Cây bụi thảm tươi - Loại cây nhỏ lợi ích phòng hộ lớn
lượt xem 16
download
Lớp cây bụi thảm tươi ở dưới tán rừng đóng vai trò rất lớn trong việc phân tán nước mưa làm giảm động năng của nó, chi phối thế năng của giọt nước trước khi rơi xuống đất rừng. Mặt khác cây bụi thảm tươi còn tận dụng nguồn năng lượng mặt trời từ ánh sáng lọt qua tán của cây ở tầng trên để tạo thêm sản phẩm sinh học cho rừng, đồng thời cây bụi thảm tươi là tấm áo giáp che chắn cho mặt đất rừng khỏi bị nóng trong mùa hè, nhờ đó làm giảm...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Cây bụi thảm tươi - Loại cây nhỏ lợi ích phòng hộ lớn
- Cây bụi thảm tươi - Loại cây nhỏ lợi ích phòng hộ lớn Lớp cây bụi thảm tươi ở dưới tán rừng đóng vai trò rất lớn trong việc phân tán nước mưa làm giảm động năng của nó, chi phối thế năng của giọt nước trước khi rơi xuống đất rừng. Mặt khác cây bụi thảm tươi còn tận dụng nguồn năng lượng mặt trời từ ánh sáng lọt qua tán của cây ở tầng trên để tạo thêm sản phẩm sinh học cho rừng, đồng thời cây bụi thảm tươi là tấm áo giáp che chắn cho mặt đất rừng khỏi bị nóng trong mùa hè, nhờ đó làm giảm lượng nước bốc hơi bề mặt của đất và ấm áp về mùa đông. Có thể nói đây là loại cây nhỏ mà lợi ích phòng hộ lớn. Nghệ An là tỉnh thường xuyên bị tổn thương bởi hạn hán và bão lụt nên việc trồng cây gây rừng rất được quan tâm. Những khu rừng tập trung theo chương trình dự án 327, 661 cũng như chủ trương “Xã hội hoá lâm nghiệp” của Chính phủ đã thổi luồng sinh khí mới làm thay đổi đời sống lâm nghiệp: “chuyển từ lâm nghiệp truyền thống sang lâm nghiệp xã hội”. Nhờ việc phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác”, hàng triệu cây phân tán được trồng trên dọc các kênh mương, đường giao thông, bãi trống, công sở, trường học, bệnh viện..., độ che phủ rừng ở Nghệ An từ 38,4% (năm 1998) nay đã đạt 53,1%. Ý thức của người dân trong việc trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng cũng như nhận thức về lợi ích kinh tế của rừng trong việc bảo vệ môi trường, chống thiên tai bão lụt, chống xói mòn được nâng lên rõ rệt. Đó là những điều được đánh giá và khẳng định. Tuy vậy, một nghịch lí được đặt ra là cùng với những con số thống kê được công bố về diện tích rừng trồng, rừng khoanh nuôi bảo vệ, độ che phủ của rừng tăng lên hàng năm thì sự tàn phá của bão lụt, tốc độ dồn lũ và tần suất lũ tăng, mạch nước ngầm giảm cũng ngày càng gây tổn thất to lớn. Chương trình giao lưu “Thương về miền Trung” (tháng 5/2011) cho ta thông điệp khủng khiếp về sự tàn phá của lũ lụt trên dải đất này: năm 2008-2010 đã làm 513 người chết. Bão lũ chồng lên nhau vào tháng 9 và tháng 10/2010 đã cướp đi sinh mạng của 202 người và làm thiệt hại hơn 16.000 tỉ đồng (Theo số liệu của Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt tính đến ngày 19/10/2010, Nghệ An có 16 người chết, thiệt hại ước tính sơ bộ 1.570 tỉ đồng).
- Sự phẫn nộ của thiên tai bằng các trận “đại hồng thuỷ” ngoài nguyên nhân của biến đổi khí hậu còn có nguyên nhân nào khác? Chúng ta hãy tìm lời giải ngay trong công tác trồng cây gây rừng, khai thác và bảo vệ rừng hiện nay. Theo báo cáo số liệu diễn biến rừng năm 2010 ở Nghệ An: diện tích đất có rừng là 874.510ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 733.320ha, diện tích rừng trồng là 141.190ha (chiếm 16,2%); độ che phủ rừng đạt 53,1%. Theo số liệu của Đoàn Điều tra quy hoạch rừng thì keo là cây trồng chủ đạo trong loại rừng sản xuất (chiếm hơn 70%) đến cây thông chiếm 22% trong loại rừng phòng hộ và cây quế chiếm 42% trong loại rừng đặc dụng. Đặc tính sinh thái một số cây trồng hiện nay được trồng trong ba loại rừng nói trên như sau: - Cây keo (có tên khoa học là Acacia) là cây nhập nội. Có nhiều loại keo: keo tai tượng, keo lá tràm, keo lai,... Việc đem keo về trồng ở Việt Nam nói chung và ở Nghệ An nói riêng trong mấy chục năm gần đây đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần trong việc phủ xanh đất trống đồi trọc. Keo là loại cây dễ trồng, không kén đất, cho năng suất sinh học cao. Kết quả trồng rừng nói chung và trồng keo nói riêng trong mấy năm lại đây đã giải quyết bài toán nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất giấy, gỗ gia dụng, hàng gỗ mĩ nghệ xuất khẩu, chất đốt cho đồng bào miền núi, nông thôn và góp phần xoá đói giảm nghèo ở khu vực này. Nhưng ở cây keo có nhược điểm về mặt sinh thái như: keo không có rễ cọc phát triển, thân giòn nên dễ bị đổ gãy khi có mưa gió. Lá keo cũng như thân cành trơn bóng nên tác dụng giữ nước trong và sau mưa không tốt bằng cây bản địa. Cũng do keo không có rễ cọc phát triển nên lượng nước không được “khoan” sâu vào lòng đất để trao đổi chất. Đó cũng là nguyên nhân làm giảm lượng nước ngầm. Cây thông (tên khoa học là Pinusmerkusii) là loại cây ưa sáng (nhưng ở giai đoạn đầu chịu bóng). Thông sinh trưởng chậm nhưng được trồng nhiều là nhờ lợi ích kinh tế từ khai thác nhựa để làm chế phẩm clofan và dầu thông phục vụ cho công nghiệp
- chế biến sơn và xuất khẩu. Nhưng tác dụng giữ nước của thông cũng không tốt do lá hình kim trơn bóng, tán thưa mỏng lại có hình nón là chủ yếu. Cây quế (có tên khoa học là Cinnamomum) đã được trồng ở rừng đặc dụng để lấy vỏ làm dược liệu và xuất khẩu. Đây là cây bản địa đặc sản được trồng ở Quế Phong, Quỳ Châu với diện tích còn khiêm tốn (150ha). Lá quế nhẵn bóng và có tinh dầu. Đơn cử những loại cây trồng chủ yếu ở ba loại rừng trồng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng) ở tỉnh ta hiện nay cho thấy cả 3 loại cây lá cành đều có lượng tinh dầu nên khi rơi rụng xuống tán rừng đã không tạo môi trường lâm sinh thuận lợi cho cây bụi và thực bì ở tầng thấp phát triển. Rừng là nơi sinh sống của các quần thể động vật và thực vật. Theo quan điểm sinh thái rừng hiện nay, hệ thực vật của rừng bao gồm: - Quần thể cây rừng. - Cây bụi, cây nửa bụi. - Tầng thảm tươi (cỏ, quyết, rêu, địa y,...). - Thực vật ngoại tầng (dây leo, thực vật phụ sinh). Hệ thực vật rừng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cải tạo đất rừng và tác dụng phòng hộ của rừng. Theo các nhà khoa học lâm sinh, hàng năm trên Trái Đất, hệ thực vật đã trả lại cho đất 5,3 x 1010 tấn sinh học gồm: thân gỗ, củi, cành lá, rễ cây. Sự rơi rụng của cành lá xuống tán rừng tạo nên thảm mục, nhờ hoạt động của vi sinh vật tạo nên tầng mùn và cho ta độ phì của đất. Chính thảm mục, tầng mùn ngoài việc làm giàu dinh dưỡng cho đất, còn đóng vai trò rất lớn trong việc giữ nước, làm giảm dòng chảy bề mặt, tăng cường độ thấm của nước vào đất làm tăng lượng nước ngầm. Cũng theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học lâm nghiệp, ở rừng chưa chịu tác động (còn ở dạng nguyên sinh) lượng nước chảy ở bề mặt đất rừng chỉ bằng 2% so với tổng lượng nước mưa rơi xuống rừng.
- Tuy nhiên, mỗi loại rừng khác nhau lại cho kết quả khác nhau về sự hoàn trả sinh học. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho biết: Ở rừng trồng thuần loại lượng rơi rụng sinh học chỉ đạt 5-10 tấn/ha, còn ở rừng tự nhiên là 12 tấn/ha hoặc hơn nữa. Như vậy, sự hoàn trả sinh học của rừng thuần loại thấp hơn so với rừng tự nhiên hỗn giao. Do vậy, tác dụng phòng hộ (trong việc giữ nước) cũng kém hơn. Theo các nhà lâm học thì “Ở Việt Nam đặc điểm khó khăn nhất trong tái sinh nhân tạo là chưa tìm ra được mô hình cấu trúc hỗn giao các loài cây bản địa hầu hết các rừng tái sinh nhân tạo khai thác trắng và rừng trồng thuần loại chủ yếu là cây nhập nội”. Lâu nay công tác phục hồi rừng bằng nhân tạo của ta là phát trắng thực bì rồi đem trồng lên đó những loại cây (chủ yếu cây nhập nội) theo mục đích kinh tế nhằm khai thác tối đa khả năng của đất nơi trồng cây chưa chú ý đến các biện pháp kĩ thuật lâm sinh để tạo ra khu rừng hỗn giao có hệ sinh thái đa dạng về sinh học để mang lại lợi ích lớn hơn cho trước mắt và lâu dài. Đặc biệt chưa chú ý đến lợi ích phòng hộ do lớp cây bụi thảm tươi mang lại. Theo Metkachenkô (năm 1955) thì “khả năng bảo vệ nguồn nước của rừng thể hiện ở chỗ nó phân tán được nước mưa ở tán rừng hoặc tăng thêm sự gia nhập của nước vào đất”. Lớp cây bụi thảm tươi ở dưới tán rừng đóng vai trò rất lớn trong việc phân tán nước mưa làm giảm động năng của nó, chi phối thế năng của giọt nước trước khi rơi xuống đất rừng. Mặt khác cây bụi thảm tươi còn tận dụng nguồn năng lượng mặt trời từ ánh sáng lọt qua tán của cây ở tầng trên để tạo thêm sản phẩm sinh học cho rừng, đồng thời cây bụi thảm tươi là tấm áo giáp che chắn cho mặt đất rừng khỏi bị nóng trong mùa hè, nhờ đó làm giảm lượng nước bốc hơi bề mặt của đất và ấm áp về mùa đông. Khi nói đến độ che phủ của rừng là nói đến tỉ lệ diện tích có rừng trên một đơn vị diện tích hay lãnh thổ (như nói độ che phủ rừng của tỉnh ta hiện nay là 53,1%). Khi nói đến độ tàn che tuyệt đối của cây rừng tức là hình chiếu vuông góc của tán cây xuống mặt đất. Độ tàn che tuyệt đối luôn ≤ 1. Khi tính đến tất cả độ che phủ của các
- loại cây có trên đất rừng thì gọi là độ tàn che tương đối và có thể >1. Rõ là cây bụi thảm tươi đóng góp cho độ tàn che của rừng tăng thêm làm tăng khả năng giữ nước và phòng hộ của rừng. Theo báo cáo mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích rừng tự nhiên ở tỉnh ta còn 733.320ha, trong đó rừng giàu chỉ có 9,5%, rừng trung bình 18,5% và rừng nghèo 28,6%, còn lại là rừng phục hồi. Qua đó cho thấy rừng tự nhiên ở tỉnh ta đang trong tình trạng “trồng rừng mà chẳng thấy cây” vì rừng giàu chiếm tỉ lệ thấp. Trong khai thác rừng tự nhiên chưa lựa chọn được phương thức khai thác thích hợp để ngoài việc lấy gỗ còn phải đảm bảo tái sinh sau khai thác, đảm bảo lớp cây con và thảm thực vật dưới tán rừng không bị tổn thương. Tình trạng khai thác rừng tự nhiên hiện nay là một cây bị đốn ngã kéo theo hàng loạt cây khác cũng bị đổ gãy, dập nát. Hiện trường sau khai thác trông như bãi bom B52 thời chiến tranh chống Mỹ. Khai thác rừng trồng hiện nay chủ yếu là dùng phương thức khai thác trắng. Toàn bộ diện tích rừng sau khi khai thác là đất trống bị phơi ra giữa nắng trong một thời gian dài (vì chưa đến vụ trồng rừng tiếp) làm xói mòn đất, nhiệt độ đất bề mặt tăng lên đột biến làm một số loài vi sinh vật sống trong đất bị tiêu diệt. Như vậy, cả trong khai thác rừng tự nhiên và rừng trồng đều không chú ý đến môi trường sinh thái cho cây rừng và thực vật phát triển làm cho diễn thế rừng sau khi khai thác ngày một xấu đi và tác dụng phòng hộ của rừng cũng giảm. Cũng theo báo cáo trên, rừng phòng hộ ở Nghệ An còn chiếm tỉ lệ cao (43,4% rừng tự nhiên) nhưng cần lưu ý hơn đến chất lượng của rừng phục hồi vừa đảm bảo cây mục đích, cây kinh tế phát triển nhưng phải nâng cao chất lượng của rừng phục hồi để không rơi vào nghịch cảnh “trồng cây mà chẳng thấy rừng” vì không phải rừng phục hồi theo đúng nghĩa đích thực của nó; không chỉ thấy một màu xanh của dây leo bụi rậm vừa không đạt được mục đích kinh tế và tác dụng phòng hộ của rừng.
- Cần phải có cách nhìn khoa học nhân văn và quan điểm về phát triển lâm nghiệp bền vững nhằm không những đảm bảo lợi ích kinh tế trước mắt và mà còn đảm bảo lợi ích nhiều mặt về sau như tuyên bố của Hội nghị Khoa học Lâm nghiệp Thế giới tổ chức tại Braxin tháng 4/1992: “Là sự phát triển vừa thoả mãn nhu cầu tài nguyên rừng của con người đương thời, vừa không làm nguy hại đến nhu cầu tài nguyên rừng của thế hệ mai sau”. Cần thực hiện chiến lược kinh doanh lâm nghiệp bền vững theo phương châm “kinh doanh toàn diện, lợi dụng tổng hợp tài nguyên rừng” bằng phương thức “nông - lâm kết hợp”. Trước hết, trong công tác quy hoạch thiết kế rừng trồng phải chọn loại cây trồng đến tạo giống cây trồng bản địa. Chỉ trồng rừng nhân tạo ở những nơi rừng nghèo kiệt, những nơi rừng có khả năng tái sinh phục hồi thì khoanh nuôi bảo vệ đi đôi với các biện pháp lâm sinh làm tăng chất lượng của rừng. Với rừng trồng thuần loại cần chú ý đến việc gây trồng các loại cây bụi dưới cây kinh tế chủ lực theo kiểu “rừng - lâm + nông kết hợp” như mô hình: cây rừng + cây dược liệu dưới tán rừng + cây chịu bóng như kiểu rừng cao su + sa nhân + gừng nghệ; hoặc rừng cây trám + chè; hay rừng dẻ + hồi; rừng + cam thảo + trà dây hoặc thiết kế trồng theo mô hình rừng hỗn giao nhiều tầng (công trình sinh thái). Đối với rừng trồng nên trồng theo băng và khai thác rừng theo băng, không khai thác trắng. Đối với khai thác rừng tự nhiên phải lựa chọn phương thức khai thác hợp lí (chặt theo khóm, chặt chọn thô hay chặt chọn tinh...) và áp dụng các biện pháp kĩ thuật lâm sinh trong điều tiết khai thác rừng, trong tu bổ cải tạo rừng nhằm tạo điều kiện môi sinh cho phát triển đa dạng sinh học để tận dụng hết không gian dinh dưỡng cả trên và dưới mặt đất rừng. Thảm tươi cây bụi là lớp thực vật “thấp cổ bé miệng” nằm dưới tán rừng nhưng lại có tác dụng trong việc tận dụng nguồn năng lượng của trời đất để sản xuất thêm một khối lượng sinh phẩm và đặc biệt trong vai trò phòng hộ chống xói mòn giữ đất, giữ nước./.
- Tài liệu tham khảo 1. Sinh thái rừng, Nxb Nông nghiệp, 2005. 2. Đất rừng, Nxb Nông nghiệp, 2002. 3. Lâm học, Giáo trình trường Đại học Lâm nghiệp. 4. Từ điển tranh về các loại cây, Nxb Giáo dục, 2006. 5. Báo cáo thực hiện trồng mới 5 triệu ha rừng tỉnh Nghệ An - Tháng 4/2011. 6. Báo cáo số liệu diễn biến rừng năm 2010 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 7. Báo cáo quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2008 - 2010. Nguyễn Cảnh Quý
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn