt đơn giản hàng ngày + Tư vấn và giải quyết các vấn đề tâm lý nếu có - Đối với trẻ: Tiếp tục theo dõi toàn trạng về nhịp thở, thân nhiệt, da niêm mạch, rốn và tình trạng bú mẹ. Hướng dẫn cho mẹ và gia đình một số vấn đề sau: + Trẻ cần được nằm chung với mẹ trong phòng ấm, tránh gió lùa, không cho trẻ nằm sấp, không cho trẻ tiếp xúc với người đang có bệnh, súc vật, môi trường khói bụi, khói thuốc. Tuyệt đối không được hôn trẻ + Chăm sóc mắt: rửa tay bằng xà phòng trước/sau khi chăm sóc trẻ, dùng khăn sạch, ẩm lau mắt cho trẻ hàng ngày, không nhỏ bất cứ thuốc gì vào mắt trẻ + Chăm sóc rốn: để rốn khô và sạch, không băng kín hay đắp bất cứ thứ gì lên rốn của trẻ, hạn chế sờ vào rốn và vùng quanh rốn của trẻ. + Vệ sinh thân thể và chăm sóc da cho trẻ hàng ngày bằng lau rửa hoặc tắm, sử dụng nước ấm, trong phòng ấm, kín gió. Cần thay đồ vải như mũ, áo, tã lót hàng ngày và mỗi khi trẻ bài tiết + Tư vấn về thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ. Ngoài ra, BSGĐ cần quan tâm hỗ trợ tâm lý cho phụ nữ sau sinh có yếu tố nguy cơ cao nhằm phòng ngừa vấn đề trầm cảm sau sinh và đói với bà mẹ có con bị tử vong cần cung cấp những chăm sóc hỗ trợ. Kết luận: BSGĐ là người theo dõi liên tục và toàn diện quá trình người phụ nữ từ trước khi mang thai đến sau khi sinh. Việc tham gia quản lí và chăm sóc sức khỏe người phụ nữ mang thai được thực hiện liên tục toàn diện sẽ góp phần không nhỏ nâng cao sức khỏe phụ nữ mang thai cũng như giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh, tỷ lệ tử vong của người phụ nữ do các biến chứng của quá trình mang thai và sau sinh. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Y Tế (2016), Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản 2. Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội (2015). Giáo trình Y học gia đình đại cương. Nhà xuất bản Y học. 3. Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội (2018). Thực hành Y học gia đình trong chăm sóc ban đầu. Nhà xuất bản Y học. 66
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ SUY HÔ HẤP CẤP
5 p | 269 | 65
-
Đề tài: Thực trạng chăm sóc trẻ sơ sinh ở xã Thủy Vân, thủy Dương và Thủy Phương Thừa Thiên Huế
35 p | 170 | 27
-
Những cách làm giúp bạn thoải mái hơn trong khi mang thai
4 p | 135 | 18
-
Sức khỏe người cao tuổi
5 p | 128 | 17
-
Viêm da tiếp xúc côn trùng và thuốc trị
5 p | 124 | 15
-
Quản lí cân nặng khi mang thai
3 p | 103 | 9
-
Thủ phạm gây chàm thể tạng trẻ em
5 p | 63 | 7
-
CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐƯỢC NHỔ RĂNG
1 p | 92 | 5
-
Coi chừng “sai một li đi một dặm” Có khá nhiều người quan tâm đến lời
5 p | 71 | 4
-
Cân đối năng lượng và một số bệnh liên quan
5 p | 54 | 4
-
Cập nhật một số bệnh thường gặp ở người trưởng thành và người cao tuổi
60 p | 8 | 2
-
Trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý học gia đình
7 p | 4 | 1
-
Quản lí và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em dưới 5 tuổi
7 p | 1 | 1
-
Quản lí và chăm sóc sức khỏe cho trẻ vị thành niên
10 p | 2 | 1
-
Quản lí và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi
12 p | 3 | 1
-
Quản lí các yếu tố nguy cơ sức khỏe
12 p | 2 | 1
-
Lập kế hoạch chăm sóc sức khỏe theo nguyên lí y học gia đình
13 p | 4 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn