THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 806/QĐ-TTg Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2025
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ PHÒNG, CHỐNG LÃNG PHÍ ĐẾN NĂM 2035
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 18 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 26 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị quyết số 74/2022/NQ-QH15 ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội về đẩy mạnh
việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
Căn cứ Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh
đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
Căn cứ Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ ban hành Chương trình
hành động của Chính ph ủ thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Bộ
Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng
phí;
Căn cứ Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ
tháng 10 năm 2024;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí đến năm 2035.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn
vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng,lãng phí,
tiêu cực;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ,
Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, KTTH (3b).
Nguyễn Hòa Bình
CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA
VỀ PHÒNG, CHỐNG LÃNG PHÍ ĐẾN NĂM 2035
(Kèm theo Quyết định số 806/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ)
I. BỐI CẢNH
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí,
đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn
dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Ngày 21 tháng 8 năm 2006, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp
hành Trung ương Đảng (Khóa X) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo
của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ngày 25 tháng 5 năm 2012, Ban
Chấp hành Trung ương (khóa XI) ban hành Kết luận số 21-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị
quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương (khóa X); ngày 21 tháng 12 năm 2012, Ban
Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ngày
25 tháng 12 năm 2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thể chế hóa các chủ trương của Đảng,
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X ban hành Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm
1998; Quốc hội đã thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 và năm 2013. Căn
cứ các quy định tại Luật, Thủ tướng Chính phủ đều ban hành các Chương trình tổng thể của Chính
phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hằng năm, 05 năm làm căn cứ cho các bộ, ngành, địa
phương xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của bộ, ngành, địa
phương.
Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và quy
định của pháp luật, các cấp, các ngành đã xác định rõ hơn trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực
hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khai thác, sử dụng các
nguồn lực của đất nước được nâng lên. Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần
đưa công cụộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát
triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ, kể cả trong bối cảnh có những thách thức chưa từng có tiền
lệ như dịch bệnh, thiên tai; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực,
tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau,
đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển, nhất là trong các lĩnh vực như quản lý
tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý vốn Nhà nước
tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động… Những hạn chế này là một
trong những nguyên nhân gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả
sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn
thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình
trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là do thực thi các nghị quyết, chỉ thị, văn bản
pháp luật về phòng, chống lãng phí trong thực tế vẫn còn hạn chế; hệ thống tiêu chuẩn, định mức,
chế độ, một số chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; xử lý lãng phí chưa được
đề cao, thường gắn với xử lý tham nhũng như hệ lụy kéo theo; công tác vận động, tuyên truyền cán
bộ, công chức, viên chức và Nhân dân thực hiện phòng, chống lãng phí chưa được quan tâm đúng
mức.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên
vươn mình của dân tộc, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với
những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ,
đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới. Kế thừa những thành tựu đã đạt được
và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lãng phí đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới,
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống lãng phí đến năm 2035.
II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU
1. Quan điểm
a) Phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, khẩn trương, cấp bách của cả hệ thống chính trị
và toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; có vị trí tương đương với
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; được tiến hành mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, có trọng
tâm, trọng điểm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, phát hiện, xử lý và sử dụng đồng bộ các biện
pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự.
b) Gắn phòng, chống lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, củng cố niềm tin của Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân
tộc.
c) Phòng, chống lãng phí phải kết hợp chặt chẽ với cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ
tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; gắn kết với cải cách
bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của
hệ thống chính trị.
d) Phòng, chống lãng phí phải gắn kết với thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh đầu
tư công minh bạch, công khai, hiệu quả; gắn kết nguồn lực của Nhà nước với huy động các nguồn
lực khác để phát triển đất nước.
đ) Phòng chống lãng phí phải gắn với 3 đột phá chiến lược; đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới
sáng tạo, chuyển đổi số và gắn kết chặt chẽ với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung:
Ngăn chặn, đẩy lùi lãng phí, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước, khơi
dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển,
giàu mạnh, thịnh vượng; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Khắc phục những hạn chế, bất cập trong chính sách, pháp luật; tăng cường thực thi pháp luật trong
các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí.
- Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất
là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới;
cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đến năm 2030,
Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính
phủ điện tử, kinh tế số.
- Tăng cường các biện pháp phòng ngừa; đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý
mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí.
- Xử lý triệt để những vấn đề, vụ việc gây lãng phí lớn, bức xúc trong dư luận, tạo sức lan tỏa mạnh
mẽ.
- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí,
truyền thông trong phòng, chống lãng phí.
- Tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị,
doanh nghiệp và Nhân dân, xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí, đưa thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí thành tự nguyện, tự giác, trở thành thói quen, nhiệm vụ hàng ngày.
- Nâng cao năng lực cho các cán bộ, công chức thực hiện công tác phòng, chống lãng phí.
III. CÁC NHÓM NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng
phí
a) Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế, xã hội và phòng,
chống lãng phí theo hướng: đảm bảo dân chủ, minh bạch, kịp thời, hiệu quả, dễ áp dụng, tiết kiệm
thời gian và chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực,
khắc phục điểm nghẽn và tạo đà cho sự phát triển.
b) Rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, các định mức kinh tế - kỹ thuật
không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước; tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh
lãng phí như: quản lý ngân sách nhà nước, tài sản công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý
vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; xây dựng; đất đai, tài nguyên (bao gồm cả tài nguyên tái
tạo), khoáng sản, năng lượng; tín dụng, ngân hàng; tổ chức bộ máy, quản lý nguồn nhân lực…, cụ
thể một số nội dung như sau:
- Hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung pháp luật về ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường
trách nhiệm kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quản lý, sử
dụng ngân sách nhà nước.
- Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý nợ công; rà soát, đánh giá, tổng kết thi hành
Luật Quản lý nợ công, đề xuất các nội dung sửa đổi Luật.
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài
sản công, trong đó tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài
sản công; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng và khai
thác đối với một số loại tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản
công và các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan.
- Tiếp tục rà soát, sửa đổi Luật Đầu tư công để khơi thông, đảm bảo căn cứ về nguồn vốn thực hiện
các dự án đặc biệt, nhất là các dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải có cơ chế
phê duyệt và triển khai nhanh chóng; ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công
quan trọng; nâng cao tính sẵn sàng và khả năng hấp thụ vốn của các dự án, nhất là các dự án quan
trọng quốc gia, dự án nhóm A có yêu cầu đặc biệt về công nghệ; tăng cường chế tài xử lý, tạo kỷ
luật, kỷ cương để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn, tránh lãng phí, không phát huy được tối đa nguồn
lực.
- Rà soát, bổ sung và hoàn thiện các Luật chuyên ngành về tài nguyên, môi trường và các văn bản
hướng dẫn, hướng tới khơi thông, phân bổ và phát huy nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường bền
vững trong tầm nhìn dài hạn theo xu hướng quản trị chiến lược; đồng thời, lồng ghép các quy định
để ngăn ngừa việc sử dụng lãng phí các nguồn lực tài nguyên.
- Sửa đổi toàn diện Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2014, tạo môi
trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh
nghiệp.
- Tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật,
đơn giá trong lĩnh vực xây dựng.
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế
theo yêu cầu tại các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ về cải
cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng đầu tư của Nhà nước góp phần nâng
cao hiệu quả hoạt động cho vay tín dụng đầu tư tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, qua đó hỗ trợ
phát triển các dự án đầu tư hạ tầng, đóng góp vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
- Nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để giải
quyết những bất cập phát sinh, đồng thời giúp thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng trong giai
đoạn tới.
c) Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống lãng phí theo hướng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho
giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành
vi lãng phí, trong đó chú trọng hoàn thiện các quy định nhận diện hành vi lãng phí và xử lý hành vi
lãng phí trong từng lĩnh vực cụ thể; rà soát, cụ thể hóa quy định về trách nhiệm thủ trưởng các cấp,
các ngành và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tổ chức thực hiện các biện pháp phòng,
chống lãng phí ở địa phương, bộ, ngành, lĩnh vực, cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ
trách.
d) Hoàn thiện thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong
chuyển đổi số để giảm thiểu lãng phí, tạo nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ Cách mạng công
nghiệp lần thứ tư. Thường xuyên rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định không còn phù hợp, tạo hành
lang cho các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo... đảm bảo
khung pháp lý không trở thành rào cản của sự phát triển, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia, bảo
vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
2. Tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hiệu lực, hiệu quả
a) Thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn,
hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong