LIÊN NGÀNH TRONG NGHIÊN CỨU KHU VỰC<br />
Trịnh Cẩm Lan<br />
Trường Đại học KHXH & NV, ĐHQG Hà Nội<br />
<br />
1. CÁC CHUYÊN NGÀNH KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN VÀ NGHIÊN CỨU<br />
KHU VỰC<br />
Việc phân chia các chuyên ngành khoa học xã hội như hiện nay đã diễn ra từ những<br />
năm 90 của thế kỷ XVIII. Tại thời điểm đó, trên cơ sở các mô hình của châu Âu, các<br />
trường đại học trên thế giới (đặc biệt là ở Mỹ và phương Tây) đã thiết lập các khoa chuyên<br />
ngành khoa học xã hội và nhân văn cho phù hợp với những hiểu biết của con người về thế<br />
giới lúc bấy giờ. Chẳng hạn, kinh tế học nghiên cứu về thị trường, chính phủ học (sau này<br />
là khoa học chính trị) nghiên cứu về nhà nước, xã hội học nghiên cứu các vấn đề xã hội,<br />
tâm lý học nghiên cứu các cá nhân, lịch sử nghiên cứu quá khứ, và nhân học nghiên cứu<br />
“những dân tộc khác”… Mỗi chuyên ngành thường có sự tương ứng với một lĩnh vực nào<br />
đó của thế giới, và chúng được coi là những chỉnh thể có thể và nên được nghiên cứu độc<br />
lập. Đồng thời, người ta cũng cho rằng những chuyên ngành này xác định ranh giới lẫn<br />
nhau và tồn tại một cách bình đẳng. Trên cơ sở đó, chúng trở thành những khối tri thức cơ<br />
bản hình thành nên bộ khung của các trường đại học.<br />
Theo thời gian, mỗi chuyên ngành đều đã hình thành cho mình những chương trình,<br />
khái niệm, nội dung lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, những lĩnh vực chuyên sâu và các<br />
tiêu chuẩn học thuật riêng biệt. Tuy nhiên, cho đến những năm 1920, người ta đã bắt đầu<br />
nhận thấy việc phân chia thế giới theo kiểu thế kỷ XIX thể hiện trong các cấu trúc chuyên<br />
ngành không còn phù hợp với những hiểu biết đương đại về cách vận hành của các xã hội<br />
và các nền văn hóa. Sự phân chia và chuyên sâu một cách sâu sắc trong nội bộ các chuyên<br />
ngành vô tình đã làm giảm tính toàn diện và thống nhất của chúng. Hơn nữa, ngày càng có<br />
nhiều học giả nhận thức rằng các lĩnh vực như thị trường, chính trị, xã hội, văn hóa... và rất<br />
nhiều lĩnh vực khác nữa được phân chia theo cách hiểu thế giới của thế kỷ XIX - tất cả đều<br />
có quan hệ với nhau, tương tác lẫn nhau, định hình lẫn nhau và không thể được nghiên cứu<br />
một cách riêng rẽ. Để hiện thực hóa sự nhận thức đó, các học giả chuyên ngành đã không<br />
ngừng tìm kiếm sự giúp đỡ của các đồng nghiệp thuộc các chuyên ngành khác. Và, để đáp<br />
ứng nhu cầu nhận thức thế giới hiện đại với rất nhiều vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra<br />
nhưng lại khó có thể giải quyết trong phạm vi một chuyên ngành, càng ngày càng có nhiều<br />
lời kêu gọi, nhiều dự án cho việc hợp tác liên ngành. Tuy nhiên, bất chấp những lời kêu gọi<br />
đó, những bức tường ngăn cách giữa các chuyên ngành dường như ngày càng trở nên cao<br />
hơn và khó vượt qua hơn.<br />
Nghiên cứu khu vực là một trong nhiều bộ môn khoa học liên ngành phải đối mặt<br />
với những bức tường không dễ vượt qua đó. Tri thức của nhân loại về thế giới vẫn tồn tại<br />
một sự nhận thức chung rằng các nền văn hóa và các xã hội của loài người hoàn toàn<br />
không thuần nhất. Sự khác biệt luôn luôn hiện hữu ở khắp các vùng trên trái đất và khó mà<br />
mất đi, thậm chí có thể nói là không bao giờ mất đi. Chúng rất phức tạp và khó có thể giải<br />
thích nội trong khuôn khổ của bất kỳ một khoa học chuyên ngành nào, mặc dù đã có những<br />
khi người ta lầm tưởng rằng những khác biệt đó có thể quy cho những giai đoạn phát triển<br />
khác nhau và mặc nhiên coi việc giải thích chúng là công việc của những nhà sử học. Thực<br />
tế ngày càng cho thấy rõ rằng chỉ có một loại khoa học liên ngành như nghiên cứu khu vực<br />
mới có khả năng lý giải những khác biệt đó một cách toàn diện và thuyết phục.<br />
Bằng cách vận dụng cách tiếp cận liên ngành và những phương pháp nghiên cứu đa<br />
dạng để hiểu được các nền văn hóa và xã hội khác nhau, các học giả khu vực học đã và vẫn<br />
cố gắng biện luận rằng những hình thức mới của tri thức đòi hỏi phải có những bộ khung<br />
kiến tạo tri thức mới. Như vậy, họ đã trực tiếp thách thức tính cục bộ của các khoa chuyên<br />
ngành trong việc khép kín những quy trình nhận thức. Tuy nhiên, vào những thời gian đầu<br />
của nghiên cứu khu vực, do chưa có một cơ sở phương pháp luận như thông thường, bộ<br />
môn nghiên cứu khu vực học luôn trở thành đối tượng gièm pha của các khoa học chuyên<br />
ngành và thậm chí của những người quản lý. Nghiên cứu khu vực vào giai đoạn đầu ở tất<br />
cả các quốc gia hình như đều có chung một số phận như thế. Nó thường bị coi là không có<br />
tính chuyên môn và do đó, không thực sự mang tính học thuật, điều này làm cho nó phải<br />
chịu một địa vị thấp kém trong các trường đại học. Một lý do nữa không kém phần quan<br />
trọng, vào giai đoạn đầu của khu vực học, các học giả được xem là “nhà khu vực học” đều<br />
xuất phát từ một chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn truyền thống như sử học, ngôn<br />
ngữ học, văn học, xã hội học, nhân học… Hệ quả là, phần lớn các nhà khu vực học đều có<br />
hai chức danh chẳng hạn vừa là một nhà sử học vừa là một chuyên gia Trung Quốc học,<br />
hay vừa là một nhà ngôn ngữ học vừa là một chuyên gia về Việt Nam học… Xét trên quan<br />
điểm của các chuyên ngành truyền thống, điều này có nghĩa là bộ môn khu vực học có thể<br />
bị đẩy ra ngoài lề và bị phân tán lực lượng. Thực tế đó có ảnh hưởng đáng kể đến sự tồn tại<br />
độc lập và vững chắc của bộ môn khoa học này.<br />
Trong quá khứ và cả hiện nay, khu vực học liên ngành không đe dọa thay thế các<br />
chuyên ngành nhưng cũng đòi hỏi không kém bình đẳng về địa vị. Tuy nhiên, trong khi<br />
còn chưa có dấu hiệu của một cuộc tái cơ cấu các khoa khoa học xã hội và nhân văn theo<br />
một mô hình khác mà chúng ta chưa ai tưởng tượng ra thì khu vực học vẫn cần các khái<br />
niệm, các mô hình và phương pháp của các chuyên ngành để hiểu và giải thích tính đa<br />
dạng của các nền văn hóa và các xã hội. Điều này trực tiếp hoặc gián tiếp có liên quan đến<br />
cách hiểu về khái niệm liên ngành mà chúng tôi sẽ đề cập ngay sau đây.<br />
<br />
<br />
2. LIÊN NGÀNH LÀ GÌ?<br />
Liên ngành (Inter-disciplinarity hay Inter-disciplinary) là một thuật ngữ được tạo<br />
bởi hai từ inter và disciplinarity hay disciplinary. Inter có nghĩa là ở giữa (between) hay<br />
liên kết (connecting). Chẳng hạn, international là những gì thuộc về hai hay nhiều nước.<br />
Tương tự như vậy, disciplinarity là môn học hay là ngành học. Và như vậy, inter-<br />
disciplinarity là sự liên kết các môn học, các ngành học. Thông thường, mỗi chuyên ngành<br />
có một đối tượng nghiên cứu riêng và thường giải quyết những vấn đề chuyên biệt của<br />
ngành mình. Tuy nhiên, như đã đề cập ở phần trên, nhu cầu nhận thức của con người đặt ra<br />
vấn đề cần phải liên ngành để giải quyết nhiều vấn đề của thực tiễn. Khái niệm liên ngành<br />
trong bài viết này sẽ được xét đến trên quan điểm của các nhà nghiên cứu khoa học xã hội<br />
và nhân văn nói chung và các nhà nghiên cứu khu vực nói riêng.<br />
Về phương diện lịch sử của khái niệm này, theo R. J. Ellis [3], liên ngành, theo ý<br />
nghĩa chung nhất của nó, thực chất đã được nêu ra và bàn đến từ khoảng giữa những năm<br />
1920. Những tài liệu như vậy hiện vẫn được Hội đồng nghiên cứu Khoa học Xã hội Hoa<br />
Kỳ (United State’s Social Science Research Council - SSRC) lưu giữ. Vào thời gian ấy,<br />
SSRC đã mong muốn thúc đẩy việc nghiên cứu những vấn đề liên quan đến không chỉ một<br />
ngành. Có lẽ đây cũng không phải là một điều đáng ngạc nhiên vì vào thời gian đó, khoa<br />
học xã hội đã khá phát triển về phạm vi và cần đến sự hợp tác của các học giả từ nhiều<br />
chuyên ngành khác nhau. Theo những luận bàn thời đó, liên ngành đã được hiểu như là<br />
“một cách tiếp cận trong nghiên cứu khoa học xã hội trong đó có sự hợp tác của từ hai<br />
ngành khoa học trở lên”. Nội dung khái niệm này sau đó cũng được mở rộng nhanh chóng.<br />
Margaret Mead 1 năm 1931 gọi đó là sự hợp tác (co-operation), sự thụ tinh chéo (cross-<br />
fertilization) trong khoa học xã hội. Từ những cách hiểu ban đầu đó, việc sử dụng khái<br />
niệm liên ngành đã ngày càng trở nên thông dụng, đặc biệt là trong hơn hai chục năm cuối<br />
thế kỷ XX vừa qua và những năm đầu tiên của thế kỷ XXI này.<br />
Có thể nhắc đến một vài cách hiểu về liên ngành như sau:<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
1<br />
Margaret Mead là một nhà nhân học Mỹ nổi tiếng với những nghiên cứu điền dã tại Samoa vào những năm 1920,<br />
bà thuộc thế hệ các nhà nhân học đầu tiên thực hiện nghiên cứu điền dã và liên ngành để nghiên cứu đời sống của trẻ<br />
em nữ đến tuổi trưởng thành tại đảo Samoa, nam Thái Bình Dương, năm 1925-1926.<br />
Thứ nhất, liên ngành là một loại hình hợp tác học thuật trong đó các nhà chuyên<br />
môn được lấy từ hai hay nhiều chuyên ngành khác nhau cùng làm việc với nhau để cùng<br />
đạt đến những mục tiêu chung trong nhận thức đối tượng nghiên cứu [10].<br />
Thứ hai, một số quan điểm khác cho rằng liên ngành không chỉ là sự liên kết giữa<br />
các chuyên gia từ các ngành khác nhau mà có khi còn là việc sử dụng đồng thời ít nhất hai<br />
phương pháp nghiên cứu chuyên ngành trở lên [6], các phương pháp này tồn tại trên<br />
nguyên tắc là phải có quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ lẫn nhau và bình đẳng với nhau về<br />
vai trò và nhiệm vụ trong nhận thức đối tượng nghiên cứu.<br />
Liên quan đến việc định nghĩa thế nào là liên ngành, cần phân biệt rõ liên ngành với<br />
đa ngành (multidisciplinary). Theo R.J.Ellis, sự khác biệt này chủ yếu ở hướng tiếp cận.<br />
Tiếp cận đa ngành nhấn mạnh việc sử dụng các phương pháp và quy trình của nhiều<br />
chuyên ngành khác nhau một cách riêng biệt và độc lập, trong khi đó tiếp cận liên ngành<br />
lại tìm cách liên kết, thiết lập những mối quan hệ qua lại, quy định và ảnh hưởng lẫn nhau<br />
giữa những hệ phương pháp và quy trình của nhiều chuyên ngành khác nhau.<br />
3. LIÊN NGÀNH TRONG NGHIÊN CỨU KHU VỰC<br />
Sự phát triển của khoa học đã chứng minh những ưu thế của hướng tiếp cận chuyên<br />
ngành về tính rõ ràng, về khả năng phục vụ việc nghiên cứu chuyên biệt. Tuy nhiên, trong<br />
lịch sử nghiên cứu khu vực, các thành tựu nghiên cứu cũng lại cho thấy rằng để đi đến<br />
nhận thức về một khu vực, hướng tiếp cận liên ngành có lợi thế vượt trội so với tiếp cận<br />
chuyên ngành ở chỗ: thứ nhất, nó có thể tích hợp được những kết quả của các nghiên cứu<br />
chuyên ngành về một khu vực để nhận thức tổng hợp về khu vực đó, và thứ hai, nó có thể<br />
khai thác những khía cạnh của tri thức mà các chuyên ngành, do yêu cầu phải thiết lập và<br />
duy trì sự khác biệt với những chuyên ngành khác, có thể bỏ qua. Khu vực học có thể giúp<br />
các khoa học chuyên ngành vượt qua tính cục bộ của chúng. Tuy vậy, điều này cũng hàm<br />
chỉ những khó khăn không tránh khỏi của hướng tiếp cận liên ngành, đó là tiếp cận liên<br />
ngành cần phải được dựa trên những hiểu biết sâu sắc về những chuyên ngành mà nó liên<br />
kết. Do đó, thứ nhất, nó chỉ có thể được thực hiện bởi những người có trình độ cao; và thứ<br />
hai, nó khó có thể thực hiện được chỉ bởi một nhà nghiên cứu. Vì vậy, một trong những đặc<br />
điểm của nghiên cứu liên ngành là thường đòi hỏi phải nghiên cứu theo nhóm. Tất nhiên,<br />
điều này sẽ trở thành một tham vọng khó đạt được khi người ta quá cầu toàn về một kết<br />
quả nghiên cứu hoàn hảo theo hướng tiếp cận này.<br />
Trong giới nghiên cứu khu vực, cách quan niệm về liên ngành chưa hẳn đã thống<br />
nhất, cho dù sự khác biệt trong cách dùng thuật ngữ này, theo Campbell John [7], có thể rất<br />
tinh tế. Điều này được ông chỉ ra trong bài phát biểu tại Hội thảo Quốc tế khu vực học Mỹ<br />
- Nhật tổ chức tại Tokyo năm 1995. Theo ông, các chuyên gia khu vực học ở cả hai nước<br />
đều thống nhất - một cách tự nhiên - rằng các quốc gia hay các khu vực mà họ nghiên cứu<br />
cần phải được nhận thức bằng cách tiếp cận mang tính tổng thể và toàn diện (holistic<br />
approach). Hơn nữa, do những vấn đề thực tiễn đặt ra, cũng là theo xu thế phát triển của<br />
khoa học, các chuyên gia đều có một khuynh hướng chung là phải xoá nhoà ranh giới của<br />
các cách tiếp cận chuyên ngành bằng cách tiếp cận liên ngành. Tuy nhiên, đó chỉ là quan<br />
điểm chung mang tính hướng đạo. Đi vào cụ thể hơn thì việc hiểu nội dung khái niệm liên<br />
ngành ở hai quốc gia này không dễ dàng thống nhất như vậy. Ngay trong bản thân giới<br />
khoa học của từng nước đã có sự không thống nhất. Chẳng hạn, ở Mỹ, các nhà nghiên cứu<br />
khu vực và các nhà nghiên cứu chuyên ngành đã không có đủ thiện chí để cùng thảo luận<br />
về vấn đề này. Các nhà khu vực học Mỹ cho rằng “liên ngành” ở đây đề cập đến sự áp<br />
dụng đồng thời các lý thuyết và phương pháp, là tận dụng các thế mạnh từ các khoa học<br />
chuyên ngành. Tuy nhiên, các nhà khoa học chuyên ngành thuần tuý lại không đồng ý như<br />
vậy. Họ cho rằng thành quả nghiên cứu của các nhà khu vực học chỉ như là một sự đào xới<br />
lên những vấn đề lạ lẫm và kỳ quặc hơn là việc tận dụng và phát triển các thế mạnh sắc bén<br />
của các khoa học chuyên ngành. Để đáp lại, các nhà khu vực học biện luận rằng bằng việc<br />
triển khai nghiên cứu trên những địa hình xa lạ, họ đã có những đóng góp quan trọng trong<br />
việc thử nghiệm những lý thuyết vẫn bị xem là kém ứng dụng. Tuy nhiên, những lý thuyết<br />
đó là gì thì họ lại không chỉ ra được. Tình hình như vậy ở Mỹ thực ra cũng không phải là<br />
cá biệt. Các nước khác, ngay cả Việt Nam ta cũng có một thực tế tương tự. Các nhà khu<br />
vực học Nhật Bản thì lại biểu hiện sự hoài nghi không dấu diếm về ngay chính bản thân<br />
những lý thuyết của cách tiếp cận này. Điều này thậm chí bị đẩy đến mức cực đoan khi họ<br />
giải thích liên ngành giống như là không có ngành gì.<br />
Liên ngành trong các nghiên cứu khu vực, theo chúng tôi, không hoàn toàn giống<br />
nhau và không theo một mô hình chung duy nhất, nó phụ thuộc rất nhiều vào đối tượng<br />
nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu ở đây có thể chia thành hai loại và tương ứng với nó là<br />
hai kiểu nghiên cứu liên ngành khác nhau:<br />
Loại 1: nghiên cứu để nhận thức và phát hiện ra bản chất hay tính đặc trưng của<br />
một khu vực. Loại này có thể gọi là nghiên cứu cảnh quan. Tương ứng với loại đối tượng<br />
này là cách tiếp cận liên ngành theo nhóm, tạm gọi là liên ngành kiểu 1.<br />
Loại 2: nghiên cứu một vấn đề nào đó của một khu vực. Chẳng hạn, nghiên cứu lịch<br />
sử của một làng Nhật Bản, hay nghiên cứu những vấn đề di dân thời hiện đại ở Châu Đại<br />
Dương… Đối với các vấn đề kiểu này, các nhà nghiên cứu trước hết phải là người có<br />
chuyên môn sâu về một chuyên ngành mà vấn đề nghiên cứu đề cập đến như lịch sử hay xã<br />
hội học chẳng hạn và họ sẽ nghiên cứu các vấn đề trên bằng phương pháp liên ngành trong<br />
khu vực học. Tuy nhiên, cách nghiên cứu này không giống với kiểu 1 mà sẽ có những đặc<br />
trưng riêng, tạm gọi là liên ngành kiểu 2.<br />
Đối với cả hai loại liên ngành trên, phương pháp nghiên cứu đặc trưng đều là nghiên<br />
cứu trên thực địa hay nghiên cứu điền dã (field research, field work) với một yêu cầu tối<br />
cao là sự thuần thục tiếng bản địa và phải trải nghiệm trong cuộc sống chung với dân bản<br />
địa. Cũng có quan niệm cho rằng nhà nghiên cứu không nhất thiết phải nghiên cứu trên<br />
thực địa mà có thể nghiên cứu qua văn bản hoặc khảo cứu các loại thư tịch. Thoạt đầu,<br />
quan niệm này không có nhiều ý kiến không tán thành, đặc biệt là trong thời kỳ hoàng kim<br />
của nền Đông phương học châu Âu. Tuy nhiên, khu vực học càng phát triển, người ta càng<br />
đòi hỏi sự trải nghiệm của nhà nghiên cứu tại khu vực họ nghiên cứu. Một nhà nghiên cứu<br />
khu vực người Mỹ, David L. Szanton, đã nêu khái niệm khu vực học như sau: “hiểu một<br />
cách rõ ràng nhất thì khu vực học là một nhóm gồm nhiều lĩnh vực và hoạt động học thuật<br />
với những đặc điểm chung sau đây: (1) nghiên cứu sâu về ngôn ngữ; (2) nghiên cứu điền<br />
dã sâu sắc bằng tiếng bản địa; (3) nghiên cứu kỹ các sự kiện lịch sử địa phương, các quan<br />
điểm, các tài liệu, các tri thức về địa phương; (4) kiểm tra, thảo luận, phê phán hay phát<br />
triển các lý thuyết cơ bản dựa trên những quan sát cụ thể; và (5) có những thảo luận liên<br />
ngành liên quan đến nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn” [2]. Cách giải thích trên<br />
chứa đựng hàng loạt các ý niệm về đối tượng và phương pháp nghiên cứu, đặc biệt là<br />
phương pháp nghiên cứu của ngành khoa học này. Nó giống như một đường hướng nghiên<br />
cứu được đông đảo giới nghiên cứu khu vực không chỉ ở Mỹ mà ở nhiều nước khác chấp<br />
nhận.<br />
Không những thế, các nhà khu vực học cấp tiến còn đòi hỏi mọi sự kiện tại khu vực<br />
phải được nhìn nhận và đánh giá từ điểm nhìn của người trong cuộc. Tất nhiên, điều này<br />
đôi khi bị coi như một đòi hỏi khắt khe, đặc biệt là đối với những học giả đã bị điểm nhìn<br />
“châu Âu trung tâm” chi phối toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu. Hơn nữa, việc quen vận dụng<br />
hệ thống khái niệm, những mô hình lý thuyết vốn ra đời trong cảnh huống phương Tây để<br />
nghiên cứu những phần còn lại của thế giới đôi khi khiến họ phải vật lộn để tự đứng vững<br />
trước những đòi hỏi của nền khu vực học hiện đại.<br />
Đó là những vấn đề phương pháp luận chung cho cả hai loại liên ngành trên. Đi vào<br />
cụ thể, mỗi loại lại có những đặc trưng riêng. Chẳng hạn, việc nghiên cứu liên ngành theo<br />
nhóm ở loại 1 có một quy trình nghiên cứu đặc trưng mà nghiên cứu khu vực kiểu Nhật<br />
Bản là một hình mẫu. Theo quy trình này, phương pháp liên ngành thường được thực hiên<br />
theo 3 giai đoạn: 1. Đa ngành với các lĩnh vực nghiên cứu độc lập, cho ra kết quả độc lập;<br />
2. Hợp tác các ngành với việc trao đổi kết quả; và 3. Liên ngành với việc nghiên cứu toàn<br />
thể của cả nhóm, tổng hợp kết quả của các lĩnh vực để phát hiện đặc trưng bản chất của khu<br />
vực [9]. Loại 2 thường do cá nhân các nhà nghiên cứu thực hiện với đối tượng chung là<br />
một vấn đề nào đó của khu vực. Đặc tính liên ngành của loại này thể hiện ở việc lý giải các<br />
sự kiện của khu vực trên nền tảng tri thức tổng hợp về khu vực đó, trong mối quan hệ với<br />
môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và hoàn cảnh lịch sử cũng như trong sự so sánh với<br />
các khu vực khác. Đây là mô hình liên ngành trong nghiên cứu khu vực đặc trưng kiểu Mỹ.<br />
Tuy nhiên, liên ngành trong nghiên cứu khu vực cũng đặt ra hàng loạt các vấn đề<br />
phải giải quyết và chúng tôi tin rằng để có thể giải quyết chúng, các nhà khu vực học cũng<br />
sẽ phải tốn không ít giấy mực. Đó là những vấn đề chẳng hạn như: cán cân giữa các<br />
chuyên ngành trong hoạt động liên ngành sẽ phải như thế nào? (Ví dụ: các nhà khu vực<br />
học Nhật Bản thì có khuynh hướng nghiêng về nhân học, trong khi đó các nhà khu vực học<br />
Mỹ lại có khuynh hướng nghiêng về sử học và khoa học chính trị…[7]). Rồi, các chuyên<br />
ngành có nên được liên kết với nhau một cách bình đẳng hay không? Hay, cần phải có tri<br />
thức đến đâu về các chuyên ngành để có thể liên kết chúng lại một cách có hiệu quả?… Và<br />
có lẽ sẽ còn vô số các vấn đề khác nữa sẽ nảy sinh mà chúng ta, khi mới thực hiện ở những<br />
bước đầu, sẽ không thể hình dung ra hết.<br />
4. LIÊN NGÀNH VỀ LÝ THUYẾT - TÌM KIẾM MỘT CHỖ DỰA VỮNG CHẮC HƠN<br />
CHO KHU VỰC HỌC<br />
Các khía cạnh khác nhau của khái niệm liên ngành như đã dẫn đều nhắc đến sự liên<br />
kết của các nhà chuyên môn, của các phương pháp nghiên cứu. Tuy nhiên, một khía cạnh<br />
quan trọng sự là sự liên kết những mô hình lý thuyết thì không được đề cập rõ ràng cho dù<br />
điều này có ảnh hưởng sống còn đến sự tồn tại vững chắc của khu vực học. Về mặt triết<br />
học, có những mô hình lý thuyết có khả năng làm chỗ dựa để lý giải nhiều vấn đề thuộc<br />
nhiều chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn khác nhau và cũng có những mô hình lý<br />
thuyết là riêng của một chuyên ngành nào đó. Bên cạnh những phương pháp nghiên cứu<br />
đặc thù, những mô hình lý thuyết luôn luôn được xem là thước đo cơ sở tồn tại của bất kỳ<br />
một bộ môn khoa học nào, cũng như là thước đo tính chuyên nghiệp và chất lượng khoa<br />
học của bất kỳ một công trình nghiên cứu nào. Một trong những nguyên nhân khiến khu<br />
vực học luôn phải chịu đựng những búa rìu học thuật là do nhiều nhà khoa học vẫn khăng<br />
khăng buộc tội rằng khu vực học chỉ mang tính ghi chép và mô tả, thiếu phân tích, không<br />
có lý thuyết dẫn đường, đi ngược lại tính chất khái quát hóa của các chuyên ngành khoa<br />
học xã hội và nhân văn then chốt, dù có hấp dẫn đến mấy thì nó cũng chẳng có đóng góp gì<br />
trong việc kiểm chứng và phát triển những lý thuyết khoa học. Về cơ bản, tất cả các nghiên<br />
cứu văn hóa, xã hội không thể tránh khỏi việc phải dựa vào một hay một số mô hình lý<br />
thuyết nào đó để giải thích những mối quan hệ, những đặc tính bản chất của đối tượng<br />
nghiên cứu. Nếu không có một nền tảng lý thuyết chặt chẽ và hợp lý, nhà nghiên cứu sẽ<br />
không biết phải tìm kiếm những gì, giải thích chúng ra sao, trình bày chúng với tư cách là<br />
kết quả nghiên cứu như thế nào để thể hiện đó là kết quả của một sự nhận thức khách quan<br />
và khoa học. Để đáp lại những kết luận bi quan của không ít các nhà khoa học về việc khu<br />
vực học thiếu hẳn những mô hình lý thuyết cơ bản dẫn đường, rồi liên ngành trong khu vực<br />
học có nghĩa là không có ngành gì cả (interdiscipline is nondiscipline) [5], chúng tôi thấy<br />
rất cần phải tìm kiếm những cơ sở tồn tại vững chắc hơn cho bộ môn khoa học này.<br />
Sự phát triển của khoa học trong thế kỷ XX vừa qua cho thấy những lý thuyết chính<br />
trị, xã hội và văn hóa khác nhau đã trở thành mối quan tâm chung của các chuyên ngành<br />
khoa học xã hội và nhân văn truyền thống. Điều này đã khuyến khích các học giả mở rộng<br />
sự trao đổi với nhau giữa các chuyên ngành. Nhưng nhiều học giả cũng nhận thấy, thậm chí<br />
công khai phát biểu rằng “phần lớn những gì cố tỏ ra mang tính liên ngành đều che giấu<br />
một nền tảng không vững chắc…” [3]. Và một trong những yếu tố quan trọng cấu thành<br />
nền tảng đó chính là những mô hình lý thuyết. Việc điểm qua những mô hình lý thuyết đã<br />
được các nhà khu vực học áp dụng để giải thích tính đa dạng của thế giới có thể sẽ trở<br />
thành những gợi mở có ý nghĩa đối với quan niệm về lý thuyết trong khu vực học cũng như<br />
đối với khả năng xem xét việc có thể hay không thể tích hợp những mô hình lý thuyết<br />
chung, vận dụng chúng một cách linh hoạt cho thích hợp với cách nhận thức thế giới của<br />
bộ môn khoa học này. Xin nói ngay, trong bài viết này, chúng tôi không có ý định luận bàn<br />
về tính đúng - sai, về năng lực giải thích, về sự hợp thời hay lỗi thời, về hạt nhân hợp lý<br />
hay không hợp lý và tất cả những vấn đề tương tự của các lý thuyết mà các chuyên gia khu<br />
vực học đã từng, và có thể, sẽ áp dụng. Mục tiêu của chúng tôi chỉ là điểm lại các mô hình<br />
lý thuyết để bảo vệ cho khu vực học trước những cái nhìn bi quan về chỗ dựa của ngành<br />
khoa học này.<br />
Chúng ta vẫn biết, các chuyên gia khu vực học hầu hết đều xuất phát từ các chuyên<br />
ngành khoa học xã hội và nhân văn cơ bản. Việc họ vận dụng những lý thuyết, những cách<br />
tiếp cận và kỹ năng nghiên cứu của ngành mình trong nghiên cứu khu vực là một lẽ tất<br />
nhiên. Đầu tiên, một nhà khu vực học là (hay giống như là) một nhà nhân học nghiên cứu<br />
về một khu vực nào đó. Nếu hiểu được sự khởi đầu này, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên<br />
nếu giới học thuật gọi, chẳng hạn, B. Manilowski (2) hay Margaret Mead khi thì là nhà nhân<br />
học, khi thì là nhà khu vực học. Thậm chí Lewis Morgan, tác giả của tác phẩm “Xã hội cổ<br />
đại”, một trong những nhà nhân học đầu tiên thì cũng đồng thời được coi là nhà khu vực<br />
học đầu tiên trong quan niệm của một số nhà khoa học [1]. Thực tế cũng cho thấy các<br />
<br />
<br />
(2)<br />
B. Manilowski, nhà nhân học - khu vực học, người đầu tiên áp dụng phương pháp nghiên cứu thực địa để nghiên<br />
cứu đời sống của người dân trên hòn đảo Trobriand ở Tây Thái Bình Dương, năm 1914-1916.<br />
nghiên cứu khu vực ban đầu đều dựa trên những mô hình lý thuyết của nhân học để giải<br />
thích tính đa dạng của thế giới.<br />
Thuyết vị chủng hay tư tưởng sinh học về chủng tộc là một trong những mô hình<br />
giải thích đầu tiên, rất thịnh hành trong khu vực học ở các nước phương Tây thời kỳ đầu,<br />
cho dù bị coi là một học thuyết phản động. Hạt nhân của học thuyết này là niềm tin cho<br />
rằng tổ chức, tập tục, văn hóa của xã hội mình (xã hội của người châu Âu da trắng) là văn<br />
minh hơn cả còn của các xã hội khác là không bình thường, thậm chí kỳ quặc và đáng ghê<br />
tởm. Học thuyết này đặc biệt có uy lực trong các xã hội thuộc địa bởi nó đã tự nhiên hóa tất<br />
cả các bất bình đẳng giữa người với người. Trong khoa học, nó đã thống trị toàn bộ nền<br />
Đông phương học châu Âu vốn vẫn được coi là một hình thức sơ khai của khu vực học.<br />
Tuy nhiên, trong thời hiện đại, các nhà khoa học tiến bộ đều hiểu rằng các đặc điểm chủng<br />
tộc không quyết định sự thịnh vượng, năng suất lao động, quan hệ giai cấp của quốc gia<br />
hay tộc người ở một khu vực nào đó.<br />
Thuyết Đac-uyn xã hội do Lewis Morgan đề xướng cũng có thể coi là một mô hình<br />
lý thuyết được áp dụng phổ biến trong khu vực học buổi đầu. Thuyết này lấy chọn lọc tự<br />
nhiên trong sinh học làm hạt nhân giải thích cho sự tiến hóa xã hội. Hạt nhân của học<br />
thuyết này cho rằng mọi xã hội đều trải qua những giai đoạn tiến hóa nhất định theo một<br />
mô hình tiến hóa đơn tuyến từ xã hội mông muội đến xã hội dã man rồi đến xã hội văn<br />
minh và hệ quả của sự vận dụng lý thuyết này là việc giải thích sự khác biệt giữa các khu<br />
vực là sự khác biệt giữa các giai đoạn phát triển khác nhau của các nhà nghiên cứu. Điều<br />
này cũng được áp dụng để giải thích tại sao một số xã hội hay nền văn hóa lại cao hơn một<br />
số xã hội hay nền văn hóa khác. Thuyết này, tuy đã bị bác bỏ nhưng nó cũng đã đánh dấu<br />
một sự khởi đầu sơ khai của cách lý giải về thế giới.<br />
Thuyết Chức năng của B. Manilowski và Radcliffe Brown (ở Anh) và thuyết Tương<br />
đối văn hóa của Franz Boas (3) (ở Mỹ) ra đời để đối chọi lại với thuyết Tiến hóa xã hội. Các<br />
tác giả của hai mô hình lý thuyết này đã kịch liệt phê phán các nhà tiến hóa luận trong việc<br />
tách rời các sự kiện ra khỏi bối cảnh của nó và điều này, theo họ, làm hạn chế rất nhiều nếu<br />
không muốn nói là hầu hết khả năng đưa ra những kết luận khách quan. Hai mô hình lý<br />
thuyết, cũng có thể gọi là hai cách tiếp cận này thống nhất trên một nguyên tắc chung là<br />
các khía cạnh của văn hóa phải được nhận thức trong bối cảnh xã hội của chúng. Trong<br />
nghiên cứu các khu vực văn hóa rất thịnh hành lúc bấy giờ, hai cách tiếp cận này đều tìm<br />
cách lý giải đặc trưng của mỗi khu vực văn hóa trong những điều kiện riêng như tự nhiên,<br />
xã hội, lịch sử của nó. Quan điểm của thuyết Tương đối văn hóa cũng đưa đến một hệ luận<br />
<br />
(3) Người khai sinh ra nhân học Mỹ với những nghiên cứu đầu tiên về các khu vực văn hóa (culture area)<br />
quan trọng về phương pháp tiếp cận của nghiên cứu khu vực. Đó là sự nhấn mạnh vào tầm<br />
quan trọng tối cao của các nghiên cứu thực địa (nghiên cứu điền dã) với các tư liệu được<br />
thu thập và tích lũy dài hơi. Những tác giả của nó đều đã trải nghiệm qua những chuyến<br />
nghiên cứu thực địa dài ngày: Manilowski với hai năm sống tại quần đảo Trobriand và<br />
Franz Boas với nhiều năm sống với các quần cư thổ dân Bắc Mỹ.<br />
Cùng với những lý thuyết khởi nguồn từ xã hội học và nhân học mà các nhà khu<br />
vực học dùng để giải thích thế giới, theo thời gian, các học giả khu vực học luôn biểu hiện<br />
nỗ lực tìm kiếm những khái niệm, những mô hình để giải thích cho bản chất các đối tượng<br />
nghiên cứu của mình. Trong nghiên cứu khu vực các nước đang phát triển ở châu Á, châu<br />
Phi và đặc biệt là ở khu vực Mỹ La-tinh, các nhà khu vực học Mỹ đã áp dụng mô hình giải<br />
thích của Thuyết Nhiệt đới [8]. Lý thuyết này cho rằng khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm của<br />
các khu vực nói trên là nguyên nhân làm hạn chế sự tăng trưởng kinh tế, làm suy yếu cộng<br />
đồng dân cư và gây ra nền chính trị bạo lực, thường xuyên bất ổn cho các nước này. Sau<br />
này, các học giả khu vực học Mỹ cũng nhận ra rằng kiểu khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm có<br />
ảnh hưởng nhất định tới kinh tế cũng như sức khỏe của người dân nhưng không có gì<br />
khẳng định rằng nó quyết định sự phát triển của một quốc gia.<br />
Từ sau Chiến tranh thế giới II, những lý thuyết nói trên đã gần như bị loại bỏ hoàn<br />
toàn khỏi các mô hình giải thích thế giới của khu vực học. Thập kỷ 1950-1960, khu vực<br />
học lại vận dụng một mô hình lý thuyết mới dựa trên quan điểm và cách tiếp cận kinh tế<br />
học - lý thuyết Hiện đại hóa. Lý thuyết này nảy sinh từ nỗ lực tìm ra con đường để các<br />
nước mới giành độc lập và các nước thuộc thế giới thứ 3 có thể đạt được trình độ phát triển<br />
kinh tế và chính trị giống như Mỹ và các nước châu Âu tư bản. Các chuyên gia khu vực<br />
học đến từ các chuyên ngành khác nhau đều định hướng nghiên cứu của mình theo lý<br />
thuyết này. Các nhà chính trị học đã công bố nhiều công trình có giá trị về những bộ máy<br />
chủ yếu như quân đội và nhà thờ, và vai trò chính trị của các cư dân thành thị, nông dân và<br />
sinh viên với tư cách là những nhóm xã hội. Các nhà xã hội học thì nghiên cứu những<br />
nhóm xã hội mới nổi lên và những lực lượng góp phần tạo ra sự tăng trưởng kinh tế ổn<br />
định và nâng cao mức sống của người dân. Các nhà sử học thì đưa ra các quan điểm lịch sử<br />
về các điều kiện tiên quyết như địa lý, dân số, xã hội, rồi tâm lý cộng đồng và hệ quả của<br />
chúng đối với những thay đổi kinh tế xã hội. Như vậy, trong quá trình trao đổi và hợp tác<br />
học thuật (liên ngành), các nhà sử học đã sử dụng các công cụ phương pháp luận và phân<br />
tích của các khoa học khác và ngược lại. Nói rộng hơn, các chuyên gia khu vực học đã vận<br />
dụng các mô hình lý thuyết của nhiều khoa học chuyên ngành để lý giải đặc trưng của các<br />
khu vực.<br />
Một số mô hình lý thuyết, tuy chưa đầy đủ, cũng phần nào cho thấy tính liên ngành<br />
về mặt lý thuyết đã từng ngự trị trong suốt quá trình phát triển lịch sử của khu vực học ở<br />
các nước phương Tây. Như đã nói, chúng tôi không bàn đến giá trị chân lý, tính cơ động và<br />
năng lực giải thích của chúng mà chỉ khái quát một số mô hình và sự vận dụng chúng trong<br />
khu vực học để chứng minh khả năng liên kết những nền tảng lý thuyết chung và riêng của<br />
các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn truyền thống trong việc lý giải những đối<br />
tượng nghiên cứu đặc thù của khu vực học. Cùng với khả năng trên là khả năng tích hợp và<br />
vận dụng chúng một cách linh hoạt nhằm tạo nên những mô hình có sức giải thích lớn đối<br />
với sự khác biệt tồn tại ở khắp mọi nơi trên hành tinh chúng ta. Và như vậy, vấn đề đặt ra<br />
là: liệu khu vực học có cần phải xây dựng cho mình những nền tảng lý thuyết riêng biệt và<br />
độc lập với các mô hình lý thuyết của các khoa học chuyên ngành hay không? Câu trả lời<br />
thuộc về các nhà khu vực học, những người hiểu hơn ai hết đối tượng và phương pháp<br />
nghiên cứu của mình.<br />
Bằng việc khái quát một vài mô hình lý thuyết cơ bản và việc vận dụng chúng để<br />
nghiên cứu khu vực trong quá khứ (và không ai có thể khẳng định những việc tương tự như<br />
vậy sẽ không được tiếp tục áp dụng trong tương lai), chúng tôi hy vọng tìm thấy một chỗ<br />
dựa vững chắc hơn cho khu vực học, đặc biệt là trước những lời chỉ trích gay gắt từ phía<br />
các học giả chuyên ngành.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
[1] Kataoka Sachihiko, Lý thuyết khu vực học và nghiên cứu Nhật Bản nhìn từ góc độ khu<br />
vực học, Bài giảng chuyên đề cho sinh viên chuyên ngành Nhật Bản học, Khoa Đông<br />
phương học, Hà Nội, 2006.<br />
<br />
[2] David L. Szanton, The Origin, Nature and Challenges of Area studies in the United States,<br />
The Politics of Knowledge: Area Studies and the Disciplines, UCIAS Edited Volume 3,<br />
University of California International and Area Studies Digital Collection, 2003.<br />
<br />
[3] Ellis, R.J., Interdisciplinarity, Subject Centre for Languages, Linguistics and Area<br />
Studies in United Kingdom, 2003.<br />
<br />
[4] www.lang.itsn.ac.uk/resources/goodpractise.aspx?resourceid=1430<br />
<br />
[5] Emily A.Schultz & Robert H.Lavenda, Nhân học - một quan điểm về tình trạng nhân<br />
sinh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.<br />
[6] Fujita Fumiko, American Studies in Japanese Universities: Past, Present and Future,<br />
Japan-USA Area Studies Conference, Tokyo, 1995.<br />
<br />
[7] Jonathan Gibson, Two types of Interdisciplinarity, Conference “Disciplinary identity of<br />
Area studies”, London, 2004.<br />
<br />
[8] John Campbell, Introduction: Views on behalf of the each delegation, Japan-USA Area<br />
Studies Conference, Tokyo, 1995.<br />
<br />
[9] Paul W. Drake & Lasa Hibink, Latin American Area Studies: Theory and Practise, The<br />
Politics of Knowledge: Area Studies and the Disciplines, UCIAS Edited Volume 3,<br />
University of California International and Area Studies, 2003.<br />
<br />
[10] Yumio Sakurai, Khu vực học là gì? Bài giảng chuyên đề tại Viện Việt Nam học và Khoa<br />
học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.<br />
<br />
[11] Encyclopedia of Social Sciences and Humanities<br />