CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU
1.1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Cảm xúc, với tư cách là hiện tượng của tri nhận, đã thu hút được sự quan tâm
đáng kể trong hai thập kỷ qua, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu tri nhận đang mở
rộng (Hogan, 2010). Sự tương tác hấp dẫn giữa cảm xúc (emotion) và chuyển động
(motion), gắn liền với ngôn ngữ hàng ngày, mang đến mảnh đất màu mỡ cho việc
khám phá ngôn ngữ. Ẩn dụ, đặc biệt là ẩn dụ về cảm xúc thông qua các động từ
chuyển động (MEM), đóng vai trò là công cụ tri nhận quan trọng cho phép chúng ta ý
niệm hóa và truyền đạt các miền trừu tượng của cảm xúc thông qua miền chuyển động
vật lý hữu hình hơn (Kövecses, 1990).
Theo hiểu biết của tác giả trong nghiên cứu này, mặc dù đã có những nghiên
cứu tương đối sâu rộng về ẩn dụ chuyển động-cảm xúc (Paju, 2016) hay các chủ đề
liên quan tới chuyển động-cảm xúc, đó là từ ngữ biểu đạt cảm xúc theo lối ẩn dụ (WU
Shixiong George, 2007; Csillag, 2015) và chuyển động ẩn dụ (Özçalskan, 2003) cho
đến chuyển động biểu thị cảm xúc (Paterson, 2002; Ponterotto, 2016) và chuyển động
(Férez, 2008), v.v., song vẫn còn rất ít cách tiếp cận toàn diện, đa chiều, tích hợp bốn
cấp độ – lược đồ hình ảnh (image schemas), miền (domains), khung (frames) và không
gian tinh thần (mental spaces) do Kövecses đề xuất (2017) để chứng minh các quá
trình nhận thức đang diễn ra trong quá trình ý niệm hóa và biểu đạt ngôn ngữ của cảm
xúc.
Nhìn về bối cảnh ngôn ngữ học Việt Nam, trong khi các nghiên cứu riêng lẻ đã
xem xét các thành phần như chuyển động (Hoàng Tuyết Minh, 2014, 2017, 2019; Lý
Ngọc Toàn, 2019), ẩn dụ ý niệm về cảm xúc (Ly Lan, 2012; Bùi Khánh Ly, 2012);
Nguyễn Văn Trào, 2014; Trần Thế Phi, 2016;), và động từ chuyển động để ý niệm hóa
cảm xúc (Lê Văn Thanh, 2015), nghiên cứu toàn diện về sự tích hợp các yếu tố này
thông qua khuôn khổ Kövecses (2017) vẫn còn thiếu vắng.
Mục đích của nghiên cứu này nhằm lấp đầy khoảng trống nghiên cứu bằng cách
sử dụng khung lý thuyết của Kövecses (2017), cùng với các lý thuyết liên quan khác,
để phân tích các biểu thức ẩn dụ cảm xúc-chuyển động trong cả tiếng Anh và tiếng
Việt.
Ý nghĩa của nghiên cứu này thể hiện ở hai khía cạnh chính sau đây. Về mặt học
thuật, nó được xem là đi tiên phong trong việc áp dụng khung phân tích ẩn dụ đa
chiều, góp phần tạo ra diễn ngôn rộng hơn trong ngôn ngữ học tri nhận và nghiên cứu
ẩn dụ. Về mặt thực tiễn, việc hiểu ẩn dụ cảm xúc thông qua các động từ chuyển động
sẽ nâng cao khả năng dịch thuật văn học bằng cách cho phép người dịch nắm bắt được
các sắc thái cảm xúc và ý nghĩa văn hóa vốn có trong văn bản nguồn, từ đó tạo điều
kiện cho sự tương tác sâu hơn với văn học.
Hơn nữa, với tư cách là một giảng viên dạy tiếng Anh, tác giả của nghiên cứu