
92
CHƯƠNG 4. MÔ HÌNH KINH DOANH CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH
MỤC TIÊU
Người học nắm được kiến thức các loại đổi mới và mô hình kinh doanh công nghệ tài chính.
Vận dụng kiến thức để phân tích mô hình kinh doanh của các công ty, đặc biệt là công ty
công nghệ tài chính
4.1. Phân loại đổi mới
“Các công ty phải chấp nhận tính tất yếu của sự thay đổi bằng cách coi trọng sự đổi mới hơn là
thành công trong quá khứ” (Utterback, 1994). Để duy trì lợi thế cạnh tranh và chống lại những ảnh
hưởng của môi trường không thân thiện, các công ty nên liên tục đổi mới.
Như Michael E. Porter đã đề cập trong Lợi thế cạnh tranh của các quốc gia (1990) “Các công ty
đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua các hành động đổi mới”. và “Họ tiếp cận sự đổi mới theo
nghĩa rộng nhất của nó, bao gồm cả công nghệ mới và cách thức làm việc mới”. Những tuyên bố
này tập trung vào trọng tâm của đổi mới trong mọi ngành, vừa là đổi mới đột phá, có thể thay đổi
hoàn toàn một ngành nhờ tác động của chúng, vừa là đổi mới tiến hóa hoặc cận biên, đổi mới sản
phẩm hoặc quy trình mà không phá vỡ hoàn toàn chúng.
Từ quan điểm thực tế, sự đổi mới có thể đến từ:
- Sản phẩm (hoặc dịch vụ)
- Quy trình
- Tổ chức
- Mô hình kinh doanh
4.1.1. Đổi mới sản phẩm
Có nhiều cơ hội cho các tổ chức tài chính trong việc đổi mới sản phẩm. Khách hàng rất quan tâm
đến việc chứng kiến các tổ chức này phát triển các dịch vụ sáng tạo áp dụng các tính năng mới và
triển khai chúng phù hợp với nhu cầu của họ. Các tổ chức tài chính cần gia tăng giá trị cho khách
hàng của họ bằng cách đáp ứng những kỳ vọng này của khách hàng và hoạt động hiệu quả hơn, tiết
kiệm hơn. Những thách thức này không hề dễ dàng đối với các công ty truyền thống, tuy nhiên họ
buộc phải đối mặt với chúng.
Ví dụ: có một số lượng đáng kể các ứng dụng bảo hiểm cho các cảm biến và thiết bị được kết nối
có trong IoT (hoặc IoE, theo cách gọi của Cisco3). Trong IoT các đối tượng, động vật hoặc con
người có các mã định danh duy nhất, có khả năng truyền dữ liệu qua mạng mà không yêu cầu tương
tác giữa người với người hoặc giữa người với máy tính. Với IoT, các tổ chức tài chính có thể thu
thập các bộ dữ liệu mới và đánh giá rủi ro theo những cách hoàn toàn khác so với ngày nay. Điều
này có khả năng định hình lại hoàn toàn các đề xuất sản phẩm và giảm quy mô của các nhóm rủi
ro toàn cầu. Với IoT, bảo hiểm tài sản và thương vong có thể sẽ chứng kiến tác động dài hạn lớn
nhất từ sự gián đoạn công nghệ khi nó chuyển từ đánh giá rủi ro sử dụng các kỹ thuật thống kê
sang mô hình hóa rủi ro cấu trúc dựa trên các quan sát thực. Những thay đổi tương tự có thể xảy ra
theo thời gian đối với bảo hiểm y tế và bảo vệ nhân thọ. Các tổ chức tài chính, bằng cách tận dụng