intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền và chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

19
lượt xem
7
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền và chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phân tích quyền tự bảo vệ của chủ thể quyền sở trí tuệ và trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền và chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử

  1. 384 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ CỦA CHỦ THỂ QUYỀN VÀ CHỦ SỞ HỮU SÀN GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ Trần Minh Chiến Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Email: tranminhchien112@gmail.com Tóm tắt: Sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp thương mại điện tử đã tạo ra nhiều hệ lụy làm ảnh hưởng đến quyền của những chủ thể khác, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ. Pháp luật nước ta hiện nay chưa thật sự chú trọng đến trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của những chủ thể tham giao vào hoạt động trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong phạm vi của bài viết, tác giả phân tích quyền tự bảo vệ của chủ thể quyền sở trí tuệ và trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử. Từ đó, đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về đảm bảo thực hiện tốt quyền tự bảo vệ của chủ thể quyền và xây dựng trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử. Từ khóa: bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử. PROTECTION OF HOLDERS OF INTELLECTUAL PROPERTY RIGHTS AND OWNERS OF E-COMMERCE TRADING PLATFORMS Abstract: The outstanding development of the e-commerce industry has created many consequences that affect the rights of other subjects, including intellectual property rights. The current law of our country has not focused on the responsibility to protect the intellectual property rights of the subjects involved in activities on the e-commerce trading floor. Within the scope of the article, the author analyzes the self-protection rights of intellectual property rights holders and the responsibility to protect the intellectual property rights of e-commerce exchange owners. From there, propose solutions to improve the law on ensuring the good exercise of the rights holders’ right to self-protection and building the responsibilities of the owners of e-commerce trading floors. Keywords: protection of intellectual property rights, owners of e-commerce trading floors, intellectual property rights holders, and e-commerce.
  2. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 385 1. Đặt vấn đề Hoạt động thương mại điện tử trong những năm qua ở Việt Nam đang thật sự bùng nổ cùng với sự phát triển vượt bật của cuộc cách mạng 4.0. Sự phát triển đó được đánh giá qua thị trường thương mại điện tử với tốc độ tăng trưởng trung bình 18% và dự báo quy mô thị trường có khả năng lên đến 26 tỷ USD vào năm 2024 [1]. Hiện nay, không thể xác định cụ thể tất cả các hình thức hoạt động thương mại điện tử trong hệ thống pháp luật điều chỉnh, tuy nhiên, có thể định hình được qua các hình thức hoạt động như website, sàn giao dịch thương mại điện tử và thương mại điện tử trên mạng xã hội [2]. Các hình thức hoạt động này đã góp phần tạo bước phát triển tất yếu cho nền kinh tế Việt Nam và phù hợp với sự phát triển của thế giới. Mặc dù sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam là đáng ghi nhận và tiếp tục vận hành nhưng không thể không có những khó khăn, thách thức. Khi nói đến thương mại điện tử, vấn đề về sở hữu trí tuệ bị bỏ qua nhiều nhất bởi vì nó ít được hiểu hoặc vì các mối liên hệ quan trọng của nó với thương mại điện tử dường như không được thể hiện rõ ràng [3]. Ngoài ra, theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ đầu năm 2019 đến nay, có đến 60% số đơn liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử [4]. Chính vì lẽ đó, một trong những khó khăn trong hoạt động thương mại điện tử là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trên thực tế, việc xác định các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử có thể chia thành các nhóm hành vi: (i) hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử, (ii) hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới tên miền, (iii) hành vi quảng cáo hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,... Xét thấy, việc xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không đơn giản do vẫn còn những khó khăn, vướng mắc của pháp luật [5] nhưng việc xác định có hay không có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là có thể thực hiện được. Ví dụ: hành vi vi phạm quyền tác giả, do đặc tính “vô hình” của quyền tác giả, môi trường mạng Internet là “vô hạn” nên trên các trang web thường xuyên đưa những ấn phẩm, sách báo, truyện, phim ảnh... lên mạng internet để rao bán dù không được cho phép của chủ thể quyền tác giả, đối với quyền sở hữu công nghiệp cũng tương tự [6]. Hiện nay, pháp luật Việt Nam cũng có những quy định nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được ghi nhận trong Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022 (Luật Sở hữu trí tuệ). Khi quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ là cá nhân, tổ chức bị xâm phạm và cá nhân, tổ chức khác phát hiện có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác có quyền tự bảo vệ và/hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, trong quan hệ được xây dựng trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ngoài những chủ thể nêu trên, cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động thương mại trên nền tảng thương mại điện tử (người bán) và chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cũng có trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trong phạm vi nghiên cứu của bài viết, tác giả hướng đến phân tích thực trạng pháp luật về các chủ thể có trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động trên sàn giao dịch thương mại điện tử là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với quyền tự bảo vệ và chủ thể cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử (Chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử). Những chủ thể này chưa được pháp luật xác định trách nhiệm cụ thể và khó áp dụng trên thực tiễn.
  3. 386 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 Từ những khó khăn, thách thức đó, đòi hỏi nhà làm luật cần có những chính sách phù hợp, ban hành khung pháp lý kịp thời không chỉ quản lý hiệu quả mà còn thúc đẩy và tạo điều kiện cho sự phát triển của các hoạt động trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Sự phát triển hoạt động thương mại điện tử không chỉ góp phần phát triển hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh doanh[7] mà còn góp phần vào sự phát triển của thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam và quốc tế. 2. Tổng quan lý thuyết vấn đề nghiên cứu Quyền sở hữu trí tuệ trên sàn giao dịch thương mại điện tử Xét ở góc độ lịch sử, sở hữu trí tuệ không phải là một khái niệm mới và khái niệm này luôn thay đổi. Trên thế giới, từ thế kỷ XV, Nhà nước Venice đã ban hành lệnh cấm không được xâm phạm các sáng chế của người lao động dưới bất kỳ hình thức nào [8]. Sự bảo hộ đó đối với các sản phẩm kỹ thuật đã nhanh chóng lan truyền đến các quốc gia Châu Âu trong suốt thế kỷ XVI [9]. Sự phát triển của quyền sở hữu trí tuệ được các quốc gia bảo hộ đến thời điểm thực trạng ăn cắp bản quyền hay xâm phạm sở hữu trí tuệ khác xuất hiện rất nhiều ở các quốc gia, tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO (World Intellectual Property Organization) thông qua Hiệp định về bản quyền WCT [10] và Hiệp định về biểu diễn và thu thanh WPPT củ WIPO [11] đã đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ của pháp luật quốc tế trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ [12]. Theo đó, khái niệm về quyền sở hữu trí tuệ cũng được các tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới tiếp cận dưới góc độ rộng và chi tiết, chia làm hai nhóm: Thứ nhất, quyền sở hữu trí tuệ đề cập đến các thuộc tính như ý tưởng sáng tạo của các tác phẩm văn học, khoa học, nghệ thuật được định hình thuộc quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Thứ hai, các tài sản theo quy định của sở hữu công nghiệp, như bằng độc quyền sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, bí mật thương mại [13]. Pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân, tổ chức là quyền đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng [14]. Theo đó, sở hữu trí tuệ là quyền sở hữu những tài sản rất đặc biệt được coi là sản phẩm trí tuệ có tính sáng tạo. Chính vì được coi là một loại tài sản đặc biệt nên quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo hộ dưới những hình thức nhất định. Dù dưới góc nhìn nào để đưa ra các định nghĩa về khái niệm quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ luôn đảm bảo ba nội dung cơ bản: cho phép người sở hữu tài sản trí tuệ ngăn cấm người khác sử dụng tài sản trí tuệ của mình, cho phép người sở hữu tài sản yêu cầu trả thù lao khi người khác sử dụng tài sản và giới hạn không gian cũng như thời gian của quyền [15]. Có thể thấy, sự phát triển của quyền sở hữu trí tuệ cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - thời đại của thương mại điện tử là hết sức quan trọng. Bởi lẽ, hơn bất kỳ nền tảng nào khác, thương mại điện tử liên quan đến việc mua và bán các sản phẩm dựa trên quyền sở hữu trí tuệ và giấy phép của việc thực hiện chuyển giao quyền. Do đó, bất kỳ chủ thể nào kinh doanh thương mại điện tử cũng nên làm quen với các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại điện tử [16]. Theo đó, quyền sở hữu trí tuệ trên sàn giao dịch thương mại điện tử là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm được mua bán, cung cấp, trao đổi thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc đối với các sản phẩm giúp vận hành hoặc liên quan đến việc vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử.
  4. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 387 Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên sàn giao dịch thương mại điện tử Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên giao dịch trên sàn thương mại điện tử là áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn, suy giảm, chấm dứt hành vi xâm phạm và bù đắp các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm từ một bên trong hoạt động trên sàn giao dịch thương mại điện tử [17]. Pháp luật Việt Nam trao quyền áp dụng các biện pháp này cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, cá nhân, tổ chức khác. Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên hoạt động trên sàn giao dịch thương mại điện tử được ghi nhận tại Điều 4 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ bao gồm: biện pháp tự bảo vệ, biện pháp dân sự, biện pháp hành chính và biện pháp hình sự. Để có thể thực hiện tốt việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi áp dụng các biện pháp tự bảo vệ, dân sự, hành chính và hình sự, pháp luật cũng đã nêu rõ trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể tham gia vào hoạt động trên sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm: bên bán hàng hóa (bên cung ứng dịch vụ) và bên mua hàng hóa (bên sử dụng dịch vụ) [18]. Theo đó, khi các chủ thể này xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động trên sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, khi thực hiện hoạt động thương mại trên sàn giao dịch, chủ thể cung cấp dịch vụ (chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử) không được pháp luật yêu cầu phải có trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền [19]. Trong khi đó, đây là chủ thể có quyền tạo ra “sân kinh doanh” cho các chủ thể thực hiện việc mua bán, nếu ngay ban đầu, quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền được đảm bảo bởi chủ thể này, có lẽ, các bên sẽ không có cơ hội để xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền. Ngoài ra, trong các chủ thể có trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động trên sàn giao dịch thương mại điện tử, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có trách nhiệm lớn nhất và đầu tiên. Trong thực tế, khi quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm, biện pháp bảo vệ quyền đầu tiên được áp dụng là tự bảo vệ. Trước hết, biện pháp này tôn trọng quyền tự định đoạt của chủ thể. Hơn nữa, mặc dù không có sự can thiệp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng trong chừng mực nhất định, biện pháp này cũng giúp nhanh chóng ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm [20]. Do đó, trong phạm vi nghiên cứu thực trạng pháp luật áp dụng, tác giả lựa chọn phân tích việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động trên sàn thương mại điện tử của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với quyền tự bảo vệ và trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền khi bị xâm phạm đối với chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử. 3. Quyền tự bảo vệ của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ khi hoạt động trên sàn giao dịch thương mại điện tử Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động trên sàn giao dịch thương mại điện tử là một trong những nội dung được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và cụ thể hóa tại Luật Sở hữu trí tuệ, quy định: “Tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan” [21]. Ở quy định này, nhà làm luật hướng đến đặt ra nguyên tắc chung để quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân, tổ chức được bảo vệ khi bị xâm phạm. Cũng từ quy định này đã nêu lên tinh thần tự bảo vệ của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Cá nhân được quyền áp
  5. 388 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 dụng mọi biện pháp nào mà pháp luật cho phép để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình nếu phát hiện có hành vi xâm phạm. Vì chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền tự bảo vệ nên nhà làm luật cũng đặt ra cho chủ thể quyền này một thái độ phải tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền khác. Tuy nhiên, quy định về trách nhiệm tôn trọng chỉ mang tính chất đề nghị, ý nghĩa pháp lý hoàn toàn không thể đảm bảo [22]. Từ quy định mang tính nguyên tắc, một quy định khác cụ thể về quyền tự bảo vệ của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ được ghi nhận. Theo đó, quyền tự bảo vệ của chủ thể quyền được thực hiện thông qua các biện pháp công nghệ, biện pháp tự yêu cầu bên vi phạm và biện pháp yêu cầu cơ quan có thẩm quyền (áp dụng biện pháp dân sự, hành chính, hình sự) [23]. Nhà làm luật trên tinh thần đó nêu rõ, “tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan” [24]. Quy định này nêu lên hai trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Thứ nhất, trách nhiệm tự bảo vệ của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; Thứ hai, trách nhiệm của những chủ thể khác nếu phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội. Rõ ràng, trách nhiệm của chủ thể thứ hai được luật định khó vận dụng trong thực tế. Do đó, điều này cũng chưa thể đảm bảo được quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động trên sàn thương mại điện tử được bảo vệ một cách tuyệt đối. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể thực hiện quyền tự bảo vệ của mình thông qua việc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật [26]: Áp dụng các biện pháp dân sự, biện pháp hành chính và biện pháp hình sự để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình bị xâm phạm trên sàn giao dịch thương mại điện tử [27]. Theo đó, đối với biện pháp dân sự, Điều 202 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định, để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình khi bị xâm phạm, tổ chức, cá nhân có thể tự mình hoặc yêu cầu Tòa án có quyền áp dụng các biện pháp dân sự bao gồm: (1) buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; (2) buộc xin lỗi, cải chính công khai; (3) buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; (4) buộc bồi thường thiệt hại; (5) buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Đối với biện pháp hành chính, Nghị định 52/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP) quy định về thương mại điện tử đã có những điều chỉnh về việc phát triển, ứng dụng và quản lý hoạt động thương mại điện tử [28]. Trong Nghị định này cũng đã nêu lên những nguyên tắc nhằm đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại được bảo vệ. Quy định nêu lên hành vi bị cấm là tổ chức, cá nhân lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ [29]. Ngoài ra, người bán khi hoạt động trên sàn giao dịch thương mại điện tử cũng phải có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ [30]. Trường hợp các chủ thể đó vi phạm thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính [31] và xem xét tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của thương nhân, tổ chức để ra quyết định đình chỉ hoạt động hoặc hủy bỏ đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử [32]. Có thể thấy rằng, tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP là văn bản trực tiếp điều chỉnh về hoạt động thương mại điện tử trong đó có quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đối với biện pháp hình sự
  6. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 389 được áp dụng đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở mức độ nguy hiểm, có dấu hiệu để cấu thành tội phạm của hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ một cách nghiêm trọng. “Cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự” [33]. Theo đó, các cấu thành tội phạm tiêu biểu được luật định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017: Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Điều 225. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Điều 226. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trên thực tế, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu được xử lý thông qua các biện pháp hành chính [34]. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc theo mức độ xâm phạm của hành vi. Sau khi yêu cầu cơ quan hành chính xử phạt bên có hành vi vi phạm, chủ thể quyền vẫn có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trên thực tế, việc kết hợp các biện pháp hành chính và khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền sẽ hiệu quả hơn đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ [35]. Tuy nhiên, đối với biện pháp tự bảo vệ theo pháp luật hiện hành xây dựng khó đi vào thực tiễn áp dụng. Có rất nhiều nguyên nhân cho vấn đề này, tuy nhiên, có thể thấy một số nguyên nhân chính: Thứ nhất, quyền tự bảo vệ là quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm. Trong hoạt động trên sàn giao dịch thương mại điện tử, các hoạt động gần như được thực hiện thông qua phần mềm điện tử (sàn giao dịch - website). Khi đó, chủ thể quyền bị xâm phạm sẽ khó thu thập chứng cứ để khởi kiện. Thực tế, sàn giao dịch thương mại điện tử là một thị trường mở, điều đó khiến người tham gia cũng khó có thể phân biệt đâu là đối tượng giả, đối tượng thật, đâu là thông tin chính gốc, đâu là thông tin làm nhái. Nó chính là kẽ hở cho các đối tượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại trên sàn giao dịch [36]. Thứ hai, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm trong hoạt động trên sàn giao dịch thương mại điện tử rất khó chứng minh thiệt hại trước Tòa án. Theo khoản 1 Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, một nguyên tắc rất quan trọng là nguyên đơn phải có nghĩa vụ chứng minh trước Tòa án về mức độ thiệt hại thực tế do hành vi xâm phạm. Nghĩa rằng, khi chủ thể quyền tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình trước Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh được hành vi xâm phạm của bên kia đã gây ra thiệt hại trên thực tế cho mình. Ngược lại, nếu không đưa ra được chứng cứ chứng minh, chủ thể quyền sẽ không được Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện, khi đó, có thể sẽ phải chịu án phí. Chính vì lẽ đó, tâm lý của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm trong hoạt động trên sàn thương mại điện tử rất ngại khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình [37]. Ngoài ra, về phía chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đa phần vẫn chưa chủ động trong việc tự bảo vệ quyền của mình, vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự bảo vệ của Nhà nước trong khi chính họ, hơn ai hết, là những người có thể chỉ ra được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả để thông tin cho người tiêu dùng, bài trừ hàng giả, hàng vi xâm phạm quyền [38]. Về phía khách hàng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người người tiêu dùng chấp nhận hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vì lý do giá trị những hàng hóa, dịch vụ đó phù hợp với điều kiện kinh tế của họ, và theo đó là văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác, bài trừ hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa phổ biến trong xã hội [39].
  7. 390 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 Biện pháp tự bảo vệ là biện pháp được khuyến khích áp dụng bởi sẽ giảm thiểu các tranh chấp giữa các bên. Biện pháp này cũng tôn trọng quyền tự định đoạt của chủ thể. Hơn nữa, mặc dù không có sự can thiệp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng trong chừng mực nhất định, biện pháp này cũng giúp nhanh chóng ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm. Tuy nhiên, biện pháp chủ động yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại là biện pháp rất khó đạt hiệu quả như kỳ vọng, tương tự các biện pháp thương lượng khác. 4. Trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, thương nhân, tổ chức thiết lập website thương mại điện tử để các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó được gọi là thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử. Theo đó, tác giả gọi là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử [40]. Chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử là pháp nhân hoặc các tổ chức khác cung cấp cơ sở kinh doanh trực tuyến, đối sánh giao dịch, phân phối thông tin và các dịch vụ khác cho hai hoặc nhiều bên tham gia giao dịch thương mại. Trong mục đích của bài viết này chủ sở hữu nền tảng thương mại có nghĩa là nhà điều hành thương mại điện tử bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ thông qua nền tảng thương mại điện tử [41]. Họ không trực tiếp tham gia và thực hiện giao dịch nhưng lại đóng vai trò quan trọng khi thiết lập nền tảng và môi trường cho người mua và người bán giao dịch với nhau. Thực tiễn yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phải có nghĩa vụ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên cơ sở pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, Nghị định 52/2013/NĐ- CP không có quy định nào đề cập đến trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử về việc phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền đối với những sản phẩm là hàng hóa, dịch vụ. Đây có lẽ vấn đề cần phải quan tâm. Bởi lẽ, vai trò của chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử là vô cùng quan trọng. Chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử; công bố các thông tin về người sở hữu website, yêu cầu người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin; xây dựng và công bố công khai trên website quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử; theo dõi và bảo đảm việc thực hiện quy chế đó trên sàn giao dịch thương mại điện tử và có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử được thực hiện chính xác, đầy đủ [42]. Như đã phân tích, giả sử, chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử được pháp luật đặt ra những trách nhiệm cụ thể trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền khi tạo ra sân chơi cho các bên trong quan hệ thương mại (mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ) thì các bên sẽ không có “cơ hội” để xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền trong hoạt động thương mại trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Nghĩa là, chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử là chủ thể tạo ra sàn giao dịch thương mại sẽ có quyền cho phép bên bán hàng, cung ứng cung cấp những sản phẩm có kiểm định, không phải là hàng giả, hàng nhái. Từ đó, bên mua, sử dụng dịch vụ cũng sẽ không có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền. Rõ ràng, trách nhiệm của chủ sở hữu nền tảng thương mại điện tử trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là rất lớn. Chủ sở hữu nền tảng thương mại điện tử có đủ điều kiện để thực hiện việc bảo vệ quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và pháp luật cần phải ghi nhận.
  8. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 391 5. Kết luận và kiến nghị Thay cho lời kết, trên cơ sở phân tích trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với quyền tự bảo vệ và chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử với trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tác giả đề xuất một số kiến nghị trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, vô tư, liêm chính, tuân thủ pháp luật và đạo đức kinh doanh, tham gia một cách công bằng vào cạnh tranh thị trường, thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chịu trách nhiệm về hàng hóa và dịch vụ, và chấp nhận sự giám sát của Nhà nước và xã hội. Về quyền tự bảo vệ của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ Thứ nhất, khi chủ thể quyền áp dụng biện pháp tự bảo vệ mà thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng pháp luật thì phải cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có cơ sở. Tuy nhiên, thực tế, hoạt động trên sàn giao dịch thương mại điện tử mà xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nguyên đơn rất khó để thu thập chứng cứ. Do vậy, dù có thiệt hại trên thực tế nhưng nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ thì không được Tòa án chấp nhận. Theo đó, tác giả đề xuất đối với vụ án về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên sàn giao dịch thương mại điện tử, nếu xác định đúng quan hệ tranh chấp, chủ thể quyền có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ thu thập chứng cứ. Khi có đơn yêu cầu hỗ trợ của nguyên đơn, Tòa án phải tiến hành thu thập chứng cứ. Thứ hai, hoạt động trên sàn giao dịch thương mại điện tử là hoạt động giữa các bên trong quan hệ thương mại (mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ) trên sàn giao dịch được chủ sở hữu sàn giao dịch cho phép hoạt động. Vì vậy, khi chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phát hiện có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình thì có quyền thông báo cho chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện các biện pháp cần thiết như xóa, chặn, vô hiệu hóa liên kết, chấm dứt giao dịch nếu chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ tin rằng có bất kỳ vi phạm nào đối với quyền sở hữu trí tuệ của mình. Thông báo này phải bao gồm chứng cứ chứng minh cho hành vi vi phạm. Thứ ba, phải chủ động và tự đảm bảo các quyền sở hữu trí tuệ của mình trên các nền tảng thương mại điện tử, bởi lẽ, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ là chủ thể có khả năng tự bảo vệ được các lợi ích và tránh bị xâm hại các lợi ích đó trước khi có thể yêu cầu bất kỳ chủ thể nào khác có trách nhiệm bảo vệ nó. Đơn giản, đó chính là lợi ích của chính chủ thể sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử Như đã phân tích, pháp luật về thương mại điện tử không đặt ra trách nhiệm cho chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền trong các hoạt động thương mại trên sàn giao dịch. Vì vậy, trong mối quan hệ mật thiết và vai trò quan trọng của chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, tác giả xin phép được đề xuất một số trách nhiệm như sau: Thứ nhất, chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phải thiết lập các quy tắc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường hợp tác với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ hợp pháp các quyền sở hữu trí tuệ. Thứ hai, khi chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thông báo cho chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử bất kỳ vi phạm nào đối với quyền sở hữu trí tuệ hoặc quyền sở hữu trí tuệ của mình, thông báo bao gồm chứng cứ chứng minh cho hành vi vi phạm thì chủ sở hữu sàn
  9. 392 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 giao dịch thương mại điện tử phải kịp thời thực hiện các biện pháp cần thiết và chuyển thông báo đó đến người tham gia hoạt động thương mại. Thứ ba, trường hợp chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử không thông báo hoặc không thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho chủ thể quyền thì phải chịu trách nhiệm về việc tăng thêm thiệt hại. Thứ tư, trường hợp chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử không thực hiện các biện pháp cần thiết một cách hợp pháp đối với bất kỳ hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu khắc phục trong một thời hạn quy định. Nếu không khắc phục trong thời hạn quy định đó thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính. Thứ năm, khi thiết lập sàn giao dịch thương mại điện tử, chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử nên thiết lập các tiêu chí bắt buộc để người bán tải lên minh chứng về quyền sở hữu sở trí tuệ đối với sản phẩm trước khi cho phép họ thực hiện các hoạt động thương mại trên sàn giao dịch của mình. Khi đó, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ cũng có thể chứng minh quyền sở hữu dễ dàng hơn và thực hiện các hành động pháp lý cũng như thủ tục tố tụng chống lại mọi hoạt động vi phạm và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả.  Tóm lại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại trên sàn giao dịch thương mại điện tử là việc làm vô cùng quan trọng. Vì việc hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ tài sản trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử có vai trò to lớn cho sự phát triển chung của thị trường thương mại điện tử của Việt Nam và hội nhập quốc tế. Song song đó, việc nâng cao trách nhiệm của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý, từ đó, tạo ra hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trước các hành vi xâm phạm ngày càng phổ biến và diễn ra với tốc độ nhanh. Có thể lưu ý rằng, nếu không bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thì không bao giờ có thể đạt được sự tuân thủ công bằng của các hoạt động trong một thế giới thương mại điện tử và kinh doanh trực tuyến năng động, đa dạng như ngày nay và trong tương lai. Chú thích: [1] Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (3/2021), Báo cáo Nghiên cứu Thương mại điện tử trên mạng xã hội tại Việt Nam: Một số vấn đề pháp lý. [2] Theo khảo sát của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong năm 2019, 39% doanh nghiệp cho biết có bán hàng sử dụng mạng xã hội làm công cụ hỗ trợ. Tỷ lệ này thấp hơn không đáng kể so với tỷ lệ 42% doanh nghiệp bán hàng trên website của chính mình, nhưng lại cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 17% doanh nghiệp bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. [3] Divya Sharma (2020), Essential Intellectual Property Rights Protection for E-Commerce, Black n ‘White Journal [4] Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Thị Linh (28/7/2022), Quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử: Thực trạng và một số đề xuất, http://vjst.vn/vn/tin-tuc/6603/quyen-so-huu-tri-tue-trong-moi- truong-thuong-mai-dien-tu--thuc-trang-va-mot-so-de-xuat.aspx, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam điện tử, truy cập ngày 19/11/2022. [5] Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Thị Linh (28/7/2022), tlđd. [6] Nguyễn Thanh Hà (2020), Những thách thức về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam điện tử.
  10. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 393 [7] Ngọc Trâm (28/9/2021), Hành trình phát triển hệ thống thương mại điện tử cho doanh nghiệp, SECOMM, https://secomm.vn/vi/hanh-trinh-phat-trien-he-thong-thuong-mai-dien-tu-cho-doanh-nghiep/, truy cập ngày 19/11/2022. [8] Phùng Trung Tập (2004), “Các yếu tố của quyền sở hữu trí tuệ”, Sách chuyên khảo, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội, trang 7. [9] Bruce A.Lehman, “Giới thiệu về quyền sở hữu trí tuệ”, Văn phòng các Chương trình thông tin quốc tế Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, trang 10. [10] Hiệp ước WIPO về Bản quyền (WIPO Copyright Treaty - WCT) là một thỏa thuận đặc biệt theo quy định của Công ước Berne liên quan đến việc bảo vệ các tác phẩm và quyền của các tác giả trong môi trường kỹ thuật số. Ngoài các quyền được công nhận bởi Công ước Berne, họ còn được cấp một số quyền về kinh tế nhất định. [11] Hiệp ước WIPO về Biểu diễn và thu thanh (WPPT) tiêu biểu cho sự cải tiến quan trọng trong lĩnh vực bảo hộ của người trình diễn và sản xuất ra chương trình ghi âm. Hiệp ước mới cho phép những người này được hưởng độc quyền về tái bản, phân phối, thuê và sẵn sàng đưa ra công chúng phần trình diễn và ghi âm. Họ còn có quyền được hưởng thù lao khi phát sóng truyền thông và trên mọi phương tiện thông tin khác cho công chúng vì mục đích thương mại đối với các chương trình ghi âm của mình. [12] Xem: Bruce A.Lehman, Sđd, trang 10. [13] World Intellectual Property Organization (WIPO) (2004), “WIPO Intellectual Property Handbook”, Geneva, Switzerland, https://tind.wipo.int/record/28661, ngày truy cập 22 tháng 12 năm 2022, trang 3. [14] Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022. [15] Nguyễn Quỳnh Trang và các tác giả (2019), “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử - Kinh nghiệm quốc tế và hoàn thiện pháp luật ở Việt Nam”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, Trường Đại học Luật Hà Nội, trang 11. [16] Dinesh Parmar (2021), ‘Protecting intellectual property on e-commerce’, https://www.parkerip. com/blog/protecting-intellectual-property-on-e-commerce/, truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2022. [17] Phùng Trung Tập và các tác giả (2013), Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nhà xuất bản Lao động - Xã hội - Minh Khai, Hà Nội, trang 241. [18] Điều 36, Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử [19] Mục 2 Chương 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử [20] Phạm Thị Mai Khanh (2016), “Quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử”, Luận án Tiến sĩ Luật học, Đại học Ngoại thương, Hà Nội, trang 87. [21] Điều 9 Luật Sở hữu trí tuệ 2005. [22] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), “Nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật Sở hữu trí tuệ”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://tphcm.dangcongsan.vn/tin-tuc/-nang-cao-y-thuc-ton-trong-phap-luat- so-huu-tri-tue-573129.html, truy cập ngày 01/01/2023. [23] Khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022. [24] Khoản 2 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022. [25] Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền tự bảo vệ của mình bằng cách nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm cho cơ quan có thẩm quyền (Điều 27 Nghị định 105/2006/NĐ-CP). Theo đó, việc áp dụng biện pháp dân sự,
  11. 394 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 hình sự thuộc thẩm quyền của Toà án việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Uỷ ban nhân dân các cấp, việc áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan. Đối với các biện pháp dân sự, hình sự và hành chính, trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. (Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022). [26] Bộ Khoa học Công nghệ (06/02/2017), Các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ, https://www. most.gov.vn/thanhtra/tin-tuc/7/83/So-do-cac-bien-phap-thuc-thi.aspx, truy cập ngày 01/01/2023. [27] Điều 1 Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định về Thương mại điện tử. [28] Điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định 52/2013/NĐ-CP [29] Khoản 6 Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP [30] Khoản 1 Điều 78 Nghị định 52/2013/NĐ-CP [31] Khoản 1 Điều 78 Nghị định 52/2013/NĐ-CP [32] Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 [33] Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Thị Linh (28/7/2022), tlđd. [34] Thao Hoang (2017), Application of Administrative Measures to Protect Intellectual Property Rights in Vietnam, ANT Consultants Lawyers. [35] Nguyễn Thanh Hà (2020), tlđd. [36] Phạm Văn Toàn (2013), Xử lý Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự tại Việt Nam. Thực tiễn pháp luật và đề xuất hoàn thiện, Bộ Khoa học và Công nghê, https://congdoan.most.gov. vn/thanhtra/Pages/ChiTietTin.aspx?groupID=4&IDNews=218&tieude=xu-ly-xam-pham-quyen-so-huu- tri-tue-bang-bien-phap-dan-su-tai-viet-nam--thuc-tien-phap-luat-va-de-xuat-hoan-thien.aspx, truy cập ngày 08/01/2023. [37] Minh Anh (27/5/2022), Đẩy lùi nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái, https:// thuonghieucongluan.com.vn/da-y-lu-i-na-n-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-hang-gia-hang-nhai-a172604. html, Tạp chí Thương hiệu & Công luận, truy cập ngày 19/11/2022. [38] Công Thương (29/07/2022), “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Thách thức lớn”, https://congthuong. vn/bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-thach-thuc-lon-215631.html , truy cập ngày 08/01/2023. [39] Cần phải lưu ý, chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử là các thương nhân, tổ chức thiết lập website thương mại điện tử để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ. [40] Việt Dũng (2022), “Hướng dẫn chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin người bán hàng”, Tạp chí Tài chính online, https://tapchitaichinh.vn/huong-dan-chu-so-huu-san-giao-dich- thuong-mai-dien-tu-cung-cap-thong-tin-nguoi-ban-hang.html, truy cập ngày 08/01/2023. [41] Điều 36 Nghị định 52/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 85/2021/NĐ-CP. Tài liệu tham khảo A. Văn bản pháp luật Hiệp ước WIPO về Bản quyền (WIPO Copyright Treaty - WCT) Hiệp ước WIPO về Biểu diễn và thu thanh (WPPT)
  12. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 395 Bộ luật Dân sự 2015 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử Nghị định 85/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử B. Tài liệu trong nước Bộ Khoa học Công nghệ (06/02/2017), Các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ, https://www.most. gov.vn/thanhtra/tin-tuc/7/83/So-do-cac-bien-phap-thuc-thi.aspx, truy cập ngày 01/01/2023. Bruce A.Lehman, “Giới thiệu về quyền sở hữu trí tuệ”, Văn phòng các Chương trình thông tin quốc tế Bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Công Thương (29/07/2022), “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Thách thức lớn”, https://congthuong.vn/ bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-thach-thuc-lon-215631.html , truy cập ngày 08/01/2023. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), “Nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật Sở hữu trí tuệ”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://tphcm.dangcongsan.vn/tin-tuc/-nang-cao-y-thuc-ton-trong-phap-luat-so- huu-tri-tue-573129.html, truy cập ngày 01/01/2023. Minh Anh (27/5/2022), Đẩy lùi nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái, https:// thuonghieucongluan.com.vn/da-y-lu-i-na-n-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-hang-gia-hang-nhai-a172604. html, Tạp chí Thương hiệu & Công luận, truy cập ngày 19/11/2022. Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Thị Linh (28/7/2022), Quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử: Thực trạng và một số đề xuất, http://vjst.vn/vn/tin-tuc/6603/quyen-so-huu-tri-tue-trong-moi- truong-thuong-mai-dien-tu--thuc-trang-va-mot-so-de-xuat.aspx, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam điện tử, truy cập ngày 19/11/2022. Nguyễn Thanh Hà (2020), “Những thách thức về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam điện tử, https://vjst.vn/vn/Pages/chitiettin. aspx?IDNews=2734&tieude=nhung-thach-thuc-ve-bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-trong-thuong-mai-dien-tu- o-viet-nam.aspx, truy cập ngày 05/01/2023. Nguyễn Quỳnh Trang và các tác giả (2019), “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử - Kinh nghiệm quốc tế và hoàn thiện pháp luật ở Việt Nam”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, Trường Đại học Luật Hà Nội. Ngọc Trâm (28/9/2021), Hành trình phát triển hệ thống thương mại điện tử cho doanh nghiệp, SECOMM, https://secomm.vn/vi/hanh-trinh-phat-trien-he-thong-thuong-mai-dien-tu-cho-doanh-nghiep/, truy cập ngày 19/11/2022. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (3/2021), Báo cáo Nghiên cứu Thương mại điện tử trên mạng xã hội tại Việt Nam: Một số vấn đề pháp lý. Phùng Trung Tập (2004), “Các yếu tố của quyền sở hữu trí tuệ”, Sách chuyên khảo, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội. Phùng Trung Tập và các tác giả (2013), Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nhà xuất bản Lao động - Xã hội - Minh Khai, Hà Nội.
  13. 396 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 Phạm Thị Mai Khanh (2016), “Quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử”, Luận án Tiến sĩ Luật học, Đại học Ngoại thương, Hà Nội. Phạm Văn Toàn (2013), Xử lý Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự tại Việt Nam. Thực tiễn pháp luật và đề xuất hoàn thiện, Bộ Khoa học và Công nghê, https://congdoan.most.gov.vn/thanhtra/ Pages/ChiTietTin.aspx?groupID=4&IDNews=218&tieude=xu-ly-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-bang- bien-phap-dan-su-tai-viet-nam--thuc-tien-phap-luat-va-de-xuat-hoan-thien.aspx, truy cập ngày 08/01/2023. Việt Dũng (2022), “Hướng dẫn chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin người bán hàng”, Tạp chí Tài chính online, https://tapchitaichinh.vn/huong-dan-chu-so-huu-san-giao-dich-thuong- mai-dien-tu-cung-cap-thong-tin-nguoi-ban-hang.html, truy cập ngày 08/01/2023. C. Tài liệu nước ngoài Divya Sharma (2020), Essential Intellectual Property Rights Protection for E-Commerce, Black n ‘White Journal World Intellectual Property Organization (WIPO) (2004), “WIPO Intellectual Property Handbook”, Geneva, Switzerland, https://tind.wipo.int/record/28661, ngày truy cập 22 tháng 12 năm 2022. Dinesh Parmar (2021), ‘Protecting intellectual property on e-commerce’, https://www.parkerip.com/ blog/protecting-intellectual-property-on-e-commerce/, truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2022. Thao Hoang (2017), Application of Administrative Measures to Protect Intellectual Property Rights in Vietnam, ANT Consultants Lawyers.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0