intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đẩy mạnh liên kết vùng và chuyển đổi số trong phát triển du lịch tỉnh Bình Dương

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài báo tập trung phân tích các tiềm năng, hiện trạng phát triển du lịch của Bình Dương và kết hợp dữ liệu, số liệu thống kê để rõ cách thức chuyển đổi số cần được áp dụng cho ngành du lịch của Bình Dương, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác giữa các tỉnh lân cận.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đẩy mạnh liên kết vùng và chuyển đổi số trong phát triển du lịch tỉnh Bình Dương

  1. ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT VÙNG VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH BÌNH DƯƠNG Phạm Kim Cương 1 1. Khoa Công nghiệp Văn hóa, Trường Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Việc ứng dụng công nghệ số trong du lịch đã mở ra nhiều cơ hội mới để các quốc gia và các địa phương cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao trải nghiệm của du khách. Đặc biệt việc tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo trong thời gian gần đây để cải thiện và gia tăng trải nghiệm của khách du lịch đã làm xuất hiện mô hình du lịch mới – du lịch thông minh, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý điều hành của các cơ quan – tổ chức du lịch. Bên cạnh đó, liên kết vùng đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa nguồn lực và quảng bá du lịch địa phương. Bài báo tập trung phân tích các tiềm năng, hiện trạng phát triển du lịch của Bình Dương và kết hợp dữ liệu, số liệu thống kê để rõ cách thức chuyển đổi số cần được áp dụng cho ngành du lịch của Bình Dương, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác giữa các tỉnh lân cận. Kết luận của bài báo nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược phát triển đồng bộ giữa chuyển đổi số và liên kết vùng để đạt được sự phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch của Bình Dương. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp và hướng đi mới để nâng cao hiệu quả của việc đẩy mạnh chuyển đổi số và liên kết vùng trong phát triển du lịch tại địa phương. Từ khóa: Bình Dương, chuyển đổi số, du lịch thông minh, liên kết vùng. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng tất yếu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch. Với tiềm năng công nghệ ngày càng được ứng dụng sâu rộng, ngành du lịch tại Bình Dương có cơ hội nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường khả năng cạnh tranh, và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số không thể thực hiện một cách độc lập mà cần phải có sự hợp tác, chia sẻ với các địa phương khác trong vùng và liên vùng để tối đa hóa hiệu quả và tăng cường sức mạnh của toàn khu vực. Liên kết vùng trong phát triển du lịch giúp các địa phương tối ưu hóa tài nguyên, hỗ trợ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cơ sở hạ tầng giữa các tỉnh thành lân cận. Điều này tạo ra một mạng lưới du lịch rộng khắp, đồng nhất về chất lượng và trải nghiệm, từ đó thu hút du khách trong và ngoài nước. Đối với tỉnh Bình Dương, việc liên kết vùng trước mắt sẽ mở ra cơ hội cho việc phát triển các dự án du lịch nói chung, như liên kết giữa các khu du lịch, các tuyến điểm du lịch kết hợp giữa các điểm đến trong vùng, từ danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, di sản văn hóa, du lịch sinh thái. Bài toán đặt ra là làm thế nào để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong du lịch Bình Dương một cách hiệu quả, đồng thời tăng cường liên kết vùng để đạt được lợi ích tối đa cho cả địa phương và khu vực. Những thách thức về hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp địa phương trong quá trình chuyển đổi số và liên kết vùng cần được giải quyết. Do đó, nghiên cứu này tập trung làm rõ sự cần thiết giữa chuyển đổi số và liên kết vùng trong phát triển du lịch tại Bình Dương, từ đó đề xuất các giải pháp và hướng đi mới để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch địa phương. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu: bao gồm các dữ liệu thứ cấp ở trong các báo cáo của Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Bình Dương và Niên giám thống kê tỉnh Bình Dương các tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ. Đồng thời thu thập số liệu, tài liệu khoa 74
  2. học về cách mạng công nghiệp 4.0, những thành tựu và khả năng áp dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực du lịch thông minh. Trên cơ sở các tài liệu đã được tổng hợp, xử lý, vận dụng các phương pháp phân tích thống kê, phân tích kinh tế để đánh giá thực trạng liên kết vùng, khả năng vận dụng chuyển đổi số trong phát triển du lịch, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả liên kết vùng và ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch tỉnh Bình Dương. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1 Cơ sở lý luận về liên kết vùng và du lịch thông minh 3.1.1 Liên kết vùng Theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Luật Quy hoạch 2017: “Vùng là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia bao gồm một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lân cận gắn với một số lưu vực sông hoặc có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, lịch sử, dân cư, kết cấu hạ tầng và có mối quan hệ tương tác tạo nên sự liên kết bền vững với nhau”. Ở Việt Nam, công tác phân vị và phân vùng được đẩy mạnh sau khi thống nhất đất nước và có nhiều thay đổi trong kết quả phân vùng, cụ thể công tác phân vùng đã đưa ra các hệ thống vùng kinh tế khác nhau, như: hệ thống 7 vùng nông, lâm nghiệp cuối những năm 1975-1977, sau đó là hệ thống 8 vùng giai đoạn 1978-1980; hệ thống 4 vùng lớn và 7 tiểu vùng thời kỳ 1981-1985; hệ thống 8 vùng và 3 vùng kinh tế trọng điểm từ năm 1986. Giai đoạn hiện nay là hệ thống 6 vùng kinh tế lớn, cùng với đó còn có bốn vùng kinh tế trọng điểm. Đối với ngành Du lịch Việt Nam, trong quá trình phát triển ở giai đoạn đầu, cả nước được quy hoạch thành 3 vùng du lịch, gồm: Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, vùng Bắc Trung Bộ và vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đến năm 2013 Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó quyết định phân vùng du lịch nước ta gồm 7 vùng, với những sản phẩm đặc trưng theo từng vùng. Theo đó tỉnh Bình Dương thuộc vùng du lịch Đông Nam Bộ, vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Liên kết vùng là một chuỗi các hoạt động hợp tác, liên kết sâu rộng trên các mặt kinh tế, xã hội, văn hoá của các chủ thể khác nhau trên cơ sở tự nguyện vì lợi ích chung của các bên tham gia, được tiến hành trên một khoảng không gian nhất định (Nguyễn Văn Khánh và nnk,. 2017). Trên cơ sở đó có thể nhận định, liên kết vùng trong du lịch là sự hợp tác, trao đổi các nguồn lực giữa các địa phương, giữa các vùng, trong việc cùng nhau khai thác các tài nguyên du lịch và các nguồn lực liên quan khác, nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư, phát huy tối đa thế mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo nên sự phát triển bền vững. 3.1.2 Du lịch thông minh Cho đến nay thế giới đã và đang trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0 tiếp nối và kế thừa những thành tựu của 3 cuộc cách mạng trước đó. Bắt đầu từ những năm 2000, đặc trưng bởi sự kết hợp các công nghệ bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data), nhờ đó làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Hiện tại cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn đang diễn ra và bước đầu đã thay đổi cách thức sản xuất, chế tạo, đồng thời tạo ra những đổi mới sâu sắc trong phát triển, quản lý điểm đến du lịch và trải nghiệm của khách hàng. 75
  3. Hình 1: Sơ đồ 4 cuộc cách mạng công nghiệp (Nguồn: Klaus Schwab, 2016) Du lịch thông minh (Smart tourism) là một khái niệm mới được sử dụng trong ngành du lịch những năm gần đây, nơi các công nghệ số và thông tin được áp dụng để cung cấp trải nghiệm du lịch tốt hơn cho khách hàng và thuận lợi cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Theo quan điểm của Gretzel và cộng sự “Du lịch thông minh được hỗ trợ bởi những nỗ lực tích hợp tại một điểm đến, đó là: thu thập và tổng hợp/khai thác dữ liệu thu được từ cơ sở hạ tầng vật lý, kết nối xã hội, chính phủ/tổ chức và con người; kết hợp với việc sử dụng các công nghệ tiên tiến để chuyển đổi dữ liệu đó thành kinh nghiệm tại chỗ và kinh doanh theo đề xuất về hiệu quả, bền vững và làm giàu trải nghiệm” (Gretzel và nnk,. 2015). Dưới góc nhìn của Yalçınkaya:“Du lịch thông minh cần gắn với bảo vệ môi trường; hướng tới nâng cao nhận thức sử dụng các công nghệ tiên tiến, nhưng gắn với bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng tái tạo” (Yalçınkaya và nnk,. 2018). Ở Việt Nam, theo quan điểm của tác giả Lê Quang Đăng “Du lịch thông minh là du lịch được phát triển trên nền tảng ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là ICT nhằm tạo ra những giá trị, lợi ích và dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý du lịch và cộng đồng” (Lê Quang Đăng, 2019). Như vậy, dù tồn tại rất nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau, nhưng tựu chung du lịch thông minh bao gồm có 3 thành phần chính: Điểm đến thông minh; Kinh nghiệm thông minh và Hệ sinh thái kinh doanh thông minh (Hình 2). Hình 2: Các thành phần và lớp của du lịch thông minh (Nguồn: Pam Lee, William Cannon Hunter, Namho Chung, 2019). Điểm đến thông minh: là điểm đến du lịch sáng tạo, được xây dựng trên cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, đảm bảo sự phát triển bền vững các khu vực du lịch, có thể tiếp cận được với mọi người, tạo thuận lợi cho du khách tham gia và tương tác với môi trường xung quanh, làm tăng chất lượng của trải nghiệm tại điểm đến, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân (Lamsfus và nnk,. 2015). 76
  4. Kinh nghiệm thông minh: là những trải nghiệm du lịch của du khách thông qua các yếu tố trung gian, đặc biệt việc sử dụng thiết bị công nghệ và truy cập dữ liệu tốc độ cao nhằm cá nhân hóa, nhận thức bối cảnh và theo dõi thời gian thực. Hệ sinh thái kinh doanh thông minh: Ban đầu, Zhang, Li, & Liu (2012) đưa ra khái niệm về hệ sinh thái kinh doanh thông minh dựa trên nguồn gốc và điều kiện phát triển của du lịch thông minh. Đến năm 2014, Zhu, Zhang và Li đã làm rõ hơn khái niệm về hệ sinh thái kinh doanh thông minh trong du lịch bao gồm 5 yếu tố: khách du lịch, chính phủ, khu danh lam thắng cảnh, doanh nghiệp và trung tâm trao đổi thông tin. Như vậy, hệ sinh thái kinh doanh thông minh là hệ sinh thái kinh doanh phức tạp tạo ra và hỗ trợ việc trao đổi các nguồn lực du lịch kết hợp với kinh nghiệm du lịch của du khách. Tóm lại, Du lịch thông minh được phát triển trên nền tảng ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông nhằm tạo ra những giá trị, lợi ích và dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý du lịch và cộng đồng. 3.2 Tiềm năng liên kết vùng và chuyển đổi số trong phát triển du lịch tỉnh Bình Dương 3.2.1 Tiềm năng về tự nhiên Hình 3: Sơ đồ các tuyến đường vành đai kết nối Đông Nam Bộ (Nguồn: Sở Quy hoạch Kiến trúc Tp Hồ Chí Minh) Tỉnh Bình Dương thuộc vùng Đông Nam Bộ, có nền kinh tế phát triển năng động và sôi động, du lịch Bình Dương có những lợi thế nhất định. Bình Dương tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm du lịch sôi động bậc nhất cả nước, đồng thời nằm ở vị trí trung chuyển của rất nhiều hành trình tour trong cả nước: như Đông Nam Bộ - Tây Nguyên; Đông Nam Bộ - Duyên hải Nam Trung Bộ; Tây Nguyên – Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, về vị trí tiếp giáp, Bình Dương cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30km, đây là trung tâm du lịch phát triển sôi động nhất phía Nam, có các trục quốc lộ huyết mạch như Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, đường Xuyên Á,… có thể dễ dàng liên kết với các nước trong khu vực và thế giới qua các cửa ngỏ quan trọng như: Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế Long Thành (trong tương lai), cảng Vũng Tàu, cảng Sài Gòn, cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Cùng với đó là các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4 đang được hình thành sẽ góp phần vào việc gia tăng kết nối, chia sẻ các nguồn lực và khai thác hiệu quả các tiềm năng giữa các địa phương trong vùng. Vị trí địa lý thuận lợi tạo điều kiện để tỉnh Bình Dương tăng khả năng kết nối với nhiều trung tâm du lịch quan trọng trong vùng như thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai hoặc các tỉnh, thành liên vùng như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ… 77
  5. Bên cạnh mạng lưới giao thông đường bộ, tỉnh Bình Dương nằm trong lưu vực ba con sông lớn gồm: Sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé đã tạo nên những cù lao tươi tốt, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ trong lành, khác xa những tấp nập, ồn ào của các nhà máy, xí nghiệp. Mạng lưới sông ngòi cùng với các giá trị di tích, văn hoá lịch sử, các làng nghề truyền thống trên phạm vi lưu vực sông sẽ là điều kiện lý tưởng để Bình Dương tập trung đầu tư phát triển các điểm nghỉ dưỡng cuối tuần ven sông, các khu du lịch sinh thái vườn và các tour du lịch sông nước. Trong đó, sông Đồng Nai đoạn chảy qua tỉnh Bình Dương cũng là một tuyến sông lớn, ven bờ tạo thành những cù lao như cù lao Bạch Đằng, cù lao Rùa, các bãi bồi ven sông… có khả năng khai thác phát triển các tuyến du lịch, các sản phẩm du lịch sông nước. Lưu vực sông Bé với cảnh quan sông nước, rừng núi và khí hậu trong lành có khả năng phát triển các khu nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần và các tour du lịch mạo hiểm trên sông… Đặc biệt trong quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định du lịch đường sông là một trong những sản phẩm du lịch chính được đầu tư đưa vào khai thác trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 của tỉnh nhằm đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tuyến du lịch đường Sông Sài Gòn đang được các công ty du lịch lữ hành trong tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh khai thác phục vụ du khách. Ngày 08/12/2021 công ty Cổ phần Du lịch Buýt Đường sông Bình Dương đã khai trương du thuyền Thủ Dầu Một phục vụ khách tham quan, khám phá và thư giãn trên sông Sài Gòn về đêm. Để khai thác tốt, hiệu quả và lâu dài tuyến du lịch đường sông trên, ngày 02/9/2022 thành phố Thủ Dầu Một đã tổ chức lễ khánh thành Chợ đêm và Phố đi bộ Bạch Đằng nhằm thu hút du khách dừng chân ghé lại, tham quan, mua sắm, giải trí (Sở VHTTDL Bình Dương, 2022). Bên cạnh vị trí địa lí thuận lợi, tỉnh Bình Dương còn có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên tương đối đa dạng. Hiện nay, tỉnh cũng đã kêu gọi và tạo điều kiện để các nhà đầu tư khai thác hình thành một số khu, điểm du lịch gắn với thiên nhiên, điển hình như: Khu du lịch văn hoá thể thao Đại Nam; Phương Nam Resort; Du lịch Xanh Dìn Ký; An Lâm Sài Gòn River; Sài Gòn Park Resort; Du lịch Thuỷ Châu; Khu giải trí Đọt Chămpa, Làng tre Phú An, Phim trường Windmill, Công viên trung tâm thành phố mới Bình Dương,… Đây là những điểm tham quan, nghỉ dưỡng hấp dẫn không chỉ phục vụ người dân, người lao động và du khách trong tỉnh mà còn hấp dẫn đối với du khách các tỉnh thành lân cận. 3.2.2 Tiềm năng về tài nguyên du lịch văn hoá Bình Dương thuộc vùng Đông Nam Bộ, là cái nôi của phong trào cách mạng trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nên đã để lại rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa cách mạng. Theo thống kê của Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, tính đến tháng 3/2022, toàn tỉnh có 63 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, trong đó có: 13 di tích cấp quốc gia và 50 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích không chỉ chứa đựng các giá trị lịch sử, văn hoá mà còn được đánh giá có tiềm năng để phát triển du lịch gồm: Chiến khu Đ, Khu di tích Nhà tù Phú Lợi, Địa đạo Tam giác sắt, Căn cứ cách mạng Rừng Kiến An, Khu di tích chiến khu Vĩnh Lợi, Chùa Hội Khánh, nhà cổ ông Trần Công Vàng, nhà cổ ông Trần Văn Hổ, Đình Phú Long, Đình Tân An, Núi Châu Thới, Núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng,… Các di tích và công trình kiến trúc không chỉ phục vụ du khách đến tham quan, mà còn là minh chứng về lịch sử hào hùng của dân tộc và những giá trị văn hóa lâu đời của vùng đất, con người Bình Dương. Trong quá trình hình thành và phát triển, tỉnh Bình Dương còn được biết đến là địa phương có làng nghề và nghề truyền thống nổi tiếng khắp cả nước như: làng nghề Sơn Mài Tương Bình Hiệp được các nghệ nhân từ miền Bắc và miền Trung mang theo trong quá trình khai hoang và tạo lập cuộc sống mới vào khoảng thế kỷ XVII. Nghề gốm sứ Tân Phước Khánh; chạm trổ, điêu khắc gỗ Phú Thọ; guốc gỗ Phú Văn; mây tre đan Tân Uyên… không chỉ tạo ra các sản phẩm thủ công tinh xảo, mà còn được rất nhiều du khách quan tâm, đặc biệt là khách quốc tế. Chính vì vậy, để bảo tồn và phát huy các giá trị của các nghề truyền thống, nhất là trong xu hướng của công nghiệp hoá cần đẩy mạnh kết hợp với việc khai thác du lịch, liên kết với các công ty lữ hành xây dựng các chương trình tham quan, để du khách vừa được tham quan các sản phẩm thủ công, vừa được tự tay trải nghiệm quy trình làm ra sản phẩm, giúp các cơ sở sản xuất sản phẩm nghề truyền thống có thể gia tăng giá trị nhờ xuất khẩu tại chỗ. 78
  6. 3.2.3 Tiềm năng về kinh tế Ngoài những tài nguyên du lịch văn hoá đã được định hình qua thời gian, tỉnh Bình Dương được đánh giá là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp, trong đó 27 khu công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút lượng lớn người lao động và các chuyên gia làm việc, điều này sẽ cung cấp lượng lớn khách du lịch có nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan vào dịp cuối tuần và các ngày lễ. Bình Dương còn có vị trí đắc địa nhờ tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực có tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hóa luôn ở mức cao. Vị trí đã giúp Bình Dương trở thành điểm đến lý tưởng cho các hội nghị, hội thảo quốc tế thu hút nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu, nhiều doanh nhân đến tìm hiểu cơ hội đầu tư kết hợp du lịch. Nắm bắt nhu cầu và khai thác dòng khách là các chuyên gia làm việc tại các khu công nghiệp, tỉnh Bình Dương cũng đã xác định xây dựng sản phẩm du lịch thể thao cũng là loại hình du lịch đặc thù, với sản phẩm chính là đánh golf, phục vụ nhu cầu của đối tượng khách du lịch, doanh nhân sống và làm việc tại Bình Dương, dân cư có thu nhập cao ở Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trong vùng Đông Nam Bộ. Bên cạnh những tiềm năng trong liên kết vùng, Bình Dương cũng có sự chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Với phương châm tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin, ưu tiên hàng đầu cho thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Thời gian gần đây, Bình Dương đã tận dụng những thành quả từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là về chuyển đổi sổ để tạo nên những bước đột phá, cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung, du lịch nói riêng theo hướng phát triển nhanh và bền vững, đem lại cho du khách những trải nghiệm mới. Để triển khai thực hiện chuyển đổi số, Sở VHTTDL Bình Dương đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và xây dựng kế hoạch chuyển đổi số chung của ngành; trong đó, chuyển đổi số trên lĩnh vực du lịch là một trong những vấn đề được Ban Giám đốc sở hết sức quan tâm nhằm phục vụ cho việc phát triển du lịch trong thời đại 4.0 này. Bên cạnh website du lịch Bình Dương, Sở VHTTDL cũng đã đưa vào hoạt động ứng dụng di động du lịch Bình Dương nhằm cung cấp tất cả những thông tin về du lịch Bình Dương phục vụ nhu cầu tìm hiểu của du khách. Việc xây dựng ứng dụng du lịch được xem là một điểm sáng của du lịch Bình Dương, đóng vai trò như một "trợ lý ảo" cho du khách với hơn 64 chức năng như: Tìm kiếm xung quanh, bản đồ tương tác, tìm kiếm bằng giọng nói, chỉ đường đi trên bản đồ… Du khách có thể tra cứu thông tin về du lịch, lưu lại lịch trình, gợi ý điểm đến vui chơi giải trí, thưởng thức ẩm thực, các sự kiện sắp diễn ra, lịch trình chuyến bay, xe buýt, xe khách, kết nối du khách với nhà hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại, giải trí… Sau thời gian vận hành, ứng dụng du lịch này đã được người dân và du khách rất quan tâm và đánh giá cao. Đến nay, số lượng truy cập ứng dụng đạt khoảng hơn 1,5 triệu lượt và khoảng 800.000 lượt tải về. Hình 4: Ra mắt ứng dụng di động Du lịch Bình Dương (Nguồn: Sở VHTTDL Bình Dương) 79
  7. Song song đó, Sở VHTTDL Bình Dương cũng đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh xây dựng hình ảnh 360 độ gắn vào bản đồ để du khách có thể tìm hiểu sơ bộ những điểm mình muốn đến. Bên cạnh đó, các ấn phẩm về du lịch cũng được số hóa bằng mã QR để thuận tiện cho việc tìm hiểu thông tin của du khách khi đến Bình Dương du lịch. Đặc biệt, việc số hóa du lịch của Bình Dương hiện nay đã được chia sẻ trên cơ sở dữ liệu của Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh và được IOC đánh giá cao. Bảo tàng tỉnh đã triển khai dự án xây dựng bảo tàng thông minh và xây dựng cơ sở dữ liệu chung để tích hợp thông tin, báo cáo số liệu của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cũng như các ngành trực thuộc sở, các ngành khác liên quan để có sự liên kết về dữ liệu nhằm phục vụ công tác đánh giá số liệu du lịch được chính xác hơn. Nhằm đa dạng hoá các phương thức quảng bá, giới thiệu và tiếp cận đến du khách, phù hợp với xu hướng công nghệ số trong giai đoạn hiện nay, Trung tâm Xúc tiến du lịch còn khai thác các trang mạng xã hội Facebook, Zalo như là một trong những kênh quảng bá thông tin hiệu quả và phổ biến. Đồng hành cùng với chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số phát triển du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cũng tích cực tham gia. Thời gian qua những cơ sở lưu trú có sao (có hạng) đều đã áp dụng phần mềm chuyên dụng để theo dõi, đánh giá số lượng khách cũng như giới thiệu, quảng bá dịch vụ của đơn vị mình đến với du khách. Một số cơ sở còn tham gia chia sẻ dữ liệu để cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt các hoạt động, tình hình kịp thời. Bên cạnh đó, các cơ sở đều thực hiện chế độ báo cáo với cơ quan chức năng thông qua các ứng dụng, phần mềm một cách nhanh chóng và chính xác. 3.3 Hiện trạng phát triển du lịch tỉnh Bình Dương Theo số liệu của Sở VHTTDL Bình Dương và Cục Thống kê Bình Dương, trong giai đoạn 2011 - 2023 số lượng khách du lịch đến tỉnh Bình Dương tăng lên nhanh chóng qua các năm, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2011 – 2019 khách du lịch đến Bình Dương tăng từ 3.836.000 lượt khách lên 5.150.000 lượt khách, chỉ số tăng trưởng khách du lịch giai đoạn này đạt 134,2%. Hình 5: Tổng khách du lịch và doanh thu du lịch Bình Dương giai đoạn 2011 - 2023 (Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám thống kê và Sở VHTTDL Bình Dương) Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng khách du lịch đến Bình Dương chủ yếu ở nhóm khách du lịch nội địa, trong khi đó nhóm khách du lịch quốc tế còn khá khiêm tốn và tốc độ tăng trưởng chậm. Điển hình năm 2017 tổng khách du lịch đến Bình Dương đạt 4.550.000 lượt, trong đó khách nội địa đạt 4.310.000 lượt (chiếm 94,7%), khách quốc tế 240.000 lượt (chiếm 2,6%). Nếu so sánh với một số tỉnh thành trong khu vực Đông Nam Bộ thì tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến Bình Dương đạt ở mức rất thấp, trong khi số khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh riêng trong năm 2023 đạt 5 triệu lượt (chiếm 12,5% tổng lượng khách). 80
  8. Hình 6: Doanh thu của các cơ sở lưu trú Bình Dương giai đoạn 2015 - 2022 (Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám thống kê Bình Dương) Bên cạnh kết quả tích cực ghi nhận được về số lượng khách du lịch đến với Bình Dương tăng qua các năm, điều đáng quan tâm hơn nữa là số lượt khách du lịch lưu trú và ở lại qua đêm chưa ấn tượng, điều này sẽ tác động không nhỏ đến chi tiêu của du khách trên tuyến tham quan. Theo thống kê, hiện nay hệ thống các cơ sở kinh doanh du lịch của tỉnh bao gồm các loại hình chính là các đơn vị kinh doanh lữ hành có quy mô hoạt động vừa và nhỏ, doanh thu thấp, chủ yếu phục vụ các tour du lịch nội địa và nội tỉnh, do đó hiệu quả kinh doanh chưa cao. Các đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú, chủ yếu thuộc đơn vị ngoài nhà nước, tập trung ở khu vực thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An. Kết quả trên phản ánh thực tế độ hấp dẫn và khả năng níu chân du khách ở Bình Dương là chưa cao, phần lớn du khách đến tham quan tại Bình Dương và di chuyển đi trong ngày, do đó việc liên kết trong phát triển du lịch với các tỉnh thành trong vùng càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Hình 7: Cơ cấu doanh thu du lịch Bình Dương giai đoạn 2018 - 2022 (Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám thống kê Bình Dương) Về cơ cấu doanh thu, lĩnh vực nhà hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu của ngành du lịch tỉnh Bình Dương (chiếm trên 96% trong tất cả các năm từ 2018- 2022). Trong khi đó doanh thu từ lĩnh vực lưu trú và lữ hành chiếm tỷ trọng còn rất khiêm tốn, cả hai lĩnh vực kinh doanh này chỉ chiếm khoảng 1,5 – 3,2% trong giai đoạn 2018- 2022. Điều này một lần nữa cho thấy số ngày lưu trú của khách du lịch đến Bình Dương là rất thấp. Chính vì vậy, việc tăng cường liên kết trong phát triển du lịch giữa Bình Dương với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và các vùng phụ cận được xem là một trong những lựa chọn và hướng đi trọng tâm nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đến các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng của ngành du lịch Bình Dương, đồng thời phát triển các tour, tuyến du lịch kết nối giữa các địa phương có thế mạnh về du lịch. 81
  9. 3.4 Giải pháp liên kết vùng và chuyển đổi số trong phát triển du lịch tỉnh Bình Dương Tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch tỉnh Bình Dương là không nhỏ, tuy nhiên để việc khai thác và phát huy các tiềm năng hiện có, tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động liên kết vùng và tăng cường chuyển đổi số cho ngành du lịch, tập trung vào các nhóm giải pháp sau đây: 3.4.1 Xây dựng thị trường du lịch chung: Để tạo ra sự liên kết vùng trong phát triển du lịch ở tỉnh Bình Dương, việc hợp tác với các tỉnh lân cận là rất quan trọng. Điều này giúp tạo ra một thị trường du lịch chung và thu hút khách du lịch từ nhiều địa phương khác nhau. Với chủ trường “6 địa phương, 1 điểm đến” tỉnh Bình Dương đã có những bước tiến đáng kể trong việc hợp tác với các tỉnh lân cận như TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... Tuy nhiên, cần có những biện pháp cụ thể hơn để tăng cường hợp tác này. Một trong những biện pháp đó là tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các tỉnh. Việc này giúp các tỉnh có thể học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm thành công của nhau trong việc phát triển du lịch. Ngoài ra, cần có những chương trình quảng bá và khuyến mãi chung giữa các tỉnh để thu hút khách du lịch đến vùng này. 3.4.2 Thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch và các địa phương Để tạo ra sự liên kết vùng trong phát triển du lịch ở tỉnh Bình Dương, việc hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch và các địa phương là rất quan trọng. Các doanh nghiệp du lịch cần có sự hỗ trợ từ các địa phương để phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Điều này có thể bao gồm việc cung cấp thông tin về các điểm đến, hỗ trợ về thủ tục hành chính và tài chính, cũng như tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch hoạt động. Bên cạnh đó, cần tăng cường xây dựng các tuyến du lịch liên kết giữa các tỉnh: việc xây dựng các tuyến du lịch liên kết giữa các tỉnh là một cách hiệu quả để tạo ra sự liên kết vùng trong phát triển du lịch ở tỉnh Bình Dương. Các tuyến du lịch này có thể bao gồm những điểm đến hấp dẫn của các tỉnh lân cận, kết hợp với những hoạt động du lịch đặc trưng của tỉnh Bình Dương. Việc này không chỉ giúp thu hút khách du lịch từ nhiều địa phương khác nhau mà còn tạo ra sự đa dạng và hấp dẫn cho du khách khi đến với vùng. 3.4.3 Xây dựng hệ thống giao thông liên vùng Để tạo ra sự liên kết vùng trong phát triển du lịch ở tỉnh Bình Dương, việc đầu tư vào hệ thống giao thông là rất quan trọng. Hiện nay, tỉnh Bình Dương đã có những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng hệ thống giao thông, cùng với đó là các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4 đang được đầu tư, xây dựng. Tuy nhiên để đi vào vận hành hoạt động còn tốn nhiều thời gian. Do vậy việc sớm đầu tư vào hệ thống giao thông liên vùng sẽ giúp tạo ra sự kết nối giữa các điểm đến du lịch và thuận lợi cho việc di chuyển của du khách. Ngoài việc đầu tư vào hệ thống giao thông, cần có sự phát triển các phương tiện giao thông công cộng để thuận lợi cho du khách khi đến với tỉnh Bình Dương. Việc này giúp giảm thiểu áp lực giao thông và ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo ra sự thuận tiện và an toàn cho du khách khi di chuyển trong vùng. 3.4.4 Hợp tác trong quảng bá, xúc tiến, đầu tư Việc quảng bá và tiếp thị sản phẩm du lịch của tỉnh Bình Dương là rất quan trọng để thu hút đầu tư du lịch. Các doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với các địa phương để tạo ra những điểm đến mới và thiết kế các tour du lịch đặc biệt để thu hút khách du lịch. Các sản phẩm du lịch đặc trưng có thể là những trải nghiệm về thiên nhiên, sinh thái, văn hóa, làng nghề, ẩm thực… của Bình Dương mang tính khác biệt và nổi trội hơn so với các địa phương trong vùng. Cùng với đó, cần có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch và các cơ quan chức năng để quảng bá và tiếp thị sản phẩm du lịch của tỉnh Bình Dương trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. 3.4.5 Tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong du lịch Mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác chuyển đổi số du lịch, nhưng đến nay Bình Dương vẫn chưa có trung tâm điều hành du lịch thông minh tích hợp với các hệ thống thông tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau để cập nhật và theo dõi các số liệu từ hệ thống để tạo ra những lợi ích thiết thực trong phục 82
  10. vụ người dân, du khách, doanh nghiệp. Việc triển khai phát triển ngành du lịch theo xu hướng thông minh của tỉnh được xem là khá muộn và chậm hơn so với một số địa phương. Chính vì vậy, Bình Dương cần tăng cường giải pháp phát triển du lịch Bình Dương trở thành điểm đến du lịch thông minh, tập trung vào các vấn đề sau: Thứ nhất, cần có cơ chế chính sách khuyến khích và tạo động lực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào quá trình vận hành dịch vụ du lịch thông minh của địa phương; tăng cường quản lý nhà nước đối với quản lý điểm đến và kinh doanh du lịch thông minh. Thứ hai, tập trung phát triển và nâng cấp ứng dụng di động phục vụ du lịch: tạo nên một ứng dụng du lịch thông minh cho tỉnh Bình Dương để cung cấp thông tin về điểm đến, danh sách các hoạt động, nhà hàng, khách sạn và thông tin về giao thông công cộng. Ứng dụng này có thể cung cấp hướng dẫn du lịch, đặt vé, cung cấp thông tin về lịch trình và tạo ra một kênh giao tiếp với khách hàng để hỗ trợ và nhận phản hồi. Bên cạnh đó, hệ thống phần mềm cần hướng đến quản lý dữ liệu chung, tương thích với các hệ thống quản lý của các doanh nghiệp du lịch đang sử dụng. Thứ ba, xây dựng hệ thống thông tin du lịch: tạo ra một hệ thống thông tin du lịch tại các điểm đến chính trong tỉnh Bình Dương. Cung cấp các bảng thông tin, bản đồ, cẩm nang du lịch và hướng dẫn cho du khách để họ có thể dễ dàng tìm hiểu về địa điểm và các hoạt động du lịch. Thứ tư, đầu tư phát triển điểm du lịch thông minh: hỗ trợ các địa phương, các điểm tham quan và các doanh nghiệp dịch vụ tăng cường hoạt động số hóa và ứng dụng công nghệ thực tế ảo, công nghệ VR360 vào quảng bá và giới thiệu dịch vụ. Trước mắt tập trung vào việc số hoá dưới dạng công nghệ không gian 3D thực tế ảo và tiến tới xây dựng hệ thống tự động tạo các web-app trưng bày 3D chất lượng cao (Viz4D) tại các di sản, các di tích lịch sử - văn hoá, bảo tàng,… để mang lại trải nghiệm thú vị và tương tác cho du khách. Điều này vừa nhằm mục đích bảo tồn, gìn giữ văn hoá lịch sử truyền thống, vừa mang lại những trải nghiệm mới mẻ và hứng thú cho khách du lịch. Thứ năm, tăng cường thu hút vốn đầu tư cho phát triển du lịch thông minh. Cần tuyên truyền rộng rãi và kêu gọi các nhà đầu tư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cùng tham gia vào quá trình “thông minh hóa” các hoạt động du lịch của địa phương, đặc biệt kêu gọi những nhà đầu tư có danh tiếng trong từng lĩnh vực, đã triển khai thành công tại các địa phương khác trong nước hoặc nước ngoài đến để khảo sát, giới thiệu và chạy thử,... Thứ sáu, xây dựng hệ thống giao thông thông minh: Đảm bảo hệ thống giao thông thông minh để du khách dễ dàng di chuyển trong tỉnh. Điều này có thể bao gồm việc cải thiện hạ tầng giao thông, cung cấp dịch vụ xe buýt thông minh, hệ thống đặt xe công cộng qua ứng dụng di động và khuyến khích sử dụng các phương tiện vận chuyển xanh. Thứ bảy, ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch thông minh. Để sử dụng các công nghệ thông minh, ngành Du lịch của tỉnh cần có đội ngũ nhân lực có trình độ nghiệp vụ cao, chuyên nghiệp và có những hiểu biết cũng như kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông. Địa phương nên có những chương trình đào tạo sử dụng các công nghệ mới cho doanh nghiệp và nhân lực ngành Du lịch, để có sự đồng bộ, thành thạo sử dụng công nghệ. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất là cần đào tạo hướng dẫn đội ngũ những người làm du lịch cái tâm, cái tầm làm du lịch. 4. KẾT LUẬN Liên kết vùng và ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch là xu hướng tất yếu và mang tính cấp thiết trong bối cảnh hiện nay khi tỉnh Bình Dương đã xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Hiện nay, tỉnh đã có những bước tiến đáng kể trong việc thu hút khách du lịch và tăng trưởng doanh thu từ du lịch. Từ việc quy hoạch vùng, xúc tiến đầu tư, ra mắt ứng dụng di động về du lịch, kết nối các điểm đến du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng cho đến việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, tất cả đều góp phần tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự phát triển du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, việc liên kết vùng vẫn còn nhiều hạn chế, phần lớn mang tính hình thức, thiếu chương trình hành động cụ thể và thiết thực và cần được tăng cường trong 83
  11. tương lai. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành du lịch và kết nối với du khách đã được triển khai, song vẫn còn chậm và chưa đồng bộ. Vì vậy, chính quyền địa phương cần có sự đồng thuận và hợp tác, vận dụng các giải pháp đồng bộ nêu trên để xây dựng ngành du lịch Bình Dương phát triển bền vững và hiện đại, từ đó thu hút thêm lượng khách du lịch và tăng trưởng doanh thu. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Cục Thống kê tỉnh Bình Dương (2023). Niên giám thống kê tỉnh Bình Dương năm 2022, Nxb Thống kê Hà Nội. 1. Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh (2023). Niên giám thống kê thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, Nxb Tổng hợp TP.HCM. 2. Lê Quang Đăng (2019). Cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam. Truy cập tại: http://itdr.org.vn/nghien_cuu/cach-mang-cong-nghiep-4-0-va-tien-trinh-phat-trien-du- lich-thong-minh-tai-viet-nam. 3. Gretzel, U., Sigala, M., Xiang, Z and Koo, C. (2015). Smart tourism: Foundations and developments. Electronic Markets, 25(3), 179-188. 4. Gretzel, U., et al. (2016). Application of smart tourism to cities. International Journal of Tourism Cities, 2(2). DOI: 1108/IJTC-04-2016-0007. 5. Nguyễn Văn Khánh và Nguyễn Thị Quỳnh Anh (2017), Liên kết vùng, tiểu vùng trong phát triển du lịch vùng Tây Bắc: Từ lý luận đến thực tiễn, Tạp chí khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, 33(4), 12-33. 6. Lamsfus, C., Martín, D., Alzua-Sorzabal, A., & Torres-Manzanera, E. (2015), Smart tourism destinations: An extended conception of smart cities focusing on human mobility, Information and communication technologies in tourism, 363–375. 7. Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Nguyễn Thị Thúy Vân, Lê Văn Hòa (2019). Điểm đến du lịch thông minh: Khái niệm và các xu hướng hiện nay. Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và phát triển, (128), 129-146. 8. Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017). Luật Quy hoạch. Luật số: 21/2017/QH14, ngày 24 tháng 11 năm 2017. 9. Taiwan Tourism Bureau (2018), The Heart of Asia, Publishing rights of Tourism Bureau, Ministry of Transport, Taiwan, ISBN 978-986-05-5407-6. 10. UBND tỉnh Bình Dương (2011). Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định số 2303/QĐ-UBND, ngày 15/8/2011. 11. UBND tỉnh Bình Dương (2013). Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến 2030. Quyết định số 3247/QĐ-UBND ngày 16/12/2013. 12. Thủ tướng Chính phủ (2013). Quyết định Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định số 201/QĐ-TTg, ngày 22/11/2013. 13. Thủ tướng Chính phủ (2013). Quyết định Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định số 2351/QĐ-TTg, ngày 24/12/2014. 14. Pam Lee , William Cannon Hunter, Namho Chung (2019). Smart Tourism City: Developments and Transformations.A paper. http://www.mdpi.com/journal/sustainability. 15. Nguyễn Thị Kiều Trang (2018), Sơ lược về Du lịch thông minh, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu Nghị Việt Hàn, http://viethanit.edu.vn/2018/03/13/so-luoc-ve-du-lich-thong-minh/. 16. Yalçınkaya, P., Atay, L., Korkmaz, H. (2018). An Evaluation on Smart Tourism. China-USA Business Review, 17(6), 308-31. 84
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2