intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Khóa luận tốt nghiệp: Thể nghiệm hình thức tự sự trong tập Ác tính (Trần Thị Ngh)

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:100

26
lượt xem
7
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Đề tài "Thể nghiệm hình thức tự sự trong tập Ác tính (Trần Thị Ngh)" bước đầu giới thiệu một hệ thống khái niệm công cụ của tự sự học và phân tích sâu một số khái niệm mà theo người viết vẫn còn nhiều tranh luận; phân tích những thể nghiệm tự sự học trong truyện ngắn của một tác giả đương đại cụ thể.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Khóa luận tốt nghiệp: Thể nghiệm hình thức tự sự trong tập Ác tính (Trần Thị Ngh)

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH KHOA NGỮ VĂN LÂM HOÀNG PHÚC KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP THỂ NGHIỆM HÌNH THỨC TỰ SỰ TRONG TẬP ÁC TÍNH (TRẦN THỊ NGH) Chuyên ngành: LÍ LUẬN VĂN HỌC TP. Hồ Chí Minh, năm 2020
  2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH KHOA NGỮ VĂN THỂ NGHIỆM HÌNH THỨC TỰ SỰ TRONG TẬP ÁC TÍNH (TRẦN THỊ NGH) Người thực hiện: LÂM HOÀNG PHÚC Người hướng dẫn khoa học: TS. PHẠM NGỌC LAN TP. Hồ Chí Minh, năm
  3. Lời cam đoan Tôi xin cam đoan: Công trình nghiên cứu khoa học với đề tài: “THỂ NGHIỆM HÌNH THỨC TỰ SỰ TRONG TẬP ÁC TÍNH (TRẦN THỊ NGH)” là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi dưới sự hướng dẫn của TS. Phạm Ngọc Lan, không sao chép của bất cứ ai. Tôi xin chịu mọi trách nhiệm về công trình nghiên cứu của riêng mình! Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 6 năm 2020 Người cam đoan
  4. MỤC LỤC MỞ ĐẦU............................................................................................................. 1 0.1. Lí do chọn đề tài........................................................................................... 1 0.2. Giới hạn đề tài .............................................................................................. 1 0.3. Lịch sử nghiên cứu ....................................................................................... 2 0.4. Tổng thuật ngắn về tự sự học ....................................................................... 6 0.5. Phương pháp nghiên cứu ........................................................................... 14 0.6. Đóng góp của khoá luận ............................................................................ 14 0.7. Bố cục khoá luận ........................................................................................ 15 CHƯƠNG 1 ...................................................................................................... 16 THỂ NGHIỆM SỰ KIỆN VÀ BỐI CẢNH TRONG ÁC TÍNH ....................... 16 1.1. Ác tính và những kiểu sự kiện đặc biệt ...................................................... 16 1.1.1. Kiểu sự kiện phụ thuộc vào thái độ nhân vật .......................................... 18 1.1.2. Kiểu sự kiện không thể đoán trước ......................................................... 21 1.1.3. Kiểu sự kiện thụ động ............................................................................. 23 1.2. Ác tính và những bối cảnh đặc biệt ............................................................ 25 1.2.1. Bối cảnh giản lược và chỉ hướng tác nhân trong truyện ngắn của Trần Thị NgH ............................................................................................................ 28 1.2.2. Những cặp đối lập đa-thiểu trong bối cảnh và sự lệch trong cấu trúc truyện kể ............................................................................................................ 31 CHƯƠNG 2 ...................................................................................................... 39 THỂ NGHIỆM THỜI GIAN TRẦN THUẬT .................................................. 39 VÀ THẾ GIỚI NHÂN VẬT DỊ THƯỜNG TRONG ÁC TÍNH ...................... 39 2.1. Thời gian như một phương tiện biểu nghĩa ............................................... 39
  5. 2.2. Thế giới nhân vật dị thường ....................................................................... 44 2.2.1. Cấu trúc thích nghi: biến dạng nhân hình và xoá nhoà căn tính ............. 46 2.2.2. Cấu trúc song song: khiếm khuyết tâm thần và xác lập uy tín ............... 49 CHƯƠNG 3 ...................................................................................................... 57 THỂ NGHIỆM DIỄN NGÔN TỰ SỰ TRONG ÁC TÍNH ............................... 57 3.1. Truyện kể vượt khung ................................................................................ 58 3.1.1. Khi hư cấu trở thành hệ quy chiếu ......................................................... 59 3.1.2. Khi “nhân vật hư cấu” bước vào “thế giới thực” .................................... 61 3.1.3. Khi “nhân vật hư cấu” tấn công “người kể” ........................................... 63 3.1.4. Khi tưởng tượng và thực tế nhoà vào nhau ............................................. 66 3.2. Sự giải thể của những nỗ lực...................................................................... 68 3.2.1. Sự giải thể của nỗ lực thiết lập trật tự ..................................................... 69 3.2.2. Sự giải thể ý nghĩa .................................................................................. 72 3.2.3. Sự giải thể của chức năng ....................................................................... 75 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................... 81 PHỤ LỤC .......................................................................................................... 90
  6. MỞ ĐẦU 0.1. Lí do chọn đề tài 0.1.1. Lí thuyết tự sự học đã tương đối phổ biến ở Việt Nam, song việc ứng dụng nó một cách toàn diện thay vì vài khái niệm nhỏ lẻ thì còn khá ít ỏi. Mặt khác, do thiếu những công trình dịch thuật một cách hệ thống, các khái niệm tự sự học, chẳng hạn như sự kiện, điểm nhìn, người kể,… một mặt bị nhầm lẫn, mặt khác vẫn được dùng theo cách “truyền thống” như hướng nghiên cứu thi pháp học. Người ta nghiên cứu nhân vật như một người thật thay vì một tác nhân hành động; nghiên cứu không gian theo hướng mô tả đặc điểm không gian thay vì chiều hướng chuyển động, ranh giới giữa các không gian; thậm chí không phân biệt không gian (space) và địa điểm (place)… Với những nỗ lực còn rất hạn chế trong khoá luận này, chúng tôi hi vọng có thể góp một chút công sức để minh định một số khái niệm tự sự học còn nhiều tranh cãi. 0.1.2. Trần Thị NgH thuộc lớp các nhà văn đô thị miền Nam trước 1975. Sau nhiều năm gác bút, Ác tính là tập truyện ngắn mới của bà, trong đó chứa đựng những thể nghiệm đáng ghi nhận về hình thức tự sự. Hơn nữa, văn học Việt Nam đương đại chứng kiến sự xuất hiện trở lại của một số nhà văn thuộc nền văn học miền Nam trước 1975, song lại chưa được đầu tư nghiên cứu nhiều. Do đó chúng tôi quyết định dấn thân vào mảng đề tài vẫn còn đang mới mẻ này. 0.1.3. Vì hai lí do trên, chúng tôi quyết định sẽ sử dụng những khái niệm tự sự học để soi chiếu tác phẩm mới của một nhà văn đương đại. Hi vọng với định hướng nghiên cứu này, chúng tôi có thể bước đầu giải quyết phần nào hai vấn đề đã nói ở trên. 0.2. Giới hạn đề tài 0.2.1. Về lí thuyết, chúng tôi sử dụng đa dạng lí thuyết của các nhà nghiên cứu tự sự học, song tập trung nhất vẫn là các lí thuyết gia thuộc cấu trúc luận. 0.2.2. Về tác phẩm, chúng tôi tập trung hoàn toàn vào 24 truyện ngắn trong tập Ác tính – tập truyện ngắn mới nhất của Trần Thị NgH. 1
  7. 0.3. Lịch sử nghiên cứu 0.3.1. Trần Thị NgH tên thật là Trần Thị Nguyệt Hồng. Bà là một tác giả thành danh trong văn chương miền Nam trước năm 1975. Trước năm 1975, bà có dự định xuất bản tập truyện ngắn Những ngày rất thong thả song ngay sau đó miền Nam được giải phóng, chính sự đất nước có nhiều thay đổi khiến dự định này bị gác lại. Các tác phẩm của Trần Thị NgH được xuất bản ở Việt Nam cho đến nay gồm có các tập truyện ngắn Nhà có cửa khoá trái, Nhăn rúm, Lạc đạn, Ác tính. Trần Thị NgH không phải là một tác giả được chú ý trong văn học miền Nam trước 19751 và khi phác thảo diện mạo của văn học miền Nam giai đoạn đó, bà cũng giữ một vị trí rất khiêm tốn. Do đó không ngạc nhiên khi sau nhiều năm ngừng bút, dù sáng tác trở lại song tác phẩm của Trần Thị NgH không 1 Nền văn học miền Nam trước 1975 nhìn chung phát triển mạnh với đa dạng các phong cách. Song một tổng thuật về bộ phận văn học này cho đến nay vẫn là một điều chưa được quan tâm đúng mức. Hai công trình được nhà nghiên cứu Thuỵ Khê chỉ ra, Nhìn lại tư tưởng văn nghệ thời Mỹ Nguỵ (Lê Đình Kỵ) và Văn hoá văn nghệ Nam Việt Nam (Trần Trọng Đăng Đàn), tuy có những đánh giá còn mang thiên kiến chính trị về giá trị của nền văn học đô thị miền Nam trước năm 1975 song cũng đã giúp tổng hợp được danh sách các tác giả và tác phẩm văn học miền Nam mà nhiều phần trong số đó vốn bị cấm lưu truyền tại thời điểm ấy. Cuốn Văn học miền Nam tổng quan của Võ Phiến xuất bản năm 1986 đã phác hoạ phần nào khách quan hơn diện mạo của nền văn học này, song, trong đó vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhiều đánh giá của ông bị cho là chủ quan, nhiều chương trong cuốn sách tập trung nhiều vào vấn đề chính trị - tư tưởng hơn là vào văn học, rất nhiều nhà văn bị lướt qua dù theo chúng tôi nhận thấy, họ có đóng góp khá quan trọng. Điển hình là lớp nhà văn nữ chỉ được ông nhắc đến một cách chung chung trong một số đoạn. Bài viết Văn học miền Nam của Thuỵ Khê tuy chỉ ra được hạn chế của các công trình nêu trên song chính bà cũng chỉ dừng lại ở việc liệt kê tác giả - tác phẩm hơn là đi vào khái quát các đặc trưng và xác định vị trí, đóng góp của những tác giả tiêu biểu. Khi nhắc đến các tác giả nữ ở miền Nam, người ta thường đề cập đến 5 nhà văn là Tuý Hồng, Nhã Ca, Trần Thị Thuỵ Vũ, Trùng Dương và Nguyễn Thị Hoàng. Trong Văn học miền Nam tổng quan, Võ Phiến nhắc đến các nhà văn nữ giai đoạn 1960 – 1963 liệt kê một số nhà văn nữ tiêu biểu, trong đó có Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo, Nhã Ca, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Minh Đức Hoài Trinh… tuyệt không nhắc đến Trần Thị Nguyệt Hồng [76, 247]. Trong khi dành cho các nhà văn khác những phân tích ít nhiều, chẳng hạn, Nhã Ca là nhà văn chuyên viết về Huế, về tình cảnh đổ nát trong cuộc loạn li với tác phẩm tiêu biểu là Tình ca Huế đổ nát; Nguyễn Thị Hoàng là nhà văn giải phóng những khát khao xác thịt của con người với Vòng tay học trò… thì ông lại chỉ nhắc thoáng qua Trần Thị NgH không quá ba lần. Nói về giai đoạn 1964 – 1975, ông có nhắc đến bà, nhưng trong thế đối sánh mỉa mai với Hoàng Ngọc Tuấn như những cây bút tình cảm ướt át [76, 278], sau đó đặt bà cùng nhóm với Chu Tử, Nguyễn Đình Toàn, Lệ Hằng mà ông gọi bằng cái tên chung là những nhà văn “phản ứng trong nếp sống” [76, 343]. Lần duy nhất ông có nhận xét về nghệ thuật trong sáng tác của Trần Thị Nguyệt Hồng là khi nói về kiểu nhân vật “cynique”. Mà lần đó cũng có phải ông ưu ái cho nhà văn đâu! Đó là khi ông đặt Nguyễn Thị Thuỵ Vũ vào vị trí trung tâm mà Trần Thị Nguyệt Hồng chỉ là một người châu tuần xung quanh: “các nhân vật bà (Thuỵ Vũ) dựng nên cũng tha hồ dập dìu đàn đúm với “lũ bạn bè cynique” nườm nượp xung quanh họ: những nhân vật của Nguyễn Thị Hoàng, của Trần Thị NgH, của Lệ Hằng… chẳng hạn” [76, 302]. 2
  8. nhận được một sự quan tâm đúng mức. Đến nay chưa thấy có công trình nào đi sâu khảo sát sáng tác của tác giả này.2 Năm 2019, Trần Thị NgH xuất bản tập truyện tiếp theo của mình sau nhiều năm gác bút: Ác tính. Tác phẩm bao gồm 24 truyện ngắn với lối viết phóng túng, bản lĩnh mà cũng đầy giễu cợt chua chát, đi sâu vào những góc khuất trong bản tính con người từ chính cuộc sống đời thường. Đáng lưu ý là tập truyện ngắn này có những thể nghiệm tương đối trong hình thức tự sự mà chúng tôi cho là một đối tượng nghiên cứu tiềm năng của tự sự học. 0.3.2. Tình hình nghiên cứu tự sự học ở nước ta những năm gần đây đạt được nhiều thành tựu đáng quan tâm. Cột mốc đánh dấu sự quan tâm của giới nghiên cứu đối với tự sự học có lẽ là hội thảo về tự sự học được Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2001, tiếp đó là công trình Tự sự học – một số vấn đề lí luận và lịch sử được xuất bản. Trước đó đã có không ít các công trình của Todorov (Thi pháp văn xuôi, Hai nguyên tắc của truyện kể), Nhập môn phân tích cấu trúc truyện kể của Roland Barthes do Tôn Quang Cường dịch, Dẫn luận về Tự sự học do Lê Lưu Oanh và Nguyễn Đức Nga trích dịch và tóm lược,… Bên cạnh đó còn có rất nhiều bài viết của Lê Thời Tân, Lã Nguyên, Trần Đình Sử, Hoàng Ngọc Hiến, Huỳnh Như Phương, Phương Lựu,… xoay quanh lí thuyết tự sự học. Chừng ấy có lẽ đã cho thấy tự sự học là một hướng nghiên cứu đã và đang được lưu tâm ở nước ta. Hướng nghiên cứu quen thuộc là sử dụng một khái niệm công cụ để soi chiếu tác phẩm, đơn cử khái niệm “người kể chuyện”, ta đã có không ít công trình. Luận văn thạc sĩ Người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (2009) của Phạm Thị Thuỳ Trang sử dụng một khái niệm quan trọng của tự sự học là người kể chuyện để soi chiếu tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Hà Huy Dũng tìm hiểu về truyện ngắn và tiểu thuyết Nguyễn Khải thông qua người kể chuyện trong công trình Người kể chuyện trong truyện và tiểu thuyết Nguyễn Khải, Hồ Thị Dung tìm hiểu người kể chuyện trong truyện ngắn của Nguyễn 2 Kì thực trong giới hạn khả năng của mình, chúng tôi cũng chưa tìm thấy một công trình đi sâu vào những tác giả cùng thời của bà như Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Hà Thúc Sinh... dù gần đây một số tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu đã được tái bản. 3
  9. Ngọc Tư, Huỳnh Thị Lan Phương tìm hiểu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, nhà nghiên cứu Cao Kim Lan cũng có công trình về người kể chuyện tự ý thức trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh... Đây là một hướng nghiên cứu tương đối quen thuộc – sử dụng một khái niệm công cụ để khám phá tác phẩm của một nhà văn. Bên cạnh đó, luận án tiến sĩ của Thái Phan Vàng Anh (Người kể chuyện trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại) hướng đến một khảo sát rộng với quy mô là tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Tuy nhiên, tại đây, ta thấy giữa các công trình có những cách hiểu không khít nhau về người kể chuyện. Công trình của Phạm Thị Thuỳ Trang tìm hiểu về người kể chuyện ngôi thứ nhất và thứ ba, tức là đồng nhất ngôi kể và người kể; Hà Huy Dũng phân loại các hình thức xuất hiện của chủ thể kể chuyện thành hai loại là khách quan hoá – ngôi thứ ba, chủ quan hoá – ngôi thứ nhất, thực tế cũng quy giản vấn đề về ngôi kể, tương đương với việc người kể có can dự trực tiếp (involvement) vào câu chuyện mà mình kể hay không (theo cách gọi của Luc Herman) mà bỏ qua phương diện cấp độ kể (levels): người kể có được kể lại bởi một người kể khác không? Song công trình của mình, Hà Huy Dũng đã quan tâm đến mức độ can thiệp của người kể đối với truyện kể thông qua việc có bình luận, đánh giá, trữ tình ngoại đề hay không, tức là đã quan tâm đến vấn đề cấp độ điểm nhìn (point-of-view) trong quan niệm của Friedman3. Tong khi đó cách khai thác người kể chuyện của Thái Phan Vàng Anh lại quá rộng, nó bao gồm cả kết cấu, thời gian trần thuật, chứa đựng cả tính đa thanh – đối thoại (vốn không ở người kể mà ở trung tâm nhận thức xuất hiện trong tác phẩm). Bên cạnh đó cũng có những đề tài hướng đến việc sử dụng kết hợp những khái niệm của tự sự học như Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Dạ Ngân (Lê Thị Mơ), Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Mạc Can (Nguyễn Thị Thắm), Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi về loài vật của Tô Hoài (Hoàng Thị 3 Khái niệm “điểm nhìn”, theo Luc Herman, là sự trộn lẫn sự nhận thức và sự kể chuyện, trộn lẫn người nhận thức và người kể (combined perspective with narration and thus mixed the figure who perceives with the one who narrates) [42], do đó khái niệm này rộng hơn người kể. 4
  10. Xuân Quỳnh), Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Lê Minh Khuê (Trần Thị Phương Anh)… Các tác giả nhìn chung đều cố gắng áp dụng những khái niệm của tự sự học để khai thác văn bản mà thường gặp nhất chính là cốt truyện – nhân vật – người kể và nhìn chung phân tích được điểm đặc biệt của những yếu tố đó trong sáng tác của những nhà văn được khảo sát. Tuy nhiên, ba khái niệm được các tác giả trên ưu ái vốn dĩ không có tính hệ thống. Chúng tôi thử xem xét cụ thể một số trường hợp. Trong công trình của mình, Nguyễn Thị Thắm khảo sát nghệ thuật tự sự trên hai phương diện là quan niệm nghệ thuật về con người, cốt truyện và nhân vật và bút pháp, ngôn ngữ và giọng điệu. Trong khi phương diện thứ hai có đến hai khái niệm rất chung chung và rất rộng (bút pháp, ngôn ngữ) thì rõ ràng phương diện thứ nhất là vấn đề của nội dung chứ không phải của hình thức tự sự. Lê Thị Mơ khai thác nghệ thuật tự sự trên ba phương diện là nghệ thuật tổ chức cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật và phương thức trần thuật (trong đó tác giả tìm hiểu người kể chuyện, điểm nhìn, ngôn ngữ và giọng điệu). Qua cách tổ chức này, tác giả chia nghệ thuật tự sự thành hai phương diện lớn: cốt truyện – nhân vật và trần thuật. Cốt truyện (plot) tạm xem như thuộc câu chuyện (story), lời kể, người kể thuộc hành động kể chuyện (narration) song khái niệm nhân vật lại là một điều cần phải xem xét. Tự sự học (đặc biệt là tự sự học cấu trúc) xuất phát từ phương pháp nghiên cứu của ngôn ngữ nên tập trung chú ý vào văn bản. Các khái niệm nhân vật, người kể đặc biệt được các nhà nghiên cứu lưu ý. Nhân vật trong mối quan hệ với cốt truyện được gọi là tác nhân hành động (actant), khi khai thác phải chú ý đến mối quan hệ với hành động (action) và sự kiện (event) chứ không phải vấn đề xây dựng nên nhân vật dựa trên các yếu tố của văn bản (characterization) như tác giả trình bày trong nghiên cứu. Công trình của Hoàng Thị Xuân Quỳnh và Trần Thị Phương Anh cũng triển khai theo cùng một cách như thế. Từ những phân tích trên, chúng tôi nhận thấy nhiều công trình nghiên cứu theo hướng tự sự học vấp phải hạn chế về mặt hệ thống: ta thiếu một bảng tổng phổ mà từ đó các khái niệm được minh định và xếp vào một vị trí tương đối ổn thoả, dẫn đến hệ quả là những nhập nhằng trong khái niệm và những trùng lắp 5
  11. trong phân tích. Đây có lẽ cũng là điều có khả năng xảy ra khi các công trình nghiên cứu lí thuyết tự sự học kinh điển vẫn chỉ được dịch một cách nhỏ lẻ. * Tóm lại, về phương diện đối tượng khảo sát, tác giả Trần Thị NgH cho đến nay vẫn là một vùng đất còn để ngỏ; về phương diện lí thuyết hay cụ thể là cách tổ chức các khái niệm tự sự học một cách hệ thống, một mặt các khái niệm đơn lẻ nhiều khi còn bị nhầm lẫn với khái niệm cận kề, mặt khác ta cũng thiếu một cái nhìn hệ thống về các khái niệm công cụ. Đây chính là tiền đề mà từ đó chúng tôi triển khai công trình của mình. 0.4. Tổng thuật ngắn về tự sự học 0.4.1. Những quan niệm về văn bản tự sự (narrative) Danh xưng “tự sự học” bắt đầu từ công trình Ngữ pháp chuyện Mười ngày của Todorov, kể từ đó, qua một quá trình phát triển lâu dài, hướng nghiên cứu này đã thu hút đông đảo các lí thuyết gia. Có thể tạm chia tự sự học thành 3 chặng lớn: (1) Tự sự học cổ điển với những tên tuổi như Todorov, Chatman, Wayne Booth, Walker Gibson, Dorrit Cohn,… (2) Tự sự học cấu trúc với Genette, Roland Barthes, Bremond Greimas, E.M. Forster,… (3) Tự sự học hậu cổ điển với Monika Fludernik, Espen Aarseth, Brian McHale, Rene Girard, Geogre Landow, Jason Lanier, Jaques Derrida, Paul de Man… Đi cùng với nó là cách định nghĩa, và quan trọng hơn, cách phân chia các thành tố của một văn bản tự sự/ truyện kể (narrative). Định nghĩa về “văn bản tự sự” (narrative) có nhiều khác biệt giữa các nhà nghiên cứu. Nhà nghiên cứu Lê Thời Tân trong bài tổng thuật Tự sự học: tên gọi, lược sử và một số vấn đề lí thuyết thuật lại những nhóm quan niệm mà ông gọi là lưỡng phân (chia thành “nội dung câu chuyện” và “hình thức trần thuật”) và tam phân (chia thành câu chuyện/story, thoại ngữ/discours, hành vi trần thuật/narration). Kì thực, theo đánh giá của chúng tôi, bài tổng thuật này thiên về đưa ra lịch sử quan niệm hơn là hệ thống quan niệm. Nên các cấp độ trần thuật được đưa ra thành sơ đồ cùng những vấn đề phân biệt trong quan niệm của các nhà nghiên cứu thiên về những tranh luận, sai biệt hơn là sự đồng 6
  12. thuận, do đó khó đưa ra được một mô hình giao cắt giữa các lí thuyết gia khả dĩ có thể dùng làm cơ sở tương đối minh bạch cho nghiên cứu sâu. Bản thân bài viết của Lê Thời Tân đã cho thấy sự vận động phức tạp về chỉ riêng quan niệm văn bản tự sự/ truyện kể (narrative). Ở đây chúng tôi liệt kê một số quan niệm đi từ nghĩa rộng đến nghĩa hẹp hòng chọn lựa một cách nhìn chung giữa các quan niệm. Định nghĩa về “văn bản tự sự” (narrative) có nhiều khác biệt giữa các nhà nghiên cứu. “Văn bản tự sự”, trong nghĩa rộng của nó, là một phạm trù có tính phổ quát. Thậm chí như Roland Barthes xem tự sự như mô thức tư duy của con người (“Nói theo một cách khác, khi lịch sử được ý thức thì ta đã có tự sự” [37]), Paul Ricoeur trong Thời gian và trần thuật gọi con người là loài vật kể chuyện (homo fabulans) [40, 2], Umberto Eco cùng quan điểm: “Con người là một động vật kể chuyện từ bản chất” [74, 66]. “Văn bản tự sự” theo nghĩa hẹp thường được các nhà nghiên cứu định nghĩa như một thể loại văn học trong phân biệt với trữ tình và kịch (truyền thống Aristotle) hay phân biệt giữa văn bản tự sự và các văn bản phi tự sự. Chris Baldick trong Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa văn bản tự sự dựa trên các yếu tố: (1) Kể lại một sự thật hoặc một sự kiện hư cấu hoặc một chuỗi sự kiện được kết nối với nhau; (2) Được kể lại bởi một/một vài người kể chuyện đến người nghe (narratee); (3) Một truyện kể bao gồm hệ thống sự kiện được sắp xếp (story) được tường thuật lại trong tiến trình kể chuyện (narration/ discourse), trong đó các sự việc được chọn lựa và sắp đặt trong một trật tự đặc biệt (plot). [8, 165-166] Wolf Schmid trong công trình Dẫn luận tự sự học khảo sát ngắn gọn quan niệm về tự sự của hai truyền thống: quan điểm cổ điển tiêu biểu bởi các nhà lí thuyết như German, Kate Friedemann, Franz Stanzel xem văn bản tự sự như một phương thức tường thuật, giao tiếp một nhân tố trung gian có chức năng điều phối với tư cách là người kể chuyện (narrator) (xem tự sự như một phương tiện giao tiếp), cũng như James Phelan xem trọng mục đích giao tiếp của văn 7
  13. bản truyện kể, từ đó đề xuất việc xem xét văn bản tự sự trong mối quan hệ giữa người kể và người nghe. Một quan điểm khác của các nhà cấu trúc luận lấy cấu trúc văn bản làm đặc trưng của văn bản tự sự: “Trong chủ nghĩa cấu trúc, đặc điểm xác định của văn bản tự sự không phải là đặc điểm của diễn ngôn mà là một đặc điểm của những gì được kể lại. Các văn bản mà chúng tôi mô tả như là văn bản tự sự (narrative) theo nghĩa cấu trúc thì tương phản với các văn bản mô tả (descriptive text) ở chỗ chúng chứa một cấu trúc tạm thời (temporal structure) và đại diện cho những thay đổi của trạng thái (changes of state)” [38, 2]. Sau cùng, Wolf Schmid đi đến sự đồng thuận với cách nhìn thứ hai, từ đó công trình của ông đi sâu nghiên cứu các khía cạnh hình thức cụ thể của văn bản tự. Gerard Genette trong công trình Diễn ngôn trần thuật: Một tiểu luận về phương pháp đưa ra bốn cách hiểu về văn bản tự sự: (1) Văn bản tự sự là cái thực hiện việc kể lại một sự kiện hoặc một chuỗi sự kiện, (2) Văn bản tự sự được xem như một sự kiện nối dài (succession) giữa thế giới thực và thế giới hư cấu, (3) văn bản tự sự không đơn thuần là một truyện kể (narrative), nó bao gồm cả người kể chuyện (narrator) và hành động kể chuyện (narrating), nói cách khác, nó là một diễn ngôn (discourse) [17, 25-26]. Cách hiểu thứ tư ông dẫn lại quan điểm của Todorov, chia văn bản tự sự thành ba cấp độ: thì/ thời (tense), đó là “mối quan hệ giữa thời gian của câu chuyện (story) và thời gian của diễn ngôn được kể”, thái (voice) “cách mà trong đó câu chuyện được nhận thức bởi người kể chuyện” và thức (mood), “kiểu diễn ngôn được sử dụng bởi người kể” [17, 29]. Công trình của Genette là một hướng khảo sát văn bản tự sự trong những mối quan hệ của nó với người kể và việc kể chuyện: “thời và thức điều phối trong sự kết nối giữa hai cấp độ: câu chuyện (story) và văn bản tự sự (narrative), trong khi thái (thường gọi là giọng) (voice) biểu thị sự kết nối giữa hành động kể (narrating) và văn bản tự sự (narrative), và giữa hành động kể với câu chuyện” [17, 32]. Quan điểm và phương pháp tiếp cận của Genette trong Diễn ngôn tự sự có thể xem là tiêu biểu cho hướng nghiên cứu cấu trúc trong tự sự học, do đó cũng không ngạc nhiên khi ông chỉ tập trung xem xét các vấn đề hình thức và chi tiết hơn là các thủ pháp đối với văn bản trần thuật 8
  14. mà xa lạ với (thậm chí trong những tranh biện với Dorrit Cohn hay Franz Stanzel là không thừa nhận) các khái niệm trừu tượng như người kể, người nghe, độc giả hàm ẩn, tác giả hàm ẩn. Genette thừa nhận rằng người đọc luôn phát triển một hình ảnh của tác giả nhưng ông tin rằng đây không phải là lí do để nó (hình ảnh tác giả tưởng tượng) trở thành một khái niệm tự sự học. Theo ông, hình ảnh tác giả không thuộc về tự sự học: “Theo ý kiến của tôi, tự sự học không cần phải vượt ra ngoài tình huống tự sự và hai tác nhân “độc giả hàm ẩn” và “tác giả hàm ẩn” rõ ràng thuộc về vùng “vượt ra ngoài” đó.” 4 [38, 182] Do cái nhìn này mà với những nhà cấu trúc như Genette, không có vấn đề kể chuyện (narration) – chính là cách nhìn lưỡng phân như cách gọi của Lê Thời Tân. Điều này, qua lịch sử phát triển của tự sự học, ngày càng bộc lộ rõ ràng thiếu sót của nó. Luc Herman và Bart Vervaeck trong công trình Sổ tay phân tích văn bản tự sự (Handbook of Narrative Analysis) đưa ra một số định nghĩa về văn bản tự sự. Dẫn theo Luc Herman, Susana Onega và José Angel García Landa trong công trình của mình đã định nghĩa văn bản tự sự là “sự thể hiện của một chuỗi các sự kiện được kết nối một cách có ý nghĩa theo cách thức tạm thời và có mối quan hệ nhân quả”; Gerald Prince cho rằng câu chuyện có ít nhất 3 thành tố: một tình huống ban đầu (initial situation), một hành động hoặc sự kiện (action or event), và một kết quả (outcome) [38, 13]. Khác biệt quan trọng giữa các nhà nghiên cứu được trích trong công trình này, như Luc Herman nói, là quan niệm cách kết nối giữa các sự kiện (nó không cần là mối liên kết tức thời và nhân quả), còn về các thành phần tạo nên một văn bản trần thuật, giữa các nhà nghiên cứu nhìn chung không có khác biệt lớn. Như thế, hai thành tố story và narrative được đông đảo các nhà nghiên cứu tán đồng trong khi phương diện narration lại còn nằm trong vùng tranh cãi. Bản thân chúng tôi đồng thuận với 4 “Genette admits that the reader always develops an image of the author, but he believes it is wrong to turn that image into a narratological concept. For him, the image of the author no longer belongs to narratology: “In my opinion, narratology has no need to go beyond the narrative situation and the two agents ‘implied author’ and ‘implied reader’ are clearly situated in that ‘beyond’ ” (137). 9
  15. việc chấp nhận kể chuyện như một yếu tố quan trọng của tự sự trong hệ thống câu chuyện - truyện kể - kể chuyện, cũng tức là quan niệm của những nhà nghiên cứu như Luc Herman, Gerald Prince, James Phelan, Dorrit Cohn quan tâm (ở những mức độ khác nhau) cho rằng việc câu chuyện thực sự được kể như thế nào, do ai kể cũng đáng được quan tâm như đối với việc đó là chuyện gì (story) và chuyện diễn ra ra sao (narrative). Đó là chưa kể đến việc truyện kể được trình bày (kể) ra sao còn liên quan đến ý niệm căn cốt trong tự sự là thang trượt từ diegesis đến mimesis trong lời kể, đã được Norman Friedman quan tâm ngay từ thập niên 50 trong công trình Điểm nhìn trong hư cấu: Sự phát triển của một quan niệm phê bình (Point of View in Fiction: The Development of a Critical Concept). Một khía cạnh khác tạo nên tính cách mạng trong cách nhìn về văn bản tự sự đó là việc đặt người đọc vào phạm vi nghiên cứu. Các nhà tiền cấu trúc và cấu trúc luận xem văn bản là trung tâm của nghiên cứu tự sự, dù ở một số phương diện, chẳng hạn sự kiện theo quan niệm của Schmid hay tác giả hàm ẩn có xuất hiện sự tham gia của người đọc song vai trò của họ là thứ yếu so với văn bản. Các nhà hậu cấu trúc buổi đầu như Roland Barthes, bên cạnh đó còn có Philippe Hamon, Vincent Jouve… tuy bắt đầu nới rộng phạm vi nghiên cứu của tự sự học sang các yếu tố ngoại văn bản (extratextual) như giá trị xã hội, chuẩn mực, niềm tin… (Barthes), hiệu ứng của ý thức hệ (the ideology-effect) như quan niệm của Harmon, ảnh hưởng giá trị (value-effect) (Vincent Jouve) thì nhân tố trung tâm chi phối tất cả vẫn là văn bản chứ không phải người đọc. Mô hình thường thấy của họ sẽ bao gồm 4 cấp độ (3 cấp độ của tự sự học cấu trúc và cấp độ bối cảnh) hoặc gộp chung câu chuyện (story) và truyện kể (narrative) thành một, cùng bối cảnh (context) là 3 cấp độ: “Adam Newton, Korthals Alters, Jouve đã “mở rộng các cấp độ truyện kể và kể chuyện quen thuộc ra phương diện thứ ba, đó là phương diện của người đọc và hành động đọc.”5 [38, 126] Tuy nhiên, càng về sau, vị thế của người đọc càng được quan 5 “They extended the familiar levels of narrative and narration with a third domain as well, that of the reader and the act of reading.” 10
  16. tâm nhiều hơn. Bắt nguồn từ nguyên lí đối thoại của Bakhtin, mối quan hệ giữa phương diện văn bản (text) và người đọc (reader) không còn là quan hệ thứ bậc (hierarchical) mang tính cấu trúc với văn bản ở trên và người đọc ở dưới mà đã trở thành sự tương tác theo chiều ngang giữa các đối tác xã hội bình đẳng (equivalent communication partners) [38, 122]. Patrick O’Neill có lẽ cũng muốn nhấn mạnh tính tương tác đa phương này nên ông dùng khái niệm “textuality”, một khái niệm bao hàm cả hình thức văn bản và sự hiểu của người đọc làm nên một văn bản cụ thể, duy nhất (unique particularity) [textuality, từ Wikipedia]. Trong lí thuyết của mình, O’Neill đưa ra đến 4 cấp độ: văn bản – bối cảnh và tác giả - người đọc [38, 117]. James Phelan quan tâm đến người đọc trừu tượng mà ông gọi là người nghe chuyện (narratee) trong khi Peter Rabinowitz nhấn mạnh rằng truyện kể hiện lên thông qua sự chú ý của người đọc đến một số tình tiết nhất định, từ đó lôi kéo sự diễn giải đối với những sự kiện mà người đọc cho là quan trọng và cuối cùng là sự kết nối khác nhau các mảnh tự sự đối với mỗi người đọc khác nhau. Cả Peter Rabinowitz, Monika Fludernik và Hans Robert Jauss đều xem động lực, căn nguyên để nhận dạng văn bản truyện kể là kì vọng của người đọc (reader’s expectation) [38, 124-161-172]. Đặc biệt, Monika Fludernik và David Herman nhấn mạnh rằng hạt nhân của truyện kể (David Herman dùng khái niệm mã kịch bản (script)) là “một sự kì vọng hướng đến một chuỗi (sequence) cụ thể của một loạt sự kiện (series events)” [38, 167] mà việc xác định chuỗi này lại liên quan đến việc đối chiếu với khung nhận thức trong kinh nghiệm của người đọc, do đó cách nhìn nhận này đã đưa người đọc lên vị trí cao hơn văn bản: chính người đọc quyết định đâu là câu chuyện, đâu là truyện kể. Tính chủ quan của người đọc và tính cụ thể của bối cảnh trong việc xác định văn bản tự sự thậm chí được John Hillis Miller gọi là “đạo đức đúng đắn của việc đọc” (true ethic of reading) [38, 127]. * Tóm lại có thể nhận thấy các định nghĩa trên chủ yếu phân kì thành hai loại ứng với hai chặng: nhấn mạnh vào văn bản và nhấn mạnh vào bối cảnh, người đọc. Tuy nhiên, dễ thấy các cách đọc văn bản ở loại thứ hai còn nhiều khái 11
  17. niệm có tính mơ hồ và giữa các lí thuyết gia chưa đạt đến sự đồng thuận đủ để tạo thành một hệ thống thống nhất và tương đối rõ ràng như tự sự học cấu trúc nên chúng tôi quyết định triển khai bài nghiên cứu của mình dựa trên cách hiểu thứ nhất về văn bản truyện kể sau đó tích hợp một số quan niệm của tự sự học hậu cổ điển. Nói như Luc Herman: “Cho đến nay, từ vựng và phương pháp luận của hậu hiện đại vẫn chưa được hệ thống hóa đủ để đảm bảo từ bỏ hoàn toàn các thực hành cấu trúc. Một sự kết hợp của hệ thống hóa cổ điển và tương đối hóa hậu hiện đại dường như là cách tiếp cận tốt nhất ngay bây giờ.6 [38, 118]. Do đó chúng tôi quyết định sử dụng bộ “tổng phổ” khái niệm của Luc Herman, được tạo thành từ việc tích hợp và sắp xếp các khái niệm công cụ của các nhà cấu trúc luận để tiến hành phân tích tác phẩm của Trần Thị NgH. Có một vấn đề cần làm rõ trong cách tiến hành khảo sát tác phẩm của chúng tôi: Nói rằng áp dụng các khái niệm công cụ thuộc tự sự học cấu trúc do Luc Herman tổng hợp từ các lí thuyết gia tự sự học nhưng định hướng nghiên cứu của chúng tôi vẫn là hướng đến những “thể nghiệm”, tức là đặt ra vấn đề sai khác trong khái niệm tự sự học cấu trúc với thực tế sáng tác của Trần Thị NgH và sai khác giữa sáng tác của Trần Thị NgH với tác phẩm của các nhà văn khác. Tuy nhiên, vì giới hạn thời gian, chúng tôi không thể đưa ra một so sánh rộng sáng tác của Trần Thị NgH với tổng thể các tác giả cùng thời, do đó phương diện thứ nhất vẫn chiếm ưu thế. Đây là hạn chế mà chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục nếu có cơ hội quay lại đề tài này. Vì thế tuy tổ chức bố cục khoá luận theo trật tự các vấn đề tự sự học (story – narrative – narrating) nhưng trong mỗi chương, chúng tôi chỉ hướng đến nghiên cứu, khảo sát, phân tích các phương diện trong tập Ác tính mà người viết cho rằng chứa đựng ít nhiều những thể nghiệm hình thức tự sự đáng ghi nhận. 0.4.2. Khung khái niệm tự sự học cấu trúc – một tổng hợp của Luc Herman 6 “So far, the vocabulary and methodology of postmodern narratology have not been systematized enough to warrant abandoning structuralist practices altogether. A combination of classical systematization and postmodern relativization appears to be the best approach right now.” 12
  18. Đối với các nhà cấu trúc luận, các quan niệm tuy có chỗ khác nhau nhưng đều gặp nhau ở điểm chung là xem văn bản tự sự luôn bao gồm một chuỗi sự kiện được kết nối với nhau và được ai đó kể lại. Chuỗi sự kiện, khi chưa được kể, mang tính trừu tượng và tuyến tính, là câu chuyện (story). Sự kết nối, sắp xếp, tổ chức các sự kiện tạo thành văn bản trần thuật (narrative). Cuối cùng, việc trình bày câu chuyện trong văn bản trần thuật là hành động kể (narration). Luc Herman và Bart Vervaeck đã hệ thống hoá các cấp độ này trong một bảng biểu mà từ quan điểm của mình, chúng tôi nhận thấy là khá rõ ràng và bao quát: Luc Herman, Genette Rimmon-Kenan Mieke Bal Bart Vervaeck STORY histoire story fabula NARRATIVE récit text story NARRATION narration narration text Từ mô hình này, hai nhà nghiên cứu tổng hợp thành tựu của các nhà nghiên cứu tự sự học trước đó để tạo nên một hệ thống khái niệm tương đối dày dặn.7 Điều chúng tôi đánh giá cao ở bảng tổng hợp này là việc khớp nối khái niệm của các nhà nghiên cứu khác nhau thành một hệ thống tương đối chứ không đơn giản là sự tập hợp. Dễ thấy ở từng cấp độ tự sự, từng nhóm khái niệm thường thuộc riêng về một nhà lí thuyết nào đó. Chẳng hạn, sự kiện và các khái niệm liên quan được lấy từ lí thuyết của Roland Barthes, khái niệm công cụ khảo sát thời gian trần thuật lấy từ công trình Diễn ngôn trần thuật của Genette, các vấn đề về người kể, tiêu điểm thì lấy từ quan niệm của Rimmon Kenan, Bal Mieke… Tuy mỗi người mỗi khác song khi sắp đặt vào hệ thống lại tương hợp được với nhau và nhất là không xảy ra tình trạng mâu thuẫn giữa các khái niệm. Chúng tôi tin rằng với khung khái niệm này, ta hoàn toàn có thể áp dụng để khai thác một cách triệt để những thể nghiệm trong sáng tác của bất cứ nhà văn nào, không riêng gì Trần Thị NgH. Tuy nhiên, (xin được nhấn mạnh lại) công trình của chúng tôi không phải là một minh hoạ cho bảng tổng hợp của Luc Herman, nên ở mỗi cấp độ tự sự, 7 Xem phụ lục 1 13
  19. chúng tôi chỉ xin chọn một, một vài yếu tố mà trong sáng tác của Trần Thị NgH, theo chúng tôi, là những thể nghiệm tương đối đặc biệt. Riêng ở phương diện kể chuyện (narration), người viết nhận thấy cách kể chuyện của Trần Thị NgH chứa đựng nhiều yếu tố hậu hiện đại. Do đó, chúng tôi quyết định ở phương diện kể chuyện, sẽ tập trung phân tích những yếu tố hậu hiện đại như cách tổ chức các “cấp độ” hiện thực, giải thể những nỗ lực kiến tạo ý nghĩa… 0.5. Phương pháp nghiên cứu Trong công trình này, chúng tôi sử dụng phương pháp phân tích là chủ yếu. Người viết khảo sát và phân tích các biểu hiện thể nghiệm trong truyện ngắn của Trần Thị NgH thông qua sự vận dụng các khái niệm tự sự học như một hệ thống. Đối với chúng tôi, vì giới hạn thời gian và khối lượng tác phẩm có thể khảo sát nên thể nghiệm mà chúng tôi khai thác trong truyện ngắn của Trần Thị NgH được đặt ra dựa trên nền tảng lí thuyết chứ không phải thông qua so sánh, đối chiếu trên diện rộng. Bắt đầu từ những trường hợp ít gặp, cá biệt trong nội hàm các khái niệm lí thuyết tự sự học, chúng tôi phân tích để chứng minh rằng tác phẩm của Trần Thị NgH có những kiểu ít gặp, những thể nghiệm mới trong hình thức tự sự.8 Phương pháp thống kê cũng được chúng tôi sử dụng, đặc biệt là trong trường hợp khảo sát hàng loạt yếu tố không gian, thời gian trong cả tập truyện ngắn; thống kê kết hợp phân tích để đưa ra mô hình không-thời gian trong truyện ngắn của Trần Thị NgH. 0.6. Đóng góp của khoá luận 0.6.1. Phương diện lí thuyết: Bước đầu giới thiệu một hệ thống khái niệm công cụ của tự sự học và phân tích sâu một số khái niệm mà theo người viết vẫn còn nhiều tranh luận. 0.6.2. Phương diện thực tiễn tác phẩm: Bước đầu phân tích những thể nghiệm tự sự học trong truyện ngắn của một tác giả đương đại cụ thể. 8 “Mới” ở đây là mới so với lí thuyết truyền thống và truyện ngắn Việt Nam đương đại nói chung. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lấy mới so với lí thuyết làm trục chính vì người viết chưa thể khảo sát bao quát được truyện ngắn Việt Nam đương đại. 14
  20. 0.7. Bố cục khoá luận CHƯƠNG 1: NHỮNG THỂ NGHIỆM SỰ KIỆN VÀ BỐI CẢNH TRONG ÁC TÍNH (Từ trang 18 đến trang 40) Trong phần này, chúng tôi khảo cả hai yếu tố có những thể nghiệm mới trong truyện ngắn Trần Thị NgH, cả hai đều thuộc cấp độ câu chuyện (story) là sự kiện (event) và bối cảnh/phối cảnh (setting). CHƯƠNG 2: THỂ NGHIỆM THỜI GIAN TRẦN THUẬT VÀ THẾ GIỚI NHÂN VẬT DỊ THƯỜNG TRONG ÁC TÍNH (Từ trang 41 đến trang 58) Trong phần này chúng tôi sẽ tập trung tìm hiểu những điểm đặc biệt trong cách bố trí thời gian trần thuật và cách thức xây dựng nhân vật dị thường trong một số truyện ngắn của tập Ác tính. CHƯƠNG 3: THỂ NGHIỆM DIỄN NGÔN TỰ SỰ TRONG ÁC TÍNH (Từ trang 59 đến trang 82) Phần này, chúng tôi phân tích những yếu tố hậu hiện đại xuất hiện trong sáng tác của Trần Thị NgH như truyện kể vượt khung, truyện kể siêu hư cấu, sự mơ hồ bất tín giữa cái tưởng tượng và cái thực trong thế giới hư cấu… 15
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2